Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

ĐỊA DANH HOÀNG SA TRONG CHÂU BẢN TRIỀU NGHUYỄN - Hải Đường

15. Địa danh HOÀNG SA trong châu bản triều Nguyễn (TBHNH 2000)
Cập nhật lúc 22h19, ngày 07/04/2007
HẢI ĐƯỜNG
Thành phố Hồ Chí Minh
Trong Châu bản triều Nguyễn, từ năm 1830 – 1847 thuộc các triều Minh Mệnh (1820 - 1840) và Thiệu Trị (1841 - 1847) hiện còn 11 văn bản (7 tấu, 2 phúc tấu, 2 dụ) đề cập trực tiếp đến địa danh Hoàng Sa, một quần đảo lớn thuộc địa phận nước ta. Chúng tôi xin trích dịch, giới thiệu coi như tài liệu tham khảo.
1. Hai bản Tấu của Thủ ngự Đà Nẵng ngày 27.6 Minh Mệnh 11 (1830): Thuyền buôn của tài phú Pháp Ê-đoa, thuyền trưởng Đô-ô-chi-ly, phái viên Lê Quang Quỳnh cùng thuỷ thủ đoàn, ngày 20 rời cảng Đà Nẵng đi Lữ - tống (Lữ - Tống Lucon) buôn bán. Giờ dần ngày 27, Ê-đoa và 11 thuỷ thủ đi trên chiếc sam bản lớn cập cảng nói rằng: Canh 2 đêm 21, ở phía tây Hoàng Sa (xứ Cát Vàng) thuyền đụng đá ngầm bị ngập nước. Thuyền trưởng và phái viên còn đi sau. Cảng đã phái thuyền đem theo nước uống đi cứu hộ, giờ ngọ đã gặp và đưa họ về cảng. (Tập Châu bản Minh Mệnh 43, trang 57, 58).
2. Dụ ngày 18.7 Minh Mệnh 16 (1835): Chuyến đi Hoàng Sa lần này, công vụ hoàn tất. Riêng Cai đội Phạm Văn nguyên trên đường công hồi đã trì hoãn, có Chỉ giao Bộ Công trị tội. Nay phạt 80 trượng cho phục chức Cai đội. Các tên Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng vẽ họa đồ Hoàng Sa chưa chu tất, phạt mỗi tên 80 trượng. Các tên hướng dẫn hải trình Bõ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh thưởng mỗi tên một tiểu “Phi Long ngân tiền”. Binh thợ, dân phu hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi theo thưởng mỗi tên 1 quan tiền (tập Châu bản Minh Mệnh 54. trang 92).
3. Phúc Tấu của Bộ Công ngày 12.2 Minh Mệnh 17 (1836): Châu phê (Vua phê): “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ “Năm Bính Thân (Minh Mệnh 17), họ tên Cai đội Thuỷ quân phụng mệnh đi đo đạc cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”. Đã phái Thuỷ quân Chánh độ trưởng Phạm Hữu Nhựt giờ Mão hôm qua đi Ô - thuyền rời Thuận An vào Quảng Ngãi quản suất việc vãng thám Hoàng Sa kỳ nầy. Bộ đã cho làm đủ số cột mốc gởi gấp vào Quảng Ngãi. Châu cải (Vua sửa lại): “Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thi ngay, giao cho tên ấy nhận biện”. Châu phê: “Thuyền nào đi tới đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu”. (Tập Châu bản Minh Mệnh 55, trang 336).
4. Tấu của Bộ Công ngày 13.7 năm Minh Mệnh 18 (1837): Lần đi Hoàng Sa nầy trở về, trừ bọn Kinh phái Thuỷ sư Suất đội Phạm Văn Biện, tỉnh phải hướng dẫn Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, đà công Lưu Đức Trực khởi hành chậm trễ đã bị xử phạt. Nên chăng chiếu lệ thưởng tặng cho binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi theo, xin đợi Chỉ. (Tập Châu bản Minh Mệnh 57, trang 244).
5. Dụ ngày 13.7 năm Minh Mệnh 18 (1837): Trước có phải Thuỷ sư, Giám thành, binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, vẽ họa đồ, trừ bọn Phạm Văn Biện gồm 4 tên can tội đã có Chỉ phạt trượng. Còn binh dân đi theo lặn lội biển cả cực khổ, thưởng mỗi tên binh định một tháng lương, dân phu mỗi tên 2 quan tiền. (Tập Châu bản Minh Mệnh 57, trang 245).
6. Tấu của Bộ Hộ ngày 11.7 năm Minh Mệnh 17 (1837): Xin 5 ngày cứu xét tấu sách của Quảng Ngãi xin khai tiêu (thanh toán) việc chi cấp lương tiền cho dân phu công vụ Hoàng Sa (Tập Châu bản Minh Mệnh 57, tr 211).
7. Tấu của Quảng Ngãi ngày 19.7 Minh Mệnh 19 (1838): Xin chiếu lệ miễn thuế năm nay cho 2 chiếc “Bổn chinh thuyền” đã đưa binh dân đến Hoàng Sa đo đạc giáp vòng từ hạ tuần tháng 3 tới hạ tuần tháng 6, hoàn tất công vụ nay đã trở về. (Tập Châu bản Minh Mệnh 64, tr.146).
8. Tấu của Bộ Công ngày 2.4 nhuận, Minh Mệnh 19 (1838): Việc phái vãng để đo đạc giáp vòng Hoàng Sa kỳ năm nay, ấn định khởi hành hạ tuần tháng 3, nhưng vì gió đông nổi lên liên tục kèm theo mưa lớn, tới hạ tuần tháng 4 vẫn chưa khởi hành được, xin tấu trình. (Tập Châu bản Minh Mệnh 68, trang 21).
9. Phúc tấu của Bộ Công ngày 26.1 Thiệu Trị 7 (1847): Tháng 6 Thiệu Trị 5 (1845) phụng Sắc về việc đình hoãn vãng thám Hoàng Sa. Nay phúc tấu đợi Chỉ có nên vãng thám Hoàng Sa kỳ này hay không? Châu phê: “Đình hoãn”. (Tập Châu bản Thiệu Trị 42, trang 83).
10. Tấu của Bộ Công ngày 28.12 Thiệu Trị 7 (1847): Hàng năm, vào mùa xuân theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa thuộc hải cương nước nhà cho thành thục đường đi lối lại. Năm 1845 có Chỉ đình hoãn kỳ vãng thám 1846. Vì công vụ bận rộn, năm nay cũng xin được đình hoãn. Châu phê: “Đình hoãn”. (Tập Châu bản thiệu Trị 51, trang 125).
Mười một bản tấu dụ ở hai triều Minh Mệnh và Thiệu Trị từ 1830 đến 1847 là những tư liệu lịch sử thành văn rất quan trọng, giới thiệu trên Thông báo Hán Nôm 2000 chúng tôi muốn cung cấp thêm tư liệu trong công tác lưu trữ nghiên cứu Hán Nôm, góp phần nhỏ bé trong công cuộc bảo vệ giữ gìn hải phận lãnh thổ của dân tộc.
Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.130-133

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét