Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Các từ mã tà và ma tà ở đâu mà ra?




Nguyễn Dư cho rằng mã tà khác với ma tà. Nguồn gốc hai từ đương nhiên là khác:
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh có từ Mã tiếu (Chữ tiếu còn có âm đọc là tiêu, là tiệu),nghĩa là lính cỡi ngựa hoặc đi chân, chuyên làm việc cảnh giới, dò kiếm xem xét. Có nhiều khả năng là mã tiếu (mã tiêu, mã tiệu) đã được người Việt đọc trại thành mã-tà.
Đó là giả thuyết không mấy vững chắc về nguồn gốc của mã tà: tiếu đổi thành thật là khó quá, như chuyện tiếu lâm uốn lưỡi cách nào cũng không thể thành chuyện tà lâm vậy!

Còn ma tà, vẫn theo Nguyễn Dư, nếu chỉ lính cảnh sát cầm ma trắc đi xét nhà dân thì gốc Pháp là matraque:
Đời ôi nhiều nỗi bợn nhơ :
Ma tà có chú hay quơ hay quào,
Giận ai gươm súng phao vào,
Báo quan nhà nghịch, vây rào xét coi...
                     (Vương Hồng Sển, sđd)
Ma-tà của bài thơ đúng là lính cảnh sát ở Sàigòn, đi khám xét nhà dân chúng. Ma-tà này dường như có họ hàng với matraque (chiếc dùi cui) ?

Nhưng ma tànếu chỉ lính coi tù thì gốc Pháp là maton:
" Từ ra ngoài đảo đã sáu, bảy năm không khi nào ra cửa thành khám ngục mà được đi một mình, hễ ra cửa một bước là có ma-tà mang súng đi theo sau. Đến lúc ra làm việc giấy ở phòng Gác-điêng sếp thì ra vào trong " banh " có hơi thơ, không ai dẫn. Song chỉ được đi lại, ra vào ở kho chứa đồ, phòng gác của Gác-điêng và bóp lon-ton (...) " (Vương Đình Quang,Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Văn Học, 1965, tr. 102).
Tiếng Pháp gọi lính canh tù là maton. Maton được Việt hoá thành ma-tà. Đoạn văn còn nhiều từ gốc Pháp khác: gác-điêng (gardien), sếp (chef), banh (bagne), gác (garde), bóp (poste), lon-ton (planton).
Theo cách truy tìm từ nguyên này, nếu ma tà làm ca sáng ắt phải có gốc pháp là matin(buổi sáng)!

Có lẽ cảnh sát ngày xưa hay đánh nguời bằng dùi cui / ma trắc (matraque) nên thuyết cho rằng ma tà bắt nguồn từ matraque của tiếng Pháp được rất nhiều người tin theo:
 Đi làm, từ những việc khổ sai nhẹ, cuốc cỏ, trồng cây, xay lúa, giã gạo, đến những công việc nặng: đào kênh, xẻ núi, đắp đường, cũng như sinh hoạt hàng ngày trong lao trước sau giờ hàn dịch, sáng ra, tối lại điểm danh, ra đi, về buồng, lĩnh phần cơm nước rối sắp hàng trở vào phòng giam, mỗi bước đi, mỗi động tác đều tiến hành dưới cặp mắt cú vọ, dưới ngọn « cà đùi » (cadouille) và tiếng chửi mắng của lũ « la dăng » (agents), lũ « ma tà » (matraques), tức bọn lính gác. ĐặngThai Mai (2004b:635-636)
Từ điển Nguyễn Kim Thản (2005:1010) cũng chú thích mã tà là từ gốc Pháp matraqueur.

Huình Tịnh Paulus Của Paulus (1896b:1) cho biết ma tàlính canh tuần (tiếng Malais, kêu theo đã quen). Vương Trung Hiếu đồng ý rằng trong tiếng Mã Lai có mata-matađúng là cảnh sát, nhưng không tin đó là nguồn gốc của mã tà / ma tà trong tiếng Việt:
Xét về hình thức và nghĩa của từ, chúng ta dễ có cảm tưởng rằng người Việt đã mượn chữ mata-mata để phiên âm thành “mã tà”. Tuy nhiên, chúng tôi thắc mắc là, tiếng Malaysia và Indonesia có vai trò gì trong lịch sử nước ta, tại sao để người Việt lại dựa vào chữ này để nói về cảnh sát thời Pháp thuộc? Nếu cho rằng người Malaysia và Indonesia gia nhập lực lượng lính Lê Dương Pháp (Légion étrangère) rồi đến nước ta nên người Việt đã mượn từ mata-mata cũng không phải, vì trong danh sách các quốc gia tham gia Lê Dương Pháp trong giai đoạn 1831-1961 (*) có tổng cộng khoảng 600.000 người, những người lính này gọi là légionnaire, nhưng không hề có người Malaysia và Indonesia. Mặt khác, mata-mata có 4 âm tiết, trong khi đó mã tà chỉ có 2 âm tiết, liệu mã tà có khả năng phiên âm từ chữ mata-mata hay không?. Có quan điểm cho rằng “mã tà” là tiếng phiên âm từ chữ “matraque” (dùi cui) trong tiếng Pháp. Do cảnh sát thường sử dụng dùi cui nên người ta mượn chữ matraque để phiên âm thành “ma tà” rồi thành “mã tà”. Cụm từ “bọn mã tà” có thể hiểu là “bọn sử dụng dùi cui”, tức cảnh sát. Xem ra giả  thuyết này khá hợp lý, vì “mã tà” có  hai âm tiết, phiên âm từ tiếng “matraque” cũng có hai âm tiết. Nhìn chung, hiện tượng tiếng nước ngoài được phiên âm thành tiếng Việt với số lượng âm tiết bằng nhau là khá phổ biến. Thí dụ: ô tô, cà phê, mít tinh hay cao su
Không có lính lê dương ở Việt Nam lúc Nguyễn Đình Chiểu viết văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nên không cần phải tra danh tính người Mã Lai hay Nam Dương tham gia đội quân lê dương làm gì. Nhưng trong liên quân Pháp – Tây Ban Nha có lính Tagal. Ở thời điểm đó (năm 1861) và nơi đó (chiến trường Sài Gòn), tiếng Mã Lai có một vai trò quan trọng mà ngày nay ta khó hình dung được vì đã quên mất sự giao lưu mật thiết giữa miền Nam nước ta với miệt dướitrong khi chẳng ai thắc mắc gì về chuyện tiếng Việt đang tiếp nhận video, shop, computer, laptop, netbook... của một xứ còn ở xa ta hơn nhiều.

Nguyễn Dư, để phản bác thuyết nguồn gốc Mã Lai của mã tà và/hoặc ma tà cũng, nêu những thắc mắc phi lịch sử tương tự như VươngTrung Hiếu:
Trận Cần Giuộc xảy ra vào cuối năm 1861. Có thể phỏng đoán rằng Nguyễn Đình Chiểu làm bài văn tế vào khoảng cuối năm 1861 hay đầu năm 1862. Cho tới thời điểm này (1862), nước ta không có liên lạc ngoại giao với nước Mã Lai (Mã Lai bị Bồ Đào Nha chiếm năm 1511, bị Hà Lan chiếm năm 1641, bị Anh cai trị năm 1867). Không có bằng chứng gì để nói rằng ta phải mượn một tiếng Mã Lai để gọi người lính cơ, lính lệ hay lính vệ của mình.

Nhưng không cứ phải lập quan hệ ngoại giao giữa nhà nước với nhà nước thì từ ngữ mới nhập khẩu được. Từ ngữ theo sự vật, khái niệm mà vào thôi. Thương gia, nhà văn, nhà dịch thuật, tay thông ngôn, người nhập cư lậu... cũng làm được việc này, không phải đợi đến nhà nước.

Người Việt cũng không mượn một tiếng Mã Lai để gọi người lính cơ, lính lệ hay lính vệ của mình. Từ Mã Lai đó đã được mượn trước để chỉ cảnh sát (người Việt) rồi cái tên đó tiếp tục được dùng khi đám cảnh sát đổi sang tên khác, tổ chức lại thành cơ, đội... Vào năm 1861 người Việt vẫn gọi lính cơ của mình là lính cơ (của mình), không gọi là mã tà (của giặc):
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.

Nguyễn Dư còn thắc mắc chuyện Nước Pháp đã có sẵn một loạt cò, cẩm (commissaire), phú lít (police), sen đầm (gendarme), cũng chẳng cần phải mượn tiếng Mã Lai để gọi lính cảnh sát của mình tại một nước... chưa phải là thuộc địa!

Phú lít, sen đầm là những loại cảnh sát khác, sẽ xuất hiện ở những thời điểm khác và sẽ được gọi bằng tiếng Pháp là policegendarme trước khi vào tiếng Việt thành phú lítsen đầm. Nhưng vì cứ khăng khăng nghĩ cảnh sát Tây phải là police và/hay gendarmenên Nguyễn Dư khẳng định:
- Mã-tà không phải là lính cảnh sát.
Có đội quân nào, đặc biệt là quân đội Pháp, lại cho cảnh sát ra trận ? Để giữ trật tự hay... ghi giấy phạt à? Đấy là chưa nói cảnh sát của Pháp phải biết đọc, biết viết...lạp-bô (rapport). Năm 1861, nước ta có được mấy người biết đọc, biết viết chữ Pháp hay chữ quốc ngữ để làm lính cảnh sát cho Pháp?

Vào năm 1861 ở Nam Kỳ, để lính chính quy Pháp rảnh tay xông ra trận mạc, người Pháp chỉ mượn đỡ mấy anh bản xứ coi tù, gác nhà việc... Đó thường là việc của cảnh sát nên gọi là police cũng được, nhưng chắc khó hiểu hơn từ mata. Bây giờ mata khó hiểu hơn police nhưng không phải xưa nay vẫn vậy. Người Pháp ở Nam Kỳ từ sau năm 1861 vẫn dùng từ này thoải mái vì Tây, Ta, Hoa, Mã, Chà... đều dùng. Mã tà không cần biết chữ vì hồi đó có ai biên giấy phạt ai đâu. Ăn cơm chúa, múa tối ngày. Mã tà phải ra trận vì thỉnh thoảng các quan cai trị phải đi truy bắt nghĩa quân hoặc bị nghĩa quân tấn công như các ông chi khu thời Việt Nam Cộng Hòa dẫn địa phương quân dưới quyền mình đi lùng Việt Cộng vậy. Mã tà thời 1861 là một thứ địa phương quân (dân quân thì đúng hơn) kiêm cảnh sát không cần biết chữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét