QĐND - Thứ Sáu, 04/04/2008, 18:27 (GMT+7)
Đầu năm 1959 Bộ Chính trị đề xuất để Bác đi nghỉ một thời gian. Bác đề nghị đi vùng đảo Đông Bắc thăm bộ đội và nhân dân một số đảo.
Chuyến đi được ấn định vào cuối tháng 3. Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị phương tiện và tổ chức đưa Bác đi thăm đảo. Đồng thời phối hợp với Bộ Công an bảo đảm an toàn cho chuyến đi của Người.
Ngày 18-3-1959, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi (Nguyễn Thế Trinh), lúc đó là Hiệu trưởng trường huấn luyện Hải quân Việt Nam, tổ chức phương tiện và tổ chức kế hoạch đi.
Thời kỳ đó, Trường huấn luyện Hải quân là đơn vị trực thuộc Cục Hải quân. Nhà trường có một phân đội tàu, biên chế thành ba đại đội C1, C2, C3. Bốn tàu sắt của C3 là 524, 526, 528, 530 được chọn làm nhiệm vụ đưa đón Bác. Trừ tôi, các đồng chí lãnh đạo chỉ huy khác của trường và anh em, chỉ được phổ biến nhiệm vụ chuẩn bị đưa đón khách đặc biệt.
Theo kế hoạch, đi cùng Bác có các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Phó chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Khai (Ủy viên Trung ương), đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Bác); đồng chí Bảo, bác sĩ bảo vệ sức khỏe. Khi xuống Hải Phòng có thêm đồng chí Hoàng Hữu Nhân, Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đến Quảng Ninh có đồng chí Vũ Tuân, Bí thư khu ủy Hồng Quảng. Ngoài ra còn có đồng chí Loan, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Bộ Công an.
8 giờ 00 ngày 30 tháng 3, cán bộ chiến sĩ, học viên nhà trường đội ngũ chỉnh tề hai bên đường từ cổng trường đến cầu cảng để chuẩn bị đón khách.
Đúng 8 giờ 30 phút, hai xe con từ Hà Nội xuống đứng trước cầu tàu. Bác và đoàn xuống xe. Tôi trực tiếp báo cáo:
- Thưa Bác, tàu chúng cháu đã chuẩn bị xong, xin ý kiến Bác!
Bác bảo:
- Chuẩn bị xong thì đi.
Nói rồi tôi mời Bác xuống cầu tàu, đi qua tàu 526 sang 524. Đến lúc đó, anh em mới biết là Bác Hồ. Mọi người ùa xuống kín cầu cảng, reo hò, hoan hô “Hồ Chủ tịch muôn năm… muôn năm…!”. Bác quay về phía mọi người trên cầu cảng nói: Hôm nay Bác đi công tác cùng với một số chú trên tàu Hải quân của trường. Bác gửi lời hỏi thăm tất cả cán bộ giáo viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên của Trường Hải quân.
Tiếng vỗ tay, reo hò vang động cả khu vực cảng, Xưởng 46, Bác dặn tiếp:
- Các chú muốn thực hiện tốt nhiệm vụ, bây giờ phải thi đua. Hiện nay trong quân đội đang có phong trào thi đua “Ba nhất”, các chú đã tổ chức thi đua chưa?
Tất cả đồng thanh: “Thưa Bác có ạ!”, “Thưa Bác, chúng cháu đang thực hiện ạ!”.
Bác bảo:
- Nếu thực hiện thi đua như thế là rất tốt. Bác sẽ theo dõi thành tích thi đua của các chú, các chú có đồng ý không?
Tất cả lại đồng thanh: “Thưa Bác, chúng cháu quyết tâm thực hiện lời Bác dạy!”.
Tàu từ từ rời bến. Anh em trên cầu cảng nhìn theo Bác, tiếc ngẩn ngơ, vì nhìn thấy Bác ít quá, có nhiều người chưa kịp trông rõ Bác.
Tàu 524 đi trước, 526 đi sau, lần lượt qua cảng Xưởng 46, cảng Hải Phòng, qua sông Đào, lượn ra sông Bạch Đằng, rẽ vào sông Chanh, qua Quả Xoài vào Vịnh Hạ Long, ngay đảo Tuần Châu. Bác nhắc đồng chí Vũ Kỳ cho đồng chí Tổng công trình sư lên đảo, chuẩn bị mọi mặt để khi Bác lên đảo sẽ báo cáo với Bác thiết kế xây dựng một khu nhà nghỉ của Quốc hội trên đảo Tuần Châu.
Khi tàu rời cảng, Bác bảo dẫn Bác đi xem tàu. Tôi giới thiệu với Bác lần lượt vị trí của các ngành kỹ thuật chiến đấu trên tàu, đến ngành vũ khí dưới nước. Tôi thưa với Bác đây là ngành “thủy vũ”. Bác hỏi:
- Thủy vũ” là ngành nhảy múa dưới nước phải không chú?
- Thưa Bác đây là ngành sử dụng vũ khí dưới nước, gọi tắt là “thủy vũ” ạ. Tôi trả lời.
Bác cười vui:
- Chú mà nói “thủy vũ”, thì Bác cũng chỉ hiểu là nhảy múa dưới nước. Các chú đã học Hải quân và nhất là công tác ở nhà trường, các chú phải nghiên cứu từ ngữ của Hải quân, cho nó mới, nó phù hợp. Từ ngữ của dân tộc ta không thiếu đâu.
Bác quay lại nói với đồng chí Nguyễn Lương Bằng:
- Ngành đường sắt còn dùng các từ “liệt xa”, “hỏa xa”, “xa trường”, “xa viễn”… nữa đấy.
Rồi quay lại anh em chúng tôi, Bác bảo:
- Các chú đã dốt lại hay dùng chữ.
Tàu đưa Bác đi là tàu chiến cỡ nhỏ, hoạt động ở biển, trong sông và biển gần; lượng giãn nước khoảng 50 tấn. Thân vỏ do Trung Quốc đóng; lắp máy và trang thiết bị của Liên Xô. Một số bảng chỉ dẫn toàn bằng chữ Trung Quốc. Thấy thế Bác nói: “Phải viết bằng chữ Việt”. Bác hỏi tôi:
- Đi từ đây đến Bãi Cháy, mấy giờ thì tới nơi hả chú?
- Thưa Bác, chúng cháu dự kiến 12 giờ thì tới ạ! Tôi thưa.
- Tàu gì mà chạy chậm như rùa? Bác nhận xét.
Tôi lúng túng:
- Báo cáo Bác, đưa Bác đi công tác, cấp trên quy định chỉ đi với tốc độ ấy thôi ạ.
Bác chỉ tay vào ngực Bác, Bác hỏi:
- Thế tôi có phải là cấp trên của chú không?
- Thưa Bác, có ạ! Tôi vội thưa.
Bác cười vui vẻ. Tôi tranh thủ hỏi đồng chí Vũ Kỳ:
- Tôi ít đi với Bác nên chưa có kinh nghiệm, anh đi với Bác nhiều, có kinh nghiệm gì phổ biến cho tôi với.
Đồng chí Vũ Kỳ nói:
- Cậu nhớ rằng, Bác là con người luôn luôn chủ động. Không hiểu Bác, thì chúng ta luôn luôn bị động. Ta phải giành chủ động của ta. Bác hỏi thế nhưng kế hoạch đã duyệt thì cứ quyết tâm mà thực hiện. Khi Bác hỏi, biết rõ thì nói, không biết thì thôi.
Trên boong mũi tàu, anh em căng bạt che mái, kê một chiếc bàn và một số ghế để Bác và các đồng chí trong đoàn ngồi nghỉ. Bác không lúc nào ngồi yên một chỗ, mà đi hết mũi, xuống lái tàu rồi lại vòng lên mui. Có hai đồng chí thủy thủ được phân công luôn đi theo Bác để đảm bảo an toàn. Bác bảo: “Các chú cứ làm như Bác từ bé đến giờ chưa xuống tàu bao giờ ấy”. Bác tranh thủ trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Lần đầu tiên được gặp Bác, vị lãnh tụ tối cao gần gũi vô cùng, ai cũng cảm động đến nghẹn ngào. Anh em ngồi quây quần xung quanh Bác, trò chuyện với Bác ấm cúng như đàn con vây quanh người cha. Tôi thầm nghĩ, không biết có nơi nào trên thế giới có cảnh tượng diễn ra tương tự như vậy không!? Có đồng chí sờ chân tay Bác, quần áo Bác và sung sướng với phút giây hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời mình.
Gần trưa, anh em múc chậu nước ngọt mời Bác rửa tay, Bác hỏi:
- Dưới tàu các chú mỗi người dùng bao nhiêu lít nước ngọt một ngày?
- Thưa Bác, mỗi người chúng cháu dùng 50 lít một ngày ạ. Nhưng đi công tác với Bác, chúng cháu chuẩn bị nhiều nước ngọt nên dùng thoải mái ạ-Anh em thưa.
Bác bảo:
- Khi đã xuống tàu phải chấp hành mọi quy định của tàu, ai cũng phải thế. Nếu các chú bảo nhiều nước dùng thoải mái, ít nước dùng ít thì còn gì là quy định nữa.
Anh em nhìn nhau thấm thía.
Bác nói thêm:
- Nước ngọt trên tàu khi đi biển là rất quý. Để bảo đảm đủ nước sinh hoạt phải có quy định. Đến tối rửa một thể. Cuối cùng Bác không rửa, kể cả khi lội xuống nước vào đảo và từ đảo lên tàu Bác cũng không rửa nước ngọt. Đó là bài học sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ trên tàu 524.
Theo kế hoạch, tàu sẽ cập cảng Bãi Cháy và ăn trưa ở đó. Nhưng khi qua đến Quả Xoài vào Vịnh Hạ Long khoảng 11 giờ trưa, Bác gọi tôi đến bảo:
- Bây giờ, từ đây đến Bãi Cháy, chú xem có đảo nào có thể lên được ta lên ăn cơm trên đảo.
- Ta đã hoàn thành kế hoạch ngày hôm nay. Bây giờ chuẩn bị ăn cơm. Bữa cơm chiều được dọn ra trên boong tàu. Tôi quan sát thấy chủ yếu là món cá song hấp và kho, món rau cải luộc, một đĩa cà và ít ớt tỏi, hành đơn giản.
Một ngày làm việc vừa mệt, vừa đói nên hầu như ai cũng ăn ngon, khỏe. Thấy có vẻ ít món, tôi mời đồng chí phục vụ Bác để hỏi:
- Sao thực phẩm tàu có nhiều mà đồng chí nấu ít món thế? Đồng chí ấy mỉm cười nói:
- Đồng chí chưa biết tính Bác. Tôi nấu như thế là đúng quy định, đúng khẩu vị của Bác: “Ít món nhưng ngon và không được thừa cơm. Nấu cơm phải thiếu một ít. Bác ăn như thế là đúng tiêu chuẩn đấy!”. Đồng chí yên tâm đi.
Tôi nghe mà thấm thía một điều, vừa giản dị, vừa khoa học, vừa sâu sắc và thật vĩ đại.
8 giờ tối, tàu cập cảng Bãi Cháy. Bác đã chỉ thị cho khu ủy Hồng Quảng tập trung các cán bộ chủ chốt ở hội trường của trung đoàn 244 (hiện giờ là khu an dưỡng Đoàn 22 Hạ Long của Hải quân) ở Bãi Cháy. Đồng chí Phan Huy Thứ lúc đó là chính ủy trung đoàn cho xe đưa Bác từ cảng Bãi Cháy về trung đoàn. 8 giờ 30 phút tối tới nơi. Bác vào nghỉ ở nhà khách, đúng 9 giờ 30 phút tối Bác vào hội trường, các đồng chí cán bộ chủ chốt khu ủy Hồng Quảng đã có mặt đầy đủ. Cả hội trường phấn khởi, náo nhiệt hẳn lên.
Đồng chí Vũ Tuân giới thiệu và báo cáo với Bác. Bác nói chuyện, cả hội trường im lặng lắng nghe. Bác hỏi:
- Ở đây, khu ủy chú nào phụ trách tuyên huấn?
Dưới hàng ghế gần đó, một đồng chí đứng lên thưa với Bác rất to: Báo cáo Bác, cháu ạ!
Bác hỏi luôn:
- Thế chú làm tuyên huấn thì chú tuyên cái gì, huấn cái gì nào? Chú nói Bác nghe.
Đồng chí khu ủy viên đó chưa kịp hiểu ý Bác định nói gì thì Bác nói tiếp:
- Ở dưới cơ sở các chú cho viết khẩu hiệu như thế nào thì ai mà đọc được, có khẩu hiệu hàng năm không xóa để viết khẩu hiệu mới. Công tác tuyên truyền thì không thiết thực, nói đến các chú lại bảo thiếu kinh phí…
Sau đó, Bác hỏi, ai phụ trách nông nghiệp? Một đồng chí đứng dậy thưa nhỏ nhẹ. Bác hỏi rất cụ thể về giống, về phân bón, về nước và thâm canh thế nào… Đồng chí này trả lời ấp úng vì tuy có chuẩn bị trước, nhưng những điều Bác hỏi lại không nắm được. Bác phê bình “Thế thì các chú chỉ đạo ai, nói ai nghe… ai theo các chú?”.
Rồi Bác hỏi đến công nghiệp, để sản xuất than, đến phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm… toàn chuyện chưa làm tốt.
Cuối cùng Bác nói:
- Bác nghe dân kêu các chú lãnh đạo Quảng Ninh là bạc như vôi. Bác xuống thấy cũng có phần đúng… (Quảng Ninh lúc đó chưa có nghĩa trang liệt sĩ). Bây giờ các chú phải kiểm điểm nhau, lấy tự phê bình, xem xét mình có khuyết điểm gì? Cũng như người ta rửa mặt ấy mà, hằng ngày phải rửa, có chú nào hàng tuần mới rửa không? Phải thi đua, học tập bộ đội thi đua. Bác mong các chú sửa chữa thiếu sót của mình mà phấn đấu vươn lên.
Đồng chí Vũ Tuân hứa với Bác sẽ quyết tâm thực hiện lời Bác dặn. Sau đó khu ủy Hồng Quảng mở một đợt kiểm điểm sâu sắc và chuyển biến rõ rệt.
Đêm đó Bác ngủ tại doanh trại Trung đoàn 244.
7 giờ sáng ngày 31 tháng 3 năm 1959, từ doanh trại Trung đoàn 244, Bác xuống tàu 524 đi thăm đảo Hòn Rồng. Trên đường đi, Bác tranh thủ nghe báo cáo về tình hình ở đảo Hòn Rồng. Ở đó, ta tổ chức một đảo quan sát, anh em ở đây còn nhiều khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần đều thiếu thốn. Đảo không có nước ngọt, bộ đội dùng nước mưa hoặc phải tiếp tế từ đất liền ra. Báo thì sau một tuần mới đến nơi, đài không có, nhiều đồng chí đã lâu không được về thăm gia đình…
Tàu cập gần chân đảo. Chân đảo Hòn Rồng có nhiều hoa đá vướng lối, xuồng đi theo một cái lạch nhỏ, lúc vướng đá phải lội xuống đẩy. Thấy anh em cầm sào đẩy xuồng còn nhiều lúng túng, Bác ngồi trên xuồng đã bày cách dùng sào, hay nói đúng hơn là Bác hướng dẫn nghệ thuật chống đẩy xuồng cho anh em. Bác vừa nói vừa làm động tác thuần thục như người đi biển thực thụ. Như thế, đã thấy Bác rất am hiểu công việc này. Bác còn nói đại ý là: Cách huấn luyện ở trường cũng phải kết hợp thô sơ với hiện đại, phải biết nhiều cách sử dụng phương tiện. Khi xuồng đến gần bờ, muốn cho nhanh phải kết hợp vừa đẩy sào vừa kéo dây, nhưng đứng trên xuồng quăng dây khó hơn, không quăng xa được. Bác lại hướng dẫn cách quăng dây, muốn góc độ nào cũng quăng được thì phải thuần thục. Bác nói: Đó là nghệ thuật, một môn nghệ thuật thủy nghiệp cơ bản của Hải quân. |
Lúc ấy anh em có một bể chứa nước mưa khoảng 2m3. Một đồng chí thưa:
- Thưa Bác, ở đây nước ngọt khó khăn phải chở từ đất liền ra, bể chứa lại nhỏ.
Bác chỉ vào đồng chí Vũ Tuân bảo:
- Chính quyền địa phương phải giúp các chú ấy xây thêm một bể chứa nước nhé.
- Vâng ạ – Đồng chí Tuân thưa.
Bác hỏi tiếp luôn:
- Thế bao giờ làm xong.
- Thưa Bác sau một tháng nữa sẽ xong.
Bác hỏi về đài nghe tin tức, không có. Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ lấy cái đài của Bác gửi cho các chú ngoài này để nghe tin tức. (Hơn một tuần, sau khi Bác về tới Hà Nội đài đã đến tay anh em trên đảo).
Bác động viên:
- Các chú ở đây khó khăn, xa gia đình, các chú phải cố gắng khắc phục khó khăn. Ở đây mát, nhưng không phải nghỉ mát mà làm nhiệm vụ.
Khí tài quan sát lúc đó còn thô sơ. Bác bảo sau này sẽ trang bị kỹ thuật hiện đại hơn, tầm nhìn sẽ xa hơn. Cuối cùng Bác hỏi:
- Nhiệm vụ quân đội giao như thế, các chú thấy có làm được không?
- Thưa Bác được ạ! Tất cả đồng thanh.
Bác nói tiếp:
- Bác đến thăm thấy tình hình các chú như thế, Bác cũng phấn khởi. Bác cũng phải đi nơi khác tiếp. Bây giờ ta chụp ảnh.
Nói rồi Bác chủ động ngồi xuống bãi cát, anh em trên đảo ngồi xung quanh. Anh em dưới tàu lên thì đứng phía sau (bức ảnh hiện còn lưu ở phòng truyền thống Học viện Hải quân).
Anh em trên đảo có quà biếu Bác. Đó là hai chục quả trứng gà, một chai nước mắm, một gói ruốc khô. Những thứ này đều do anh em làm ra. Bác nhận quà rất phấn khởi.
- Quà của các chú tặng Bác có rất nhiều ý nghĩa, các chú không được dựa vào cung cấp mà tranh thủ tăng gia cải thiện sinh hoạt. Bác rất vui và cảm ơn các chú.
Rời đảo Hòn Rồng đến thăm đảo chính, có trận địa pháo của Trung đoàn 244 phòng thủ từ Cửa Vạn vào Vịnh Hạ Long. Anh em vô cùng phấn khởi. Bác thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ. Bác nhắc nhở phải cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. Bác nói: “có khi 24 giờ sẵn sàng, nhưng chỉ còn mấy phút lơ là thì 24 giờ sẵn sàng ấy cũng mất giá trị”. Bác tạm biệt anh em rồi xuống tàu đi về Cát Hải. Đến Cát Hải, Bác tới thẳng hội trường của hợp tác xã đánh cá mới thành lập. Cán bộ, xã viên và nhân dân trên đảo đã tập trung đông đủ. Bác đến, cả hội trường đứng dậy, hoan hô nồng nhiệt. Bà con ở đây chủ yếu là người Việt, Bác thăm hỏi sức khỏe, tình hình sản xuất, đời sống nhân dân và Bác dặn đồng bào phải phối hợp với bộ đội Hải quân cảnh giác bảo vệ vùng biển đảo.
Bác hỏi một ông già đứng cạnh Bác:
- Bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
Ông già kính cẩn:
- Thưa Bác cháu năm nay 58 tuổi ạ!
- Như thế, bác cũng còn khỏe mạnh đấy!
Một chị đứng cạnh đấy, mạnh dạn thưa chuyện:
- Thưa Bác, chúng cháu thấy Bác cao tuổi hơn ông này nhưng còn khỏe mạnh hồng hào lắm ạ!
Bác cười:
- Cô lại nịnh Bác rồi phải không?
Mọi người cười vang, không khí thật chan hòa vui vẻ. Bác nói chuyện tiếp về vấn đề xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Bác hỏi:
- Các cô, các chú có hiểu xã hội chủ nghĩa là thế nào không?
Bác chỉ một người đàn ông trạc 40 tuổi, anh ta ấp úng nói không rành mạch.
Bác lại chỉ một phụ nữ kế bên, chị ta trả lời:
- Thưa Bác cháu hiểu xã hội chủ nghĩa là mang lại cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho nhân dân ạ!
Bác bảo:
- Hiểu được như vậy là khá rồi.
Và Bác giải thích thêm về xã hội chủ nghĩa, những điều thật dễ hiểu và sâu sắc.
Sau đó Bác chia tay mọi người đi huyện đảo Cát Bà. Dân trên đảo Cát Bà đa số là người Quảng Đông, đến Cát Bà nhiều đời. Khi hai tàu đến gần cảng Cát Bà, tàu neo lại, chờ đồng chí Đông, trưởng Phòng bảo vệ sở công an Hải Phòng lên đảo làm công tác chuẩn bị. Bác ngồi đợi trên boong. Tôi báo cho đồng chí Nguyễn Từ Trường, thuyền trưởng tàu 524 chuẩn bị phòng ngủ ở khoang thuyền trưởng. Tôi đến bên Bác thưa:
- Thưa Bác trong khi chờ đợi mời Bác xuống khoang nghỉ một chút cho khỏe.
Bác bảo:
- Việc chưa xong nghỉ sao được.
Mời mãi Bác mới đồng ý, nhưng giao hẹn:
- Bác chỉ nghỉ 15 phút thì chú phải thức Bác dậy.
Tôi thưa: Vâng.
Trong phòng đã bật quạt và trải tấm chăn hoa trên giường. Bác bảo gấp tấm chăn hoa lại để Bác nằm trực tiếp xuống giường, tắt quạt đi và Bác đặt mình xuống giường là ngủ ngay.
Mười lăm phút đã qua, chưa thấy đồng chí Đông quay lại tàu, tôi định cứ để Bác nghỉ thêm chút nữa, nhưng Bác đã chủ động dậy. Bác trách: bảo chú 15 phút mà chú không đánh thức Bác.
Tôi đành phải chống chế:
- Thưa Bác đồng hồ cháu bây giờ mới đúng 15 phút ạ. Bác mỉm cười độ lượng.
Mãi tới 14 giờ 30 phút, thuyền ở cảng Cát Bà mới đưa đồng chí Đông ra báo cáo chuẩn bị xong. Tôi lệnh cho hai tàu nhổ neo cơ động vào cảng.
Quần chúng nhân dân tập hợp rất đông trên bến cảng Cát Bà. Ý định các đồng chí ở Cát Bà là đón Bác ở doanh trại tiểu đoàn pháo trước rồi từ đó mới ra chỗ mít tinh. Nhưng khi lên đảo, Bác đi đầu được một đoạn chỉ tay vào một ngõ phố nhỏ nói:
- Ta đi vào phố này.
Rồi Người rẽ vào mấy nhà người Hoa. Bác nói tiếng Quảng Đông thăm hỏi tình hình vài gia đình, rồi Bác ra chỗ mít tinh, đồng bào vỗ tay hoan hô Bác hồi lâu. Bác đứng trên bục sát cầu cảng nói chuyện với đồng bào bằng tiếng Quảng Đông, đồng bào rất ngạc nhiên và xúc động. Nói chuyện khoảng 30 phút, Bác chào từ biệt đồng bào rồi xuống tàu đi về Hải Phòng. Bộ đội Cát Bà đứng thành hàng dài hai bên đường từ chỗ mít tinh xuống bến tàu.
Kết thúc chuyến thăm một số đảo vùng Đông Bắc, lúc đó là 15 giờ 30 phút. Tôi điện báo cho trường dự kiến giờ Bác về và đề nghị với Bác:
- Thưa Bác, hôm Bác xuống đơn vị vì bận đi công tác nên Bác chưa nói chuyện được với anh chị em trong trường. Giờ về trường, cháu xin phép mời Bác gặp nói chuyện với anh chị em ít phút ạ! Bác nói: Chú lại “đột kích” Bác rồi đấy và Bác đồng ý.
Hai tàu cập bến xong, cán bộ, chiến sĩ tập hợp cả trên boong. Bác đi bắt tay một số anh em đứng trước. Bác cảm ơn anh em của hai tàu đã phục vụ chuyến đi công tác của Bác được tốt đẹp. Bác lên cầu cảng vào thăm Trường. Bác vào thăm chỗ ăn, ở của cán bộ, chiến sĩ cơ quan hiệu bộ. Bác nói:
- Các chú ăn ở thế này cũng gọn ghẽ, sạch sẽ đây. Nhưng ngày thường có được như thế này không, hay hôm nay có Bác đến mới khá thế này.
Tôi thành thực trả lời:
- Thưa Bác, hôm nay Bác đến có khá hơn một chút ạ!
Bác bảo:
- Như thế không được. Lúc nào cũng cần phải như thế này và hơn thế này nữa. Các chú phụ trách ở một trường đào tạo chính quy, các chú phải mẫu mực thành thói quen, mới rèn bộ đội thành người có bản lĩnh và thói quen tốt. Nếu có con người tốt sau này mới có cán bộ tốt, Hải quân mới mạnh được.
Sau đó Bác nói chuyện với toàn thể cán bộ, học viên, chiến sĩ, công nhân viên nhà trường. Bác động viên, căn dặn, nói rõ vị trí của trường: Nhà trường là nơi đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật cung cấp cho cả Quân chủng Hải quân non trẻ. Bây giờ còn ít, sau này sẽ nhiều. Có cán bộ và nhân viên kỹ thuật tốt, thì mới có hải quân tốt được. Nhà trường ngoài việc đào tạo ra còn phải nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Các chú phải vừa học tập vừa mò mẫm nghiên cứu, phải mang màu sắc của Hải quân Việt Nam . Thủy quân của ông cha ta trước đây có một lịch sử, truyền thống oanh liệt lắm, các chú phải học tập phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng Hải quân mau chóng trưởng thành. Muốn làm tốt nhiệm vụ thì người cán bộ phải gương mẫu chăm lo cho mọi người ở cấp dưới, phải đoàn kết, phải thi đua mới biết người nào làm việc nhiều, người nào làm việc ít.
Cuối cùng Bác kết luận:
- Trong chuyến đi công tác, các chú đã tạo điều kiện cho Bác công tác tốt. Bác cảm ơn.
Đồng chí Lê Nghĩa đại đội trưởng đại đội học viên lên phát biểu hứa hẹn, sẽ quyết tâm thực hiện những điều Bác dặn và tặng quà lưu niệm (quà là một bông hoa đá đẹp lồng trong một hộp kính có khắc chữ).
Bác nhận quà, nhưng nói:
- Các chú tặng Bác bông hoa đá rất đẹp, nhưng tiếc rằng không ăn được. Dịp khác Bác đến các chú có tặng quà, thì quà tặng Bác ăn được ấy nhé!
Tất cả cười ran, không khí tràn ngập niềm vui. Bác lên xe ra thành ủy Hải Phòng. Toàn trường lưu luyến tiễn đưa Người. Nhiều tiếng hô vang “Bác Hồ muôn năm, muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm-muôn năm”.
Chuyến đi công tác của Bác Hồ tới thăm vùng đảo Đông Bắc và thăm Trường Hải quân Việt Nam đã để lại trong tôi và trong lòng mỗi cán bộ, học viên, chiến sĩ, công nhân viên nhà trường những kỷ niệm sâu sắc không phai. Đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trên tàu 524 và 526, những người trực tiếp đưa đón gần gũi Bác trong suốt chuyến đi của Người.
Được ở bên Bác, tôi mới thấy hết được tình cảm yêu thương lớn lao của Người, sự vĩ đại của một tâm hồn cách mạng, sự sát sao, tỉ mỉ, chu đáo của một vị Chủ tịch tối cao mà vô cùng gần gũi thân thiết cảm thông với chiến sĩ đồng bào.
Không bao giờ tôi quên kỷ niệm quý báu nhất của cuộc đời mình đó là chuyến đi cùng Bác năm đó.
NGUYỄN THẾ TRINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét