Hơn năm mươi năm qua rồi mà vẫn còn nhớ mãi những ngày tháng không thể nào quên của Bác Hồ: tháng 5-1948.Đó là những ngày Việt Bắc đang tưng bừng sau chiến thắng Thu - Đông 1947. Bác Hồ vui hơn và khỏe hơn sau gần 3 năm cùng với toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ với nhiều thắng lợi vẻ vang. Mở đầu tháng 5 năm ấy, đúng ngày mồng 1, Bác Hồ viết lời kêu gọi thi đua yêu nước: ''Cùng toàn thể đồng bào yêu quý, Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất. Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi, Kiến quốc nhất định thành công”. Ngày 5-5-1948, Bác viết Thư gửi Đội lão du kích huyện Yên Dũng, Bắc Giang, bày tỏ lòng thương tiếc bảy vị lão du kích đã hy sinh vì nước. Thay mặt Chính phủ, Bác biểu dương công trạng của các vị và nêu rõ: “Các cụ ấy đã hy sinh, nhưng lòng yêu nước, chí quật cường, tinh thần dũng cảm của các cụ sẽ ở trong lòng tất cả đồng bào, tất cả mọi người du kích. Và tiếng thơm của các cụ sẽ giai truyền với non sông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất và độc lập''. Càng đến ngày 19-5, cả nước sôi nổi phong trào thi đua lập thành tích chào mừng sinh nhật Bác Hồ. Thư, điện nhiều nơi gửi đến chúc thọ Bác. Đúng ngày 19-5, Bác viết một lá thư cảm ơn chung Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Cuối thư Bác viết: Đồng bào yêu mến tôi, chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy. Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, quyết cùng đồng bào tranh lại độc lập, thống nhất thật sự cho Tổ quốc, quyết cùng đồng bào ra sức làm thế nào cho con cháu chúng ta bây giờ và muôn đời về sau được sung sướng và tự do. Trước ngày sinh nhật lần thứ 58 mấy hôm, Bác nhận được thư của cụ Phùng Lục, một phụ lão Cứu quốc huyện Ứng Hòa, Hà Đông. Lời lẽ bức thư rất cảm động: ''Nhờ ơn Tổ quốc, năm nay tôi hưởng thọ 90 tuổi, theo cổ tục tất phải làm lễ thượng thọ. Nhưng trong lúc này, nước nhà có việc, nên tôi miễn sự tế lễ ăn uống, thành tâm đem món tiền 500 đồng kính dâng Chủ tịch để sung vào Quỹ kháng chiến toàn quốc. Ước mong món tiền nhỏ trên đây được thu nhận để giúp ích trong muôn một thì lòng già rất được hân hoan''. Trong thư phúc đáp, Bác viết: “Thưa cụ! Những vị Thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà. Trong ngày chúc thọ, cụ lại miễn sự tế lễ linh đình mà đem số tiền 500 đồng vào Quỹ kháng chiến. Như thế là cụ đã nêu cái gương hăng hái kháng chiến và cái gương sửa đổi cổ tục thực hành đời sống mới cho toàn thể đồng bào noi theo. Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe để kêu gọi con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc. Cháu lại kính gửi cụ lời chào thân ái và quyết thắng''. Thời gian này, Bác được báo cáo rằng thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn đang ráo riết dụ dỗ, lôi kéo giới trí thức đang tham gia kháng chiến trở lại vùng địch. Nhân dịp viết thư cho ông Vũ Trọng Khánh, Giám đốc Tư pháp Liên khu 10, chia buồn về việc bà cụ thân sinh ông Khánh mất, Bác động viên anh em trí thức trong cơ quan tư pháp nói riêng và anh em trí thức đang tham gia kháng chiến nói chung, sao cho xứng với nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người, xứng đáng với lòng tin của Chính phủ, xứng đáng với lịch sử, với đồng bào, với Tổ quốc. Cuối thư, Bác viết những lời tâm huyết: Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt sẽ truyền đến ngàn đời sau.., Chúng ta có tinh thần vững chắc thì ''Phú quý không dụ dỗ được ta, oai lực không dọa nạt được ta. Mà khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, việc gì chúng ta cũng làm được”. Tiếp đó, Bác viết thư gửi cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, kèm theo bản dự thảo lời điếu cụ Nguyễn Văn Tố. Thư viết: ''Tôi muốn có một bài truy điệu cụ Tố. Nhưng nhờ người viết thì không biết nhờ ai. Tự viết lấy thì viết không được, vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế. Vậy tôi cứ bạo dạn thảo ra đây, trình cụ xem. Nếu có thể sửa thì xin cụ sửa giùm. Nếu không thể sửa, thì ta làm văn xuôi vậy. Khi tôi thảo xong, đọc lại, nghe khá chướng tai. Vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt, cho nên cứ gửi để cụ xem''. Cuối bài văn tế cụ Tố của Bác có đoạn: “Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt. Với cụ, dân tộc mất một người chí sĩ, thế giới mất một người danh nho. Cho nên Chính phủ khôn xiết nỗi buồn rầu, đồng bào khôn xiết lòng thương tiếc… Tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh cụ mà hứa rằng. Từ đây, quốc dân ta đã đồng tâm, càng thêm đồng tâm Chính phủ ta đã kiên quyết, càng thêm kiên quyết Quyết trường kỳ kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn Quyết tranh thống nhất, độc lập cho nước nhà Nam Việt Để anh linh cụ và những liệt sĩ đã hy sinh đều vui sướng ở chốn suối vàng Và nền dân chủ cộng hòa của nước sẽ vững như vầng nhật nguyệt''. Từ ngày 20-5-1948, Bác bắt tay vào chuẩn bị bản báo cáo để đọc trước cuộc họp Hội đồng Chính phủ dự kiến vào ngày 27-5-1948. Với tác phong làm việc dân chủ, thực sự cầu thị, hễ có điều kiện là Bác tranh thủ ý kiến của mọi người xung quanh để bổ sung cho bản báo cáo của mình. Sáng ngày 24-5-1948, sau khi tham khảo lần cuối ý kiến của một số bộ trưởng, hoàn chỉnh bản thảo Bác vui vẻ dẫn mọi người ra vườn tăng gia của mình, cạnh bờ một con suối nhỏ, chụp chung một kiểu ảnh kỷ niệm. Sau đó Bác mời tất cả mọi người ở lại ăn cơm trưa với Bác. Bữa cơm có món gà rô ti do các đồng chí bảo vệ vừa bắn được trên rừng, có cả chị Hà, vợ anh Văn cùng dự nên càng thêm vui. Buổi chiều có thêm hai vị khách mới là hai vị Bộ trưởng trên đường đi dự họp Hội đồng Chính phủ ghé qua và cũng được Bác mời cơm. Hôm nay Bác rất vui, nói chuyện nhiều, nhắc lại những ngày bôn ba hoạt động ở nước ngoài. Mọi người vây quanh Bác, chăm chú lắng nghe. Trong ngôi nhà sàn đơn sơ, giữa khu rừng đại ngàn vắng vẻ, hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật đẹp, vừa lãng mạn vừa hào hùng... Mới mười năm trước đây, năm 1938, Bác lặng lẽ rời Liên Xô, tìm cách vượt qua Xibêri mênh mông, về Diên An, Trung Quốc. Một cuộc ra đi bất ngờ và táo bạo, đón đúng thời điểm lịch sử của cách mạng thế giới và cả cách mạng Việt Nam. Đó là quyết định của những thiên tài. Chỉ một năm sau, tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, chỉ hai năm sau, tháng 9-1940, phát xít Nhật vào Đông Dương. Tháng 2-1941, Bác đã có mặt ở Pác Bó trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5-1941, Bác triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám, tiếp đó thành lập Mặt trận Việt Minh… Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một bước ngoặt mới dưới bàn tay chèo lái tài tình của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cơm chiều xong thì trời đổ mưa to. Những cơn mưa đầu mùa dữ dội của núi rừng Việt Bắc. Gió rít từng cơn, làm cho căn lán của Bác đôi lúc như bị chao nghiêng. Thế là không ai về được. Mọi người lại tiếp tục quây quần bên Bác nói chuyện tâm tình, ai cũng cho rằng đây là một thời cơ hiếm có. Bác hỏi thăm hoàn cảnh gia đình từng người, quan tâm đến từng cháu nhỏ. Nhân lúc vui vẻ chan hòa trong không khí đầm ấm thân tình, một đồng chí Bộ trưởng mạnh dạn nhắc khéo Bác về chuyện gia đình riêng. Bác cũng vui vẻ tâm sự: ''Mình chẳng phải thần thánh gì. Cũng như tất cả mọi người thôi. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì còn điều kiện nào mà nghĩ đến gia đình...''. Thấy mọi người vẫn tỏ ý quan tâm, Bác cười xòa ra ý chống chế: ''Thôi, gia đình nhỏ không thể được thì ta cứ lo xây dựng gia đình lớn vậy''. Hết chuyện gia đình, hạnh phúc riêng tư, câu chuyện lại chuyển qua tình hình thế giới, tình hình chiến sự trên các chiến trường Bắc, Trung, Nam. Bác cho biết Nga và Mỹ đang tìm cách hòa hoãn. Anh, Pháp nghi ngờ Mỹ đã bí mật liên kết với Nga mà không cho họ biết. Giữa Anh và Mỹ có mâu thuẫn trong vấn đề Palextin... Sau đó câu chuyện lại chuyển sang âm mưu của thực dân Pháp dựng nên chính quyền bù nhìn Nguyễn Văn Xuân. Mọi người cho rằng phải có thái độ nghiêm khắc, kiên quyết đối với các loại Việt gian phản động, tề ngụy gian ác, có nhiều nợ máu, nhưng đồng thời cũng phải hết sức khôn khéo mềm dẻo đối với bọn còn lừng chừng chưa nhúng tay vào tội ác. Phải tìm cách vô hiệu hóa họ, tiến tới lôi kéo họ làm việc giúp ích cho kháng chiến. Cứ thế, giữa rừng khuya, trong cái đêm cuối tháng 5-1948 đáng ghi nhớ đó, Bác đã truyền cho những người có mặt một niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ. Sáng sớm ngày 25-5-1948, khi sương còn phủ trắng núi rừng, Bác và anh em phục vụ lặng lẽ dọn đến chỗ ở mới. Đó là một chiếc nhà sàn đơn sơ đã được chuẩn bị từ hai ba hôm trước, trên một ngọn đồi con ở xóm Nà Lọ, gần chân đèo De, thuộc huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Đây là nơi dừng chân thứ 20 của Bác kể từ đêm ngày 26-11-1946, Bác rời vào ngã tư Canh, Hà Đông, bắt đầu chặng đường trường kỳ kháng chiến. Chỗ ở mới cũng được chọn theo đúng tiêu chuẩn do Bác đề ra: Trên có núi. Dưới có sông. Có đất ta trồng. Có bãi ta chơi. Tiện đường sang Bộ tổng. Thuận lối tới Trung ương. Gần dân không gần đường. 15 giờ, Bác đi dự họp Đảng đoàn Chính phủ, có bàn vấn đề tổ chức lễ phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Buổi tối, trong cuộc họp với Ban vận động thi đua ái quốc, lần đầu tiên Bác phát biểu một cách toàn diện về phong trào thi đua. Nội dung phát biểu của Bác gồm: Mục đích thi đua, cách thi đua, kế hoạch thi đua, hệ thống tổ chức thi đua. Đây là một phong trào rộng lớn do Bác đích thân phát động và đã tạo nên một động lực mạnh mẽ thúc đẩy cuộc kháng chiến mau chóng đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 26-5, từ chiều cho đến nửa đêm Bác dự họp với Việt Minh đoàn. Đây là những cuộc họp chuẩn bị cho cuộc họp Hội đồng Chính phủ vào ngày 28-5-1948. Ngày 27-5-1948, 8 giờ sáng, Bác khai mạc phiên họp thường kỳ Hội đồng Chính phủ và dự họp cho đến nửa đêm. Ngày 28-5-1948 là một ngày lịch sử, ngày Chính phủ tổ chức lễ thụ phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam, theo Sắc lệnh số 110/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20 tháng Giêng năm 1948. Buổi lễ được tiến hành trong một căn nhà bằng gỗ, phên nứa, lợp tranh, cạnh bờ một con số lớn. Sát vách gian giữa là bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm. Hai bên là hai băng khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng: ''Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi'' - ''Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Bác và cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội đứng hai bên bàn thờ. Toàn thể nhân viên Chính phủ đứng xếp hàng trước bàn thờ. Đúng 13 giờ, buổi lễ bắt đầu. Không khí trang nghiêm, Bác bước ra bước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản Sắc lệnh, gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Mọi người chờ đợi Bác cất tiếng, nhưng sao chẳng thấy Bác nói gì mà chỉ thấy Bác cầm khăn mùi soa lau nước mắt, cùng với những tiếng nấc nghẹn ngào. Ai nấy đều vô cùng xúc động. Một số đồng chí cũng rơm rớm nước mắt. Bên ngoài tiếng suối vẫn réo ầm ầm như tiếng vọng từ ngàn xưa dội về. Những giây phút im lặng thiêng liêng. Mãi sau, Bác mới cất tiếng, giọng trầm trầm: ''Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn. Nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh cố gắng. Hôm nay việc phong Tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành được độc lập, tự do cho thỏa lòng những người đã mất''. Tiếp đó, Bác giao bản Sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói: ''Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho''. Đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến lên một bước, nhận tờ Sắc lệnh trong tay Bác. Cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội nói mấy lời căn dặn. Ông Phan Anh thay mặt Chính phủ nói mấy lời chúc mừng. Ông Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt toàn thể bộ đội nói lên niềm phấn khởi tự hào khi quân đội ta có vị Đại tướng đầu tiên làm Tổng chỉ huy. Cuối cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp phát biểu ý kiến cảm ơn sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hứa sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, góp phần cùng toàn dân, toàn quân đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp vừa dứt lời, Bác bước đến xiết chặt tay và ôm hôn vị Đại tướng trẻ tuổi giữa tiếng vỗ tay hoan hô của mọi người. Cách đây 8 năm, tháng 6-1940, lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp được gặp Hồ Chí Minh trên một con thuyền ở Thúy Hồ, Côn Minh, Trung Quốc. Kể từ đó, ông luôn luôn có vinh dự được sống và chiến đấu bên cạnh Người, dưới sự dìu dắt của Người. Tháng 12-1944, Hồ Chí Minh giao cho Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Bốn năm sau, người chỉ huy Trung đội Giải phóng quân 34 người trở thành Đại tướng Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam với hàng chục vạn chiến sĩ đã lập nên biết bao chiến công vang dội. Tháng 5-1998, vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta kỷ niệm tròn 50 năm lễ thụ phong hàm Đại tướng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. 50 năm ấy, ông đã đi suốt một chặng đường vẻ vang, từ chiến dịch Việt Bắc, chiến dịch Biên giới đến chiến dịch Điện Biên Phủ, từ “Điện Biên Phủ trên không'' đến Đại thắng Mùa xuân lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hơn 50 năm sau lễ thụ phong hàm Đại tướng, ở tuổi ngoài 90, ông vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, và vẫn là một trong những người đứng ở hàng đầu trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại, bách chiến, bách thắng.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét