| 19.5.2006 Bùi Kha Sau khi viết bài “Alexandre de Rhode, chữ Quốc ngữ và quan điểm chính trị”, tôi định ngưng bàn về vấn đề này cho đến cuối tháng 8 năm nay vì có một số việc cần phải làm. Nhưng thấy có hai bài viết sai lầm về quan điểm chính trị của A. de Rhodes, nên tôi muốn trả lời ngắn để làm sáng rõ vấn đề. Trước hết, tôi muốn nhân cơ hội này, để một lần nữa, biện chính với tất cả những ai, nhất là linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, các giáo sư Chương Thâu, Nguyễn Đình Đầu và Đinh Xuân Lâm về cụm từ “la conquête de tout l’Orient”, mà quí vị dịch và chú thích là “Nước Cha trị đến”, là một việc làm hết sức tùy tiện, đoạt từ cưỡng ý. Cụm từ “Nước Cha trị đến” tiếng Anh viết là “thy kingdom come” được tìm thấy trong cuốn Lord’s Prayer (Kinh Lạy Cha). Đây là một bài được in trong Kinh Nhật Khoá của các nhà thờ, hầu như con chiên nào cũng biết. Đoạn tôi trích sau đây ở trong cuốn Worship II (nhà xuất bản G.I.A publication, Inc. Edition 1975. Sách không có số trang nhưng đánh số thứ tự theo bài), bài thứ 334: Our Father, who art in heaven (Lạy Cha chúng con ở trên trời) hallowed be thy name (chúng con nguyện danh Cha cả sáng); thy kingdom come (nước Cha trị đến); thy will be done on earth as it is in heaven(vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời). Give us this day our daily bread (Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày) and forgive us our trespasses (và tha nợ chúng con) as we forgive those who trespass against us (như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con); and lead us not into temptation (xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ) but deliver us from evil (nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ). Amen. Tôi hy vọng từ nay không ai còn nhầm lẫn hay cố ý nhầm lẫn để dịch theo ý riêng của mình, nhằm thoả mãn một tình cảm nào đó.
A. Ông Phạm Quang Tuấn 1. Ông chỉ trích việc tôi dẫn định nghĩa trong từ điển để minh chứng cho cách dịch chữ “soldat” và cụm từ “la conquête de tout l’Orient” như sau: “Lý lẽ này rất nực cười. Muốn hiểu mọi nghĩa đen nghĩa bóng của một chữ thì phải xem người đời dùng chữ đó ra sao, chứ từ điển (nhất là từ điển yếu lược như những từ điển Pháp Việt, Anh Việt hiện có) làm sao mà kê khai được tất cả những lối viết văn vẻ, bóng bảy của mọi giới, mọi nghề? Chỉ có những người không rành tiếng Anh hay tiếng Pháp mới phải viện dẫn hai từ điển đó...” Trong bài, tôi đã dẫn chứng đến SÁU luận điểm; từ bối cảnh chính trị, tôn giáo, hành động, phát ngôn và tư cách của linh mục de Rhodes, để quyết định hiểu chữ “soldats” theo nghĩa nào. Việc ông Tuấn chỉ trích dẫn một trong sáu luận điểm để đối luận với tôi là ông Tuấn thiếu đàng hoàng. Thực ra, còn hai chứng cớ nữa để hiểu chữ “soldats” mà Lm. de Rhodes dùng có nghĩa là binh lính vì trong thời gian trú ngụ tại Việt nam, de Rhodes đã vẽ một bản đồ có tính chiến lược về quê hương ta. Trong cuốn Phép giảng Tám ngày, Lm. de Rhodes còn hung bạo đòi chém ông Thích Ca, người sáng lập đạo Phật. Hành động không đưa ra tòa, không có án tử hình mà đòi chém kẻ khác, thì việc xin binh lính chỉ là một hành động hết sức bình thường, tại sao ông Tuấn còn bênh vực một cách thiếu sử liệu và vô lý? 2. Ông trích: “Bùi Kha viết "Danh từ ‘La France’ (nước Pháp) chứ không phải danh từ ‘Eglise francaise’ (Giáo hội Pháp) là chủ từ của mệnh đề đó, nên chữ ‘soldat’ phải được hiểu là ‘lính chiến’ chứ không thể hiểu ẩn dụ là ‘lính thừa sai’ được.", nhưng lại bỏ đoạn kế tiếp của tôi [1] rồi đặt câu hỏi “Xin hỏi tại sao nước Pháp (la France) lại không thể có thừa sai, hay những linh mục có thể gửi đi làm thừa sai? Như vậy nói "Pháp có nhiều tàu chiến" là sai, phải nói là "hải quân Pháp có nhiều tàu chiến" mới là đúng sao?” Một lần nữa trong đoạn tiếp theo tôi cũng nhắc lại cụm từ “chính phủ Pháp” [2] , nhưng ông Tuấn vẫn lờ đi. Hai lần ông Tuấn cố tình bỏ quên 3 chữ “chính phủ Pháp” của tôi, mà chỉ sử dụng hai từ “Nước Pháp, La France” để lạc dẫn dư luận. 3. Ông Phạm Quang Tuấn trích việc tôi viện dẫn sự kiện linh mục Alexandre de Rhodes vào triều đình vận động làm bằng chứng (cho hành động của A. de Rhodes), rồi đặt câu hỏi: “Vào triều đình đâu có nghĩa là chỉ có thể để xin lính chiến. Tại sao Bùi Kha không nghĩ là de Rhodes xin bảo trợ tiền bạc cho thừa sai, và giúp ông quảng bá lời kêu gọi truyền giáo của ông đi khắp các giáo phận của Pháp? Trước đó thì triều đình Bồ Đào Nha đã bảo trợ rất nhiều cho công việc truyền giáo, vậy de Rhodes xin triều đình Pháp bảo trợ thì có gì là không hợp lý? Ngoài ra, ước muốn chính của de Rhodes là có giám mục đi Việt Nam, vì chỉ giám mục mới có quyền phong chức linh mục cho người bản xứ, để cho việc truyền đạo được nhanh chóng. Vì vậy de Rhodes cần vào triều đình (xin xem giải thích thêm ở sau)”. Việc ông Tuấn đặt câu hỏi “tại sao, không nghĩ... xin triều đình bảo trợ tiền bạc… xin quảng bá lời kêu gọi...”, chỉ là các giả thiết và cách suy diễn của ông Tuấn mà thôi, chứ không có tư liệu làm bằng. 4. Ông Phạm Quang Tuấn viết: “Bùi Kha viết " Linh mục de Rhodes cũng đã bộc lộ thêm: ‘Tôi chưa công bố thánh chiến… và đem đi cắm những nơi cùng kiệt cõi đất’." Thật lạ lùng khi Bùi Kha dùng đoạn này để chứng tỏ soldat là lính chiến (nghĩa đen)! Câu này cho thấy là de Rhodes lúc nào cũng nghĩ tới các nhà truyền đạo, chứ đâu có nghĩ tới lính đánh trận.” Xin hỏi ông Tuấn là đạo Công giáo có đến tám cuộc Thánh chiến, họ có dùng binh lính, có các giáo sĩ và tín đồ có vũ trang để tàn sát trên cả trăm triệu mạng người vô tội không? Chẳng lẽ chỉ có cuộc “Thánh chiến” của Lm. Rhodes (“Tôi chưa công bố cuộc thánh chiến chống lại...”) là thuần túy “đạo đức” vì họ là các “nhà truyền đạo”? Nếu được như vậy, hẳn giáo hoàng Phao Lồ II đã không cần phải thiết bàn thờ (ngày 12.3.2000) để xin nhân loại tha thứ bảy núi tội mà giáo hội đã phạm trong suốt hai ngàn năm truyền giáo. 5. Ông Tuấn viết “Ông Bùi Kha có hiểu "con cái thánh Inhaxu" và Phanchicô Xavie là những ai không nhỉ?” Thưa ông Phạm Quang Tuấn, tôi biết rất ít về hai vị “thánh” này, nên chỉ xin trình bày vài nét như sau: a. Thánh Inhaxu (thánh Ignatius, người sáng lập dòng Tên): “Từ lúc Ignatius chết năm 1556, các con của ông (các giáo sĩ Dòng Tên) đã chiến đấu chống lại các người ngoại giáo ở Ấn độ, Trung hoa, Nhật, Tân thế giới, và đặc biệt là miền Nam nước Pháp và Tây Đức.” [3]“Những tu sĩ dòng Tên là những trí thức hợm hĩnh kiêu ngạo (intellectual arrogant), chủ trương cứu cánh biện minh cho tất cả các phương tiện (The end justifies all the means). Họ chủ trương tìm mọi cách làm lợi cho giáo hoàng La mã” (We know best what benefits the pontiff). b. “Thánh” Phanchicô Xavie (Francis Xavier) là môn đệ khét tiếng của Inhaxu (nói ở trên). Kinh “Nhật Khoá” của Giáo phận Sài gòn, được Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình duyệt y, ngày 19.3.1971, có đoạn cầu ông “thánh” Phan-ci-cô Xa-vi như sau: “Ông Thánh Phan xi cô là môn đệ rất xứng đáng của ông Thánh I-nha-xi-ô (Ignatius)- là quan thầy các nước Đông phương;
- là kẻ nghịch đạo dị đoan;
- phá tan đạo bụt thần ma quỉ;
- là lính rao tiếng Đức Chúa Thánh Thần cho những dân mọi rợ.”
Theo đoạn kinh này thì hơn 90% dân Việt Nam không theo Công giáo đều là những tên mọi rợ, cần phải tiêu diệt tất cả. Trong “Toàn niên kinh nguyện” của địa phận Bùi Chu và Hà nội [4] , chúng ta cũng thấy những câu tương tự: “Cúi xin Chúa từ nay về sau đừng để những người ngoại đạo khinh dễ công ơn cứu chuộc. Xin Chúa vì lòng nhân từ Chúa mà dong thứ cho những kẻ ấy xưa nay đã lạc đàng thờ lạy bụt thần”. (trang 18-19). Qua trang 143-145 cũng có các câu tương tự: “Xin Chúa hãy làm vua các kẻ còn ở nơi tăm tối thờ lạy bụt thần hay là theo đạo Mahomét mà rũ thương chúng nó nhận biết sự sáng thật cùng phục quyền Chúa tôi.” Tín đồ đạo Phật (bụt) thì không sao. Còn với người Hồi giáo, rất may là họ không đọc được tiếng Việt. Nếu không, hẳn sẽ có chuyện đổ máu xảy ra, tội nghiệp cho con dân Việt nam vô tội. Ðã trải qua hơn ba thế kỷ, từ thời Lm. Đắc Lộ, mà các chức sắc giáo hội Công giáo Việt Nam còn có thái độ khinh mạn, đòi “phá tan” những tín ngưỡng khác như vậy. Có thể coi đó là lý do thứ 8 nữa để chứng minh nghĩa ngữ của chữ soldats mà linh mục dòng Tên A. de Rhodes sử dụng trong cuốn Hành trình và truyền giáo của ông. 6. Ông Phạm Quang Tuấn tiếp: “Bùi Kha viết "Giáo sĩ Ðắc Lộ (hoặc bất cứ một giáo sĩ nào) không thể trông cậy vào Giáo hội Pháp (hoặc bất cứ một giáo hội nào) nên ông đã vào triều đình Pháp để xin lính chiến là do bối cảnh chính trị tôn giáo trong thời kỳ đó như thế. Nhưng trong thời gian trị vì, vua Louis XIV bận rộn với những cuộc chiến tại Âu châu và phí tổn xây cất cung điện Versailles quá lớn, nên việc vận động của giáo sĩ Ðắc Lộ, có lẽ vì thế, mà không thành." Không hiểu Bùi Kha đã lấy tài liệu ở đâu về cái "bối cảnh chính trị tôn giáo" kỳ cục của ông để suy diễn lung tung như vậy. Trong thời kỳ de Rhodes đến Pháp tìm thừa sai, Louis làm sao mà "bận rộn với những cuộc chiến tại Âu châu và phí tổn xây cất cung điện Versailles"! Lúc ấy, Louis XIV hãy còn là "vua kiểng", quyền hành nằm hết trong tay quan nhiếp chính Mazarin cho tới khi ông này chết vào năm 1661. Versailles chỉ bắt đầu xây năm 1661. De Rhodes trở về Âu châu năm 1649, thăm Pháp trong thập niên sau đó, và chết ở Ba Tư năm 1660.” Về đoạn phê bình này, thì ông Tuấn có đúng một phần nhỏ, nhất là thời gian xây cất cung điện Versailles. Nhưng về tình hình chính trị và tôn giáo thời bấy giờ, tôi có thể tóm lược như sau. Giáo hội La Mã muốn biến nước Pháp thành một nước ngoan đạo và cuồng tín như Tây Ban Nha. Khi Vua Henri IV bị ám sát chết vào năm 1610, vua Louis XIII (1610--1643) lên nối ngôi. Giáo hội bố trí cho Hồng y Richelieu nắm giữ chức vụ tương đương như thủ tướng bây giờ. Theo lệnh của Giáo hội, Hồng y Richelieu cố gắng biến nước Pháp thành một nước theo đạo Công giáo hùng mạnh nhất Âu Châu để khống chế các nước khác theo đạo Tin Lành và biến ông vua nước Pháp thành một tên bạo chúa theo khuôn mẫu như các bạo chúa Ferdinand V (1452-1516), Isabella I (1451-1504), Philip II (1527-1598) của Tây Ban Nha và Mary I (1553-1558) với tục danh là "Mụ Mary Khát Máu" (Bloody Mary) của nước Anh. Sự kiện này được sách Living World History viết như sau: "Với dáng người mảnh khảnh, nước da xanh xao do một căn bệnh bất khả trị gây nên, nhưng Hồng y Richelieu lại có một ý chí sắt đá. Ông đã thành công hai mục tiêu là (1) tăng cường quyền lực của nhà vua và (2) làm cho nước Pháp trở nên hùng mạnh nhất ở Âu Châu. Để hoàn thành mục tiêu thứ nhất, ông bãi bỏ quyền chính trị của tín đồ Tin Lành Huguenots và quyền lực của giới quý tộc. Ông ra lệnh tấn công vào thành phố quan trọng, La Rochelle, của người Tin Lành Huguenots để cưỡng bách Tin Lành phải từ bỏ đặc quyền duy trì quân lính trú đóng ở trong các thị trấn của họ. Ông ban hành sắc lệnh tiêu hủy tất cả các lâu đài nào của giới quý tộc không cần thiết cho việc phòng thủ quốc gia. Giới quý tộc tại các địa phương phải nhường quyền hành cho các bồi thần tay sai thân tín của nhà vua có nhiệm vụ canh chừng và theo dõi mọi hoạt động của những người bị coi như là kẻ thù của vua. Hồng Y Richelieu cũng hoàn thành được mục tiêu thứ hai bằng cách làm suy yếu quyền lực của triều đình Hapsburgs. Ông đẩy nước Pháp vào cuộc Chiến 30 Năm và sau cùng nước Pháp trở thành một quốc gia hùng mạnh nhất Âu Châu."[5] Vua Louis XIII qua đời vào năm 1643, người lên kế nghiệp là vua Louis XIV (1643-1715), nhưng quyền hành vẫn ở trong tay Giáo hội với Hồng y Mazarin nắm giữ chức vụ thay thế Hồng y Richelieu (qua đời vào ngày 4 tháng 12 năm 1642.) Hồng y Mazarin cũng đi theo con đường của ông hồng y tiền nhiệm (Richelieu) do Giáo hội La Mã vạch ra từ trước, và đã hoàn thành nhiệm vụ biến vua Louis XIV thành một bạo chúa lừng danh của nước Pháp với lời tuyên bố để đời "L' État, c' est moi" (Quốc gia chính là ta). Trong khi đó, nhân dân Pháp thù ghét chế độ này đến tận xương tủy. Đoạn văn sử dưới đây là bằng chứng: "Hà khắc và luôn luôn hà khắc, Hồng y Richelieu tỏ ra rất ít quan tâm đến đời sống người dân thường của nước Pháp. Chính ông đã cưỡng bách nhân dân Pháp phải gánh chịu thuế khóa nặng nề. Cũng vì thế mà khi ông ta chết vào năm 1642 cũng là lúc nhân dân Pháp hân hoan reo mừng. Một năm sau, vua Louis XIII cũng qua đời, người con trai của nhà vua lên nối ngôi là Louis XIV, lúc đó mới có 4 tuổi. Trước khi chết, Hồng y Richelieu đã huấn luyện được người chuẩn sẽ thay thế mình là Hồng y Mazarin gốc Ý Đại Lợi. Trong thời kỳ tuổi thơ của Vua Louis XIV, Mazarin nắm trọn quyền chính. Các nhà quý tộc có thế lực cố gắng chống lại để giành quyền bị ông hồng y này đàn áp thẳng tay. Vì thế mà nước Pháp rơi vào thảm cảnh nội chiến. Các nhà viết sử gọi cuộc nội chiến này là "The Fronde". Cuối cùng vào năm 1653, các thế lực chống đối đều bị dẹp tan hay quy phục chính quyền của nhà vua (thực ra là của Hồng y Mazarin, có Giáo hội La Mã ở hậu trường). Khi Hồng y Mazarin qua đời vào năm 1661, Vua Louis XIV đã 22 tuổi, và trực tiếp nắm trọn mọi việc triều cương. Vua Louis XIV là một trong những ông vua quyền thế trong các ông vua của nước Pháp. Ông cầm quyền cho đến năm 1715 và được xem như là một người chuyên chế hoàn hảo. Ông tuyên bố "Quốc gia là ta", một lời nói diễn tả chính xác thái độ của ông đối với nước Pháp." [6] Vua Louis XIV không những lừng danh về lời tuyên bố “L’État C'est moi", mà còn nổi tiếng về việc xây điện Versailles và chính sách đàn áp các tôn giáo khác với những biện pháp vô cùng dã man, trong đó có việc hủy bỏ Sắc lệnh Nantes vào năm 1685. Sự kiện này được các nhà viết sử ghi lại như sau: "… Thế rồi Vua Louis XIV phạm một lỗi lầm đã làm suy yếu nước Pháp. Ông ta nhất quyết cho rằng người Tin Lành Huguenots là những người bất trung và là mối nguy hiểm cho đất nước. Năm 1685, nhà vua ra lệnh hủy bỏ Sắc lệnh Nantes, luật này cho phép người Tin Lành được hưởng quyền tự do tôn giáo. Hơn một trăm ngàn dân Pháp theo đạo Tin lành Huguenots đành phải bỏ nước Pháp mà đi còn hơn là phải từ bỏ tín ngưỡng của họ và theo đạo Công giáo La Mã để được ở lại nước Pháp. Mặc dầu tín đồ Tin Lành chỉ chiếm vào khoảng 10 phần trăm dân số nước Pháp, nhưng trong khối tín đồ Tin Lành này, có nhiều người là những nhà lãnh đạo trong các ngành kỹ nghệ, là các thương gia và các nhà thủ công nghệ tuyệt vời. Mất đi những tài năng này là làm cho nước Pháp thiệt hại rất nhiều." [7] Tôi hơi dài dòng trong đoạn trích dẫn này để ông Tuấn khỏi thắc mắc và lạc dẫn người đọc là tôi lấy tài liệu ở đâu. Có điều không hiểu tại sao ông Tuấn không nói rõ chức tước Mazarin là Hồng y do giáo hội La Mã gài vào bên cạnh ông vua trẻ tuổi mà chỉ gọi là “quan nhiếp chính Mazarin”? Như thế, nước Pháp thời bấy giờ được điều hành bởi một ông Hồng y (còn vua chỉ mới 14 tuổi). Lm. Đắc Lộ vào triều để gặp hoàng hậu, gặp vua, gặp hồng y xin “plusieurs soldats” để “la conquête de tout l’Orient”, lại càng tốt hơn nữa, vừa che đậy được sắc lệnh của giáo hoàng Alexander VI, chia thế giới cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, vừa dễ có kết quả hơn, vì vua còn quá trẻ (14 tuổi) và “phe ta” đã ngự trị trong triều! Nhất cử lưỡng tiện. Trong bài trước, tôi đã trích sắc lệnh của Giáo hoàng Alexander VI về việc chia thế giới cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha nên giáo hội Pháp không thể chen chân vào phương Đông được mà chỉ có nước Pháp mà thôi. Đoạn mô tả về tình hình chính trị tại Pháp lúc bấy giờ như trên làm sáng rõ thêm nhận định của tôi về quan điểm chính trị của Lm. Rhodes. Do đó, câu ông Tuấn phê bình dưới đây nên thế hai chữ Bùi Kha thành Phạm Quang Tuấn mới đúng: “Quả là người đọc, nếu không hiểu về bối cảnh chính trị tôn giáo ở Pháp thời đó, sẽ lấy làm lạ về việc de Rhodes tìm tới triều đình Pháp và có thể suy diễn lung tung như ông Phạm Quang Tuấn đã làm.” 7. Về lời thề bí mật của dòng Tên đã được phát giác: thậm chí quốc hội Mỹ cũng đã có biên bản về lời thề độc ác này. Nhưng ông Phạm Quang Tuấn lại cho rằng “Thực ra, đó chỉ là một lời thề giả mạo.” Theo tôi, nếu ông Tuấn viết rằng “Lời thề đó do cộng sản bày ra để xuyên tạc dòng Tên” thì có khi cũng thuyết phục được một số người đọc. 8. Ông Phạm Quang Tuấn viết: “Còn rất nhiều suy diễn hàm hồ khác mà Bùi Kha đã dùng để bảo vệ cách hiểu của ông, nhưng viết ra hết thì quá dài (và hầu như sẽ nhắc lại toàn bài của Bùi Kha) nên xin dừng ở đây. Cũng xin minh xác rằng tôi không phải tín đồ bất cứ phái nào của Thiên chúa giáo và không có lý do gì để thiên vị hay ủng hộ đạo này. Tôi thừa hiểu rằng, dưới con mắt của người thời nay, nhiều suy nghĩ và hành động của de Rhodes và của Giáo hội nói chung không thể chấp nhận được (cũng như việc cấm đạo và giết giáo dân của các vua Nguyễn không thể chấp nhận được). Tuy nhiên, đã viết ra thì phải có chứng cớ vững vàng và lý luận mạch lạc chứ đừng tung hỏa mù làm rối mắt công chúng. Ông Bùi Kha nên hiểu rằng những lý luận yếu kém, hiểu biết sai lạc và sự khăng khăng bảo vệ nhầm lẫn của mình không những chẳng thuyết phục được ai mà còn làm thiệt thòi cho quan điểm của mình, không kể là mất thì giờ người đọc.” Những phê bình của ông Tuấn về tôi, đúng thì tôi sẽ học hỏi (như tôi đã viết trong bài trước), còn sai thì những phê bình chỉ trích ấy sẽ trở về với nguyên chủ. Mặc dầu ông Tuấn đã thừa nhận là “... nhiều suy nghĩ và hành động của de Rhodes và của Giáo hội nói chung không thể chấp nhận được”, nhưng ông lại thêm “cũng như việc cấm đạo và giết giáo dân của các vua Nguyễn không thể chấp nhận được”. Tôi cũng thấy việc giết giáo dân vô tội là một tội ác. Còn việc cấm đạo thì chúng ta nên thận trọng lúc phê phán. Mặc dầu ông Tuấn khuyên tôi “... đã viết thì phải có chứng cớ vững vàng...”, nhưng trong bài đối luận với tôi ông chỉ suy diễn tùy tiện chứ không có chứng cớ. Ngay cả tài liệu của quốc hội Mỹ ông cũng cho là “giả mạo”. Và lúc phê phán về việc cấm đạo dưới triều Nguyễn ông cũng thiếu chứng cớ. Tôi xin dẫn ba ý kiến của ba người có thẩm quyền và địa vị rất cao trong xã hội và cùng có chung một tín ngưỡng là Công giáo về hành động “cấm đạo” của triều Nguyễn. Giáo sư Lý Chánh Trung, một trí thức công giáo, trong cuốn Tôn giáo và dân tộc viết rằng, “Nếu đặt địa vị của chúng ta vào các ông vua triều Nguyễn thì chúng ta cũng không thể làm khác được”. Đô đốc Rigault de Genouilly, người chỉ huy cuộc đổ bộ quân Pháp lên Đà Nẵng, 1.9.1858, trong một văn thư đề ngày 29.1.1959, viết: “Không một nền cai trị nào, dù là phục vụ cho đạo Công giáo, lại có thể dung thứ cho sự xâm phạm thường xuyên và ngu xuẩn vào các vấn đề chính trị, dân sự, và quân sự vốn không được và không phải thuộc quyền hạn của họ (các giáo sĩ, BK). Nếu cũng vì những yếu tố buộc tội đó mà Giám mục Pellerin bị nhà cầm quyền An Nam trục xuất thì báo chí của người truyền đạo lại kêu la om sòm là họ bị “bạo hành”[8] . Còn Đô đốc Page, trong văn thư đề ngày 14-12-1859 và 25-12-1859, viết như sau: “Thật vậy, trong lúc dân chúng hoảng hốt chạy trốn khi quân Pháp kéo đến và tổ chức vũ trang tự vệ, ở nơi đông dân thì 3000 tín đồ Gia Tô đi theo Pháp và xin được đưa vô Sài Gòn là nơi mà Page đã dựng lên một thị trấn. “Tôi ngạc nhiên biết bao khi hôm sau các nhà truyền giáo đến nói với tôi, rằng các con chiên An Nam không tuân theo một quyền lực vô đạo, họ nói như thế. Thế sao! Họ cũng không muốn có cảnh sát để chặn đứng trộm cướp du đãng, cướp bóc thành phố? Và tôi rất hổ thẹn khi thú nhận với Ngài rằng Giáo hội Công giáo tại An Nam đã ngạo nghễ đi rao giảng các nguyên lý đó. ‘Ngoài ra không người Việt Nam theo Công Giáo nào ngần ngại xin gia nhập làm lính dưới cờ Pháp, ông vua Việt Nam không theo đạo, không phải là vua của họ.’ Chắc bây giờ ngài đã hiểu tại sao vua, quan đã coi các nhà truyền giáo là kẻ thù?” [9] Xem thế, một Đô đốc thực dân Pháp cùng tín ngưỡng cũng không thể chịu nổi những hành động của các giáo sĩ, trách gì các vua quan triều Nguyễn? Hy vọng qua tám đối luận ở trên, ông Tuấn sẽ thấy thêm sự thực của vấn đề.
B. Ông Phong Uyên Đúng ra tôi không nên đối luận với ông. Lý do: Thay vì trưng bày những sự kiện lịch sử để làm sáng tỏ một vấn đề học thuật đã bị nhầm lẫn hơn 60 năm qua, ông lại chụp mũ tôi là cộng sản để lạc dẫn độc giả và để chặn họng người mà ông muốn đối thoại. Đây là câu ông chụp mũ tôi: “Tôi có cảm tưởng khi đọc những dòng trên như đang sống lại thời Nhân văn-Giai phẩm...” Ông còn viết một câu khác ra ngoài học thuật, “Tôi không khỏi ngạc nhiên là thời buổi đổi mới này vẫn còn có người...” Tôi nghĩ, thời buổi đổi mới không có nghĩa là phải thay đổi các sử liệu để biến đen thành trắng. Mà chúng ta nên tìm hiểu lịch sử, rút tỉa những bài học của quá khứ để tránh tái phạm và định hướng cho tương lai. Không nên có tư tưởng khơi lại đống tro tàn để tạo mối bất hoà giữa những người khác quan điểm, khác tôn giáo, khác giai cấp. Đúng ra, tôi không nên đối luận với ông như đã nói ở trên. Nhưng để tránh dĩ hư truyền hư, tôi chỉ thảo luận với ông hai điểm nhỏ (còn nhiều điểm khác trong bài của ông cũng mang đầy tính hư cấu và thiếu khách quan như ông Phạm Quang Tuấn mà tôi đã trả lời). Ông Phong Uyên viết, “Nếu A. de Rhodes có thật muốn vua Louis thứ 14 gửi quân mà vì lí do gì không muốn dùng những chữ troupes, armées thì chỉ cần thêm mạo tự les, des, viết một cách giản dị và đúng mẹo luật cho tới bây giờ là les soldats, des soldats. Đó là những sơ đẳng của tiếng Pháp mà một người có trình độ trung bình về tiếng này cũng có thể nhận thức được...” Ông phê bình rất đúng về tôi, “một người thiếu trình độ sơ đẳng và dưới mức trung bình về am tường văn phạm tiếng Pháp.” Quả như vậy. Tiếng Pháp tôi chỉ biết đọc, viết sơ sơ. Tiếng Hán cũng thế. Có thể làm học trò (?) của ông về phương diện văn phạm Pháp văn. Tuy nhiên, lúc ông đề nghị thêm mạo tự les, des, vào trước chữ soldats như “les soldats, des soldats” cho đúng mẹo luật từ thời Lm. Rhodes tới bây giờ, tôi nghĩ ông đã sai lầm lớn. Lm. Rhodes vào triều đình để xin nhiều binh lính, nhưng không biết số lượng sẽ được bao nhiêu, nên ông dùng chữ plusieurs (indéfini). Les cũng là số nhiều nhưng có thể định lượng (défini). Do đó, chữ les không thể dùng trong trường hợp của linh mục Rhodes. Kế tiếp, chúng ta nên nhớ rằng Lm. Đắc Lộ xin nhiều plusieurs soldats để “chinh phục toàn cõi phương Đông”, chứ chỉ xin một vài tên lính làm sao mà chinh phục cả lục địa lớn như thế được? Do đó, thêm một lần nữa, chữ “plusieurs” không thể được dịch một vài như Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và như ông. Tóm lại, chúng ta cố gắng tiếp cận tất cả những thông tin, những sử liệu có được để đánh giá đúng mức (nếu có thể) về tâm tư, nguyện vọng và hành động của người xưa nhằm nếu chê trách thì không bị hàm oan, mà vinh danh phải cho xứng đáng. Trường hợp Lm. Đắc Lộ, chúng ta nên thông cảm. Ông sống trong một thời kỳ với bao nhiêu điều “bất thiện” xảy ra. Nước Pháp trong hai thế kỷ 16 và 17 (xung quanh thời Lm. Đắc Lộ) bị nội chiến, đối đầu với các giáo phái Tin Lành trong nước, chiến tranh với các quốc gia khác ở Âu châu. Về Giáo hội Công giáo La Mã thì phải đối mặt với các cuộc chiến giữa Tin Lành, Công Giáo, Chính Thống Giáo, Do Thái Giáo. Tám cuộc “Thánh” chiến khởi sự từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15, kéo dài cả ngàn năm. Rồi tiếp đến là các toà án xử dị giáo (Inquisitions) vô cùng dã man do Giáo Hoàng Gregory IX thành lập năm 1232. Phải mãi đến năm 1820, Hoàng đế Ferdinand thứ VII Tây Ban Nha mới ra lệnh chấm dứt thời kỳ "Inquisition" man rợ trên đất nước ông. Các thương gia và tư bản muốn tìm thị trường để tiêu thụ hàng hoá và thu về những nguyên liệu thiên nhiên cho các ngành kỹ nghệ đang phát triển. Do đó, nếu chúng ta là giáo sĩ dòng Tên và sống vào thời Lm. Đắc Lộ, có lẽ chúng ta cũng không thể làm khác hơn, là cần phải chinh phục, phải chém giáo chủ các tôn giáo khác, phải thống trị thế giới, thống trị phương Đông để kiếm linh hồn cho Chúa. Và chính đó là thảm cảnh các quốc gia nhỏ bé như Việt Nam phải gánh chịu, mà hệ quả của nó vẫn còn dai dẳng đến ngày nay. Tìm lại những hành động của người xưa không phải là để khơi lại đống tro tàn, mặc dầu chưa tắt hẳn, hoặc nhằm gây sự bất hòa giữa các cộng đồng tôn giáo một cách không cần thiết, mà để rút tỉa một bài học cho tương lai. Nếu ai có công cần phải được tán thưởng, có tội phải răn đe, chứ không thể vinh danh kẻ đáng lên án như trường hợp linh mục Alexandre de Rhodes được. 8.5.06 © 2006 talawas
[1]“Xin hỏi trong chính phủ Pháp không làm gì có lính thừa sai để cha xin, mà chỉ có lính chiến mà thôi.”[2]“Ðể việc biện chính được rõ hơn, tôi sẽ trở lại vấn đề này và dẫn thêm sử liệu để cho thấy tại sao cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes) không xin Giáo hội Pháp mà xin chính phủ Pháp.”[3](When Ignatius died in 1556, his sons fought against the heretics in India, China, Japan, the New World, especially in Southern France and Western Germany (Linh Mục Edmond Paris, The Secret History of the Jesuits, 1975, p.24).[4]Do Cơ sở Dân Chúa P.O.Box 1419, Gretna, LA, Hoa Kỳ, Lm. Việt Châu Chủ quản in lại.[5]“The cardinal, pale and delicate from incurable disease, had a will of iron. He succeeded in his two aims: to strengthen the power of the king in France and to make France supreme in Europe. To accomplish the first goal, he took steps to destroy the political rights of the Huguenots and the power of the nobles. By attacking their chief town, La Rochelle, he forced the Huguenots to give up their privilege of maintaining fortified towns garrisoned by their own troops. He issued an edict for the destruction of all nobles' castles that were not necessary for national defense. Nobles lost their jurisdiction over local districts to new royal officials called intendants, who kept a watchful eye on the kings enemies. Cardinal Richelieu achieved his his second aim chiefly by weakening the power of the Hapsburgs. He plunged France into the Thirty Years' Wars, from which, it emerged as the strongest nation in Europe." trong Arnold Schrier & T. Walter Wallbank, Living World History (Glenview, Ill: Scott, Foresman and Co, 1974), tr. 358.[6]"Richelieu, harsh and relentless, showed little concern for the common people of France, who had to bear heavy tax loads, and they rejoiced at his death in 1642. Louis XIII died a year later, and his son became king - Louis XIV - at the age of four. Richelieu had trained Jules Mazarin, an Italian born-cardinal, to be his successor, and during Louis' childhood, Mazarin held the reins of rule in his capable hands. Strong nobles tried to gain control of the government, but after a civil war known as the Fronde, Mazarin in 1653 suppressed the challenge of the nobles to royal power. When Mazarin died in 1661, Louis XIV, then twenty-two years old, personally took over the direction of the government.Louis XIV was one of the most powerful French kings. Louis XIV ruled France until 1715, and has been called the perfect example of absolute ruler. He is supposed to have declared "L'Etat, c'est moi" (I am the state), a saying that accurately describes his attitude toward France." trong Arnold Schrier & T. Walter Wallbank, Living World History (Glenview, Ill: Scott, Foresman and Co, 1974).[7]“.... Then Louis made an error that tended to weaken France. He became convinced that the Huguenots were disloyal and a danger to the nation. In 1685, he revoked, or canceled, the Edict of Nantes, which had given the Huguenots religious freedom. Over 100.000 French Protestants chose to leave France rather than give up their faith. Although they totaled only about a tenth of French population, many of them were leaders of industry, tradesmen, and exellent craftmen. The loss of their skills injured France." trong Anatole G. Mazour & John M. Peoples, Men And Nations (New York: Harcourt Brace Jovanovich, 1975), p. 349.[8](Fut - elle au service de l'intérêt chrétien, ne pouvait tolérer leur intrusion permanente et insolente dans les affaires politiques, civiles et militaires qui ne sont et ne doivent pas être de leur ressorts. Si l'expulsion du Mgr Pellerin avait été prononcée, pour les mêmes chefs d'accusation, par une autorité Vietnamienne, la presse des missionnaires aurait crié partout persécution” (Dépêche de l’Amiral Genouilly du 29-1-1859).[9]Nguyên văn tiếng Pháp: Après avoir “beaucoup parcouru le pays, beacoup regardé, beaucoup écouté, l'amiral Page finit par reconnaitre le bienfondé des arguments du gouvernement de Huế, lui même ayant été choqué par l'attitude des missionnaires et de leurs chrétiens.En effet, tandis que la population fuyait avec épouvante à l'approche des troupes francaises et que des milices armées s'organisaient là où il y avait un centre de population, 3.000 catholiques se rallièrent aux Francais et demandèrent à être ramenés à Saigon où Page avait crée une municipalité. “Quelle a été ma surprise? Lorsque le lendemain les missionnaires sont venus me déclarer que les chrétiens annamites ne pouvaient pas obéir à une autorité payenne, c'est leur mot. Quoi! Pas même pour la police municipale? Pour empêcher les voleur, les vagabonds de mettre la ville au pillage? Et je suis confus d'avouer à Votre Excellence que ces principes sont professés hautement par les associations annamites catholiques... “Du reste, pas un Vietnamien catholique n'hésita à demander à s'enriler comme soldat sous le draupeau francais. Le roi payen du Vietnam n'était point leur roi. “Votre Excellence comprendra sans doute maintenant comment le Roi et les mandarins regardent les missionnaires catholiques comme des ennemis? (Dépêche de l'amiral Page, du 14-12 et 25-12-1859. Archives Nationales, Fonds, Marine BB4 777). |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét