Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

HAI VĂN BẢN VỀ HÔN NHÂN TẠI NAM BỘ CUỐI THẾ KỶ XIX - Phạm Hữu Công & Lê Hoan Hưng

10. Hai văn bản về hôn nhân tại Nam bộ cuối thế kỷ XIX (TBHNH 2005)
Cập nhật lúc 15h36, ngày 05/09/2007
PHẠM HỮU CÔNG
Bảo tàng Lich sử Việt Nam Tp. HCM
LÊ HOAN HƯNG
Nhà sưu tập tư nhân Tp. HCM
Trong cuộc trưng bày “Cổ vật tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh” ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Tp. Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2005) có một bộ sưu tập chất liệu giấy về Nam Bộ xưa khá độc đáo. Bộ sưu tập này gồm nhiều văn bản được phát hành tại Nam Bộ có niên đại từ cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XX. Nghiên cứu về các văn bản nói trên có thể hiểu thêm nhiều điều về sinh hoạt của cư dân Nam bộ xưa về các mặt chính trị, quân sự, dân sự, hộ tịch... Bài viết này, chúng tôi giới thiệu 2 văn bản về hôn nhân ở Nam bộ cuối thể kỷ XIX.
1. Văn bản thứ nhất:
* Về hình thức
Văn bản có 4 trang giấy màu cam hồng có kích thước 31,5x20cm sử dụng theo chiều chữ nhật đứng. Dù có 4 trang nhưng văn bản được khâu gáy bằng chỉ gai màu trắng. Chất liệu là loại giấy rơm có 2 lớp rất mỏng mỗi lớp mặt ngoài màu cam, mặt trong màu vàng rơm dán chặt nhau, tuy nhiên thời gian đã làm cho 2 lớp giấy bị bong ra.
Văn bản được viết bằng chữ Hán Nôm theo kiểu truyền thống nghĩa là viết từ trên xuống phải sang trái, gáy được đóng ở phía phải.
* Về nội dung:
+ Trang 1 gồm những dòng chữ sau:
Chữ Hán Nôm:
福祿縣福田上總新柳村女惛阮惟修
蓋聞
伏義以麗皮之礼所以成兩姓之婚文公用六礼之儀所以继萬世之嗣古典明徵今辰陳叙卜鳳占符瑞慶好逑會合選其吉日當兹逢節小春鴈往鴻來宛若山盟海誓鳳鳴彎唱恍然瑟鼓琴調今從婚約宜其擇得吉星之日兹本月初壹日以合聘期之礼以諧合巹之儀列礼文其具為書式諸粧物具陳于後府照監仰納不宣
茲書
Phiên âm:
Phước Lộc huyện Phúc Điền Thượng tổng Tân Liễu thôn nữ hôn Nguyễn Duy Tu.
Cái văn.
Phục Hy dĩ lệ bì chi lễ, sở dĩ thành lưỡng tánh chi hôn. Văn công dụng lục lễ chi nghi, sở dĩ kế vạn thế chi tự, cổ điển minh trưng, kim thìn trần tựa bốc phụng chiêm phù, thuỵ khánh hảo cầu hội hợp tuyển kỳ cát nhật, đương tư phùng tiết tiểu xuân, nhạn vãng hồng lai, uyển nhược sơn minh hải thệ, phụng minh loan xướng. Hoảng nhiên sắt cổ cầm điệu, kim tùng hôn ước, nghi kỳ trạch đắc cát tinh chi nhật. Tư bản nguyệt sơ nhất nhật dĩ hợp sính kỳ chi lễ dĩ hài hợp cẩn chi nghi, trần liệt lễ văn cụ vi thư thức, chư trang vật cụ trần vu hậu phù chiếu giám ngưỡng nạp bất tuyên.
Tư thư.
Tạm dịch:
Chủ hôn bên nữ bà Nguyễn Duy Tu, nguyên quán thôn Tân Liễu tổng Phúc Điền Thượng huyện Phước Lộc.
Thường nghe:
Xưa vua Phục Hy dùng tấm da thuộc đẹp để làm lễ vật đính hôn giữa hai họ. Ông Văn Công đặt ra 6 nghi lễ là để muôn đời sau nối theo. Người xưa đã định ra điển lễ rõ ràng, thời nay (việc hôn nhân) cũng phải có trình tự rành mạch. Sau khi xem các quẻ bói thấy là hòa hợp tốt đẹp rồi mới cùng nhau chọn ngày lành tháng tốt. Hiện thời nhằm tiết tiểu xuân, chim nhạn chim hồng bay về (là lúc thích hợp cho trai gái), hẹn biển thề non, tựa như loài chim phượng chim loan cùng sánh đôi ca hót tự nhiên, hài hoà như đàn sắt đàn cầm. Nay cứ theo hôn ước hai họ chọn được ngày tốt, là ngày mồng 1 tháng ta này làm lễ nạp sính (ăn hỏi). Những nghi thức làm lễ hợp cẩn thành hôn, cùng các đồ trang sức lễ vật, theo đúng thể thức ghi vào văn bản đầy đủ dưới đây, cúi xin chứng giám xin nạp (đầy đủ).
Nay làm giấy.
Nay viết đây.
+ Trang 2 gồm những dòng chữ sau:
Chữ Hán Nôm:
計開
一初問礼
一親迎禮
金釧成
金鈿耳 成對
黑 豬代銀拾元
羅雲衣代銀拾元
Phiên âm:
Kê khai
Nhất sơ vấn lễ
Nhất thân nghinh lễ
Tử kim xuyến thành song
Kim điền nhĩ thành đối
Hắc trư đại ngân thập nguyên
Lụa vân y đại ngân thập nguyên
Có đóng con dấu hình chữ nhật 4x2,5cm gồm 3 hàng chữ:
- Hàng 1 Cochinchine
- Hàng 2 Française
- Hàng 3 IC Tân Liễu Thôn Trưởng (bằng chữ Hán)
Chữ Hán Nôm:
Phiên âm:
段文凍點指
男段文凍年庚辛酉拾玖歲貫清溝村福田上總属����
女 裴 氏 擺年 庚 壬 戌 拾 捌 歲 貫 新 柳 村 福 田 上 總 属 ����
裴氏擺 點指
女主婚
裴 惟 修 年 庚 戌 陸 拾 陸 歲貫 新 柳 村 福 田 上 總 属 ���� 轄 點 指
阮氏門年庚壬辰四拾捌歲貫新柳村福田上總属��[...]
Đoàn Văn Đống điểm chỉ
Nam: Đoàn Văn Đống niên canh Tân Dậu thập cửu tuế quán Thanh Cấu thôn Phước Điền Thượng tổng thuộc Chợ Lớn hạt.
Nữ: Bùi Thị Bãi niên canh Nhâm Tuất thập bát tuế quán Tân Liễu thôn Phước Điền Thượng tổng thuộc Chợ Lớn hạt.
Bùi Thị Bãi điểm chỉ
Nữ chủ hôn:
- Bùi Duy Tu niên canh Giáp Tuất lục thập lục tuế quán Tân Liễu thôn Phước Điền Thượng tổng thuộc Chợ Lớn hạt điểm chỉ.
- Nguyễn Thị Môn niên canh Nhâm Thìn tứ thập bát tuế quán Tân Liễu thôn Phước Điền Thượng tổng thuộc Chợ (thiếu một chữ: chắc là chữ Lớn) hạt điểm chỉ.
Giữa trang 2 và trang 3 có đóng dấu giáp lai cũng con dấu trên.
Tạm dịch:
Kê khai
Lễ hỏi
Lễ rước dâu
Vòng tay vàng một cặp
Bông tai vàng một đôi
Một con heo quay thay cho mười đồng bạc
Một bộ quần áo lụa thay cho mười đồng bạc
Đoàn Văn Đống điểm chỉ
Nam (chàng rể): Đoàn Văn Đống sinh năm Tân Dậu, 19 tuổi quê quán thôn Thanh Cấu, tổng Phước Điền Thượng thuộc hạt Chợ Lớn.
Con dấu có nội dung là: Nam Kỳ thuộc Pháp
IC Thôn trưởng Tân Liễu
IC có lẽ là chữ tắt đánh dấu khu vực quán lý hành chính của chính phủ Nam Kỳ.
Nữ (cô dâu): Bùi Thị Bãi sinh năm Nhâm Tuất, 18 tuổi quê quán thôn Tân Liễu tổng Phước Điền Thượng thuộc hạt Chợ Lớn.
Bùi Thị Bãi điểm chỉ
Chủ hôn nữ:
- Bùi Duy Tu sinh năm Giáp Tuất 66 tuổi quê quán thôn Tân Liễu, tổng Phúc Điền Thượng thuộc hạt Chợ Lớn điểm chỉ.
- Nguyễn Thị Môn sinh năm Nhâm Thìn 48 tuổi quê quán thôn Tân Liễu, tổng Phúc Điền Thuộc hạt Chợ Lớn điểm chỉ.
+ Trang 3 gồm những dòng chữ sau:
Chữ Hán Nôm:
男主婚
段文書於丁丑年死在清溝村
黃氏忌年庚更寅五拾歲貫清溝村福田上總属����轄點指
女某
段文痢年庚庚子肆拾歲貫新田村福田上總属����轄點指
胡氏擄年庚乙巳三拾五歲貫新田村福田上總属����轄點指
Phiên âm:
Nam chủ hôn:
- Đoàn Văn Thư ư Đinh Sửu niên tử tại Thanh Cấu thôn
- Huỳnh Thị Kỵ niên canh Canh Dần ngũ thập tuế quán Thanh Cấu thôn Phước Điền Thượng tổng thuộc Chợ Lớn hạt điểm chỉ.
Mai nhân:
- Đoàn Văn Lời niên canh Canh Tý tứ thập tuế quán Tân Điền thôn Phước Điền Thượng tổng thuộc Chợ Lớn hạt điểm chỉ.
- Hồ Thị Lô niên canh Ất Tỵ tam thập ngũ tuế quán Tân Điền thôn Phước Điền Thượng tổng thuộc Chợ Lớn hạt điểm chỉ.
Tạm dịch:
Chủ hôn nam:
- Đoàn Văn Thư chết vào năm Đinh Sửu tại thôn Thanh Cấu.
- Huỳnh Thị Kỵ sinh năm Canh Dần 50 tuổi quê quán thôn Tân Cấu, tổng Phúc Điền Thượng thuộc hạt Chợ Lớn điểm chỉ.
Người làm mối:
- Đoàn Văn Lời sinh năm Canh Tý 40 tuổi quê quán thôn Tân Điền, tổng Phúc Điền Thượng thuộc hạt Chợ Lớn điểm chỉ.
- Hồ Thị Lô sinh năm Ất Tỵ 35 tuổi, quê quán thôn Tân Điền, tổng Phúc Điền Thượng thuộc hạt Chợ Lớn điểm chỉ.
+ Trang 4 gồm những dòng chữ sau:
Chữ Hán Nôm:
己卯年拾貳月初壹日
為憑人
鄉紳阮文德手記
村長陳文利記
Phiên âm:
Kỷ Mão niên thập nhị nguyệt sơ nhất nhật
Vi bằng nhân
Hương thân Nguyễn Văn Đức thủ ký
Thôn trưởng Trần Văn Lợi ký
Có in con dấu chữ nhật như trên.
Tạm dịch:
Ngày 1 tháng 12 năm Kỷ Mão
Người chứng nhận
Hương thân Nguyễn Văn Đức ký tay
Thôn trưởng Trần Văn Lợi ký
Nhận xét về văn bản thứ nhất:
Đây là một văn bản không tiêu đề. Căn cứ vào nội dung có thể thấy đây là văn bản của đàng gái chấp nhận định ngày cho đàng trai làm lễ hỏi và lễ cưới đồng thời kê khai các loại lễ nghi và lễ vật thực hiện trong đám cưới.
Điểm đặc biệt là văn bản này có điểm chỉ của rất nhiều người như: chú rể, cô dâu, mẹ chú rể, cha mẹ cô dâu, 2 người làm mai. Điểm chỉ xuất hiện dưới thời phong kiến, là hành động đặt đốt ngón tay trỏ của người được điểm chỉ đo độ dài rồi gạch trên văn bản. Theo quan niệm hình sự xưa, đốt ngón tay mỗi người có độ dài ngắn khác nhau nên có thể phân biệt được để truy cứu trách nhiệm. Vì vậy, trong những văn bản có liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm đôi bên dưới tên người thường có 2 chữ điểm chỉ và một gạch đen. Gạch đen này chính là điểm chỉ tức độ dài đốt ngón tay người được điểm chỉ. Đây là hình thức của người xưa chứng nhận sự đồng ý của mình trên văn bản và từ đó chịu trách nhiệm về nội dung văn bản mình đã điểm chỉ. Hình thức này sau được thực dân Pháp thay thế bằng lăn tay tức lấy dấu ngón tay hoặc chữ ký đối với người biết chữ. Trong văn bản hôn nhân của Đoàn Văn Đống và Bùi Thị Bãi chỉ có 7 người điểm chỉ. Còn cha chú rể đã chết không có điểm chỉ.
Điều quan trọng là văn bản được sự chứng thực của đại diện lại dịch tức chính quyền thôn xã: ông Hương thân và ông Thôn trưởng. Riêng ông Thôn trưởng đã đóng dấu làm bằng.
Trên văn bản thể hiện các địa danh gồm 3 tên thôn: Tân Liễu, Tân Điền và Thanh Cấu. Tất cả các thôn trên đều thuộc tổng Phước Điền Thượng, huyện Phước Lộc hạt Chợ Lớn. Các địa danh này hiện nay có còn tồn tại không ?
Huyện Phước Lộc trước là tổng đổi làm huyện từ năm 1808 thuộc phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Huyện Phước Lộc lãnh 2 tổng: Tổng Phước Điền và tổng Lộc Thành. Tổng Phước Điền có 48 xã, thôn, phường, lân ấp, điếm, trong đó có thôn Tân Điền (Trịnh Hoài Đức, tập Trung, tr.39) không thấy có thôn Thanh Cấu và thôn Tân Liễu.
Năm 1832 huyện Phước Lộc thuộc phủ Tân An, tỉnh Phiên An, 48 thôn phường lân ấp điếm của thời 1808 đến 1832 được sắp xếp lại còn 37, có nhiều tên mới với 13 tên cũ còn tồn tại trong đó có thôn Tân Điền. Lúc này, tổng Phước Điền được chia ra 2: Phước Điền Thượng và Phước Điền Trung. Tổng Phước Điền Trung gồm 15 thôn 2 phường trong đó có thôn Tân Điền và xuất hiện thôn mới Tân Liễu vẫn không tìm thấy tên thôn Thanh Cấu. Như vậy đã xác định được 2 tên thôn nhưng có sự khác biệt về tổng: văn bản hôn ước ghi là Tân Điền, Tân Liễu thuộc Phước Điền Thượng, nhưng địa bạ tỉnh Gia Định lại ghi thuộc Phước Điền Trung (Nguyễn Đình Đầu, tập 1, tr.219).
Năm 1836, tỉnh Phiên An được gọi là tỉnh Gia Định, vì vậy huyện Phước Lộc thuộc tỉnh Gia Định.
Dưới thời thuộc Pháp năm 1862 huyện Phước Lộc vẫn thuộc tỉnh Gia Định, lỵ sở huyện ở Cần Giuộc cai quản 6 tổng trong đó có tổng Phúc Điền Thượng (19 làng), Phước Điền Trung (21 làng) và lại có thêm tổng Phước Điền Hạ (29 làng) nữa...
Năm 1867 huyện được nâng lên thành hạt Phước Lộc, năm 1870 đổi là hạt Cần Giuộc thuộc tỉnh Sài Gòn. Hạt Cần Giuộc cai quản 6 tổng trong đó có tổng Phước Điền Thượng (19 làng), Phước Điền Trung (20 làng), Phước Điền Hạ (30 làng)... Năm 1872 Phước Lộc (Cần Giuộc) bị xóa bỏ nhập vào hạt Chợ Lớn thuộc tỉnh Sài Gòn. Hạt Chợ Lớn gồm 13 tổng trong đó có tổng Phước Điền Thượng (19 làng), Phước Điền Trung (22 làng), Phước Điền Hạ (27 làng).
Năm 1876, 3 tổng: Phước Điền Thượng, Trung, Hạ thuộc địa hạt Chợ Lớn.
Năm 1889, 3 tổng trên thuộc tỉnh Chợ Lớn. Tên làng vẫn như cũ.
Năm 1910, 3 tổng Phước Điền Thượng, Phước Điền Trung, Phước Điền Hạ thuộc tỉnh Chợ Lớn. Các thôn làng lúc này đổi thành xã, 68 làng thuộc 3 tổng Phúc Điền Thượng, Phúc Điền Trung, Phúc Điền Hạ chỉ còn lại 19 xã với tên gọi hầu như hoàn toàn thay đổi, chỉ còn 3 tên làng được giữ lại đó là Phước Lý, Tân Kim, Tân Quới Tây.
Năm 1940: Không có tài liệu về khu vực tỉnh Chợ Lớn.
Năm 1970: Đơn vị tổng bị xóa bỏ, 19 xã của 3 tổng Phúc Điền Thượng, Phúc Điền Trung, Phúc Điền Hạ thời 1910 lúc này thuộc tỉnh Long An gom lại 14 xã trong đó duy nhất xã Phước Lý được giữ lại thuộc quận Rạch Kiến, quận Cần Đước có 2 tên xã của thời 1808: Mỹ Lệ, Tân Lân.
Hiện nay các xã của 3 tổng Phước Điền Thượng, Phước Điền Trung, Phước Điền Hạ cũ vẫn thuộc 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc.
Huyện Cần Đước còn lại 6 tên xã của thời 1808 (Tân Lân, Tân Ân, Long Định, Long Sơn, Long Hòa, Mỹ Lệ), huỵên Cần Giuộc còn lại 1 tên xã Phước Lý của thời 1808, 1 tên xã Tân Kim của thời 1832 và 9 tên xã của thời 1910 (Phước Hậu, Phước Lâm, Thuận Thành, Trường Bình, Phước Lai, Phước Vĩnh Tây, Đông Thạnh, Phước Vĩnh Đông, Tân Lập).
Như vậy là từ năm 1889 không còn thấy các tên thôn Tân Điền, Tân Liễu nữa. Có lẽ các thôn này đã bị sát nhập vào một thôn khác hoặc được đặt tên khác?
Riêng tên thôn Thanh Cấu không thấy xuất hiện trong các tài liệu. Tuy nhiên qua các cứ liệu cũng có thể xác định rằng văn bản hôn nhân này đã được xác lập trong địa bàn huyện Cần Đước hoặc Cần Giuộc của tỉnh Long An hiện nay.
Về niên đại năm thực hiện văn bản là năm Kỷ Mão (có nhiều năm Kỷ Mão: 1819, 1879, 1939). Căn cứ vào tên thôn Tân Điền xuất hiện năm 1808, Tân Liễu xuất hiện năm 1832 con dấu có chữ Nam Kỳ thuộc Pháp thì đây là năm Kỷ Mão 1879 vì năm 1939 đã không còn sử dụng chữ Hán trên văn bản hành chính nữa mà chỉ sử dụng chữ Quốc ngữ (chữ Việt Latinh hóa), còn năm 1819 thì không thể xuất hiện tên thôn Tân Liễu. Hơn nữa năm này Nam Kỳ vẫn thuộc sự cai quản của triều đình Huế. Từ đó, có thể suy ra chú rể Đoàn Văn Đống sinh năm 1861 (Tân Dậu), cô dâu Bùi Thị Bãi sinh năm 1862 (Nhâm Tuất), cha cô dâu ông Bùi Duy Tu sinh năm 1814 (Giáp Tuất), mẹ cô dâu bà Nguyễn Thị Môn sinh năm 1832 (Nhâm Thìn), cha chú rể ông Đoàn Văn Thư chết năm Đinh Sửu (1877), mẹ chú rể bà Huỳnh Thị Kỵ sinh năm 1830 (Canh Dần). Hai người làm chứng ông Đoàn Văn Lời sinh năm 1840 Canh Tý, bà Hồ Thị Lô sinh năm 1845 Ất Tỵ.
Lễ nạp sính của vợ chồng này thực hiện vào tháng chạp năm 1879 Kỷ Mão cho thấy nhà trai nhà gái tuân thủ đúng việc để tang ông Đoàn Văn Thư chết vào năm 1877 đến đó đã được 3 năm.
Căn cứ vào nội dung văn bản, có sự điểm chỉ của các đương sự và vi bằng của chính quyền địa phương, có thể nói đây là hình thức của một tờ hôn thú. Sự việc chính quyền tay sai Pháp đóng dấu trên văn bản vừa dấu ký vừa dấu giáp lai cho thấy sự kiểm soát chặt chẽ của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam.
Mặt khác, văn bản với màu cam đặc biệt đã chứng tỏ sự trân trọng của xã hội ta với các cuộc hôn nhân, và lễ vật được liệt kê trong văn bản thể hiện sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc hôn nhân chứng tỏ sự coi trọng của người Việt Nam với lễ thành hôn, một sự kiện quan trọng của đời người. Tuy nhiên, trong cuộc hôn nhân này các nghi lễ đã bị lược bớt chỉ còn 2 lễ là lễ hỏi và lễ rước dâu. Lễ vật cũng chỉ có 4 loại trong đó có 3 loại dành cho cô dâu: vòng tay, bông tai, bộ quần áo lụa (được thay thế bằng 10 đồng bạc) đặc biệt có nhắc đến con heo quay (được thay bằng 10 đồng bạc). Điều này cho thấy heo quay là món ăn thông thường ở Việt Nam vào cuối TK. XIX và không thể thiếu trong các hôn lễ.
Đáng chú ý là văn bản hôn ước năm 1879 này được thực hiện ở thôn Tân Liễu nơi cư trú của nhà gái. Có đến 2 người làm mai ở khác làng với cô dâu chú rể. Hôn ước này không có người làm chứng.
Cuối cùng về cách viết: chữ trên văn bản đã được viết rất tháu. Cũng có sự nhầm lẫn: trang 1 đã viết nhầm tên ông Bùi Duy Tu thành Nguyễn Duy Tu, trang 2 dòng giới thiệu về mẹ cô dâu đã viết thiếu một chữ lớn trong chữ Chợ Lớn và ở dòng giới thiệu bà mai đã viết thiếu tên để rồi phải chêm vào một chữ “Lô” ở cạnh bên. Điều đó cho thấy người thư ký đã hơi thiếu tập trung khi viết văn bản.
2. Văn bản thứ hai:
* Về hình thức:
Văn bản có 4 trang giấy màu cam hồng có kích thước 27,5x21,5cm sử dụng theo chiều chữ nhật đứng. Dù có 4 trang nhưng văn bản thực tế chỉ là một tờ giấy gấp lại và được khâu gáy bằng chỉ gai màu trắng. Chất liệu là loại giấy rơm có 2 lớp rất mỏng mỗi lớp mặt ngoài màu cam, mặt trong màu vàng rơm dán chặt nhau, tuy nhiên thời gian đã làm cho 2 lớp giấy bị bong ra.
Văn bản được viết bằng chữ Việt Latinh hóa 3 trang đầu, trang cuối viết bằng chữ Hán, gáy được đóng phía trái.
* Về nội dung: Văn bản được trình bày như sau:
Trang 1
TỜ HÔN THÚ
Hạt Mỹ Tho Le 21 tháng 10 An Nam 1885
Tổng Thuận Trị
Làng An Vĩnh
Có hình một nửa con dấu hình chữ nhật. Dấu có 3 dòng: dòng trên có chữ Lạc lớn in hoa, dòng giữa số 14, dòng cuối chữ Thôn trưởng bằng chữ Hán.
TỜ KHAI HÔN THÚ dòng này có 2 gạch chân 1 nhạt 1 đậm
Rể Ng’ Văn Kỳ 52 ans ở tổng Thuận Trị làng An Vĩnh
Cha Ng’ Văn Huệ ở tổng Thuận Bình làng An Phước, chết
Mẹ Vỏ Thị Minh ở tổng Thuận Bình làng An Phước, chết
Chủ hôn Ng’ Văn Rớt 50 ans ở tổng Thuận Bình làng An Phước, vườn
Dâu Phạm Thị Tại 37 ans ở tổng Thạnh Quản làng An Lạc, vườn
Cha Phạm V Sơn ở tổng Thạnh Quản làng An Lạc, chết
Mẹ Ng’ Thị Phương 70 ans ở tổng Thạnh Quản làng An Lạc, vườn
Chủ hôn Phạm V Sang 48 ans ở tổng Thạnh Quản làng An Lạc, vườn
Trang 2
Mai Trần V Vỉnh 50 ans nghề vườn ở tổng Thạnh Quản làng An Lạc.
Chứng trai Trần V Cần 49 ans nghề vườn ở tổng Thuận Trị làng An Vĩnh.
Chứng gái Dương V Nhờ 50 ans nghề vườn ở tổng Thạnh Quản làng An Lạc.
Người khai Trần V Vỉnh 50 ans nghề vườn ở tổng Thạnh Quản làng An Lạc.
Cưới làm vợ chánh
Lễ sơ vấn các hạn tiền hai chục quan
Liệu - Lễ Tết các hạn tiền một chục quan
Lễ cưới các hạn tiền bốn chục quan
Cộng các hạn thành tiền bảy chục quan
Dòng này có 2 gạch chân 1 nhạt 1 đậm
Có dấu hình chữ nhật gồm 3 dòng:
Dòng trên 2 chữ An Lạc chữ in hoa, dòng giữa No14 (số 14), dòng cuối 4 chữ An Lạc thôn trưởng bằng chữ Hán. No14 có lẽ là ký hiệu đánh dấu khu vực quản lý hành chính của chính phủ Nam Kỳ.
Giữa trang 2 và trang 3 có dấu giáp lai như trên.
Trang 3 Chữ cỡ nhỏ
Rể Ng’ Văn Kỳ điểm chỉ
Dâu Phạm Thị Tại điểm chỉ
Chủ hôn bên trai Nguyễn V Rớt điểm chỉ
Chủ hôn bên gái Phạm V Sang điểm chỉ
Chữ cỡ lớn
Trần V Cần điểm chỉ
Dương V Nhờ điểm chỉ
Trần V Vĩnh điểm chỉ
Trang 4
Chữ Hán
鄉紳阮文振 手記
村長阮惟寧認實記
副知簿范文歸記
Phiên âm:
Hương thân Nguyễn Văn Chấn thủ ký
Thôn trưởng Nguyễn Duy Ninh nhận thực ký
Phó tri bạ Phạm Văn Quy ký
Dấu chữ nhật như trên đóng ngay dưới dòng Thôn trưởng Nguyễn Duy Ninh.
Nhận xét về văn bản thứ hai
Tờ hôn thú năm 1885 được thực hiện tại nơi cư trú của nhà gái. Chú rể ở làng An Vĩnh khác nhau với cha mẹ là làng An Phước, chắc ông này đi làm ăn và cư trú ở làng An Vĩnh từ lâu. Người làm chứng bên trai có cùng nơi cư trú với chú rể. Chủ hôn thì ở cùng làng với cha mẹ chú rể. Về phía cô dâu và cha mẹ cùng người chủ hôn ở cùng một làng An Lạc, người mai và người làm chứng cũng thuộc làng này. Đặc biệt trong tờ hôn thú này chỉ có một người làm mai.
Từ 1880 trở đi, thực dân Pháp tiến hành cải cách hành chính, giấy tờ công văn viết bằng chữ Hán Nôm được chuyển qua chữ Việt Latinh hóa và Pháp ngữ. Tờ hôn thú hiếm hoi này đã thể hiện tinh thần đó - Chúng tôi sưu tầm được 20 văn bản hôn thú thời kỳ này gồm 19 văn bản viết bằng chữ Hán, chỉ có 1 văn bản đang đề cập là viết bằng chữ Việt Latinh hóa - Tuy nhiên, có lẽ vì các lại mục địa phương chưa quen với chữ Việt Latinh hóa nên vẫn sử dụng chữ Hán trong việc chứng nhận văn bản. Cạnh đó, con dấu có lẽ cũng chưa đổi nên vẫn còn 4 chữ An Lạc Thôn trưởng bằng chữ Hán.
- Tờ hôn thú có 4 chỗ được đóng dấu: ở trang 1, trang 2, giáp lai ở trang 2, 3 và trang 4, trang 1 chỉ còn nửa hình dấu. Như vậy, đây là dấu giáp lai. Điều đó chứng tỏ rằng còn một phần gốc của tờ hôn thú. Đó là phần chính quyền địa phương thôn ấp lưu lại. Dấu của thôn trưởng được đóng lên những chỗ cần thiết, điều đó chứng tỏ tính quy phạm của văn bản hành chính khá chặt chẽ.
- Về các địa danh: có các làng An Vĩnh, An Phước, An Lạc và các tổng Thuận Trị, Thuận Bình, Thạnh Quản. Tất cả thuộc hạt Mỹ Tho, không thấy có đơn vị huyện.
Tên làng An Phước, An Vĩnh xuất hiện từ 1808 nằm trong tổng Kiến Thuận, huyện Kiến Hưng phủ Kiến An thuộc trấn Định Tường (Trịnh Hoài Đức, sđ dtr.60)/
- Năm 1872 - 1889 tỉnh thời Minh Mạnh bị giải thể, cấp hạt thay thế. Định Tường bị chia ra 5 hạt trong đó: hạt Mỹ Tho gồm 3 huyện Kiến Hưng, Kiến Hòa, Kiến Đăng cũ được chia ra 13 tổng với 182 xã thôn. Trong 13 tổng này ta thấy có tổng Thuận Trị (20 xã thôn), tổng Thuận Bình (16 xã thôn), tổng Thạnh Quản (Quờn) 16 xã thôn.
- Giai đoạn 1889 - 1955 lại đổi hạt thành tỉnh, 3 tổng Thuận Trị, Thuận Bình, Thạnh Quờn bấy giờ thuộc tỉnh Mỹ Tho với 20 tổng. Trong tổng Thuận Trị còn thấy tên làng An Vĩnh, tổng Thuận Bình có tên làng An Thạnh và tổng Thạnh Quờn lúc này chỉ còn 13 xã thôn có tên làng An Lạc. Như vậy, địa danh An Lạc chỉ có thể xuất hiện sớm nhất là năm 1872.
- Từ 1975 đến nay các xã trên vẫn tồn tại và thuộc huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang, riêng làng An Lạc xưa nay là xã Lương Hòa Lạc (nhập 3 làng Lương Phú, Long Hòa, An Lạc của tổng Thanh Quờn) thuộc huyện chợ Gạo tỉnh Tiền Giang.
ĐỐI CHIẾU VÀ KẾT LUẬN
Văn bản 1 và văn bản 2 cùng là thể loại hôn ước nhưng có một số sự khác biệt có thể nhận thấy như sau:
Văn bản hôn ước thứ nhất (năm 1879) tuy không ghi tiêu đề là tờ hôn thú nhưng có bài văn mở đầu về việc cưới hỏi, nội dung bài văn thể hiện tinh thần Nho giáo. Từ bài văn mở đầu, số lượng người ký tên trên tờ hôn thú gồm vợ chồng, chủ hôn nữ (bố mẹ cô dâu), chủ hôn nam (mẹ chú rể, cha đã mất), mai nhân (2 người) có sự chứng nhận của hương thân và thôn trưởng, chúng ta có thể nhận thấy văn bản hôn ước thứ nhất (1879) là văn bản hôn thú soạn theo mẫu chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước khi thực dân Pháp sang xâm chiếm Nam kỳ. Cũng có thể có những thay đổi mà rõ ràng nhất là việc sử dụng con dấu mới. Tiếc rằng hiện nay không có văn bản hôn ước thời Nguyễn để đối chiếu. Tuy nhiên, trước khi văn bản này được lập, thực dân Pháp đã ban hành Nghị định 1865. Nghị định 1865 dựa trên luật Napoleon quy định việc soạn thảo những mẫu giấy tờ hộ tịch, trong đó có quy định tạm thời về hôn nhân ở Nam kỳ. Xem xét nội dung văn bản hôn ước 1879 với việc sử dụng chữ Hán chứng tỏ là văn bản này chưa thực hiện những quy định tạm thời nói trên.
Văn bản kết hôn thứ hai lập năm 1885 sau khi soái phủ Nam Kỳ (Gouverneur de la Cochinchine) ban hành sắc lệnh ngày 3/10/1883 quy định về việc hôn nhân của người bản xứ. Trong văn bản thứ hai các tục lệ cưới hỏi của người dân Việt vẫn còn được ghi chú cẩn thận nhưng khác với văn bản một ở phần đầu ghi rõ là tờ hôn thú chứ không còn bài văn mở đầu nữa. Lúc này văn bản bắt đầu có xu hướng tây hóa qua phần ghi ngày tháng (Le 21 tháng 10 An Nam 1885) và tuổi của từng người ghi là ans, có thêm các mục người làm chứng, người khai và phần ghi nghề nghiệp. So sánh với văn bản 1 thì văn bản 2 có những phần khác nhau như sau:
+ Phần điểm chỉ: văn bản 1 có 8 người phải điểm chỉ là cô dâu, chú rể, chủ hôn nam nữ và 2 người làm chứng trong đó chủ hôn chính là cha mẹ của cô dâu chú rể. Nhưng thực tế việc điểm chỉ chỉ còn có 7 người do cha chú rể đã chết. Văn bản 1 không có người làm chứng, không có người khai. Văn bản 2 những người điểm chỉ gồm 7 người: cô dâu chú rể, chủ hôn nam nữ, chứng trai, chứng gái và người khai. Lúc này chủ hôn không nhất thiết phải là cha mẹ chú rể, cô dâu nữa, đồng thời, lại có thêm 2 loại thể nhân khác bắt buộc phải điểm chỉ: đó là người khai hôn thú và người làm chứng cuộc hôn thú.
Phần chứng thực của địa phương văn bản 1 chỉ có 2 đại diện chính quyền địa phương hương thân và thôn trưởng còn văn bản 2 lại có thêm một đại diện phụ trách sổ bộ đó là Phó tri bạ. Như vậy, về những người tham dự trong văn bản đã có sự khác nhau khá nhiều.
Qua 2 văn bản hôn nhân tại Nam Bộ cuối TK. XIX có thể thấy tầm quan trọng về việc hôn nhân trong xã hội Việt Nam xưa. Cũng có thể thấy việc nghiên cứu sưu tập văn bản hôn nhân nói riêng và văn bản các loại nói chung giúp chúng ta tìm hiểu và phân tích quá trình thay thế chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ (Việt Latinh hóa) trong văn bản ở các vùng Bắc Trung Nam có khác nhau về mốc thời gian và tìm hiểu về sự chấm dứt của việc điểm chỉ (dấu lóng tay) từ thời phong kiến Việt Nam để chuyển sang các loại chữ ký và dấu lăn tay và nhiều vấn đề khác trong xã hội của thời Pháp thuộc vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, việc cùng sử dụng một loại giấy có màu hồng dù 2 văn bản được lập ở 2 địa phương xa nhau ở 2 thời điểm khác nhau đã cho thấy có sự quy định thống nhất về loại giấy dùng trong hôn nhân. Kế đến sự xuất hiện đông đảo của nhiều người liên quan trong hôn sự như: cha mẹ, người làm chứng, người làm mai, người chủ hôn, người khai... trong văn bản đã làm cho cuộc hôn nhân trở nên có ý nghĩa hơn, trịnh trọng hơn.
Điều thú vị nữa là qua 2 văn bản hôn nhân này thấy được tầm quan trọng của người làm mai, sự cần thiết của tiền bạc và các lễ vật trong hôn nhân cũng như khả năng cưới vợ chánh, vợ thứ hoặc làm thiếp của nam giới ngày xưa. Về tuổi tác, hai cặp trong 2 văn bản hôn nhân trên đây có thể đại diện cho 2 lứa tuổi khác nhau: một cặp lứa tuổi đôi mươi (nam 19, nữ 18), một cặp lứa tuổi trung niên (nam 52, nữ 37). Vì vậy, mặc dù mới chỉ có 2 văn bản cũng có thể thấy rằng biên độ tuổi kết hôn ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX là khá rộng. Cuối cùng, việc tìm hiểu những văn bản cổ như trên với việc ghi chép chính xác các địa danh sẽ góp phần vào việc nghiên cứu địa lý, lịch sử, xác minh đính chính được những địa danh cổ còn chưa xác định.
Tài liệu tham khảo
- Đào Duy Anh: Hán Việt từ điển, Nxb. KHXH, 1992.
- État civil indigène - Bộ đời người bổn quốc (Registre des Actes de décleration de Mariage - Bộ khai hôn thú (1901).
- État civil indigène - Bộ đời người bổn quốc (Registre des Actes de Mariage du 1er degré - Bộ hôn thú bậc nhất (1901).
- Monographie de la province de Mỹ Tho 1902 - Sài Gòn.
- Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, 3 tập, Nxb. Tp. HCM, 1994.
- Nguyễn Tạo (dịch): Đại Nam nhất thống chí, 2 tập: thượng và trung, Nha Văn hóa phủ Quốc Vụ khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn, 1973.
- Thiều Chửu: Tự điển Hán Việt, Sài Gòn, 1966.
- Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Tập trung, Nha Văn hóa phủ Quốc Vụ khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn, 1972.
- Vụ Bảo tồn Bảo tàng: Niên biểu Việt Nam, Viện KHXN Hà Nội, 1984.
- Vũ Văn Kính: Bảng tra chữ Nôm miền Nam, Hội ngôn ngữ học Tp. HCM, 1994./.
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.90-109)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét