17:0' 7/8/2012
Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn, xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ là xây dựng một nền kinh tế mới, một xã hội mới, mà còn là xây dựng những con người mới xã hội chủ nghĩa, đem lại giá trị chân chính cho con người, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện, trở thành chủ thể tự giác trong sự sáng tạo lịch sử. Tuy nhiên, việc cải tạo con người, thay đổi ý thức của con người không thể là một quá trình tự phát. Đường lối đúng tự nó chưa đủ để loại trừ mọi sai lầm, hư hỏng của cán bộ, đảng viên, bởi vì đúng, sai, tốt, xấu, tích cực, tiêu cực của đảng viên còn phụ thuộc nhiều nhân tố ngoài đường lối, phụ thuộc vào cả bản thân người đảng viên. Chính vì lẽ ấy, Đảng ta coi công tác xây dựng Đảng là một vấn đề tổng hợp, là sự thống nhất biện chứng giữa giáo dục tư tưởng chính trị và giáo dục đạo đức, coi việc xây dựng thế giới quan khoa học và xây dựng tiêu chuẩn đạo đức cách mạng cho đảng viên là nhiệm vụ trung tâm. Việc ban hành Quyết định số 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011, của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm” xuất phát trên cơ sở tư duy lý luận và sự định hướng đúng đắn đó.
Trong 19 điều đảng viên không được làm, trước hết cần nhấn mạnh 3 điều đầu tiên nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên; nhằm tạo hành lang an toàn và hệ thống “miễn dịch” ở trong Đảng. Bởi, người đảng viên phải nghiêm túc thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, không được nói và làm trái với nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, không được viết và tán phát những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gieo rắc “nọc độc” tư tưởng trong quần chúng và gây ảnh hưởng xấu trong xã hội.
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cuối những năm 80 - đầu những năm 90 thế kỷ XX nhắc chúng ta không bao giờ quên một điều cay đắng: một Đảng Cộng sản cầm quyền đã tự triệt tiêu mình do xa rời và từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chấp nhận “trọn gói” trào lưu tư tưởng của giai cấp tư sản phương Tây và tư tưởng của chủ nghĩa xã hội dân chủ, đã rơi vào sự hỗn loạn về tư tưởng và đường lối, đã đánh mất trụ cột tinh thần và năng lực tập hợp tư tưởng, đánh mất tính nhạy bén về chính trị và năng lực phân biệt phải trái, đúng sai, mất hết khí phách và bản lĩnh.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào hạ tuần tháng 9-2000, Giáo sư, Viện sĩ A-lếch-xan-đơ Li-lốp, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bun-ga-ri, đã nói rõ: “Ở Liên Xô và ở nước chúng tôi, rất nhiều người nói rằng Goóc-ba-chốp là một kẻ phản bội. Trong thời kỳ đó, ở Liên Xô và ở Bun-ga-ri quả thật là có rất nhiều kẻ phản bội. Mà những kẻ phản bội lại thuộc giới lãnh đạo cấp cao, có những kẻ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên là bộ trưởng. Có lẽ trong lịch sử chưa có thời kỳ nào lại xảy ra hiện tượng phản bội nhiều như vậy”.
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là hệ quả của nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu là chiến lược “diễn biến hòa bình” của phương Tây và chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, tư tưởng đầu hàng phản bội của những người lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô. Cái thứ nhất là nguyên nhân bên ngoài, cái thứ hai là nguyên nhân bên trong, tất nhiên nguyên nhân bên trong là chủ yếu. Nếu bên trong không có những “con ngựa thành Tơ-roa” thì nhất định trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga không thể xảy ra một “cơn địa chấn” bi thảm về chính trị vào mùa Thu năm 1991. Chúng ta nhớ tình hình ở Cu-ba lúc bấy giờ còn nguy hiểm hơn nhiều so với Liên Xô và Đông Âu. Nhưng một Cu-ba kiên định, không lay chuyển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đến nay vẫn hiên ngang đứng vững, trở thành pháo đài chiến đấu kiên cố của các nước Mỹ La-tinh. Điều đó có nghĩa là mưu đồ thực hiện “diễn biến hòa bình”, xuất khẩu “phản cách mạng”, kích động dư luận núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị trong các nước xã hội chủ nghĩa là một biện pháp thâm độc không bao giờ thay đổi của các thế lực thù địch. Nhưng có chấp nhận cấp giấy nhập cảnh, cấp “hộ chiếu đỏ” để cho các thế lực phản động vào thực hiện sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “xuất khẩu phản cách mạng” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin và triệt tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước mình hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa.
Sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu ngoài nguyên nhân do một số lãnh đạo cấp cao của đảng rơi vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội hữu khuynh, mắc sai lầm lớn về đường lối, phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa, còn có một nguyên nhân rất cơ bản là các đảng cộng sản ở đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi... Những vết xe đổ đó là bài học nhãn tiền, có tác dụng cảnh báo rất đắt giá đối với chúng ta. Phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc… Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm…”.
Mười sáu điều quy định ở phần sau của Quyết định số 47-QĐ/TW “Về những điều đảng viên không được làm” có thể ví như những “biệt dược” giúp chúng ta phòng, chống, ngăn ngừa và đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hóa về phẩm chất đạo đức và lối sống. Sở dĩ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm và đón nhận với một tình cảm hổ hởi, vui mừng là vì Đảng đã đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng giải pháp để tiếp tục xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vạch rõ: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống xa cách người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Nhà triết học cổ điển Đức L. Phoi-ơ-bắc đã từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở nhà tranh. Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”.
Quả là như vậy. Giờ đây, sự phân hóa giàu nghèo không chỉ có trong xã hội, mà còn có cả trong nội bộ Đảng. Dinh cơ, tài sản và cuộc sống của một số gia đình cán bộ lãnh đạo đương chức hoặc đã thôi chức so với của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động có sự cách biệt quá xa!
Lâu nay trong tâm trạng của đội ngũ cán bộ lão thành và các cựu chiến binh đã từng day dứt với nỗi băn khoăn: Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc của Nhà nước, lại thụ động chịu sự tác động mạnh bởi mặt trái của cơ chế thị trường và mở cửa hội nhập. Đừng quên rằng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị phát triển thuận chiều với sự suy thoái về đạo đức và lối sống. Và, ngược lại. Đọc thiên hồi ký của Va-le-ri Phu-kin (người đã từng làm trợ lý cho Goóc-ba-chốp) viết về Goóc-ba-chốp khiến chúng ta không khỏi giật mình. V. Phu-kin viết: Goóc-ba-chốp được rất nhiều tiền thưởng, tặng phẩm, nhuận bút của nước ngoài. Trong tài khoản của cá nhân ông ta lúc bấy giờ đã có 1 triệu USD. Trở về từ lần đi thăm Hàn Quốc Goóc-ba-chốp rút ra từ trong ví da của mình một lá thư kèm theo hơn 10 vạn USD do Ro Tae Wu tặng. Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản ở khu vực các nước Đông Âu đã mất đi rất nhiều hình ảnh toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, chí công vô tư trong công chúng. Sự sụp đổ của chính quyền Xê-au-xê-xcu ở Ru-ma-ni cũng là hệ quả của tệ chuyên quyền, độc đoán, xa rời quần chúng, đặc quyền, đặc lợi trong Đảng Cộng sản nước này.
*
Nội dung của Quy định về 19 điều đảng viên không được làm là giải pháp kết hợp đồng bộ, tổng hợp giữa những nhiệm vụ “xây và chống”, “chống và xây”; nhằm phòng, chống sự xuống cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ đảng viên. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thống nhất cao về ý chí và quyết tâm, nỗ lực nhiệt tình và đóng góp công sức vào việc tổ chức thực hiện với thái độ nhận thức và phương pháp tư duy đúng đắn. Cố nhiên, đây là nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng và là công tác xây dựng con người, nên việc thực hiện không dễ dàng và đơn giản. Nhưng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Với quyết tâm cao của toàn Đảng, được sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân và toàn quân, Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về 19 điều đảng viên không được làm nhất định sẽ góp phần tạo ra bước chuyển biến có tính đột phá trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với danh hiệu vẻ vang là “Đảng của Bác Hồ”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét