Từ ngày đó, ngoài nhiệm vụ Chánh Văn phòng Bộ, tôi phải đọc các thư, điện của bên ngoài gửi Hồ Chủ tịch và báo cáo với Người. Nếu thấy cần trả lời thì dự thảo nội dung trả lời. Các thư gửi Bác phần nhiều từ Mỹ, Anh, Pháp, Bắc Âu, Đức, Australia, một số từ châu Phi. Nội dung đều lên án Mỹ ném bom miền Bắc, đưa quân Mỹ vào miền Nam, kêu gọi chấm dứt chiến tranh, đồng thời bày tỏ cảm tình với nhân dân VN không chống nổi các cuộc tấn công của Mỹ, siêu cường có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới. Thậm chí, có một người trích cả một đoạn trong Kinh thánh và gửi 2-3 lần cho Bác.
Đặc biệt, có một bức thư mà không bao giờ tôi quên: Bức thư của bà Mary Wheeldon. Bà là người Anh sinh sống ở Australia, chồng qua đời, có một con trai tên John. Bà không ở tổ chức nào, nhưng ủng hộ Việt Nam tích cực. Bà thường mang cờ của Mặt trận giải phóng, còn anh John mang cờ VNDCCH tham gia các cuộc biểu tình phản đối Mỹ. Khi đang sống ở Australia, thấy Chính phủ Holt tuyên bố toàn thể thanh niên 20 tuổi phải đăng ký nhập ngũ đi chiến trường Việt Nam, hai mẹ con bà trở về Anh. Bà cho biết, con bà khâm phục Bác Hồ, nên John may ngay bộ quần áo giống của Bác Hồ mặc trong ảnh và gọi đó là: “Bộ đồng phục cách mạng của Bác Hồ”.
Bức thư của bà dài nên tôi chỉ trích ra đây một đoạn: “Toàn thế giới đều biết Mỹ là kẻ xâm lược, và chúng tôi đã tìm hết cách để chứng minh điều đó cho tất cả những ai gặp chúng tôi. Sẽ đến lúc Chúa trừng phạt Chính phủ Mỹ về tất cả những hành động như ma quỷ, tra tấn, giết chóc, phá hoại nhà cửa, nhà thờ, trường học, đền chùa và các dinh thự khác. Máu của những trẻ em vô tội đã chết ngay trong bụng mẹ vì mẹ bị giết một cách tàn nhẫn không thể nào tránh khỏi sự xét xử của Chúa.
… Nhân dân Việt Nam thật anh hùng. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm! Cầu Chúa ban phước lành cho toàn thể các vị và làm cho cả nước Việt Nam được thống nhất để nhân dân Việt Nam được hưởng hòa bình và sự phồn vinh mà nhân dân VN xứng đáng được hưởng”.
Cả bà Mary và John đều ký tên vào bức thư.
Trở về London, mỗi tuần bà ủng hộ Việt Nam 5 bảng Anh 9 Livre. Năm 1967, bà tặng 13 bảng Anh (với ý nghĩa kỷ niệm 13 năm chiến thắng Điện Biên Phủ). Đến ngày 19/5, bà gửi thư chúc mừng Bác và tặng 19 bảng Anh. Năm 1968, bà gửi thiếp chúc mừng Bác 78 tuổi, đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam và chúc nhân dân Việt Nam giành thắng lợi cuối cùng và độc lập. Bác Hồ đã chỉ thị cho tôi làm điện cảm ơn bà với danh nghĩa Văn phòng Phủ Chủ tịch.
Câu chuyện thư trả lời bà Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi cũng thật vui. Đầu năm 1966, bà Indira, con gái Thủ tướng Nerhu, được bầu làm Thủ tướng nước CH Ấn Độ. Hồi Thủ tướng Nerhu thăm Việt Nam, bà được đi theo và được Bác nhận làm cháu.
Trong thư, bà ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nêu trách nhiệm nặng nề của bà và mong muốn đặt những quan hệ mới giữa hai nước. Đầu thư, bà viết: “Thưa Bác Hồ thân mến! Trong những năm qua, quan hệ giữa hai nước chúng ta hình như ở mức độ hình thức, nên tôi nghĩ nhân dịp này, cần đặt những quan hệ mới. Bác đã vui lòng gọi tôi là cháu. Chính là với tư cách đó, mà cháu viết thư này cho Bác”.
Bản dự thảo thư trả lời được Bác sửa chỗ này chỗ kia, nhưng nói chung là được Bác chấp nhận. Chỗ lúng túng của chúng tôi là Bác nên xưng hô thế nào, gọi bà ấy là Thủ tướng hay là cháu? Chúng tôi bàn với nhau, sau viết là: “Cháu Indira Gandhi thân mến, Bác sung sướng thấy cháu vẫn giữ những tình cảm thân thiết đối với Bác. Bác vẫn giữ ấn tượng sâu sắc về nhân dân và đất nước Ấn Độ và luôn mong muốn quan hệ giữa hai nước chúng ta phát triển trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình”.
Khi chúng tôi trình dự thảo thư, Bác bỏ ngay cụm từ mở đầu “Cháu Indira Gandhi thân mến” và đề là “Kính thưa bà Indira Gandhi, Thủ tướng nước Ấn Độ”. Và sửa câu đầu như sau: “Tôi cảm ơn Thủ tướng vẫn giữ những tình cảm thân thiết bác cháu giữa chúng ta và luôn mong muốn giữ quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình”. Bác không gọi bà Indira là “cháu”, nhưng lại nói đến “tình cảm bác cháu chúng ta”, thì vẫn đủ nghĩa, kín đáo và lễ độ, thật tài tình!
Tôi giải quyết vấn đề các thư đối ngoại của Bác nói chung là suôn sẻ, chỉ có một lần sơ suất nhỏ. Lần đó, cụ mục sư Mỹ Muste, 82 tuổi, người đứng đầu phong trào hòa bình ở Mỹ, đến Việt Nam với danh nghĩa “Những người tình nguyện vì hòa bình”. Cụ được Hồ Chủ tịch tiếp rất thân tình. Bác cảm ơn cụ từ ngàn dặm xa xôi bỏ công đến thăm Việt Nam đang bị xâm lược. Ít lâu sau khi về nước, cụ Muste qua đời. Tôi thảo bức điện chia buồn với gia đình cụ. Bức điện đó bằng tiếng Anh được đưa Bác duyệt. Sau khi gửi điện đi rồi, tôi mới sực nhớ chưa đưa Bác bản dịch tiếng Việt để đăng báo. Hôm sau, tôi sang làm việc với Bác, Bác phê bình không đưa Bác duyệt và phê bình dùng chữ sai. Bác nói: “Các chú dùng chữ gửi gia đình những lời chia buồn sâu sắc” là không ổn. Gia đình là chỉ một cộng đồng lớn, đáng lẽ phải viết gửi “gia quyến” là những người gần gũi nhất, tiếng Pháp là “les proches”. Vạn tạ Bác đã cho chúng con một bài học về tính chính xác trong văn chương và cả một bài học về từ ngữ tiếng Việt.
Trong thời gian làm văn thư đối ngoại, có lần tôi làm phiên dịch cho Bác. Tháng 3/1968, khi Mỹ mở rộng chiến tranh, đưa quân Mỹ vào miền Nam và tiến hành chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, ĐCS Pháp cử một đoàn đại biểu sang Hà Nội động viên nhân dân Việt Nam. Đoàn do đồng chí Jacques Duclos, Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu. Duclos và Nguyễn Ái Quốc là hai người bạn thân quen biết nhau từ Đại hội Tua năm 1920 và từ đó thường gặp gỡ, trao đổi với nhau về các vấn đề chính trị. Hồ Chủ tịch rất cảm động được gặp lại Duclos. Tôi được dự với tư cách phiên dịch.
Bác phát biểu vui vẻ, ngắn gọn chào mừng đoàn, đặc biệt nhắc đến thời kỳ hoạt động ở Pháp và nhắc đến tình cảm sâu sắc đối với các đồng chí lãnh đạo ĐCS Pháp và nhiều đồng chí khác, đó là những năm tháng không thể nào quên. Bác nói đó là truyền thống của người Việt Nam: Cây đa, bến cũ, con đò năm xưa.
Đến đây các vị khách Việt Nam vỗ tay rầm rầm vì câu kết hợp thời và tình tứ làm sao! Anh Tố Hữu gọi: Anh Lợi đâu? Tôi không giật mình về sự thúc giục của anh vì chính tôi đang chuẩn bị dịch, nói đúng ra đang lúng túng không biết dịch thế nào cho hay. Ngay lúc đó, Bác đọc lại: Cây đa, bến cũ, con đò năm xưa. Rồi tự dịch: Le banian, l’embarcadère, le bac de l’année passée. Bấy giờ, đến lượt đồng chí Duclos và các đồng chí Pháp nồng nhiệt vỗ tay, tỏ ra hiểu được cái sâu sắc, cái đẹp trong câu thơ, cái nhân hậu của con người Việt Nam. Hú vía! Bác tâm lý lắm, đoán biết rằng tôi tài giỏi gì cũng không thể dịch ngay, dịch hay câu thơ đó.
Tôi làm văn thư đối ngoại của Bác đến đầu năm 1968, rồi đi công tác châu Phi. Hơn hai năm được làm với Bác thật là một vinh dự lớn đối với tôi. Thời gian hai năm là quá ngắn, nhưng vinh dự là cả cuộc đời.
Lưu Văn Lợi, Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao
* Trích từ hồi ký « Gió bụi đường hoa » của tác giả Lưu Văn Lợi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét