Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Một số từ gốc Hán có cấu trúc CCVC qua ngữ liệu thơ Nôm trong Quốc âm thi tập (Trần Trọng Dương)

Một số từ gốc Hán có cấu trúc CCVC qua ngữ liệu thơ Nôm trong Quốc âm thi tập

Bài tham gia hội thảo kỷ niệm 1 năm ngày mất GS Nguyễn Tài Cẩn



TS. Trần Trọng Dương

Viện NC Hán Nôm;

Email: trantrongduonghn@gmail.com

Tổng số chữ: 14.500 chữ



TÓM TẮT



Bài viết tiến hành nghiên cứu 30 ngữ tố gốc Hán (xuất hiện với tần số 221 lần) trong QATT, và đã tái lập được các thủy âm kép trong tiếng Việt cổ thế kỷ XV, gồm: *pl-, *tl-, *kl-, *thl-, *khl-, *kr-, *kl-, *ks-, *thr-, *km-, *tb-, *kl-. Kết quả này có thể đưa đến những nhận định bước đầu như sau. Ở thế kỷ XV, một số từ gốc Hán có cấu trúc CVC đã được Việt hóa để trở thành CCVC. Các từ gốc Hán gia nhập từ đời Đường (vốn có cấu trúc CVC đơn tiết triệt để), ở thế kỷ XV, đã được Việt hóa thành CCVC với hai phương thức là thêm tiền tố và thêm giới âm. Bài viết đề xuất việc phân tầng quá trình Việt hóa các yếu tố gốc Hán bằng việc đề xuất ba khái niệm: Tiền Hán Việt Việt hóa, Hán Việt Việt hóa và Hậu Hán Việt Việt hóa. Tuy nhiên, đây chỉ là thao tác bước đầu để chúng ta tiếp tục nghiên cứu trong thời gian sắp tới.



ABSTRACT

A Study on Some Sino-borrowed words with the consonal clusters in XVth century Vietnamese by using ancient Nom scripts in Quoc am thi tap



This article studies some Sino-borrowed words (frequency: 221) in Quoc am thi tap of Nguyen Trai. Twelve consonal clusters are reconstructed by using some dialects and the demotic writting system of the text, involve: *pl-, *tl-, *kl-, *thl-, *khl-, *kr-, *kl-, *ks-, *thr-, *km-, *tb-, *kl-. The result shows that XVth century Vietnamese has some Sino-borrowed words with consonal clusters. There are two methods of Vietnamization, that is (1) add a consonant before the monosyllable structure (CVC>CCVC); (2) add -l- between C- and -VC (CVC>CCVC). I put forward three conceptions (Tien Han Viet Viet hoa, Han Viet Viet hoa, and Hau Han Viet Viet hoa) to discuss the Sino-borrowed words with the researcher in the time to come.





Trong lịch sử, một số từ gốc Hán đã được Việt hóa theo thói quen cấu âm của người Việt. Đối tượng này trước nay đã được một số nhà nghiên cứu khảo sát, có thể kể đến H. Maspéro, Vương Lực, Nguyễn Tài Cẩn, Vương Lộc, Nguyễn Quang Hồng, Nguyễn Ngọc San … Các nghiên cứu trước nay thường tiến hành khảo sát các ngữ tố gốc Hán này trên bình diện của tiếng Việt đương đại. Một số nghiên cứu của các tác giả như Gaston Nhẫn, Nguyễn Tài Cẩn, Vương Lộc, Huệ Thiên, Shimizu Masaaki,… thảng hoặc có đề cập đến hiện tượng Việt hóa một số từ gốc Hán có cấu trúc CVC thành CCVC. Song, đó chỉ là những khảo sát ngoại biên.

Bài viết, từ những gợi mở thế hệ trước đã đặt ra, sẽ tiến hành nghiên cứu các âm Việt hóa của một số từ gốc Hán ở thế kỷ XV qua các cứ liệu chữ Nôm khai thác từ văn bản Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi trong so sánh với các đối ứng của một số phương ngữ và ngôn ngữ bảo thủ, cũng như một số kết quả hiện nay về ngữ âm học lịch sử tiếng Hán. Những khảo sát ấy sẽ góp phần xác định thêm diện mạo của quá trình truyền nhập cũng như sử dụng từ vựng gốc Hán trong lịch sử tiếng Việt. Không những thế, nghiên cứu này sẽ góp phần cho việc triển khai nghiên cứu từ nguyên học trong thời gian sắp tới.

1. Tái lập CCVC cho các từ gốc Hán

Về cách trình bày, chúng tôi đưa các tự dạng Nôm lên đầu, chú thích thanh phù, xuất xứ ngữ cảnh. Trong phần xuất xứ, âm đọc của ngữ tố đang xét sẽ theo phương pháp ghi âm trong Dictionarivm Annnamiticivm Lvsitanvm et Latinvm (Từ điển Việt Bồ La) của Alexandro de Rhodes (từ đây tài liệu này viết tắt là AR) dành cho các thủy âm kép ví dụ *blỗi , đồng thời có chua thêm âm phiên chuyển sang tiếng Việt hiện đại, để trong ngoặc đơn. Cách phiên như vậy là để phục dựng diện mạo ngữ âm cổ của văn bản và nhất quán với tiêu chí “phiên chuyển sang tiếng Việt thế kỷ XV”, chứ không phải sang tiếng Việt thế kỷ XX. Phần khảo lịch sử, từ nguyên của từng ngữ tố sẽ thực hiện trên các cứ liệu của bản dịch Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (vt. Phật thuyết) thế kỷ XII, Thiền tông khóa hư ngữ lục thế kỷ XIV, An Nam dịch ngữ, An Nam quốc dịch ngữ thế kỷ XV-XVI, Từ điển Việt Bồ La thế kỷ XVII,…cũng như các đối ứng của một số phương ngữ và ngôn ngữ bảo thủ. Cuối cùng là kiểu tái lập của ngữ tố đó.

(1) 磊(thanh phù: lỗi), xuất xứ: giữa mùa đông *plỗi (trỗi) thức xuân, Nam chi *knở[1] (nở) cực thanh tân (Mai 214.1). 磊có âm Hán Thượng cổ là *c-rujʔ (Baxter), âm Hán Việt đời Đường là "lỗi". Chuỗi đồng nguyên tự: "lỗi" (trong "lỗi lạc"), "trỗi" (trong "trỗi dậy", "trỗi tiếng"), "trội" (trong "vượt trội", "ưu trội", "nổi trội"); trong đó "lỗi" là từ gốc Hán đọc theo âm Hán Việt đời Đường, nghĩa đen là một hòn đá cao hơn những hòn còn lại, sau cho lưu tích "nổi" (trong "nổi gò": trỏ gò núi, đồi hay gò đột nhiên mọc lên trên bình địa). Với mô hình ghi âm L-(TR-) của chữ Nôm khi phiên sang tiếng Việt hiện đại, cho phép nghĩ rằng, ngữ tố đang xét vào thế kỷ XV có thể là thủy âm kép có -l- , và mô hình ghi âm của chữ Nôm sẽ là L-(PL-). Khảo các cứ liệu cổ sẽ chứng minh cho nhận định trên. Thế kỷ XVIII, ngữ tố này được ghi bằng chữ Nôm hình thanh{扌磊}: gõ đá vang lừng trỗi nhạc tiên (Bia 1770). Thanh phù chỉ còn lưu tích cổ và được gia cố ý phù (bộ tài gẩy扌). Thế kỷ XVII, AR ghi: “Blỗi: trỗi, vượt. Blỗi hơn, biét hơn: vượt trỗi hơn những người khác trong sự hiểu biết” [1651, tb1994: 40]. Như vậy, "trỗi" có cách đọc từ thế kỷ XVII là "blỗi". Thế kỷ XII, trong sách "Phật thuyết", ngữ tố này được ghi bằng (bả把 + lỗi磊), dùng để dịch chữ tô 甦 (sống lại): tắt nghỉ lăn trong đất, thì ngái mãi mới *plỗi <悶絕良擗 地,良久乃甦 (tr.22b7). Như vậy, âm *bloi4 (blỗi) là âm Việt hóa[2] ở thế kỷ XVII. Còn *ploi4 (plỗi) là âm Việt hóa ở thế kỷ XV. Các âm "trội", "trỗi", "nổi"[3] là các âm Việt hóa từ thế kỷ XVIII về sau. Quá trình Việt hóa có thể biểu diễn như sau: lỗi > plỗi >blỗi > trỗi/ trội/ trồi. Kiểu tái lập: *ploi4.

(2) (木+ long竜), xuất xứ: *kngỏ (ngỏ) cửa Nho chờ khách đến, *plồng (trồng) cây đức để con ăn (Mạn thuật 27.6); Mống lành nảy nảy bãi hòe *plồng, một phát xuân qua một phát *klông (trông) (Hòe 244.1). "Giồng"/ "trồng" là từ ngoại lai, nguyên chữ Hán là "chủng"種 (thanh phù: trùng), âm Hán Thượng cổ là *g-ljuŋ (Baxter), *droŋ (Axel Schuessler 2007: 622). Đây đồng thời là nguyên từ của "chủng" (trong "tiêm chủng", "chủng loại", "binh chủng"), và "giống" (trong "giống má", "con giống", "giống người",...) trong tiếng Việt hiện đại. Thế kỷ XVII, AR ghi "blòũ" [1651, tb1994: 41]. So sánh với các đối ứng "tlồng" (Đông Tân, Thái Lai), "lồng" (Ban Chanh, Lâm La, Đà Nang, Tân Ly, Bái Đính) trong tiếng Mường và đối ứng "bồng" (Laotien), Gaston Nhẫn tái lập là *plồng [1967: 51]. Với cứ liệu chữ Nôm ở đây, tạm thời có thể coi *plồng là âm Việt hóa ở thế kỷ XV, "blòũ" là âm Việt hóa ở thế kỷ XVII. Các âm "giồng"/ "trồng" là những âm Việt hóa từ thế kỷ XVIII đến nay. Kiểu tái lập: *ploŋ2.

(3) (lạm 濫), xuất xứ: non lạ nước thanh *tlộm (trộm) dấu, đất phàm cõi tục cách xa (Thuật hứng 54.3). Phương Sóc lân la đã hở cơ, Ba phen *tlộm được há tình cờ(Đào hoa thi 232.2), Lọ vằn sinh bởi mãi Phương Tây, Phụng sự Như Lai *tlộm phép thầy (Miêu 251.2). "Trộm" trước nay thường được coi là từ thuần Việt. Chúng tôi cho rằng ngữ tố này có khả năng là một từ gốc Hán, âm Hán Việt là "lạm" (濫), âm Hán Thượng cổ là *g-rams (Baxter). "Lạm" nghĩa gốc là “nước nhiều quá mà tràn ra”, sau có nghĩa dẫn thân là “quá mức, quá độ” như trong từ "lạm phát", lưu tích còn thấy trong từ "mồ hôi trộm" (mồ hôi ra nhiều quá mức); một nghĩa dẫn thân nữa là “làm càn, làm bừa bãi”, ngữ cảnh cho nghĩa này xuất xứ từ sách "Luận ngữ" thiên "Vệ Linh Công": Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hĩ 君子固窮, 小人窮斯濫矣(Người quân tử khi cùng khốn vẫn cố giữ tư cách của mình, kẻ tiểu nhân khốn cùng thì làm càn). "Lạm" còn làm trạng từ, như trong các cụm "lạm bàn", "lạm phát". Cuối cùng, với âm "trộm", trỏ việc “lấy của người một cách phi pháp”, trong "ăn trộm", "kẻ trộm", "liếc trộm",... Thế kỷ XVII, AR ghi "tlộm", "hỏi tlộm", "lạy tlộm", "ăn tlộm" [1651, tb1994: 232]. Như thế *tlộm là âm Việt hóa vào thế kỷ XV-XVII, sau thế kỷ XVII mới cho một âm Việt hóa khác là "trộm"[4]. Kiểu tái lập: *tlam6.

(4) (thanh phù: độn遁), xuất xứ: Con đòi *tlốn (trốn) dường ai quyến, Bà ngựa *a-gầy thiếu kẻ chăn (Thủ vĩ ngâm 1.3). "Trốn" là một từ gốc Hán, có âm Hán Việt là "độn" (遁), âm Hán Thượng cổ là *dunʔ (Baxter). Thế kỷ XVII, AR ghi "tlốn" [1651, tb1994: 232]. So sánh với các đối ứng "tlôn" (Thái Lai), "klun" (Ban Ken), "klôn" (Thạch Bi) trong tiếng Mường, Gaston Nhẫn tái lập thủy âm kép *kl- hoặc *tl- [1967: 56]. Ngữ tố này cũng xuất hiện trong Phật thuyết tại vị trí: phải người dỗ thốt, *tlốn (trốn) đi nước khác < 被人誘引逃竄他鄉(19a9), Shimizu Masaaki (2002: 763) tái lập thủy âm kép *tl-. Như vậy, *tlốn có khả năng là âm Việt hóa vào thế kỷ XV-XVII, và "trốn" là âm Việt hóa từ sau thế kỷ XVII. Còn "độn" (động từ, trong "độn sắn", "độn hàng", "độn thổ" ...) là từ Hán Việt, đồng thời là từ tố gốc Hán (trong "cơm độn", "khoai độn"...). Thế kỷ XIX, Huình Tịnh Của còn ghi “độn áo quần: lấy vật chi hoặc nhiều lớp áo quần để vào phía trong mà làm cho dày hoặc cho nổi lên. Độn cây cỏ: bỏ cây cỏ xuống chỗ sủng chỗ thấp mà làm cho bằng hoặc cho cao. Đồ độn: đồ dùng mà độn; ăn rau cỏ nhiều rồi mới ăn cơm sau, cũng kêu là ăn đồ độn” [1895: 317]. Ngoài ra, còn hai điệp thức nữa là "trộn"/ "lộn" trong tiếng Việt hiện đại, như: "rau trộn", "món trộn", "trộn lộn"... Quá trình Việt hóa được biểu diễn như sau: độn> tlốn > trốn và độn> tlộn > trộn/ lộn[5]. Kiểu tái lập cho ngữ tố đang xét: *tlon5.

(5) (thanh phù: công工), bản B có chỗ ghi共(thanh phù: cộng) và (thanh phù: trung中và long 竜), Xuất xứ: *Kdưới (dưới) công danh đeo khổ nhục, *tlong (trong) dại dột có phong lưu (Ngôn chí 3.6, 4.7, 5.7, 9.7, 16.7), (Mạn thuật 23.7, 35.2), (Trần tình 42.7), (Thuật hứng 60.7, 70.8), (Tự thán 77.7, 83.6, 84.7, 86.7, 89.2, 89.6, 90.6, 93.3, 99.3, 116.8), (Bảo kính cảnh giới 153.1, 154.4, 157.5, 159.6, 164.7, 168.8, 172.3), (Thủy nguyệt trung 212.1), (Trúc thi 221.3). Ngữ tố đang xét có âm hiện đại là "trong". Đây là một từ gốc Hán, có âm Hán Việt là "trung" (中). William H. Baxter (1992: 810) tái lập là *k-ljuŋ cho các ngữ liệu xuất hiện trong "Kinh thi". Các thanh phù có thủy âm k- và thủy âm l- của chữ Nôm đã nêu trên cho thấy, đây là lưu tích các cách ghi khác nhau của thủy âm kép *kl- mà có khả năng đây là dạng bảo lưu từ tiếng Hán Thượng cổ tại Việt Nam vào thế kỷ XV. Thế kỷ XVII, AR ghi "tlaõ" và "traũ" [1651, tb1994: 231]. Cứ liệu này chứng tỏ, tiếng Việt thế kỷ XVII đang tồn tại song thức ngữ âm của ngữ tố đang xét. Thế kỷ XV, "An Nam dịch ngữ" ghi bằng âm 弄"lộng" (số 103, 501), Vương Lộc tái lập: *tlong hoặc *klong, và so sánh với một số thổ ngữ Mường như "klang" (Tân Hợp), "kloong" (Đan Lai, Hy Hà) [1997: 60]. So sánh với các đối ứng "klong" (Mường), "klang", "klong", "kluong" (Tênh), "kluong" (Thái) [Gaston Nhẫn 1967: 41]. Như vậy, *tlong là âm Việt hóa ở thế kỷ XVII, *klong là âm Việt hóa ở thế kỷ XV trở về trước. Thế kỷ XIX, từ điển của Génibrel còn ghi nhận "công" hay "cuông" như trong các cụm "cuông lòng xót xa, cuông lòng hằng vui, cuông ruột tầm" [1898: 94]. Trong tiếng Thái hiện còn bảo lưu âm "công" này[6]. Quá trình biến đổi ngữ âm có thể như sau: *kloŋ1>*tloŋ1. *kloŋ1> rụng âm lỏng > công/ cuông, *tloŋ1> hòa đúc>trong. Kiểu tái lập: *kloŋ1.

(6) (員+ lôn, luân侖), xuất xứ: Cây rợp tán che am *kmát (mát), Hồ thanh nguyệt hiện bóng *klòn (tròn) (Ngôn chí 21.6), Ngoài năm mươi tuổi ngoài chưng thế, Ắt đã *klòn bằng nước ở bầu (Trần tình 40.8), Thấy nguyệt *klòn thì kể tháng, Nhìn hoa *knở mới hay xuân (Tự thán 102.5), Ở bầu thì dáng ắt nên *klòn, Xấu tốt đều thì *khrập (rập) khuôn (Bảo kính cảnh giới 148.1). "Tròn" là từ gốc Hán, âm Hán Việt đời Đường là đoàn (團)[7]. Tuy nhiên, nếu nhìn các mối quan hệ này từ góc độ lịch đại thì không hẳn đơn giản như vậy. Tiếng Hán Thượng cổ, 團có âm đọc là *duan (Vương Lực, Lý Phương Quế). Nhưng khi so sánh với một số từ có cùng thanh phù (như專傳轉磚), lần lượt được tái lập là *tjuan (Lý Phương Quế), *tiuan (Vương Lực), *tiuan (Vương Lực), *tjuan (Lý Phương Quế). Điều này có thể nhận định, "đoàn" và các chữ có cùng thanh phù trong tiếng Hán Thượng cổ đều có cấu trúc CVC. Trong tiếng Việt, thế kỷ XVII, AR ghi “tlòn: tròn. Tlòn vẹn: toàn vẹn. Một năm tlòn: một năm trọn” [1651, tb1994: 232]. Thế kỷ XV-XVI, Sách "An Nam dịch ngữ" ghi bằng âm 鸞 "loan" (số 37, 539, 715), Vương Lộc tái lập là *tlòn hoặc *klòn, khi so sánh với đối ứng trong một số thổ ngữ Mường như "klòn" (Mày, Mã Liềng), và cứ liệu chữ Nôm (cự + luân) [1997: 60]. So sánh với đối ứng "tlòn" (Arem, Sách), "klòn" (Rục, Mày, Kha Phọng), "kəlọn" (Mã Liềng) [Nguyễn Văn Tài 1982, chuyển dẫn theo Nguyễn Tài Cẩn 1997: 127]. Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy thủy âm kép *kl- cổ hơn so với *tl-, ở đây không nêu lại nữa. Quá trình diễn biến có thể biểu diễn như sau: *klòn > *tlòn> tròn. Kiểu tái lập: *klon2.

(7) (thanh phù: lộc 緑), xuất xứ: Đạo quân nhân nhẫn dầu ai lỗi, Hổ xanh xanh ở *tlốc (trốc) đầu (Bảo kính cảnh giới 159.8). Đây là từ gốc Hán, âm Hán Việt là "độc" 髑trong "độc lâu"髑髏lại có đồng nguyên tự khác là "đầu lâu" 頭顱 [Axel Schuessler 2007: 217]. Chữ "độc" có âm Hán Thượng cổ là *dok (Vương Lực) hay *duk (Lý Phương Quế), có cấu trúc CVC. So sánh với đối ứng "kulốc", "kəlốc" (Sách), "kulốc" (Rục, Mày, Mã Liềng, Kha Phọng), "klốc" (Pọng, Hung, Khong Khen) [Nguyễn Tài Cẩn 1997: 127], so sánh với các đối ứng "tlôk" (Thái Thịnh, Hạ Sữu), "klok" (Thạch Bì, Vân Mộng, Mĩ Sơn, Úy Lô, Mẫn Đức, Nho Quan) của tiếng Mường [Gaston Nhẫn 1967: 55]. Phương ngữ Bình Trị Thiên còn bảo lưu từ "trôốc" và "trôốc cúi" (đầu gối) [Võ Xuân Trang 1997: 271]. Phương ngữ Nghệ An bảo lưu "trốc" [Trần Hữu Thung 1998: 267]. Trong tiếng Việt, "trốc" còn trỏ bệnh nấm đầu làm rụng tóc, ngoài ra còn có các từ "trọc" và "lóc", cũng như từ kép "trọc lóc"/ "trọc lốc" cùng trỏ đầu không tóc. "Trốc" còn dùng với tư cách là một phương vị từ, với nghĩa “ở trên đỉnh, ở trên nóc”, ví dụ: "trốc nồi", "trốc trạn", "trốc tủ",... có câu "ăn trên ngồi trốc" trong đó “trốc” = “trên”. Thế kỷ XVII, AR còn ghi nhận "tlọc" và "tlọc đầu" [1651, tb1994: 232]. Các kiểu đơn tiết hóa như sau: *tlốc> hòa đúc> trốc/ trọc; *tlốc> rụng [t-] > lốc/ lóc. Quá trình diễn biến như sau: *tlok5 > trốc, trọc, lốc, lóc, (trong trốc đầu, trọc lóc). Kiểu tái lập: *tlok5.

(8) 秩 (thanh phù "trật") và栗 (thanh phù "lật"), xuất xứ: Lấy đâu xuất xử *tlọn (trọn) hai bề, Được thú làm quan *plật (trật) thú quê. (Tự thán 109.2), (Tự thuật 121.2), (Bảo kính cảnh giới 161.4, 176.6, 182.2, 184.6), (Giới Sắc 190.3), (Tích cảnh thi 202.1). Các nhà phiên chú trước nay đều mặc nhiên phiên là "mất" mà không giải thích. Nhưng [tr-] và [m-] chưa thấy mối liên hệ về ngữ âm trong lịch sử. Chữ Nôm 秩 cho mô hình TR-(TR-) chứng tỏ đây là chữ Nôm hậu kỳ, chữ 栗cho mô hình L-(TR-) chứng tỏ ngữ tố này có thể có một thủy âm kép có *-l- vào thế kỷ XV. Khảo về sự xuất hiện của ngữ tố này trong văn Nôm, chúng tôi được một số kết quả như sau. Vào thế kỷ XII, trong sách Phật thuyết: áng nạ lòng thực dấu, tủi xót chăng *plật (trật) sự no (cha mẹ lòng thành thực, thương yêu chẳng lúc nào thôi) < 父母情誠厚,憐憫無失時(tr.13b1), ngữ tố đang xét được đối dịch từ chữ "thất" 失(mất), nguyên bản Nôm "trật" được ghi bằng chữ Nôm E1 坡栗(pha lật) được tái lập là *blạt [Hoàng Thị Ngọ 1999: 107; Shimizu Masaaki 2002: 767; Nguyễn Quang Hồng 2008: 134], chúng tôi đề xuất tái lập là *plat6 (plật). Ở thế kỷ XV, trong QATT, chữ "trật" được một lần ghi là 栗"lật"[8]ở vị trí 202.1, Đào Duy Anh cải chính, và đề xuất phiên lật với nghĩa là “trật, lỡ” [Đào Duy Anh 1976: 823]. Từ坡栗trong Phật thuyết đến栗trong QATT, đã xảy ra quá trình từ “chữ kép” (loại E1) chuyển sang “chữ đơn” (loại C). Quá trình biến đổi ngữ âm từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVIII có thể hình dung như sau: *plật > *blật > hòa đúc> trật. Tương ứng như các trường hợp *blời > trời, *blả > trả, *blái> trái, *blọn > trọn, *blai > trai, *blở > trở [Shimizu Masaaki 2002: 767]. Như thế chữ Nôm "trật" 秩trong văn bản Dương Bá Cung là chữ Nôm của thế kỷ XVIII trở về sau. Diễn biến chữ Nôm: 坡栗 (tk XII) > 栗 (tkXV) > 秩 (tk XVIII>). Chữ "trật" với nghĩa là “thua, lỡ, hỏng, trái với được” xuất hiện tám lần trong QATT, trong khi "mất" chỉ xuất hiện ba lần. Sự khu biệt nghĩa cũng khá rõ ràng: mất là một từ trỏ “chết, dứt, đứt đoạn”, vốn có nguyên từ là "một" 歿 (X. mất), ví dụ: Hoặc nhân nhớ con, gầy biến chết mất < 或因緣子衰變死亡(Phật thuyết 20b1), han hỏi đi lại từ chưng ấy ắng mất < 參問起居從茲斷絕(Phật thuyết 21a3). Còn "trật" thường xuất hiện trong các ngữ cảnh trái nghĩa với "được", và luôn đi đôi với "được" trong QATT. Song ở đôi chỗ phảng phất có sự chồng lấn lẫn nhau, đây chính là giai đoạn trù bị để cho "mất" thay thế trật từ thế kỷ XVII trở về sau, còn "trật" lại chuyển sang nét nghĩa “sai đi, chệch đi” như AR ghi nhận [1651, tb1994: 40, 147]. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, đắc >< thất, được >< trật, là hai cặp âm tương ứng có cùng nguyên từ là 得 >< 失 . 得 "đắc" / "được" là chuỗi liên hệ đã được làm rõ từ lâu. Còn失 "thất"/ "trật" ít nhiều có thể thấy lưu tích qua thanh phù của chữ Nôm "trật"秩 (trật tự, phẩm trật), "trật" 跌 (trượt, trật trưỡng), "trật" 袠 / 帙 (túi sách). Chữ失có âm Hán Thượng cổ là *hrjit (Lý Phương Quế), *hlig (Trịnh Trương Thượng Phương), *hljit (Baxter). Kiểu tái lập *plat6. (9) (thanh phù: lộng弄; + 心), xuất xứ: Án sách cây đèn hai bạn *klũ (cũ), Song mai hiên trúc một *tlòng (lòng) thanh (Ngôn chí 7.6, 8.7, 10.3, 11.1, 11.7, 12.1, 16.3, 19.7, 22.8, (Mạn thuật 23.4, 26.8, 30.6, 32.5, 34.4, 34.6), (Trần tình 39.8, 40.4, 43.3, 49.5, (Thuật hứng 50.7, 58.6, 59.2, 60.3, 63.5, 64.2, 68.7, 69.7, 70.5, (Tự thán 74.5, 77.2, 79.4, 83.1, 85.1, 85.8, 86.3, 93.7, 96.5, 97.7, 100.7, 105.8, 106.3, 108.4, 109.5, 110.8, 111.2, (Tự thuật 112.5, 114.6, 115.6, 117.6, 118.4, 120.3, 121.6), (Tức sự 123.5, 125.7) (Tự giới 127.2), (Bảo kính cảnh giới 128.6, 135.5, 136.4, 137.5, 138.1, 138.7, 139.7, 140.5, 141.6, 143.1, 144.4, 145.8, 146.3, 147.5, 156.5, 161.2, 161.7, 165.3, 167.6, 169.8, 173.8, 176.6, 178.2, 179.8, 182.7, 184.6, 186.3, 187.5, 187.7, 188.5, (Vãn xuân 195.6), (Hạ cảnh tuyệt cú 197.4), (Tích cảnh thi 201.2, 206.3, 208.4, 209.2, 210.2), (Thủy nguyệt trung 212.5, (Hoa mẫu đơn 233.3), (Mộc cận 237.2), (Cam đường 245.4), (Thái cầu 253.2, 253.4, 253.6), (Nghiễn trung ngưu 254.3). Chữ Nôm được dùng để ghi ngữ tố "lòng". "Lòng" đồng nghĩa với các từ thuần Việt là "ruột, "dạ" (lòng ruột, lòng dạ). Với tương ứng về âm (tl> tr/ l) và về nghĩa, Huệ Thiên cho rằng "lòng" và "tròng" vốn xuất phát từ một nguyên từ có thủy âm kép *tl-. Lưu tích còn thấy trong cặp đồng nghĩa "lòng trắng" và "tròng mắt" (ngoài ra còn có "lộn tròng", "kính áp tròng"), và quan trọng nhất, ông cho rằng đây là một từ gốc Hán 腸, vốn có âm Hán Việt là "tràng" [Huệ Thiên 2004: 415]. Quả đúng như vậy, khi tìm hiểu qua các từ điển lớn nhỏ về tiếng Hán. "Tràng" nghĩa gốc trỏ "ruột". Sau có nghĩa bóng trỏ “nỗi lòng, nội tâm, bụng dạ”, ví như "can tràng" dịch căn ke sang tiếng Việt là "gan lòn"g. Tuy nhiên, tiếng Việt lại dùng cả hai âm "lòng" và "tràng" để trỏ cùng một đối tượng. "Tràng" được chuyên biệt hóa chỉ để trỏ các loại lòng động vật dùng làm thực phẩm (tràng lợn, tràng bò,...), ngoài ra còn thấy trong các từ song tiết như "đại tràng", "tiểu tràng", "trực tràng", "nhuận tràng". Trong khi đó "lòng" đã có sự mở rộng nghĩa (lòng sông, cõi lòng, lòng máng, lòng đường...với tư cách là phương vị từ). Quay trở lại với thủy âm kép *tl-, chúng ta còn thấy sự ghi nhận qua AR vào thế kỷ XVII: “Tlão tlứng: lòng trắng trứng” [1651, tb1994: 231]. Như vậy, ta có thể vạch ra quá trình biến đổi và phân hóa như sau: *tlaòng >rụng tiền tố [t-] >lòng, *tlaòng > hòa đúc > tròng. "Tlaòng: là âm Việt hóa ở thế kỷ XVII. Ở thế kỷ XII, ngữ tố này được ghi bằng 車 籠 (cư lung), kiểu tái lập *klòng, ngữ cảnh: *klòng nết chăng hay tối mò chăng lo áng nạ có ơn đức cả< 心行昆蒙不思爺娘有大恩德 (Phật thuyết 17a), và ghi bằng个弄(cá lộng), kiểu tái lập *klòng, ngữ cảnh: đến tuổi nên hai nên ba thỏa hay đi men < 二歲三歲弄意時行 (Phật thuyết 36a1). Xét về luật đối, ta có thể thấy Nguyễn Trãi có thể đã dùng CCVC để đối CCVC trong một số liên thơ, ví dụ như: Dễ hay *hruột bể sâu cạn, Khôn biết *klòng người vắn dài. (Ngôn chí 6.6). *klòng là âm Việt hóa ở thế kỷ XV trở về trước. *tlòng là âm Việt hóa ở thế kỷ XVII. Còn "lòng" và "tròng" là âm Việt hóa ở thế kỷ XVIII trở về sau. Trong khi đó, 腸tiếng Hán Thượng cổ có âm đọc là *drjang (Lý Phương Quế), *l’ang (Trịnh Trương Thượng Phương), *g-ljaŋ (Baxter). Kiểu tái lập: *klɔŋ2.

(10) (thanh phù: 碎toái, tôi)[9], xuất xứ: Già *thlui (trui) thép cho nên mẻ, Bể nồi hương bởi ngã bàn. (Bảo kính cảnh giới 185.5). Đây là một từ gốc Hán được viết là淬/ 焠, âm Hán Thượng cổ là *tshuə (Vương Lực) hay *sthuts (Baxter), âm Hán Việt là "thối", nghĩa là “rèn kim loại, nhúng sắt luyện đỏ vào nước cho cứng”. Âm Việt hóa gần nhất là "thui", trỏ việc dùng lửa đốt thịt con vật cho trụi chân lông và cho cháy da để khử mùi hôi, diệt vi khuẩn, tạo mùi thơm; từ đó được kết hợp trong từ "đen thui". Nhưng với nguyên nghĩa như trong tiếng Hán, thì tiếng Việt có hai âm Việt hóa khác là "trui" và "tôi", đều trỏ việc “rèn = luyện”, như trong từ "trui rèn" = "tôi rèn", hay "tôi luyện", "tôi vôi". Thế kỷ XVII, AR đã ghi nhận "thui nghé", "thui bò", "thui tlâu", "thui thuyền" [1651, tb1994: 225], nhưng không thấy ghi nhận các điệp thức "trui", "tôi". Tiếng Việt hiện nay còn một điệp thức "lùi" với nghĩa “dúi đồ vào than cho chín” như “lùi khoai, lùi sắn, mía lùi”. Đặt hai điệp thức "trui"/ "thui" /"lùi" cạnh nhau chúng ta có thể đoán định rằng: từ thế kỷ XVII về trước có lẽ ngữ tố này đã được Việt hóa bằng cách đọc thủy âm Hán Việt th- thành thủy âm kép: *thl-. Dù sao, cũng có thể nhận định rằng, ngữ tố này đã hoàn toàn đơn tiết hóa ở thế kỷ XVII. Quá trình biến đổi như sau: *thlui1> hòa đúc> trui; và *thlui> rụng [th-] > lùi, tương tự như: *thloi2> hòa đúc >thòi/ tòi; và *thloi2> rụng [th-] > lòi, trong "thòi lòi", (xem thêm "Thuồng luồng" trong mục "rồng" của bài này). Kiểu tái lập: *thlui1.

(11) 場Tràng (thanh phù: "trường", "tràng"), xuất xứ: Hai chữ “công danh” chăng cảm cốc. Một *klàng (tràng) ân oán những hăm he (Trần tình 44.6), Đến *klàng đào mận ngạc chăng thông, Quê cũ ưa làm chủ cúc thông (Thuật hứng 50.1), *klàng ốc ba thu uổng mỗ danh, Chăng tài đâu xứng chức tiên sinh (Ngôn chí 7.1), (Tự thán 75.1). 場là từ gốc Hán, âm Hán Việt đời Đường là "tràng", âm Hán Thượng Cổ là *g-ljaŋ (Baxter). Gaston Nhẫn khi nghiên cứu QATT đọc theo âm Hán Việt là "tràng" [1967: 56]. Thế kỷ XVII, AR ghi "tlàng hăọc: tràng học", và ghi nhận cả âm "tràng" [1651, tb1994: 231]. Ngoài ra còn ghi một số từ đồng âm gần nghĩa như "tlể tlàng" (trễ tràng), "tlàng áo" (tràng áo), "tlàng hŏa" (tràng hoa), "tlàng hột" (tràng hạt), "tlàng" = "bề tlàng" (bề trường: bề dài) [1651, tb1994: 230-231]. Với những cứ liệu như vừa nêu, tạm có thể coi "tlàng" là âm Việt hóa từ thế kỷ XVII. Kiểu tái lập ở thế kỷ XV có thể là: *klaŋ2.

(12) 長Tràng/ trường, xuất xứ: Lọ chi tiên bụt nhọc tìm phương, Được thú an nhàn ngày tháng *klàng (tràng). (Tự thán 82.2), (Tức sự 125.1, 126.4), (Bảo kính cảnh giới 170.1), (Trừ tịch 194.2). 長là từ gốc Hán, có âm Hán Thượng cổ là *tiaŋ (Vương Lực), *trjaŋʔ (Baxter). Gaston Nhẫn so sánh với các đối ứng "klàng" (Thạch Bi) trong tiếng Mường, và "trơng" trong tiếng Chăm. "An Nam dịch ngữ" ghi 慢浪 (số 713), Vương Lộc tái lập là *tlàng [1997: 178], với nghĩa “dài, chậm, lâu”. Thế kỷ XVII, AR ghi nhận "tlàng" và "bề tlàng" [1651, tb1994: 231]. Đối chiếu với các từ có thủy âm kép *tl- > tr- như đã nêu, kiểu tái lập là *tlaŋ2 hoặc *klaŋ2. *klaŋ2 là âm Việt hóa ở thế kỷ XV, *tlàng là âm Việt hóa ở thế kỷ XVII. Kiểu tái lập: *klaŋ2.

(13) 朗(thanh phù lãng), xuất xứ: Mười hai tháng *tlọn (trọn) mười hai, Hết tấc đông *tlàng (trường) *khráng (sáng) mai (Trừ tịch 194.2). "Sáng" cũng như "rạng" (trong "rạng sáng"), "lảnh" (trong "lanh lảnh") và "sảng" (trong "sang sảng") đều có chung gốc từ là 朗. 朗 có âm Hán Thượng cổ là *c-raŋʔ (Baxter), âm Hán Việt đời Đường là "lãng". Thế kỷ XV-XVI, "An Nam dịch ngữ" ghi âm bằng "kháng" 亢(số 22); so sánh với các đối ứng "khláng" (Đan Lai, Ly Hà), "khláng" (Pọng), Vương Lộc tái lập *khláng [1997: 61]; Shimizu Masaaki tái lập thủy âm kép *khr- [2008: 5]. Nghiên cứu QATT thế kỷ XV, Gaston Nhẫn tái lập là *kráng, khi so sánh với các đối ứng "klạng" (thổ ngữ Mường: Làng Um, Làng Lum, Canh Nan, Ban Đào), "kláng", "klảng" (Quy Mỹ), "glang" (Chàm), "pơreng", "pơràng" (Bahnar) và "ralang" (Khmer) [1967: 149]. Có thể thấy *khráng là âm Việt hóa vào thế kỷ XV- XVI, sau cho các biến thể Việt hóa đơn tiết là "sáng" và "rạng". Thế kỷ XVII, AR ghi "sáng", "rạng" [1651, tb1994: 201]. Các kiểu tái lập: *khlaŋ5/*khraŋ5/*khsaŋ5/*klaŋ5/ *kraŋ5/*ksaŋ5.

(14) 瀝(thanh phù: lịch歷), xuất xứ: Tào Khê *ksả (rửa) ngàn tầm *khluối (suối), *khrạch (sạch) chẳng còn một chút phàm. (Thuật hứng 64.8), Am quạnh thiêu hương đọc “ngũ canh”, Linh đài *khrạch (sạch) một dường thanh. (Mạn thuật 31.2), Xuân đến nào hoa chẳng tốt tươi, Ưa mày vì tiết *khrạch (sạch) hơn người.(Mai thi 224.2). So sánh với các đối ứng như "khat" (Quy Mỹ: mường), "thak" (Cao Trai), "thsák" (Lâm La), "sek" (Đà Nang), "saat" (Chàm, Laotien) [1967: 152], tạm có thể tái lập *khlɛk6. *khlɛk6 có khả năng là một âm Việt hóa vào thế kỷ XV, vốn nguyên từ là瀝 (nghĩa gốc là "lọc rượu"), âm Hán Thượng Cổ là *c-rek (Baxter), âm Hán Việt đời Đường là "lịch", sang tiếng Việt chuyển nghĩa thành "sạch", lưu tích còn thấy trong từ "thanh sạch" (thanh= sạch), "trong sạch" (trong = sạch). Thế kỷ XVII, AR ghi nhận "sạch" [1651, tb1994: 199]. Như vậy, "sạch" là âm Việt hóa của "lịch" từ thế kỷ XVII về sau. Trong Phật thuyết, "sạch" thường dùng để đối dịch chữ "khiết" 潔 hoặc "tịnh" 凈, như: chỉn đòi mặc áo *khrạch < 秪求衣潔(tr.15a9), thân lòng thanh *khrạch cho bằng hột châu ma ni < 身心清凈等摩尼(tr.45b9), Lòng Bụt trong *khrạch qua hết trong hoa sen ấy < 心清凈超於彼(46b3). "Sạch" còn có nghĩa dẫn thân khác là “hết” (< "lọc hết", "sạch hết", lưu tích còn trong "hết sạch"), như:mười dư đấng tội hết thì tan sạch < 十惡等罪悉皆消滅(38b5). Các kiểu tái lập: *khlɛk6 / *khrɛk6/ *khsɛk6/ *klɛk6/*krɛk6/ *ksɛk6. (15) (sic) < (金+thanh phù: "lật"栗), xuất xứ: tiết trực cho bằng đá *khrắt (sắt), đường đi sá *tlánh chông gai(Tự thán 91.3). "Sắt" có nguyên từ là "thiết"鐵 / 鉄trong tiếng Hán. Axel Schuessler tái lập là *lhêt hoặc *lhit cho tiếng Hán thượng cổ [2007: 497]. Bodman tái lập âm Proto Việt Mường là *khăc [1980: 103, chuyển dẫn theo Axel Schuessler 2007: 497]. Thế kỷ XV-XVI, "An Nam dịch ngữ" ghi鐵殺 "thiết: sát" (số 623) Vương Lộc tái lập là *khlắt [1997: 170], bản D ghi 鐵客 "thiết: khách", Davison tái lập *các (sic) [chuyển dẫn theo Vương Lộc 1997: 170]. Thế kỷ XVI, "An Nam quốc dịch ngữ" ghi鐵客 "thiết: khách", Shimizu Masaaki tái lập thủy âm kép *khr- [2008: 5]. So sánh với các đối ứng "ksất" (Thạch Bi), "khăch" (La Gián, Vân Mộng), "khăt" (Mĩ Sơn, Ngọc Lặc, Thái Thịnh) của tiếng Mường, và các đối ứng "khlek" (Hung), "lếk" (Pọng), Gaston Nhẫn tái lập là *krăt [1967: 151]. Thế kỷ XVII, AR ghi nhận "sắt" và "cứt sắt" [1651, tb1994: 202]. Như vậy có thể có các kiểu tái lập như sau: *khlat5/ *khrat5/*khsat5/ *klat5/*krat5/ *ksat5.

(16) 蓮(thanh phù: "liên"), xuất xứ: Ao cạn vớt bèo cấy *kmuống, Đìa thanh phát cỏ ương *kren (sen). (Thuật hứng 69.4), Thế sự dầu ai hay buộc bện, *kren nào có bén trong lầm (Thuật hứng 70.8), (Tự thán 110.4), (Tức sự 124.4). Theo Maspero (1912: 80),"Sen" là từ gốc Hán viết là蓮, âm Hán Việt là "liên," âm Hán Thượng cổ là *c-rjenʔ (Baxter). GS Nguyễn Tài Cẩn cho rằng: một số từ Tiền Hán Việt bắt nguồn từ *r- Hán trước thế kỷ III sẽ cho S, ví dụ 蓮sen/ liên, 蠟sáp/ lạp, 力sức/ lực [1997: 113-114]. Ông băn khoăn về việc do đâu mà các từ tiếng Hán nêu trên vốn có từ đơn tiết bắt đầu bằng một phụ âm đơn *r- khi vào Việt Nam lại trở thành các thủy âm kép có -*r-, hoặc những từ có tiền âm tiết, để từ đó đi đến S- [1997: 114]. Axel Schuessler (2007: 353) tái lập âm Hán thượng cổ là *gren. Cách tái lập này phần nào hé mở một số cách giải quyết. Chúng tôi tạm đưa ra hai hướng như sau: (1) *kren1 trong tiếng Việt cổ thế kỷ XV là hiện tượng Việt hóa thủy âm kép của tiếng Hán cổ, như thế ngữ tố đang xét có khả năng đã vay mượn vào Proto Việt Mường rất sớm, chuỗi biến đổi như sau: *gr- > *kr- > *s- ; (2) *kren1 là âm Việt hóa vào thế kỷ XV, điều đó có nghĩa là ngữ tố này du nhập vào tiếng Việt ở thời điểm muộn hơn, ít nhất là sau khi tiếng Hán đã đơn tiết hóa triệt để, rồi sau đó đến giai đoạn tiếng Việt cổ nó lại bị Việt hóa bằng cách gia cố thêm tiền tố *k-. chuổi biến đổi như sau: *gr-> *r- > *kr- > *s-. Tuy nhiên, chúng tôi nghiêng về giả thuyết thứ nhất hơn, bởi lẽ ngữ tố đang xét thuộc về vốn từ vựng cơ bản, nên có khả năng nó đã gia nhập vào thời điểm khá sớm. Thế kỷ XVII, AR ghi nhận "sen" [1651, tb1994: 203]. Các kiểu tái lập: *klen1/ *kren1/ *ksen1.

(17) (cổ 古+ lộng弄), xuất xứ: giầu mấy kiếp tham lam bấy, *krống (sống) bao lâu đáo để màng (Thuật hứng 55.4). Ngữ tố này còn được ghi bằng các chữ Nôm hậu kỳ như {生弄} tại các vị trí (Tự thán 98.8), (Bảo kính cảnh giới 175.4) nên tái lập dạng cổ là {古弄}. Chúng tôi cho rằng, sống có nguyên từ là 生 mà âm Hán Việt đời Đường chính cống là "sanh" theo cách ghi của Đường vận, Tập vận, Vận hội, Chính vận (phiên thiết : sở canh所庚, sư canh師庚)…[Quách Tích Lương 1986 : 267] như thế âm "sinh" chỉ là âm Việt hóa mà thôi. "Sống"/ "sanh" có sự trùng khít khá lớn với nhau ở nghĩa (cư trú, sinh hoạt, hoạt động, vẫn đang hiện tồn, tươi) [Axel Schuessler 1987: 536]. Về mặt ngữ âm, "sanh" có những diện mạo ngữ âm như sau. Bernhard Karlgren (1923: 257) cho âm quan thoại đọc là ʂəng. Ở một công trình khác ông cho âm Anamite là saŋ [1915, repr 1926: 796]. William Hubbard Baxter tái lập âm Thượng cổ là *srjeng [1992: 786]. Axel Schuessler tái lập âm Thượng cổ là *sriŋ [1987: 536] hoặc *srêŋ [2007: 459- 460], đáng chú ý là ông đưa ra đối ứng trong tiếng Naga là C-riŋ [2007: 460]. Những tài liệu trên là rất thú vị khi so sánh với các cứ liệu trong tiếng Việt Tiền cổ, tiếng Việt cổ và các ngôn ngữ phương Nam như sẽ trình bày sau đây. Thế kỷ XII, Phật thuyết ghi ngữ tố này bằng tự dạng Nôm {古弄} tại vị trí bằng áng nạ còn *krống cho được sống lâu (tr.44a5), ghi bằng {弄古}tại các vị trí 6a5, 20b3, 30a1, 44a5, 15b1, ngoài ra còn được ghi bằng 生tại các vị trí 3a7, 30b5, 32b1, 41a9. Như thế ở tiếng Việt tiền cổ, ngữ tố trên sẽ có thủy âm kép *kr- So sánh với các đối ứng "không" (Mĩ Sơn, Ngọc Lặc, Như Xuân, Hạ Sữu, Thải Thịnh), "klông" (Úy Lô), "ksông" (Thạch Bi) trong tiếng Mường, các đối ứng "tlung" trong tiếng Sách, "xeng" trong tiếng Thái, "sraung" và "thraung" trong tiếng Chăm, Gaston Nhẫn tái lập là *krong [1967: 42, 147, 150-151] cho ngữ tố đang xét trong tiếng Việt cổ thế kỷ XV qua QATT. Kiểu tái lập của Gaston là có cơ sở. Thế kỷ XVI, "An Nam dịch ngữ" ghi 生薑僧共 (số 221), Vương Lộc đọc "gừng sống" [1997: 134]. Như vậy, "sống" là âm Việt hóa hậu kỳ phái sinh từ *krống- một âm Việt hóa cổ, khác với "sinh" là một âm Việt hóa của "sanh" ở thời điểm du nhập. Cũng vậy, các biến thể có thủy âm kép của ngữ tố đang xét là âm Việt hóa vào thế kỷ XV. Các kiểu tái lập: *kloŋ5 / *kroŋ5 / *ksoŋ5.

(18) (cự巨 + phiêu票), nhầm từ {栗巨} (cự 巨+ lật栗), xuất xứ: Tai thường phỏng dạng câu ai đọc : ‘*krốt (rốt) nhân sinh bảy tám mươi’ (Tự thán 76.8), (Bảo kính cảnh giới 138.8). Ngữ tố này còn được ghi bằng chữ Nôm hậu kỳ 窒, nên tái lập dạng cổ là ở vị trí: *kjµu (giàu) mặc phận, nguôi lòng ước, *krốt an bần, ấy cổ lề(Tự thán 88.6). Cách phiên này trùng khít và ủng hộ giả thuyết tái lập của Gs Nguyễn Quang Hồng [2008: 239]. Bởi cả câu vốn dịch ý từ thơ chữ Hán của Đỗ Phủ: 人生七十古來稀nhân sinh thất thập cổ lai hy, nghĩa là "cái tuổi bảy mươi (điểm cuối của cuộc đời: rốt) xưa nay hiếm vậy". Những cách phiên khác đều là "rất". Về mặt ngữ âm thì không phải là không có cơ sở. Nhưng về mặt nghĩa thì có điểm khác biệt. "Rất" chỉ là một điệp thức (doublet) hậu kỳ phái sinh từ "rốt", nhưng đã được chuyển loại thành phó từ đứng trước tính từ và một số động từ. Cho nên, phiên "rốt" là hợp lý ở cả ba mặt: hình- âm- nghĩa. Về từ nguyên, "rốt" là từ gốc Hán, với nghĩa là “chết” trong các từ "chết tốt", "chết rốt", chữ Hán là 卒, âm Hán Thượng cổ là *stut (Baxter). Thú vị là với nghĩa này thì âm Hán Việt chính cống (đời Đường) đọc là "tuất". Thế nhưng âm người Việt hiện nay coi là âm Hán Việt lại là "tốt"- thực ra đây chỉ là âm Việt hóa hậu kỳ nhưng trước nay vẫn bị coi là âm Hán Việt (giống như rất nhiều từ khác). Từ động từ với nghĩa là “chết”, tốt chuyển sang làm danh từ với nghĩa “sau cuối, cái chung cục, cái đoạn kết, cái điểm kết thúc”, tiếng Việt còn các từ "rốt", "rút" (trong "rút cục", "rốt cuộc", "sau rốt") và với khả năng rụng âm lỏng hoặc âm rung, thì rất có thể *klot5/*krot5 sẽ cho một biến thể ngữ âm khác là "gút" (trong gút lại= rút cục). Từ điển Paulus Của ghi: “rốt: ở đàng sau hết, ở sau chót. Rốt đáy: ở dưới chót, ở dưới đáy. Rốt năm: cuối năm, cùng năm” [Huình Tịnh Paulus Của 1889: 883]. Với cách ghi chữ Nôm như ở trên, âm tái lập có thể là *klot5/*krot5 / *ksot5, có thể đây là những âm Việt hóa vào thế kỷ XV, và kết quả của nó cho ta một âm đọc trùng khít với cách đọc cổ có trước nó quãng dăm bảy trăm năm? Vấn đề này còn nhiều điểm tế nhị mà chưa thể trình bày hết được, tạm nêu để sau sẽ tiến hành khảo sát thêm. Các kiểu tái lập: *klot5/*krot5 / *ksot5.

(19) (虫+thanh phù: long隆), xuất xứ: Bằng *krồng (rồng) nọ ai phen kịp, Mất thế cho nên mặt dại ngơ. (Bảo kính cảnh giới 180.7), (Thủy nguyệt trung 212.6), (Trúc thi 223.3), (Trư 252.7). "Rồng" là từ gốc Hán, nguyên từ là "long" (龍), âm Hán Thượng cổ là *b-rjoŋ (Baxter), hoặc *groŋ (Phan Ngộ Vân). “Rồng là tên gọi xưa nhất, vay vào quãng đời Tây Hán- Đông Hán nên cả phụ âm, cả vần, cả thanh đều rất cổ. "Thuồng luồng" vay vào khoảng từ sơ Đường đến Trung Đường nên thanh cổ nhưng phụ âm, vần đều đã mới. "Long" là tên gọi Hán Việt vay vào cuối đời Đường [Nguyễn Tài Cẩn 2001: 26]. So sánh với các đối ứng "roŋ- (Khmer), "rôŋ", "hông- ròn" (Mường) [Axel Schuessler: 363]. So sánh với đối ứng "ma-long" trong tiếng Laotien [Gaston Nhẫn 1967: 173]. Tạm có thể nhận định rằng tiếng Việt từng có âm Việt hóa với thủy âm kép có *-r-. "Giao long"[10] (蛟龍) có khả năng có âm cổ là kao1 rɔŋ1. Mặt khác, chữ "thuồng luồng" là một dạng song tiết hóa của âm Việt hóa *thloŋ1. Thế kỷ XVII, AR ghi nhận ròũ và laõ [1651, tb1994: 195]. Kiểu tái lập: *kloŋ1/ *kroŋ1/ *thloŋ1 / *throŋ1.

(20) (chính tự: 瀉), âm Hán Việt đời Đường là "tả", âm Hán Thượng cổ là *sjᴀʔ (Baxter). Các nhà phiên chú trước nay phân vân giữa các cách phiên như "tả", "rửa" và "dã". Cách phiên "dã" (với nghĩa "dã rượu") là ít cơ sở nhất, vì không đúng nghĩa trong các ngữ cảnh đang xét trong QATT. Vấn đề chỉ còn ở chỗ tại sao không chọn âm Hán Việt "tả" mà lại là "rửa" khi phiên chuyển sang tiếng Việt hiện đại. Chúng tôi cho rằng ngữ tố này nên chăng phải phiên chuyển sang tiếng Việt cổ thế kỷ XV với hình thức thủy âm kép. Ngữ tố đang xét luôn được dùng để đối với một từ có cấu trúc CCVC trong các câu thơ Đường luật chỉ còn sáu chữ. Đây chính là lý do chúng ta không dùng âm Hán Việt để phiên, mà nên nghĩ đến khả năng đó là một âm Việt hóa có thủy âm kép. Nguyễn Tài Cẩn đã từng gợi ý đến khả năng song tiết hóa ở Việt Chứt [1997: 118]. Quả như vậy, cứ liệu ngữ âm hiện còn cho phép xác định đó có khả năng là thủy âm kép là "rửa ráy" được ghi bằng ({cá个+ lã呂},{cá个+ tái塞}), kiểu tái lập có thể là *ksả *ksái, nguyên văn: *ksả *ksái (rửa ráy) rén hót nhơ <洗濯頻除穢 (Phật thuyết 15a5). Cứ liệu ngữ nghĩa: "rửa" được ghi bằng chữ Nôm {洗呂} ở thế kỷ XVI-XVII được dùng để đối dịch chữ "tẩy" 洗: lời nhơ nói xấu, phiền ngươi rửa đấy < 蕪辭穢語煩公洗之(TKML I 13b12). Như thế, chữ "rửa ráy" (瀉洗)là một từ Hán Việt Việt tạo. Quá trình biến đổi ngữ âm từ Hán sang Việt như sau: *sjᴀʔ >*ksả > rửa và *sah >*ksả > sả/ xả. *ksả là âm Việt hóa ở tiếng Việt tiền cổ (X-XII) và tiếng Việt cổ (XIII- XVI). Thế kỷ XVII, AR đã ghi nhận "rửa" [1651, tb1994: 195]. Như vậy, "rửa", "rửa ráy" là âm Việt hóa ở giai đoạn tiếng Việt trung đại, đến nay vẫn dùng. Tương ứng: "đi tả"/ "đi rửa". Từ Hán Việt như "tả lị", trong đó "thổ tả" 吐瀉 (trên nôn dưới rửa), còn có lối nói đi "rửa ruột", lại được dùng để rủa như một thứ bệnh dịch: "đồ thổ tả". "Rửa" xuất hiện trong một số từ kép và một số kết hợp như: "rửa ráy", "giặt rửa", "gột rửa", "rửa thù", "rửa hận", "rửa nhục", "rửa tội", "rửa chân tay", "rửa ảnh", "rửa tiền". Sớm rửa cưa trưa mài đục(ca dao). Trong thơ Nguyễn Trãi, chữ "rửa" có hai nghĩa. Thứ nhất là một động từ, trỏ (mưa, thác) “tưới xuống, đổ xuống” như nguyên nghĩa trong tiếng Hán. Lục Du trong bài Vũ dạ có câu: 急雨如河瀉瓦溝,空堂卧對一燈幽 cấp vũ như hà tả ngõa câu, không đường ngọa đối nhất đăng u (mưa rào như suối rửa ngòi sâu, nhà không nằm trước ngọn đèn mù). Trở lại với câu thơ của Nguyễn Trãi: Tào Khê *ksả (rửa) ngàn tầm suối, *khsạch chẳng còn một chút phàm. (Thuật hứng 64.7), chữ "rửa" ở câu này dùng với hai nghĩa, ở câu trên là tả cảnh thác đổ, nhưng khi ý thơ vắt dòng xuống câu dưới thì "rửa" đã mang thêm nghĩa bóng "gột rửa". Đây là một ví dụ nữa cho việc chơi chữ nước đôi có hệ thống và có chủ ý trong thơ Nguyễn Trãi. Thứ hai, "rửa" cũng là động từ với nghĩa “gột cho hết (bẩn, buồn,…), rửa cho sạch” như tiếng Hán. "Thủy hử toàn truyện" có câu: 吟詩欲瀉百重愁ngâm thi dục tả bách trọng sầu (ngâm thơ như muốn rửa sầu ngàn cân). QATT có các câu sau: *ksả (rửa) lòng thanh, vị núc nác, *tbun (vun) đất ải, rãnh mùng tơi. (Ngôn chí 10.3), *phray (say) mùi đạo chè ba chén, *ksả (rửa) lòng phiền thơ bốn câu. (Thuật hứng 58.6), (Tự thuật 114.6). Hiện còn nói: "mưa rửa chùa", "mưa rửa núi" dùng với cả hai nghĩa. Như vậy, *ksả là âm Việt hóa từ thế kỷ XV trở về trước. Mặt khác, *ksa3 còn cho hai điệp thức khác là "sả"/ "xả", như: "xả nước", "xả hơi", "xả quần áo", "xả su- páp", "xối xả", "xả súng", "xả cống", "ống xả", "xả hết tốc lực", "mắng xả vào mặt". Diễn biến ngữ âm trong lịch sử là *ksả > rửa và *ksả3 > sả/ xả, quá trình này kết thúc trước thế kỷ XVII, bởi AR đã ghi nhận "rửa" với tư cách là một từ đơn tiết triệt để [1651, tb1994: 195]. Kiểu tái lập: *ksa3.

(21) (田+thanh phù: long竜), xuất xứ: (Trần tình 43.7), *thruộng (ruộng) đôi ba khóm đất con ong, Đầy tớ hay cày kẻo mướn mung. (Thuật hứng 56.1), (Bảo kính cảnh giới 129.7, 140.7, 150.7, 177.7), (Nghiễn trung ngưu 254.5). "Ruộng" là từ gốc Hán, âm Hán Việt là "lũng" (cũng có thanh phù "long"). Nguyên tiếng Hán có các nghĩa: ruộng, bờ ruộng, luống cày và nơi cao nhất trong khoảnh ruộng dùng để táng mồ mả, từ nghĩa này "lũng" mới có nghĩa là “cái mả” (nghĩa này hay được dùng từ đời Tần đến đời Tấn). Với nghĩa là cái gò cao, 壟còn có các đồng nguyên tự là隴, 陵,陸,隆 [Vương Lực 1982: 314-315]. Kiểu tái lập cho âm Hán Thượng cổ là *roŋ [Axel Schuessler 2007: 363], hay *b-rjoŋʔ (Baxter). Chúng tôi tái lập là *throŋ4. *throŋ4 cho âm "thung lũng" trong tiếng Việt với nghĩa gộp trỏ “không gian có nhiều gò (cao) và khoảng đất trũng giữa các gò đó (thấp)”, cũng tương tự như *throŋ1 cho âm "thuồng luồng" (một tên gọi khác của con rồng, như Nguyễn Tài Cẩn đã gợi ý). Từ Hán Việt "lũng đoạn" cũng có nghĩa gốc như trên. Như vậy, chữ "lũng"壟có các lưu tích "ruộng", "luống" và "thung lũng" trong tiếng Việt. Phương ngữ Nghệ An có "rọng" như Rọng bề bề không bằng nghề cầm tay (tục ngữ) [Trần Hữu Thung 1997: 225]. Thế kỷ XVII, AR ghi nhận ruộng [1651, tb1994: 196]. Kiểu tái lập: *throŋ4.

(22) 湄(thanh phù: mi), xuất xứ: *kmưa (mưa) thu rưới ba đường cúc, *kjó (gió) xuân đưa một rãnh lan (Ngôn chí 17.5). "Mưa" là từ gốc Hán đọc theo âm Tiền Hán Việt, âm Hán Việt là "vũ" (雨), âm Hán Thượng cổ: *gi ̯wo (Kalgren), *ɣiua (Vương Lực), *wjaʔ (Baxter). Có thể thấy chuyển đổi thủy âm từ Tiền Hán Việt sang Hán Việt (M > V) như sau "mùi" 味> "vị", "mắng" 聞 > "văn", "mô"無> "vô","mựa"無 > "vô", "mùa"務 > "vụ", "múa" 舞> "vũ", "mù"霧 > "vụ", "mo" 巫 > "vu", "mong"/"mòng" 望> "vọng", "mạng" 網 > "võng", "muộn" 晚 > "vãn",… Qua các cứ liệu của tiếng Sách, Rục, Mày, Pọng, Nguyễn Tài Cẩn cho rằng "mưa" có khả năng là có tiền âm tiết hay vết tích tiền âm tiết ở trước: *//mưa [1997: 39]. H.Roux trong "Les Tsa Khmu" dẫn đối ứng "kama" trong tiếng Khmu [tr.171, chuyển dẫn Gaston Nhẫn 1967: 27], Vương Hoàng Tuyên dẫn đối ứng "k’ma" trong tiếng Tênh [chuyển dẫn Gaston Nhẫn 1967: 29], Gaston Nhẫn bổ sung đối ứng "k’ma" trong tiếng Xa Câu [1967: 31], "kơma" trong tiếng Sách, tiếng Tênh, "kama" trong tiếng Pọng [1967: 46]. Nay với một số ngữ tố có thủy âm kép *km- đã xuất hiện trong QATT (*kmỉa, *kmuống, kmẽ…) [xin xem Trần Trọng Dương 2012b/c/d], có thể tái lập âm Việt hóa là *kmưa. *kmưa đối với *kjo. Từ đời Hán về sau âm *g- (*ɣ-) đã rụng mất, còn -w- (hoặc w-) đã môi hóa thành v-, chứng cứ là "Thuyết văn giải tự gh"i王矩切 (vũ). Ở Việt Nam, ngữ tố này bảo lưu âm Hán Thượng cổ nhưng đã đọc theo thói quen của người Việt thành *km-. Đến thế kỷ XV, qua ngữ liệu của thơ Nôm Nguyễn Trãi, *kmưa (cấu trúc CCVC) được dùng để đối với *kmây một cách có hệ thống trong những câu thơ sáu chữ. Thế kỷ XVII, AR ghi nhận "mưa" [1651, tb1994: 154]. Kiểu tái lập: *kmwa1.

(23) (雲+迷thanh phù: mê), xuất xứ: Non cao non thấp *kmây thuộc, cây cứng cây mềm *kgió hay (Mạn thuật 26.3, 28.4), Đạp áng *kmây, ôm bó củi, Ngồi bên *ksuối, gác cần câu. (Trần tình 41.3, 45.3), (Thuật hứng 51.6, 56.5, 64.6, 65.2),Danh thơm một áng *kmây nổi, bạn cũ ba thu *hlá tàn. (Thuật hứng 63.3) (Tự thán 95.3), (Bảo kính cảnh giới 155.1, 158.1.169.5), (Lão mai 215.5). Trong số 14 lần xuất hiện, có 13 lần "mây" nằm trong các câu thơ 6 chữ. Trong đó có 10 lần dùng để đối với các âm CCVC như kjó, kmưa, khruối (suối), hlá (lá), hgấm (gấm),... Điều đó có thể nghĩ đến khả năng rằng ngữ tố này cũng có cấu trúc CCVC ở thế kỷ XV, có thể tái lập là *kmây. So sánh với một số đối ứng mɣl2 (Mường Thải, Tân Phong, Huy Thượng), mɣj2 (Giáp Lai, Yến Mao, Ba Trại), mɣn2 (Lâm la, Cổ Liêm,...) của tiếng Mường [Nguyễn Văn Tài 2006: 240]. Có thể thấy âm mɣj2 gần với mây hơn cả, mɣl2 là hình thức xưa hơn và mɣn2 có vẻ là xưa nhất. Âm mɣn2 cho phép ta liên hệ đến vân (雲) của tiếng Hán. Mối tương ứng M>V giữa Tiền Hán Việt và âm Hán Việt đời Đường là những cứ liệu ủng hộ cho giả thuyết này. Axel Schuessler khi làm từ điển tiếng Hán thời sơ Chu (cách nay 2500- 3000 năm) đã dẫn các tái lập ngữ âm *cwjər và *cwjən [1988: 800], *wjaʔ (Baxter). Từ đời Hán về sau, *c- rụng mất chỉ còn w-, sau đó wjən đã môi hóa để cho âm "mây" (cổ hơn so với "vân" đời Đường). Qua các ngữ liệu trong thơ Nguyễn Trãi thế kỷ XV như trên đã trình bày, chúng ta thấy ngữ tố này có khả năng đọc là *kmây. Đây là một dạng bảo lưu thủy âm kép của âm Hán Thượng cổ. Chúng tôi tạm vạch ra quá trình truyền nhập và biến đổi ngữ âm từ tiếng Hán sang tiếng Việt như sau: *cwjər > *kmjər> *kmej1 > mej1 (mây). Như vậy, *kmjər có thể là âm của ngôn ngữ Tiền Việt Mường (PVM), kmej1 là âm Việt hóa vào thế kỷ XV. Còn "mây" là âm Việt hóa từ thế kỷ XVII đến nay.

(24) (口+ mãng莽), xuất xứ: đã từng có tiếng trong đời nữa, Quân tử ai chẳng *kmắng (mắng) danh. (Trúc thi 221.4, 222.1)[11], Chúa xuân dìu dặt dư ba tháng, *kmắng cầm ve mới đỗ quân. (Điệp trận 250.8), Dầu phải dầu chăng mặc thế, Đắp tai biếng *kmắng sự vân vân. (Bảo kính cảnh giới 165.8). Phiên sang âm hiện đại là "mắng", nghĩa là “nghe”. "Mắng" là một từ cổ, gốc Hán, âm Hán Việt là "văn" 聞. Có thể thấy chuyển đổi thủy âm từ HV tiền Đường sang HV đời Đường (M > V) như trên vừa nêu. Theo cách tái lập của Vương Lực là *miən, Baxter là *mjun, điều này chứng tỏ trong lịch sử tiếng Hán ngữ tố đang xét luôn có cấu trúc ngữ âm là CVC. Trong tiếng Việt thì không hẳn là như vậy. Ngữ tố này xuất hiện nhiều lần trong "Phật thuyết" (tk XII) trong đó năm lần được ghi bằng loại chữ E1 là 車莽, tại các vị trí 5b5, 6b5, 8b7, 28a1, 30b9, Hoàng Thị Ngọ tái lập *kmắng [1999: 90-91], cụ thể như sau: được *kmắng tám đấng tiếng < 得聞八種聲, kinh dường này A Nan một no *kmắng chưng Bụt ở thửa Vương Xá thành < 如是我聞一時佛在王舍城, A Nan *kmắng lời ấy> 阿難聞語, Đại chúng *kmắng Bụt thửa thốt < 大眾聞佛所說, *kmắng Bụt thửa thốt ai ai phát nguyện rằng <聞佛所說各彂愿言. Thế kỷ XVII, AR ghi nhận "mắng tin" nghĩa là “nghe tin” [1651, tb1994: 146]. Quá trình Việt hóa có thể biểu diễn như sau: *miən> *kmaŋ5> mắng. Đến nay, từ "mắng" không còn sử dụng trong tiếng Việt nữa, nó đã trở thành một từ cổ. Kiểu tái lập: *kmaŋ5.

(25) (thanh phù: bích壁), nguyên bản QATT dùng nhầm chữ "bích" (璧ngọc) tại 110.3, nên cải chính thành壁, xuất xứ: Tranh giăng *tbách (vách) nài chi bức, đình thưởng *ksen (sen) hay có căn (Tự thán 110.3) (xem kiểu tái lập của sen trong bài này). Gaston Nhẫn khi nghiên cứu QATT tái lập *kbék [1967: 132]. "An Nam dịch ngữ" ghi 壁必 (số 312), Vương Lộc phiên "bích" [1997: 142]. AR ghi: "bâch", "bêch" [1651, tb1994: 47]. Ngữ tố đang xét là từ gốc Hán, có âm Hán Việt là "bích". So sánh với cách tái lập âm Hán thượng cổ *pek [W. H. Baxter 1992: 188]. Ngữ tố này nằm trong câu thơ sáu chữ, đối với nó là *kren -một từ có cấu trúc CCVC. Vì vậy, có khả năng, Nguyễn Trãi đã cùng CCVC để đối với CCVC trong một liên đối. Mặt khác, thủy âm kép *tb- đã từng biết đến trong tiếng Việt thế kỷ XV, như (tư司+ bố布), tái lập là *tbua1 [Gaston Nhẫn 1967: 131; Hoàng Thị Ngọ 1999: 73] với âm hiện đại là vua. Như vậy, âm *tbách có khả năng là âm Việt hóa vào thế kỷ XV. Kiểu tái lập: *tbɛk5.

(26) (thanh phù: lũ寠), xuất xứ: Thương Chu kiện *klũ (cũ) các chưa đôi, Sá *tlánh (lánh) thân nhàn khuở việc rồi. (Ngôn chí 2.1, 7.5, 13.3, 16.5, 18.3, 18.7), (Mạn thuật 32.2, 33.1, 35.1), (Thuật hứng 46.1, 46.3, 49.3, 50.2, 50.7, 51.1, 53.4, 63.4, 70.3), (Tự thán 72.3, 77.5, 94.7, 98.5, 102.3), (Tự thuật 117.2), (Bảo kính cảnh giới 135.4, 140.4, 141.5, 144.3, 144.7, 156.7, 158.2, 158.7, 169.7), (Tích cảnh thi 211.3), (Cúc 217.6). "An Nam dịch ngữ" ghi 舊年葛難[12] [ko nan] (số: 147), Vương Lộc đọc là "cũ" [1997: 128]. "Phật thuyết" dùng cụ 具để ghi ngữ tố này: mặc áo rách cũ che áng nạ < 弊衣破故父母(36b3). Các cứ liệu nêu trên (dùng thanh phù có thủy âm k- và l-) chứng tỏ đây là hai cách ghi khác nhau cho cùng một ngữ tố có thủy âm kép *kl-. Gaston Nhẫn, dù không nêu ra cứ liệu thứ hai, đã đưa ra kiểu tái lập là *klũ. Kiểu tái lập này là có thể chấp nhận được. Về từ nguyên, "cũ" là một từ gốc Hán, chuỗi đồng nguyên trong tiếng Hán là "cổ"古, "cố" 故. Axel Schuessler tái lập âm Hán thượng cổ là *kâ? [2007: 259], Vương Lực còn cho thêm điệp thức "cổ" 詁. Chúng tôi cho rằng còn có hai điệp thức nữa là "cửu"久 và "cựu" 舊. Đến đây có thể xác định *klu4 là âm Việt hóa vào thế kỷ XV, quá trình biến âm như sau: *kâ? > *klu4 > cũ. Thế kỷ XVII, AR ghi nhận "cũ" [1651, tb1994: 67]. Kiểu tái lập: *klu4.

(27) {礼+少} và {礼+<} (thanh phù: lễ礼), xuất xứ: *tlẻ (trẻ) hòa sang ấy phúc, Già được trọn là tiên (Thuật hứng 53.5), *tlẻ dầu chơi con tạo hóa, Già lọ phục thuốc trường sinh (Tự thán 78.5), Công danh day dịn già *klũ, Tạo hóa đong lừa *tlẻ chơi (Tự thán 104.6). AR: "tlẻ, còn tlẻ, tlẻ dại, tlẻ mỏ, tlẻ mọn, tlẻ tlũ" [1994: 232]. Gaston Nhẫn tái lập là *tlẻ [1967: 56]. "Trẻ" và "tlẻ" là các âm Việt hóa của một từ gốc Hán "trĩ" 稚. Axel Schuessler tái lập âm Hán thượng cổ là *dri? [2007: 621], hay *drjijs (Baxter). Phật thuyết có ba lần ngữ tố này xuất hiện, nhất loạt đều ghi bằng thanh phù lễ礼. Các chữ Nôm này đều chung thanh phù có thủy âm l-. Cho thấy mô hình chữ Nôm từ thế kỷ XVII về trước sẽ là l- (tl-). Quá trình Việt hóa sẽ là *dri> *tli> *tlẻ> trẻ. Kiểu tái lập: *tle3.

(28) (thanh phù: lộng弄), xuất xứ: *Ksóng khơi ngại vượt bể triều quan, Lui tới đòi thì miễn phận an (Bảo kính cảnh giới 160.1). Đây là từ gốc Hán: 浪"lãng" (có điệp thức là lan 瀾), âm Hán Thượng Cổ là *c-raŋ (Baxter). So sánh với đối ứng krong (Úy Lô), khong (Hạ Sữu), song (Lâm La, Làng Lỡ) trong tiếng Mường, và đối ứng mơn raung (Chàm), Gaston Nhẫn tái lập là *ksóng [1967: 42]. âm tái lập: *khlɔŋ5/*khrɔŋ5/*khsɔŋ5/*klɔŋ5/*krɔŋ5/ *ksɔŋ5> sóng/ lộng ( trong "sóng khơi" = "lộng khơi").

(29) (朱+thanh phù: lôn, luân侖), xuất xứ: Môi *kron (son) bén phấn day day, Đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay (Mạt lị hoa 242.1). So sánh với a-kron trong Austroasien Amok; bhong, bhaung trong tiếng Chàm với 紅hồng (thanh phù: công) trong tiếng Hán, Gaston Nhẫn tái lập là *kron [1967: 150]. Vương Lực cho rằng hồng 紅[13] Axel Schuessler cho hồng có âm thượng cổ là *gloŋ [2007: 178]. Với thanh phù lôn ở đây, ta có thể nhận định ngữ tố đang xét ở thế kỷ XV có thể là thủy âm kép có -l-, hoặc -r-. Nếu vậy, *krɔn1 có khả năng là một từ gốc Hán của tiếng Việt cổ, rồi sau đó mới cho son một âm Việt hóa từ thế kỷ XVII về sau. Âm tái lập: *klɔn1/ *krɔn1/ *ksɔn1> son (đỏ, chu sa).

(30) (虫+thanh phù: lâu, lũ娄), xuất xứ: Chẳng ngừa nhỏ âu nên lớn, Nẻo có *ksâu thì bỏ canh (Bảo kính cảnh giới 136.6). Gaston Nhẫn không tái lập mà chỉ phiên là "sâu" [1967: 152]. Sâu là một từ gốc Hán, chữ Hán là穐����龝�� (sau viết là秋), âm Hán Việt là "thu". Đây vốn là chữ tượng hình trong giáp cốt văn, vẽ hình con trùng đang leo lên thân cây. Đường Lan trong "Cổ văn tự học đạo luận" đã ghi nhận đến 20 biến thể họa hình của chữ này[14]. Cao Hồng Tấn cho đó là con dế[15]. An Chi (2006: 190-194) cho đó là loài cào cào châu chấu, ông cho rằng vấn đề quan trọng nhất là ở chỗ các tự hình đó khiến người ta liên tưởng đến chữ "sâu" trong tiếng Việt. Ông còn cho rằng "sâu" là âm gốc Hán rất xưa của "thu"秋- mùa của sâu bọ. “Mùa sâu” là mùa côn trùng kêu rả rích, cây cối tàn tạ, nên còn gọi là "mùa sầu". Tuy nhiên, trong tiếng Hán, chữ 秋không còn bảo lưu nghĩa “mùa sâu” nữa ("mùa sâu" chỉ còn bảo lưu trong tự hình giáp cốt văn như trên vừa nêu), mà chỉ có nghĩa phái sinh “sầu” (秋 "thu": sầu, và 愁 "sầu": sầu). Richard Sears cho rằng thời xưa, vào mùa thu người ta thường đốt rạ trên đồng ruộng để giết trứng và sâu bọ gây hại mùa màng[16], cho nên chữ �� mới có bộ "hòa"禾 (lúa), bộ hỏa (lửa灬) và hình con sâu. Hai âm "sâu" và "thu" có thể là cách ghi khác nhau của phức phụ âm trong tiếng Hán. Quả như vậy. Axel Schuessler tái lập là *tshiu [2007: 434], ông cho đây là từ đồng nguyên với "tao" 騷 (buồn), và dẫn đối ứng s’raw2 trong tiếng Tai mà Ferlus đã đưa ra[17]. Đến đây có thể nhận định rằng, "sâu"- "sầu"- "rầu" và "thu" là các từ đồng nguyên, và đều để lại các lưu tích trong các tiếng Việt, Thái và Hán Thượng cổ. Với các cứ liệu trên giáp cốt văn, ta có thể nghiêng về khả năng "sâu", "sầu", "rầu" là các từ gốc Hán giống như"thu". "Sâu" là từ gia nhập vào trước đời Đường. Trở lại với chữ Nôm đang xét, chữ này có thanh phù "lâu" xuất hiện trong một dòng thơ sáu chữ, nên có khả năng đây là cách ghi cho một thủy âm kép có -r-. Như vậy, *krâu có khả năng là một âm Việt hóa vào thế kỷ XV. Kiểu tái lập: *krau1/ *ksau1/ > sâu (con sâu).

2. Bảng thống kê

Trên đây, bài viết đã tiến hành tái lập ngữ âm cho 30 ngữ tố gốc Hán trong QATT có cấu trúc ngữ âm CCVC. Có thể tóm lược qua bảng sau. Cột H trỏ các chữ Hán cho ngữ tố đã tái lập. Cột HTC trỏ âm Hán Thượng Cổ theo kiểu tái lập của các nhà ngữ âm học lịch sử, chủ yếu là tiếp thu từ W. Baxter. Cột AHV trỏ âm Hán Việt theo vận thư từ điển Trung Hoa. A: kiểu tái lập cho ngữ âm thế kỷ XV trong QATT, B: kiểu phiên âm sang chữ quốc ngữ của A. C: các kiểu phiên âm ở thế kỷ XVII qua Từ điển Việt Bồ La. D: âm đọc trong tiếng Việt hiện đại, trường hợp là từ cổ hiện không còn dùng, thì sẽ chua nghĩa hoặc từ đồng nghĩa trong tiếng Việt hiện đại. Ts: tấn số xuất hiện của ngữ tố trong QATT. Đồng nguyên tự: những từ đồng nguyên với ngữ tố đang xét (có thể đồng nghĩa, hoặc gần nghĩa, hoặc xa nghĩa) trong lịch sử, trường hợp không có đồng nguyên tự thì ký hiệu là X, trường hợp chưa chắc chắc thì đánh dấu hỏi (?).







3. Các phương thức Việt hóa của các từ gốc Hán trong tiếng Việt thế kỷ XV

Việt hóa các từ gốc Hán trên thực tế sẽ được tiến hành ở nhiều phương diện khác nhau, từ thủy âm đến chung âm, thảng hoặc có khi chỉ giới hạn ở chung âm và thanh điệu. Tuy nhiên, trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến sự Việt hóa ở các thủy âm mà thôi. Các vấn đề còn lại xin được thảo luận trong một dịp khác.

(1) Thêm tiền tố

Với trường hợp *plỗi (trỗi), *tlộm (trộm), *khlạch (sạch),... quá trình Việt hóa được thể hiện bằng cách thêm tiền tố (p-, t-, k-, kh-...) vào trước một âm Hán Việt đời Đường có cấu trúc CVC. Cấu trúc của âm Việt hóa là { P + CVC}. Đối với những âm này, chúng tôi đề xuất nên gọi là âm Hán Việt Việt hóa ở thế kỷ XV[18].

Với trường hợp *kmưa, *kmắng quá trình Việt hóa được thể hiện bằng cách thêm một yếu tố [k-] vào trước một âm Tiền Hán Việt. Cấu trúc là {P + CVC}, trong đó CVC là âm Tiền Hán Việt. Như vậy, các âm *kmưa, *kmắng là các âm Tiền Hán Việt Việt hóa ở thế kỷ XV. Đây là một khái niệm lần đầu tiên được đặt ra. Trước đây từ Tiền Hán Việt (còn gọi từ Hán Việt cổ [Nguyễn Văn Thạc 1968, Vương Lộc 1985]; từ Hán cổ [Nguyễn Văn Tu 1976; Chương Chính 1989; Thế Long 1984; Nguyễn Thiện Giáp 1985]; từ mượn Hán [Phan Văn Các 1981]; và Cổ Hán Việt tự [Vương Lực]) nằm trong thế đối lập với từ Hán Việt Việt Hóa. Nguyễn Quang Hồng, Nguyễn Ngọc San điều chỉnh khái niệm bằng cách gọi là từ Hậu Hán Việt. Đây là sự điều chỉnh hữu lý. Còn Việt hóa như thế nào thì chúng ta phải xét trên ba bình diện thời gian:

(i) Đối với từ gốc Hán có âm đọc du nhập từ trước đời Đường, nhưng sau đó nó được Việt hóa theo bộ vị cấu âm của người Việt thì được gọi là từ Tiền Hán Việt Việt hóa.

(ii) Đối với từ gốc Hán có âm đọc du nhập từ đời Đường, nhưng sau đó nó cũng được Việt hóa thì gọi là từ Hán Việt Việt hóa.

(iii) Đối với từ gốc Hán có âm đọc du nhập sau đời Đường (âm Hán Việt đời Tống, Minh), nhưng sau đó đã được Việt hóa thì gọi là từ Hậu Hán Việt Việt hóa.

Việc bóc tách và phân tầng lịch sử cho các âm đọc gốc Hán và quá trình Việt hóa các âm đọc đó trước nay là một vấn đề còn bỏ ngỏ ở khía cạnh lịch đại. Với nghiên cứu này chúng tôi mới tìm được một số ví dụ cho từ Tiền Hán Việt Việt hóa và từ Hán Việt Việt hóa ở thế kỷ XV. Còn từ Hậu Hán Việt Việt hóa mới chỉ tạm đặt ra trên phương diện lý thuyết, cần phải tiếp tục khảo sát trong thời gian tới.

(2) Thêm giới âm (yếu tố lỏng)

Ví dụ điển hình cho khuynh hướng Việt hóa này là trường hợp của *klũ (cũ) và *thlui (trui, thui, lùi, tôi, tui). Chữ cổ và thối theo âm Hán Việt đời Đường là một từ đơn tiết có cấu trúc CVC. Trong tiếng Việt cổ thế kỷ XV, các từ đơn tiết gốc Hán này đã được Việt hóa bằng cách thêm giới âm (-l-) vào giữa thủy âm và khuôn vần để tạo nên một từ có cấu trúc âm tiết là CCVC. Mô hình hóa như sau: CV(C) > CCV(C).

(3) Việt hóa thủy âm kép trong tiếng Hán

Giới nghiên cứu hiện nay đều thống nhất rằng, tiếng Hán cổ đã từng có thủy âm kép. Sự tiếp xúc lâu dài với tiếng Hán trong vòng 2000 năm khiến cho tiếng Việt (và các tiền thân của nó) còn bảo lưu một số dạng vay mượn từ thời sơ thủy. Đến nay, ta biết rằng *gren là âm cổ của chữ 蓮 (âm Hán Việt đời Đường là liên) [19]. Qua tái lập mà chúng tôi đã đề xuất cho ngữ tố này trong tiếng Việt thế kỷ XV, có thể thấy âm *gren đã được du nhập từ rất sớm (quãng trước Hán), và nó đã được Việt hóa ít nhất hai lần trong lịch sử tiếng Việt. Thủy âm kép *gr- có khả năng đã được Việt hóa thành *kr-. Rồi từ *kr- lại được Việt hóa một lần nữa thành s-.

Tiểu kết: Qua việc khảo sát 30 ngữ tố gốc Hán (xuất hiện với tần số 241 lần) trong QATT, chúng tôi đã tái lập được các thủy âm kép trong tiếng Việt cổ thế kỷ XV, gồm: *pl-, *tl-, *kl-, *thl-, *khl-, *kr-, *kl-, *ks-, *thr-, *km-, *tb-, *kl-. Kết quả này có thể đưa đến những nhận định bước đầu như sau.

Việc Việt hóa âm đọc các từ gốc Hán trong tiếng Việt cổ (qua cứ liệu ở thế kỷ XV) đã dẫn đến sự thay đổi diện mạo hình thái học của các từ này (CVC > CCVC)[20].

Một số từ gốc Hán gia nhập từ đời Đường trở về trước đã đi vào tiếng Việt và biến đổi theo quy luật ngữ âm của tiếng Việt. Ở thế kỷ XV, một số từ Tiền Hán Việt Việt hóa đã tồn tại trong ngôn ngữ thơ Nguyễn Trãi. Một số từ gốc Hán có cấu trúc CVC đã được Việt hóa để trở thành CCVC. Mặt khác cũng có yếu tố gia nhập từ thời Hán về trước vốn đã có cấu trúc CCVC, khi gia nhập vào tiếng Việt vào thời sơ thủy vẫn còn bảo lưu cấu trúc này, nhưng đến thế kỷ XV có thể đã được Việt hóa ít nhiều.

Các từ gốc Hán gia nhập từ đời Đường (vốn có cấu trúc CVC đơn tiết triệt để), đã được Việt hóa thành CCVC với hai phương thức là thêm tiền tố và thêm giới âm.

Bài viết đề xuất việc phân tầng quá trình Việt hóa các yếu tố gốc Hán. Ba khái niệm (Tiền Hán Việt Việt hóa, Hán Việt Việt hóa và Hậu Hán Việt Việt hóa) đã được đặt ra trên cơ sở thực tế của các cứ liệu ngôn ngữ văn tự. Tuy nhiên, đây chỉ là thao tác bước đầu để việc nghiên cứu có thể tiếp tục trong thời gian sắp tới.

Từ Liêm, ngày 4/3/2012

TÀI LIỆU THAM KHẢO



1. Đào Duy Anh (phiên chú). (1976). Quốc âm thi tập. trong “Nguyễn Trãi toàn tập”. Nxb KHXH. H.

2. Pierre Pegneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), (1999), Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1772 (Tự vị An nam La tinh), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb.Trẻ.

3. William Hubbard Baxter. 1992. A handbook of Old Chinese Phonology. Mouton de Gruyter. Berlin- NewYork.

4. Nguyễn Tài Cẩn. (1997). Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Giáo dục. Hà Nội.

5. Nguyễn Tài Cẩn. (1989, tb2001). Về chữ Nôm thời Quốc âm thi tập. Trong “Một số chứng tích về ngôn ngữ - văn tự -văn hóa”. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. Hà Nội.

6. Nguyễn Tài Cẩn. (1979), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội; tái bản: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.

7. An Chi. (2006). Chuyện Đông chuyện Tây. Nxb Trẻ. Tp.HCM.

8. Huình Tịnh Paulus Của, (1895-1896), “大 南 國 音 字 彙” Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4.; Nxb.Trẻ.1998 (theo ấn bản 1895-1896).

9. Hoàng Dũng. 1995. Đóng góp của cứ liệu chữ Nôm trong việc xác định sự biến đổi của các tổ hợp phụ âm KL, PL\BL, TL và ML.. Số 4 (25). Tr.11-15.

10. Trần Trọng Dương. (2008). Tình hình cấu trúc chữ Nôm qua ‘Khóa hư lục giải nghĩa” và “Khóa hư lục giải âm”. Tạp chí Hán Nôm số 02/2008. tr. 43-57.

11. Trần Trọng Dương (2011). Phật thuyết có phải là bản dịch phẩm Nôm của thế kỷ XII? Tc Ngôn ngữ. Số 04/2011.tr.31-47.

12. Trần Trọng Dương (2012a). Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển (bản thảo sắp in). Alphabook . 550 tr.

13. Trần Trọng Dương (2012b). Giải mã những câu thơ sáu chữ trong Quốc âm thi tập từ ngả đường ngữ âm học lịch sử. Tc. Hợp Lưu. Số 1/2012.

14. Trần Trọng Dương (2012c). Thủy âm kép tiếng Việt thế kỷ XIV-XV qua chữ Nôm cổ trong “Quốc âm thi tập”. Tc Ngôn ngữ, (sắp in).

15. Trần Trọng Dương (2012d). Thủy âm kép tiếng Việt thế kỷ XIV-XV qua chữ Nôm hậu kỳ trong “Quốc âm thi tập”. (bản thảo hoàn chỉnh)

16. J.F.M. Génibrel, (1898), Dictionnaire Annamite- Français (大越國音漢字法 釋集成 ), SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định.

17. Bernhard Karlgren. (1923). Analytic Dictionary of Chinese- Japanese. Paris. Librairie Orientalise Paul Geuthner. 18 RUE JACOP 60.

18. Bernhard Karlgren. (1915, repr 1926). Etudes sur la Phonologie Chinoise. Archives D’etudes Orientales Publiées par J.A. Lundell. Vol.15. Leyde, E.-J. Brill. Stockholm, P.A. Norstedt and Soner Gotembourg, Elanders Boktryckeri A.B 1915-1926.

19. Michel Ferlus, 2001, The origin of Tones in Viet-Muong, Southeast Asian Linguistic Society XIth Conference, Bangkok, Thailand, May 16-18 2001.

20. Nguyễn Quang Hồng. (2008). Khái luận văn tự học chữ Nôm. Nxb Giáo Dục. Hà Nội.

21. Nguyễn Quang Hồng (2002). Âm tiết và loại hình ngôn ngữ. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

22. Mai Quốc Liên vcs (phiên chú). 2001. Quốc âm thi tập. Trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (T3). Nxb Văn học – TTNC Quốc học. H.

23. Jimes A. Matisoff. (1973): Tonogenesis in Southeast Asia, in: Hyman, Larry M. (ed.) Consonant Types and Tones. Southern California Occasional Papers in Linguistics 1, 71- 96.

24. Vương Lộc, (2001), An Nam dịch ngữ, Trung tâm Từ điển học & Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.

25. Vương Lực王力. (1982). 同源字典 (Đồng nguyên tự điển)。商務印書館 (Thương Vụ ấn thư quán)。

26. Quách Tích Lương郭锡良(1986). 漢字古音手冊。北京大學出本社。

27. Shimizu Masaaki (2002). Khảo sát sơ lược về cấu trúc âm tiết tiếng Việt vào thế kỷ XIV-XV qua hai cứ liệu chữ Nôm. Trong “Các nhà Việt Nam học nước ngoài viết về Việt Nam” (Tập 2). Nxb Thế giới. Hà Nội.

28. Shimizu Masaaki (2010). A Phonological Reconstruction of 15th Century Vietnamese Using Chữ Nôm 字喃Materials. 2010 International Conference and Taiwanese Studies, National Cheng Kung University, Taiwan.

29. Henri Maspéro (1912). Etudes sur la phonétique historique de la langue Annamite.

30. Bùi Văn Nguyên (1651, tb1994). Thơ quốc âm Nguyễn Trãi. Nxb Giáo dục. Hà Nội.

31. Gaston Nhẫn (1967) Etude du consonantisme du Quốc âm thi tập (Nghiên cứu hệ thống phụ âm đầu của Quốc âm thi tập, Luận án Tiến sĩ đệ tam cấp), INACO. Pháp. 243 p.

32. Vũ Đức Nghiệu. (2005). Đơn tiết, đơn tiết hoá và đa tiết, đa tiết hoá trong quá trình phát triển của tiếng Việt (Monosyllabism, monosyllablization and polysyllabism, polysyllablization during Vietnamese developing process). Kỉ yếu hội thảo quốc tế về ngôn ngữ và ngôn ngữ học liên Á. Hà Nội, 11-2005, tr. 202 – 213.

33. Vũ Đức Nghiệu. (2011). Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt. Nxb Giáo dục Việt Nam. Hà Nội.

34. Hoàng Thị Ngọ, (1999), Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm ‘Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh’, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

35. Hoàng Thị Ngọ. (2002). Dấu tích của các thủy âm kép đầu KB, KM, KN, KĐ qua cách ghi chữ Nôm cổ. Trong Mạch đạo dòng đời. Nxb Khoa học Xã hội. H. tr.198-208.

36. Nguyễn Tá Nhí chủ biên (2008). Tổng tập văn học Nôm Việt Nam. Tập 1. Nxb KHXH. Hà Nội.

37. E.G. Pwlleyblank (蒲立本). 1999. 上古漢語的輔音系統 (The Consonantal System of Old Chinese). 潘悟云,徐文堪 譯 (據 Asia Major 9/1962譯出). 中華書局.

38. A. de. Rhodes (1651). Dictionarivm Annnamiticivm Lvsitanvm et Latinvm ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in Lucem Editum ab Alexandro de Rhodes e Societati Jesu, Eiusdemque Sacra Congregationis Missionario Apostolico. - Romae : typis & sumptibus eiusdem Sacr. Congreg. p. 633., 1651, tb1994. Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch, Nxb. Khoa học Xã hội.

39. Nguyễn Ngọc San, (1982), Góp vài ý kiến về âm đầu tiếng Việt cổ qua cứ liệu Phật thuyết, T/c Ngôn ngữ, số 3.1982.

40. Nguyễn Ngọc San, (2003), Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

41. Paul Schneider (1987), Nguyen Trai et son Receuil de Poemesen en Langue Nationale. Centre National de la Rechercher Scientifique. Paris.

42. Axel Schuessler. (2007). ABC Etymologycal Dictionary of Old Chinese. University of Hawai‘i Press. Honolulu.

43. Axel Schuessler. (1988). A Dictionary of Early Zhou Chinese. University of Hawai‘i Press. Honolulu.

44. Huệ Thiên. (2004). Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm. Nxb Trẻ. Tp. HCM.

45. Trần Hữu Thung & Thái Kim Đỉnh, (1997), Từ điển tiếng Nghệ, Nxb Nghệ An, Nghệ An.

46. Trần Thái Tông. (2009). Thiền tông khóa hư ngữ lục. Tuệ Tĩnh giải nghĩa, Trần Trọng Dương khảo cứu, dịch và phiên chú. Nxb Văn học & TT Nghiên cứu Quốc Học. H.

47. Võ Xuân Trang. 1997. Phương ngữ Bình Trị Thiên. Nxb KHXH. H.

48. Nguyễn Đại Cồ Việt. 2011. Về sự đối ứng -UNG: -UÔNG trong âm Hán Việt và âm Hán Nôm hóa. Tc Ngôn ngữ. số 04/2011.tr.10-18.



--------------------------------------------------------------------------------

[1] Tất cả các tái lập khác trong QATT được dẫn trong bài này xin xem thêm Trần Trọng Dương 2012b, 2012 c và 2012d. Trong hai bài này chúng tôi đã tiến hành tái lập được mười lăm thủy âm kép trong tiếng Việt thế kỷ XV, gồm: (1)*kl- (*ks-, *kr-), *kl- (>*bl-), *kl- (>*ml-), (2) *khl- (*khr-, *khs-), (3)*tp- (*tb-), (4)*c’r-, (5)*ml-, (6)*km-, (7) *pl- (>*tl-, *bl-), (8) *?j-, (9) *kj-, (10) *kŋ-, (11) *ks- (>*kt-), (12) (*kt>-)*kɗ-, (13) *kd-, (14) *kh- và (15) *kn-. Kết quả trên cho thấy một diện mạo phong phú của các thủy âm kép vào thế kỷ XV (so với ba thủy âm kép bl-, ml-, tl- trong tiếng Việt thế kỷ XVII).

[2] Xin chú ý, trong mục này chúng tôi chỉ gọi là “âm Việt hóa”. Chúng tôi cố gắng tránh không dùng đến khái niệm ”Hán Việt Việt hóa” của một số nhà nghiên cứu trước đây, vì những điều tế nhị riêng của đối tượng đang khảo sát. Đó là “Việt hóa” của thứ âm Hán nào thì chúng tôi xin được trình bày ở mục 3 của bài viết này.

[3] Mối quan hệ giữa l- và n- còn có thể thấy qua các cặp sau: loan巒- non, loại/ loài類- nòi, lược略- nước,…

[4] Mặt khác, sự đối chuyển giữa chung âm -m và -n, còn cho ba âm Việt hóa nữa là giàn, tràn và lan (có từ kép tràn lan). Mà tiền thân của tràn trong tiếng Việt tiền cổ có thể là *plan2. E.G. Pwlleyblank cho rằng tiếng Hán Thượng cổ từ này có khả năng là một phức phụ âm (thủy âm kép), lưu tích này còn thấy qua các cách đọc khác nhau của thanh phù, như: 濫 (lam) và 監 (kam), 蓼(luk)-膠(kau),隆 (liuŋ)-降(kauŋ\), 洛(lak)-格(kak), 闌(lan)-柬(kaən/)[1962, tb1999: 67]. Cứ như gợi ý trên, thì tiếng Hán Thượng cổ có thể có thủy âm kép là *kl-, và ngữ tố đang xét có khả năng đọc là *klam. Axel Schuessler (2007: 344) có ý kiến tương tự và tái lập là *grâms. William H. Baxter (1992: 201) tái lập là *gram. Cứ liệu từ Phật thuyết ghi (ba巴 + lạm <监<監<濫) tại vị trí thương lo nước mắt *plan2 bâu áo < 愁思淚滿襟(12b7). [5] Phân biệt với một từ đồng âm là lộn trong trứng lộn. Từ tố này cũng là từ gốc Hán, có âm Hán Việt đời Đường là loản [【唐韻】盧管切【集韻】【韻會】【正韻】魯管切,��鸞上聲], có âm Việt hóa thông dụng là noãn (卵), âm Bắc Kinh là luǎn. [6] Xem Điêu Chính Nhìm và Jean Donaldson, Ngữ vựng Thái-Việt-Anh, Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1970. [Chuyển dẫn theo Hoàng Dũng 1995: 11.] [7] Sự đối ứng đều đặn tr- và đ- như sau: đục- trọc, đìa- trì, đỗ- trú,... Nhưng đây là những hiện tượng khác về quá trình. [8] Nguyên bản QATT thường viết 栗nhầm là 票 (đây là lỗi viết nhầm có hệ thống trong văn bản này, như thiết, sắt, lặt). [9] Thanh phù 碎 có âm Hán Việt là toái, nhưng với tư cách là chữ Nôm thì được đọc là tôi (đại từ). [10] Thời Lê Hoàn (thế kỷ X), còn thấy Đại Việt sử ký toàn thư hay chép đến bộ lạc Cử Long ở phía Tây Ái châu (Thanh Hóa) vẫn chưa chịu khuất phục nhà Tiền Lê, “Cử Long” cũng có thể là một cách ghi thủy âm kép. [11] Nguyên văn bản Phúc Khê không ghi mắng (莽) mà dùng chữ tiếng ( ), tại vị trí 222.1, nguyên văn cả câu: danh quân tử tiếng nhiều ngày. Chúng tôi cho rằng tiếng viết nhầm từ chữ mắng. Vì các lý do như sau. Thứ nhất, đây là bài thuộc thủ vĩ liên hoàn cách, câu đầu của bài sau nhắc lại câu cuối của bài trước. Câu trước là quân tử ai chẳng kmắng danh, thì câu sau nhắc lại nguyên ý là danh quân tử mắng đã nhiều ngày. Ví như bài Mai thi có những câu liên hoàn sau: há những tiên Bô kết bạn chơi >Tiên Bô kết đã bấy thu chầy; Bóng thưa ánh nước động người vay > Bóng thưa ánh nước động người vay. Bài Đào hoa thi có những câu liên hoàn sau: kín tận mùi hương dễ động người > Động người hoa khéo tỏ tinh thần, Bù trì đã có khí hồng quân> Khí hồng quân ai xá tài qua; đâu đâu cũng một khí dương hòa> Khí dương hòa há có tây ai; Gặp xuân mựa để má đào phai > Má đào phai hết bởi xuân qua; Chớ cho Phương Sóc đến lân la> Phương Sóc lân la đã hở cơ. Thứ hai, về cấu trúc câu, nếu đọc là tiếng thì câu thơ không có động từ vị ngữ, bởi tiếng chỉ là danh từ. Thứ ba về nghĩa, đã có danh từ “danh” lại thêm từ “tiếng” là lặp ý, lặp từ. Nay, xin cải chính.

[12] Chữ 葛có âm Hán Việt là cát. Các nhà soạn từ điển đã dùng âm Hán trung đại, như Vương Lộc đã tái lập.

[13] có các đồng nguyên tự là 紺cám và 絳 giáng, âm tái lập là: *koəm, *kəm. [王力. 1982. 同源字典。商務印書館。北京。604-605頁。].

[14] Đường Lan. Cổ văn tự học đạo luận. Lạc Thiên xuất bản xã, Đài Bắc. 1970, tr. 40b; chuyển dẫn theo An Chi 2006: 191].

[15] Cao Thụ Phiên. Hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển. [chuyển dẫn theo An Chi 2006: 1912]

[16] http://www.chineseetymology.org

[17] M. Ferlus. MKS . 1978: 16; chuyển dẫn theo Axel Schuessler 2007: 451.

[18] Về mặt lý thuyết và thực tế qua cứ liệu khai thác trong các ván in kinh Đạo giáo của thế kỷ XIV-XV, Gs Nguyễn Tài Cẩn đã khẳng định là trong lịch sử đã từng có những đợt tiếp xúc Hán Việt ở giai đoạn sau đời Đường [Nguyễn Tài Cẩn 1979]. Cho nên, chúng tôi cho rằng, khái niệm Hậu Hán Việt mà GS Nguyễn Quang Hồng đề xuất, nên chăng chỉ áp dụng cho đối tượng này. Còn việc Việt hóa các từ gốc Hán ở giai đoạn nào thì đó là một tiêu chí cần phải tiếp tục nghiên cứu. Cũng xin lưu ý ở đây, khái niệm từ/ âm Hán Việt trước nay vẫn dùng, chỉ nên giới hạn trong cách đọc chữ Hán của đời Đường, được ghi nhận qua các vận thư Trung Hoa như Đường vận chẳng hạn. Nó được gọi là Hán Việt bởi lý do thuần nhất “nó được dùng ở Việt Nam và có khả năng còn tồn tại trong tiếng Việt hiện nay”. Ví dụ như: san, hoài, thì, … là âm Hán Việt đời Đường, còn các âm sơn, hòe, thời là các âm Hán Việt Việt hóa. Vấn đề này xin xem thêm Trần Trọng Dương. 2012. Từ nguyên của từ RÁI CÁ và một số từ gốc Hán không đọc theovận thư Trung Hoa.

[19] Từ gợi ý của Gs Nguyễn Tài Cẩn về đôi trường hợp tương tự là lực/ sức và lạp/ sáp, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát. Kết quả như sau. Trước hết lực 力còn làm thanh phù cho một từ có âm Hán Việt là sức 飭. 力 từng được W. Baxter tái lập thủy âm kép C-rjɨk [Baxter 1992: 773]. Hai cứ liệu trên cho thấy, quá trình Cr- > S-, có khả năng là quá trình đơn tiết hóa trong tiếng Hán. Về chữ lạp/ sáp, 蠟từng được Maspero tái lập thủy âm kép là kr- [Maspero 1912: 80], Axel Schuessler còn đề xuất thêm một số đối ứng như rap trong tiếng Maru, k’ə-rap trong tiếng Nung và khrip trong Written Burmese [Axel Schuessler 2007: 342]. Các tác giả này đều nhắc đến đối ứng sáp trong tiếng Việt hiện nay. Điều này chứng tỏ, sáp là một âm Tiền Hán Việt vốn xuất phát từ một thủy âm kép của tiếng Hán Thượng cổ. Thế kỷ XII, qua cứ liệu trong Phật thuyết, chúng tôi tìm thấy sức xuất hiện hai lần đều dùng để trực dịch chữ lực, và đều được ghi nhất quán bằng chữ 力. Đến đây có thể nhận định rằng, thì lực/ sức, lạp/ sáp là khác so với liên/ sen về quá trình biến đổi. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giả thuyết, cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm.

[20] Xin lưu ý, các cứ liệu ở đây chỉ coi như là một điểm mốc đánh dấu của quá trình Việt hóa chứ không có nghĩa rằng thế kỷ XV là thời điểm bắt đầu của quá trình này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét