Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Nude chỉ đẹp khi đúng lúc, đúng chỗ (Trần Ngọc Thêm - Tuổi Trẻ Phỏng Vấn)


"Nude chỉ đẹp khi đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, đúng loại hình"
* Thưa giáo sư, phản ứng không ủng hộ của cộng đồng với ảnh nude của người mẫu Việt có thể lý giải thế nào?
- Chúng ta nên bắt đầu từ chuyện nude trong lịch sử các nền văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng.
Trong mọi nền văn hóa, nude luôn là hiện tượng đặc biệt vì việc che đậy cơ thể - nhất là che đậy các bộ phận nhạy cảm - là một dấu hiệu phân biệt con người với động vật. Nhưng nếu hiểu rằng vì bộ phận sinh dục xấu nên phải che thì lại rất sai lầm. Việc che thân khởi đầu là giữ ấm cho cơ thể đã kéo theo chức năng bảo vệ cơ quan sinh dục như bộ phận quan trọng nhất. Xét ở góc độ cá thể, nhu cầu ăn là quan trọng nhất, nhưng xét ở góc độ giống loài thì nhu cầu duy trì nòi giống xếp hàng đầu nên cơ quan sinh dục là quan trọng nhất.
Chính nhờ che bộ phận sinh dục mà con người chủ động được hoạt động tình dục của mình, tạo nên tình yêu thiêng liêng, biến con người trở nên vượt trội hẳn so với động vật. Nói vậy để thấy rằng nude (trần truồng) là khoe cái đẹp, cái quýnhưng điều quan trọng nằm ở chỗ cái đẹp, quý sẽ chỉ đẹp, quý khi nó được bảo vệ và khoe đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, đúng loại hình.
Các truyền thống văn hóa khác nhau có triết lý rất khác nhau về nude và cái đẹp. Văn hóa phương Tây coi trọng hình thức nên có truyền thống nude lâu đời trong các loại hình điêu khắc, hội họa, sau này thêm nhiếp ảnh, điện ảnh. Văn hóa Đông Nam Á truyền thống ở xứ nóng nên vốn cũng rất mở, thoáng. Trên Tây Nguyên đến nay vẫn còn những tộc người phụ nữ để ngực trần, nam nữ chỉ che cơ quan sinh dục.
Chỉ từ khi tiếp nhận mạnh Nho giáo (thời Hậu Lê, thế kỷ 15 trở về sau) thì việc “kín cổng cao tường” mới được đề cao. Vậy mà dưới thời Nguyễn, quan niệm: “Đàn ông đóng khố đuôi lươn/ Đàn bà yếm trắng hở lườn mới xinh” vẫn lưu truyền rộng rãi trong dân gian Việt. Nhưng mặc có kín đáo hơn thì người Việt vẫn “nude” - “nude” trong văn hoá ngôn từ. Kho tàng ca dao tục ngữ, truyện tiếu lâm Việt Nam đầy “nude”. Thơ của Hồ Xuân Hương đầy “nude”. Thơ của Nguyễn Du: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên” cũng là “nude”!
Song, do mạch tâm lý của người Việt Nam luôn thiên về âm tính, cộng thêm ảnh hưởng của Nho giáo, nên trên bình diện văn hoá chính thống, sự kín đáo chính thức được xem là giá trị văn hóa, giá trị truyền thống của dân tộc.
Từ khi đất nước mở cửa và hội nhập (cuối những năm 1980 trở lại đây), văn hóa phương Tây thâm nhập mạnh mẽ và đối chọi với văn hoá truyền thống. Tranh ảnh, phim ảnh nước ngoài và Việt Nam với những cảnh nude càng ngày càng trở nên bình thường hơn.
Chính trong bối cảnh đó mà một số ít thanh niên đã “đi tiên phong” trong việc công khai “khoe” thân thể của chính mình. Song, do văn hoá truyền thống vẫn chiếm ưu thế nên dễ hiểu là phần đông người Việt vẫn không chấp nhận chuyện “hở hang”. Số ít “đối nghịch” tất sẽ bị số đông lên án.
* Theo giáo sư, ranh giới nào cho ảnh nude nghệ thuật và ảnh nude dung tục?
- Nghệ thuật bao giờ cũng hướng thượng, hướng về tinh thần, khiến tâm hồn con người trở nên lãng mạn, bay bổng. Dung tục bao giờ cũng hướng hạ, dẫn con người xuống cõi vật chất thô thiển, tầm thường. Cho nên điều quan trọng không phải là tấm ảnh có nude hay không, mà là tấm ảnh tạo ra ấn tượng, cảm xúc gì cho người xem, hướng người xem đến điều gì?
Một tấm ảnh mà nhân vật có mặc đồ vẫn có thể gợi dục một cách dung tục khi nó hướng sự chú ý của người xem đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, nghĩ đến chuyện làm tình. Trong khi ở một tấm ảnh nude nghệ thuật, nhân vật tuy không mặc gì nhưng vẫn có thể không phô bày những chỗ kín một cách sống sượng mà hướng người xem tới việc cảm nhận được nét đẹp của cơ thể con người - món quà tuyệt vời nhất của tạo hóa.
Tất nhiên, ranh giới này không phải là cái gì tuyệt đối, nó mang tính mức độ; vì vậy thưởng thức giá trị của một tấm ảnh nude nghệ thuật còn tùy thuộc vào bản lĩnh và trình độ mỗi người.
Cần phải nói thêm rằng, thật ra, ngay các phim ảnh khiêu dâm, kích dục cũng đừng nên cực đoan mà xem là cái gì phi đạo đức, vô giá trị hoàn toàn. Chỉ có điều, chúng được làm ra để phục vụ cho những đối tượng cụ thể, trong một phạm vi hẹp (ví dụ như những người phụ nữ lãnh cảm, những người đàn ông yếu sinh lý).
* Khi bị chỉ trích, các người mẫu chụp ảnh nude “phản pháo” rằng lỗi là do người xem không biết thưởng thức nghệ thuật và chụp nude là “chuyên môn” của họ. Thái độ này có phải là cách “tự vệ” nên có của người làm nghệ thuật?
Về chuyện “chuyên môn”: Hiện nay ảnh nude không chỉ xuất hiện ở giới người mẫu mà có ở cả giới ca sĩ, diễn viên. Phải công bằng mà thừa nhận rằng do “công cụ hành nghề” của người mẫu chính là cơ thể họ nên nói rằng chụp nude là công việc “chuyên môn” của họ là không sai.
Song những ca sĩ, diễn viên tài năng trung bình (không kiêm người mẫu) mà cố tình đưa ảnh nude ra để tạo scandal nhằm làm nổi tên tuổi của mình thì rõ ràng là đã làm một việc không chính danh (dùng thể xác để thay thế tài năng) và việc bị lên án là không oan.
Về năng lực thưởng thức nghệ thuật của người xem: Chức năng của người làm nghệ thuật là sáng tạo để phục vụ công chúng, vì vậy khi đưa tác phẩm của mình đến công chúng cần phải hiểu rõ tâm lý, nguyện vọng của họ.
"Điều quan trọng là các cơ quan chức năng và giới truyền thông phải làm sao để định hướng cho xã hội không trì trệ bảo thủ, nhưng cũng đồng thời đừng chạy theo những gì chỉ thuộc về hình thức, những “bong bóng xà phòng” vốn không phải là giá trị nhân cách con người" - GS.TSKH Trần Ngọc Thêm
Người tham gia sáng tạo ảnh nude cần có kiến thức về mỹ học để hiểu được cái đẹp trong các lĩnh vực, về sự khác biệt giữa cái đẹp tinh thần và cái đẹp thể chất, về sự khác biệt trong quan niệm về cái đẹp ở các vùng, các loại hình văn hóa khác nhau. Bên cạnh đó, họ cũng cần có kiến thức nền về văn hóa, có đủ độ nhạy cảm, độ tinh tế để phân biệt được ranh giới mỏng manh giữa cái đẹp nghệ thuật và cái dung tục, kích dục.
Ảnh nude là sản phẩm dành cho một nhóm công chúng nhất định. Người chê ảnh nude, ngay cả ảnh nude nghệ thuật, không nhất thiết là người có trình độ thấp, mà đơn giản là đó không phải cái “gu” của họ. Nếu người làm nghệ thuật công bố ảnh nude không đúng đối tượng rồi quay ra chê bai công chúng kém văn hóa, không đủ tầm để thưởng thức nghệ thuật thì rõ ràng là trình độ, thái độ, quan niệm của người làm nghệ thuật cũng có vấn đề.
Cần tránh sự “lệch pha” giữa tác phẩm và công chúng
* Theo giáo sư, truyền thông có trách nhiệm gì trong câu chuyện ảnh nude của giới giải trí?
 - Cũng có người cho rằng, báo chí đăng tải ảnh hở hang để thu hút khách, còn người xem chỉ để mua vui phút chốc. Thật ra, không có gì là giải trí đơn thuần, chức năng giải trí của báo chí không bao giờ tách rời khỏi chức năng giáo dục.
Khi người xem đọc những câu chuyện giải trí về tấm gương nỗ lực trau dồi nghề nghiệp thì bạn cũng sẽ có động lực cố gắng trong cuộc sống, còn khi xem những chuyện vụn vặt đời tư thì bạn cũng dễ sa vào những vụn vặt, suy nghĩ của bạn dễ trở nên tầm thường.
* Một số bậc phụ huynh lo lắng ảnh nude dung tục của giới nghệ sĩ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của lớp trẻ, giáo sư nghĩ gì về điều này?
- Phụ huynh lo lắng điều ấy là có cơ sở. Những bộ ảnh nude khi đăng tải không đúng nơi, phục vụ không đúng đối tượng chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ lụy không mong đợi. Nghệ thuật là khôn cùng, nhưng những người làm công tác quản lý văn hóa lẽ ra cần xây dựng một hệ thống phân loại tác phẩm nghệ thuật và những quy định mang tính pháp luật về độ tuổi, về thời gian trong ngày để thưởng thức từng loại sản phẩm nghệ thuật.
Bộ máy quản lý xã hội hiện nay có phần chú trọng nhiều đến chính trị, kinh tế hơn là văn hóa, trong khi yếu tố quan trọng nhất trong xã hội luôn phải là yếu tố văn hóa, con người. Con người có văn hóa lành mạnh sẽ tạo ra một nền kinh tế và chính trị lành mạnh.
Người xem nói chung và gia đình nói riêng cũng có một phần lỗi nếu để con em bị tác động xấu bởi ảnh nude. Xã hội Việt Nam truyền thống tồn tại dựa vào cộng đồng, con người trở nên lệ thuộc. Còn xã hội đương đại với tính mở của nó đòi hỏi người đọc, người xem phải có bản lĩnh, biết lựa chọn, biết cái gì không hợp với mình thì đừng xem.
Phụ huynh phải dạy cho con em biết tự chịu trách nhiệm với mỗi hành động của mình, cần giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm để trẻ tỉnh táo khi đối diện với những vấn đề liên quan đến tình dục.
* Trân trọng cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi!
Khởi động từ ngày 10-6 với bài viết Sao "khoe thân": nghệ thuật hay gợi dục?, diễn đàn về sự xuất hiện tràn lan hình ảnh "mát mẻ" của người nổi tiếng thật sự thu hút sự chú ý và đóng góp ý kiến của bạn đọc.
Có thể cảm nhận rõ ràng phản ứng khá giận dữ của rất đông bạn đọc trước hiện tượng một số sao Việt đang hào hứng với việc "khoe" và "cởi" để tạo ra những bộ ảnh nude, bán nude "không có lợi lộc gì cho ai" và gây tác hại đến thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ, với dự báo chung là nhiều bạn trẻ sẽ theo đó mà lầm lẫn rằng càng "khoe" nhiều thì càng dễ nổi tiếng, thành công.  
Nhưng cũng có một "lực lượng" độc giả cho rằng chính khán giả Việt đã quá bảo thủ, thiếu hiểu biết về ảnh nude nghệ thuật nên chụp mũ và phán xét các sao, thiếu tôn trọng công việc chuyên môn của giới nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu.   
Hai người mẫu từng có những bộ ảnh nude gây xôn xao cộng đồng là Ngô Tiến Đoàn và Nguyễn Thanh Hằng cũng tham gia chia sẻ những suy nghĩ khi thực hiện các bộ ảnh và nhấn mạnh rằng đó chỉ là công việc, mong nghệ thuật được công chúng nhìn nhận.
Diễn đàn cũng nhận được sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, văn hóa, nghệ sĩ nhiếp ảnh...cung cấp cái nhìn đa dạng về truyền thống văn hóa Việt Nam, lịch sử nude, những giới hạn văn hóa, đạo đức mà sao Việt cần vượt qua hay dừng lại để giữ được hình ảnh đẹp của mình trong con mắt của công chúng.
Điều quan trọng là TTO muốn thông qua diễn đàn để ngày càng rút ngắn những cách biệt giữa tác phẩm, tác giả, nghệ sĩ với cảm nhận của công chúng. Khi công chúng lên tiếng tức là muốn đóng góp những thiện ý tốt đẹp để góp phần xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam ngày càng sáng tạo, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc Việt.
Khi công chúng lên tiếng tức là muốn gửi những cảm xúc tốt đẹp, hướng thiện mong những người làm nghệ thuật sẽ ngày càng hoàn thiện tài năng và tư cách làm nghề. Đồng thời những chia sẻ của người trong cuộc cũng là để công chúng chia sẻ, hiểu rõ và có cái nhìn bao dung hơn với công việc vốn rất nhiều thử thách của giới nghệ sĩ.
Diễn đàn đã bắt đầu và tiếp diễn một cách sôi nổi, đầy tinh thần trách nhiệm nhờ sự tham gia nghiêm túc của đông đảo bạn đọc. Tuổi Trẻ Online chân thành cảm ơn sự đồng hành của bạn đọc với diễn đàn. Xin hẹn gặp lại trong những "bàn tròn online" tiếp theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét