Một số ý kiến về tên gọi Năng Gù | ||
Chủ nhật, 01/04/2012 07 giờ 03 GMT+7 | ||
Năng Gù là một địa danh khá quen thuộc của vùng Long Xuyên - Châu Đốc. Nhưng nhiều người thắc mắc: ở bến phà từ Châu Phú (An Giang) qua Phú Tân (An Giang) có tên là bến bắc Năng Gù, ở huyện Châu Thành (An Giang) cũng có nhà thơ mang tên Năng Gù, vậy Năng Gù là ở đâu? Năng Gù là vùng đất thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, nằm gói gọn trên địa phận một cù lao nằm giữa ranh giới hai huyện Châu Phú và Châu Thành của tỉnh An Giang, ngày nay có tên hành chính là xã Bình Thủy. Cù lao này chia sông Hậu thành hai nhánh, nhánh nhỏ nằm cặp quốc lộ 91 cũng mang tên theo tên cù lao, gọi là sông Năng Gù. Cù lao Năng Gù được ghi lại trong “Đại Nam nhất thống chí” và “Gia Định thành thông chí” đều có những điểm tương đồng: “Ở phía trước hạ khẩu vàm Nao thuộc Hậu Giang dài 9 dặm, có thôn Bình Lâm ở đấy. Ở đây rừng tre um tùm, đầy dẫy ao cá, dân ở vùng thượng lưu Hậu Giang nhờ khai thác tre và cá tôm làm nghề sinh nhai hàng ngày, ngoài ra còn trồng bông kéo sợi và lúa gạo”. Địa danh Năng Gù không biết ra đời từ khi nào. Nhưng cách đây hàng trăm năm đã có dân sinh sống. Sử cũ chép tên Năng Gù bắt nguồn từ “Long Cù” (cù hóa long) sau nói trại ra thành Năng Gù, nhưng theo giáo sư Huỳnh Ái Tông thì tên Năng Gù có nguồn gốc từ tiếng Khmer, giống như trường hợp Chắc Cà Đao và Mặc Cần Dưng. Chưa biết giả thiết nào chính xác hơn, tuy nhiên tên gọi Năng Gù đã ra đời từ rất sớm, và cũng là một trong những vùng đất được khai phá đầu tiên ở An Giang ngày nay. Mặc dầu Năng Gù ngày nay là xã Bình Thủy, tuy nhiên trong dân gian còn tồn tại một “miệt Năng Gù”. Cần phân biệt hai khái niệm “cù lao Năng Gù” và “vùng (hay miệt) Năng Gù”. - Cù lao Năng Gù: cù lao trên sông Hậu thuộc huyện Châu Phú, nằm dưới bến phà Năng Gù, nay có tên gọi hành chánh là xã Bình Thủy. - Miệt Năng Gù: cù lao Năng Gù và vùng phụ cận, xưa “miệt” nầy bao gồm vùng đất giáp ranh Cái Dầu (Châu Phú) đến giáp ranh Chắc Cà Đao (Châu Thành). Sở dĩ gọi là “vùng Năng Gù” hay “miệt Năng Gù” lá cách gọi quen thuộc trong dân gian lấy tên một nơi trung tâm để chỉ cho một vùng đất rộng, ví dụ như ta có thể thấy thị trấn Cái Dầu chỉ có diện tích nhỏ, nhưng trong dân gian vẫn tồn tại một “miệt Cái Dầu” bao gồm cả thị trấn ngày nay và một phần xã Bình Long, một phần xã Vĩnh Thạnh Trung ngày nay. Như vậy cù lao Năng Gù là xã Bình Thủy ngày nay, còn những vùng đất khác chỉ là do chịu ảnh hưởng trong dân gian về tên gọi Năng Gù mà thôi. Ngày xưa địa giới “miệt Năng Gù” không rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn đó là giới hạn vùng đất này rất rộng. Chúng ta có thể khẳng định điều này qua một vài sử liệu: - Đầu thế kỷ XVIII ông Dương Văn Hóa từ Cần Lố - Vĩnh Long đến khai phá cù lao này, đệ đơn lên xin phép lập làng, thôn Bình Lâm được ra đời trên cù lao Năng Gù, đồng thời quan Tổng trấn Vĩnh (sau này đổi thành trấn Vĩnh Thanh) phong ông chức “Trùm thi thâu” cai quản vùng này, tuy nhiên khu vực mà ông quản lí không chỉ có cù lao Năng Gù mà bao gồm cả vùng “xép” từ Cái Dầu kéo dài xuống giáp ranh Chắc Cà Đao. - Trong quyển “Tìm hiểu đất Hậu Giang” nhà văn Sơn Nam viết: “Năm 1845, vùng Năng Gù phồn thịnh nhờ sự khai thác của nhóm người Công giáo mới đến”. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu “vùng Năng Gù” trong đoạn này không chỉ riêng cù lao Năng Gù mà cả vùng Bình Mỹ, Bình Long (Châu Phú) đến An Hòa, Bình Hòa (Châu Thành) ngày nay. Vì ở cù lao Năng Gù tín đồ Công giáo rất ít, nhưng ở những vùng lân cận vừa kể trên thì số tín đồ Công giáo khá đông. Có lẽ các vùng phụ cận của cù lao cũng được gọi là “miệt Năng Gù” vì ngày xưa nơi đây chưa có sự phân định rõ ràng về địa giới hành chánh. Cù lao Năng Gù lại là một trong những vùng đất được khai phá sớm nhứt tỉnh An Giang, chúng ta có thể thấy quyền hạn cai quản của cụ Dương Văn Hóa lúc bấy giờ được cho phép bao gồm cù lao Năng Gù và cả vùng đất rộng lớn nằm ngoài cù lao. Những vùng đất khác (như Bình Long, Bình Mỹ, An Hòa, Bình Hòa... ngày nay) lúc nầy chưa có tên gọi chính thức, nên chuyện được dân gian gọi một cách chung chung là “miệt Năng Gù”. Như vậy ranh giới “vùng Năng Gù” xưa có thể tạm xác định là kéo dài từ giáp ranh Cái Dầu đến giáp ranh Chắc Cà Đao, càng về sau thì khu vực này càng hẹp dần, khi các vùng đó đã có tên gọi và địa giới rõ ràng thì không còn ai gọi là “miệt Năng Gù” nữa, đến nay tên Năng Gù chỉ còn trong phạm vi xã cù lao Bình Thủy mà thôi. Từ sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, cù lao Năng Gù có tên hành chính là thôn Bình Lâm, thuộc Vĩnh trấn (sau đổi là trấn Vĩnh Thanh). Lúc bấy giờ trấn này có một phủ là Định Viễn, cai quản 4 huyện, 66 tổng, 353 thôn, thôn Bình Lâm thuộc huyện Vĩnh Định (vì huyện này thưa dân nên chưa chia ra tổng). Năng 1832, Minh Mạng đổi đơn vị “trấn” ra “tỉnh”, lúc bấy giờ An Giang có 2 phủ và 4 huyện, gồm phủ Tuy Biên (cai quản huyện Tây Xuyên và Phong Phú) và phủ Tân Thành (cai quản huyện Đông Xuyên và Vĩnh An). Thôn Bình Lâm thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên. Đến thời Pháp điều chỉnh phạm vi hành chính, chia 6 tỉnh ra 21 tỉnh trên toàn cõi Nam Kỳ. Năm 1901, thôn Bình Lâm đổi thành Bình Thủy thuộc tổng Định Thành Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Đến 1929 thuộc tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên với 4 ấp: Bình Phú, Bình Hòa, Bình Thới nằm trên cù lao và ấp Bình An nằm bên kia sông. Năm 1956 Bình Thủy thuộc Châu Thành, An Giang cho đến 1975. Ngày nay xã Bình Thủy thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, có 6 ấp: Bình Phú, Bình Quý, Bình Hòa, Bình Yên, Bình Thới, Bình Thiện. Ấp Bình An (cũ) nằm bên kia sông sát nhập với một phần xã Bình Hòa (Châu Thành) thành xã mới An Hòa. Trường hợp nhà thờ Năng Gù (ở xã An Hòa, Châu Thành) chúng ta có thể chấp nhận được, bởi vì tên nhà thờ đồng thời là tên giáo xứ, mà giáo xứ Năng Gù ngày xưa bao gồm cả cù lao Năng Gù và vùng phụ cận, nên mặc dù không nằm trên cù lao nhưng nhà thờ vẫn mang tên Năng Gù. Chính vì thế, nên Năng Gù được chọn làm tên đặt cho một giáo xứ rộng lớn. Riêng bến phà đi từ xã Bình Mỹ (Châu Phú) qua xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân) mang tên phà Năng Gù là hoàn toàn không phù hợp. Ta có thể thấy, việc ta gọi gộp Châu Đốc, Bảy Núi, Cồn Tiên là “vùng Châu Đốc” hay gọi gộp Long Xuyên, Thoại Sơn, Châu Thành là “vùng Long Xuyên” cũng không có gì sai. Tuy nhiên, không thể gọi bến phà Châu Giang là bến phà Châu Đốc, hay bến đò Cần Xây là bến đò Long Xuyên được. Phà Năng Gù cũng trong trường hợp nầy. “Vùng”, “miệt” hay “giáo xứ” chỉ vùng đất rộng, và lấy tên gọi của nơi trung tâm làm tên gọi toàn vùng. Tuy nhiên, “phà” là một địa điểm chính xác, rạch ròi, có điểm đi và điểm đến, không thể gọi chung chung như thế. Đường đi của phà Năng Gù không hề ghé vào hoặc đi ngang qua địa phận của cù lao Năng Gù, tức là không có dính dấp gì đến cù lao Năng Gù nên nếu gọi là phà Năng Gù là không chính xác. Giáo sư Huỳnh Ái Tông - một người con của đất Năng Gù, viết: “Ở đầu làng có một ngôi chợ, nơi đó có một bến đò thường gọi là bến đò Năng Gù, về sau gần đó có một bến Bắc (phà), những người phụ xế (lơ) xe đò, không rành về địa phương, thấy bến bắc gần bến đò Năng Gù, nên họ đặt tên là “Bắc Năng Gù”, thật ra chiếc Bắc này đưa người đi từ làng Bình Mỹ sang Hòa Hảo và ngược lại, không dính dáng chi đến cù lao Năng Gù cả. Đây là sự sai lầm mà chúng tôi muốn giải thích nguyên do vì sao có tên là Bắc Năng Gù”. Xin giải thích đoạn văn nầy của ông. “Ở đầu làng có một ngôi chợ, nơi đó có một bến đò thường gọi là bến đò Năng Gù”, ngôi chợ ở đầu làng mà ông viết nay chính là chợ Bình Thủy vẫn còn nằm ở đầu cù lao ngày nay, và bến đò ngay chợ thường gọi là bến đò Năng Gù nay chính là bến đò Bình Thủy (trên) đối diện với trường THPT Bình Mỹ. Như vậy rõ ràng cù lao Năng Gù thời bấy giờ đã có một bến đò riêng đi qua Bình Mỹ, Châu Phú. Giáo sư viết tiếp: “về sau gần đó có một bến Bắc (phà), những người phụ xế (lơ) xe đò, không rành về địa phương, thấy bến bắc gần bến đò Năng Gù, nên họ đặt tên là “Bắc Năng Gù”, thật ra chiếc Bắc này đưa người đi từ làng Bình Mỹ sang Hòa Hảo và ngược lại, không dính dáng chi đến cù lao Năng Gù cả”. Ở trên chợ và bến đò Năng Gù có một bến phà khác nữa, bến phà đã có từ lâu, trước là đò máy tự phát, chưa có tên. Bến phà nầy không đi ngang qua Năng Gù nhưng do những người xe đò từ xứ khác đến (hoặc có thể là hành khách, chủ quán ven đường...) không hiểu vùng đất nầy, thấy phía dưới bến phà có đò và chợ Năng Gù nên họ đã “đồng hóa” bến phà nầy với Năng Gù. Đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa đã mở rộng, nâng cấp thành bến phà và cũng dùng tên Năng Gù để làm tên gọi chính thức. Ngày nay vẫn sử dụng. Thực chất, phà Năng Gù không hề có liên quan đến cù lao Năng Gù. Có giả thiết cho rằng xưa kia cù lao Năng Gù rộng lớn, kéo dài đến tận bến phà Năng Gù ngày nay, và bến phà có “ghé” qua cù lao Năng Gù trong lúc chuyên chở hành khách, ngày nay cù lao bị lở dần và lùi xa bến phà gần 1 km. Cho rằng cù lao ngày xưa rộng lớn và kéo dài đến tận bến phà Năng Gù ngày nay là sai, bởi lẽ, cù lao Năng Gù xưa rất nhỏ (chiều ngang 1,5 km và chiều dài hơn 6 km) ngày nay cù lao được bồi đắp và lớn ra hơn (chiều ngang gần 3 km và chiều dài gần 9 km). Như thế, xét về thực địa thì cù lao Năng Gù xưa không thể nằm đến phà Năng Gù được ! Hoặc nếu cù lao có nằm ngang bến phà ngày nay đi chăng nữa thì cũng không có lý do gì lại gọi bến phà là phà Năng Gù được, bởi lẽ phà hình thành khoảng đầu thế kỷ XX và lúc đó thì cù lao Năng Gù đã lở khá xa bến phà rồi ! - Cho rằng phà Năng Gù hình thành từ xa xưa, trước là xuồng chèo, và có “ghé” ngang cù lao Năng Gù. Giả thiết nầy cũng không thuyết phục. Theo sử liệu bến phà nầy do Pháp xây dựng, ngày trước là đò máy và hình thành khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tuyệt nhiên không có chuyện phà đã có từ lâu và “ghé” rước khách ở cù lao Năng Gù được. *** Chúng tôi - những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cù lao Năng Gù tự hào về tên đất, tên quê, tự hào về ông cha đã khai mở và xây dựng thôn xóm. Ngày nay, khi lịch sử đã được khẳng định lại, nhiều phương tiện thông tin đến với quần chúng, chúng ta cần hiểu rõ về sự lầm lẫn này. Mong sao những nhà nghiên cứu, những cơ quan chức năng vào cuộc để trả lại Năng Gù đúng với nguồn gốc xuất phát từ mấy trăm năm qua của địa phương. VĨNH THÔNG (An Giang) |
Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013
Một số ý kiến về tên gọi Năng Gù (Vĩnh Thông - Báo Cần Thơ)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét