Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Đểu cáng! (Người Lang Thang Cuối Cùng)


Thứ ba, ngày 02 tháng tư năm 2013

Đểu cáng!


Cáng người ngày xưa
Người ta hay chửi nhau: “Mày là thằng đểu cáng”, “Cái thằng đó đểu cáng lắm!”. Ấy thế mà “đểu cáng” nghĩa là gì, nguồn gốc của nó ra sao, thì không mấy ai để tâm.

Vừa cách đây khoảng chục ngày, ông nội bọn trẻ con nhà mình hỏi: “Anh có nhớ ngày xưa tôi giải thích cho anh từ “đểu cáng” nghĩa là gì và ở đâu ra không?” – “Dạ hồi con học trung học ông nói một lần rồi, con quên, không nhớ nữa”.

“Ngày xưa mỗi khi đi đâu, chưa có xe cộ sẵn như bây giờ, là phải thuê người cáng đi – nhất là người có tuổi, người ốm. Đồ đạc mang theo lại phải thuê người gánh. Người cáng thuê, người ta gọi là cáng. Người gánh thuê, người ta gọi là đểu. Mỗi lần gọi người đưa đi như thế, thường ra đầu đường nơi tập trung những người làm nghề đó, gọi “Cho một đểu  hai cáng nhé!” và thế là có ba người te tái chạy vào, hai người vác theo một cái cáng, một người mang theo đòn gánh quang gánh. Hầu như là những người lao động chân tay, ít được học hành, nên cái sự ăn chia nó thường không đều, hoặc hay không vừa ý với nhau, cãi nhau, đánh nhau, chửi nhau khi chia tiền xảy ra như cơm bữa. Và thế là có câu “Đối xử với nhau như cái bọn đểu cáng!”. Đấy, nguồn gốc đấy”.

Hà hà, hay thật đấy. Hôm qua nhân tiện giở từ điển, thì thấy từ đểu trong Từ điển tiếng Việt (NXB KHXH Hà Nội 1977) định nghĩa “đểu” là (1) Người đi gánh thuê (cũ) và (2) (tính từ) Hèn mạt, xỏ xiên, mất dạy (ví dụ “đồ đểu”, “nói đểu”). Ngoài ra cũng có từ “đểu cáng” nghĩa là “đểu nói chung” (thông tục) – ý là dùng cái nghĩa (2) trên đây. (Trang 285).

Đểu cáng” cuối cùng chỉ đơn giản thế thôi.

Cũng là một sự phát triển của ngôn ngữ. Có thể nói đây là sự hình thành từ rất thực tế và không kém phần tinh tế của dân tộc. Chẳng hạn từ “cửu vạn” dùng để chỉ người bốc vác, theo tôi nhớ thì bắt đầu được dùng nhiều trong khoảng những năm 1990, khi buôn bán thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc quay lại nhộn nhịp, kèm theo là các nghề bốc vác, vận chuyển… phát triển và các tệ nạn cờ bạc, hút xách cũng phát triển theo. Ai cầm cỗ bài tổ tôm rồi cũng rất thú vị với cái thằng người vác cái hòm trên quân bài “Cửu vạn” đó.

Cũng có sự hình thành từ do sự hiểu sai. “Nhà báo gạo cội” Trần Đ. của VTV là một ví dụ điển hình. Khi ông ta còn hay đọc nọ đọc kia, bằng chất giọng hấp dẫn và truyền cảm, khán giả là cứ mê đi với chương trình của ông ta. Chính ông ta là người dùng từ “dung dị” với nghĩa là “giản dị” và rất có công làm cho nó phổ biến. Những người học Hán thì thường không dùng như vậy, vì họ hiểu đó là sự hiểu sai. “Róngyì” (dung dị) trong tiếng Hán là sự dễ dãi, dễ dàng… không bao giờ có nghĩa là giản dị.

Biết nguồn gốc của “đểu cáng” rồi, hóa ra nó cũng… không “đểu” lắm. Không quá xấu. Trên thực tế nhiều khi chúng ta dùng từ “đểu” với nghĩa đùa vui. Một đứa bé trông hay, hóm hỉnh… cũng có thể được khen “Trông đểu nhỉ!”. Nhưng khen không thật người ta gọi là “khen đểu”. Còn thanh niên ngồi hàng nước đầu phố, nhai kẹo vừng hút thuốc lá, nước chè xúc miệng òng ọc nhổ toẹt, nhìn người đi qua phố mình bằng cái nhìn xấc xược… cứ thấy ai không vừa mắt, lại dám “nhìn đểu ông” là thể nào cũng có chuyện, đánh nhau án mạng như chơi.

Ngày bé, gần nhà có anh Nhắt thường gánh nước thuê. Hồi đó không có máy bơm, mà có thì cũng lấy đâu ra điện mà bơm. Gọi là anh vì anh người bé, trông rất trẻ, thực ra con anh ấy gần bằng tuổi mình. Anh Nhắt rất hiền, chẳng thấy to tiếng với ai bao giờ, và bao giờ cũng gánh “khuyến mại” thêm vài gánh nước ngoài số tiền đã nhận. Bà ngoại thường thuê anh gánh nước từ máy nước đầu phố về đổ vào cái bể to ở trong sân để làm nước ăn, còn nước rửa ráy thì múc ở giếng đào cạnh bể nước. Ấy thế mà nhà hàng xóm cứ đến đêm, là sang múc trộm để giặt giũ tắm táp, họ hay vục những cái xô chậu rất bẩn vào múc cho nhanh – mà toàn là cán bộ Nhà nước tập kết từ quê về Hà Nội cả. Đến khi về hưu, cái ông chủ gia đình chuyên múc nước trộm ấy, còn lên đến vụ trưởng, Đảng viên!

Chẳng biết ai là “đểu”, ai là người đàng hoàng nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét