Tóm tắt: Từ năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nước ta đã nhận được viện trợ từ các nước XHCN, trong đó có Trung Quốc. Trung Quốc là nước viện trợ cho Việt Nam tích cực nhất, nhiều nhất lúc đó. Trong bối cảnh thực dân Pháp được Mỹ giúp sức muốn nhanh chóng giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh còn thế và lực của quân ta chưa thực sự lớn mạnh, viện trợ này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bài viết tập trung trình bày viện trợ của Trung Quốc cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam từ năm 1950-1954.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2 bắt đầu từ năm 1946, khi đó nước CHND Trung Hoa chưa ra đời và hai nước Việt-Trung chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Vì vậy, Trung Quốc chưa có điều kiện giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam . Ngược lại, trong những năm 1948-1949, nước ta đã giúp lương thực, thực phẩm và súng đạn cho biên khu Điền Quế (Vân Nam – Quảng Tây), phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc mở rộng khu giải phóng biên khu Việt Quế (Quảng Đông – Quảng Tây), giúp in tiền. Viện trợ của Trung Quốc cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam thực sự bắt đầu sau khi nước CHDC Trung Hoa ra đời và hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung trình bày viện trợ trực tiếp của Trung Quốc phục vụ cho các chiến dịch kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam từ năm 1950, khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến năm 1954.
1. Bối cảnh lịch sử
Trên thế giới: Đây là thời kỳ cuộc chiến tranh lạnh giữa hai hệ thống xã hội TBCN và XHCN đã triển khai toàn diện thông qua mạng lưới các liên minh quân sự và căn cứ quân sự của mình ở châu Âu và châu Á. Với việc Liên Xô thử thách công bom nguyên tử năm 1949 khiến Mỹ mất độc quyền về hạt nhân và nước CHND Trung Hoa do ĐCS lãnh đạo ra đời, Mỹ mở rộng chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản từ châu Âu sang châu Á. Ở châu Á, Mỹ tập trung vào Đông Nam Á vì ở đây phong trào cách mạng phát triển mạnh và đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng sâu rộng của cạch mạng Trung Quốc. Đầu thập kỷ 50, Mỹ đã xây dựng tuyến bao vây quân sự thông qua các hiệp ước với hầu hết các đồng minh ở châu Á như “Hiệp định viện trợ quân sự Thái Lan – Mỹ” (17-10-1950), “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ Philippin” (30-8-1951), “Hiệp ước phòng thủ chung Hàn – Mỹ” (1-10-1953), “Hiệp định viện trợ phòng thủ chung Mỹ –Nhật” (8-3-1954), “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Đài” (2-12-1954). Cùng với sự có mặt của thực dân Pháp ở Việt Nam , những hiệp ước này uy hiếp an ninh quốc gia của các nước XHCN, đặc biệt là Trung Quốc.
Hệ thống XHCN thế giới hình thành từ châu Âu sang châu Á và phát triển ngày càng mạnh mẽ bất chấp chính sách ngăn chặn của Mỹ. Nếu như trong 30 năm từ 1917 đến năm 1945 chỉ có Liên Xô là nước XHCN duy nhất trên thế giới, thì từ năm 1945 đến năm 1950 có hàng loạt nước XHCN dưới sự lãnh đạo của ĐCS ra đời như Việt Nam, các nước Đông Âu, Triều Tiên và Trung Quốc. Sau khi kết thúc chiến tranh chống phát xít, chỉ trong mấy năm, Liên Xô đã nhanh chóng khôi phục nền kinh tế quốc dân. Hệ thống XHCN, đứng đầu là Liên Xô, đã trở thành chỗ dựa vững chắc của phong trào cách mạng trên thế giới, là lực lượng đối trọng lớn nhất đối với các nước đế quốc trong sự nghiệp chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình.
Ở Việt Nam : Trải qua 4 năm kháng chiến trong điều kiện bị cô lập hoàn toàn, tương quan lực lượng giữa quân ta và địch thây đổi theo hướng có lợi cho quân ta. Quân ta đã chuyển dần từ bị động sang chủ động, từ cầm cự sang chuẩn bị tổng phản công. Trong hai năm cầm cự 1948, 1949, quân ta liên tiếp mở nhiều chiến dịch và giành chủ động trong từng chiến dịch.
Sau thất bại ở Việt Bắc năm 1947, thực dân Pháp thực hiện nhiều kế hoạch nhằm củng cố lực lượng. Một mặt, Pháp chủ trương khóa chặt biên giới Việt – Trung để tiếp tục cô lập lực lượng kháng chiến, mặt khác tập trung quân lực chiếm đóng vùng trung du và củng cố hành lang Đông – Tây, càn quét, đánh chiếm thêm các vùng đồng bằng để vơ vét người và của. Để thực hiện kế hoạch trên, quân số Pháp đã tăng lên 10 lần so với khi bắt đầu cuộc chiến. Điều này cho thấy mức độ khốc liệt của chiến tranh cũng như khó khăn của chúng ta tăng gấp bội.
Về chính sách đối ngoại, Đảng ta nhấn mạnh nhiệm vụ giúp đỡ và đoàn kết với cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước Miên, Lào, đồng thời phải củng cố tình thân thiện giữa nước ta và các nước bạn, giữa nhân dân ta và nhân dân các nước trên thế giới. Chính sách đối ngoại đúng đắn này đã góp phần phá thế cô lập nước ta của Pháp.
Ngày 18-1-1950, Trung Quốc chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta. Trung Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam , tiếp sau đó là Liên Xô và các nước Đông Âu. Đây là một thắng lợi chính trị to lớn và “Sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này”(1). Chỉ thị về việc tuyên truyền chính sách ngoại giao của Chính phủ ngày 18-1-1950 đã khẳng định: “Từ nay, chúng ta công nhiên đứng trong hàng ngũ dân chủ thế giới do Liên Xô lãnh đạo, chống phe đế quốc chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu. Sự giúp đỡ của các nước bạn đối với ta, về tinh thần cũng như về vật chất sẽ thiết thực hơn. Trước hết là Trung Quốc, rồi đến các nước bạn khác…(2) Cùng với chiến thắng Biên giới cuối năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập.
Sau khi Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân trong hệ thống XHCN công nhận, đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ ta và Pháp bị suy yếu ở Đông Dương, đế quốc Mỹ đã ráo riết can thiệp nhằm đẩy dần ảnh hưởng của Pháp, muốn biến Việt Nam thành một “vành đai an toàn” chống cộng sản. Mỹ tích cực viện trợ quân sự, kính tế cho Pháp và coi cuộc chiến của Pháp ở Đông Dương nằm trong chiến lược chống cộng của mình. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã trở thành nơi tập trung thể hiện của cuộc đối đầu giữa hai hệ thống xã hội. Việt Nam đã trở thành tiền đồn của mặt trận quốc tế chống chủ nghĩa đế quốc ở khu vực. Thắng lợi hay thất bại của cuộc chiến không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc ta mà còn có ý nghĩa đối với cả phe XHCN, đối với hòa bình thế giới. Vì vậy, trách nhiệm của Đảng, quân và dân ta cũng nặng nề hơn, khó khăn cũng lớn hơn.
Ở Trung Quốc, sau khi trải qua nhiều năm chiến tranh, nền kinh tế Trung Quốc bị đình trệ, lạc hậu, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Vì vậy, sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, Chính phủ Trung Quốc đã coi công cuộc khôi phục kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của đất nước. Chính phủ Trung Quốc đã tiên hành khối phục kinh tế (1950-1952) nhằm khắc phục tình trạng lạm phát, ổn định giá cả, khôi phục sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh công thương nghiệp tư bản một cách hợp lý. Năm 1953, Trung Quốc bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với hai nhiệm vụ chủ yếu là cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, công thương nghiệp TBCN.
Trong thời kỳ này, Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao “nhất biên đảo”, ngả về phe XHCN do Liên Xô đứng đầu, trực tiếp đối đầu với Mỹ, coi Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất, cần phải đoàn kết với Liên Xô, với các nước trong phe XHCN để chống lại sự uy hiếp của Mỹ. Vì vậy, mặc dù trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn nhưng Trung Quốc đã tích cực ủng hộ và đưa quân tình nguyện tham chiến ở Triều Tiên chống Mỹ, giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp.
2. Viện trợ của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam
Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mặc dù còn khó khăn về mọi mặt nhưng Trung Quốc đã dành cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta viện trợ thiết thực. Cuối tháng 1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật sang Trung Quốc qua đường biên giới Cao Bằng. Người đi Bắc Kinh gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc để bàn về vấn đề viện trợ Việt Nam kháng chiến chống Pháp, sau đó đi Matxcova gặp gỡ Stalin và Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đang ở thăm Liên Xô. Trong buổi làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyên soái Stalin, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã khẳng định viện trợ cho Việt Nam: “Việt Nam cần trang bị 10 đại đoàn để đánh thắng Pháp, trước mắt hãy trang bị cho 6 đại đoàn có mặt ở miền Bắc. Việt Nam có thể đưa ngay một số đơn vị sang nhận vũ khí trên đất Trung Quốc. Tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam ”. Qua hội đàm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với lãnh đạo Trung Quốc sau khi từ Matxcova trở lại Bắc Kinh, Trung Quốc đồng ý để Quảng Tây là nơi tiếp nhận viện trợ, chữa trị thương binh và mở trường đào tạo cho Việt Nam. Từ đó, viện trợ của Trung Quốc đã một góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi cục diện chiến tranh ở nước ta. Archimedes Patti, một nhà quan sát Mỹ, trong hồi ký viết: “Đến năm 1950, Mao đã ở trong thế có thể giúp đỡ ông Hồ qua đường biên giới phía Bắc Việt Nam . Ông Hồ không còn bị cô lập như trước, ông đã có rất nhiều đồng minh, trước hết là Trung Quốc và sau đó là Liên Xô, một sân bóng mới đã bắt đầu”.
Theo thỏa thuận trên, ngay tháng 4-1950, hai Trung đoàn của Đại đoàn 308 sang Mông Tự, Vân Nam , tiếp đó một Trung đoàn của Đại đoàn 312 sang Hoa Đồng, Quảng Tây nhận vũ khí. Trung Quốc cũng nhanh chóng chở vũ khí sang Cao Bằng để trang bị tiếp cho hai trung đoàn khác đang phải đối phó với quân địch trên chiến trường. Để giải quyết đảm bảo hậu cần của bộ đội Việt Nam trên đất Trung Quốc và tăng cường công tác vận chuyển vật tư viện trợ Việt Nam, ngày 6-8-1950, Tổng cục Hậu cần Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thành lập văn phòng ở Nam Ninh. Ngoài ra, còn có hai Tiểu đoàn công binh và trường sĩ quan lục quân sang học tập, huấn luyện tại Trung Quốc. Những đơn vị sang Trung Quốc ngoài việc trang bị lại vũ khí còn được huấn luyện thêm về chiến thuật, đặc biệt là kỹ thuật đánh bộc phá. Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các chiến sĩ đã luyện tập ở Trung Quốc ba tháng, được bắn đạn thật nên tiến bộ rất nhanh.
Nhờ có sự giúp đỡ của Trung Quốc, trang bị vũ khí của quân đội ta được cải thiện đáng kể. “Những năm qua, mỗi chiến sĩ chỉ mơ ước có một khẩu súng trong tay. Bây giờ không chỉ có súng mà đạn được cũng khá dồi dào. Sức mạnh hỏa lực của trung đoàn bộ binh ta đã hoàn toàn thay đổi so với trước”. Tính đến tháng 6-1950, số cán bộ sang Trung Quốc học tập là 3.100 người (trong đó 650 cán bộ học bổ túc trung và sơ cấp, 1.200 học đào tạo, chỉ huy bộ binh sơ cấp, còn lại học về binh chủng như pháo binh, công binh...
Theo thống kê của Việt Nam, cho đến hết năm 1950, chúng ta đã tiếp nhận của Trung Quốc 3.983 tấn hàng viện trợ, trong đó có 1.020 tấn súng đạn (kể cả số súng đạn các đơn vị bộ đội Việt Nam sang Trung Quốc huấn luyện rồi đem về nước), 161 tấn quân trang, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 71 tấn hàng quân giới, 30 xe vận tải Mô lô tô va, 2.634 tấn gạo. Số hàng viện trợ này tuy chỉ chiếm 18,5% tổng số vật chất mà quân ta sử dụng trong năm 1950 nhưng đã góp phần trang bị và làm tăng sức mạnh chiến đấu của một số đơn vị chủ lực trên chiến trường chính Bắc Bộ. Tuy nhiên, viện trợ vũ khí cho ta gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc đã đưa quân tình nguyện sang chiến đấu ở Triều Tiên. Nguồn vũ khí của quân ta lúc này một phần dựa vào Trung Quốc nhưng phần chủ yếu vẫn là lấy của địch và trong nước tự sản xuất.
Trong hai năm 1951-1952, viện trợ của các nước XHCN, trong đó có Trung Quốc cho Việt Nam được duy trì thường xuyên và tương đối đều đặn. Từ tháng 7-1952 đến tháng 1-1953, Trung đoàn 45, Trung đoàn pháo binh hạng nặng đầu tiên của quân đội ta được huấn luyện ở Mông Tự (Vân Nam, Trung Quốc); Trung đoàn pháo cao xạ 367 thành lập ngày 1-4-1953, sau 6 tháng huấn luyện ở Tân Dương (Quảng Tây, Trung Quốc), cuối năm 1953 được điều tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Liên Xô giúp trang bị vũ khí, Quân Giải phóng Trung Quốc đảm nhiệm về đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật, huấn luyện cho hai trung đoàn này.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta cũng nhận được sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc. Trung Quốc đã chi viện cho chiến dịch 3.600 viên đạn pháo 105 ly, đó là số đạn đi theo 24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953, chiếm 18% tổng số đạn pháo sử dụng trong chiến dịch. Sau chiến tranh Triều Tiên, đạn pháo 105mm của Trung Quốc cũng khan hiếm song trước yêu cầu cấp bách của chiến dịch, Trung Quốc đã chuyển thêm cho quân ta 7.400 viên đạn 105mm, vì điều kiện vận chuyển khó khăn, số đạn này không kịp đưa vào phục vụ chiến dịch. Trong những ngày cuối chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc còn giúp thêm một tiểu đoàn DKZ 75mm và 12 dàn hỏa tiễn (cachiusa) 6 nòng. Đây là hỏa lực mạnh nhất mà ta có được lúc bấy giờ và kịp thời tham gia đợt tổng công kích cuối cùng diễn ra chiều ngày 6-5-1954, phát huy tác dụng rất lớn.
Viện trợ lương thực của Trung Quốc cũng góp phần giải quyết khó khăn về lương thực cho các chiến dịch của ta. Trong những năm 1949, 1950 khi nhân dân Trung Quốc ở vùng Hoa Nam còn đói kém, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã nuôi dưỡng hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ Việt Nam trên đất nước mình, viện trợ cho Việt Nam 2.634 tấn gạo. Tuy nhiên, từ năm 1951 trở đi, nước ta đã cố gắng huy động lương thực trong nước để giảm dần lượng gạo viện trợ. Từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1953, Trung Quốc phải dốc sức tham gia kháng Mỹ viện Triều. Vì vậy, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lương thực chủ yếu được huy động từ trong nước, chúng ta chỉ còn nhờ Trung Quốc giải quyết 1.700 tấn gạo, chiếm 6,52% tổng nhu cầu.
Ngoài trang bị vũ khí, giúp đỡ huấn luyện, viện trợ lương thực, Trung Quốc còn cử đoàn cố vấn quân sự và chính trị sang Việt Nam . Để giữ bí mật, đoàn cố vấn quân sự lấy tên là Đoàn công tác Hoa Nam gồm 79 người do đồng chí Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn. Ngày 9-8-1950 đoàn khởi hành từ Nam Ninh, ngày 12-8 đến Quảng Uyên, Cao Bằng. Đây là lần đầu tiên ĐCS Trung Quốc cử một đoàn cố vấn quân sự ra nước ngoài. Trước khi đoàn lên đường, các đồng chí lãnh đạo như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức đã gặp gỡ, đưa ra chỉ thị, tư tưởng chỉ đạo đối với đoàn là phải phát huy tinh thần chủ nghĩa quốc tế, phải đoàn kết với các đồng chí Việt Nam, phải xuất phát từ thực tế của Việt Nam, phải giúp Việt Nam theo con đường tự lực cánh sinh, phải phát huy tính thần gian khổ phấn đấu. Đảng Cộng sản Trung Quốc giao cho đoàn 2 nhiệm vụ: Một là, giúp đỡ Việt Nam đánh thắng trận, đuổi thực dân Pháp xâm lược; hai là, giúp đỡ Việt Nam xây dựng quân đội chính quy. Chủ tịch Mao Trạch Đông nhấn mạnh: “Toàn thể các đồng chí trong đoàn cố vấn phải coi sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam là sự nghiệp của chính mình”... Ngoài đoàn cố vấn quân sự, Trung Quốc còn cử động chí Trần Canh (nguyên Phó Tư lệnh cánh quân Tây Nam , Tư lệnh quân khu Vân Nam ) cùng một số cán bộ quân sự, trực tiếp làm cố vấn trong chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950.
Thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ Trung Quốc giao phó, các cố vấn quân sự Trung Quốc đã sát cánh cùng quân ta trong suốt cuộc kháng chiến. Trong khoảng giữa năm 1953-1954, khi Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng ta chọn Tây Bắc, theo sát chiến trường, kịp thời cố vấn trong các vấn đề chuẩn bị hậu cần, chuẩn bị chiến trường. Cố vấn quân sự Trung Quốc đã giúp quân đội ta về công tác chỉ huy tham mưu, về huấn luyện quân sự và truyền đạt những kinh nghiệm của Quân giải phóng Trung Quốc. Trên cơ sở những kinh nghiệm này, vận dụng và phát triển sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của chiến trường nước ta, quân đội ta đã thực hiện một cách thành công chiến thuật “đánh điểm diệt viện” mà tiêu biểu là trong chiến dịch Biên giới 1950, các giải pháp đảm bảo hậu cần...
Mặc dù có lúc, có công việc chưa giải quyết phù hợp với thực tế, vận dụng một số kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc chưa linh hoạt do chưa nắm hết tình hình Việt Nam, nhưng đoàn cố vấn Trung Quốc đã đóng góp không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ghi nhận công lao này, ngày 2-9-1953, Hồ Chủ tịch dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đến nơi ở của đoàn cố vấn Trung Quốc để trao Huân chương Hồ Chí Minh cho các đồng chí Vi Quốc Thanh, La Quý Ba, biểu dương tinh thần quốc tế vô sản của các đồng chí trong đoàn cố vấn, cảm ơn sự giúp đỡ mà Đảng Cộng sản, Chính phủ Trung Quốc đã dành cho Việt Nam.
3. Một vài nhận xét
Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta từ năm 1950 trở đi đã nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ trực tiếp từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em. Tổng số viện trợ (súng đạn, lương thực, hàng quân y, quân trang…) từ tháng 5 năm 1950 đến tháng 6 năm 1954 là 21.517 tấn, trị giá 34 triệu rúp. Trong đó ngoài ô tô vận tải, pháo cao xạ, hỏa tiễn sáu nòng, tiểu liên K50 là của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, còn các vũ khí bộ binh, pháo 105 ly, 75 ly và lương thực là do Trung Quốc giúp đỡ. Số viện trợ nói trên chiếm khoảng 20% tổng số vật chất quân ta sử dụng trên chiến trường Bắc Bộ trong thời gian này (13).
Theo thống kê sơ bộ của Trung Quốc, từ tháng 4 đến tháng 9-1950, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 14.000 súng trường và súng lục, 1.700 súng máy và tiểu liên, 150 súng cối, 60 khẩu pháo, 300 bazooka, cùng đạn dược, thuốc, quần áo và 2.800 tấn lương thực (14). Riêng chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 200 ô tô, hơn 10.000 thùng dầu, hơn 3.000 khẩu súng các loại, 2.400.000 viên đạn, hơn 100 khẩu pháo các loại, hơn 60.000 viên đạn pháo và đạn hỏa tiễn, 1.700 tấn lương thực, ngoài ra còn một lượng lớn thuốc men, khí tài, thuốc nổ (15). Cũng theo cuốn sách này, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là 155.000 khẩu súng các loại, 57.850.000 viên đạn, 3.692 khẩu pháo, hơn 1.080.000 quả đạn pháo, hơn 840.000 quả lựu đạn, 1.231 ô tô, hơn 1.400.000 bộ quân phục, hơn 140.000 tấn lương thực và thực phẩm phụ, hơn 26.000 tấn dầu và một lượng lớn thuốc men và vật tư quân dụng khác (16). Tuy có sự khác biệt khá lớn giữa số liệu thống kê của Trung Quốc và của Việt Nam nhưng chúng ta vẫn có thể khẳng định, viện trợ này có ý nghĩa to lớn trong hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam cũng như của Trung Quốc lúc đó. Nó đã góp phần làm mạnh thêm thế và lực của quân ta trong cuộc chiến với thực dân Pháp được Mỹ giúp sức, để chúng ta có điều kiện liên tiếp mở những chiến dịch lớn trên chiến trường chính Bắc Bộ và đi tới thắng lợi cuối cùng.
Trong hoàn cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn, lại đang viện trợ Triều Tiên chống Mỹ, Trung Quốc vẫn tích cực viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Viện trợ này vừa xuất phát từ lợi ích quốc gia nhằm đảm bảo an ninh ở phía Nam, tạo điều kiện để Trung Quốc phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ngay trong cuộc gặp gỡ và nói chuyện với đoàn cố vấn quân sự chuẩn bị sang Việt Nam , Lưu Thiếu Kỳ đã nói rõ: “Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng đều là thân thích của nhau. Trước những khó khăn của họ liệu chúng ta có thể phủi tay đứng ngoài nhìn? Liệu có ngồi nhìn mà không cứu? Giả dụ Việt Nam bị Pháp đánh chiếm, biên giới của chúng ta liệu có yên ổn được không? Họ bị chinh phục, chúng ta sẽ bị uy hiếp trực tiếp. Bởi vậy, viện trợ cho Việt Nam vừa là nghĩa vụ quốc tế, cũng là để củng cố thắng lợi của chúng ta” (17)… “Nếu chúng ta không giúp ViệtNam để cho địch đóng ở đó, khó khăn của chúng ta sẽ lớn hơn, rắc rối cũng lớn hơn” (18). Sự thống nhất giữa lợi ích quốc gia và chủ nghĩa quốc tế hay sự gặp gỡ về lợi ích của hai dân tộc cũng được Mao Trạch Đông khẳng định: “Thực dân Pháp xâm lược là kẻ thù của nhân dân Việt Nam, cũng là kẻ thù chung của nhân dân Trung Quốc, là kẻ thù chung của nhân dân Trung Quốc, là kẻ thù chung của nhân dân hai nước Trung-Việt; Trung Quốc giúp Việt Nam đánh bại thực dân Pháp, khôi phục hòa bịnh ở Việt Nam. Còn Việt Nam đánh bại, đuổi thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam, biên giới phía Nam của Trung Quốc cũng loại bỏ được uy hiếp của thực dân Pháp, đây lại là Việt Nam giúp đỡ Trung Quốc. Không thể nói Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam , nên nói là Việt Nam đã giúp đỡ lẫn nhau (19). Quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước trong giai đoạn này đã được xây dựng trên nền tảng của sự thống nhất đó.
Trong bối cảnh chiến tranh lạnh, viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam cũng một phần sự phân công quốc tế của phe XHCN, đứng đầu là Liên Xô. Vì vậy, sự viện trợ này vừa thể hiện tinh thần quốc tế vô sản, vừa mang màu sắc đối kháng giữa hai hệ thống chính trị. Trước khi nước CHND Trung Hoa ra đời, tháng 7-1949, Lưu Thiếu Kỳ thăm Liên Xô, trong buổi nói chuyện với Stalin, Stalin đã có sự phân công: “Mong rằng Trung Quốc từ nay về sau nên gánh vác thêm sự giúp đỡ về phương diện phong trao cách mạng dân tộc dân chủ ở địa bàn thuộc địa và các quốc gia phụ thuộc. Bởi vì, bản thân cách mạng và kinh nghiệm cách mạng của Trung Quốc có thể có những ảnh hưởng tương đối lớn với họ, có thể tham khảo và hấp thụ. Về phương diện này, Liên Xô sẽ không có tác dụng và ảnh hưởng bằng Trung Quốc. Điều này thật rõ ràng, cũng như Trung Quốc khó có thể có ảnh hưởng ở châu Âu giống như Liên Xô được… Các đồng chí phải làm việc ở phương Đông và các quốc gia thuộc địa và nửa thuộc địa… Chúng tôi sẽ gánh vác nhiều nghĩa vụ đối với phương Tây, làm nhiều nghĩa vụ đối với phương Tây, làm nhiều việc hơn nữa. Nói tóm lại, đây là nghĩa vụ quốc tế mà chúng ta không được phép chối từ (20). Đúng như sự phân công ấy, Trung Quốc đã tích cực thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với ViệtNam , một tiền đồn chống chủ nghĩa đế quốc trong khu vực. Vì vậy, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam không chỉ là thắng lợi của riêng dân tộc ta mà còn là thắng lợi của cả phe XHVN. Thắng lợi này đã góp phần làm tăng sức mạnh của phe XHCN, nâng cao vị trí và uy tín của Trung Quốc trên đường quốc tế.
Có thể nói, viện trợ, giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chống Pháp của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong phe XHCN đoàn kết chống lại những âm mưu của Mỹ, lợi ích quốc gia hài hòa với tinh thần quốc tế vô sản. Điều này khiến mối quan hệ Việt-Trung giai đoạn 1950-1954 đi vào lịch sử hiện đại của quan hệ hai nước với nét đặc thù“vừa là đồng chí, vừa là anh em”.
Theo tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc (THS. NGUYỄN PHƯƠNG HOA, Viện Nghiên cứu Trung Quốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét