Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Quân Phục, Cấp Hiệu, Huy Hiệu, Huy Chương từ Quân Đội Quốc Gia đến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (Nguyễn Đình Phúc)


Quân Phục, Cấp Hiệu, Huy Hiệu, Huy Chương
 từ Quân Đội Quốc Gia đến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Nguyễn Đình Phúc



                
Sau 30 tháng 4, 1975, chủ quyền đất nước mất vào tay Cộng Sản (Việt Cộng và CS Nga, Hoa), Chánh Quyền và Quân Lực VNCH không còn nữa. Ngày nay dù phải xa quê hương, hoàn cảnh đổi khác nhưng lý tưởng, chánh nghĩa người chiến sĩ một đời theo đuổi vẫn còn đó, Tổ Quốc- Danh Dự - Trách Nhiệm vẫn còn đó, Quê Hương- Dân Tộc vẫn còn đó. Con đường tranh đãu hôm nay dù mang một hình thái khác xưa nhưng mục tiêu vẫn nhằm tranh đãu cho nền Độc Lập, Dân Chủ, Tự Do thực sự, cho Hạnh Phúc, Thịnh Vượng muôn đời của toàn dân. Một điều khẳng định: chúng ta không bao giờ quên được Tổ Quốc, Đồng Bào vì khi vừa nghe tin những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hay mới đây Ải Bắc, Bản Giốc... vừa bị ‘bạo quyền cắt đất cầu phong’ hay những tài nguyên thiên nhiên bị cướp đoạt, dâng hiến... tức khắc tim ta nghẹn ngào, muốn đứng vùng lên... Điều này chứng tỏ chúng ta vẫn mãi mãi là chiến sĩ VNCH.

            Ngày mai, khi công cuộc tranh đãu dành lại được chủ quyền từ tay CS cho toàn dân, nền đệ tam Cộng Hòa được thiết lập, Quân Lực VNCH được tái tổ chức thì câu chuyện về quân phục, cấp hiệu, phù hiệu... hôm nay chẳng là câu chuyện phiếm, cũng một trong trăm ngàn tài liệu cần đến.

            Từ hơn hai ngàn năm trước, Đức Khổng Tử đã nói đến tầm quan trọng của nhung phục, đại ý Ngài dậy: ‘người tráng sĩ tự mình chưa đủ oai dũng khi lên yên chiến mã nếu như thiếu nhung y, giáp trụ, thiếu cờ hiệu, cờ lệnh...’ Bài viết xin được các chiến hữu, độc giả bổ sung, tha thứ vì hầu như hoàn toàn dựa vào trí nhớ giới hạn, nhận xét cá nhân. Chỉ xin được xem như câu chuyện ‘lính kể lính nghe’ trong những ngày bị cấm trại, cấm quân hay phép cuối tuần bị ‘cháy’.

            Ngay khi Hiệp Ước Vịnh Hạ Long (ngày 5 tháng 6, 1948) được ký kết giữa đại diện chánh phủ Pháp và Việt Nam dưới sự chứng kiến của Quốc Trưởng Bảo Đại, chánh quyền Quốc Gia ra đời. Nước Việt Nam được Độc Lập, Thống Nhất nhưng vẫn còn nằm trong Liên Hiệp Pháp (LHP). Quân Đội Quốc Gia ngay sau đó được thành lập nhưng thực tế mới chỉ là một lực lượng quân sự, bán quân sự chiến đấu chống Việt Minh (CS) bên cạnh quân đội LHP. Cho đến những năm đầu thập niên 50, Bộ Tổng Tham Mưu (TTM) Quân Đội Quốc Gia vẫn còn nhiều Sĩ Quan (SQ) Pháp làm việc, nhiều đơn vị do SQ, HSQ Pháp chỉ huy, quyền chỉ huy tối cao còn thuộc Bộ Tổng Tư Lệnh Pháp và những Secteur, Sous-secteur (tiểu khu, chi khu chiến) của Pháp tại địa phương. Sau đó một số khu vực mới lần lần được trao trách nhiệm lại cho Quân Đội Quốc Gia (QĐQG) như những thí điểm. Thời gian đó, tất cả văn thư, danh xưng còn dùng Pháp ngữ từ État Major Général cho đến S.P (secteur postal) thay vì Bộ TTM hay K.B.C. Trong hoàn cảnh như vậy nên quân phục, cấp hiệu, phù hiệu... tương tợ như quân đi Pháp. Trên toàn lãnh thổ có 4 quân khu: Đệ Nhất Quân Khu (miền Nam), Đệ Nhị (miền Trung), Đệ Tam (miền Bắc), Đệ Tứ (Hoàng Triều Cương Thổ/ Sơn Cước). Lực lượng chính yếu gồm các tiểu đoàn B.V.N (Bataillon Vietnamien), tiểu đoàn Nhẩy Dù... Bên cạnh, chánh quyền địa phương cấp Phần, đứng đầu bởi vị Thủ Hiến có tư cách pháp nhân riêng, ngân sách riêng, quân đi riêng như Bảo Chính Đoàn (Bắc), Việt Binh Đoàn (Trung), Vệ Binh Hàng Tỉnh (Nam), Vệ Binh Sơn Cước, Ngự Lâm Quân, và những lực lượng giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên...
Quân Phục

 

            Quân phục gồm lễ phục, quân phục làm việc, ra phố và chiến phục. Vào những năm đầu, quân phục chưa qui củ, luộm thuộm vì ngay cả quân phục quân đội Pháp cũng không hơn. Nhiều quân nhân mặc chemise vàng, quần trận (loại có túi rộng ngang đầu gối). Đến khi QĐQG chính thức thành lập (giữa 1950, thời Thủ Tướng Trần Văn Hữu và Tổng Trưởng Quốc Phòng Phan Huy Quát), quân phục mới được qui định tề chỉnh hơn. Lễ phục SQ ngoài mầu trắng, có mầu xanh đậm (mùa lạnh), mũ casquette. Lễ phục mầu nào thì phần trên mũ phù hợp theo (trắng, xanh, không kể mầu đỏ dành cho Hiến Binh). Quân phục làm việc tại các phòng sở, ra khỏi doanh trại (số 2) ‘gabardine’ hay ka-ki, ‘béret’ cùng màu vàng xám (trừ Nhẩy Dù đỏ, Thiết Giáp đen). Khi hành quân đều mặc đồ trận (treillis) mầu xanh ‘olive’, riêng Nhẩy Dù thêm áo ‘sô’ (saut) trông rất oai hùng.

            Tới thời đệ nhất Cộng Hòa đại lễ phục SQ rất chỉnh tề, áo trắng dài, cổ cao, cúc (nút) vàng, thắt lưng đen, ‘casquette’ trắng, quần sậm, có sọc như các quân trường, có cả dạ phục. Còn tiểu lễ, quân phục số 2 mầu vàng, chiến phục gọn ghẽ hơn xưa. Nhớ lại sau hiệp định đình chiến 54, quân nhân ra phố mặc đồ tác chiến sẽ bị tuần cảnh bắt giữ ngay. Nhưng thời gian sau, chiến tranh trở lại quân phục vàng lần lần vắng bóng ngoại trừ SV hay khóa sinh quân trường. Chuyện trang phục của chúng ta ngày trước có nhiều điều rất trái mắt do sự tùy tiện nhất là từ cấp tướng lãnh. Một đại tướng vì gốc Dù nên mặc đại lễ thay vì đi ‘casquette’, ông vẫn ‘sính’ đi ‘beret’ đỏ. Một vị lãnh đạo quốc gia, vì gốc phi công ‘anh dũng muôn đời’ nên cứ diện phi bào với hai sao để cho tướng 3, 4 sao phải nghiêm chào. Thêm một tướng biệt phái sang hành chánh thường mặc đồng phục bốn túi kiểu cán bộ, gặp tổng thống hay thủ tướng lại móc ngay 3 sao trong túi đeo lên ve áo thoải mái cứ như móc hộp quẹt zippo. Có một đô đốc, quần lại thích túm (gom) ống trông không giống một ai trong quân chủng... Vẽ lại vài ba hình ảnh mục đích cho bài viết thêm vui thôi vì thời phong kiến đã có câu ‘luật không áp dụng với người tôn’ nên nhằm nhò gì chuyện nhỏ, các vị tùy tiện có chi đâu.

            Riêng về quân phục, chúng ta phải học ở quân đội HK: ‘ngoài qui định, từ thống tướng tới binh sĩ, không ai đeo thừa, mang thiếu một qui định gì so với đồng ngũ, đồng cấp’. Sự đồng nhất triệt để tới cả mức gọng kính cận, đồng hồ đeo tay cũng không khác nhau. Chắc các chiến hữu còn nhớ chuyện một vị tướng HK, ông đã đeo một huy chương trên đó có thêm ngôi sao nhỏ bị người chê sai, người bênh vực đúng nhưng ông vẫn tự sát vì sự kiện này. Tất nhiên qui tắc nào cũng có ngoại lệ hay linh động vì mục đích chung nào đó. Chẳng hạn trên chiến phục ngay cấp hiệu cũng phải mang cách thức ngụy trang, nhưng trong dịp quốc khánh, kỷ niệm quân lực... các đơn vị mặc chiến phục diễn hành vẫn đeo đầy đủ cấp hiệu, dây biểu chương, huy chương thòng... để thêm oai dũng khác ngày thường. Khi mới thành lập, chúng ta còn đi giầy đinh (có đinh ở đưới) gọi giầy ‘săng đá’ (do chữ Pháp soldat - quân nhân), bước đi gây tiếng cồm cộp. Những toán hầu kỳ, chào kính còn mang ‘ghệt’ (guêtre) trắng bằng da hay vải bố để túm ống quần lại cho gọn, đẹp. Hành quân dùng giầy bố. Sau này dùng giầy ‘sô’ (botte de saut) cột dây, có nhiều loại khác nhau. Những quân nhân nhân nào diện còn cắt ống giầy gắn ‘fermeture’, nhưng khi đổi giầy có thể bị phạt vì làm hư quân trang. Giống như một Quận kiêm Chi Khu Trưởng vì nhu cầu an ninh đã sơn xe Jeep mầu dân sự, khi đổi xe đã phải phạt và đền tiền sơn lại như mầu nguyên thủy. Những năm sau này, thêm nhiều quân binh chủng được thành lập nên ngoài chiến phục của bộ binh, có nhiều kiểu và mầu sắc đặc thù riêng rất oai hùng như phi bào (KQ), quân phục trắng (HQ), Dù, TQLC, BDQ... Đây cũng là một trong những nét khác biệt của từng mầu cờ sắc áo. Sau 75 trong tù cải tạo, anh em chúng ta nhiều khi vẫn được mặc hoặc chính VC phát quân phục của chúng ta nhưng bắt phá bỏ túi, thay đổi kiểu nhưng tuyệt nhiên không cho mặc hay phát các đồ bông. Sau này mới hiểu chúng vẫn rất ‘rét’, bị ám ảnh khi thấy hình bóng các thiên thần mũ đỏ, cọp biển... chẳng khác nào theo Bảo Ninh trong Nỗi Buồn Chiến Tranh: ‘nhiều cán binh sống sót về lại miền Bắc không dám đứng dưới quạt trần vì còn ngỡ cánh quạt trực thăng săn đuổi.’

                Ngoài ra mũ của chúng ta cũng thay đổi rất nhiều. Xưa kia, mũ ‘béret’ kaki vải rất rộng (miền Bắc gọi mũ bánh đa), hoặc đen, phía gáy có tua vàng đỏ. Mũ ‘calot’ xám, đen, trên đỉnh xẻ đôi có hai mầu xanh đỏ lớn hơn KQ. Mùa nắng đi ‘chapeau de brousse’ mũ vải cứng rộng vành (hơi giống quân nhân Úc), một bên vành mũ bấm gọn lên để khỏi vướng khi vác súng. Sang thời cộng hòa, ‘béret’ xám đi theo quân phục số 2. Trên mũ có huy hiệu tròn khác mầu tùy mỗi hàng binh sĩ, HSQ,SQ. Sau đảo chính 63, thường mặc ‘tréllis’ nên mũ vải lúc đầu cứng (như képi), sau như ‘casquette’ có múi, nhiều Tướng Tá ‘làm dáng’ tay mũ cũng gắn nhành dương liễu như ‘casquette’ đại lễ. Mũ sắt hai lớp dù nặng nhưng rất an toàn, có lưới gài lá ngụy trang nhưng lại dễ bị vướng, móc. Bao bằng vải rằn ri hay vẽ lên như BĐQ cũng tiện. Bảng tên được gắn liền trên chiến phục hay đeo bên nắp túi áo phải quân phục số 2, không kể cấp hiệu, phù hiệu được mang đầy đủ trên quân phục như sẽ đề cập phần sau. Chỉ riêng việc này đã làm mất tính bí mật quân sự. Địch dễ dàng nhận diện hay trên xác tử sĩ để lại chiến trường đủ tình trạng quân vụ (đơn vị, cấp bậc...) ngoài những cáo phó, chia buồn, góp vui đầy trên báo chí. Ngoài cổng doanh trại ghi đủ hệ thống thống thuộc, đơn vị đồn trú. Trong khi VC đến khi chiếm trọn miền Nam, trước cổng cũng chỉ có tấm bảng ‘doanh trại quân đội nhân dân’. Như vậy bài học vỡ lòng ‘che dấu, ẩn nấp’ để ‘ta thấy địch, địch không thấy ta’ trở thành hài hước.
Cấp Hiệu
                                      
* Gắn huy chương trên hiệu kỳ đơn vị.

           



 

                Cấp hiệu là qui ước có hình thức tuy nhỏ, đơn giản nhưng biểu lộ quyền chỉ huy tuyệt đối với thuộc cấp. ‘Huynh đệ chi binh’ là mối tương quan trong đời quân ngũ, nhưng trong hệ thống quân giai, chỉ khác một vạch, mầu sắc bạc vàng đủ cho thuộc cấp phải nghiêm cứng người, đủ để tuân lệnh nhẩy vào lửa đạn.
Từ khi thành lập quân đội QG, cấp hiệu được gọi bằng ‘lon’ (galon trong Pháp ngữ) hoàn toàn như quân đội Pháp cho tới thời CH được thay thế hơi theo kiểu Mỹ. Nhiều buổi tổ chức đốt bỏ cấp hiệu cũ, cùng thời với việc đốt bỏ những bộ bài, bàn đèn á phiện, sách báo khiêu dâm... Đây là sự kiện thiếu tế nhị trong chánh sách ngoại giao tiếp theo việc đoạn giao với Pháp. Trước đó, hoàn toàn như Pháp nên cấp hiệu đều dùng vạch vàng thẳng trên ‘lon’ SQ, ngoại trừ thiết giáp binh (kỵ binh) dùng vạch trắng. Từ ‘adjudant’ (ông ‘ách’) đều vạch thẳng ngân tuyến, kim tuyến có sợi chỉ đỏ chạy dọc, ‘aspirant’ (chuẩn úy) 2 sợi chỉ đen ngang, lên tới hết cấp tá vẫn dùng vạch. Tiếng Việt, lúc đó chúng ta thường gọi quan Một quan Hai... Tới quan Tư, vạch thứ tư cách xa để phân biệt từ cấp này là SQ cao cấp (officier supérieur), dưới đó chỉ là SQ cấp thấp (officier subalterne).Trên quan Tư có quan Năm khoanh trắng (lieutenant colonel) với 5 vạch (3 vàng, 2 trắng) và quan Năm khoanh vàng (colonel) 5 vạch đều vàng. Cấp Tướng mang sao (từ 2 sao trở lên). HSQ và binh sĩ mang vạch hình chữ V ngược vàng, đỏ nơi cánh tay.

                Người viết không rõ các danh xưng Tá, Úy do ai trong Bộ QP hay TTM đặt ra, riêng danh xưng các cấp Hạ Sĩ, Trung Sĩ, Thượng Sĩ xuất xứ từ lực lượng Bảo Chính Đoàn (Bắc Việt) đặt ra trước cùng lúc với các Hoa Mai của cấp SQ Bảo Chính Đoàn trong khi SQ chánh qui vẫn còn đeo ‘lon’ hoàn toàn như SQ Pháp. Xin được mở dấu ngoặc nói thêm về cấp hiệu của BCĐ/BV. Bảo Chính Đoàn là lực lượng quân sự cấp Phần, trực thuc Thủ Hiến. Ngay khi thành lập cấp chỉ huy hoàn toàn Việt Nam, không có một SQ hay HSQ Pháp nào. Tư Lệnh Phó BCĐ (có lúc gọi Phó Giám Đốc) là Đốc Quân Đoàn Chí Khoan (sau này là Đại Tá, Phụ Tá Tổng Trưởng Phát Triển Sắc Tộc). Ông Đoàn Chí Khoan có thể coi như người soạn thảo sơ đồ tổ chức BCĐ, tất nhiên có phần quân phục, cấp hiệu, phù hiệu. Có thể ông được ảnh hưởng tổ chức quân đội Trung Hoa (QDĐ) và tổ chức hành chánh nên dùng các danh xưng Đốc Quân và Phó Đốc Quân cho SQ cấp Tá và Úy. Mỗi cấp có ba hạng: Phó Đốc Quân hạng ba, hạng hai và hạng nhất. (tương đương Thiếu, Trung, Đại Úy), và Đốc Quân cũng có 3 hạng. Trên hết là Chánh Đốc Quân (như cấp Tướng, nhưng chưa có ai được phong). Tư Lệnh BCĐ đầu tiên là Đốc Quân hạng 2 Hoàng Văn Tỷ (sau này là một trong 6 đại tá đầu tiên của QĐQG), Tư Lệnh Phó là Đốc Quân hạng 3 Đoàn Chí Khoan, Giám Đốc trường SQ/BCĐ là Đốc Quân hạng 3 Linh Quang Viên (sau thăng Trung Tướng QLVNCH).

                Đốc Quân và Phó Đốc Quân đều đeo hoa Mai bạc (hạng 3 một bông... hạng nhất 3 bông) nằm trên vạch ngân tuyến. Cấp Đốc Quân thêm hai sợi ngân tuyến chạy kèm song song hai bên. Kể cả hàng binh (Bảo Chính Viên) trở lên đều đeo trên vai, nhưng là sợi ngân tuyến, theo hinh chữ V. Điểm đặc biệt là danh xưng Hạ Sĩ, Trung Sĩ và Thượng Sĩ được đặt ngay thời đó và sau này vẫn còn được dùng. Riêng danh xưng Đốc Quân, Phó Đốc Quân không được duy trì vì không thuận tiện (nếu chỉ gọi Đốc Quân sẽ không rõ
 cấp bậc, gọi thêm hạng lại quá nhiêu khê).

                Nhân đây, xin nói về truyền thống, ý nghĩa cấp hiệu. Từ xưa có 3 quân binh chủng đeo cấp hiệu theo truyền thống quốc tế vì thường có tầm hoạt ngoài lãnh thổ, phải theo nhiều luật lệ hàng hải, hàng không gồm hải quân, không quân, thiết giáp binh và lực lượng cảnh sát. Không hiểu lý do nào, khi qui định lại cấp hiệu theo kiểu Mỹ chỉ riêng hải quân được giữ lại. Trái lại Cảnh Sát đổi cấp hiệu theo như quân đội. Trước đây Ngành CS đã có tổ chức qui củ với những ngạch trật như Thanh Tra, Quận Trưởng, Biên Tập Viên, Chánh Phó Thẩm Sát Viên... đến khi Tướng Phong sang chỉ huy, mang theo rất nhiều SQ và có lẽ để tiện việc sắp đặt chức vụ, đã dùng theo cấp bực QLVNCH, bỏ qui chế, cấp hiệu cũ, không quan tâm đến thời gian huấn luyện, thâm niên công vụ. Một Biên Tập Viên cùng trình độ văn hóa và thời gian thụ huấn như một chuẩn úy bộ binh nhưng khi tốt nghiệp mang ngay cấp Đại Úy CSQG. Ngoài ra dù mang cấp bậc như quân đội, CSQG cũng không có thẩm quyền gì với quân nhân lại tạo cho dư luận, CS dễ chỉ trích ‘quân phiệt’, ‘cảnh sát trị’ trong khi chính bộ máy kìm kẹp, phá hoại của VC có tới cấp Bộ Công An.

                Sau năm 1955, trước khi cấp hiệu các lực lượng quân sự địa phương chính quy hóa, Bảo An Đoàn mang cấp hiệu riêng như BCĐ Bắc Việt trước kia. Vì thiếu thống nhất nên dễ ngộ nhận nhất là khi xuất ngoại. Thiếu Úy Bảo An đeo bông hoa thị bạc 6 cánh, trông vừa giống hoa mai, vừa giống sao, lại thêm hai nhánh lúa ôm hai bên trông như hai nhánh thiên tuế. Khi du học, du hành quan sát sĩ quan đồng minh kể cả cấp Tá cũng như huấn luyện viên, một điều ‘Yes, Sir’ hai điều cũng ‘Yes, General’ với Thiếu Úy và còn chào kính ‘túi bụi’ vì nghĩ thầm ít gì cũng Chuẩn... Tướng.

                Trở lại cấp hiệu SQ thời đệ nhất cộng hòa, cấp Tá mang mai bạc lớn hơn, Úy mai vàng, nhưng từ xa khó nhận ra, nên sau này thêm hàng lá thiên tuế kèm theo mai bạc cấp Tá. Cũng từ thời Tướng Nguyễn Khánh, lập thêm cấp Chuẩn Tướng (một sao) vì muốn cho Hội Đồng Tướng Lãnh đông hơn, nhiều hậu thuẫn, tạo thành lớp ‘tướng trẻ’ dễ dàng khống chế lớp ‘tướng không trẻ’ hoặc dễ áp lực cho đi ‘đại sứ’. Đó là thời ‘loạn tướng’. Đề cập đến ‘loạn tướng’ thiết nghĩ phải nói đến qui chế Tướng Lãnh một cách đúng truyền thống quốc tế. Khi đã bước lên hàng Tướng, cấp bậc có tính cách trọn đời ngay cả khi đã bỏ binh quyền, đời quân ngũ. Vì vậy không có thể gọi là Cựu Trung Tướng, Cựu Thiếu Tướng... mà là Trung Tướng NVT, cựu Tổng Thống VNCH, Thiếu Tướng NCK, cựu Phó Tổng
 Thống.... Hoặc khi họ đáo hạn tuổi giải ngũ, dời bỏ binh quyền cũng vẫn dùng cấp bậc Tướng Lãnh, chỉ thêm chữ Hồi Hưu như General Westmoreland (Ret). Quân đi vẫn phải đãi ngộ Tướng Lãnh với đầy đủ qui chế, nghi lễ: lương bổng, quân phục, cấp hiệu, tướng kỳ, tùy viên, hộ tống, chào kính... ngoại trừ binh quyền.

                Ngoài ra, tưởng cũng nên nhắc đến một số cấp hiệu, phù hiệu của các lực lượng đồng minh tham chiến tại VN trước kia. Ngoài những gì theo truyền thống quốc tế như mỏ neo với hải quân, cánh bay không quân, chữ thập quân y... có những đặc thù riêng như khối Liên Hiệp Anh (Úc, Tân Tây Lan...) với vương miện (Crown), Thái Lan trọng bảo tháp (Phật), dành cho hàng Tướng, sao cho cấp Tá, Úy.
Nhiều người khen quân quân phục HK đẹp, qui củ nhưng cấp hiệu không ý nghĩa. Thật ra, HK lấy biểu hiệu từ thấp lên cao: cấp Thiếu và Trung Úy đeo vạch vàng, trắng và Đại Úy 2 vạch trắng là kim loại còn nằm sâu dưới đất. Lên cấp Tá trên cao hơn với lá vàng, trắng. Đại Tá đeo hình chim đại bàng, tung cánh trời cao, đầu đàn... (thường dùng danh hiệu đại bàng). Ngôi sao sáng hàng Tướng Lãnh mang biểu hiệu cao tột đỉnh, dẫn đạo, chỉ huy.

                Ngược lại thời gian mang cấp hiệu theo kiểu Pháp kể cả lúc sau này, cấp hiệu đeo trong đại lễ phải đầy đủ, tiểu lễ và thường ngày đeo giản lược trên vai áo. Hàng Trung Sĩ trở xuống đeo hinh chữ V ngược nơi tay áo. Có tài liệu cho đó là tượng trưng cấp chỉ huy gánh vác trọng trách (SQ, HSQ cao cấp), còn hàng HSQ cấp thấp tuy chỉ huy nhưng thẩm quyền nhỏ hẹp. Cấp hiệu thời đó không đeo trên ve áo như sau này, trái lại quân đi Pháp còn qui định những tướng lãnh cao cấp lại được phong thêm các cấp hiệu binh nhất, hạ sĩ, trung sĩ danh dự mang trên ve áo hay tay áo. Như Đại tướng De Lattre, được đeo thêm cấp hạ sĩ nhất danh dự, Trung tướng Cogny thêm cấp hạ sĩ. Đây là qui định chính thức như chức Huyện, Phủ hàm thời trước, không như cách vui chơi khi có người gọi một ca sĩ là hạ sĩ danh dự. Chúng ta có một danh từ chỉ chức vụ rất đặc thù là chức Tư Lệnh cho cấp chỉ huy các đại đơn vị (commandant en chef/ commander-in-chief) thay vì Chỉ Huy Trưởng. Nguyên nghĩa ‘tư lệnh’ nói lên sự toàn quyền ban phát lệnh thay vì chỉ chuyển lệnh từ cấp trên xuống như cấp chỉ huy trưởng.Huy Hiệu, Huy Chương     
               Huy hiệu, phù hiệu mang trên quân phục chỉ rõ đơn vị trực thuộc. Nhiều khi còn dùng thêm khăn quàng trong các buổi lễ để rực rỡ cho mầu cờ sắc áo, hoặc các ‘nơ’ màu để dễ nhận bạn. Thời phôi thai, quân đội mới có đến cấp tiểu đoàn, nên phù hiệu đeo dưới nắp túi ngực phải, bằng kim loại chế tạo từ Pháp. Ngoài ra còn được làm nhỏ để gắn trên bút nịt, vật dụng tùy thân (hộp quẹt, hộp thuốc...). Các quân trường Võ Khoa Thủ Đức, Liên Quân Đà Lạt... cũng có phù hiệu riêng, nhiều khi đeo ngay trên cầu vai (épaulette). Sau này khi thành lập được các đại đơn vị, binh chủng... phù hiệu bằng vải đeo cánh tay trái trên cao, đằng trước ngực dành đeo phù hiệu đơn vị nhỏ. Trên quân phục, chúng ta còn đeo thêm các bằng chuyên môn... như bằng Rừng Núi Sình Lầy, bằng Dù, cánh Bay...

                Quân đội có nhiều hình thức tuyên dương, ban thưởng cho toàn đơn vị, cá nhân như các dây biểu chương, huy chương. Trước kia, chúng ta chỉ có Croix de guerre, Médaille d’honneur... của Pháp, nhiều loại được lãnh phụ cấp hàng tam-cá-nguyệt. Sang thời chính thể QG, Quốc Trưởng ban thưởng Bảo Quốc Huân Chương là huy chương cao trọng nhất với năm hạng, trên mặt Bảo Quốc chạm nổi hàng chữ Tổ Quốc Tri Ân. Thể thức cấp thưởng rất khó khăn đòi hỏi những chiến công hiển hách, thành tích lớn lao đối với tổ quốc, dân tộc. Nghi thức trao gắn rất long trọng, quân nhạc cử điệp khúc quốc thiều, người được ân thưởng tay nâng huân chương để nguyên thủ quốc gia chào kính. Nếu phạm trọng tội, trước khi truy tố phải có sắc lệnh thu hồi. Nếu khinh tội có thể được miễn tố hoặc giảm khinh. Đối với hạng nhất, nếu tôi nhớ không lầm chỉ có 3 người sinh thời được ban thưởng là Bảo Long, Hoàng Thái Tử kiêm Tư Lệnh danh dự Ngự Lâm Quân. Kế là Đại Tướng De Lattre, Cao Ủy kiêm Tổng Tư Lệnh quân đi LHP tại Đông Dương, nhờ chiến thắng Vĩnh Phúc Yên 1951. Sau này Thống Tướng Lê Văn Tỵ khi gần mất mới được phong Thống Tướng và ân thưởng đệ nhất đẳng. Đại Tướng Đỗ Cao Trí chỉ được truy thăng Đại Tướng và truy tặng đệ nhất đẳng sau khi tử trận. Anh Dũng Bội Tinh, chạm chữ Quốc Gia Lao Tường với nhành dương liễu và sao vàng, bạc, đồng do sự khác biệt giữa SQ, HSQ, BS về chiến công và phạm vi tuyên dương trước quân đội hay chỉ trước cấp Lữ Đoàn, Sư Đoàn. Ngoài ra, sau này cùng với sự lớn mạnh của quân đội, chiến trận gia tăng rất nhiều huy chương thuộc các quân binh chủng được ban thưởng. Quân Công, Quân Phong, Quân Vụ Bội Tinh, Lục Quân Huân Chương, Hải Vụ, Phi Vụ, Chiến Thương... chưa kể huy chương của nhiều quốc gia, quân lực đồng minh cũng trao tặng.
Riêng về dây biểu chương có ba hạng mang tên mầu: Anh Dũng, Quân Công, Bảo
 Quốc và trên hết là dây biểu chương mầu Tam Hợp. Để được tưởng thưởng mầu Tam Hợp đòi hỏi toàn thể đại đơn vị phải lập chiến công và ít nhất phải được tuyên dương công trạng cấp quân đội từ 3 lần trở lên.

                Huy chương khi được ban thưởng, ngoài văn thư có một bằng treo, không kể huy chương (thòng, ngắn). Khi mang huy chương cũng phải tuân theo các cách thức qui định. Huy chương cao hơn phải đeo từ trong phía ngực trái ra ngoài, hàng trên xuống dưới. Riêng Bảo Quốc Huân Chương, đệ ngũ và tứ đẳng dù thấp nhất trong Bảo Quốc nhưng vẫn phải xếp trên cùng, đệ tam đeo dây vòng qua cổ, đệ nhị một bên cạnh sườn và đệ nhất vắt ngang vai. Trong tiểu lễ, huy chương mang dưới dạng đơn giản (chỉ có phần cuống). Với dạ phục mang huy chương thòng nhưng thu nhỏ. Các dây biểu chương cũng thu lại bằng như một huy chương ngắn, đóng khung vàng, đeo riêng trên cùng. Ngoài ra trên Quân Kỳ các quân, binh chủng, đại đơn vị, cũng sẽ gắn các dây biểu chương và huy chương đã được ban thưởng. Với huy chương của các quốc gia đồng minh, phải có sự chấp thuận trước hoặc phải được hợp thức, quân nhân đương sự mới được mang.
Các cấp hiệu, huy hiệu, phù hiệu... vì không được tuyển chọn kỹ lưỡng nên thường hay thay đổi, gây tốn kém cho quân nhân, chỉ có lợi cho các nhà sản xuất, buôn bán như Phước Hùng, An Thành...
Nghi Thức Chào Kính
   * Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh chào Quốc,
Quân Kỳ (Quân phục TQLC, dây Biểu Chương, chào súng kiểu mới).



* Nghênh đón Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh (đệ I Cộng Hòa) do Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng, Tướng TTMT, Tướng Chỉ Huy buổi lễ.
 
                                            

  * Quốc Khánh thời ‘loạn tướng’, đại lễ phục rất tùy tiện.

                Nhập ngũ bài học đầu tiên là cấp hiệu và chào kính. Có nhiều cách thức chào kính như: chào tay, chào súng, gươm và nhiều cách khác tùy điều kiện, hoàn cảnh và cũng thay đổi theo thời gian. Theo một số tài liệu, chào tay phát xuất từ xa xưa ở Tây phương. Khi gặp Vua Chúa, quan quyền thần dân, thuộc hạ phải dơ tay phải lên che mắt để không được thấy, cùng bày tỏ cung kính và tay không võ khí. Cách thức này chẳng khác sự phủ phục trước Thiên Tử ở Đông phương. Đến giữa thập niên 50, số SQ cũng còn rất ít. Ngay tại Bộ TTM, một thiếu úy ra vào cổng chính, lính gác đã phải đứng nghiêm, từ trung úy phải chào súng. Nếu nhiều như sau này, chắc binh sĩ không đủ thời gian đem súng xuống. Tại các đơn vị, từ cấp đại đội trưởng (thiếu hoặc trung úy) mỗi khi ra vào cổng, toán binh sĩ trực đã phải dàn chào dưới sự chỉ huy của đốc canh. 

Thời trước, binh sĩ chào súng theo kiểu Pháp: súng dọc thân mình phía phải, tay phải đỡ đế súng, bàn tay trái khép để trước súng, lòng bàn tay úp xuống mặt đất. Với tiểu liên, nòng súng quay sang trái. Riêng Bảo Chính Đoàn (BV), súng vác vai, tay trái đặt ngang báng. Sau này cơ bản thao diễn theo kiểu Mỹ, súng để trước, giữa thân mình. Với Garant M1, biểu xích ngang thắt lưng, M16 loa che lửa ngang tầm mắt. Nếu mang vai, tay trái giữ dây súng, tay phải chào tay. Diễn hành súng vác thì bộ máy cò sát vai (ngược lại kiểu xưa, ngửa lên trời), mặt ngước về thượng cấp. Trước kia khi gặp cấp trên, nếu hai tay mang xách, hoặc ngồi xe hai bánh, thuộc cấp chào kính bằng cách ‘hất mặt’ về cấp chỉ huy. Vào CLB, nhà ăn, chào tay một lần, bỏ mũ, sau đó dù trình diện cấp trên cũng chỉ đứng nghiêm (không chào nữa).

                Khi SQ vào phòng, quân nhân cao cấp nhất thấy trước sẽ hô: ‘phắc’ hay ‘vào hàng phắc’ đối với từ cấp trung tá (đơn vị trưởng) trở lên. Khi thượng cấp dời khỏi phòng chỉ hô ‘nghiêm’. Khi hô ‘vào hàng phắc’ đúng ra, ai phải về vị trí nấy (xạ thủ về trước súng, âm thoại về trước máy...). Nhân đây xin kể lại chuyện một lần chào kiếm trong lễ mãn khóa của sinh viên Thủ Đức dưới sự chủ tọa của Quốc Trưởng PKS. Như thông lệ, Thủ Khoa sau khi hô động lệnh chào súng cho toàn Khóa xong, đằng sau quay rồi tuốt gươm chào. Bài bản đúng chỉ có vậy. Không ngờ Quốc Trưởng chắc thấy buổi lễ diễn ra quá đẹp dưới mắt Cụ, nhà lãnh đạo gốc dân sự, chưa quen nghi lễ quân cách nên bước ngay xuống, dơ tay bắt tay sinh viên thủ khoa. Phần này không dự liệu nên anh thủ khoa hốt hoảng vã mồ hôi, nhất là nhìn tay Quốc Trưởng đã đưa ra. Anh không biết xử trí ra sao, hấp tấp chuyền kiếm sang tay trái, lấy tay phải đón bắt tay Quốc Trưởng, trong khi tay trái cầm cây kiếm quờ quạng. Sau buổi lễ, anh được lãnh ngay lệnh phạt gia tăng từ ĐĐT lên tới Tướng CHT với lý do: ‘chào kính nguyên thủ sai qui cách’ (phải tra kiếm vào bao rồi mới được bắt tay).

Chuyện sau không diễn ra một lần mà tái diễn hoặc tùy tiện mỗi người. Nhiều SQ cao cấp khi được biệt phái sang chỉ huy tỉnh, quận vào các dịp cúng tế tại đình, miếu đã rất lúng túng hoặc hành xử sai qui cách. Có ông đứng vái, có ông lại lên gối, xuống gối trong bộ quân phục đầy huy chương, biểu chương...có ông tránh tham dự để khỏi ngượng ngùng. Người viết thường được hỏi về thái độ thích nghi và đã cố giải thích: ‘với quân nhân, cao trọng nhất là Tổ Quốc, qua biểu tượng quốc kỳ, chúng ta cũng chỉ chào theo quân cách. Quân đội không dự trù có trường hợp quân nhân giữ nhiệm vụ hành chánh phải đến nơi tôn nghiêm. Các SQ tỉnh, quận trưởng, cho dù với tư cách thượng khách, khi được mời lên chiêm bái, chỉ cần đứng thế nghiêm là đủ (không bái lậy, khoanh tay, chắp tay vì các động tác này không hề có theo quân cách). Việc cử hành lễ hoàn toàn là quyền hạn và trách nhiệm của ban hương chức. Nếu muốn bầy tỏ cung cách nào khác hơn, hãy mặc thường hay quốc phục.’ Không biết ý kiến các niên trưởng ra sao?

                Chuyện về quân phục, cấp hiệu, huy hiệu... rất dài, phức tạp. Đủ thẩm quyền, phương tiện phải là Bộ Quốc Phòng, TTM hay toàn thể chiến hữu chứ đâu phải do một anh lính ‘tốt đen’. Tuy vậy đã là lính từng biết hô lớn câu ‘tan hàng! cố gắng!’ nên cuộc đời ‘cố gắng’ đã quen, chẳng ngại ngần hay dở, đúng sai cứ miệt mài ngồi bên bàn máy. Nhìn lại quân phục, cấp hiệu, phù hiệu hay nói rộng hơn chiến lược, chiến thuật của ta suốt 25 năm ảnh hưởng Pháp rồi đến Hoa Kỳ. Điều này sao tránh vì chúng ta phải nhận viện trợ, yểm trợ của đồng minh trong cuộc chiến tự vệ, sinh tồn.

                Ngày mai, khi chủ quyền, đất nước về lại nhân dân qua đấu tranh thì mọi điều lớn nhỏ hoàn toàn do ta. Chỉ riêng chuyện quân phục, cấp hiệu, phù hiệu... chẳng theo kiểu Tây kiểu Mỹ mà do mình chọn từ chiến công, hình ảnh ngàn năm giữ nước. Nào cọc sắt Bạch Đằng, mũi khoan Yết Kiêu (hải quân, người nhái), ngựa sắt Phù Đổng (thiết kỵ), lò đúc Cao Thắng (quân cụ), nỏ thần An Dương Vương (pháo binh), Loa thành (công binh), lá khô thấm mật Nguyễn Trãi (tâm lý chiến)... kể sao cho hết. Người viết, một khinh binh VNCH, trong tư thế nghiêm chào tay. Chào quốc kỳ tượng trưng cho Tổ Quốc, chào Quân kỳ, cấp hiệu, phù hiệu, huy chương tượng trưng cho Quân Đội. Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh anh hùng liệt sĩ, chiến hữu đã hy sinh. Sau cùng, tay nâng bài viết trân trọng trao đến chiến hữu, độc giả.

Nguyễn Đình Phúc
           

* Người viết chân thành cáo lỗi đã không có điều kiện để xin phép tác giả những tấm hình in trong bài. Mong rằng với mục đích tôn vinh tập thể quân đội, xin được thông cảm, miễn thứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét