Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

65 NĂM NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC: THÀNH TỰU “GIỮ GÌN SỰTRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT” VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY (Trần Trí Dõi)


                                                                                                  GS.TS Trần Trí Dõi
            1.Với việc ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945), tiếng Việt lần đầu tiên trong lịch sử trở thành ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam. Và cũng từ đó, ngành Ngôn ngữ học Việt Nam ra đời. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam là nghiên cứu để “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” nhằm góp phần đưa tiếng Việt từ vị thế một ngôn ngữ vốn là của một dân tộc nửa phong kiến thuộc địa trở thành ngôn ngữ quốc gia của một nhà nước độc lập dân chủ ở Đông Nam Á. Thực hiện nhiệm vụ này cũng chính là việc ngành Ngôn ngữ học Việt Nam có trách nhiệm đưa tiếng Việt từ tình trạng một ngôn ngữ kém phát triển vươn lên vị thế của một ngôn ngữ toàn đân, ngôn ngữ quốc gia, đáp ứng đầy đủ nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhu cầu phát triển cao của đất nước Việt Nam mới.
            Để đáp ứng đòi hỏi này của xã hội, ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã được hình thành cùng với sự hình thành của hệ thống Đại học ở Việt Nam. Tuy ban đầu, tổ chức của nó là một bộ phận nằm trong khối ngữ văn nhưng những nhiệm vụ mà nó đảm nhiệm là hết sức to lơn. Do tiếng Việt giữ vai trò là ngôn ngữ quốc gia nên cùng với chức năng là công cụ giao tiếp hàng ngày của toàn xã hội, nó có trách nhiệm vươn lên trở thành một ngôn ngữ có chức năng giáo dục và chức năng khoa học v.v. Chính ngành Ngôn ngữ học Việt Nam trong suốt 65 năm qua đã góp phần quan trọng nhất trong việc đưa tiếng Việt đáp ứng đòi hỏi cấp thiết ấy của xã hội. Và cho đến hiện nay, không một ai trong chúng ta nghi ngờ gì về vai trò là một ngôn ngữ đáp ứng đầy đủ yêu cầu cao của giáo dục và khoa học v.v trong nhiệm vụ phát triển đất nước của tiếng Việt.
            Chúng ta có thể liệt kê những nét chính về sự đóng góp quan trọng của ngành Ngôn ngữ học Việt Namcho sự nghiệp phát triển đất nước. Trước hết, đó là sự đóng góp cho tính thống nhất trong tính đa dạng phương ngữ của tiếng Việt. Đó là việc cung cấp một hệ thống thuật ngữ đảm bảo cho tất cả các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, chính trị và ngoại giao v.v. hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Và đó là việc đưa tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ thoả mãn nhu cầu giáo dục của đất nước. Nhìn ra nhiều nước lân bang trong khu vực và những nước có hoàn cảnh xã hội tương tự như nước ta trên thế giới, không phải quốc gia nào cũng đã làm được điều mà ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã làm được trong 65 năm qua. Rõ ràng, thành tựu ấy là một kết quả đáng tự hào của những người mở đầu, thực hiện và thực hiện trong tương lai của ngànhNgôn ngữ học Việt Nam.
            Trong suốt 65 năm qua để đáp ứng những đòi hỏi ấy của xã hội, ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã hướng tới một vấn đề bao quát trong mọi hoạt động của ngành ngôn ngữ học. Và người khởi xướng vấn đề bao quát đó là Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đó chính là vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Chính nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã tạo cơ sở cho các nhà ngôn ngữ học, các hoạt động văn hoá xã hội của nước ta có trách nhiệm nghiên cứu để sử dụng tiếng Việt một cách chuẩn mực. Với chức năng “ngôn ngữ là công cụ của tư duy”, sự chuẩn mực của tiếng Việt là cách thức quan trọng để chúng ta chuẩn mực hoá tư duy người Việt, để chúng ta thống nhất hoá trong tính đa dạng bản sắc văn hoá của người Việt. Thiếu đi sự chuẩn hoá tư duy, thiếu đi sự chuẩn mực hoá bản sắc văn hoá người Việt, nhiệm vụ đưa Việt Nam trở thành một quốc gia “dân giầu, nước mạnh …” là một nhiệm vụ không thật dễ dàng.
            Như vậy, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” về thực chất là một mục tiêu phấn đấu trong suốt 65 năm qua của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam nói chung và ngành Ngôn ngữ học ởĐại học Tổng hợp Hà Nội và nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói riêng. Nói một cách khác, đây chính là nhiệm vụ của xã hội giao cho những người nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ học nói chung và tiếng Việt nói riêng. Và sự đáp ứng đầy đủ ở mức độ cao yêu cầu của xã hội mà tiếng Việt đảm nhiệm chính là dấu hiệu cho thấy ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu của mình. Điều đó đã nói lên rằng những người nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ học nói chung và tiếng Việt nói riêng ở Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ của một người nghiên cứu và giảng dạy. Dù nhìn ở góc độ nào đi nữa, chúng ta cũng không thể không nhận thấy thực tế hiển nhiên ấy.
           
2. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển mới của đất nước là hội nhập quốc tế phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá Việt Nam hiện nay, để tiếng Việt hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó giống như 65 năm qua, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” lại trở nên vô cùng cấp thiết. Và đã đến lúc ngành Ngôn ngữ học Việt Nam cần phát huy những gì đã làm được, chấp nhận những thách thức mới để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ ngày càng khó khăn của mình.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, có rất nhiều những nội dung mới đặt ra cho vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà ngành Ngôn ngữ học Việt Nam phải giải quyết trong điều kiện mới. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện những nhiệm vụ đã được đặt ra trước đây xoay quanh vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt, ngành ngôn ngữ học phải tính đến những xu thế hội nhập xã hội toàn cầu tác động vào từng ngôn ngữ quốc gia.
Chẳng hạn, đó là vấn đề chúng ta làm sao phải “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” để người Việt Nam hội nhập quốc tế mà không làm mất đi bản sắc văn hoá của mình. Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất của giao tiếp xã hội, là công cụ của tư duy. Và cũng chính vì vậy, như V. Lênin đã nói, “công cụ chủ yếu trong các quan hệ thương mại của người ta là ngôn ngữ”[ V. Lênin, 18]. Trong điều kiện kinh tế thị trường toàn cầu, “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” là để làm sao tiếng Việt của người Việt Nam có một vị thế xứng đáng trong bức tranh ngôn ngữ toàn thế giới.
 Đương nhiên, trong một đòi hỏi cao và khắc nghiệt như vậy, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” là phải làm sao phải để tiếng Việt có thể tiếp nhận những yếu tố mới của ngôn ngữ toàn cầu đáp ứng với sự phát triển mới của xã hội trong khi nó phải bắt buộc tiếp tục phải được chuẩn mực hoá. Thiếu đi một trong hai khía cạnh đó, tiếng Việt sẽ không hoàn thành được sứ mệnh là ngôn ngữ quốc gia của mình. Trong một môi trường đa ngôn ngữ của thế giới như hiện nay và mỗi ngôn ngữ lại có sự hậu thuẫn của sức mạnh kinh tế khác nhau, để đảm bảo cho tiếng Việt hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, rõ ràng, nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học nói chung và tiếng Việt nói riêng ở nước ta là không hề đơn giản.
            3. Trong một hoàn cảnh như vậy, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đương nhiên phải được thực hiện ở một hoàn cảnh mới, trên một chất lượng mới gần như khác với những điều kiện lịch sử đã có trước đây. Theo suy nghĩ của chúng tôi để tiếng Việt có thể hoàn thành được sứ mệnh ngôn ngữ quốc gia của một nước Việt Nam công nghiệp hoá, hiện đại hoá đủ sức đưa nước ta hội nhập kinh tế thế giới, đã đến lúc ngànhNgôn ngữ học Việt Nam phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện và kiến nghị Nhà nước ban hành Luật ngôn ngữ của Nhà nước Việt Nam. Chỉ khi có Luật ngôn ngữ của Nhà nước Việt Nam, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” và cùng với nó là sự tiếp nhận để làm giầu tiếng Việt mới thực sự đi vào thực chất. Và đó chính là cách làm khoa học nhất để tiếng Việt thực sự là một ngôn ngữ quốc gia, một công cụ giao tiếp và tư duy hữu hiệu để phát triển đất nước.
            Rõ ràng, tính cấp thiết của việc ban hành Luật ngôn ngữ của Nhà nước Việt Nam là điều hiển nhiên. Vì hoạt động ấy chính là cách “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” một cách đúng đắn nhất, phù hợp nhất với điều kiện phát triển hiện nay của xã hội. Và đó cũng chính là cách mới có thể cấp cho tiếng Việt những điều kiện để nó hoàn thành nhiệm vụ là ngôn ngữ quốc gia của nhà nước Việt Nam hội nhập và phát triển.
            Để chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho Nhà nước ban hành Luật ngôn ngữ, đương nhiên giới nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt ở nước ta có rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn ví dụ, đó là nhiệm vụ “chuẩn hoá chính ta” của tiếng Việt. Chúng ta phải thẳng thắn để thừa nhận rằng, cho đến hiện nay việc chuẩn chính tả của tiếng Việt tuy đã có thành tựu nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi cao của xã hội. Trong những vấn đề thuộc địa hạt chính tả, nhiều nội dung còn bị bỏ ngỏ, còn thiếu đi sự thống nhất cần thiết ngay trong giới nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt chứ chưa nói đến ở ngoài xã hội. Trong một tình hình như vậy, liệu luật ngôn ngữ được ban hành có tác động đến hành vi sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng hay không? Và nếu vẫn không ban hành luật ngôn ngữ thì đến bao giờ sự thiếu thống nhất chính tả ấy mới có thể chấm dứt.
            Hay như cùng với vấn đề chính tả là vấn đề tiếp nhận yếu tố ngôn ngữ nước ngoài. Theo hiểu biết của chúng tôi, giới nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt ở nước ta hiện vẫn chưa đồng tâm xử lý hiện tượng này. Mà những nội dung như thế không thể không đặt ra trong luật ngôn ngữ và những hiện tượng ấy nếu không có luật ngôn ngữ chi phối thì tính tuỳ tiện của việc xử lý sẽ tiếp tục được diễn ra.
            Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu lên hai nhiệm vụ trong nhiều việc mà giới nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt ở nước ta cần giải quyết phục vụ cho nhiệm vụ “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Nói như vậy để thấy rằng còn quá nhiều công việc của bản thân tiếng Việt và ngôn ngữ học Việt Nam phải làm để có thể cho ra đời một bộ luật ngôn ngữ thích hợp với xã hội Việt Nam, giúp cho tiếng Việt thực sự là ngôn ngữ phổ thông, ngôn ngữ quốc gia của một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phồn vinh và hạnh phúc. Rõ ràng, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” phải được gắn chặt với khả năng ban hành Luật ngôn ngữ của Nhà nước Việt Nam. Đó chính là nhiệm vụ đặt ra hiện nay cho giới nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt ở nước ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH.
1.-Trần Trí Dõi(2003), Chính sách ngôn ngữ văn hoá dân tộc ở Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
2.Hiến pháp Việt Nam (2002), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 190tr.
3.- Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội những vấn đề cơ bản, Nxb Khoa học xã hội.
4.- Nguyễn Văn Khang (2003), Kế hoạch hoá ngôn ngữ, Nxb Khoa học xã hội.
5.- V. Lênnin (1998), Bàn về ngôn ngữ, Nxb Giáo dục. Hà Nội.
6.- Nanette Gottlieb and Ping Chen (2001), Language planning and language policy East Asian perspectives,Curzon Press, 2001.
7.- Hoàng Tuệ (1996), Ngôn ngữ và đời sống xã hội văn hoá, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
8.- Trung tâm biên soạn sách cải cách giáo dục (1983), Chuẩn hoá chính tả và thuật ngữ, Nxb Giáo dục. Hà Nội.
9.- Viện ngôn ngữ học (1993), Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt NamNxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
10.- UNESCO (2006), Giáo dục trong một thế giới đa ngữTài liệu về quan điểm giáo dục của UNESCO, (Bản tiếng Việt, 1/2006).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét