Kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2010) | ||
Bác Hồ viết báo và dùng tiếng Việt | ||
19/06/2010 06:00:51 AM | ||
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của nhân loại được nhiều người, ở nhiều nước tôn vinh, ca ngợi dưới nhiều lĩnh vực, góc độ khác nhau. Trong sự nghiệp báo chí, Người là nhà báo cách mạng bậc thầy, là tấm gương mẫu mực về lao động nghiêm túc, sáng tạo không ngừng nghỉ về viết báo và rèn giũa tiếng Việt. | ||
Bác Hồ viết báo Khi nói về kinh nghiệm viết báo, làm báo, Người cho biết: "Kinh nghiệm của tôi là thế này: mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm".Bác bắt đầu học viết báo từ hồi vừa lao động kiếm sống, vừa tìm đường cứu nước trên đất Pháp. Bác kể, khi nghe Bác có ý định viết bài đăng báo, một công nhân ở Báo Đời sống thợ thuyền khuyên rằng, báo ấy có mục "Tin tức vắn", mỗi tin chỉ cần năm, ba dòng. Nếu Bác có tin tức gì, cứ mạnh dạn viết, người ấy có thể góp ý và chỉnh sửa hộ. Bác làm theo. Tranh thủ những phút nghỉ ngơi hiếm hoi sau những giờ lao động vất vả, Bác tập viết báo. Đầu tiên là những tin ngắn, rất ngắn. Mỗi tin chép thành hai bản, một bản gửi cho tòa báo, một bản giữ lại. Nếu được báo đăng, bao giờ cũng đem so sánh tin đăng trên báo với tin ban đầu, xem người ta chữa nhiều không, chữa ra sao, vì sao lại chữa. Khi đã tương đối quen việc, người bạn và cũng là đồng chí của Bác yêu cầu Bác viết dài thêm, lúc đầu thêm vài dòng, rồi thêm vài dòng nữa, vài dòng nữa... Cứ thế, kéo dài đến 15, 20 dòng, thành cả một bài dài. Khi đã viết được bài dài, người bạn đó lại yêu cầu: “Thôi bây giờ phải viết rút ngắn lại, cũng là những việc như vậy nhưng phải viết cho rõ, cho gọn". Khi rời Pháp sang Liên Xô, những người bạn, người đồng chí của Bác ở đất nước Xô viết cũng góp ý cho Bác những điều tương tự: "Đồng chí L. phóng viên tờ báo Tiếng còi bảo mình viết bài và dặn phải viết rõ sự thật: "Việc đó ai làm, ở đâu, ngày tháng nào, v.v. và phải viết ngắn gọn". Những bài học đầu tiên trong nghề báo được Bác ghi nhớ mãi, Bác chân thành truyền lại cho đồng chí, anh em sau này: "Viết giản dị thôi, và phải đúng sự thật. Không được bịa ra". "Và muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện"... "Một người phải biết học nhiều người. Hơn nữa, cần phải làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp". Viết cho nhân dân, phục vụ quần chúng thì phải học cách nói của quần chúng nhân dân - mộc mạc, giản dị mà chân thành; học tiếng nói của dân tộc, bởi vì "tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp". Bác căn dặn những người làm sách, viết báo phải trau dồi kiến thức, chịu khó học hỏi, khiêm tốn, tự phê bình và thành khẩn đón nhận sự phê bình, góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bác đã nhắc nhở: "Ngành nào cũng phải làm công tác tuyên truyền giới thiệu. Và các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu "Hoan nghênh bạn đọc phê bình". Từ nay trở đi, trên sách hay trên báo, các chú nên luôn luôn có câu đó. Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tay nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân". Trong dịp tham dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác yêu cầu Hội và các cơ quan báo chí cần nâng cao hơn nữa chất lượng mọi mặt của báo chí, để báo chí làm tròn nhiệm vụ cao cả của mình là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, Bác cho rằng, tự phê bình và phê bình có vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó là vũ khí cần thiết và sắc bén, giúp mọi người sửa chữa sai lầm, phát huy ưu điểm. Người căn dặn: "Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo". Theo Bác thì một số sai lỗi và yếu kém thường gặp trên báo chí là: - Bài báo thường quá dài, "dây cà ra dây muống", không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. - Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng. - Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau. - Lộ bí mật. - Có khi quá lố bịch. - Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều, và nhiều khi dùng không đúng. Về những "mẹo" làm báo, Bác căn dặn: "Báo của ta có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết". Bác cho những lời khuyên rất quý giá: "Muốn viết bài báo khá thì cần: 1. Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, và học kinh nghiệm của người. 3. Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu". Bác căn dặn những người làm báo phải nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, ra sức học tập, trau dồi nghiệp vụ, nâng cao kiến thức: "Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập... Trong nghề làm báo ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, thì những người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài. Ví dụ: phải biết chữ Hán thì mới xem được báo Trung Quốc và học được kinh nghiệm của báo Trung Quốc... Trong nghề làm báo còn có nhiều ngành khác, như ngành in mà các cô, các chú thích nói chữ gọi là ngành "ấn loát" cũng rất quan trọng. Bởi vì có những lúc không cẩn thận, in thiếu nét, thiếu dấu, hoặc in lờ mờ không rõ. Người viết bài lại thích dùng chữ, như gọi người đánh cá là "ngư dân", rồi người in lại in thiếu cái dấu ở chữ "ư" hóa ra “ngu dân". Bác Hồ cũng nêu tấm gương về tự phê bình, tự nhận lỗi khi báo chí có sai sót (điều mà đến hôm nay, nhiều cơ quan báo, đài và nhà báo thực hiện chưa nghiêm túc". Ở phần cuối của bài "Cần phải ra sức trồng nhiều hoa màu", với bút danh T.L (đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 17-4-1962), Bác viết: "Xin lỗi - Trong Báo Nhân Dân (14-3-1962), dưới đầu đề: "Làm thế nào cho lạc thêm vui" đúng ra là 1 tấn lạc đổi được 1,5 tấn (1 tấn rưỡi) gang. Vì sai sót một dấu phẩy (,) mà viết sai thành 15 (mười lăm) tấn gang. Đó là một thái độ không nghiêm túc, cẩn thận, T.L xin thật thà tự phê bình và xin lỗi các bạn đọc". Bác nêu tấm gương về dùng "tiếng ta", "chữ ta" Theo Bác, đời sống xã hội ngày càng phát triển và đổi mới, tiếng và chữ viết của ta cũng có những đổi mới cho phù hợp. "Những chữ tiếng ta không có sẵn và khó dịch đúng, thì phải mượn chữ nước ngoài. Thí dụ: "độc lập", "tự do", "giai cấp", "cộng sản", v.v.. Còn những chữ tiếng ta có, vì sao không dùng, mà cũng mượn chữ nước ngoài? Thí dụ: Không gọi "xe lửa" mà gọi "hỏa xa"; "máy bay" thì gọi là "phi cơ". "Nhà nước", hoặc "nước nhà" thì gọi là "quốc gia", "đường lớn" thì gọi là "đại lộ", "vẻ vang" - "quang vinh", "giúp nhau" - "hỗ trợ". Và có hàng vạn cái mượn như vậy". Bác kể lại, Bác vừa xem báo thấy có tin đã làm xong cuốn "Ngữ pháp tiếng Việt", Bác nói: "Đã "tiếng Việt" lại còn "ngữ pháp"! Sao không gọi là "Mẹo tiếng Việt?". Cái gì tiếng ta đã có và dễ hiểu rồi thì đặt thêm ra làm gì? Mấy chú cải cách chữ Việt không khéo lại làm cho người ta khó hiểu thêm. Có tiếng ta dùng đã quen rồi, các chú lại tự ý sửa đổi. Tại sao lại viết: "Quốc hội họp kỳ thứ bốn"? Các chú cứ đi hỏi các cụ mà xem. Xưa nay nhân dân ta vẫn nói "thứ tư" chứ có ai nói "thứ bốn" bao giờ!". Bác nhắc nhở: "Cái bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái lại, báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó. Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: những chữ "kinh tế", "chính trị" v.v., thì ta phải dùng. Hoặc có những chữ nếu dịch ra thì mất cả ý nghĩa, như chữ "độc lập". Nếu "Việt Nam độc lập" mà nói "Việt Nam đứng một" thì ta không thể nghe được. Nhưng có những chữ tiếng ta sẵn có, thì tại sao lại dùng chữ nước ngoài. Ví dụ: vì sao không nói "đường to" mà lại nói "đại lộ", không nói "người bắn giỏi" mà lại nói "xạ thủ", không nói "hát múa" mà lại "ca vũ"?". Người căn dặn tiếp: "Chúng ta dùng chữ nhiều quá, có khi lại còn dùng sai nữa. Mong rằng báo chí cố gắng sửa cái tệ ấy đi. Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi". Bác khuyên: "Khoa học ngày càng phát triển, có những chữ mới mà ta chưa có, thì ta mượn. Ví dụ: ta phải nói "ki-lô", vì nếu nói "cân", thì không đúng nghĩa 1.000 gờ-ram. Song những chữ dùng tiếng ta cũng đúng nghĩa thì cứ dùng tiếng ta hơn. Có những người hình như sợ nói tiếng ta thì nó xấu hổ thế nào ấy! Họ làm cho các cháu học sinh bị lây bệnh nói chữ, như "phụ đạo", "giáo cụ trực quan",v.v... Thật là tai hại. Đến hôm nay, khi mà điều kiện và công nghệ làm báo đã có bước đi thật dài, báo chí nước ta cùng báo chí thế giới đã có những đổi thay hết sức to lớn và sâu sắc thì những lời dạy của Bác, cao hơn, tấm gương mẫu mực viết báo, làm báo của Bác vẫn ngời sáng, vẫn có sức lay động, giáo dục, cổ vũ chúng ta. Những lời dạy, bài học quý giá ấy luôn mang tính thời sự cho mỗi nhà báo và cơ quan báo chí. NGUYỄN THẾ KỶ Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) |
Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013
Bác Hồ viết báo và dùng tiếng Việt (Nguyễn Thế Kỷ - Hải Dương)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét