NGND, Giáo sư Nguyễn Lân: Vị “Sư biểu” của thời đại mới
(Dân trí) -Ngày 10/12, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân Cuộc đời và sự nghiệp”. Tại hội thảo, nhiều giáo sư, nhà giáo dục, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam chia sẻ và tự hào mình được là học trò của GS Nguyễn Lân.
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân.
Giáo sư Nguyễn Lân - một nhân cách lớn...
GS.VS.TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định GS Nguyễn Lân là một nhân cách lớn.
“Bài học lớn nhất, và cũng có thể nói, quan trọng nhất tôi học được ở GS Nguyễn Lân là lý tưởng cách mạng, sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân có ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Đấy là bài học giáo sư để lại cho tôi, cho đời, cho tất cả chúng ta. Và theo được trọn vẹn bài học đó là sự phấn đấu cả cuộc đời” - Viện sĩ Phạm Minh Hạc cho biết.
Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Lân sinh ngày 14/6/1906, mất ngày 7/8/2003. Trong suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người, sự nghiệp khoa học và cách mạng, NGND Nguyễn Lân không ngừng học hỏi, khổ luyện, tận tâm, tận lực vì nhà trường vì học trò. Trong mọi công việc, trên mọi vị trí, thầy luôn nỗ lực để làm tốt nhất công việc của mình. Thầy là tấm gương sáng ngời về nhân cách của người thầy, của nhà khoa học cho rất nhiều thế hệ noi theo.
Theo GS, VS Phạm Minh Hạc, một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của bài giảng, qua tấm gương của GS Nguyễn Lân, một phần khá quan trọng là làm sao thiết lập được quan hệ giao tiếp giữa người giảng và sinh viên, nói đơn giản, quan hệ gần gũi giữa thầy - trò ngay trong giờ lên lớp. Làm sao người giảng và người nghe tựa như tạo được một hợp lưu giữa truyền đạt và tiếp thu. "Giờ giảng trang nghiêm mà rất gần gũi. Có nhiều nguyên nhân, vốn tri thức, sự chuẩn bị bài, tuổi tác, cuộc đời… với cán bộ giảng dạy trẻ khó có tất vả “vốn liếng” đó. Bài học thầy để lại là cần coi trọng mỗi quan hệ giao lưu trên lớp trong giờ giảng làm nền chuyển tại nội dung và hiệu ứng sư phạm tích cực. Tất cả toát lên từ nhân cách người thầy cần rèn rữa bền bỉ. Bài học đó tôi theo đuổi suốt cuộc đời".
NGND, GS Nguyễn Đình Chú: “GS Nguyễn Lân thật xứng đáng được liệt vào hàng sư biểu. Không chỉ thế, còn là người đặt nền móng đầu tiên cho nền khoa học Giáo dục Việt Nam chính thức ra đời năm 1954 với các công trình: Lịch sử giáo dục học thế giới; Giáo trình giáo dục học; Giảng dạy trên lớp; Công tác chủ nhiệm lớp. Nhà giáo dục học Nguyễn Lân đã làm khoa học giáo dục dựa trên sự thấm nhuần sâu sắc truyền thống giáo dục của dân tộc, của phương Đông”.
...Một mẫu mực chân thực trong cư xử
Bên cạnh những đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, NGND Nguyễn Lân còn là tấm gương nhân ái, mẫu mực với sinh viên, cán bộ, đồng nghiệp. Những người được may mắn học thầy, làm việc vùng thầy đều cảm nhận sâu sắc được sự đức độ, tấm lòng bao dung và sự khích lệ từ thầy. Sức mạnh tinh thần của thầy đã lan truyền, tiếp sức cho nhiều cán bộ, học trò.
Nhà văn Ma Văn Kháng, Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Một giọng nói thanh trong trẻ trung. Một nguồn sinh lực tràn trề trong từng âm tiết. Một tâm tình tha thiết hướng vào đối tượng thân yêu là học trò. Một khối lượng kiến thức uyên thâm có được sau những miệt mài nhẫn nại. Tất cả tạo nên một trường quyến rũ, một sức hấp dẫn mãnh liệt. Kỷ niệm đầu tiên về thầy và cũng là bài học quý giá đầu tiên tôi tiếp nhận được từ thầy, để trở thành tâm niệm đinh ninh trên bước đường làm thầy và sau đó làm nghề viết văn của tôi là như vậy. Làm một con người, trước hết hãy tạo ra một hấp lực bằng sự tỏa sáng từ nội lực và tâm hồn mình”.
GS Hồ Ngọc Đại tâm sự: “Tôi vừa là bạn học với con thầy, vừa là thuộc cấp của thầy nhưng bao giờ thầy cũng gọi tôi là “ông”: Ông Đại ơi, việc là thế này… Ông Đại ơi, có lẽ phải là… Mỗi lần, lần nào cũng như lần nào, chuyện nào cũng như chuyện nào… Thầy vẫn với cử chỉ trân trọng và thân mật như thế. Tôi mãi mãi nhớ, mỗi lần như thế, vẫn nét mặt, giọng nói tôn trọng và thân mật như thế. Thầy là một mẫu mực chân thực trong cư xử với người khác, với người trong nhà và với học trò”.
GS Đinh Xuân Lâm, Viện Sử học, học trò cũ nhận định: “Nhìn lại con đường đi của NGND, GS Nguyễn Lân, có thể khẳng định đó là con đường phục vụ toàn tâm toàn ý sự nghiệp “trồng người” vao cả, sự nghiệp “giáo dục” quang vinh. NGND, GS Nguyễn Lân vì những đóng góp to lớn trong ngành và ngoài xã hội đã được Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn vinh với nhiều hình thức, nhiều danh hiệu, nhiều huân chương cao quý, cả áo lụa Bác Hồ gửi tặng. Thế hệ học sinh, sinh viên chúng tôi vô cùng tự hào có một người thầy, một vị “Sư biểu” của thời đại mới”.
Hồng Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét