Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

HỎI ĐÁP VỀ HUẤN THỊ “Dignitas Personae: Về một số vấn đề Đạo đức Sinh học” (linh mục Nguyễn Anh Tuấn)


Hỏi đáp về Huấn thị Dignitas Personae
Tìm hiểu Giáo huấn của Giáo Hội:
1. Huấn thị này thuộc loại văn kiện nào?
Đây là một “huấn thị” của cơ quan cao nhất của Giáo hội Công Giáo về giáo thuyết, Bộ Giáo Lý Đức Tin của Tòa Thánh Vatican. Huấn thị nhằm áp dụng những nguyên tắc luân lý ngàn đời vào những vấn đề và hoàn cảnh mới phát sinh từ lãnh vực công nghệ sinh học. Huấn thị không tự tuyên bố như là một tín điều mới có tính bất khả ngộ, nhưng đã được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI chuẩn nhận và có thẩm quyền của ngài. Như hầu hết các tài liệu giáo huấn của Giáo hội, những phán quyết luân lý của Huấn thị này thuộc về “Quyền Giáo huấn thông thường phổ quát” của Giáo hội. Những người Công giáo được mời gọi học hỏi với “lòng vâng phục kính cẩn” để tâm thức được thấm nhuần bởi những giáo huấn như thế (GLHTCG, 892).
2. Tựa đề của Huấn thị có nghĩa gì?
Tựa đề tiếng la tinh Dignitas Personae có nghĩa là “phẩm giá của con người”. Mọi kết luận của tài liệu đều dựa trên phẩm giá vốn có của mọi người và của từng người, kể từ lúc thụ thai cho đến lúc chết với cái chết tự nhiên, và trên nhu cầu phẩm giá đó phải được người ta kính trọng từ phía mọi thứ công nghệ và mọi hoạt động con người. Đang khi Giáo hội phải nêu lên những phán định tiêu cực về một số lạm dụng của kỹ thuật công nghệ, Huấn thị giải thích rằng “đằng sau mỗi tiếng “không” từ chối chính là một tiếng “vâng” tuyệt vời nhìn nhận phẩm giá và giá trị bất khả nhượng của  mỗi hữu thể nhân linh, độc đáo và duy nhất, được kêu gọi đi vào hiện hữu” (Dignitas Personae, 37).
3. Giáo huấn có từng được nói tới trong các tài liệu trước đây của Giáo hội không?
Có. Huấn thị này là một tiếp nối của “Donum Vitae: huấn thị về Tôn trọng Sự Sống con người từ Cội nguồn và về Phẩm giá của việc Truyền sinh”. Huấn thị Donum Vitae (Tặng phẩm Sự Sống) được Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành năm 1987 nói về sự thụ tinh con người “trong ống nghiệm” và về những lạm dụng cũng như những can thiệp tùy tiện trên sự sống con người trong các giai đoạn đầu tiên mà công nghệ này có thể tiến hành. Những phán quyết khác trong tài liệu – như về kỹ thuật nhân bản trên con người (human cloning), nghiên cứu tế bào gốc từ phôi và tế bào gốc từ người lớn, công nghệ di truyền, các dược phẩm và dụng cụ ngăn cản sự đậu thai, v.v… – đã xác nhận và nêu lên những gì đã được tuyên bố trong các diễn văn hay trong các tài liệu khác của Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II hoặc của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, hoặc trong những tham luận của Tòa Thánh tại những diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc. Những năm gần đây các đề tài này cũng là chủ đề của các hội thảo và các tài liệu của Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về Sự Sống, một hội đồng cố vấn.
4. Tại sao Giáo Hội Công Giáo chống các kỹ thuật sinh sản như loại thụ tinh “trong ống nghiệm”?
Đứa bé được cưu mang trong sinh sản con người là một nhân vị, bình đẳng về phẩm giá với cha mẹ nó. Bởi thế em xứng đáng để được chào đời qua một hành vi của tình yêu vợ chồng đúng nghĩa và dấn thân. Những kỹ thuật nào trợ giúp các đôi vợ chồng kết hợp để sinh con thì tôn trọng phẩm giá đặc biệt đó của nhân vị. Những kỹ thuật nào thay thế việc đó bằng một tiến trình của kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm thì không tôn trọng phẩm giá ấy. Vấn đề luân lý càng trở nên nghiêm trọng khi người ta cố gắng đưa vào những giao tử (tinh trùng hoặc trứng) lấy từ những người ngoài cuộc (hôn nhân), khi nhờ đến một người phụ nữ khác mang thai, hoặc khi người ta thực hành “kiểm tra chất lượng” trên em bé như một sản phẩm đồ vật. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm như được tiến hành ngày nay tạo ra một tỷ lệ các phôi tử vong rất cao, và mở đường cho những lạm dụng xa hơn nữa như kỹ thuật bảo quản phôi đông lạnh và những thí nghiệm gây ra sự sống bị hủy diệt hàng loạt.
5. Những chủ đề nào trong tài liệu này chưa được đặc biệt nói đến trong các tài liệu trước đây?
Một số chủ đề rất mới được thảo luận ở đây lần đầu tiên. Một số đề nghị những phương pháp thay đổi kỹ thuật cho việc nhân bản con người sao cho để nó tạo ra những tế bào gốc từ phôi mà không phải là một phôi (ví dụ như “thay đổi nhân”). Điều đó về mặt đạo đức đòi phải được nghiên cứu kỹ hơn và rõ ràng hơn trước khi có thể được đem áp dụng trên con người, vì người ta buộc phải bảo đảm luôn luôn trong tiến trình là đã không tạo ra một con người mới và rồi lại đi hủy diệt nó. (Không cần phải thận trọng như thế nếu áp dụng cho một kỹ thuật mới hơn, sử dụng những nhân tố di truyền hay hóa học, để tái lập trình trực tiếp cho những tế bào người lớn bình thường đưa trở thành những “tế bào gốc có nhiều năng lực” với khả năng linh hoạt cao như các tế bào gốc từ phôi. Việc này dĩ nhiên không dùng đến một trứng hoặc tạo ra một phôi, và như thế không gây sự phản đối từ phía giới thần học Công giáo.) Những ý kiến về việc “nhận con nuôi” đối với những phôi đông lạnh bị bỏ rơi cũng tạo ra vấn đề, bởi lẽ Giáo hội chống việc sử dụng những giao tử hay phần thân thể của người khác ngoài giao ước hôn nhân để áp dụng cho sinh sản. Huấn thị nêu lên những điều cần phải cẩn trọng hay những vấn đề phát sinh từ những sáng kiến mới đó, nhưng không chính thức đưa ra những phán quyết dứt khoát chống lại chúng. Tài liệu của Tòa Thánh cũng đi sâu vào chi tiết hơn các tài liệu trước đây bằng cách nêu lên những quan ngại về luân lý về việc sử dụng công nghệ di truyền trên “các tế bào mầm” đối với con người, để chữa bệnh và nhất là để “mở rộng” hay sửa đổi những đặc tính di truyền của con người.
6. Những nhắc nhở hay phán quyết tiêu cực về những tiến triển như thế có cho thấy một thái độ ngờ vực đối với khoa công nghệ sinh học hiện đại hay không?
Ngược lại là đàng khác. Tài liệu nói rằng khi sử dụng những sức mạnh kỹ thuật mới đó con người “tham dự vào sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa” và con người hành động như “kẻ phục vụ các giá trị và cái đẹp bên trong của tạo thành”. Chính vì sức mạnh này mang trong mình một trách nhiệm rất lớn mà chúng ta phải không bao giờ được để xảy ra những lạm dụng kỹ thuật mà hạ thấp phẩm giá con người, nhưng trái lại phải luôn luôn phục vụ giá trị và phẩm giá của mỗi con người không loại trừ ai. Việc lạm dụng công nghệ di truyền có thể tạo ra những hình thức kỳ thị mới, kẻ yếu bị áp chế bởi người mạnh, tạo ra tình huống một số người lại điều khiển vận mệnh cuối cùng của những người khác, chẳng hạn như tạo ra rồi lại hủy đi những con người vì cái được cho là lợi ích của những người khác, tự tiện thao túng trên số phận con người để tạo ra những con người “ưu tuyển” hơn, hoặc từ chối những sinh linh ấy các quyền con người cơ bản nhất vì các em bé đã không thỏa mãn tiêu chuẩn cho một con người hoàn hảo của một ai đó. Bởi vì khoa học và kỹ thuật có một sức mạnh rất lớn để làm cả điều thiện lẫn điều ác, chúng phải được hướng dẫn bởi một nền đạo đức học đặt cơ sở trên phẩm giá con người.
Tháng 12 / 2008
Lm. Lu-y Nguyễn Anh Tuấn,
TTMV Tgp.Tp Hcm, chuyển ngữ



 
 
Lm Lu-y Nguyễn Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét