Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Tác nghiệp giữa vòng vây địch tháng 2/1979 (Mạnh Thường - PetroTimes)


Tác nghiệp giữa vòng vây địch tháng 2/1979

(PetroTimes) - Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc bùng nổ. Không chỉ các phóng viên báo chí có mặt trên toàn tuyến biên giới từ Móng Cái đến Lai Châu mà nhiều văn nghệ sĩ cũng khoác ba lô lên đường. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Thường đã sống và chiến đấu bằng chiếc máy ảnh tại Cao Bằng. Tại đây, ông đã ghi lại những hình ảnh về thất bại của quân Trung Quốc. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, chúng tôi xin giới thiệu một đoạn hồi ký của ông về những ngày đầu của cuộc chiến này.
Vào khoảng 6h sáng ngày 17/2/1979, tôi bỗng nghe nhiều tiếng súng nổ ngày một gần. Tôi vội vàng mang ba lô xách máy ảnh chạy ra đường, thấy bộ đội ta (các đơn vị bộ đội địa phương) đang dùng súng B40, B41 bắn xối xả về phía xe tăng địch.
Tôi thấy rõ bên nắp tháp pháo các xe tăng giặc đều mang phù hiệu ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa có chữ “Bát nhất”. Nhiều chiếc đã bị bắn cháy khói bốc nghi ngút, nhiều tên lính nhảy ra khỏi xe đã bị ngã gục trước làn đạn quân ta, nhưng những chiếc xe đi sau, như những con thiêu thân, theo hàng dọc vẫn lừ lừ tiến lên phía trước. Các chiến sỹ Đoàn 567, bộ đội địa phương đã hiệp đồng chặn đứng bọn xâm lược ngay từ phút đầu.
Riêng sáng 17/2 tại Bản Sẩy, huyện Hòa An, bộ đội ta đã diệt gọn 31 chiếc xe tăng và bắt sống một chiếc và nhiều tên lính xâm lược bị đền tội, phơi thây trên trận địa. Các chiến sỹ ta càng đánh càng dũng mãnh, như Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hoan, chiếc xe tăng vừa tiến đến, không có súng chống tăng, anh đã dùng lựu đạn chặn đánh. Anh bị thương nặng nhưng quyết không rời vị trí.
Một nhóm trong đội thanh niên xung kích ĐHSP Hà Nội 1 trên đường trở về sau chuyến đi biên giới năm 1979 (Ảnh: Mạnh Thường).
Vừa chụp xong trận địa Bản Sẩy, tôi gặp ngay một đơn vị đang hành quân cấp tốc lên phía trước đánh chặn quân địch từ Thông Nông tràn xuống. Các chiến sỹ cho biết, quân ta đang chặn đứng xe tăng giặc từ Đông Khê, Thất Khê tiến lên thị xã Cao Bằng. Mặc dầu trước mặt quân địch từ Thông Nông đánh xuống, sau lưng bọn chúng theo đường số 4 liều lĩnh đánh lên, nhưng với máu nghề nghiệp và sự hăng say của tuổi trẻ, tôi vội vàng chạy bộ vừa về đến sông Bằng, tôi may mắn gặp các chiến sỹ thuộc Đoàn 46, có hai chiến sỹ bị trọng thương, đã đưa về tuyến sau, còn 4 chiến sỹ Tạ Văn Dũng, Trần Đình Nông, Ngô Đình Việt và Phạm Lợi đã dũng cảm gan dạ với khẩu pháo của mình bắn nát tại chỗ trên đồi Nà Toòng (thị xã Cao Bằng) 6 chiếc xe tăng địch.
Hình ảnh những chiếc xe tăng của quân xâm lược bị nát tan trước hỏa lực của quân ta mà tôi ghi được tại trận địa Bản Sẩy và đồi Nà Toòng đã theo tôi suốt cuộc đời. 35 năm trôi qua nhưng những hình ảnh đó chưa bao giờ phai mờ trong ký ức tôi, một ông già nay đã ngót nghét 79 tuổi.
Trong giờ phút giữa cái sống và cái chết chỉ còn gang tấc, nhìn xung quanh ngoài bộ đội, dân quân, không thấy một phóng viên nào! Phải nói thật lúc đó tôi có phần lo sợ. Sau này tôi mới vỡ lẽ: Bọn giặc đã dùng chiến thuật đánh vu hồi tập hậu. Các chiến hào của ta hướng lên phía Bắc thì chúng đánh úp sau lưng. Bởi chúng nắm khá vững địa hình chiến sự của ta. Điều này thể hiện rõ qua tài liệu của chúng ta thu được và lời khai của tên tù binh Lưu Phi, lính lái xe tăng bị bắt ngày 18/2 tại Hòa An. Vì thế phóng viên ta không sao ra phía trước được.
Một điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là trên các tuyến đường đến biên giới Việt - Trung, ta chôn mìn chống tăng dọc hai bên đường (đúng vào vị trí 2 bánh xích xe tăng lăn qua) thì xe tăng của chúng một bánh lăn trên ta-luy và một bánh đi giữa lòng đường nên không một chiếc nào bị trúng mìn. Nhưng “vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, toàn bộ xe tăng của chúng bị diệt là nhờ súng chống tăng của bộ đội ta dũng cảm chống trả quyết liệt.
Đến trưa 17/2, ta đã bắn nát toàn bộ xe tăng địch (đội quân đi tiên phong thăm dò lực lượng của ta). Tôi chạy đến một đơn vị súng cao xạ 12,7 li, trên núi Mỏ Muối (thị xã Cao Bằng), thấy quân địch từ dưới chân núi dàn hàng ngang tiến lên: lúc nằm, lúc tiến theo lệnh còi của tên chỉ huy, dù lực lượng ta bắn trả dữ dội, nhiều tên ngã gục la liệt phơi thây ngổn ngang trên sườn núi. Bọn chúng đánh theo kiểu “lấy thịt đè người”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Thường quay phim ở mặt trận
Tôi không nhớ mình đã chụp bao nhiêu kiểu và có bao nhiêu xác giặc chết, chỉ biết rằng báo Quân đội Nhân dân số 6356, ra ngày 26/2/1979 đã đăng hai bức ảnh của tôi với chú thích: “Xác quân Trung Quốc bị đền tội”, kèm theo bài thơ bình “Bột phát” của Đại tá Lê Kim:
Một thằng, một thằng, lại một thằng,
Thiên triều được mẻ chết nhăn răng,

Đã xe bọc thép hơn trăm chiếc ,
Lại lính thiêu thân quá chục ngàn,
Nhật khiếp: nướng quân hơn cả Mỹ
Mỹ khen: thí mạng, Pháp không bằng,
Hán, Tống, Minh, Thanh đều bái phục,
Đàn em bột phát chết leo thang!”
17h cùng ngày, trận đánh kết thúc, một lần nữa tôi may mắn gặp hai chiến sỹ công an dã chiến, người địa phương Cao Bằng, dẫn tôi về hậu cứ. Ngày nghỉ đêm đi (bởi lính Trung Quốc đã tràn xuống cầu Tài Hồ Sìn, gần đèo Cao Bắc, giữa Nà Phặc và huyện Ngân Sơn, hậu cứ của tỉnh Cao Bằng lúc bấy giờ). Thức ăn chủ yếu của chúng tôi là lương khô 701 và 702 và một phần sắn sống của đồng bào, ăn cầm cự cho đến ngày 23/2 chúng tôi mới về được Ngân Sơn, cách thị xã Cao Bằng gần 70 km, chúng tôi phải mò mẫm mất hơn 5 ngày đêm đi đường!
Tại đây, ngày 24/2, tôi gửi 2 cuộn phim đã chụp về cơ quan. Và sáng 27, các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, TTXVN đồng loạt đăng ảnh và phát telephoto xe tăng của quân Trung Quốc xâm lược bị quân dân Việt Nam bắn cháy và bắt sống, làm nức lòng đồng bào chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế. Nhiều tờ báo nước ngoài như tờ “Nhân đạo” của Đảng Cộng sản Pháp, tờ Pravda của Liên Xô… đã đăng tải hình ảnh chiến thắng của quân dân Việt Nam.
Sáng ngày 29/2 tôi cùng Trần Tuấn (TTXVN) lên đường xuống thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, Hòa An, Cao Bằng, nơi bọn xâm lược cùng một lúc giết 45 người toàn là đàn bà trẻ con, rồi quẳng xuống giếng nước ăn; đặc biệt trong đó có gia đình anh Nông Văn Tình, cả 6 mẹ con (vợ Nguyễn Thị Hải có bầu 6 tháng) đứa trẻ nhất Nông Thị Thuyên 3 tuổi, đứa lớn nhất Nông Vĩnh Cao 10 tuổi đều bị chúng giết một cách vô cùng dã man: Đứa thì bị chúng mổ bụng, moi gan, người thì bị chúng chặt chân tay, cắt cổ…
Cách giếng nước, nơi chúng ném xác chết xuống, 100m về phía Đông có con suối Khuấy Khoảng. Thoạt đầu người ta nhìn thấy một bàn chân phụ nữ thòi ra từ bờ suối. Lần theo dấu vết, nhân dân dùng cuốc xẻng đào bới tìm thấy 28 thi thể phụ nữ và trẻ em đã thối rữa (trong đó có 14 trẻ em).
Ngoài việc giết dân lành, chúng đốt nhà, cướp của, đốt kho thóc, phá chùa chiền, san bằng bệnh viện đa khoa Trùng Khánh, bệnh viện Cao Bằng… Đặc biệt trước thảm bại buộc phải rút quân về nước, ngày 19/3/1979, quân xâm lược Trung Quốc đặt mìn phà sập hang Pắc Bó, một di tích gắn liền với những ngày đầu Bác Hồ, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước về sống và lãnh đạo cách mạng Việt Nam tại đây.
Tội ác của lính Trung Quốc không sao kể xiết song chúng đã phải trả giá, hàng trăm xe tăng bị bắn cháy, nhiều vũ khí, đạn dược bị quân dân ta thu giữ và hàng ngàn tên lính phải đền tội.
Mạnh Thường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét