Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

100 năm sự kiện "Hà thành đầu độc" (Quốc Việt - Tuổi Trẻ)



Tôi đi tìm lại các nơi đã từng in dấu chân của những người từng tham gia vụ "Hà thành đầu độc" năm xưa. Trên mảnh đất ngày nào nhuộm máu anh hùng, phố thị đã đông vui dưới những hàng cây xanh xum xuê bóng mát. Nhiều bậc cao tuổi tóc bạc phơ vẫn nhớ mãi lời cha ông kể ngày xưa từng có bao người yêu nước ngẩng cao đầu ra đi tại chốn này. Nhà sử học Dương Trung Quốc kể rằng ông đã từng nhiều lần thắp hương cho các cụ, và chỉ mong sao thế hệ mai sau không bao giờ được quên những bậc anh hùng đã bỏ mình vì nước.
"Cứu lấy Tổ quốc chúng ta"
Những người tham gia vụ đầu độc bị bắtTrong trí nhớ được lưu truyền của các bậc cao niên và cả trong tài liệu sưu tầm của các nhà sử học, "Hà thành đầu độc" nổ ra vào đêm 27-6-1908 ngay trong doanh trại quân đội Pháp ở thành Hà Nội. Trước đó, một số cai đội, binh lính Việt trong cơ công binh pháo thủ số 9 của Pháp như Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trị Bình, Dương Bê, Nguyễn Văn Nga... đã ngấm ngầm phẫn uất thực dân Pháp. Họ bất mãn sự phân biệt đối xử giữa lính Pháp và lính Việt, đặc biệt là không đồng tình việc dùng lính Việt đi đánh nghĩa quân người Việt.
Cùng thời điểm này, các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám phát triển rất mạnh. Ngoài công khai chống Pháp, nhiều người còn hoạt động bí mật. Tại quán cơm số 20 phố Cửa Nam của bà Nhiêu Sáu, họ và các cai đội, binh lính, đầu bếp Việt đã gặp gỡ, giác ngộ nhau và tập hợp thêm đông người đồng chí hướng. Trong đó có ông đồ Đỗ Văn Đàm, thầy lang Nguyễn Văn Phúc, đầu bếp Hai Hiên (Nguyễn Văn Hiên), Vũ Văn Xuân, Nguyễn Văn Chúc...
Trong tập 3 bộ sách Phan Bội Châu toàn tập, các trang 146 - 155 kể lại sự kiện bi hùng này. Một tối ở chùa Bạch Mã, phố Hàng Buồm, đội Bình, tức Nguyễn Trị Bình, đã mời rượu gần 200 anh em đồng chí hướng. Ông nghiêm trang nói: "Hôm nay, chúng ta bàn với nhau một việc đặc biệt hệ trọng. Đó là việc lấy lại đất nước VN, khôi phục mọi quyền lợi của chúng ta. Nếu mưu đồ không thành công, chúng ta phải đeo đuổi nhiệm vụ này tới chết. Quyết không lùi bước trước sự hi sinh nào để cứu lấy Tổ quốc chúng ta. Các đồng bào có đồng ý với tôi về vấn đề này không? Có tán thành kế hoạch của tôi không?".
Mọi người nhiệt liệt tán thành. Một kế hoạch đánh chiếm đầu não bộ máy cai trị thực dân đã được mọi người bàn bạc là sử dụng cà độc dược để các đầu bếp người Việt bỏ vào thức ăn quân Pháp. Sau đó, các nhóm cai đội, binh lính yêu nước sẽ chiếm kho vũ khí, rồi bắn pháo hiệu cho các toán quân ngoài thành ập vào cùng đánh chiếm đầu não thực dân Pháp. Đội Nhân (Đặng Đình Nhân) chỉ huy nhóm đánh vào phủ toàn quyền Đông Dương, đội Bình dẫn nhóm đánh bộ tham mưu Pháp và đội Cốc (Dương Bê hay còn gọi là Nguyễn Văn Cốc) sẽ cầm đầu đánh tòa thống sứ Bắc Kỳ...
Chí lớn không thành
Căn nhà số 20 phố Cửa Nam và ngôi nhà ở phố Hàng Buồm xưa là nơi từng là điểm hẹn của những người yêu nước. Bây giờ phố xưa vẫn còn tên cũ. Từ những điểm hẹn này, kế hoạch đánh Pháp lẽ ra đã được xác định thực hiện vào năm 1907, nhưng phải hoãn lại vì thời cơ không thuận lợi. Trong đó có lần họ đã định thực hiện vào 20g ngày 14-11-1907 nhân dịp binh lính Việt được phát súng đạn đi bắn tập ở Sơn Tây.
Tuy nhiên, kế hoạch tiếp tục tạm hoãn vì súng ống không đến đủ binh lính yêu nước. Chính vì phải trì hoãn dài mà mật thám Pháp phần nào "đánh hơi" được. Trong cuốn Vụ chính trị ở Đông Dương của tiến sĩ Patrice Morlat viết từ tài liệu khai thác nguồn tàng thư Bộ thuộc địa Pháp kể rõ từ cuối tháng 5-1908, công sứ Jules Bosc ở Hà Đông đã nghi ngờ. Ông ta được mật báo nhà số 20 phố Cửa Nam có thể đã diễn ra những cuộc gặp gỡ, chiêu nạp nghĩa quân.
Sau đó, mật thám khám xét nhiều nơi. Dù không có kết quả rõ ràng nhưng quân Pháp vẫn nghi ngờ, đề phòng. Tối 27-6-1908, những người yêu nước bắt đầu thực hiện kế hoạch. Nhóm đầu bếp Hai Hiên đã bỏ cà độc vào thức ăn. Khoảng 200 binh lính Pháp thuộc trung đoàn bộ binh số 9 và trung đoàn pháo binh số 4 trúng độc bất tỉnh nhưng không chết vì lượng chất độc yếu. Vụ việc đang tiến hành dở dang thì một người lính tên Trương trong cơ công binh pháo thủ số 9 đã vội xưng tội với linh mục. Tin đến quan Pháp. Chúng lập tức cho bắt ngay binh lính và các đầu bếp Việt trước khi họ kịp cướp kho súng, nổ pháo hiệu báo nghĩa quân ngoài thành tiến vào.
Đồng thời tất cả lính Việt trong các phiên đội khác cũng bị tước vũ khí và thiết quân luật toàn Hà Nội. Trong khi đó, dân quân cùng nghĩa quân Hoàng Hoa Thám ngoài thành chờ mãi không thấy pháo hiệu, biết đã bại lộ nên đành gạt nước mắt rút đi. Mặc dù chưa hoàn tất việc bắt bớ, nhưng để thị uy, ngày 6-7-1908, viên công sứ Hà Đông Jules Bosc đã ngồi ghế chủ tọa hội đồng đề hình Bắc kỳ, tuyên án xử chém ba anh hùng chí lớn không thành là Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trị Bình và Dương Bê.
Lần theo sử liệu và trí nhớ được lưu truyền của những người cao tuổi Hà Nội, tôi được biết pháp trường xử những người anh hùng đã được dựng lên ngay bãi Gáo, cột cờ Hà Nội sáng 8-7-1908. Để trấn áp tinh thần yêu nước, chúng chém ba người rồi bỏ thủ cấp của họ vào rọ tre đem bêu. Nhưng trong đêm, thủ cấp các anh hùng được nhân dân cướp lại.
Xử chém người anh hùng
Một thế kỷ đã trôi qua, xương máu và khí phách những người ái quốc ngày nào đã hòa cùng hồn thiêng sông núi. Khi nghe tôi gọi điện thoại ngỏ ý muốn tìm lại con cháu các anh hùng đã hi sinh trong sự kiện "Hà thành đầu độc", giọng nhà sử học Dương Trung Quốc ngậm ngùi: "Tôi cũng rất muốn đi tìm họ, nhưng mới chỉ biết vài người. Anh thử cố xem sao".
Ông Quốc đã chỉ cho tôi đầu mối để đi tìm ông Đặng An Ninh, người cháu gọi vị cai đội anh hùng Đặng Đình Nhân là bác ruột.
Những người anh hùng bị bêu đầuPhố Trần Hưng Đạo, ông Đặng An Ninh đón tôi, rồi cứ lặng lẽ chảy nước mắt khi đưa cho tôi xem tấm ảnh thủ cấp ba anh hùng bị bêu trong sọt tre. Mãi sau ông Ninh mới nghẹn ngào: "Đầu của bác Đặng Đình Nhân nhà tôi cũng ngậm hờn nằm trong đó. Cả đời tôi cứ đau đáu không nguôi chuyện này. Nghe nhắc lại tôi không cầm được xúc động!".
Trên gác nhỏ 10m2 trong căn nhà tập thể cũ kỹ số 31 phố Trần Hưng Đạo, ông Ninh bùi ngùi tâm sự những chuyện chưa ai biết về bác mình. Ông Ninh năm nay đã 76 tuổi, là con trai của ông Đặng Đình Giao, người em út trong gia đình có ba anh em, mà anh hùng Đặng Đình Nhân là anh cả, còn anh kế là ông Đặng Đình Mẫn. Quê hương của họ ở Bạch Mai, nội thành Hà Nội. Trong dòng họ có người chú Đỗ Đình Tiềm tham gia phong trào Đông Du và đã từng ra nước ngoài hoạt động cách mạng. Nhờ nguồn thu nhập khá từ nghề thuốc của cha mẹ nên anh em ông Nhân từ nhỏ được cho sang Pháp du học. Sau đó, ông Nhân gia nhập quân đội Pháp, lên đến chức đội trong cơ pháo thủ. Nhưng càng ngày ông càng bất mãn những kẻ cai trị mình.
Mặc quân phục khố đỏ nhưng ông Đặng Đình Nhân lại bí mật kết giao với những người đồng chí hướng như ông đồ Đỗ Văn Đàm, đầu bếp Nguyễn Văn Hiên và các bạn lính là đội Bình, đội Cốc... Đặc biệt, quán cơm nhà số 20 phố Cửa Nam chính là nơi họ đã gặp gỡ, trao đổi chí hướng và bàn bạc kế hoạch táo bạo dùng cà độc dược để đánh đổ bộ máy cai trị thực dân. Chí lớn không thành, ông Nhân là một trong những người đầu bị quân Pháp bắt. Và ông cũng là người đầu tiên cùng với đội Bình, đội Cốc hiên ngang trước giờ bị xử chém, mà ngày nay vẫn còn lưu truyền tấm ảnh ba thủ cấp ngậm hờn vì nợ nước chưa kịp đền.
Khi anh hùng Đặng Đình Nhân bị xử tử, người cháu ruột Đặng An Ninh chưa ra đời. Nhưng sau này cha ông Ninh đêm đêm kể lại cho con nghe câu chuyện của ông Nhân. Cha ông Ninh kể khi ông Đặng Đình Nhân bị bắt, quân Pháp truy sát luôn hai em trai của ông khiến họ phải chạy lánh nạn qua Campuchia, Lào, rồi sang Anh. Ông bà thân sinh họ thì bị quân Pháp đày lên vùng Đoan Hùng (Phú Thọ) và âm thầm qua đời. Con cháu ngày nay nặng lòng vì không thể biết ngày giỗ, mồ mả ở đâu. Riêng vợ ông Nhân khi ấy đang mang thai con gái đầu lòng kịp lánh nạn về quê, rồi cũng sớm mất vì buồn đau, để lại con gái Đặng Đình Đức là hậu duệ duy nhất của người anh hùng Đặng Đình Nhân. Sau này, bà Đức làm nghề bốc thuốc nổi tiếng ở ngõ 105 Bạch Mai, nhưng không lập gia đình cho đến khi qua đời...
Image
Ông Đặng An Ninh cứ đau đáu không nguôi về người bác - anh hùng Đặng Đình Nhân - Ảnh: Q.Việt
Theo thống kê từ tài liệu do tiến sĩ Patrice Morlat sưu tầm, sau sự kiện "Hà thành đầu độc" có 13 người bị kết án tử hình (chém, bêu đầu), năm người bị án tử hình vắng mặt (không rõ về sau có bị bắt không), bốn người chịu khổ sai chung thân, năm người án tù khổ sai 20 năm, ba người án tù 15 năm, và còn nhiều án tù khác nhẹ hơn… Nguồn sử liệu của VN thì ghi có 16 người đã bị xử chém trong mấy đợt, sáu người bị xử tử vắng mặt, và bốn án chung thân. Quân Pháp cũng nhân cớ này thẳng tay đàn áp phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, tăng cường tiến đánh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Sau đó nhiều người bị bắt, bị xử chém và lưu đày ra nước ngoài…
Thầy đồ và người đầu bếp dũng cảm
Câu chuyện thầy đồ Đỗ Văn Đàm (còn có tên là Đỗ Khắc Nhạ) và đầu bếp Hai Hiên (Nguyễn Văn Hiên) dũng cảm lúc bị chém được nhiều người nhắc nhớ. Các nguồn sử liệu VN và cả quyển Vụ chính trị ở Đông Dương của tiến sĩ Patrice Morlat đều cho thấy ông đồ Đàm và bếp Hai Hiên không phải là binh lính nhưng cũng thuộc nhóm cầm đầu, có trách nhiệm lớn trong sự kiện "Hà thành đầu độc". Vì vậy, tòa đề hình Pháp xử họ tội nặng nhất là chém đầu, sau khi đã chém nhóm ba người của cai đội Nhân.
Ông Đặng An Ninh đã cho tôi địa chỉ người cháu gái Đỗ Thanh Hằng đời thứ tư của ông đồ anh hùng Đỗ Văn Đàm hiện đang sống ở Gia Lâm, Hà Nội. Cô Hằng (45 tuổi) kể từ nhỏ đã được cha mẹ kể nhiều về người ông. Cô cho biết ông đồ Đàm quê ở làng Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Tây.
Ông nổi tiếng là người thông minh, nhưng không thi đậu vì bài viết hay lồng ý thâm sâu phê phán chế độ thực dân. Ông ở quê, làm nghề dạy học và thường giao du với những người yêu nước. Chính từ đây ông đã gia nhập nhóm binh lính, đầu bếp Việt ở Hà Nội cùng chí nguyện đánh đổ đầu não thực dân. Trong sự kiện "Hà thành đầu độc", ông phụ trách nhóm hạ cờ quân Pháp trong thành Hà Nội để kéo cờ khởi nghĩa. Trách nhiệm ông đã thực hiện xong nhưng đại sự lại không thành. Sau đó, ông cùng các đồng đội bị giặc Pháp xử chém. Thủ cấp của họ bị bêu một nơi, thi hài bị vùi lấp một nơi, rồi trở thành nấm mộ tập thể không đầu của những người yêu nước.
Từ hậu duệ của ông đồ Đàm và đội Nhân, tôi tìm được các cháu nội, ngoại đời thứ ba của người đầu bếp Nguyễn Văn Hiên. Suốt buổi chiều trong căn hộ tập thể nhỏ ở phố Ngọc Khánh, ông Lê Đình Phúc, 67 tuổi, cứ miên man mãi những ký ức về chuyện bi hùng của ông ngoại mình. Theo ông Phúc, bếp Hai Hiên quê ở thôn Cao Chung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức. Ông Hiên (còn có tên Nguyễn Văn Truyền) là người giỏi võ và làm đầu bếp cho binh lính Pháp.
Sách của tiến sĩ Patrice Morlat kể thêm ông Hiên còn là chủ tịch "công đoàn nhân viên dân sự trong thành Hà Nội". Chính làng quê ông là một trong những nơi đã thử nghiệm cà độc dược, đồng thời rèn vũ khí cho nghĩa quân. Ông cũng là người tập hợp các đầu bếp yêu nước khác và bỏ cà độc dược vào thức ăn của Pháp trong đêm 27-6-1908. Đại sự không thành, bếp Hai Hiên bị Pháp xử chém. Ngậm ngùi hơn, vợ ông cũng bị bắt và chịu tra tấn đến chết trong ngục Hỏa Lò.
Sau những người tham gia vụ "Hà thành đầu độc", nhiều cụ già tóc bạc phơ nay đã đến đời thứ hai, thứ ba vẫn ghi trong lòng lời kể của cha ông. Họ thắp nén nhang lên bàn thờ người xưa, và không kìm được nước mắt khi tâm sự rằng: "Các bậc anh hùng tuy chưa thành đại nghiệp, nhưng đã dũng cảm xả thân cứu họ tộc, làng xóm mình!"


Những cuộc truy sát
Theo người cháu gái Đỗ Thanh Hằng của ông đồ Đỗ Văn Đàm bị xử chém sau sự kiện "Hà thành đầu độc", tôi về quê hương người yêu nước xưa. Nhìn cảnh xóm làng thanh bình ở Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Hoài Đức (Hà Tây) khó ai ngờ đây đã từng in dấu chân người thầy đồ cùng đồng đội làm quân Pháp một phen khiếp vía.
Tác giả Patrice Morlat đã khai thác được trong Tàng thư Bộ thuộc địa Pháp một bức thư đề ngày 28-6-1908 của viên quan toàn quyền Đông Dương gửi bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, ghi rõ sự kiện "Hà thành đầu độc" đêm 27-6 làm nhiều người Pháp hoảng sợ. Họ đã tụ tập trước tòa thống sứ Bắc kỳ để yêu cầu được vũ trang nhằm chống trả nghĩa quân An Nam.
Chính vì vậy, ngoài việc quân Pháp phải nhanh chóng xử chém, bêu đầu đội Nhân, đội Bình, đội Cốc để trấn an và răn đe tinh thần yêu nước người Việt, họ còn truy sát những người kịp trốn thoát. Tại đình làng Tạ Xá, nơi đang thờ ông đồ Đàm, ông Phạm Văn Quang (68 tuổi) nói rằng người cha Phạm Văn Đấu của ông chính là học trò của cụ đồ Đàm xưa và nếu còn sống thì năm nay đã 118 tuổi.
Ông Đấu thường kể con trai nghe chuyện sau khi vụ đầu độc thất bại, ông đồ Đàm đã được các học trò kéo xe tay đưa về quê. Sau đó, ông chạy lánh sang Hưng Yên để tiếp tục dạy học và bí mật liên lạc với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Không bắt được đồ Đàm, quân Pháp về đến tận làng tra khảo người dân và đe dọa nếu ông không ra chịu tội, chúng sẽ xóa sổ cả hai làng Tạ Xá và Văn Hội là quê nội, ngoại ông. Không thể để bà con dòng tộc và hàng xóm chết thay mình, ông đồ Đàm đành giã từ Hưng Yên trở lại quê hương chịu bị bắt.
Cùng thời điểm này, đầu bếp Nguyễn Văn Hiên cũng kịp chạy thoát. Nhưng viên quan công sứ Hà Đông Jules Bosc quyết liệt truy diệt bằng được người đầu bếp đã trực tiếp đầu độc thức ăn quân Pháp. Mượn luật "tạo phản" là trọng tội của triều đình An Nam, quân Pháp đe dọa sẽ "tru di ba họ” nhà Hai Hiên ở quê Đức Giang, huyện Hoài Đức (Hà Tây) nếu ông không về chịu tội. Ông Nguyễn Danh Tôn (76 tuổi) hiện đang sống ở làng của đầu bếp Hai Hiên không ngăn được nước mắt khi kể lại nghĩa tử của anh hùng xưa.
Ông Tôn đã được người cha Nguyễn Danh Thất, sống cùng thời, cùng làng với ông Hai Hiên, kể trước khi quân Pháp về đe dọa tiêu diệt dòng họ, đầu bếp Hai Hiên đã lánh sang tỉnh khác nên không biết tin dữ này. Người anh cả Nguyễn Văn Trù âm thầm đi báo cho em trai. Khi nghe anh kể, ông Hai Hiên đã quì xuống lạy anh và khí khái thưa rằng: "Em chỉ hận nợ nước chưa kịp đền! Việc em làm, em chịu! Quyết không để ai phải liên lụy!". Rồi ông trở về quê, chịu cho quân giặc bắt để cứu làng.
Trong trí nhớ lưu truyền của các cụ già và nguồn sử liệu, quân Pháp ngoài việc đe dọa để bắt đầu bếp Hai Hiên, ông đồ Đàm… còn truy sát nhiều người khác tham gia sự kiện "Hà thành đầu độc".
Nợ nước dở dang
Ở Tạ Xá, quê hương đồ Đàm, ông thủ từ đình làng Phạm Văn Tảo (74 tuổi) kể lại lời cha của ông (từng là học trò của thầy đồ Đàm) rằng: "Ngày ông đồ Đỗ Văn Đàm từ Hưng Yên trở về quê, học trò và dân làng đã ra đón ông". Biết đây là những ngày sống cuối cùng của người anh hùng, họ đã làm lễ tế sống ông trong ba ngày.
Trước cảnh các học trò vừa khóc vừa thắp hương, lạy tiễn biệt thầy, ông đồ Đàm vẫn khí khái nói: "Thầy ra đi lần này sẽ bị quân Pháp giết. Sự nghiệp đền nợ nước của thầy dở dang. Nhưng nếu ai hỏi, các con cứ nói thầy đã đi theo cụ Đề Thám để cứu dân, cứu nước".
Cô Đỗ Thanh Hằng kể ngày quân Pháp giải ông đồ Đàm từ Hà Đông về Hà Nội, vợ ông là bà Nguyễn Thị Luyện đang mang thai con gái thứ hai, còn con trai đầu của họ mới có ba tuổi. Ông đồ Đàm mang gông không viết tay được, đã dùng ngón chân cặp bút lông viết thư khuyên vợ nuôi con khôn lớn, và nhớ kể thù này để có ngày con sẽ tiếp nối cha đền nợ nước.
Trước khi lên pháp trường, ông đã cởi áo gửi về cho vợ để may áo cho con. Rồi búi tóc dài người thầy đồ anh hùng bất ngờ xõa tung, khiến đao phủ phải chém ông mấy nhát mới đầu lìa khỏi cổ.
Cùng lúc đó, ở Cao Chung, huyện Hoài Đức, dân làng và tộc họ cũng làm lễ tế sống đầu bếp dũng cảm Nguyễn Văn Hiên. Ông Nguyễn Huy Long, 79 tuổi, cháu ông Hai Hiên, kể lời cha rằng: "Ông Hai Hiên đã không khóc trong lễ tế sống mình. Ông khí khái nói tiếc là chưa kịp diệt được kẻ thù!". Sau đó, ông ra pháp trường chịu chết thay cho tộc họ. Nhưng vợ ông vẫn bị tra tấn đến chết. Người em Nguyễn Văn Hiu của ông cũng bị lưu đày. Người bà con làm quan tri phủ huyện Thanh Oai thì từ quan về làm ruộng. Nhiều người trong thân tộc đành phải đổi họ để tránh sự truy bắt dai dẳng của quân Pháp.
Cô hàng cơm dũng cảm
Trong tấm ảnh những người yêu nước tham gia sự kiện "Hà thành đầu độc" bị gông cùm ngồi thành hàng dài, có một phụ nữ nhỏ nhắn, nét mặt của cô trông thật xinh đẹp, dịu dàng với mái tóc vấn khăn theo kiểu xưa. Người phụ nữ đó là ai?
Trong sự kiện nổi dậy này còn có ít nhất hai phụ nữ cũng bị án là vợ đầu bếp Hai Hiên và cô Đồng Đa, đầu mối liên lạc giữa nghĩa quân Hoàng Hoa Thám và những người yêu nước thực hiện vụ "Hà thành đầu độc", nên càng khó tìm ra ai là người phụ nữ trong ảnh.
Suốt mấy tuần lễ đi tìm trong các kho ảnh ở thư viện, nhà sách cũ và cả trên mạng Internet, tôi không thể tìm được dấu vết về người phụ nữ trong tấm ảnh. Tình cờ được gặp nhà sử học Nguyễn Trọng Hậu ở Hà Nội, thì ra ông cũng là một trong những người đã bỏ nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu sự kiện lịch sử bi hùng này. Ông Hậu cho biết những thông tin về quán cơm ở số nhà 20 phố Cửa Nam, nơi đã từng là điểm hẹn bí mật của những người yêu nước tham gia sự kiện "Hà thành đầu độc". Một số thông tin ghi rằng quán cơm này là của Nguyễn Thị Ba. Nghe nói vài chục năm trước đây, hậu duệ bà Nhiêu Sáu vẫn sống ở đây nhưng bây giờ không rõ thế nào.
Đến căn nhà số 20 phố Cửa Nam, cả người ở đây lẫn hàng xóm xung quanh đều không có thông tin gì. Mày mò mãi, cuối cùng tôi phát hiện được quê hương của bà Nhiêu Sáu ở làng Tương Mai (bây giờ là phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại đây, người viết sử làng là ông Nguyễn Văn Quy, nguyên chuyên viên Bộ Giáo dục, đã bật khóc khi nghe hỏi chuyện cô gái duy nhất trong bức ảnh các nghĩa quân đang bị gông cùm. "Người phụ nữ trẻ đẹp trong ảnh đó chính là bà Nguyễn Thị Ba, còn có tên Nhiêu Sáu. Người đã sinh ra và đang yên nghỉ ngay trên mảnh đất làng này!", ông Quy nghẹn ngào.
Ông Quy kể sở dĩ bà Nhiêu Sáu khi chụp tấm ảnh trong lao tù này vẫn còn trẻ đẹp là do bà lập gia đình sớm. Đó là đặc trưng của phụ nữ VN xưa. Hơn nữa, làng Tương Mai của bà Nhiêu Sáu nằm trên đường cái quan nổi tiếng có nhiều hàng cơm, xôi lúa phục vụ khách qua đường, nên các cô gái làng thường lập gia đình sớm để có chồng con phụ giúp chuyện hàng quán.
Về sau, nhiều cô đã vào nội thành Hà Nội mở mang quán xá. Trong đó, cô Nguyễn Thị Ba, tức bà Nhiêu Sáu, đã tậu ngôi nhà 20 phố Cửa Nam để mở quán cơm và nơi ấy trở thành điểm hẹn của những người yêu nước. Ông Quy còn cho biết thêm hậu duệ của bà Nhiêu Sáu trước vẫn sống ở nhà 20 phố Cửa Nam, nhưng về sau đã chuyển về nhà 187 Trương Định.
Image
Ông Đỗ Đình Hướng - cháu đời thứ tư của bà Nhiêu Sáu.
Tại số nhà 187 Trương Định, ông Đỗ Đình Hướng năm nay 78 tuổi, là cháu đời thứ tư của bà Nhiêu Sáu. Ông nội Đỗ Thuyết của ông Hướng chính là con trai của người phụ nữ anh hùng này. Khi bà Nhiêu Sáu còn sống, con dâu bà, tức vợ ông Đỗ Thuyết, là người trực tiếp phụ quán cơm cho mẹ chồng nên hiểu chuyện những người yêu nước. Đặc biệt, ông Đỗ Văn Sáu, chồng bà Nhiêu Sáu, kịp trốn thoát sau sự kiện "Hà thành đầu độc", nên về sau đã lưu truyền lại chuyện bi hùng cho con cháu ghi nhớ.
Thà chết không khai
Thắp nén nhang cúi lạy tiền nhân xong, ông Hướng kể về những ký ức truyền đời từ ông cha. Bà Nguyễn Thị Ba được gọi tên Nhiêu Sáu là do ghép tên Sáu với chức "nhiêu" của chồng, một chức nhỏ ở làng. Từ nhỏ bà đã không thích quân Pháp vì chúng hay bắt nạt người Việt, nhất là các cô gái xinh đẹp.
Khi lên mở quán cơm ở nhà 20 phố Cửa Nam, bà có dịp tiếp xúc nhiều với cả quân Pháp lẫn các người Việt đang hoạt động công khai hoặc bí mật chống Pháp. Tinh thần yêu nước của cô hàng cơm xinh đẹp ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn khi được trực tiếp trò chuyện với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám và các binh lính, đầu bếp, thầy đồ ái quốc...
Bà Nguyễn Thị Tuệ, con dâu bà Nhiêu Sáu, sau này thường kể con cháu nghe ngày xưa tầng hai của quán cơm nhà 20 phố Cửa Nam chính là nơi những người yêu nước thường tụ họp ăn uống và ở trọ để bàn mưu đánh giặc. Trong đó có cả tướng tá của phong trào Đề Thám như đội Hổ, chánh Tỉnh và một số nhà nho, thầy dạy tiếng Pháp được các binh lính Việt tín nhiệm như ông Đỗ Văn Đàm, ông Quang, ông Đông Châu...
Mặc dù không được mẹ chồng cho tham gia, nhưng chính mắt bà Tuệ đã thấy bà Nhiêu Sáu cùng các nghĩa quân cắt máu pha rượu uống thề dựng nghiệp lớn. Kế hoạch "Hà thành đầu độc" thất bại, quân Pháp vừa truy sát nghĩa quân vừa nhanh chóng ập đến nhà này để bắt cô hàng cơm đã tham gia nổi dậy. Bà Nhiêu Sáu bị bắt nhưng chồng kịp thoát về Hải Phòng. Về sau, ông chết vì tai nạn đắm tàu.
Pháp tuy bắt được bà Nhiêu Sáu nhưng không lấy được lời khai gì để đánh phá nghĩa quân. Chính người chồng cùng con trai, con dâu bà Nhiêu Sáu và các tài liệu Phan Bội Châu toàn tập, Việt Nam nghĩa liệt sử, Lịch sử thủ đô Hà Nội... đã kể rõ tinh thần dũng cảm của bà Nhiêu Sáu. Mật thám Pháp đóng đinh nhọn vào thùng gỗ, rồi nhét bà vào đó và lăn từ phố Cửa Nam về ngục Hỏa Lò.
Ngoài mục đích tra tấn dã man bà để lấy lời khai, chúng còn muốn đe dọa tinh thần yêu nước của những người khác. Cuối cùng, bà Nhiêu Sáu đã chết vì bị tra tấn và bệnh tật trong ngục Hỏa Lò. Một người cùng quê bán quán gần nhà giam đã phải mua chuộc cai ngục cho tráo xác, đưa thi hài bà về quê. Ngay trong đêm, hậu duệ bà và hàng xóm đã âm thầm nuốt nước mắt tiếc thương tiễn đưa người phụ nữ dũng cảm yên nghỉ trong một nấm mồ đất không dám khắc bia chí ở cánh đồng làng Tương Mai bây giờ.
Thủ cấp người anh hùng
Image
Ông Đặng An Ninh thắp hương trên mộ người anh hùng Đặng Đình Nhân - Ảnh: Quốc Việt
Nghĩa trang Thanh Tước (Hà Nội). Nấm mộ người anh hùng Đặng Đình Nhân nằm trên triền đồi thoai thoải, trông xuống đồng quê thanh bình. Bề ngoài nấm mộ đội Nhân cũng bình thường như bao mộ khác đang yên nghỉ ở đây, nhưng ít ai biết rằng sâu dưới nấm mộ đặc biệt này chỉ có mỗi thủ cấp người vì nước vong thân.
Ngồi bên nấm mộ tiền nhân, hai người cháu của ông Đặng Đình Nhân là Đặng An Ninh và Đặng Đình Được nay tóc đã bạc phơ, nghẹn ngào tâm sự: "Đầu bác Nhân đã phải trải qua bốn nơi trong gần suốt thế kỷ mới được về yên nghỉ nơi này!". Ngày đội Nhân bị bắt, các em trai ông phải chạy lánh quân Pháp truy nã. Nhưng bà con thân tộc và dân làng Bạch Mai vẫn nặng lòng theo sát những ngày cuối đời của đội Nhân. Rồi sau này, chính họ là nhân chứng sống lưu truyền khí phách cha ông yêu nước cho cháu con đời sau ghi nhớ.
Đội Nhân bị bắt giam đêm 27-6-1908, đến ngày 6-7-1908, hội đồng đề hình Bắc kỳ do viên công sứ Hà Đông người Pháp là Jules Bosc ngồi ghế chủ tọa đã tước quân tịch và tuyên án tử hình ông cùng hai người bạn Nguyễn Trị Bình và Dương Bê. Tài liệu trong tàng thư Bộ thuộc địa Pháp do tiến sĩ Patrice Morlat khai thác được có ghi rõ rằng hôm sau, đơn chống án của ba người này bị Hội đồng bảo hộ Pháp bác. Và án tử hình thực hiện theo luật An Nam là chém bêu đầu thực hiện ngay trong sáng 8-7-1908. Pháp trường được vội vã dựng trong đêm ở bãi Gáo, cột cờ Hà Nội. Viên quan Pháp Duvillier giám sát thi hành án, còn đao phủ là một người Việt.
Quân Pháp tính toán việc chém đầu những người này giữa Hà Nội sẽ răn đe tinh thần yêu nước của dân chúng, nhưng không ngờ lại làm bùng thêm nghĩa khí vì tổ quốc. Theo ký ức của gia đình ông Ninh, buổi sáng đó rất đông người vẫn đến tiễn đưa các anh hùng. Trong đó có cả vợ ông Đặng Đình Nhân đang mang thai con gái, phải bôi mặt, hóa trang thành phụ nữ khóc thuê để tránh mật thám Pháp theo dõi.
Đội thi hành án đã chuẩn bị sẵn xe kéo để đưa những người anh hùng ra pháp trường, vì nghĩ rằng họ có thể không đi được do mất tinh thần. Tuy nhiên, cả đội Nhân, đội Bình và đội Cốc (Dương Bê) đều hiên ngang tự bước ra pháp trường. Quyển ba trong bộ Phan Bội Châu toàn tập và một số sử liệu khác còn kể rằng những người yêu nước này đã mắng lại quân Pháp là kẻ cướp nước khi họ bị hỏi chịu hối lỗi, chịu khai để có thể được tha chết. Riêng đội Nhân khi nghe mình bị kết tội "phiến loạn" đã khẳng khái trả lời: "Ta không làm loạn, mà chỉ trung với nước!".
Chém xong ba người, quân Pháp đưa thủ cấp họ về nguyên quán để bêu thị uy. Đầu đội Nhân bị bỏ rọ tre, treo ở cành đa cổ thụ, ngã tư Trung Hiền, cửa ngõ đông người qua lại ở làng Bạch Mai. Nhưng trong đêm, dân làng và thân tộc đã cướp lại được đầu ông và bí mật đem đi chôn.

Tìm lại phần xương cốt
100 năm đã trôi qua, người cháu Đặng An Ninh của đội Nhân vẫn rưng rưng nước mắt khi nhắc lời hứa của cha mình đối với anh trai đã hi sinh. Người em út Đặng Đình Giao sau khi chạy lánh quân Pháp truy nã đã qua Anh học tiếp để có bằng kỹ sư và được nhập quốc tịch nước này, nhưng ông vẫn quyết trở lại Lào để mong có ngày trả thù cho anh mình. 
Mỗi năm đến ngày giỗ anh, ông Giao đều lấy tấm ảnh thủ cấp bị bêu trong rọ tre ra cho các con xem và căn dặn: "Mai sau, các con có điều kiện thì phải đi tìm các phần thi hài của bác để an táng đàng hoàng". Sau đó, cha con nhà ông Giao đều tham gia phong trào cách mạng chống Pháp ở Lào. Ông Giao hi sinh mất xác tại chiến trường. Năm 1954, người con Đặng An Ninh về nước, thực hiện lời hứa của cha.
Ngay những ngày đầu đặt chân đến Hà Nội, ông Ninh đã cố lần tìm tung tích nơi bác mình yên nghỉ. Các cụ già biết chuyện, kể ông nghe sau khi xử chém, phần thân đội Nhân bị đem vùi mất tích, riêng thủ cấp được bà con cướp lại để bí mật chôn cất ở làng Bạch Mai. Ngay đêm đó, ông Ninh đã tìm đến Bạch Mai và được dân làng xác nhận chuyện này, nhưng vị trí chính xác của mộ nằm ở đâu thì không rõ. Suốt nhiều ngày liền, ông Ninh đi dò hỏi từng người. Cuối cùng, ông may mắn tìm được bà Đặng Thị Đức là con gái bác Đặng Đình Nhân và em họ Đặng Đình Được mà nay đã tuổi 86. 
Bà Đức và ông Được kể ông Ninh nghe khi họ còn bé đã được người lớn cho biết nấm đất nhỏ như cái thúng nằm khuất dưới bụi dứa dại ngoài đồng chính là mộ thủ cấp bác Nhân. Tuy nhiên, họ căn dặn con cháu không được thường xuyên thăm viếng mộ này, bởi mật thám Pháp đã phát hiện, bí mật theo dõi để truy bắt người thân đội Nhân. Thời điểm ông Ninh về nước, Pháp tuy đã thua ở Điện Biên Phủ nhưng vẫn chưa rút hết quân khỏi miền Bắc và hệ thống mật thám còn hoạt động bắt bớ, ám sát. Ông Ninh phải giữ bí mật, hóa trang thành người đi bắt cua để đến viếng mộ bác mình. Vài anh em bà con cũng hóa trang đi làm đồng để có gì sẽ bảo vệ ông. 
Ông Ninh vẫn nhớ như in buổi sáng đặc biệt đó. Lần đầu tiên được thắp nén nhang trên nấm mộ đất nhỏ bé, lạnh lẽo của bác, ông chỉ khấn được vài câu: "Bác ơi! Cháu đã thực hiện được lời hứa với cha, với bác!". Sau đó, ông Ninh tiếp tục gia nhập quân ngũ, tham chiến biền biệt ở Lào. Nấm mộ đội Nhân ở quê được bà Đức gìn giữ hương khói. 
Một thời gian sau, thủ cấp người anh hùng được chuyển về nơi mộ mới ở làng Huỳnh Cung, Văn Điển, rồi tiếp tục cải táng sang Đa Phúc. Lần này, ông Ninh xin nghỉ phép để về quê lo nơi yên nghỉ cho bác mình. Một lần nữa người thanh niên dày dạn chiến trường lại không kìm được nước mắt và ngất đi khi tận mắt nhìn thấy di cốt còn lại của bác mình chỉ độc mỗi xương sọ trong tiểu sành.
Vài năm sau, thủ cấp người anh hùng Đặng Đình Nhân lại được chuyển về nghĩa trang Thanh Tước. Tiễn bác đi, ông Ninh đã khóc thề rằng: "Cháu sẽ cố gắng tìm lại phần xương cốt của bác". Nhưng đến nay, 100 năm đã trôi qua, lời hứa đó vẫn chưa thể thực hiện được. Còn mái tóc ông Ninh đang ngồi bên nấm mộ người xưa thì cũng đã bạc phơ rồi...
100 năm đã trôi qua, người cháu Đặng An Ninh của đội Nhân vẫn rưng rưng nước mắt khi nhắc lời hứa của cha mình đối với anh trai đã hi sinh. Người em út Đặng Đình Giao sau khi chạy lánh quân Pháp truy nã đã qua Anh học tiếp để có bằng kỹ sư và được nhập quốc tịch nước này, nhưng ông vẫn quyết trở lại Lào để mong có ngày trả thù cho anh mình. 
Mỗi năm đến ngày giỗ anh, ông Giao đều lấy tấm ảnh thủ cấp bị bêu trong rọ tre ra cho các con xem và căn dặn: "Mai sau, các con có điều kiện thì phải đi tìm các phần thi hài của bác để an táng đàng hoàng". Sau đó, cha con nhà ông Giao đều tham gia phong trào cách mạng chống Pháp ở Lào. Ông Giao hi sinh mất xác tại chiến trường. Năm 1954, người con Đặng An Ninh về nước, thực hiện lời hứa của cha.
Ngay những ngày đầu đặt chân đến Hà Nội, ông Ninh đã cố lần tìm tung tích nơi bác mình yên nghỉ. Các cụ già biết chuyện, kể ông nghe sau khi xử chém, phần thân đội Nhân bị đem vùi mất tích, riêng thủ cấp được bà con cướp lại để bí mật chôn cất ở làng Bạch Mai. Ngay đêm đó, ông Ninh đã tìm đến Bạch Mai và được dân làng xác nhận chuyện này, nhưng vị trí chính xác của mộ nằm ở đâu thì không rõ. Suốt nhiều ngày liền, ông Ninh đi dò hỏi từng người. Cuối cùng, ông may mắn tìm được bà Đặng Thị Đức là con gái bác Đặng Đình Nhân và em họ Đặng Đình Được mà nay đã tuổi 86. 
Bà Đức và ông Được kể ông Ninh nghe khi họ còn bé đã được người lớn cho biết nấm đất nhỏ như cái thúng nằm khuất dưới bụi dứa dại ngoài đồng chính là mộ thủ cấp bác Nhân. Tuy nhiên, họ căn dặn con cháu không được thường xuyên thăm viếng mộ này, bởi mật thám Pháp đã phát hiện, bí mật theo dõi để truy bắt người thân đội Nhân. Thời điểm ông Ninh về nước, Pháp tuy đã thua ở Điện Biên Phủ nhưng vẫn chưa rút hết quân khỏi miền Bắc và hệ thống mật thám còn hoạt động bắt bớ, ám sát. Ông Ninh phải giữ bí mật, hóa trang thành người đi bắt cua để đến viếng mộ bác mình. Vài anh em bà con cũng hóa trang đi làm đồng để có gì sẽ bảo vệ ông. 
Ông Ninh vẫn nhớ như in buổi sáng đặc biệt đó. Lần đầu tiên được thắp nén nhang trên nấm mộ đất nhỏ bé, lạnh lẽo của bác, ông chỉ khấn được vài câu: "Bác ơi! Cháu đã thực hiện được lời hứa với cha, với bác!". Sau đó, ông Ninh tiếp tục gia nhập quân ngũ, tham chiến biền biệt ở Lào. Nấm mộ đội Nhân ở quê được bà Đức gìn giữ hương khói. 
Một thời gian sau, thủ cấp người anh hùng được chuyển về nơi mộ mới ở làng Huỳnh Cung, Văn Điển, rồi tiếp tục cải táng sang Đa Phúc. Lần này, ông Ninh xin nghỉ phép để về quê lo nơi yên nghỉ cho bác mình. Một lần nữa người thanh niên dày dạn chiến trường lại không kìm được nước mắt và ngất đi khi tận mắt nhìn thấy di cốt còn lại của bác mình chỉ độc mỗi xương sọ trong tiểu sành.
Vài năm sau, thủ cấp người anh hùng Đặng Đình Nhân lại được chuyển về nghĩa trang Thanh Tước. Tiễn bác đi, ông Ninh đã khóc thề rằng: "Cháu sẽ cố gắng tìm lại phần xương cốt của bác". Nhưng đến nay, 100 năm đã trôi qua, lời hứa đó vẫn chưa thể thực hiện được. Còn mái tóc ông Ninh đang ngồi bên nấm mộ người xưa thì cũng đã bạc phơ rồi...
Bia đá lưu danh
Một thế kỷ đã trôi qua sau ngày nổ ra sự kiện "Hà thành đầu độc". Pháp trường xử chém ba anh hùng đầu tiên ở bãi Gáo, cột cờ thành Hà Nội, bây giờ đã đổi thay đẹp đẽ với những hàng cây xanh xum xuê bóng mat.
Pháp trường thứ hai ở Vườn Bàng (khu Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) nay cũng không còn dấu vết bãi đất đã từng nhuộm thắm máu đào chín anh hùng cùng bị xử chém trong buổi sáng hôm ấy. Tuy nhiên, người đời nay ít ai biết khu vực này vẫn còn một nấm mộ tập thể của họ cùng bao nỗi niềm.
Nấm mộ tập thể
Image
Mộ bia tập thể của những người yêu nước tham gia vụ “Hà thành đầu độc” nằm nép sâu trong vườn nhà dân - Ảnh: Quốc Việt
Đường Lạc Long Quân. Nấm mộ các anh hùng nhỏ khuất sâu trong vườn cây rậm rạp. Nhà cửa xây bao xung quanh làm cho nấm mộ trông càng nhỏ bé hơn. Ông Nguyễn Đức Dư, 76 tuổi, đã trải qua nhiều đời sinh sống ở đây, kể: "Từ hồi còn nhỏ tôi đã được cha dặn mỗi năm đến ngày 27-6, nhớ thắp nén nhang và đắp cho nấm mộ hoang này nắm đất". Lớn lên một chút, ông Dư mới được biết đó chính là nấm mộ của những anh hùng đã bị xử chém sau sự kiện "Hà thành đầu độc". 
Đến nay, ông Dư vẫn nhớ rõ lời cha kể rằng ngày xưa có các binh lính, thầy đồ, đầu bếp tham gia vụ đầu độc quân Pháp nhưng thất bại rồi bị xử chém tại đây. Thủ cấp họ bị đem đi bêu ở chợ Bưởi và các cửa ngõ Hà Nội, rồi cuối cùng không biết ra sao. Riêng thi hài của họ bị bọn đao phủ vùi lấp chung ngay tại pháp trường Vườn Bàng. Lời kể lưu truyền của nhân chứng và các sử liệu của VN cũng ghi: Ngày 7-10-1908, chính quyền bảo hộ Pháp đã đưa tiếp những tử tội còn lại trong vụ "Hà thành đầu độc" ra thi hành án chém ở địa điểm Vườn Bàng gần chợ Bưởi. Tuy nhiên, ngoài một số nhân vật chủ chốt được đề cập nhiều như bếp Hiên, đồ Đàm, các sử liệu đã không xác định rõ danh tính cụ thể từng người bị chém trong đợt này. 
Người Pháp về sau đã cho xây dựng trên bãi pháp trường một xưởng dệt nhuộm lớn, nên xương cốt những người yêu nước được bốc về vị trí bây giờ. Tuy nhiên, thời cuộc loạn ly mà đặc biệt là quân Pháp vẫn truy bắt thân nhân anh hùng nên nấm mộ dần trở thành vô danh và chìm trong hoang tàn. Thỉnh thoảng chỉ có vài người già biết chuyện ở địa phương và gia đình ông chủ đất Nguyễn Đức Hỷ có nấm mộ này lặng lẽ thắp nén nhang hay đắp đất để nó không bị xóa mất với thời gian. 
Gần 100 năm trôi qua, nấm mộ đất tập thể của các anh hùng cứ thế nằm lặng lẽ trong một góc vườn chẳng mấy ai nhớ. Các nhân chứng trực tiếp đời thứ nhất của sự kiện dần qua đời hết. Những người đời sau được cha ông lưu truyền câu chuyện bi hùng này như ông Dư giờ tóc cũng đã bạc phơ. Ông Dư xúc động: "Hồi cha tôi còn sống, ông cứ đau đáu mãi không nguôi chuyện này. Ông không muốn các anh hùng vì nước, vì dân lại bị thời gian làm cho quên đi. Ông luôn mong một ngày nào đó con cháu họ tới đây tìm, để ông kể lại sự thật mình biết cho đời sau lưu truyền và mồ mả họ không phải là nấm đất lạnh lẽo, hoang tàn". 
Ông Dư cho biết thêm khi cha mình mất đã dặn dò con trai phải ghi nhớ câu chuyện yêu nước bi hùng này, để sau này còn kể lại cho con cháu họ biết mà tưởng nhớ. Về sau, ông Dư tham gia chiến tranh biền biệt, nhưng chưa lúc nào quên lời cha dặn. 
Rồi mãi đến năm 1988, các cháu nội, ngoại của người đầu bếp anh hùng Nguyễn Văn Hiên mới tìm đến được nấm mộ này để thắp nén nhang cho ông mình. Trong căn nhà nhỏ ở ngõ sâu phố Khâm Thiên, ông Nguyễn Văn Long gọi ông Hai Hiên là ông chú (em của ông nội) cứ chảy nước mắt khi nhớ lại lần đầu tiên được thắp nén nhang trên mộ tiền nhân. Ông Long năm nay 79 tuổi, kể rằng trước đó anh em nhà ông, mà đặc biệt là người anh tên Khải ở tận Phú Thọ, đã trăn trở tìm kiếm nấm mộ này. Nhưng họ tìm mãi không được. 
Tình cờ, trong ngày giỗ, một người cô của họ buột miệng: "Hình như có sách nào đó ghi rằng pháp trường xử chém ông Hai Hiên ở khu Nghĩa Đô bây giờ". Thế là họ lần mò đến đây tìm và cuối cùng gặp được ông Dư. Ông Dư nhiệt tình dẫn họ đến tận nơi và ký cả giấy xác nhận sự thật của nấm mộ đặc biệt này.
Cách nay năm năm, cháu ông đồ Đỗ Văn Đàm là cô Đỗ Thanh Hằng cũng tình cờ tìm được mộ ông ở đây. Và cô đã cùng các người cháu của đầu bếp Hai Hiên xây lại nấm mộ gạch cho tiền nhân. Dù mộ vẫn còn nhỏ bé, lọt thỏm trong mảnh vườn, nhưng lần đầu tiên đã có một bia đá khắc rõ ràng hàng chữ nơi yên nghỉ của chín vị anh hùng đã vì nước vong thân. 
Nguyện vọng cuối cùng
Đến bây giờ nấm mộ tập thể này vẫn mới chỉ có tên hai anh hùng Nguyễn Văn Hiên và Đỗ Khắc Nhạ (Đỗ Văn Đàm). Bảy vị còn lại vẫn chưa biết ra sao vì các sử liệu chưa thể xác định được tên tuổi những người đang yên nghỉ nơi đây. Còn hậu duệ của họ ở đâu cũng chẳng ai rõ.
Mặc dù tin rằng đã tìm được nơi yên nghỉ của các ông mình, nhưng cô Hằng và ông Long cũng không nguôi ngậm ngùi cho những vị chưa được xác định danh phận xứng đáng. Họ không kìm được nước mắt khi tâm sự: "Chúng tôi cố tình dành phần bia đá để mong có ngày được biết tên tuổi các ông mà khắc thêm vào. Nhưng đến giờ vẫn vô vọng". Đặc biệt, họ cũng rất buồn khi nhìn cảnh nấm mộ đến nay vẫn "nằm nhờ" sâu trong mảnh vườn nhà dân. Họ không thể tự ý làm mộ bia lớn hơn cho xứng đáng với các ông, hay họ muốn đi thăm, hương khói cũng bất tiện.
Cùng nỗi niềm này nhà sử học Dương Trung Quốc còn có nguyện vọng lớn hơn. Ông Quốc nhiều lần nhắc đi nhắc lại: "Hậu thế thời nay phải làm đài bia lưu danh nghĩa cử, hành động yêu nước của những anh hùng này. Họ đã chống giặc mà hi sinh. Họ hoàn toàn xứng đáng được vinh danh liệt sĩ để hòa cùng hồn thiêng sông núi!". Nhưng đến nay ngoài đội Nhân là người duy nhất được đặt tên cho một đường ở Hà Nội, tất cả còn lại vẫn đang lặng lẽ chìm trong quên lãng của thời gian và vài trang sử mờ nhạt.
Quốc Việt (báo Tuổi Trẻ http://lichsuvietnam.info/index.php?option=com_content&task=view&id=236&Itemid=6

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét