Tù nhân thời Pháp thuộc thường bị tra khảo bằng ca đui / cà đùi / cà đui:
* Giật chiếc ca-đui ném xuống sông,
Thôi thôi tôi cũng “mét sì” ông
Ông về nhớ hỏi “cẩm ma lách”:
Quan... Đức “cà-đui” “máy móc” không? Tri Tân Tạp Chí số 200 (1945:16, Cô Lý)
* Đi làm, từ những việc khổ sai nhẹ, cuốc cỏ, trồng cây, xay lúa, giã gạo, đến những công việc nặng: đào kênh, xẻ núi, đắp đường, cũng như sinh hoạt hàng ngày trong lao trước sau giờ hàn dịch, sáng ra, tối lại điểm danh, ra đi, về buồng, lĩnh phần cơm nước rối sắp hàng trở vào phòng giam, mỗi bước đi, mỗi động tác đều tiến hành dưới cặp mắt cú vọ, dưới ngọn « cà đùi » (cadouille) và tiếng chửi mắng của lũ « la dăng » (agents), lũ « ma tà » (matraques), tức bọn lính gác. Đặng Thai Mai (2004b:635-636)
Ca đui / cà đùi / cà đui là phiên âm của cadouille tiếng Pháp. Thời nay ít người Việt biết cà đùi là cái gì đã đành mà nhiều người Pháp cũng không biết cadouille là gì luôn. Ít từ điển có cadouille và nếu có thì ghi nhận thì cũng rất kiệm lời. Đại khái nó có nghĩa là hình phạt đánh đòn (peine consistant à appliquer des coups de bâton). Đây là nghĩa mở rộng của nghĩa gốc là cái gậy (bâton), vốn chỉ được dùng trong tiếng lóng của lính thủy. Còn tại sao lính thủy dùng cadouille với nghĩa đó thì không ai biết chính xác. Người ta chỉ tìm được từ cadouille đầu tiên trong tác phẩm của Paul Bonnetain năm 1885 (Au Tonkin) và vì vậy mới có giả thuyết rằng cadouille có nguồn gốc từ... Việt Nam.
Nhưng người Việt vẫn dùng roi cá đuối để đánh tù, ít ra là đến trước năm 1975. Roi cá đuối này có phải là nguồn gốc của cadouille Pháp không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét