QĐND - Thứ Bẩy, 19/11/2011, 17:48 (GMT+7)
QĐND - Không học qua trường quân sự nào, năm 1945 với quân hàm đại úy, Bi-gia (Bigeard) đã đến Việt Nam, được cử lên Tây Bắc thành lập “xứ Thái” trong 18 tháng, sau đó được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dù, bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ, trở về Pháp trước khi nghỉ hưu là Đại tướng. Năm 1994 Bi-gia có đến thăm lại Điện Biên Phủ. Ông là tác giả cuốn sách “Cuộc chiến tranh Đông Dương của tôi”, NXB Hachette, 1994.
Sau đây là những trang nhật ký của Bi-gia trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
Bìa cuốn sách “Bi-gia – cuộc chiến Đông Dương của tôi” |
Ngày 15-10-1952, 21 giờ
Đại úy Tua-rê (Tourret), phó của tôi (Bigeard) nhảy vào phòng ngủ: “Báo động! Ngày mai chúng ta phải nhảy dù xuống Tây Bắc”. Tôi tìm hiểu tình hình qua sở chỉ huy của Trung tá Đuy-cuốc-nô (Ducourneau) – chỉ huy lính nhảy dù toàn Bắc Kỳ. “Bigeard này, quân Việt đang mở cuộc tấn công lớn vào Nghĩa Lộ, cậu sẽ nhảy dù xuống Tú Lệ, cách Nghĩa Lộ 40km. Nhiệm vụ: “Giữ vững đồn Tú Lệ, tăng cường cho Nghĩa Lộ hoặc Gia Hội”… Các hạ sĩ quan được lệnh rời khỏi phòng chiếu phim, quán “ba”. Suốt đêm, chúng tôi chuẩn bị khí tài và nghiên cứu trên bản đồ.
5 giờ sáng hôm sau, tất cả đã có mặt đầy đủ ở sân bay, lưng thồ những ba lô chất đầy, to, nặng. Đây là lần đầu chúng tôi nhảy dù xuống Tây Bắc. Trời nắng nóng. Sau 3 giờ chờ đợi thời tiết tốt, cuối cùng là khởi hành. Cần đến 30 chiếc máy bay Đa-cô-ta để rải cho hết 700 người của tôi. Vì thiếu máy bay, nên phải “đi” 2 chuyến…
Ngày 16-10, 12 giờ
Tôi lao ra khoảng không. Các dù khác đã nở hoa một cách ngoạn mục. Có hai lính chỉ mở được dù khi cách mặt đất 30m. Còn lại, Tiểu đoàn 6 của tôi đã kết thúc chuyến nhảy tốt. Tập hợp tại vị trí đồn Tú Lệ, mọi người gấp dù… vì cần tiết kiệm…
17 giờ
Máy bay thả khí tài, quân cụ, dây thép gai, thức ăn… giúp chúng tôi có thể lập một đồn lính “truyền thống, cổ điển”: Một hàng rào tre, một số hầm hố trú ẩn… Tôi nhìn thấy Tú Lệ có hai điểm cao: 868 và 831m. Tôi phân công cho hai sĩ quan chốt giữ 868 và 831. Một sĩ quan được giữ lại bên cạnh tôi thay chỉ huy sở với điện đài ra-đi-ô. Suốt đêm, binh lính đào hố, chôn cọc, rải dây thép gai, bố trí hỏa lực… Ban ngày lại tiếp tục củng cố, đổ mồ hôi còn hơn đổ máu. Tôi dự kiến các phương án tác chiến. Liên lạc vô tuyến điện với Gia Hội và Nghĩa Lộ ổn định. Tất cả đều tốt đẹp. Tôi có thể hoàn thành lời giao ước…
Sơ đồ cuộc hành quân rút lui của Tiểu đoàn 6 quân nhảy dù Bi-gia – từ ngày 16 đến ngày 26-10-1952. (1) sông Đà; (2) Đường 41 |
NGHĨA LỘ THẤT THỦ, MỌI VIỆC TRỞ NÊN LỘN XỘN
Đêm ngày 17 rạng 18 tháng 10(1): Phía đông có vầng sáng. Không nghe được gì, nhưng thấy rõ các ánh chớp, những đường đạn chỉ đường. Đó là đồn Nghĩa Lộ đang bị tấn công. Mong sao các bạn tôi trụ được. Mất liên lạc ra-đi-ô. Không thể làm gì được. Một đêm chờ đợi. Gia Hội có trả lời nhưng chẳng có tin tức gì.
Ngày 18-10, 10 giờ
Một điện ngắn của Hà Nội: “Nghĩa Lộ đã thất thủ”(2). Gia Hội gọi tôi ngay sau đó cho biết quân Việt đang bao vây đồn, nguy hiểm cho họ.
21 giờ
Sở chỉ huy của Bộ chỉ huy Bắc kỳ ra lệnh cho Gia Hội chạy về Tú Lệ. Rối loạn… Cuộc tấn công của quân Việt đã chấm hết cuộc hành trình của chúng tôi. Cách đây 2 ngày. Còn đâu nhiệm vụ đẹp đẽ mà tôi được giao? Một đêm không chợp mắt trôi qua. Sáng sớm, tôi cử người đi đón quân của Gia Hội. Ít phút sau có báo cáo liên lạc điện báo: “Trước mặt, đông người. Có lẽ là người của ta”. Nhưng đó lại là quân Việt. Một trận chạm trán tao ngộ nghiêm chỉnh…
Ngày 19-10, 21 giờ
Tướng Đờ Li-na-rét (De Linares) hạ lệnh cho tôi rời Tú Lệ chạy về phía sông Đà. Không được hỏi lại. Chúng tôi vẫn chờ Gia Hội. Nếu tôi bỏ rơi họ, họ sẽ bị sát hại. Tôi tin vào sự vững chắc của đồn Tú Lệ. Đêm đã xuống. Đã 4 ngày chưa được chợp mắt. Bỗng phía đông có ánh đuốc. Đúng là họ - Gia Hội rồi. Tôi đoán sau lưng họ là quân Việt.
Ngày 20-10, 2 giờ sáng
Màn đêm bị các luồng đạn xé rách tan hoang. Quân Việt tấn công. Chúng tôi trả lời họ đàng hoàng. Liên thanh, súng cối, lựu đạn, súng tự động…
4 giờ sáng
Trận địa yên lặng. Rồi quân Việt lại tấn công ào ào xông lên… Bình minh, trời đã sáng, chúng tôi đếm được 96 xác trên các hàng rào dây thép gai.
12 giờ
Có điện mới của Hà Nội. Trời mù, máy bay không thể hạ cánh. Chúng tôi chôn cất người chết của chúng tôi, đặt các thương binh vào võng dù, cáng… Tôi ra lệnh rút về phía đèo Cao Pha (Khau Pha). Cuộc hành quân bắt đầu. Phải vượt qua 100 ki-lô-mét đường rừng, những đèo núi cao 1.500 mét(3) và đã 4 ngày không được ngủ…
17 giờ
Trời mưa, chúng tôi trượt trên những sườn núi, đồ đạc thấm nước quá nặng. Bỗng từ phía sau truyền lên: “Quân Việt!”. Tôi hạ lệnh: “Ném các vật nặng, vượt nhanh qua đèo”. Mục đích: “Giảm thiệt hại về người”.
Nửa đêm
Đại đội cuối cùng đã tới. Đành phải để lại người bị thương. Chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi một lát. Bố trí phòng ngự đỉnh đèo. Quân Việt không thể làm gì được trong lúc này. 3 giờ yên ổn. Phần đông binh lính của tôi đã quá mệt, không thể đi thêm một bước nữa…
Quân của Bi-gia tiến về phía sông Đà ngày 22-10-1952. Ảnh tư liệu |
QUÂN VIỆT Ở NGAY PHÍA SAU
Ngày 21-10, 3 giờ sáng
Phải đi thôi. Tôi tổ chức cuộc rút: Một đơn vị đi sau đón và chặn quân Việt và sẽ rút; một đơn vị khác giấu mình xa hơn nữa, phục kích nổ súng nếu có quân Việt đến. Làm như vậy để làm chậm bước đi của đối phương. Chúng tôi không thể mang theo các bạn bị thương. Chúng tôi đến Mường Chen(4). Mất 8 giờ để chỉ được 15km, mệt mỏi và quân Việt phía sau.
Đồn Mường Chen có 40 lính Thái do chuẩn úy Pê-rôn (Peyrol) chỉ huy. Họ đã biết chúng tôi sẽ đến và cho chúng tôi một bữa ăn nóng. Quân Việt tiếp tục đuổi theo phía sau. Không thể kháng cự tại đây… sinh mạng của hàng trăm con người đang ở trong tay tôi. Tôi không có quyền được mềm yếu. Cuối cùng tôi lệnh: “Tiếp tục rút lui đến It-ong và phải đi trong 14 giờ”.
Pê-rôn ở lại, đối mặt với quân Việt, chặn bước chân của họ càng lâu càng tốt, trong điều kiện có được. Pê-rôn nhận lời ngay, thật là một con người đáng kính trọng. Anh ta hiểu biết kỹ xứ Thái. Chúng tôi được người Thái dẫn đường đi theo lối mòn mà quân Việt không biết.
Ngày 22-10, 19 giờ
Chúng tôi như những con ma, những người máy. Cố một bước, lại bước nữa… Phía sau, Pê-rôn đã nổ súng trong một cuộc chiến tuyệt vọng. Tôi điện cho các sĩ quan: “Nếu tình hình tốt, không cần liên lạc ra-đi-ô”. Chúng tôi vượt qua được vòng vây quân Việt. Họ tưởng là quân mình. Không thể tưởng tượng được. 500 con người giữa một tiểu đoàn địch… Vẫn phải đi. Nhiều người kiệt sức và đã chết. Không kịp một lời cầu nguyện, chỉ kịp lăn họ xuống hố. Đã 48 giờ chỉ có đi và chiến đấu. Một máy bay B-26 bay trên đầu chúng tôi, báo “đồn Mường Chen đã bị tiêu diệt”. Chỉ cần Pê-rôn thoát được!
Ngày 23-10, 14 giờ
Chúng tôi đến It-ong. Có một tiểu đoàn (lính ngụy-ND) đang chờ ở đấy để bảo vệ cuộc rút lui của chúng tôi. Cuối cùng chúng tôi cũng được nghỉ ngơi một ít.
20 giờ
Quân Việt lại đến. Tiểu đoàn lính bảo vệ chúng tôi bị tan rã. Phải tiếp tục đi thôi. Chúng tôi chẳng nghĩ gì hết ngoài một ý tưởng: đứng vững và tiếp tục đi. Chúng tôi đã vứt đi mọi vũ khí nặng: súng cối, điện đài. Chúng tôi cũng phải bỏ lại thương binh. Tất cả chỉ còn là “rút lui”…
Ngày 24-10, 2 giờ sáng
Sông Đà! Mãi mãi là một con sông tuyệt vời! Lính Lê Dương và thuyền bè đã có sẵn ở đấy! Chúng tôi qua sông từng nhóm nhỏ. Tôi đi chuyến cuối cùng. Một lực lượng chiến đấu cần thiết để chờ đón chúng tôi cũng đã được bố trí. Chúng tôi đã được cứu sống!
Ngày 24-10, buổi sáng
Chúng tôi đã đến Ta Bu. Chúng tôi được nghỉ ngơi, được các bác sĩ, y tá chăm sóc. Một chiếc máy bay Mo-ran (Morane) đưa tôi đến Nà Sản(5). Tôi được gặp tướng Đờ Li-na-rét…
Họ tên của tôi và Tiểu đoàn 6 quân nhảy dù thuộc địa chạy dài cùng một lúc trên các trang báo Pháp…
Sách “60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam” (NXB Quân đội nhân dân, 2004) trang 128 viết: “Từ 14-10 đến 10-12-1952, chiến dịch Tây Bắc, bộ đội ta loại khỏi vòng chiến đấu 13.800 tên địch, đánh bại âm mưu củng cố “xứ Thái”, “xứ Mường”, “xứ Nùng tự trị”, giải phóng 25.000km2 với 25 vạn dân Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía tây Yên Bái, nối liền Tây Bắc với Việt Bắc”. |
Thủy Trường (lược dịch)
(1) Đây là đợt 1 của chiến dịch Tây Bắc
(2) Theo sách “Đại đoàn 308, Quân Tiên Phong, ký sự hình ảnh”, NXB Lao Động, 2009, trang 57 cho biết: “Đến 20 giờ ngày 17-10-1952, Trung đoàn 102 tiêu diệt hoàn toàn Pú Chạng, chỉ huy sở Phân khu Nghĩa Lộ…”
(3) Theo “Tập bản đồ giao thông đường bộ Việt Nam”, NXB Bản đồ 2011, dãy Khau Pha cao 2088m.
(4) Theo “Tập bản đồ…”, sđd, tên Việt là Mường Chiến
(5) Theo Bi-gia “Ngày 25-12-1952, Tiểu đoàn của ông nhảy dù xuống bản Xom, cách Nà Sản 30km. Tháng 8-1953, Nà Sản rút quân”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét