Theo Cục xuất bản, tác phẩm "đề cập đến một số vấn đề nhạy cảm với tính chất cường điệu quá mức", trong khi tác giả cho rằng, anh chỉ hư cấu mà hư cấu là đặc quyền của tiểu thuyết.
Phát hành cuối tháng 7, bộ tiểu thuyết "Đại gia" gồm hai cuốn - "Tam giác ngầm" và "Quyền lực đen" - của nhà văn Thiên Sơn (tên thật là Nguyễn Xuân Hoàng) lập tức bị yêu cầu ngừng phát hành để thẩm định lại.
Trong công văn của Cục Xuất bản gửi tới NXB Lao Động và Công ty Cổ phần sách Alpha - hai đơn vị liên kết phát hành - ngày 1/8, nêu: "Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối quan hệ 'làm ăn' kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cao cấp của nhà nước và những thủ đoạn mánh khóe, trong công tác tổ chức cán bộ. Qua tác phẩm, người đọc thấy một 'tam giác ngầm' mà ở đó quyền lực, tiền bạc và gái gú cấu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội.
Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề 'nhạy cảm' hiện nay với tính chất cường điệu quá mức cùng với những nhận định, đánh giá chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội".
Bìa tập 1 tiểu thuyết "Đại gia" và nhà văn Thiên Sơn. |
Nhà văn Thiên Sơn - tác giả tiểu thuyết “Đại gia” - cho biết, bộ sách được anh khởi viết cuối năm 2008, hoàn thành tháng 6/2011 và in cuối tháng 7 năm nay. Nội dung cuốn sách là một câu chuyện hoàn toàn hư cấu của tác giả, về mối quan hệ giữa người đẹp - đại gia, giới quan chức, về những quan hệ làm ăn có những thế lực ngầm chống đỡ phía sau. Phản ứng trước ý kiến "cường điệu quá mức" như trong công văn của Cục, tác giả Thiên Sơn cho rằng, nghệ thuật phải hướng đến cái độc đáo, phi thường và không thể đồng nhất với sự cường điệu. "Hư cấu là công việc của nhà văn và đối với văn chương, việc hư cấu là không giới hạn. Tác phẩm của tôi có đề cập những đề tài nóng của xã hội: vấn đề tham nhũng, quyền lực ngầm... nhưng trong công cuộc chống tham nhũng của cả xã hội hiện tại thì đó là vấn đề thức thời, hợp lý và không có gì sai trái", anh nói.
Nhà văn mong những người thẩm định tác phẩm hãy đọc một cách sáng tạo, đừng soi mói, đối chiếu văn chương với hiện thực để quy kết.
Công văn của Cục đề nghị tác phẩm phải được thẩm định lại. Tác giả bộ sách cho rằng, buổi thẩm định nên được công khai và để cho những người có trình độ văn chương ở các cơ quan văn học lớn như Hội Nhà văn, Viện Văn học đánh giá. Tác giả cũng đề xuất mở một cuộc điều tra độc giả, nếu cần thiết, để biết nhận định của họ, liệu có "ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội" như ý kiến của Cục hay không. Theo anh, con số những bạn đọc ủng hộ tác phẩm trên mạng xã hội khá đông, khiến anh cảm thấy vui hơn là buồn.
Tác giả cũng cho rằng, phía Cục khi ký quyết định đã không thực sự đọc kỹ tiểu thuyết của anh. Tập một của "Đại gia" có tên "Tam giác ngầm" nhưng trong công văn của Cục lại có chỗ đề "Tam giác vàng".
Phía Nhà xuất bản Lao động - bà Võ Thị Kim Thanh - cho biết, họ đã gửi công văn tới Cục xuất bản đề xuất cách xử trí và đang chờ quyết định từ phía Cục.
Hoàng Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét