Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Chụt là gì? (Nguyễn Man Nhiên)

Chụt là gì?
Nguyễn Man Nhiên
Du khách đến Nha Trang, có dịp đi thăm Biệt thự Cầu Đá (còn gọi là Lầu Bảo Đại), Viện Nghiên cứu biển hay Hồ cá Trí Nguyên đều phải qua xóm Chụt, một xóm biển nằm cuối đường Trần Phú nối dài, nổi tiếng với những cửa hàng lâu đời bán đồ mỹ nghệ vỏ hải sản và cả món ăn dân dã bánh canh chả cá.
Nhưng Chụt nghĩa là gì? Tại sao gọi là xóm Chụt ? Khi có người tò mò hỏi như vậy thì hầu như dân địa phương đều trả lời: Chụt là do tiếng Pháp mà ra. Người Pháp viết CHUTT, mình đọc là Chụt. Có đúng vậy không?
Thời Pháp thuộc, khi chính quyền thực dân tráng nhựa con đường biển chạy thẳng xuống Cầu Đá (lúc đó có tên là Avenue de la Plage), họ đã đặt trụ cây số và khắc lên đó chữ CHUTT. Theo đó, các hàng quán nằm hai bên đường xóm Chụt có lẽ muốn Tây hóa nên đều ghi địa chỉ trên bảng hiệu là CHUTT. Và chữ CHUTT dần dần ăn sâu trong cách viết, cách nói của người địa phương, cho tới bây giờ, nhiều người vẫn tin chắc đó là tiếng Pháp.
Thực ra, trong tiếng Pháp không có từ CHUTT mà chỉ có CHUT- một thán từ có nghĩa: im, làm thinh, hoặc từ CHUTE nghĩa là rơi, rớt, sụp đổ ...
Vậy CHUTT, theo chúng tôi, chỉ là cách người Pháp ghi âm tiếng Chụt, một từ thuần Việt có mặt đàng hoàng trong tự điển.
Sách “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ” của Huình Tịnh Paulus Của xuất bản tại Sài Gòn năm 1895, một trong những quyển tự điển cổ về tiếng Việt Nam bộ, giải thích như sau:
Chụt: vũng nhỏ ở dựa gành có thể cho ghe thuyền núp gió.
Lại còn ghi rõ địa danh “Chụt Nha Trang” là “Chỗ núp gió ở tại Nha Trang về tỉnh Khánh Hòa” (1).
Trong một bài vè kể lại thủy trình từ Huế vô Sài Gòn của dân ghe bầu - tức dân đi buôn bằng ghe thuyền ngày xưa - có đoạn:
Nha Trang xuống Chụt bao xa
Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng
Anh em mừng rỡ lăng xăng
Người hỏi thăm vào, kẻ hỏi thăm ra
Anh em chè rượu hỉ ha ... (2)
Sách “Đại Nam nhất thống chí - quyển XI- tỉnh Khánh Hòa” bản in đời Tự Đức khi viết về “Tấn Cửa Bé Cù Huân” cũng chép như sau: “Hòn Lam Nguyên có dân cư, phố xá liên tiếp nhau, gần đó là thôn Trường Tây, tục gọi là phố Đột, lưng tựa vào núi, mặt trông ra biển, mùa thu mùa đông gió to tung cát không thể ở được, phải dời đến hòn Lam Nguyên, đến mùa xuân mùa hạ lại trở về.” (3)
Trong đoạn văn trên, có mấy chi tiết đáng chú ý:
- Hòn Lam Nguyên, sách ĐNNTC bản in đời Duy Tân chép là Bồng Nguyên, (ở đây có thể có nhầm lẫm trong khi sao chép, vì chữ Lam và chữ Bồng (Hán tự) có tự dạng rất giống nhau) tức đảo Trí Nguyên, hiện nay là một khóm dân cư của phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.
- Tục danh của vùng này được phiên là phố Đột (nguyên tác chữ Hán ghi là “Đột phố”). Từ phố trong tiếng Hán cổ có nghĩa là cửa biển hoặc bến cảng (ví dụ cảng thị Hội An xưa kia có tên là Hoài Phố). Theo chúng tôi, thật ra “đột” là cách ký mã Hán-Việt âm nôm “Chụt”.
Qua đó, có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Chụt là một từ thuần Việt đã có trước khi người Pháp đặt chân tới Nha Trang.
Xóm Chụt là tục danh của làng Trường Tây - trước đây thuộc xã Vĩnh Nguyên, huyện Vĩnh Xương, nay thuộc phường Vĩnh Nguyên thành phố Nha Trang. Xưa kia cuộc sống, sinh hoạt ở Chụt diễn ra khá xô bồ, tấp nập. Dân ghe bầu từ Nam ra Bắc hoặc từ Bắc vô Nam đều ghé Chụt. Họ mừng rỡ gặp nhau, chén thù chén tạc vui vẻ, trao đổi tin tức, tình hình mua bán. Họ cũng không quên mua lá buông để kết đệm buồm và song mây để chằng cột buồm - hai loại lâm đặc sản của rừng núi Khánh Hòa và được bày bán rất nhiều ở Chụt.

CHÚ THÍCH:
(1) Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, 2 tập, Sài Gòn 1895, tr. 172.
(2) Bửu Cầm, Hải môn ca, Văn hóa nguyệt san (Sài Gòn), tập XIII quyển 9 (9/1964).
(3) Đại Nam nhất thống chí, tập III, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, tr. 106.
Nguyễn Man Nhiên
Ngày đăng: 25.12.2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét