Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Tiếng lóng thời nửa Tây nửa ta (Lê Văn Sâm - Người Đưa Tin)


Tiếng lóng thời nửa Tây nửa ta

(Nguoiduatin) Đi ăn theo kiểu ai ăn nấy trả, tiếng lóng Sài Gòn là KAMA bởi được ghép từ bốn chữ "Không Ai Mời Ai".Vào làng báo mà tiếng lóng người Sài Gòn xưa gọi "nhật trình". Nếu thiếu tin lấy một tin cũ nhưng chưa đăng báo để đăng lấp chỗ trống, gọi là "tin kho tiêu", các loại tin vớ vẩn dăm dòng từ quê ra tỉnh gọi là "tin chó cán xe", tin quan trọng chạy tít lớn gọi là "tin vơ-đét"- vedette- nhặt từ tài liệu dài ra thành một bài gọn gọi là "luộc bài". Chắp nhiều thông số khác nguồn ra một bài gọi là "xào bài". Truyện tình cảm dấm dớ gọi là "tiểu thuyết ba xu". Các tạp chí bình dân xoi mói đời tư gọi là "báo lá cải". Làng "nhật trình" kỵ nhất là loan tin thất thiệt, lóng gọi là "tin phịa". Nhưng trong "tin phịa" còn có hai mảng chấp nhận được đó là loan tin thăm dò có chủ đích, lóng gọi là "tin ballons" tức thả quả bóng thăm dò, hay tin thi đua nói bịa, nói dối chỉ được xuất hiện vào ngày một tháng tư, gọi là "tin Cá tháng Tư".

Người đàn ông có nhiều vợ bé gọi là "Đoàn Chỉnh Thuần"
Thời điểm truyện và phim kiếm hiệp của Kim Dung, người Sài Gòn đã chế ra nhiều tiếng lóng, như ai dài dòng gọi là "vòng vo Tam Quốc", ai nói chuyện phi hiện thực gọi là "chuyện Phong thần", tính nóng nảy gọi là "Trương Phi". Một số tên nhân vật điển hình của Kim Dung được dùng để chỉ tính cách của một người nào đó. Tỷ như gọi ai là "Nhạc Bất Quần" tức ám chỉ người ngụy quân tử, gọi là "Đoàn Chỉnh Thuần" tức ám chỉ đàn ông đa tình có nhiều vợ bé...
Sài Gòn là đất của dân nhập cư tứ xứ, nơi tha hương văn hóa bốn phương, nên ngôn ngữ càng thêm phong phú, trong đó tiếng lóng cũng "ăn theo" mà ra đời. Thời Mỹ đến thì một tiếng "OK Salem", mà các trẻ bụi đời vừa chạy vừa la để xin ông Mỹ điếu thuốc. Thời gọi súng là "sén" hay "chó lửa". Dân chơi miệt vườn gọi "công tử Bạc Liêu" còn hiểu được, Sài Gòn xuất hiện cụm từ "dân chơi cầu ba cẳng" thì thật không biết do đâu? Có lẽ cầu ba cẳng bắc qua kênh Tàu Hũ, nối quận 5 với quận 8, có tên Pallicao, lêu nghêu 3 cái trụ gỗ cao như dáng vẻ cowboy trong các phim bắn súng, nên mới gọi "dân chơi cầu ba cẳng"? Đó cũng là lúc các tiếng lóng như "dân xà bát", "anh chị bự", "tay chơi" ra đời. Bị bắt gọi là "tó", vào tù gọi là "xộ khám". Trốn học gọi là "cúp cua", bỏ sở làm đi chơi gọi là "thợ lặn", thi hỏng gọi là "bảng gót". Cũng do scandal chàng nhạc sĩ nổi tiếng kia dẫn em dâu là ca sĩ K.Ng. qua Nhà Bè ăn chè, để ngoại tình trong túp lều cỏ bị bắt, từ đó "đi ăn chè" trở thành tiếng lóng về hành vi ngoại tình trốn ra ngoại ô.
Cũng có một số tiếng lóng do nói lái mà ra như "chà đồ nhôm" tức "chôm đồ nhà", "chai hia" tức chia hai chai bia bên bàn nhậu, nó cùng họ với "cưa đôi". Lóng thời sự loại này có "tô ba lây đi xô xích le" tức "Tây ba lô đi xe xích lô". Trong tiếng lóng còn chất chứa ân tình. Họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài đề tài lá hoa sen xuất thân xứ Ca Trù hay than "buồn như chấu cắn", hay có người than phiền vì câu né tránh trách nhiệm với hai tiếng "lu bu" để thất hứa, nay còn có người nhấn thêm "lu xu bu" nại lý do không rõ ràng để trốn việc…
Để kết thúc, xin thêm vào vài từ lóng hiện đại cho có xưa có nay. Một tiếng lóng nghe đâu xuất phát từ nhà văn quá cố Nguyễn Tuân, thay cho cụm từ rủ nhau (chứ không phải mời) đi ăn theo kiểu Mỹ - ai ăn nấy trả- của người Sài Gòn. Đó là cụm từ lóng KAMA, ghép bốn chữ tắt của "Không - Ai - Mời - Ai". Ví dụ rủ nhau đi ăn phở KAMA, tức cùng đi ăn phở mà không ai mời ai. Cũng vậy, người bình dân Sài Gòn hiện nay chế ra cụm đi ăn chơi "Kampuchia" tức cùng đi ăn chơi nhưng khi tính tiền thì chia đều. Vào thời văn minh hiện đại, ngôn ngữ tiếng Anh trở thành phổ biến, giới trẻ đã chế ra một tiếng lóng khá văn hoa. Chê một ai đó "chảnh", các cô nói hắn ta "lemon question" tức chanh hỏi= chảnh. Hoặc nửa Anh nửa Việt: No four = không bốn= vô tư= khỏi lo! Lại có tiếng lóng lai Anh-Hoa khá thú vị: Đồng ý với ai đó chuyện gì, thay vì nói ok thì nói gà đen vì ô là đen còn kê là gà.
Lê Văn Sâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét