by An Chi on Saturday, July 28, 2012 at 1:46pm ·
Huệ Thiên
Các đấng tiên nhân quốc tổ của dân tộc Việt là Hùng Vương hay Lạc Vương? Nhiều người đã bàn đến vấn đề này mà người đầu tiên là Henri Maspéro, một nhà Đông phương học uyên bác thuộc Pháp quốc Viễn Đông học viện (Ecole française d’Extrême-Orient) trong bài Le royaume de Van lang (BEFEO, no XVIII, 1918). Sau đó có cuộc tranh luận giữa Sở Cuồng Lê Dư với Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố. Ở miền Nam trước 1975, một số nhà nghiên cứu cũng có bàn đến, chẳng hạn trên tạp chí Bách Khoa, Phạm Hoàn Mỹ (1959) thì chủ trương Hùng Vương còn Trần Viêm (1965) thì lại chủ trương Lạc Vương. Bài này không nhằm điểm lại toàn bộ lịch sử của vấn đề mà chỉ nhắc lại những ý kiến chính của các tác giả, đặc biệt là của Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Trần Quốc Vượng đã phát biểu trong các cuộc hội nghị nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương, tổ chức trước đây ở miền Bắc, từ cuối 1968 đến 1971, in lại trong các tập kỷ yếu Hùng Vương dựng nước (HVDN).
Người đã để nhiều tâm trí và thời gian nhất vào vấn đề này không ai khác hơn là học giả Đào Duy Anh. Đối với Đào Duy Anh, các vị quốc tổ của chúng ta trước sau vẫn là Lạc Vương. Thật vậy, ngay từ năm 1938, trong Việt Nam văn hóa sử cương (chúng tôi dùng bản in lần thứ hai, Nxb Bốn Phương, Sài Gòn, không đề năm), Đào Duy Anh đã viết: «Sử chép rằng Lạc-Long-quân phong cho người con trưởng làm vua ở nước Văn-lang xưng là Lạc Vương» (Sđd, tr. 25). Ông đã ghi nhận rằng phát hiện về sự nhầm lẫn từ Lạc Vương thành Hùng Vương là thuộc về «nhà cổ học» (danh từ của ĐDA) H. Maspéro (X. sđd, tr. 25, chth. 1. ).
Năm 1946, trong Nguồn gốc dân tộc Việt Nam (chúng tôi dùng bản in lần thứ hai, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1950), Đào Duy Anh lại viết về xã hội Lạc Việt như sau: «Các bộ lạc thì ở dưới quyền tù trưởng gọi là lạc tướng, các lạc tướng thì phục tòng ít nhiều một vị tù trưởng có thế lực hơn hết cả gọi là lạc hầu hay lạc vương. » (Sđd, tr. 65). Ở đây ông cũng cho biết ông đã theo ý kiến của nhà Chi-na học H. Maspéro, «cho rằng chữ Hùng-vương chính là chữ Lạc-vương viết lộn ra». (Sđd, tr. 65, ch.th. 1).
Chín năm sau, trong Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1955), Đào Duy Anh còn bày tỏ một lập trường rành mạch và dứt khoát hơn nữa. Khi nhắc đến các truyền thuyết xưa về nước Văn Lang chép trong Lĩnh Nam chích quái (ĐDA viết trích) thì ngay sau hai chữ Hùng Vương ông đã ghi chú trong ngoặc đơn như sau: «Sửa lại là Lạc vương» (Sđd, tr. 83), Hoặc như ông đã viết: «Cái danh hiệu Hùng vương, nay sửa là Lạc vương (chúng tôi nhấn mạnh - HT) chỉ là phiếm chỉ các thế hệ tù trưởng từ xưa đã lãnh đạo dân tộc Lạc-việt trước và sau khi họ đã định cư ở Bắc Việt-nam» (Sđd, tr. 93). Còn ở những chỗ thuộc về lập luận và hành văn riêng của cá nhân thì đương nhiên là ông đã chính thức và trực tiếp dùng hai tiếng Lạc Vương, chẳng hạn: «Lạc-vương là vị tù trưởng tối cao cũng chỉ là vị tù trưởng thế tập của bộ lạc liên hiệp Lạc-việt (...) » (Sđd, tr. 93). Nếu trước kia, năm 1938 và năm 1946, ông chỉ nhắc đến ý kiến của Maspéro nơi cước chú thì nay ông đã đưa thẳng vào lập luận chính thức của mình: «Về danh hiệu Hùng vương thì H. Maspéro đã viện các sách Giao châu ngoại vực ký vàQuảng châu ký mà chứng minh rằng cái tên Hùng vương chính là cái tên Lạc vương chép lầm ra (...). Trước hết là người ta chép hai chữ lạc 駱 và 雒 lộn nhau, rồi chữ lạc (...) 雒 lộn thành chữ hùng 雄(...) Chính một sử thần nước ta chú thích sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã thấy chỗ lầm từ chữ lạcsang chữ hùng mà nói rằng danh hiệu «lạc tướng» sau bị người ta lầm là «hùng tướng», nhưng lại sợ uy quyền của tập truyền xưa nay vẫn gọi «Hùng vương» mà không dám nói đến cái lầm từ «Lạc vương» sang «Hùng vương» (Sđd, tr. 92-93).
Ba năm sau, trong Lịch sử Việt Nam, quyển thượng (Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958) ông vẫn duy trì quan điểm của mình như ông đã phát biểu trong Cổ sử Việt Nam tuy không chi tiết bằng (vì đây là một bộ thông sử dành cho một đối tượng rộng rãi).
Hoa Bằng thì đã tán thành danh hiệu Lạc Vương từ năm 1950. Ký tên Hoàng Thúc Trâm, trong Lịch-sửxã hội Việt-Nam (Nxb Thế giới, Hà Nội, 1950), ông đã dành hẳn một trong mười mục của quyển sách cho vấn đề «Hùng vương hay Lạc vương?». Ông nhắc lại cuộc tranh luận về vấn đề đang xét giữa Sở Cuồng Lê Dư với Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố cũng như nhắc lại quan điểm của Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương và Nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Trong phần phân tích của mình, Hoàng Thúc Trâm đã căn cứ vào Giao châu ngoại vực ký, Thủy kinh chú và An-nam chí nguyên là những sách của người Trung Hoa, đặc biệt là vào An-nam chí lược của Lê Tắc, một người Việt Nam ở thời nhà Trần đã đi theo quân Nguyên để khẳng định rằng Hùng Vương chỉ là do Lạc Vương chép nhầm mà ra. Về sử liệu mà sách của Lê Tắc đã cung cấp, Hoàng Thúc Trâm cho biết rằng: «Khi nào nhắc đến «vua» của Văn-lang, tác giả An-nam chí lược đều chép là Lạc vương cả» (Sđd. tr. 72). Đánh giá tính xác thực của sử liệu trong An Nam chí lược, ông đã viết: «Nội dung sách đó tuy có những điểm đáng kết án (về lập trường, quan điểm, vì theo Mông Cổ – HT) nhưng tựu trung (...) cũng cung cấp được nhiều sử liệu (...) cho ta kê cứu. Đó vì, theo như Lê Tắc tự nói hoặc những bạn văn của Tắc ở bên Nguyên đã giới thiệu trong các bài tựa, thì Tắc là người thông minh, học rộng, đi nhiều, rất thông thạo về địa lý và lịch sử bản quốc, nên ngoài những sử sách Trung-quốc dùng làm tài liệu, tác giả An-nam chí lược còn đem những sở kiến sở văn từ khi còn ở nước nhà mà ghi chép vào nữa (Sđd, tr. 72-73).
Về sự nhầm lẫn đã xảy ra, Hoàng Thúc Trâm viết: «Còn việc lầm «Lạc» ra «Hùng» thì sử thần Ngô Sĩ Liên, người thế kỷ mười lăm, đã chua rõ ở Đại Việt Sử ký ngoại kỷ toàn thư, quyển 1, tờ 3a: Lạc tướng hậu ngoa vi hùng tướng (...) Lạc tướng sau lầm làm Hùng tướng. Nhưng tại sao Ngô Sĩ Liên không nói đến Lạc vương? Có lẽ vì những cớ này: 1. Quan niệm tôn quân của nhà nho (...) đâu dám bỗng dưng nêu ra một thuyết đính ngoa, bảo là «Lạc vương sau lầm ra Hùng vương» vì e lạ tai lạ mắt người đời, thất kính với quốc tổ, tất nhiên từ trong triều đến ngoài nội, sử thần sẽ là cái đích cho muôn nghìn mũi tên nhằm bắn! (...) 2. Hai tiếng Hùng vương đã quen dùng trong dân gian (...) rất khó sửa lại cho đúng trong khi nói được (...) 3. Theo tâm lý chung, ai cũng thích chữ tên có nghĩa đẹp hơn nghĩa xấu(...)» (Sđd, tr. 73-74). Về phía cá nhân, Hoàng Thúc Trâm đã có một lập trường rất dứt khoát nên ông đã kết luận: «Nhưng đây là sử học, không phải là chuyện cảm tình, ta phải hoàn toàn khách quan mà trả lại sự thực cho lịch sử. Vậy từ nay, tưởng nên viết là Lạc vương (chúng tôi nhấn mạnh – HT)» (Sđd, tr. 74).
Trở lên là ý kiến của hai học giả danh tiếng về sau đã tham gia các cuộc hội nghị nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương. Tại hội nghị lần thứ II tổ chức vào tháng 4-1969, những người đã trực tiếp đặt lại vấn đề «Hùng Vương hay Lạc Vương?» vẫn là Đào Duy Anh và Hoa Bằng; ngoài ra còn có Nguyễn Đổng Chi.
Trong tham luận Góp ý kiến về vấn đề Hùng Vương, Đào Duy Anh đã đặt lại toàn bộ vấn đề thư tịch một cách nghiêm cẩn, rành mạch và rất xác đáng. Không quên nhắc lại vấn đề «Hùng Vương hay Lạc Vương», ông khẳng định rằng sách đầu tiên ghi chép về danh hiệu Lạc Vương là Giao châu ngoại vực ký thuộc thế kỷ IV, còn sách đầu tiên đã chép nhầm tất cả các chữ Lạc của Giao châu ngoại vực kýthành chữ Hùng là sách Nam Việt chí thuộc thế kỷ V. Vậy danh hiệu nguyên thủy vẫn là Lạc Vương. Tuy nhiên, vì những lý do tế nhị nên trong hội nghị này ông đã tỏ ra nhân nhượng mà phát biểu như sau: «Dù sao nữa, (...) cái danh hiệu Hùng Vương gắn liền với nguồn gốc và vận mệnh của tổ tiên chúng ta mà trải qua bao nhiêu đời sử cũ từ Đại Việt sử ký về sau và truyền thống của dân tộc vẫn gọi thế, thì ngày nay chúng ta vẫn trân trọng và giữ theo, còn các danh hiệu Lạc hầu Lạc tướng thì chúng ta cũng cứ gọi theo sử cũ, cho đến những danh từ Lạc điền Lạc dân cũng cứ gọi thế, chứ không theo sách Nam Việt chí mà đổi gọi là Hùng cả». (HVDN; t. II, tr. 280).
Trong tham luận Về Hùng Vương và xã hội Hùng Vương gồm có hai phần mà phần đầu có tiêu đề làHùng Vương hay Lạc Vương, Hoa Bằng nhắc lại rằng về vấn đề này, trước Cách mạng tháng Tám, nhiều người nhiều lần đã tranh luận nhưng chưa ngã ngũ. Nay đến lúc chúng ta cần phải làm cho dứt điểm» (Sđd, tr. 287). Ông vẫn cho rằng hầu hết các sử sách Trung Quốc xưa đều chép là Lạc Vương và lần này ông đã khảo sát ý nghĩa của tất cả các chữ Lạc khác nhau được dùng để ghi danh hiệu Lạc Vương thì thấy rằng những nghĩa đó đều không có gì là tốt đẹp cả. Nhưng ông cho rằng đó là một sự thật khách quan tồn tại, chúng ta chỉ có nhiệm vụ là trả cho Xê-da cái chi của Xê-da» (Sđd, tr. 288). Tuy chủ trương «trả cho Xê-da cái chi của Xê-da» nghĩa là trả cho «Hùng Vương» cái danh hiệu Lạc Vương nhưng cũng như Đào Duy Anh và cũng vì những lý do tế nhị như của Đào Duy Anh, Hoa Bằng đã nhân nhượng mà kết luận rằng ngày nay, chúng ta, dù muốn dù không, vẫn cứ phải gọi là «Hùng Vương», một từ vừa có ý nghĩa cao quý, đẹp đẽ, lại vừa được lưu hành phổ biến từ xưa đến nay». (Sđd, tr. 288).
Người thứ ba trong hội nghị này có trực tiếp đề cập đến vấn đề đang xét là Nguyễn Đổng Chi. Trong tham luận Tính chất xã hội thời kỳ Hùng Vương, ông cũng điểm lại các sách xưa có ghi chép về Lạc Vương là Giao châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký, quyển trước được Thủy Kinh chú trích dẫn còn quyển sau thì được Sử ký sách ẩn trích dẫn. Các sách trên đều nhất loạt ghi Lạc Vương, Lạc hầu, Lạc tướng v.v... Duy chỉ có Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn (thế kỷ V) rồi sau đó là Phiên Ngung tạp chícủa Trịnh Hùng đời Đường là bao nhiêu chữ lạc đều chép nhầm thành chữ hùng, làm hao tốn nhiều giấy mực cho các nhà nghiên cứu đời sau. Nghĩa là danh hiệu nguyên thủy, theo Nguyễn Đổng Chi, cũng làLạc Vương (X. Sđd, tr. 293).
Đến hội nghị lần thứ IV thì Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc không những chỉ thừa nhận hình thức gốc làLạc Vương mà còn đi sâu tìm hiểu ý nghĩa của từ tố lạc nữa (Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố «Lạc», HVDN, t. IV, tr. 134-141).
Tóm lại, theo ý kiến của những nhà nghiên cứu trên đây là những người trực tiếp thảo luận về mối quan hệ giữa hai danh hiệu Hùng Vương và Lạc Vương thì Lạc Vương mới là danh hiệu nguyên thủy về sau bị chép nhầm mà thành Hùng Vương chứ không phải là ngược lại. Còn những người không trực tiếp nêu vấn đề lên để thảo luận, khi cần nhấn mạnh đến danh hiệu nguyên thủy, cũng đều nhất loạt gọi là Lạc Vương. Đó là Trần Quốc Vượng trong bài Vài ý kiến chung quanh vấn đề thời kỳ Hùng Vương (X. HVDN, t. II, tr. 130), Nguyễn Linh trong bài Trở lại vấn đề vị trí nước Thục của Thục Phán (X. Sđd, tr. 193), Lã Văn Lô trong bài Tìm hiểu chế độ xã hội thời kỳ Hùng Vương qua chế độ lang đạo ở vùng Mường trước Cách mạng tháng Tám (X. Sđd, tr. 308 và 310), Nguyễn Linh và Hoàng Xuân Chinh trong bài Đất nước và con người thời Hùng Vương (X. HVDN, t. III, tr. 92), v.v... Còn tất cả những người khác khi sử dụng danh hiệu Hùng Vương thì đều là gọi theo thói quen chứ hoàn toàn không có bất cứ ai cho rằng danh xưng nguyên thủy phải là Hùng Vương cả. Riêng Nguyễn Duy Hinh trong bài Điểm qua tình hình thư tịch về thời đại Hùng Vương thì cho rằng Hùng Vương và Lạc Vương là hai cách đặt tên khác nhau của những tác giả khác nhau đối với người đứng đầu tổ chức xã hội đương thời ở nước ta mà thôi. Dù là Hùng Vương hay Lạc Vương đều là tên do các nhà viết sử phong kiến Trung Quốc đặt ra và cả hai tên đều có thể giải thích lý do đặt tên được (HVDN, t. I, tr. 97). Đương nhiên là người ta không thể dễ dàng chấp nhận rằng đây là một ý kiến có căn cứ.
Tóm lại, vấn đề có thể coi như đã rõ ràng. Thế nhưng trong hội nghị lần thứ III, Trần Quốc Vượng lại có một bài tham luận nhan đề Về danh hiệu Hùng Vương (HVDN, t. III, tr. 353-355), qua đó ông muốn xem Hùng Vương là một danh hiệu riêng biệt chứ không phải do Lạc Vương bị chép nhầm mà ra. Ông muốn «tiếp cận vấn đề Hùng Vương từ ngả đường ngôn ngữ học», viện lẽ rằng «có nhiều tên đất, tên người, tên cây cỏ, cầm thú,... của Việt Nam thời cổ được ghi bằng chữ Hán, nhưng thật ra là phiên âm tiếng Việt cổ» (Sđd, tr. 353) mà yếu tố hùng trong Hùng Vương là một trường hợp.
Trần Quốc Vượng cho rằng Hùng 雄 là một yếu tố tiếng Việt cổ tương ứng với các yếu tố sau đây: Kuncủa tiếng Mường có nghĩa là con trưởng ngành trưởng nhà lang, Khun trong các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Môn-Khmer và ngữ hệ Tày-Thái như tiếng Laha, Kháng, Ksingmul, Khmu, Thái Tây Bắc và Lào, có nghĩa là người tù trưởng, người cầm đầu, cũng là tiếng chỉ giới qúy tộc, chỉ người được tôn kính. Thí dụ:Khun Borôm là người tù trưởng nửa huyền thoại nửa lịch sử của người Lào; Khun Quằng, Khun Mun, Khun Piền,... là những tù trưởng của người Laha và người Kháng, Khun Coong là người cầm đầu, chỉ huy việc làm chiếc trống mới trong lễ cổ truyền mừng thắng trận của A-nha Thái Thuận Châu trước Cách mạng tháng Tám. Ngoài ra ông còn liên hệ với tiếng Mun-đa ở Ấn Độ; ngôn ngữ này có Khunztchỉ người cầm đầu gia tộc hay các lĩnh vực đời sống, tôn giáo. Thậm chí ông còn liên hệ với thổ ngữ Sơn Tây ngày trước trong phương ngữ Bắc bộ; ở đây trẻ con chửi nhau có câu «Tiên sư ông Khuấn nhà mày». Khuấn được giải thích như là ông tổ, người cầm đầu một gia tộc. Về mặt ngữ nghĩa là như thế.
Về mặt ngữ âm, Trần Quốc Vượng cho rằng các phụ âm đầu k, kh, h dễ dàng chuyển đổi với nhau vì đó là những phụ âm cùng vị trí cấu âm (ngạc sau hay lưỡi sau) chỉ khác nhau về phương thức cấu âm (k là âm tắc, k’ là âm bật hơi, kh là âm xát) mà thôi. Riêng âm h tuy không phải là âm lưỡi sau mà là âm thanh hầu nhưng về vị trí thì cũng như các âm trên, nó được phát âm ở một vị trí về phía trong và do đó có thể tham gia loạt chuyển đổi này. Phụ âm mà tiếng Hán Việt phát âm là h vốn tương ứng với một âm h hay kh trong các phương ngữ tiếng Hán hiện đại. Theo sự phục nguyên của B. Karlgren đã được đông đảo các nhà ngữ học Trung Quốc cũng như nước ngoài thừa nhận thì trong cổ âm Hán ngữ, các phụ âm đầu của các từ (âm vận học truyền thống của Trung Hoa gọi là các thanh mẫu -HT) kiến, khê, hiểu, hạp, hứa đều được coi là cùng vị trí và đều được gọi là nha âm, tức âm lưỡi sau theo thuật ngữ hiện đại. Từ hiện nay phát âm là hùng thì ở khoảng thế kỷ thứ V (Nam Việt chí là sách đầu tiên ghi chép danh hiệu Hùng Vương ra đời vào thế kỷ này) không thể có dạng như hiện nay mà phải có phụ âm đầu là một phụ âm lưỡi sau như kh hoặc k. Do đó mà nó rất gần với khun, kun, khunzt.
Trở lên là cách giải thích của Trần Quốc Vượng về yếu tố hùng trong Hùng Vương. Cách giải thích này sau đó còn được ông truyền giảng hoặc thông báo cho nhiều cử tọa khác nhau, trong đó có cả Hội nghị lần thứ IV giữa các nước xã hội chủ nghĩa về các ngôn ngữ phương Đông họp tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1986 (X. Tiếp cận lịch sử văn hóa Việt Nam từ ngả đường ngôn ngữ, trong Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông, Hà Nội, 1986, tr. 477-489), Sau đây chúng tôi sẽ phân tích xem cách giải thích trên đây của Trần Quốc Vượng có giá trị như thế nào.
Trần Quốc Vượng đã xem khun là một từ chung (= cùng gốc và là họ hàng với nhau) của nhiều ngôn ngữ thuộc họ Môn-Khmer và Tày-Thái. Nhưng người ta không thể luôn luôn xem các từ đồng nghĩa và đồng âm, hoặc cận âm trong những ngôn ngữ lân cận là những từ cùng gốc bởi chúng rất có thể chỉ là những từ vay mượn của nhau mà thôi. Nhiều nhà ngữ học bậc thầy đã nhắc nhở điều này. L. Hjemslev đã viết: «Hai ký hiệu có thể tỏ ra thậm giống nhau mà vẫn không hề có với nhau một mối tương quan phổ hệ nào cả» và «Nếu người ta phải căn cứ vào sự giống nhau bên ngoài thì không thể phân biệt được những từ vốn là vay mượn với những từ vốn cùng nguồn gốc với nhau (Le langage, traduit du danois par Michel Olsen, Paris, 1969, p. 112). Nói về việc nhìn vào hình thức ngữ âm của các từ mà định họ hàng như Trần Quốc Vương đã làm, J. Vendryès đã viết: «Đó là một phương pháp nguy hiểm. Trong giới tự nhiên, có những người cùng họ hàng giống nhau đến nỗi người này bị nhận là người kia. Nhưng không phải tất cả những kẻ giống hệt nhau đều là họ hàng của nhau. Trong ngữ học cũng vậy, những sự giống nhau thường hay đánh lừa» (Le langage, Paris, 1921, p. 360).
A. Meillet cũng từng viết: «Khi người ta gặp trong nhiều ngôn ngữ – có họ hàng hay không – những từ giống nhau sát sao vừa về hình thức vừa về nghĩa, thì trước hết người ta phải tự hỏi xem có phải là tất cả các ngôn ngữ còn lại đã vay mượn của một trong những ngôn ngữ ấy hay không» (Introduction à l’étude comparative des langues indo-européennes, Paris, 1937, p. 378). Meillet đã cho thí dụ về danh từ có nghĩa là hình phạt, tiền chuộc, v.v... trong một số ngôn ngữ Ấn Âu: tiếng Hy Lạp poinê, tiếng Latin poena, tiếng Ireland cổ đại pian, tiếng Gallois poen, tiếng Thượng Đức cổ đại pina (Đức hiện đại pein), tiếng Anh cổ đại pi:n (Anh hiện đại pine, pain) và chỉ rõ ra rằng đó không phải là một từ gốc Ấn Âu cổ xưa mà các ngôn ngữ trên đây đều cùng bảo tồn được. Lý do là một p của nhóm Celtic, (mà đại diện ở đây là tiếng Ireland cổ đại và tiếng Gallois) không bao giờ là một p Ấn Âu; cũng vậy đối với p của nhóm Germanic (mà đại diện ở đây là tiếng Đức và tiếng Anh). Thực tế ở đây là các ngôn ngữ Ireland, Gallois, Đức, Anh đều đã mượn ở tiếng Latin poena còn chính cái từ này của tiếng Latin thì lại là mượn ở phương ngữ Dorien của tiếng Hy Lạp: đó là danh từ poina (X. Sđd, tr. 378).
Ngay trong một họ ngôn ngữ mà còn như thế, huống chi các ngôn ngữ mà Trần Quốc Vượng đã trưng dẫn, thuộc hai họ khác nhau, một đằng là Môn-Khmer, một đằng là Tày-Thái, thì làm sao có thể nói rằng khun là một từ chung cho các ngôn ngữ của ông được? Thực ra, khun là một từ mà các ngôn ngữ Laha, Kháng, Ksingmul và Khmu đã trực tiếp mượn từ tiếng Lào hoặc gián tiếp mượn của tiếng Lào thông qua tiếng Thái Tây Bắc, còn chính tiếng Lào thì lại mượn từ tiếng Pali guru có nghĩa là người thầy hoặc người được sùng kính.
Trong tiếng Lào, từ đang xét không phải là một từ có thanh ngang; nó có thanh thấp đi lên mà chúng tôi tạm ghi bằng dấu ngã. Bởi thế, đó không phải là khun mà là khũn (Trở xuống, tiếng Lào được ghi âm bằng chữ quốc ngữ nên giá trị phát âm giống như trong tiếng Việt. Riêng về thanh điệu thì sẽ ghi theo Marc Reinhorn trong Dictionnaire laotien-français (Paris, 1970) nhưng thanh thấp đi lên (grave montant) thì ghi bằng dấu ngã như đã nói: những thanh này không có giá trị giống như trong tiếng Việt. Còn tiếng Pāli thì được ghi bằng chữ Latin theo quy ước thông dụng. Những cứ liệu tiếng Lào là lấy theo M. Reinhorn). Tiếng Pali guru cho ra tiếng Lào khũn là một hiện tượng hoàn toàn đúng qui luật.
Trước hết, Pāli g > Lào kh là một hiện tượng phổ biến, chẳng hạn gaja > khásá (con voi), gamma >khămmá (bình thường, thông tục), gini > khíntí (lửa) gutti > khút, dạng tắt và khúttì dạng đầy đủ (sự bảo vệ, sự trông nom), geha > khêhà (nhà), nagara > nákhon (thành phố, xứ sở) v.v...
Thứ đến, cũng là bình thường hiện tượng r của Pali, sau nguyên âm của âm tiết trước, trở thành ntrong tiếng Lào khi nào âm tiết tiếp theo của tiếng Pāli do nó khởi đầu bị tiếng Lào lược bỏ; sự lược bỏ này trong nhiều trường hợp đã cho ra thanh thấp đi lên trong tiếng Lào. Thí dụ: sara > sõn (nguyên âm), sira > siễn (đầu, người đứng đầu), vihàra > vihãn (tu viện, chùa chiền), ghora > khỗn (quỷ, yêu ma), kesara > kaysõn (nhụy hoa)...
Cần nói rõ ràng thêm rằng phụ âm đầu của từ khũn trong tiếng Lào lẽ ra phải được ghi bằng chữ kho là chữ thứ ba trong bảng chữ cái của Lào, vẫn được dùng để phiên âm âm vị đầu tiên của những âm tiết Pali bắt đầu bằng g. Nhưng ở đây nó lại được ghi bằng chữ khõ là chữ thứ hai trong bảng chữ cái. Đây là một điều bất thường, nhưng điều bất thường này có thể giải thích được vì khũn không phải là trường hợp duy nhất đi chệch khỏi quy tắc: thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp những trường hợp như thế, chẳng hạn Pāli giddhi > Lào khíthì (keo kiệt, bủn xỉn). Phụ âm đầu của từ này trong tiếng Lào cũng được ghi bằng chữ khõ là chữ thứ hai trong bảng chữ cái thay vì bằng chữ kho là chữ thứ ba.
Vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, khũn của tiếng Lào - và cả của tiếng Xiêm: ngôn ngữ này cũng mượn từ Pali guru và phát âm giống như tiếng Lào - là một từ gốc Pāli [1]; từ này đã được các ngôn ngữ Thái Tây Bắc, Laha, Kháng, Ksingmul và Khmu mượn lại chứ tuyệt nhiên không phải là một từ «bản ngữ» trong các thứ tiếng này như Trần Quốc Vượng đã ngộ nhận.
Trần Quốc Vượng còn cả quyết rằng từ hiện nay phát âm là hùng thì ở khoảng thế kỷ V không thể có dạng như hiện nay mà phải có âm đầu là một phụ âm lưỡi sau như kh, k. Rõ ràng đây là một sự khẳng định vô căn cứ. Mọi người đều biết rằng chữ hùng 雄 là một chữ thuộc thanh mẫu hạp 匣, một thanh mẫu mà giá trị ngữ âm ở thế kỷ V đã được phục nguyên là ɣ (Vương Lực, B. Karlgen, H. Maspéro, Đổng Đồng Hòa, ...) hoặc h (Đường Tác Phiên). Cả hai âm này đều là phụ âm hữu thanh. Riêng Karlgren về sau đã phục nguyên lại cho hùng một phụ âm đầu khác là g (X. Grammata Serica Recensa, Stockholm; 1957, pp. 236-237, series 88, l) nhưng đây vẫn là một phụ âm hữu thanh. Còn những âm mà Trần Quốc Vượng đưa ra (kh, k) đều là những phụ âm vô thanh trong khi đó ông lại nhận là mình đã làm công việc phục nguyên theo kết quả nghiên cứu của B. Karlgren «đã được đông đảo các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc cũng như nước ngoài thừa nhận»!
Nhưng cái thiếu sót rõ nhất của Trần Quốc Vượng là ở chỗ trong khi ông phục nguyên cho từ hùng cái phụ âm đầu kh (hoặc k) của thế kỷ V thì ông lại để nguyên phụ âm đầu của khun (hoặc kun) trong trạng thái hiện đại của nó. Một sự so sánh như thế rõ ràng là một sự so sánh khập khiễng: nó không có giá trị. Lẽ ra ông cũng phải phục nguyên cho khun (hoặc kun) cái phụ âm đầu ở thế kỷ V. Còn nếu quả là ở thế kỷ V, phụ âm đầu của khun (hoặc kun) vẫn là kh (hoặc k) thì điều này lại đòi hỏi một sự chứng minh chặt chẽ và rành mạch chứ cũng không thể chỉ là kết quả của một sự khẳng định suông được.
Trở lên là ý kiến của một số nhà nghiên cứu. Dưới đây là ý kiến cá nhân. Không dám động đến truyền thống và tình cảm dân tộc, chúng tôi cho rằng ai có muốn gọi các vị quốc tổ của chúng ta là «Hùng Vương» thì xin cứ gọi như thế cho được thỏa nguyện. Không có một đạo luật nào cấm gọi như thế cả. Nhưng ngược lại cũng không có một đạo luật nào cấm các sử gia gọi các vị quốc tổ là Lạc Vương khi đây là một sự thật mà họ đã chứng minh.
Chúng tôi mạo muội mường tượng rằng nếu các đấng tiên nhân của chúng ta biết đến cái lập luận của người hiện đại trong việc cố gắng duy trì danh hiệu «Hùng Vương» thì hẳn các vị sẽ nhắn nhủ với di duệ của mình: «Chúng ta là con cháu đức Lạc Long Quân, thuộc nòi giống Lạc Việt, lại làm «vua» củaLạc dân (= dân Lạc) nơi xứ sở của Lạc điền (= ruộng Lạc) có các Lạc hầu và Lạc tướng trông coi mà bị gọi là «Hùng Vương» thì không thú vị lắm! Hãy cho chúng ta được về nguồn mà gọi chúng ta là Lạc Vương». ●
(Một tháng trước ngày Giỗ Tổ năm 1992)
* Đăng lần đầu tiên trên Kiến thức ngày nay, số 81, ngày 1-4-1992.
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 113-128.
[1] Với thanh điệu đã nói, Khũn chỉ có thể do Pāli guru mà ra, chứ không thể do quân 君 của tiếng Hán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét