Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Báo cáo trước Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá II) (25-1-1953) - Hồ Chí Minh



Báo cáo trước Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá II) (25-1-1953)


Khai mạc cuộc Hội nghị này, lời đầu tiên là tôi thay mặt toàn thể Trung ương ta thân ái gửi lời chào đồng chí Xtalin và đồng chí Mao Trạch Đông.
Xét lại trong nǎm 1952, trên thế giới có những việc quan trọng như sau:
Về phe đế quốc:
Đế quốc Mỹ đi đến bước đường cùng, đã dùng những thủ đoạn cực kỳ dã man hung ác mà bọn phát xít Hítle cũng không dám dùng, tức là Mỹ đã dùng chiến tranh vi trùng giết hại nhân dân Triều Tiên. Việc đó đã làm cho nhân dân thế giới kịch liệt chống lại đế quốc Mỹ. Mỹ lại dùng mọi thủ đoạn, nhất là không chịu thả hết tù binh chiến tranh, để phá hoại cuộc đàm phán đình chiến do Liên Xô đề ra.
Ngoài việc dốc hết lực lượng để chuẩn bị chiến tranh, làm cho kinh tế trong nước chúng càng lâm vào khủng hoảng và nhân dân nước chúng càng nghèo nàn, phe Mỹ lại ra sức vũ trang lại Tây Đức và Nhật Bản, dùng làm vây cánh, hòng tiến công Liên Xô, Trung Quốc. Song kinh nghiệm lịch sử cho ta biết rằng: chúng “nuôi cọp, sẽ bị cọp cắn”.
Đế quốc Pháp thì vâng lệnh của Mỹ mà ra tay đàn áp phong trào dân tộc dân chủ ở Pháp và phong trào dân tộc giải phóng ở các nước thuộc địa Pháp. Chúng không quản chết nhiều người, hại nhiều của, vẫn cố sống cố chết đeo đuổi chiến tranh xâm lược ở Việt- Miên – Lào. Phong trào của nhân dân Pháp đòi độc lập và chống chiến tranh ở Việt Nam ngày càng cao. Tình hình kinh tế và chính trị khó khǎn của Pháp đã khiến Chính phủ phản động Pháp lập lên đổ xuống 18 lần từ 1945 đến nay.
Về phe dân chủ:
Phong trào dân tộc giải phóng ở các thuộc địa và các nước phụ thuộc ở châu Phi, Cận Đông và Đông Nam á lên đều và mạnh.
Phong trào hoà bình dân chủ ngày càng lan rộng. Hội nghị hoà bình châu á và Thái Bình Dương 2 ở Bắc Kinh (10-1952) và Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hoà bình ở Viên (12-1952) đã thành công to lớn.
Hội nghị kinh tế thế giới 3 ở Mạc Tư Khoa (4-1952) đã phá chính sách của đế quốc Mỹ bao vây kinh tế Liên Xô và các nước dân chủ mới.
Công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước dân chủ mới Đông Âu, đã có kết quả rực rỡ.
Trung Quốc đã thắng lợi lớn trong những cuộc vận động chống Mỹ, giúp Triều, đàn áp phản cách mạng, chống quan liêu, tham ô, lãng phí và trị bọn gian thương, chia ruộng đất cho nông dân.
Việc chia ruộng đất cho nông dân ở Trung Quốc đã thành công to lớn. Tính đến cuối nǎm 1952, hơn 500 triệu nông dân đã được hưởng hơn 700 triệu mẫu ruộng. Trước kia, nông dân mỗi nǎm phải nộp cho địa chủ hơn 30 triệu tấn thóc địa tô, nay số thóc ấy là của nông dân. Vì đã thoát khỏi ách áp bức của địa chủ, nông dân đã rất hǎng hái tǎng gia sản xuất. Kết quả rõ rệt là so với nǎm 1949, thì nǎm 1950 lương thực tǎng 20%, nǎm 1952 tǎng 40%.
Thành phần xã hội trong nông thôn thay đổi rất nhiều, trước kia trong làng, trung nông chiếm 20% nay tǎng lên 80%, bần nông trước kia hơn 70% nay giảm xuống chỉ có 10% đến 20%. Quyền kinh tế đã được nâng cao thì quyền chính trị cũng được nâng cao và
được đảm bảo: chỉ tính 4 khu Hoa Trung, Trung Nam, Tây Nam và Tây Bắc, nông hội đã có hơn 88 triệu hội viên, trong đó hơn 30% là phụ nữ, 60% đến 80% nông dân đã tổ chức thành những hội đổi công, hợp tác xã, v.v.. Nông dân lao động đã thành cột trụ của chính quyền ở nông thôn, do đó mà nhân dân dân chủ chuyên chính và công nông liên minh trở nên vững chắc. Nông dân đã giúp Chính phủ tiêu diệt hơn 2 triệu thổ phỉ. Họ đã vừa đào kênh vừa đắp đê được 1.700 triệu thước khối đất, đã cứu được hơn 660 vạn mẫu ruộng khỏi nạn lụt lội và hạn hán. Không bị địa chủ áp bức bóc lột nữa, nông dân tiêu dùng dồi dào; so với nǎm 1949 thì nǎm 1952 sức mua hàng của họ tǎng 25%, do đó mà công nghệ và thương nghiệp mau phát triển. Vǎn hoá cũng lên vùn vụt. Hơn 49 triệu trẻ con nông dân đã vào trường tiểu học. Vì trình độ giác ngộ lên cao, lòng yêu nước thêm nồng nàn, cho nên trong phong trào chống quan liêu, tham ô, lãng phí và trong công cuộc chống Mỹ, giúp Triều, nông dân rất hǎng hái.
Những thắng lợi ấy đã tạo điều kiện cho Trung Quốc nǎm nay làm ba công tác to lớn về chính trị và kinh tế, tức là: tiếp tục đẩy nhanh công cuộc chống Mỹ, giúp Triều, chuẩn bị bầu cử Quốc hội, và bắt đầu kế hoạch 5 nǎm.
Đại hội thứ XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô (10-1952) chẳng những là một thắng lợi lớn của nhân dân Liên Xô mà cũng là thắng lợi chung của cả giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc nhược tiểu toàn thế giới.
Báo cáo của đồng chí Malencốp đọc trước Đại hội, đã nói rõ tình hình thế giới hiện nay, vạch rõ âm mưu gây chiến của phe đế quốc do Mỹ cầm đầu, và những mâu thuẫn sâu sắc giữa các đế quốc; nói rõ sự tiến bộ của phe dân chủ do Liên Xô lãnh đạo và lực lượng to lớn của Liên Xô đang tiến mạnh đến chủ nghĩa cộng sản. Báo cáo của đồng chí Malencốp lại dạy chúng ta cách thật thà tự phê bình và phê bình để luôn luôn tiến bộ.
Báo cáo của đồng chí Malencốp và những báo cáo khác trong Đại hội đều cǎn cứ trên nền tảng lý luận của quyển sách do đồng chí Xtalin mới viết, quyển “Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô” và đưa những con số, những sự thật chắc chắn để chứng tỏ lý luận ấy.
Quyển sách ấy phát triển và làm thêm phong phú chủ nghĩa Mác- Lênin. Trong một quyển sách chỉ độ 100 trang, đồng chí Xtalin đã nêu ra và đã giải quyết những vấn đề chính, như:
- quy luật kinh tế trong chế độ xã hội chủ nghĩa,
- sự sản xuất hàng hoá trong chế độ xã hội chủ nghĩa,
- quy luật giá trị trong chế độ xã hội chủ nghĩa,
- cách nâng cao tài sản của nông trường tập thể lên thành tài sản chung của toàn dân,
- quy luật kinh tế cǎn bản của chủ nghĩa tư bản ngày nay và quy luật kinh tế cǎn bản của chủ nghĩa xã hội,
- 3 điều kiện cốt yếu để tiến từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản,
- sự xoá bỏ những phân biệt chính giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay,
- thị trường thế giới chia làm hai thị trường, và tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản thêm trầm trọng.
Quyển sách ấy dạy chúng ta xem xét thêm sáng suốt tương lai của thế giới và làm cho chúng ta càng chắc chắn về tiền đồ nhất định thắng lợi của chúng ta. Cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng cần phải nghiên cứu những tài liệu của Đại hội thứ XIX, nhất là quyển sách mới của đồng chí Xtalin, và phải biết áp dụng vào hoàn cảnh kháng chiến, kiến quốc của chúng ta.
Đồng chí Xtalin đã chỉ rõ nhiệm vụ và mục đích của phong trào bảo vệ hoà bình thế giới hiện nay.
Phe đế quốc vẫn chuẩn bị gây chiến. Nạn chiến tranh vẫn đe doạ thế giới. Nhưng phong trào ủng hộ hoà bình thế giới ngày càng mạnh. Và gần đây, câu trả lời của đồng chí Xtalin cho báo Mỹ lại càng tỏ rõ thêm chính sách hoà bình của Liên Xô. Cố nhiên chính sách ấy được nhân dân thế giới nhiệt liệt ủng hộ. Chúng ta có thể đoán rằng: nếu phe đế quốc điên rồ đẩy đến thế giới chiến tranh, thì thế giới chiến tranh thứ ba sẽ kết liễu chế độ tư bản trên khắp hoàn cầu.
Trong Đại hội thứ XIX, đồng chí Xtalin đọc một bài diễn vǎn lịch sử, chỉ thị cho những người cộng sản và dân chủ chúng ta phải kiên quyết nâng cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ để chiến thắng bọn đế quốc xâm lược và làm chúng ta thêm tin tưởng vào tiền đồ vẻ vang của chúng ta.
TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC
Trước khi báo cáo tình hình trong nước, tôi thay mặt Trung ương và toàn Đảng, thân ái gửi lời cảm ơn và khen ngợi:
- Bộ đội ta (Vệ quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích) đã hǎng hái thi đua giết giặc lập công.
- Đồng bào ở vùng tạm bị chiếm cũng như đồng bào ở vùng tự do đã hǎng hái thi đua tǎng gia sản xuất, thi đua nộp thuế nông nghiệp, thi đua đi dân công giúp các chiến dịch.
Về phe địch:
Đầu nǎm 1952, chúng thất bại to ở chiến dịch Hoà Bình 4 . Cuối nǎm 1952, chúng thất bại to ở chiến dịch Tây Bắc 5 .
Càng thất bại, chúng càng điên rồ. Chúng thẳng tay bóc lột, áp bức, càn quét những vùng du kích và vùng tạm bị chiếm, hòng phát triển nguỵ quân, nguỵ quyền, để thực hiện âm mưu dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Chúng tìm mọi cách để phá hoại mùa màng và giao thông của ta.
Một mặt khác, chúng lạy lục Mỹ, xin Mỹ viện trợ thêm cho chúng, dù Mỹ đang bị sa lầy ở Triều Tiên.
Gần đây, đế quốc Mỹ, Anh, Pháp lại định lập một mặt trận thống nhất do Mỹ cầm đầu, để chống lại cuộc kháng chiến Triều Tiên, Việt-Miên-Lào và Mã Lai.
Địch càng thất bại thì chúng càng hung tàn. Nên tuy thắng lợi nhiều, chúng ta quyết không được chủ quan, khinh địch. Trái lại, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng xâm lược đất đai, bóc lột nhân dân các nước hậu tiến là một trong những tính chất cǎn bản của tư bản độc quyền. Đế quốc Pháp, Mỹ rất thèm muốn nguồn nguyên liệu phong phú của nước ta (như gạo, cao su, than, thiếc…). Chúng muốn chiếm nước ta làm một cǎn cứ quân sự để tiến công Trung Quốc. Vì vậy mà chúng cố sống cố chết bám lấy Việt – Miên – Lào. Cho nên kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ và gian khổ. Và từ nay cuộc chiến tranh giữa ta với địch sẽ gay go, phức tạp hơn.
Về phía ta:
Để duy trì kháng chiến trường kỳ và đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, chúng ta phải làm gì?
Đây tôi đặc biệt nhấn mạnh vào hai vấn đề chính sau đây:
1. Lãnh đạo kháng chiến và chính sách quân sự
Để đánh thắng thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ và lũ Việt gian bù nhìn chó sǎn của chúng, ta phải có một quân đội nhân dân thật mạnh và luôn luôn tiến bộ.
Sau những lớp chỉnh huấn, quân đội ta đã tiến bộ khá. Điều đó đã được tỏ rõ trong những thắng lợi vừa qua. Quân đội ta tiến bộ nhiều về tinh thần, về chiến thuật cũng như về kỹ thuật. Họ đã vượt nhiều khó khǎn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ. Du kích, vận động, công kiên, bộ đội ta đều đánh khá. ở đồng bằng, trung du, miền núi, họ đều đánh được.
Cán bộ cũng như chiến sĩ đều tiến bộ.
Chiến sĩ tin tưởng vào cán bộ.
Toàn thể quân đội tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, có thể nói rằng đó là một thắng lợi rất to.
Tuy vậy, một số đơn vị còn mắc những khuyết điểm như: ham đánh to, ǎn to, chủ quan khinh địch, tự kiêu tự mãn, tổ chức quá kềnh càng, chế độ tài chính không chặt chẽ, ham chuộng hình thức, cán bộ chưa biết thương yêu chiến sĩ như anh em ruột thịt… Từ nay quân đội ta phải quyết tâm sửa đổi những khuyết điểm ấy.
Nǎm nay chúng ta cứ tiếp tục chỉnh quân để phát triển và củng cố những tiến bộ đã thu được và sửa chữa những khuyết điểm.
Về mặt chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự thì chúng ta phải làm những việc sau đây:
1- Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do.
Đó là phương hướng chiến lược của ta hiện nay.
2- Bộ đội chủ lực ở chiến trường Bắc Bộ thì phải dùng vận động chiến linh hoạt, để tiêu diệt từng mảng sinh lực địch, làm cho địch yếu đi, phối hợp với công kiên chiến từng bộ phận, để tranh lấy những cứ điểm và thị trấn nhỏ ở đó địch sơ hở, yếu ớt. Làm như vậy để đạt mục đích đánh chắc, ǎn chắc, mở rộng vùng tự do. Đồng thời có thể dùng công kiên chiến hút lực lượng của địch đến mà đánh, phân tán lực lượng địch, làm rối loạn kế hoạch của địch và tạo điều kiện cho vận động chiến.
3- Chiến trường sau lưng địch phải mở rộng du kích chiến để tiêu diệt và tiêu hao những bộ phận nhỏ của địch; để chống địch càn quét, bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân; để khuấy rối, phá hoại, kiềm chế địch, tuyên truyền và giáo dục quần chúng những vùng đó, thu hẹp nguồn nguỵ binh của địch, mở rộng vùng du kích và cǎn cứ du kích của ta, đặng thành lập và củng cố những cǎn cứ kháng chiến sau lưng địch.
4- Ngoài việc tǎng cường bộ đội chủ lực và xây dựng bộ đội địa phương, vùng tự do và những cǎn cứ du kích khá to cần phải xây dựng những tổ chức dân quân, du kích không thoát ly sản xuất. Những tổ chức dân quân, du kích ấy chẳng những có thể phụ trách việc đàn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trị an trong làng xã, bảo vệ lợi ích của quần chúng, đấu tranh với địch và phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, mà lại có thể dùng để bổ sung bộ đội chủ lực.
5- Về việc chỉ đạo quân sự cần phải kết hợp những hình thức đấu tranh nói trên một cách linh hoạt, khôn khéo. Như thế, một mặt lợi cho bộ đội chủ lực có thể tìm nhiều cơ hội để tiêu diệt địch; một mặt khác có thể giúp bộ đội, du kích hoạt động và giúp cǎn cứ du kích của ta sau lưng địch phát triển và củng cố.
6- Trong sự chỉ đạo các hình thức đấu tranh nói trên, cần phải thiết thực nhận rõ tính chất trường kỳ của kháng chiến. Cho nên, phải rất chú ý giữ gìn sức chiến đấu nhất định của bộ đội, không nên làm cho bộ đội hao mòn, mệt mỏi quá. Đồng thời cần phải yêu cầu bộ đội chịu khó, chịu khổ, kiên quyết, gan dạ thi đua diệt địch lập công. Hai điều đó không trái nhau, mà kết hợp với nhau.
7- Phải tǎng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy cần phải tǎng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội.
8- Phải tǎng cường công tác quân sự, trước hết là phải luôn luôn xem trọng việc huấn luyện bộ đội. Phải ra sức bồi dưỡng cán bộ, phải rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, cũng như trình độ chiến thuật và kỹ thuật của cán bộ. Đó là khâu chính trong các thứ công tác.
Phải tǎng cường công tác của Bộ Tổng tham mưu và của Tổng cục cung cấp. Công tác Bộ Tổng tham mưu phải tǎng cường mới có thể nâng cao chiến thuật và kỹ thuật của bộ đội. Công tác của Tổng cục cung cấp phải tǎng cường thì mới có thể bảo đảm được sự cung cấp đầy đủ cho chiến tranh và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội.
Nhưng phải kiên quyết phản đối xu hướng sai lầm làm cho các cơ quan phình lên.
9- Phải có kế hoạch chung về việc xây dựng và bổ sung bộ đội. Ngoài việc động viên thanh niên ở vùng tự do tòng quân, cần phải rất chú ý tranh thủ và cải tạo nguỵ binh đã đầu hàng ta để bổ sung cho bộ đội ta. Tổ chức bộ đội mới thì không nên hoàn toàn dùng cán bộ mới và binh sĩ mới, mà nên dùng cách lấy bộ đội cũ làm nền tảng để mở rộng bộ đội mới. Đồng thời cũng không nên vét sạch bộ đội du kích để bổ sung cho bộ đội chủ lực.
10- Cần phải tǎng cường và cải thiện dần dần việc trang bị cho bộ đội, nhất là xây dựng pháo binh.
2. Phát động quần chúng nǎm nay triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức để tiến đến cải cách ruộng đất
Ngay từ khi Cách mạng Tháng Tám 6 mới thắng lợi, chính quyền nhân dân thành lập, Chính phủ đã ra lệnh giảm tô. Nhưng cho đến nay, nơi thì giảm không đúng mức, nơi thì chưa giảm. Thành thử đồng bào nông dân không được hưởng quyền lợi chính đáng của họ. Như thế thì cứ nói “bồi dưỡng lực lượng nhân dân, lực lượng kháng chiến” cũng chỉ là nói suông. Nǎm nay, chúng ta phải kiên quyết thực hiện triệt để giảm tô.
Muốn vậy phải ra sức phát động quần chúng nông dân, làm cho quần chúng tự giác tự nguyện đứng ra đấu tranh triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức và giành lấy ưu thế chính trị ở nông thôn. Đảng và Chính phủ phải lãnh đạo, tổ chức, giúp đỡ, kiểm tra.
Sau khi giảm tô, giảm tức, quần chúng đã được phát động, tổ chức đã vững chắc, lực lượng đã đầy đủ, ưu thế chính trị đã về tay nông dân lao động, đa số nông dân đã yêu cầu thì sẽ thực hiện cải cách ruộng đất.
Cải cách ruộng đất.
Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc.
Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là vấn đề nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc.
Hoàn cảnh nước ta hiện nay, bên địch thì giặc Pháp dựa vào địa chủ phong kiến phản động do bù nhìn Bảo Đại đứng đầu để phá hoại kháng chiến, bên ta thì vào bộ đội, sản xuất lương thực, đi dân công nhiều hơn hết là nông dân.
Mấy nǎm trước, vì hoàn cảnh đặc biệt mà ta chỉ thi hành giảm tô, giảm tức, như thế là đúng.
Nhưng ngày nay, kháng chiến đã 7 nǎm, đồng bào nông dân hy sinh cho Tổ quốc, đóng góp cho kháng chiến đã nhiều và vẫn sẵn sàng hy sinh, đóng góp nữa. Song họ vẫn là lớp người nghèo khổ hơn hết, vì thiếu ruộng hoặc không có ruộng cày. Đó là một điều rất không hợp lý.
Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân chủ nhân dân thật thà thực hiện, thì phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân.
Cải cách ruộng đất sẽ giúp ta giải quyết nhiều vấn đề:
Về quân sự, nông dân sẽ càng hǎng hái tham gia bộ đội, để giữ làng giữ nước, giữ ruộng đất của mình. Đồng thời cải cách ruộng đất sẽ có ảnh hưởng to lớn giúp làm tan rã nguỵ quân.
Về kinh tế – tài chính, nông dân đủ ǎn đủ mặc, tǎng gia sản xuất được nhiều, thì nông nghiệp sẽ phát triển. Họ có tiền mua hàng hoá, thì thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghệ của giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, cũng như công thương nghiệp quốc doanh sẽ được phát triển. Nông dân hǎng hái đóng thuế nông nghiệp thì tài chính của Nhà nước được dồi dào.
Về chính trị, khi nông dân đã nắm ưu thế kinh tế và chính trị trong làng, nhân dân dân chủ chuyên chính sẽ được thực hiện rộng khắp và chắc chắn.
Về vǎn hoá, “có thực mới vực được đạo”, kinh nghiệm các nước bạn cho chúng ta thấy rằng: khi nông dân đã có ruộng cày, đã đủ cơm ǎn, áo mặc thì vǎn hoá nhân dân phát triển rất nhanh.
Còn những vấn đề khác, như công an nhân dân, thương binh bệnh binh, vệ sinh nhân dân, v.v. đều dựa vào lực lượng quần chúng nông dân mà dễ dàng giải quyết.
Về Mặt trận Liên – Việt 7 , sau khi cải cách ruộng đất, Mặt trận sẽ được mở rộng hơn, củng cố hơn, vì đoàn kết được tất cả nông dân, tức là đoàn kết tối đại đa số đồng bào ta; cơ sở của Mặt trận là công nông liên minh sẽ được vững chắc hơn.
Phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức nǎm nay là một việc rất to lớn và quan trọng. Nó sẽ làm đà cho công việc cải cách ruộng đất sau này. Đảng phải định phương châm, chính sách, phải có kế hoạch, phải có tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra. Trước nhất là phải đánh thông tư tưởng trong Đảng, từ trên xuống dưới, phải đánh thông tư tưởng các tầng lớp nhân dân, trước hết là nông dân. Trung ương phải có chỉ thị rõ ràng về việc này. Mong các đồng chí nghiên cứu thật kỹ và thêm ý kiến đầy đủ.
Kinh tế – tài chính.
Về kinh tế – tài chính, sẽ có báo cáo riêng. ở đây tôi chỉ nhắc lại rằng: ta có tiến bộ nhưng tiến bộ ít. Thuế nông nghiệp vẫn thu chậm và không đúng mức. Chính sách của Chính phủ rất đúng, đồng bào rất hǎng hái đóng góp, vì sao mà thu chậm và không đúng mức? Vì nhiều cán bộ nhất là ở cấp dưới, thành phần xã hội không thuần khiết, hoặc không nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, không đi đúng đường lối quần chúng, không gương mẫu, kết quả là không làm tròn nhiệm vụ.
Thuế nông nghiệp như vậy, thuế công thương nghiệp, mậu dịch, dân công, cũng đều như vậy. Nǎm nay, cán bộ các cơ quan và các địa phương nhất định phải quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm đó để thực hiện thǎng bằng thu và chi, bình ổn vật giá, phát triển giao thông, tǎng gia sản xuất. Chúng ta phải ra sức bảo vệ và phát triển việc sản xuất, phải thực hành tiết kiệm, phải nhằm vào giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân và cải thiện đời sống của nhân dân. Phải triệt để chấp hành chính sách thuế nông nghiệp và các thứ thuế khác, và chính sách mậu dịch trong nước và mậu dịch với ngoài, thực hiện triệt để chế độ thống nhất quản lý tài chính, chấp hành kỷ luật tài chính một cách nghiêm chỉnh và tǎng cường công tác đấu tranh kinh tế với địch.
Nǎm nay, ngoài hai vấn đề lớn là chỉ đạo kháng chiến và phát động quần chúng, Đảng và Chính phủ vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh 3 nhiệm vụ lớn và 4 công tác chính đã bắt đầu từ nǎm ngoái.
3 nhiệm vụ lớn là:
- Tiêu diệt sinh lực địch,
- Phá âm mưu của địch dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh,
- Bồi dưỡng lực lượng nhân dân, lực lượng kháng chiến.
4 công tác chính là:
- Thi đua tǎng gia sản xuất và tiết kiệm,
- Đẩy mạnh công tác trong vùng sau lưng địch,
- Chỉnh quân,
- Chỉnh Đảng.
3 nhiệm vụ và 4 công tác ấy đều quan hệ mật thiết với hai vấn đề to nói trên.
Vì chỉ có thực hành chính sách ruộng đất một cách đúng đắn và triệt để, thì mới có thể phát động được quần chúng đông đảo, mới có thể dựa vào lực lượng nông dân để duy trì kháng chiến trường kỳ, phát triển và củng cố bộ đội, tranh lấy thắng lợi hoàn toàn.
Còn những việc quan trọng khác mà chúng ta phải làm là:
Vấn đề dân tộc.
Chúng ta phải cố gắng đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số và giáo dục đồng bào thiểu số, để chuẩn bị điều kiện cho việc lập dần dần những vùng dân tộc tự trị. Việc này rất quan hệ với kháng chiến. Địch dùng tự trị giả để chia rẽ các dân tộc, để phá hoại sức kháng chiến. Ta phải kịp thời dùng tự trị thật để đoàn kết các dân tộc, để đẩy mạnh kháng chiến.
Vấn đề Việt – Miên – Lào.
Cho đến nay, chúng ta giúp kháng chiến Miên – Lào chưa đúng mức. Từ nay chúng ta phải cố gắng giúp hơn nữa. Ta phải nhận rõ rằng: hai dân tộc anh em Miên, Lào được giải phóng, thì nước ta mới được giải phóng thật sự và hoàn toàn.
Vấn đề liên lạc với các nước bạn.
Nǎm ngoái, ta có những đoàn đại biểu nhân dân đi thǎm vài nước bạn và đi dự các cuộc hội nghị quốc tế. Do đó mà tình hữu nghị giữa ta và các nước bạn khǎng khít thêm. Đồng thời, ta lại học được nhiều kinh nghiệm quý báu của các nước bạn. Nǎm nay, chúng ta cố gắng phát triển mối quan hệ thân thiện ấy.
Vấn đề ủng hộ hoà bình thế giới.
Mấy nǎm nay chúng ta có làm, nhưng đã mắc khuyết điểm là có bề rộng không có bề sâu, hình thức hơn là thực tế, vì thường chỉ khoán trắng cho một số cán bộ phụ trách, còn những cán bộ khác thì ít quan tâm đến. Nǎm nay chúng ta phải làm thiết thực hơn, phải làm cho nhân dân ta hiểu rằng: ủng hộ hoà bình thế giới có quan hệ mật thiết với phát triển kháng chiến của ta.
Các đồng chí,
Đảng ta đã đưa cuộc kháng chiến cứu nước từ bước thấp đến bước cao, từ chỗ thắng nhỏ đến chỗ thắng lớn. Sở dĩ được như thế là vì Đảng ta và chỉ có Đảng ta thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin.
Đảng ta nhận rõ kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ và gian khổ. Đảng ta quyết lãnh đạo quân đội và nhân dân vượt mọi khó khǎn gian khổ – mà càng gần thắng lợi càng nhiều gian khổ khó khǎn – để tranh lấy thắng lợi hoàn toàn. Sở dĩ được như thế là vì Đảng ta và chỉ có Đảng ta toàn tâm toàn lực phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Đảng ta là một đảng tiên phong anh dũng. Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang của Đảng thì toàn thể cán bộ và đảng viên, từ trên đến dưới, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì, đều phải:
- Kiên quyết chấp hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ;
- Đi đúng đường lối quần chúng;
- Quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí;
- Làm gương mẫu trong việc thi đua học tập, chiến đấu, tǎng gia sản xuất, v.v..
- Thật thà tự phê bình và phê bình để luôn luôn tiến bộ.
Tôi chắc rằng với sự lãnh đạo, giáo dục và kiểm tra của Trung ương, với quyết tâm của mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, với sự giúp đỡ của các đảng bạn, với sự phê bình, kiểm thảo của quần chúng, chúng ta nhất định làm được như thế và chúng ta nhất định thắng lợi.
Tôi xin tuyên bố cuộc Hội nghị lần thứ tư của Trung ương khai mạc.
Đọc ngày 25-1-1953.
Tài liệu lưu tại
Viện Lịch sử Đảng.
cpv.org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét