Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Những chặng đường tiếp nhận thơ Tố Hữu của tôi (Trần Đình Sử)



Những chặng đường tiếp nhận thơ Tố Hữu của tôi

Trần Đình Sử
Trong cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu viết năm 1985, xuất bản năm 1987, tôi có nhận xét rằng: Xét về sức tác động trực tiếp đối với công chúng thì thơ Tố Hữu có thể sánh với bất cứ hiện tượng thơ kiệt xuất nào trên thế giới. Đó là một sự thực mà không ai có thể phủ nhận khi chứng kiến sức thu hút của thơ Tố Hữu trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Hầu như mọi tầng lớp nhân dân, từ cán bộ đến chiến sĩ, từ thanh niên đến thiếu nhi trong kháng chiến không ai là không thuộc và không yêu một số bài thơ, câu thơ Tố Hữu. Bản thân tôi cũng yêu và thuộc thơ Tố Hữu từ tấm bé. Từ khi năm tuổi tôi đã nghe bố tôi đọc: “Hỡi những con khôn của giống nòi, những chàng trai quý gái yêu ơi. Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước, Chọn một dòng hay để nước trôi?” Trong cuốn sổ tay chép thơ của anh tôi, người đã hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, bên cạnh các bài Nhớ của Hồng Nguyên, Viếng bạn của Hoàng Lộc,Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, có bài Bầm ơi, Sáng tháng Năm của Tố Hữu. Lớn lên tôi thích bài thơ : “Đi, bạn ơi đi sống đủ đầy, Sống trào sinh lực, bốc men say. Sống tung sóng gió, thanh cao mới, Sống mạnh, dù trong một phút giây…” “Đã vay dòng máu thơm thiên cổ, Phải trả ta cho mạch giống nòi…”. Những vần thơ ấy luôn luôn khích lệ tôi phấn đấu, sống cho có ích với đất nước. Những năm hòa bình mới lập lại sau năm 54, các bài thơ Ta đi tới, Việt Bắc thật sự làm say đắm lòng người. Đến tập Gió Lộng Tố Hữu mở ra những giòng thơ đẹp, sáng và lôi cuốn. Có thể nói tôi thuộc hầu hết thơ Tố Hữu. Khi tập Từ ấychưa in lại năm 1959 với bài Tựa nổi tiếng của Đặng Thai Mai, tôi đã chép đầy đủ cuốn thơ Tố Hữu bản in năm 1946. Có thể nói không ngoa rằng thơ Tố Hữu có tác dụng giáo dục, động viên cả một thế hệ người lớn lên trong kháng chiến chóng Pháp, chống Mĩ và ước mơ xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những bước đầu tiên, trong đó có tôi.
Khi đã tốt nghiếp đại học, làm giảng viên đại học, tôi bắt đầu chú ý những ý kiến phê bình thơ Tố Hữu, người đọc nhận thấy có những câu thơ ngộ nghỉnh, chưa trong sáng như kiểu “Thịt với xương tim óc dính liền” trong bài Ta đi tới… Tự tôi cũng phát hiện thấy những câu thơ khó thuyết phục, như mấy câu thơ về Stalin : “Yêu biết mấy nghe con tập nói, Tiếng đầu lòng con gọi ông Lin”, “Thương cha thương mẹ thương chồng, Thương mình thương một thương ông thương mười.”  Nhà thơ đã nói quá sự thật, khó tin, không có thật. Tự tôi cũng phát hiện câu thơ trong bài Sáng tháng Năm: “Mỗi khi ta lòng xao xuyến rung rinh, Môi ta thầm kêu Hồ Chí Minh” thì chữ “rung rinh” đi với “lòng” nghe không được thuận, bởi chữ rung rinh chỉ hớp với trạng thái của vật thể, không hợp với trạng thái của nỗi lòng. Câu tiếp theo sau đó: “Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi” thì hai chữ phấn khởi quá mòn sáo, là ngôn ngữ đời thường, không phải ngôn ngữ thơ. Tôi tự hỏi nhà thơ Tố Hữu tài nghệ cao siêu tại sao lại để xảy ra các trường hợp vụng về đến thế? Và tôi tự trả lời: Đó là do thơ ông muốn viết kịp thời, lại cố viết cho có vần, hợp với tâm lí tiếp nhận của số đông, nên ông phải tự hi sinh yêu cầu của thơ.  Khi tập Gió lộng ra đời, nhà phê bình Lê Đình Kỵ nhận thấy thơ Tố Hữu ít tìm tòi về câu chữ mới lạ. Điều đó khiến cho tôi suy nghĩ. Một mặt thơ Tố Hữu rất hay, đi vào lòng người, mặt khác thơ lại ít tìm tòi câu chữ mới lạ. Tố Hữu hình như không quan tâm vấn đề đổi mới thơ.
Trong Thi pháp thơ Tố Hữu tôi tim hiểu tự giải đáp cho mình cái mâu thuẫn ấy. Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị, thơ tuyên truyền cách mạng. Thơ tuyên truyền cốt đi nhanh, đi thẳng tới tâm hồn người đọc, do đó cần nói bằng những lời giản dị nhất, chân thật nhất như Bầm ơi, Bà bủ. Những tìm tòi câu chữ mới lạ sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả tuyên truyền. Lại thêm Đề cương văn hóa đã quy định phương châm dân tộc hóa, đại chúng hóa, thì tất nhiên phải học tập ca dao, cách ăn nói của quần chúng và không thể chạy theo thị hiếu của thi ca “tư sản” như các thứ thơ vị lai, siêu thực, tượng trưng… mà ông Trường Chinh đã khẳng định là các thứ nấm độc sặc sở mọc trên cây gỗ mục. Là ngọn cờ, Tố Hữu phải trung thành với quan điểm văn nghệ của Đảng và nhiệm vụ tuyên truyền của mình. Nhưng đến Gió lộng Tố Hữu đã không còn lạm dụng ngôn ngữ ca dao, dân gian nữa, mà đã có những cách biểu đạt mới, phong phú, đa dạng, tươi mới  như trong bài Em ơi, Ba Lan, Mẹ Tơm hay Người con gái Việt Nam…Từ cuối tập Việt Bắc Tố Hữu đẫ thiên về thi ca cổ điển. Từ Ra trận trở đi ông hầu như hoàn toàn trở về với hình thức cổ điển. Đến Một tiếng đờn thì thơ Tố Hữu không có gì để nói nữa.
Sau này, khi cách mạng chuyển qua giai đoạn mới, tôi lại có dịp nhìn nhận lại thơ Tố Hữu. Thơ trũ tình chính trị, hay là thơ tuyên truyền của Tố Hữu không tránh khỏi còn có nhiều hạn chế hơn nữa về nội dung.
Làm thơ tuyên truyền cốt ở kịp thời. Sáng tác phải kịp thời, công bố kịp thời, cho nên Tố Hữu phải công bố tác phẩm khi chưa được nhuận sắc hoàn chỉnh. Vì thế ông là người thương xuyên sửa chữa thơ mình, trước hết vì nội dung chính trị, sau nữa vì nâng cao chất lượng nghệ thuật. Có môt số bài không sửa được cho nên ngoài bản in trên báo, ông không đưa vào tập. Nhưng ông có tài ứng biến sáng tác kịp thời rất thành công. Nhiều bài viết một lần là được, như Người con gái Việt Nam, Thù muôn đời muôn kiếp không tan, Ba mươi năm đời ta có Đảng…Nhưng cũng nhiều khi sửa lại người đọc thấy không thích bằng.
Làm thơ chính trị, tuyên truyền tư tưởng nghị quyết của Đảng khiến cho Tố Hữu bao giờ cũng vẽ ra các viến cảnh huy hoàng, tươi đẹp, hướng người đọc nhìn về phía trước, hướng đến ngày mai chiến thắng. Thơ của ông hầu như chỉ viết về ngày mai, về viễn cảnh, tương lai, mà ít khi viết về thực tại. Nếu có bài thơ viết về một ít hiện tại hay quá khứ cũng là để hướng tới ngày mai. Vì thế thơ ông phần nhiều căn bản là thơ lãng mạn mà ít chất hiện thực.
Làm thơ chính trị Tố Hữu cũng nhiều phen hệ lụy. Tố Hữu là nhà thơ viết nhiều bài về Trung Quốc hay nhất như Tiếng sáo Ly Quê, Đường sang nước bạn, Nhật kí đường về…trong đó ngợi ca chân thành, hình ảnh Trung Quốc hiện lên thân thiết và rất đẹp. Nhưng chỉ một bài thơ nhắc đến chuyện Mỵ Châu, “Trái tim lầm chỗ để trên đầu, Nỏ thần vô ý trao tay giặc, Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” ông liền bị giới cầm cân nẩy mực Trung Quốc chụp cho cái mũ “nhà thơ chống Trung Hoa” (“phản Hoa thi nhân”) ghi trong Từ điển bách khoa văn học thế giới dưới mục từ Tố Hữu. Tố Hữu chỉ nhắc nhở một bài học lịch sử của dân tộc mình mà thôi, nào có chống ai đâu. Trái tim lầm chỗ là nguy hiểm lắm. Chỗ này ta cần ghi điểm son cho Tố Hữu.
Làm thơ tuyên truyền thì phải ngợi ca lí tưởng, biểu thị niềm tin, nhưng lịch sử thực tế lại không đi một mạch theo lí tưởng, mà có những con đường quanh co khuất khúc. Ông đã ca ngợi Liên Xô hết lời, coi đó như là thành trì không thể lay chuyển của chủ nghĩa xã hội. Nhưng rồi Liên Xô sụp đổ một cái rụp không ngờ, thế là những lời hứa hẹn chắc nịch năm xưa bổng nhiên lỡ làng, vô nghĩa. Hoặc như trong bài Tiếng hát sông Hương ông hứa với người con gái bán hoa trên sông Hương đương thời như đinh đóng cột : “Răng không cô gái trên sông. Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài. Thơm như hương nhụy hoa lài, Sạch như nước suối ban mai giữa rừng. Ngày mai bao lớp đời dơ, Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay…” Nhưng những năm 80, 90, những kiếp “đời dơ” ấy hình như lại sinh sôi gấp bội cả trong Nam ngoài Bắc vao khi cả nước quá độ đi lến chủ nghĩa xã hội. Có người đem chuyện ấy nói với ông, ông cười, nói: Không khéo phải lên xanh làm cách mạng một lần nữa”. Chúng ta hiểu cách mạng phải lâu dài, không ngon lành như lời hứa của người thanh niên tốt bụng ngây thơ, chỉ mới thấy nói qua sách vở vội đem đi tuyên truyền.
Làm thơ tuyên truyền có cái hay là động viên nhân dân kịp thời, nhưng có điều tuyên truyền thì phải dùng nhiều khẩu hiệu, nhiều khi khó tránh nói quá, dễ đại ngôn. Chẳng hạn thời chống Mĩ cứu nước ông viết: “Vui gì hơn làm người lính đi đầu, Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa.” Tôi nghĩ đó chắc  đó là suy nghĩ của ai, chứ không phải là tâm tư nguyện vọng của những người bất đắc dĩ đem máu xương hy sinh vì Tổ Quốc.
Làm thơ tuyên truyền nhà thơ buộc phải biến các nhân vật của mình thành nhân vật của tranh cổ động, tranh áp phích, và nhà thơ ít khi cảm nhận nhân vật của mình như những con người bằng xương bằng thịt. Tôi nhớ trong bài thơ Những người không chết viết về anh Nguyễn Chí Diễu trong giờ phút sắp lâm chung. “Anh nghe thu rứt lá gọi đời đi, Tôi thấy cả một mùa xuân bước lại”. Nhà thơ của chúng ta hầu như không chút xúc động với giây phút vĩnh biệt cuộc đời của người đồng chí, mà say sưa đắm mình vào tương lai huy hoàng của cách mạng, có cái gì bất cận nhân tình. Nhà thơ Tố Hữu là người viết rất nhiều về Bác Hồ, viết rất chân thực, xúc động, nhưng chủ yếu là viết những phẩm chất cao đẹp cuả Người, nhằm xây dựng một tấm gương, trong khi đó con người cá nhân, riêng tư rất chân thật của Bác Hồ, cái phần đời tư chân thật của một con người mà thiếu nó thì hình tượng nghệ thuật chưa trọn vẹn, lại hầu như không được Tố Hữu đề cập đến. Chúng ta biết có những cái Tết Bác Hồ thấy cô đơn, mời mấy mẹ con nghệ sĩ Ái Liên đến ăn tết với Người, chứng tỏ Người cũng thấy thiếu thốn những tình cảm thông thường của con người, muốn sum họp trong không khí gia đình đầm ấm ngày tất niên. Nhưng với Tố Hữu ông vẫn cứ chỉ viết: “Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau, Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu, Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ, Cho hôm nay và cho mai sau.” “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta, Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa, Chỉ biết quên mình cho hết thảy, Như dòng sông chảy nặng phù sa.” Tố Hữu chỉ nhìn Bác có một phía. Tôi tin rằng Tố Hữu  biết rất nhiều, thấy rất nhiều, nhưng thơ tuyên truyền thì phải viết như vậy, không thể khác.
Vậy tại sao thơ Tố Hữu lại có sức tác động diệu kì một thời như vậy? Hiệu ứng ấy theo tôi đến từ hai phía, phía sức hấp dẫn của thơ Tố Hữu và phía trạng thái tâm hồn của công chúng đang hào hứng đứng lên, đón chào lí tưởng. Người đọc đọc thơ ông vừa đọc thơ, vừa đọc chính tâm hồn mình. Người đọc như hát cùng thơ ông, cho nên hầu như không mấy ai để ý đến câu chữ trong đó. Đến giai đoạn sau, trạng thái tâm hồn ấy không còn nữa, người ta đọc thơ Tố Hữu thuần túy chỉ bằng phẩm chất của thơ ông, lúc này một số khiếm khuyết của thơ ông tự nhiên hiện ra lồ lộ.
Tôi cho rằng làm thơ cách mạng cũng là một sự hi sinh. Khi đã tự nguyện biến thi ca của mình thành vũ khí tuyên truyền cho cách mạng thì nó không được, không thể được ứng xử như là thơ thông thường. Nó phải làm nhiệm vụ mà vũ khí đòi hỏi. Bằng tài thơ của mình Tố Hữu đã góp phần tạo nên một nền thơ cách mạng trong nền văn học cách mạng Việt Nam. Và các nhà thơ khác, như Xuân Diệu, Chế Lan ViênNguyễn Đình Thi…tất cả đều phải có phần hi sinh như thế.  Thế hệ các nhà thơ trẻ trong chống Mĩ cứu nước như Phạm Tiến DuậtNguyễn Khoa ĐiềmXuân QuỳnhHữu Thỉnh…đã vượt qua được những trói buộc ban đầu để thơ họ vẫn có phần tuyên truyền chính trị, nhưng không phải hoàn toàn là thơ chính trị, Nhưng đó là một đề tài khác. Thơ Tố Hữu đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của nó. Thơ ông sẽ còn là  đề tài bàn đi bàn lại nhiều lần. Đó sẽ là cuộc sống mai hậu không bao giờ dứt của thơ ông.
Hà Nội, ngày 3 tháng 12 năm 2012
NguồnBài viết trong Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét