Nói chung các từ điển tiếng Việt không phân biệt mã tà và ma tà. Có từ điển thu nhận cả hai (Hoàng Phê,2006:605). Có từ điển chỉ ghi mã tà (Huình Tịnh Paulus Của, 1896b:1, Gustave Hue, 1937:541 ; Lê Văn Đức, 1970a:806, Nguyễn Kim Thản, 2005:1010). Có từ điển chỉ ghi ma tà(Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:329). Nhưng từ điển nào cũng giảng nghĩa là cảnh sát người Việt thời Pháp thuộc.
Có người không đồng ý. Bảo Định Giang (1977:43) giảng Mã-tà là lính đánh thuê, người Mã Lai, trong hàng ngũ quân đội Pháp. Nguyễn Dư cho rằng mã tà là lính tácchiến người Việt, khác với ma tà là cảnh sát.
Có lính đánh thuê người Mã Lai trong hàng ngũ quân đội Pháp không? Trong đội hình liên quân Pháp – Tây Ban Nha ở Sài Gòn Rigault de Genouilly chỉ huy (lúc đông nhất, năm 1859, không quá 3000 quân), ngoài số người Âu còn có 750 lính người Tagal, gọi là chasseur tagal. Không có lính đánh thuê người Mã Lai nào gọi là mata.
Có lính tác chiến người Việt trong đạo quân viễn chinh ở Sài Gòn không? Có. Tháng 4 năm 1860, lực lượng Pháp đồn trú ở Sài Gòn có 4 đại đội bộ binh hải quân Pháp, 2 đại đội Y Pha Nho, một pháo đội Pháp, một phân đội công binh Pháp, 50 kỵ binh người Tagal và một đại đội người bản xứ (compagnie des indigènes) (Ponchalon, 1896:252). Đại đội bản xứ này có 80 người An Nam, được khen là chiến đấu tốt (Pallu, 1864:84). Không có đơn vị nào được gọi là mata.
Tháng 3/1861, sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, hệ thống chính quyền của người Việt trong vùng Pháp chiếm tan rã hoàn toàn (Cultru, 1910:184-185). Để giữ đất và coi dân, phó đô đốc Charner phải bổ nhiệm một số sĩ quan Pháp vào các chức vụ giám đốc/thanh tra bản xứ sự vụ (directeur/inspecteur des affaires indigènes). Các phủ huyện người Tây này được toàn quyền hành động để tái lập và vận hành trở lại hệ thống chính quyền trong vùng đất mình chịu trách nhiệm: sửa sang công đường, xét xử các vụ kiện cáo, chỉ định người coi làng xã, lập sổ thuế, đăng bộ ghe thuyền, quản lý Hoa kiều, tổ chức lại hệ thống ngựa trạm.
Các đồn binh Pháp có nhiệm vụ yểm trợ cho chính quyền mới. Tuy nhiên các quan bản xứ sự vụ chủ yếu phải dựa vào lực lượng cảnh sát gọi là mata (corps de police des matas) do chính họ tuyển mộ trong số những người Việt chịu ra cộng tác (Cultru, 1910:187). Lính mata thuộc quyền chỉ huy, điều động của các quan cai trị người Tây chỉ làm công việc cảnh sát tại địa phương, cụ thể là canh gác nhà tù, bảo vệ công sở, quản lý trị an, để quân viễn chinh rảnh tay tổ chức các chiến dịch quân sự.
Cuối năm 1861 tức là thời điểm xảy ra trận đánh được đề cập trong bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu chỉ có loại mã tà cảnh sát này.
Kẻ đâm ngang ; người chém ngược, làm cho Mã tà, Ma ní hồn kinh; : bọn hè trước; lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ
Tuy nhiên Nguyễn Đình Chiểu và nhiều người Việt thời đó có thể bỏ chung một rọ mã tà tất cả các loại ngụy binh từ anh gác tù, chuyên ăn hiếp dân lành đến sắc lính dữ dằn nhất (như ngày nay nhà báo ta có thể ngộ nhận tất cả thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng Hòa đều là Trâu Điên). Việc này nếu có xảy ra cũng không có gì khó hiểu. Nhưng người đời sau không nên bám vào đó để cãi rằng mã tà không phải là cảnh sát.
L. de Coincy (1866:53) cho biết có 1800 người bản xứ làm mata cho Tây. Năm 1880 lực lượng mata được cải danh thành garde civile (Cultru, 1910:347), tiếng Việt dịch là bảo an đoàn, nhưng dân gian (người Việt) vẫn gọi thứ lính đó là mã tà. Lúc này có thể dạng ma tà đã xuất hiện rồi: từ điển Huình Tịnh Paulus Của Paulus (1896b:1) không ghi mã tà mà chỉ có ma tà và giải thích là lính canh tuần (tiếng Malais, kêu theo đã quen) ; Bonet (1899a:361) dịch lính ma tà là milicien.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét