Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Nguyễn Kim Thản - Chân dung một người khai phá (Phạm Văn Tình - Ngôn Ngữ)


Nguyễn Kim Thản - Chân dung một người khai phá

• Phạm Văn Tình
PGS. Nguyễn Kim Thản kể với tôi, lúc đầu cuộc đời ông không hề có duyên nợ gì với Ngôn ngữ hay Văn chương cả. Ông vốn là một cán bộ làm công tác Đảng, làm tới chức Bí thư huyện uỷ huyện Kim Thành – Hải Dương, rồi Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Hải Dương... Nhớ lại chuyện đó ông hay nói đùa: "Nếu mình cứ tiếp tục con đường này dễ có khi bây giờ mình vào Trung ương rồi cũng nên. Lúc đó các cậu muốn gặp tớ cũng khó đấy!".
[ PGS. Nguyễn Kim Thản ]
Kể cũng lạ cho bước đường công danh sự nghiệp của ông. Có ai ngờ từ một cán bộ hành chính công chức, ông lại trở thành một trong những nhà ngôn ngữ học đầu ngành. Chính nhờ có sự phân công của Đảng, ông được cử đi học Ngữ văn và sau đó làm chuyên gia Việt Nam giảng dạy tại các trường đại học ở Bắc Kinh – Trung Quốc (1950 – 1957). Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1956, sau một năm (1957), Nguyễn Kim Thản về Khoa Văn, làm cán bộ giảng dạy. Lúc đó, ông đã 30 tuổi. Bấy giờ, tuổi ấy mà mới bước vào giảng đường đại học là hơi muộn, nhưng với Nguyễn Kim Thản (và nhiều nhà khoa học khác) lại là quá sớm. Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó do GS. Hoàng Xuân Nhị làm Chủ nhiệm chưa có chuyên ngành Ngôn ngữ học. Người ta chỉ biết đến cái tên Tổng hợp Văn như một ngành duy nhất dành riêng cho Văn học (sau đó có mở thêm lớp Hán – Nôm). Ngôn ngữ học là một cái gì đó còn rất xa vời. Nguyễn Kim Thản được cử làm Tổ trưởng Bộ môn Ngôn ngữ mà giáo viên "dưới quyền" cũng chỉ có mấy thầy. Nguyễn Kim Thản dạy Ngữ pháp, Nguyễn Văn Tu dạy Từ vựng, Lưu Vân Lăng dạy Dẫn luận ngôn ngữ học, Cao Xuân Hạo dạy Ngữ âm...
Sinh viên có xu hướng theo nghiệp thầy cũng có vẻn vẹn chục người. Trong số đó, sau này có người ra trường về quê dạy cấp III (Nguyễn Chúc), có người sang làm văn hoá - nghệ thuật (GS. Lê Anh Trà, Viện Văn hoá Nghệ thuật, đã mất), có người đi đâu không rõ (Kiều Hữu Thể)... duy hiện tại còn 3 trò "bám trụ" đến cùng và đã trở thành các nhà ngôn ngữ học hàng đầu ở các lĩnh vực: GS.TS Hoàng Trọng Phiến (Ngữ pháp học), GS.TS Đoàn Thiện Thuật (Ngữ âm học), PGS. Đào Thản (Từ vựng học). GS. Hoàng Trọng Phiến hồi tưởng lại những ngày đáng nhớ tại giảng đường 19 Lê Thánh Tông (cơ sở của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc bấy giờ). Thầy và trò tuổi gần suýt soát nhau, hoàn cảnh nghèo khó như nhau. Thầy Nguyễn Kim Thản sáng sáng với chiếc xe đạp cà tàng, lọc cọc đạp tận từ phố Cao Bá Quát đến (cả gia đình ông 4 người phải ở thuê trong một căn phòng 16m2). Sinh viên học giáo trình viết tay là chủ yếu, còn nếu được đánh giấy nến in rônêô thành tập thì rất hiếm. Cuốn giáo trình in tipô đầu tiên ra đời năm 1960 do công rất lớn của vị Tổ trưởng Bộ môn Nguyễn Kim Thản. Đó là cuốn "Khái luận ngôn ngữ học" (viết chung cùng với Lưu Vân Lăng, Nguyễn Văn Tu). Cuốn sách mang đậm tư tưởng của các nhà ngôn ngữ học nước ngoài, như A.A. Reformatskij, V.V. Vinogradov... (Liên Xô); Lã Phúc Tương, Cao Danh Khải, Vương Lực, Lê Cẩm Hi... (Trung Quốc). Đó chính là giáo trình ngôn ngữ học đầu tiên mang dấu ấn của thầy trò tổ Ngôn ngữ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Hơn 4 năm giảng dạy ở Khoa Văn học (1957–1961) đã ghi lại dấu ấn đậm nét của thầy Nguyễn Kim Thản: nề nếp, tận tuỵ, ham học hiếm thấy và rất nghiêm túc trong khoa học. Thầy Thản luôn luôn hướng dẫn và yêu cầu học trò thể hiện thái độ học tập, khả năng tư duy khoa học bằng các buổi seminar liên tục, rất sôi nổi và thú vị. Sinh viên đã trau dồi và trưởng thành lên rất nhiều. Cái nôi của ngành Ngôn ngữ học bắt đầu manh nha và lớn lên từ đây. Tới năm 1963, thầy Nguyễn Tài Cẩn (vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ) từ Liên Xô về nước đã tiếp nhận cương vị tổ trưởng do thầy Thản để lại. Nhớ lại những năm tháng đó, thầy Cẩn đã đưa ra một nhận xét chí lí về người tiền nhiệm của mình: "Nguyễn Kim Thản là nhà ngôn ngữ rất đặc biệt. Ông là một trong số ít những người từ lĩnh vực chính trị chuyển sang làm khoa học mà lại rất thành công".
Trong thời kì chống Pháp, ngay từ khi còn học ở Trung Quốc, Nguyễn Kim Thản nóng lòng muốn về Việt Nam để góp sức mình cho cuộc kháng chiến, nhất là khi biết tin ngay tại chiến khu Việt Bắc, Ban Văn – Sử – Địa (tiền thân của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, rồi Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia sau này) đã được thành lập theo quyết định của Trung ương. "Nghe tin Ban Văn – Sử – Địa thành lập mình vui lắm, nhất là ban này do ông Trần Huy Liệu phụ trách. Chà! Ông này thì quả là một kho tri thức. Mà toàn là tự học thôi nhé. Có lần ông Trần Huy Liệu kể với mình, hồi ông bị tù ở Côn Đảo, ông đặt ra nhiệm vụ mỗi ngày học thuộc 120 từ trong "Từ điển Larousse" [cuốn từ điển nổi tiếng của Pháp - PVT]. Thế mà ông làm được mới tài... Quả là Lê Quý Đôn tái thế". Khi còn ở nước ngoài, ông đã nhiều lần gửi bài cho Tạp chí Văn – Sử – Địa và vì vậy, khi trở về nước, GS. Trần Huy Liệu thiết tha mời ông cộng tác. Thời kì ấy, cuộc sống khó khăn thiếu thốn đủ điều. Hoà bình lập lại chưa được bao lâu, đất nước còn bao điều phải lo. GS. Trần Huy Liệu thật thà tâm sự: "Tôi rất muốn anh về cộng tác. Nhưng nói thật, anh về đây thì phải tự lo liệu lấy chỗ ăn ở đấy. Chúng tôi chưa lo được đâu...".
Năm 1963, sau khi kết thúc thời gian giảng dạy tại Lêningrat (Liên Xô), ông được phân về Viện Văn học (do GS. Đặng Thai Mai làm Viện trưởng), làm ở Tổ Ngôn ngữ học, một bộ phận của Viện. Chính từ đây ông đã hoàn thiện và cho công bố công trình ngôn ngữ học đầu tiên và nổi tiếng nhất của ông: "Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt" (Nxb Khoa học, tập 1: 1963, 436 trang; tập 2: 1964, 292 trang, Nxb Giáo dục tái bản 1977, 638 trang). Đây quả là một công trình đồ sộ về dung lượng nhưng điều quan trọng là qua cuốn sách này, ông đã nghiên cứu và miêu tả một cách hệ thống nhất mọi vấn đề liên quan tới tiếng Việt, như: từ, từ loại, cú pháp... Điều kì lạ là đã hơn bốn chục năm trôi qua mà những tư tưởng học thuật của công trình vẫn còn rất nhiều điều bổ ích đối với giới ngôn ngữ học. Đành rằng nhiều quan điểm học thuật của ông chịu ảnh hưởng khá nhiều của ngữ pháp châu Âu, nhất là ngữ pháp tiếng Pháp, nhưng tính hệ thống cũng như cách thức miêu tả chặt chẽ của tác giả đã giúp ích cho những người nghiên cứu sau này về phương pháp luận nói chung. Các phương pháp tiếp cận cũng như các kết luận học thuật của cuốn sách vẫn giữ được một sức sống lâu bền. Với một hoàn cảnh khó khăn nhiều bề về cuộc sống vật chất, tư liệu khoa học, không khí nghiên cứu lúc bấy giờ... thì việc công bố một công trình như vậy quả là sự nỗ lực phi thường, đáng khâm phục.
Nhưng rồi chiến tranh phá hoại của Mĩ nổ ra ở miền Bắc. Ông cùng đồng nghiệp ở Uỷ ban Khoa học Xã hội khăn gói sơ tán lên vùng rừng núi Hiệp Hoà – Hà Bắc và cùng ăn cơm sắn, cùng lên nương trồng lúa, trồng khoai... với đồng bào. Dĩ nhiên là vẫn phải đảm đương công việc chuyên môn đang canh cánh bên lòng. Đó là việc biên soạn cho xong cuốn bộ "Từ điển tiếng Việt" và "Ngữ pháp tiếng Việt", hai công trình quan trọng làm nền móng cho việc dạy–học tiếng Việt ở nước Việt Nam thời kì mới – điều mà trước đây chưa hề được nghĩ tới chứ chưa nói tới chuyện làm một việc gì, dù nhỏ. Chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó trực tiếp chỉ thị cho giới ngôn ngữ học phải thực hiện ngay nhiệm vụ này. Khi nhớ lại, PGS. Nguyễn Kim Thản bồi hồi xúc động kể:"Quả là một nhiệm vụ đầy trọng trách. Nhưng nói thật với các bạn, lúc đó bọn mình lo lắm. Vừa lo cho cuộc sống, cho cuộc chiến đấu sống còn của dân tộc, vừa phải bắt tay vào làm nghiên cứu biên soạn với hai bàn tay trắng. Sách vở, bút mực còn thiếu thì nói sao làm tốt được. Rồi đào hầm chống bom, dựng lán, làm mọi việc cùng nhân dân... Có hôm máy bay Mĩ ném bom gần chỗ bọn mình, lán cháy đỏ rực... Đêm cũng không dám thắp đèn sợ lộ. Ấy thế mà mọi người vẫn tìm ra cách có ánh sáng để làm việc ban đêm". Ông cười và đọc cho chúng tôi nghe bài vè mà hồi đó anh em tổng kết về đặc điểm của các nhà ngôn ngữ theo các chuyên ngành khác nhau: "Hăng say ngữ pháp (làm ngữ pháp rất khó, phải mạnh dạn mới dám làm), ba láp tu từ (mấy vị tu từ học rất láu lỉnh, hay pha trò), lừ đừ dân tộc (anh em làm ngôn ngữ dân tộc rất kín đáo, ít lời), lộc cộc ngữ âm (tổ ngữ âm thường phải mang theo máy móc ghi âm lỉnh kỉnh), lâm râm từ điển (mấy anh làm từ điển hay ngồi một chỗ lẩm bẩm như cầu nguyện để tìm ra định nghĩa sao cho thích hợp)". Trong những tháng ngày gian khó ấy, ông đã cùng anh em hoàn tất các công trình ngôn ngữ, trong đó có bộ "Từ điển tiếng Việt" (Văn Tân chủ biên), "Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam" (Vũ Ngọc Phan),... vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
Trong cuộc đời hoạt động khoa học học của mình, PGS. Nguyễn Kim Thản là người duy nhất hai lần làm Tổng biên tập đầu tiên cho hai tạp chí cùng chuyên ngành: Ngôn ngữ và Ngôn ngữ & Đời sống. Cách đây 37 năm (1969), sau một thời gian chuẩn bị, Viện Ngôn ngữ học quyết định cho ra mắt tờ Tạp chí Ngôn ngữ, một diễn đàn chung cho ngành ngôn ngữ học Việt Nam còn non trẻ. Đây là nỗ lực to lớn của những nhà ngôn ngữ học đầu đàn, như Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Tuệ, Hoàng Phê, Nguyễn Tài Cẩn, Đỗ Hữu Châu, Đái Xuân Ninh, Cù Đình Tú, Tạ Phong Châu... Trên thực tế, ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã thực sự hình thành và có những bước tiến mạnh mẽ từ những năm 60 thế kỉ trước mà những người đi tiên phong là PGS. Nguyễn Kim Thản, GS. Nguyễn Tài Cẩn... Bằng tài năng, sức lực và tâm huyết của mình, ông đã có nhiều đóng góp đáng kể cho giới ngôn ngữ. Theo lời PGS. Nguyễn Kim Thản, Tạp chí Ngôn ngữ đang chuẩn bị ra số đầu tiên (9/1969) thì Bác Hồ mất. Thật là một cái tang lớn chung cho toàn dân tộc, nhưng với những người làm công tác ngôn ngữ thì còn là một nỗi niềm thương tiếc vô cùng lớn lao. Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vốn là những người rất quan tâm tới tiếng Việt và việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc. Vì vậy, anh em trong Viện muốn Bác chia sẻ niềm vui của mình khi tạp chí ra số đầu. Thế nhưng, báo chưa kịp ra thì Bác đã ra đi vĩnh viễn. Nhớ lại chuyện này, ông ngậm ngùi nói: "Thật đau buồn, số tạp chí đầu tiên lại là số đăng tin Bác Hồ mất và Di chúc của Bác. Đây là điều ân hận và nuối tiếc lớn nhất của chúng mình. Thật đau xót biết bao khi nguyện vọng tặng Bác số đầu của tạp chí không bao giờ thực hiện được...". Tạp chí Ngôn ngữ, số đầu tiên in rất dày dặn (108 trang, khổ 16x24cm) với hàng loạt bài của các nhà ngôn ngữ đầu ngành. Tổng biên tập Nguyễn Kim Thản đã có bài nghiên cứu công phu, đặt vấn đề về việc tập trung biên soạn một quyển ngữ pháp tiếng Việt phổ thông - một nhu cầu, một nhiệm vụ luôn canh cánh bên lòng của ông và của bao người. Nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho là đồng thời phải biên soạn các bộ sách ở các lĩnh vực xã hội chính yếu: lịch sử Việt Nam, địa lí Việt Nam, từ điển tiếng Việt, ngữ pháp tiếng Việt... Đó là những bộ sách làm nên quốc hồn, quốc tuý đối với một dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra những chân trời mới cho khoa học, nhưng cũng đòi hỏi tiếng Việt phải phát triển ngang tầm thời đại. Cuộc sống đòi hỏi các nhà ngôn ngữ bao điều vừa to lớn, vừa quan trọng, vừa cấp bách...
"Trước hết là phổ cập, trên cơ sở phổ cập mà nâng cao" – PGS. Nguyễn Kim Thản luôn nhắc đi nhắc lại lời căn dặn của Bác khi tập trung xây dựng tờ Tạp chí Ngôn ngữ. Ông lấy đây là nơi tập hợp các ý kiến, các trí tuệ, các thành tựu ngôn ngữ học nước nhà, từ đó mà tiếp tục thực thi các nhiệm vụ trọng tâm. Và thật không ngờ, tờ Ngôn ngữ trở thành một trong những tờ tạp chí chuyên ngành có uy tín khoa học cao trong lĩnh vực khoa học xã hội. Giờ đây, mọi người vẫn ngạc nhiên và khâm phục các bài viết của tạp chí đã ra đời từ hàng chục năm nay, của bao nhiêu thế hệ, trong những tháng ngày gian khổ. Năm 1999, Tạp chí đã kỉ niệm 30 năm ngày thành lập với công trình "Tổng mục lục 1969 - 1999" gồm hơn 1.300 bài viết của hàng trăm tác giả, hệ thống theo các hướng nghiên cứu khác nhau. Quả là một thành tựu to lớn, đáng tự hào mà trong đó, mọi người không thể nào quên công sức của PGS. Nguyễn Kim Thản – vị Tổng biên tập đầu tiên.
Điều thú vị là, đến năm 1992, PGS. Nguyễn Kim Thản lại trở thành vị tổng biên tập đầu tiên của một tờ tạp chí ngôn ngữ khác: Ngôn ngữ và Đời sống (trực thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam). Hội Ngôn ngữ đã thành lập từ năm 1990, nhưng vẫn chưa ra được một tờ tạp chí của riêng mình. Vì Hội là một tổ chức tự nguyện, điều kiện kinh phí rất khó khăn. Lúc đó, Hội rất cần một người có đủ uy tín và năng lực để đứng ra lo việc ra tạp chí. Xin phép ra thì dễ đấy, nhưng ra rồi thì lấy gì duy trì để nó tồn tại. Trụ sở, lực lượng biên tập, tiền in ấn, phát hành... Chưa có ai có kinh nghiệm về việc này cả. Sau bao ngày tháng tìm tòi, cân nhắc, cuối cùng Hội đành phải gõ cửa nhờ PGS. Nguyễn Kim Thản (lúc này đã nghỉ hưu mấy năm rồi) đứng ra "lãnh ấn tiên phong". Tưởng là có thể an trí tuổi già, ai dè "cái nghiệp" vẫn chưa "buông tha", PGS. Nguyễn Kim Thản lại cùng anh em lo dựng lại cơ nghiệp từ đầu, đúng là hoàn toàn bắt đầu từ con số không.
Tạp chí đầu tiên không có trụ sở. Ngay cả đến Hội Ngôn ngữ cũng không có nổi một căn phòng nhỏ để trực tạm chứ nói gì đến Tạp chí. Hội chỉ có một hòm thư liên lạc duy nhất là 53 Nguyễn Du – trụ sở của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam. Rồi sau Hội thuê tạm một phòng ở 25 Hàn Thuyên, nhưng trực tuần có hai buổi. Chúng tôi, những cán bộ "biên chế ngoài" (tức là ăn lương cơ quan khác làm việc cho Hội), được điều động làm cho Tạp chí tuỳ theo công việc. Họp hành cũng tuỳ hứng, rỗi thì họp, không thì lại quay về cơ quan chính để làm. PGS. Nguyễn Kim Thản thường nói đùa: "Các cậu là các biên tập ‘chui’! Chỉ có tớ là Tổng biên tập chính danh thôi đấy!". Làm việc thì chủ yếu ở nhà riêng. Hôm thì ở nhà này, mai nhà khác. May mắn nhờ ai đó có cơ quan rộng cho mượn tạm một buổi thì quá "hên". Có chỗ ngồi, có nước nôi, có khi có cả rượu uống... đàng hoàng. Điện thoại tha hồ gọi. Tuy nhiên, nơi làm việc thường xuyên nhất vẫn là nhà Tổng biên tập, vì ở đó tiện nhất. Hơn nữa, PGS. Nguyễn Kim Thản lại không có phương tiện như người khác. Lúc nào cũng cái xe đạp lọc cọc thì đi đâu cũng ngại, và rồi anh em lại phải đợi chờ. Vì vậy mà anh em thông cảm, cố gắng quá bộ đến nhà ông để ông khỏi phải đi. Tôi nhớ nhiều lần, khi tôi đến, ông nhất quyết không để cho tôi gửi xe, sợ tốn tiền. Ông nhờ bà xuống tận sân đứng trông để tôi lên làm việc. Có hôm phải làm việc lâu khiến tôi rất áy náy. Nhưng ông gạt đi: "Cậu cứ làm cho xong đi. Bà ấy nhà mình quen việc này rồi, đừng ngại. Mỗi tuần đến mấy lần thế này mà gửi xe thì tốn tiền lắm...". Tôi thật chẳng còn biết nói thế nào, đành phải cố gắng làm việc cho nhanh để bà Thu (vợ ông) khỏi chờ lâu. Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống ra đời cũng rất chật vật. Số đầu tiên Hội chỉ có thể cấp kinh phí 2 triệu đồng (in cỡ 13x19cm, 1000 bản). Nhưng khi ra đời, ngay lập tức nó đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc, nhất là các bậc cao niên, các giáo viên, học sinh. PGS. Nguyễn Kim Thản đã định hướng rất rõ tính chất phổ cập tri thức của tờ tạp chí này. Ông nói: "Ngành mình đã có một tờ Ngôn ngữ rồi, ta lại ra một tờ nữa thì phải khác đi về tôn chỉ mục đích. Mình sẽ không viết những gì "hàn lâm" quá, phải tập trung vào những vấn đề có tính thời sự ngôn ngữ, như cách dùng một vài từ mới, chính tả, viết hoa, viết tắt... Hơn nữa, bài viết sao cho ngắn gọn, dễ hiểu mà phải vui. Người ta cứ ăn mãi một món thì cũng chán. Nên có các tranh vui, nụ cười ngôn ngữ cho dí dỏm, hài hước. Các cậu nên nhớ tờ Ngôn ngữ và Đời sống của chúng ta mang tính magazine (báo) hơn là review (tạp chí)". Đây là những định hướng rất quan trọng đối với bước đường đi tới của tạp chí sau này.
Sau khi ra số thử nghiệm (1992), PGS. Nguyễn Kim Thản bắt tay ngay vào việc cho ra báo định kì bằng việc cho ra tiếp 2 số đặc san (1993). Đầu năm 1994, mọi việc chuẩn bị xin phép Bộ Văn hoá Thông tin cho ra tạp chí chính thức đã hoàn tất. Có thể nói, phải qua khá nhiều trăn trở, nhiều cuộc họp, nhiều cuộc tiếp xúc, việc Hội Ngôn ngữ cho ra mắt Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống vào tháng 6/1994 là một thành công lớn, một cái mốc trong việc truyền bá các hoạt động của Hội. Sự kiện này làm nhiều người ngạc nhiên, ngay cả một số hội viên của Hội. Thực tế thì còn rất nhiều hội trong Liên hiệp Các hội Khoa học và Kĩ thuật thành lập lâu rồi mà vẫn chưa ra được tạp chí, mặc dù điều kiện vật chất của họ khá hơn nhiều...
Công việc đang tiến triển với nhiều triển vọng. Tạp chí từ 3 tháng 1 số đã bắt đầu ra định kì 2 tháng 1 số. Bài vở, nội dung khá dần dần. Và hình thức cũng khá lên. Độc giả chưa nhiều nhưng cũng đã tăng dần lên. Đại hội lần thứ II của Hội Ngôn ngữ học đã đánh giá cao sự nỗ lực của Tạp chí. Hội quyết định bầu PGS. Nguyễn Kim Thản vào Thường vụ Ban Chấp hành khoá mới, đảm trách toàn bộ công tác Tạp chí (dự kiến sẽ tăng 1 tháng 1 số). Nhưng thật không ngờ... 15h20’ ngày 18/10/1995, khi đang chuẩn bị cho nội dung số tạp chí cuối năm, PGS. Nguyễn Kim Thản đã đột ngột ra đi sau một cơn nhồi máu cơ tim bất ngờ. Bất ngờ hơn cả là thời kì này ông tỏ ra sung sức và sức khoẻ khá hơn nhiều so với trước (có lẽ vì thế mà ông đã có phần chủ quan). Cú đột quỵ có thể do nhiều lí do, nhưng phần nào cũng là do một tuần làm việc quá sức của ông... Thế là vị Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống đã ra đi. Ông ra đi với bao điều dang dở...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét