Thứ năm, 06/02/2014 - 09:46 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), với hơn 31 triệu người Việt Nam sử dụng internet và mỗi ngày dành trung bình 52 phút có mặt trên internet là con số đáng mừng. Tuy nhiên từ hiện tượng "hạ nhiệt blog" để thay thế bằng "cơn sốt Facebook" lại đặt ra một số vấn đề cần được khảo sát, nghiên cứu và điều chỉnh...
Từ sự phát triển của internet, đã có ý kiến lạc quan về kỷ nguyên số tại Việt Nam. Song dường như ý kiến lạc quan đó chưa quan tâm đến các vấn đề như: Từ những cụm từ không mấy hay ho liên quan tới các nhân vật "tai tiếng" trong làng giải trí, nghệ thuật, kế đó là tên một vài nhân vật trong trào lưu bôi xấu, hạ thấp danh dự người khác trên mạng cũng được nhiều người quan tâm. Thậm chí, các cụm từ này còn làm nhiều người nước ngoài hiểu lầm, như sự xuất hiện của nickname Phồng Tôm - một "món khai vị" của Việt Nam. Theo công bố của Facebook thì trung bình ba giây có một tài khoản mới đến từ Việt Nam; số người dùng Facebook tại Việt Nam đạt 19,6 triệu người, chiếm 74,1% lượng người sử dụng internet, vượt qua các trang mạng trong nước nhiều lần... Vậy, với sự phát triển chưa có dấu hiệu dừng lại, Facebook có phải là mạng xã hội hữu ích thật sự hay chỉ là "mốt" mới của một số người Việt Nam, nhất là giới trẻ?
Trong quá khứ, Yahoo! Blog từng thông báo con số ấn tượng về số người dùng lên tới hàng triệu tài khoản, rồi sau đó phải ngậm ngùi đóng cửa, khi bị người sử dụng quay lưng dần mà không biết lý do. Dù thế nào thì blog vẫn chỉ là nhật ký mạng. Blog không có tính riêng tư, vì mọi thông tin khai báo cũng như hoạt động của người sử dụng blog đều công khai và bất cứ ai cũng có thể truy cập. Do đó, blog không phải là nơi để người dùng giãi bày việc khó nói, đưa ra phát ngôn tùy tiện, nhất là những điều sai sự thật. Ở thời điểm "bùng nổ", blog cũng không phải là nơi để nhiều người thể hiện tài năng văn chương, khi nó giới hạn về số lượng ký tự. Nhưng Yahoo! Blog ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới đã bị người dùng làm biến dạng. Khi đã bắt đầu từ một tiền đề sai, người dùng không thể có kết quả đúng. Họ bị thôi thúc bởi việc cần chứng minh, hay thanh minh về những gì mình truyền đạt trên blog. Rồi người dùng phải chuyển tài khoản của mình thành website cá nhân, bởi họ không có khả năng duy trì blog lâu dài nếu không "cộng sinh" hoặc "đánh cắp ý tưởng" của người khác... Hiện tại, bên một số blog của một số cá nhân hoạt động lành mạnh, thì một số blog lại ra đời từ những kẻ nặc danh, lợi dụng blog để phát ngôn bừa bãi, tung tin hiếu kỳ, vu cáo người khác...
Từ blog đến Facebook, số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam có bước nhảy vọt. Tuy nhiên các trang Myspace, Photobucket hầu như không nhận được sự chú ý, và họ cũng không biết nhiều tới Twitter hay Linkelin là các mạng xã hội khá non trẻ song nổi tiếng, có tuổi đời ngang hàng với Facebook. Nhìn qua thì Facebook có vẻ nổi trội hơn Twitter, vì mạng xã hội này cho phép viết một tin với nội dung vô hạn, trong khi Twitter hạn chế, không cho phép truyền tải một tin quá 140 ký tự. Facebook có tính năng giúp viết nhật ký, tuy nhiên ít người sử dụng tính năng này vì blog thực hiện tốt hơn. Còn các dịch vụ khác như nói chuyện phiếm, nhắn tin thì các trang mạng xã hội khác đều có tích hợp hoặc có phần mềm riêng phục vụ. Vậy chính xác, người sử dụng internet tại Việt Nam và thế giới trông đợi gì ở mạng xã hội Facebook? Câu trả lời là ở chỗ, Facebook là mạng xã hội mà người dùng có thể khai báo, sử dụng, trao đổi, chia sẻ các thông tin, thông điệp một cách công khai, bán công khai hay hoàn toàn bí mật.
Dù mang danh nghĩa bảo vệ người dùng mạng xã hội của mình, nhưng xem xét cụ thể thì thấy Facebook đã "vô tình" cổ động cho hành vi không minh bạch của nhiều người sử dụng. Với Facebook, một mạng xã hội đúng nghĩa đã biến mất, nhường chỗ cho hành động ứng xử đời thường. Chỉ khác một điểm, người ta sử dụng trên internet chứ không phải trong cuộc sống thực. Facebook trở thành nơi người dùng giao thiệp, quảng cáo về mình hơn là giao tiếp, đối thoại. Facebook tạo điều kiện để người dùng kết bạn càng nhiều, càng tốt, vì thế bạn bè theo đúng nghĩa trên Facebook luôn có thể là người xa lạ, người dùng chỉ biết đến thông qua những mối quan hệ rời rạc. Vì thế, nảy sinh tình huống người dùng sẽ gặp, đọc những thứ không cần thiết. Ðể khắc phục, Facebook đưa ra công thức cho phép người sử dụng Facebook có quyền bỏ qua thông tin họ thấy không cần thiết từ bạn bè mà không lo sẽ bị mất lòng hay ác cảm qua việc chọn lọc danh sách. Sắp tới, Facebook chuẩn bị đưa thêm tính năng "đồng cảm" (sympathy) vì quá nhiều người "thích" (like) các tin đau buồn, bất hạnh được viết trên Facebook. Cách chiều lòng này liệu có hợp lý hay lại là một "chiêu" tiếp theo ru ngủ và gây nghiện với người sử dụng? Bởi hiện tượng đang ngày một phổ biến là người dùng Facebook không đọc kỹ các thông tin hiện lên trên tài khoản của mình; nhất là sau khi Facebook công bố thêm ứng dụng dòng thời gian giúp thông tin chuyển dịch liên tục, người dùng chỉ việc ấn vào thứ mình thích thay vì vào trang cá nhân của mình, của người khác. Họ chỉ nhấn nút thích như một thói quen đối với "người bạn", ngược lại, có người mắc bệnh nghiện được "like", được tung hô, bất chấp đó chỉ là hành động xã giao. Không thiếu kẻ viết thông tin, đăng một bức hình để được "like".
Xuất hiện cùng thời điểm các dòng điện thoại thông minh, mạng không dây và liên tục được cải tiến, Facebook như tiếp thêm cánh nhưng cũng đồng thời "gây nghiện" với người sử dụng. Là mạng xã hội duy nhất cho phép người dùng không cần công khai tin tức cho tất cả mọi người, Facebook đã gián tiếp lôi kéo người sử dụng làm việc riêng trong giờ hành chính. Chưa có thống kê chính xác người Việt Nam dành bao thời gian cho Facebook trong 52 phút truy cập trên mạng và thường ở khung giờ nào, tuy nhiên căn cứ vào các trang web dịch vụ liên kết cũng như các trang quảng cáo trên Facebook, có thể thấy khoảng thời gian người Việt Nam truy cập Facebook thường từ 9 giờ -10 giờ, 14 giờ -15 giờ, 21 giờ - 22 giờ với việc đăng tải các bức hình, hay thông báo liên quan đến công việc như: họp hành vất vả, sếp khó tính, lao động nghiêm túc... Hai trong khoảng thời gian đó rơi vào giờ hành chính, được lý giải rằng đó là thời điểm nhân viên văn phòng họp hành, giải quyết công việc, và như thế là vi phạm Luật Lao động. Rồi khi truy cập vào trang tin hay trang quảng cáo, người dùng Facebook có thật sự đọc nội dung? Bởi thông tin bao giờ cũng được đặt với "tít" gây giật mình làm người dùng tò mò, nên sau một thời gian, phần lớn người dùng Facebook chỉ đọc tít mà đoán bài. Vì thế, nhiều người đã không đọc kỹ các thông tin đăng trên các trang báo "lá cải" và một số trang tin hải ngoại, rồi bình luận thiếu trách nhiệm. Chưa kể hiện nay vẫn chưa xử lý được loại tin đồn nhảm, xúc phạm, bôi xấu người khác với đầy rẫy trên các trang Facebook cộng đồng, hội không rõ nguồn gốc. Dù người dùng có thể đóng thông tin, không chia sẻ hoạt động trên mạng song khi cần thiết, Facebook có khả năng lan truyền tin rất nhanh qua chia sẻ thông tin dễ dàng, đánh dấu người cần thiết cho việc truyền tin; đồng thời kẻ xấu cũng có thể lẩn trốn rất nhanh bằng cách xóa bài viết nguồn hoặc tạm thời tắt sự hiện diện trên Facebook. Chưa kể vì nguồn ảnh trên internet là vô cùng lớn, kẻ xấu lợi dụng điều đó để "minh họa" tin. Và đáng chú ý nhất chính là các trang Facebook của các thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam lập ra để vu cáo, vu khống, bình luận xuyên tạc về Việt Nam.
Sự góp mặt của Facebook với "mùa xuân Arab" hay việc Facebook sẵn sàng hợp tác với chính phủ Mỹ trong việc kê khai các tài khoản cá nhân đã sử dụng mạng xã hội này, khiến nhiều người truy cập Facebook băn khoăn. Tình hình bất ổn ở các nước Bắc Phi, cho thấy biến động dựa trên cái mà Facebook tuyên truyền về tự do, bình đẳng đã thất bại. Như vậy, Facebook và những quyền lợi phù du mà nó đem lại có đáng để đánh đổi những gì mà chúng ta không thể đánh mất? Ðề xuất cấm sử dụng Facebook đã được bàn đến tại nhiều quốc gia. Hiện tại một số nước không cho phép mạng xã hội này được hoạt động tại nước họ, bất chấp những luận điệu từ các tiếng nói đối lập của các tổ chức nhân quyền có trụ sở chủ yếu đặt tại Hoa Kỳ. Vì thế, để hạn chế người dùng Facebook một cách tiêu cực là cần xây dựng, phát huy tốt vai trò của những mạng xã hội trong nước cũng như nâng cao văn hóa của người sử dụng internet.
NGUYỄN HẢI ÐĂNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét