Vẫn cứ là “lính nhà binh” (Năng Lượng Mới số 139 , 20-7-2012).
by An Chi on Friday, July 20, 2012 at 1:58pm ·
Bạn đọc : Trong bài “Không là lính thì là gì?” (Năng Lượng Mới số 135, thứ sáu 6-7-2012), ông đã khẳng định rằng từ “soldats” của Alexandre de Rhodes, chỉ có nghĩa là lính, chứ không phải “chiến sĩ truyền giáo” như GS Đinh Xuân Lâm đã dịch. Nhưng tôi thấy có người đã nhắc đến bài “Ông Alexandre de Rhodes (1491-1560)” của Hoa Bằng và Tiên Đàm, đăng trên tạp chí Tri Tân năm 1941, trong đó hai tác giả này đã viết : “Compagnie de Jésus là một cơ quan do Ignace de Loyola (1491-1556), một võ quan Tây Ban Nha sáng lập. Người đứng đầu hội đó được kêu là «Đại tướng» (général), còn các hội viên thì là «lính của Jésus» (soldat de Jésus)”. Tôi thiển nghĩ vì chữ «Đại tướng» (général) ở đây không phải là nhà chỉ huy quân sự, nên đối ứng với nó, chữ “soldat(s)” cũng đâu phải dùng để chỉ “lính nhà binh”. Xin ông cho biết ý kiến.
Hồ Thanh Hải, TP Vũng Tàu.
An Chi : Xin nói ngay rằng danh từ “général” mà Hoa Bằng và Tiên Đàm đưa ra tuyệt đối không dính dáng gì đến khái niệm “tướng” bên quân đội cả. Liên quan đến khái niệm này, Le Grand Robert đã cho tại mục général:
“I.N.m.ǀǀ1° (Sans désignation de grade). Celui qui commande en chef une armée ou quelque unité militaire importante (…) Alexandre, Hannibal, César… comptent parmi les plus fameux généraux de l’antiquité.” [I.Danh từ giống đực. ǀǀ1° (Không chỉ rõ quân hàm). Người tổng chỉ huy một quân đội hoặc một đơn vị quân sự quan trọng (…) Alexandre, Hannibal, César thuộc hàng danh tướng thời cổ đại].
“ǀǀ 2° Officier du plus haut grade commandant une grande unité. Général de brigade (2 étoiles), de division (3), de corps d'armée (4), d'armée et commandant en chef (5).” [ Sĩ quan mang quân hàm cao nhất chỉ huy một đơn vị lớn. Tướng [chỉ huy] lữ đoàn (2 sao), sư đoàn (3 sao), binh đoàn (4 sao),quân đoàn và tổng tư lệnh (5 sao)].
Còn cái nghĩa mà Hoa Bằng và Tiên Đàm đã đưa ra thì chỉ liên quan đến lời giảng sau đây của Le Grand Robert:
“I.N.m.ǀǀ1° (…) –Par anal. Celui qui est à la tête d’un ordre religieux” [I.Danh từ giống đực. ǀǀ1° (…) –Theo loại suy. Người đứng đầu một dòng đạo].
Hiện nay, “général” thường đi đôi với “supérieur” thành “Supérieur général”, mà người Công giáo Việt Nam gọi là Bề trên Tổng quyền, cũng gọi là “Père général” (Cha Tổng quyền) hay ngắn gọn là “Général” ([người] Tổng quyền). Vậy thì ở đây, ta tuyệt đối không thể nào dịch “général” thành “đại tướng” và vì thế cho nên cũng không có cơ sở nào để bào chữa cho A. de Rhodes mà suy luận rằng “soldats” và “général” chỉ là “chiến sĩ và đại tướng của Jesus”. Không, ở đây “soldat” vẫn là lính, đương nhiên là “lính nhà binh”.
Văn cảnh cũng giúp ta khẳng định điều này. Xin nhắc lại câu của A. de Rhodes :
“J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout L’orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos pères et nos maitres en ces Églises.”
Chúng tôi đã dịch như sau:
“ Tôi tin rằng, (vì) là vương quốc sùng đạo nhất thế giới, nước Pháp sẽ cấp cho tôi nhiều binh sĩ lên đường chinh phục toàn cõi Phương Đông để bắt nó quy phục Jesus Christ, và đặc biệt là ở đó tôi sẽ tìm ra cách để có được các Đức Giám mục, từng là các cha và các thầy của chúng ta tại các giáo đoàn đó.”
Nếu danh từ “soldats” ở đây là “chiến sĩ truyền giáo” thì hiển nhiên nó là một tập hợp mà “évêques” (cũng là“chiến sĩ truyền giáo”) là một phần tử. Và, trong điều kiện này, nếu đây là câu của một cậu học trò làm construction de phrases (đặt câu) thì ông thầy sẽ phải sửa lại cho chặt chẽ hơn thành:
“J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout L’orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’en avoir d’autres, qui fussent nos pères et nos maitres en ces Églises.”
Dịch nghĩa :
“ Tôi tin rằng, (vì) là vương quốc sùng đạo nhất thế giới, nước Pháp sẽ cấp cho tôi nhiều chiến sĩ truyền giáo lên đường chinh phục toàn cõi Phương Đông để bắt nó quy phục Jesus Christ, và đặc biệt là ở đó tôi sẽ tìm ra cách để có được những chiến sĩ truyền giáo khác, từng là các cha và các thầy của chúng ta tại các giáo đoàn đó.”
Ở đây, “en” là đại từ nhân xưng (pronom personnel) thay thế cho “soldats” (= chiến sĩ truyền giáo), còn “(d’)autres” thì tương đương với “évêques” (= giám mục – cũng là chiến sĩ truyền giáo), góp phần làm cho câu văn chặt chẽ hơn. A. de Rhodes đâu phải không thể tự mình sửa câu văn của mình cho chặt chẽ hơn theo cái hướng mà đại đa số các thầy giáo sẽ phải sửa. Hiềm một nỗi, ông ta đâu có muốn diễn đạt khái niệm “chiến sĩ truyền giáo” bằng danh từ “soldats”. “Soldats” của ông ta là lính, dĩ nhiên là “lính nhà binh”. Vậy nếu bạn tin vào cách dịch của Hoa Bằng và Tiên Đàm là bạn đã bắt rễ nhầm nên cũng không thể từ đó mà xâu chuỗi sang cái nghĩa “chiến sĩ truyền giáo” cho danh từ “soldats” được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét