Chữ và nghĩa: Về hai từ "kinh điển" và "tiêu chí"
There are no translations available.
Chữ và nghĩa
Hiện nay, các từ ngữ gốc ngoại nói chung và các từ ngữ Hán - Việt nói riêng được sử dụng khá phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh những trường hợp nói đúng, viết đúng cũng còn không ít các trường hợp người nói, người viết đã sử dụng các từ vay mượn này một cách không cần thiết, thậm chí nói sai, viết sai…Dưới đây, chúng tôi xin đăng một bài viết của TS. Vũ Cao Phan về tình trạng lạm dụng hai từ kinh điển và tiêu chí trên một số tờ báo…Rất mong nhận được các ý kiến thảo luận, hưởng ứng của mọi người.
Về hai từ kinh điển và tiêu chí
Tưởng rằng đó chỉ là trường hợp hy hữu, không ngờ rằng từ dè dặt ban đầu (thảng hoặc mới thấy xuất hiện), cuối cùng thì gần đây cụm từ "trận đấu kinh điển" đã được hầu hết các báo thể thao sử dụng để nói về cuộc đụng độ giữa các đội bóng lớn, ngay cả khi đó chỉ là những trận đấu rời rạc hoặc ẩu đả loạn xì ngầu. "Báo nghe" và "báo xem" vào cuộc chậm hơn (chắc là còn nghe ngóng) nhưng một khi họ đã khoái sử dụng rồi thì kinh điển được "xổng chuồng" thoải mái trong các chương trình phát về bóng đá, thậm chí gần đây còn luôn nghe thấy tiếng gào trên màn hình: "Các bạn hãy mau chóng dự đoán về trận đấu siêu kinh điển này để nhận được....".
Kinh thật đấy! Vậy kinh điển nghĩa là gì?
Kinh điển là một từ Hán -Việt. Giải nghĩa về từ này hầu như tất cả các từ điển xuất bản lâu nay tại Việt Nam (và cả Trung Quốc) đều thống nhất: 1- Tác phẩm có giá trị mẫu mực, tiêu biểu; có ảnh hưởng lớn cho một học thuyết, một chủ nghĩa, một tôn giáo. 2- Tác gia của các tác phẩm ấy (nhà kinh điển). 3- Có tính quy chuẩn, bài bản, cổ điển. Chấm hết. Vậy thì tại sao lại có cách hiểu, cách sử dụng như trên? Theo thiển ý của tôi (mà chắc đúng), nguyên do là ban đầu một vài bình luận viên bóng đá - như bạn M.T nói trên - đã dịch từ classic (tiếng Anh - hoặc classique, classico... của các ngôn ngữ Ấn- Âu khác) sang tiếng Việt theo nghĩa “kinh điển” (chỉ không hiểu sao trước kia họ đã không dịch như vậy), rồi dần dà nó được "ăn theo". Thực ra, classic (classique, classico...) trong các ngôn ngữ ấy còn có nghĩa là lớn, là hay, là có chất lượng cao... (từ kinh điển trong tiếng Việt không có nghĩa này). Do đó, "a classic game of football" phải được dịch là "một trận bóng hay"hoặc" một trận đấu lớn" thì mới đúng nghĩa. Gọi là "trận đấu kinh điển" nghe có vẻ sang, có vẻ "chữ nghĩa" nhưng thực là đã làm hỏng tiếng Việt.
Kinh điển là một từ Hán -Việt. Giải nghĩa về từ này hầu như tất cả các từ điển xuất bản lâu nay tại Việt Nam (và cả Trung Quốc) đều thống nhất: 1- Tác phẩm có giá trị mẫu mực, tiêu biểu; có ảnh hưởng lớn cho một học thuyết, một chủ nghĩa, một tôn giáo. 2- Tác gia của các tác phẩm ấy (nhà kinh điển). 3- Có tính quy chuẩn, bài bản, cổ điển. Chấm hết. Vậy thì tại sao lại có cách hiểu, cách sử dụng như trên? Theo thiển ý của tôi (mà chắc đúng), nguyên do là ban đầu một vài bình luận viên bóng đá - như bạn M.T nói trên - đã dịch từ classic (tiếng Anh - hoặc classique, classico... của các ngôn ngữ Ấn- Âu khác) sang tiếng Việt theo nghĩa “kinh điển” (chỉ không hiểu sao trước kia họ đã không dịch như vậy), rồi dần dà nó được "ăn theo". Thực ra, classic (classique, classico...) trong các ngôn ngữ ấy còn có nghĩa là lớn, là hay, là có chất lượng cao... (từ kinh điển trong tiếng Việt không có nghĩa này). Do đó, "a classic game of football" phải được dịch là "một trận bóng hay"hoặc" một trận đấu lớn" thì mới đúng nghĩa. Gọi là "trận đấu kinh điển" nghe có vẻ sang, có vẻ "chữ nghĩa" nhưng thực là đã làm hỏng tiếng Việt.
Điều đáng nói nữa là người ta còn thả bút đi xa hơn, đến mức chẳng thể hiểu họ cho phép từ kinh điển còn mang nghĩa gì nữa. Xin dẫn ra ba trường hợp gần, từ ba tờ báo khác nhau: "Như vậy, Barca đã kết thúc tháng kinh điển (?) với những kết quả đáng thất vọng" ("Khăn trắng cho Rijkard", H.NH, trang 21, "Thể thao & Văn hoá" số 31, 13/ 3/ 2007); "Đội tuyển Pháp đã trả nợ Italia bằng chiến thắng 3-1 nhưng họ vẫn cứ tiếc nuối... nếu Zidan không nhận thẻ đỏ rời sân sau cú húc đầu kinh điển (?)" (chắc tác giả này cho rằng kinh điển gần nghĩa với kinh khủng?) ("Les Bleus- bất ngờ xứng đáng" -H.N, trang 20, báo "Bóng đá" số 301, 29/12/2006); "Bình Định sau chiến thắng kinh điển trước Bình Dương đang rất phấn khích" ("Cuộc chiến của những người hàng xóm" -T.V, trang 7, "Tin tức" số 2130, 25/ 3/2006). Thật hết biết!
2."Tiêu chí" ơi, sao em "hoành tráng" vậy? So với từ kinh điển, từ tiêu chí còn có một số phận đáng báo động hơn. Nó cũng được dùng nhiều nhất bởi các phóng viên thể thao (với nghĩa sai lạc). Nhà báo khá nổi tiếng trong các bài bình luận bóng đá N.N liên tục dùng sai từ này. Bây giờ thì từ tiêu chí trở thành đa nghĩa trên mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hoá-xã hội, chính trị.... thậm chí ngay cả các "danh nhân" và một số vị lãnh đạo cũng thường dùng, và dùng sai (xem các phát biểu được phát trong chương trình thời sự của VTV1 buổi 19h, các ngày 29 tháng 10 năm 2005, ngày 8 tháng 2 năm 2007 và ngày 24 tháng 3 năm 2007. Ở những phát biểu này, các vị còn dùng sai cả từ nội hàm nữa). Tôi thống kê một cách ngẫu nhiên thì thấy từ tiêu chí ít nhất cũng có dăm bảy chục trường hợp báo chí dùng sai. Dẫn ra đây một vài ví dụ để xem từ này đã được hiểu với những nghĩa như thế nào:
a. Không rõ hoặc vô nghĩa (khoảng 10%): "Điện Biên Phủ là một tiêu chí quan trọng (?) đối với thế giới thứ ba" (tiêu đề một bài ở trang 6, "Tin tức" số 1519, 26/3/2004); "Tiêu chí cao nhất để đánh giá trình độ khoa học và kỹ thuật của một nước là giải Nobel" ("Một góc nhìn phản biện" (GS. TSKH N.X.H, trang 4, báo Lao động số 250, 10/9/2006); " Tiêu chí để chọn dựa trên 4 tiêu chuẩn mà bắt buộc một sinh viên phải đạt được (Nguyễn Kiều Liên: người Việt Nam duy nhất..." (Đ.T, trang Hà Nội, báo Lao động số 352, 18/12/2003); "Đâu là tiêu chí chuẩn... các tiêu chí chủ trương(?) không vượt quá điện trường 41V/m..." ( "Cơn ác mộng trạm ăng ten tiếp phát" (H.H, "Khoa học và Công nghệ" số 41, 9/10/ 2003); "Chúng tôi thống nhất một tiêu chí rằng chuyện khi đó, ai làm người ấy phải chịu trách nhiệm" ("Khi nào phải dạy, lúc nào cần dỗ"- T.H, trang 5, báo Lao động số 120, 3/ 5/ 2006); "Vậy tiêu chí hội viên (?) của đằng ấy thế nào? Khi mà càng đọc sách càng trở nên đơn độc" ("Cuộc trò chuyện giữa nhà văn và bạn đọc"- L.T.L.H, trang 42, "Thể thao & Văn hoá" số 34, 29 / 4/ 2005); "Tiêu chí của cuộc thi này sẽ hoàn toàn mới lạ về hình thức, hướng đến việc tuyển chọn, tìm kiếm sự vượt trội về trí tuệ, phẩm chất, nhân cách, hiểu biết bên cạnh nét đẹp hình thể" ( "Sắp có hoa hậu tài năng Việt" - T.P, trang 37 , "Thể thao & Văn hoá" số 27, 3/ 3/ 2007).
b. Với nghĩa mục tiêu, mục đích (30%): "Ba điểm là mục tiêu của Real nhưng cũng là tiêu chí hướng đến của Betis" ("Real tiếp tục kém?" P.Q trang 11, "Thể thao" số 255, 29/ 10/ 2005); "ở Liverpool chúng tôi có nhiều tiền đạo giỏi... Tiêu chí của chúng tôi là sử dụng tất cả cho mọi đấu trường" ( "Baros sẽ đầu quân cho Everton? " - H.N, "Sài Gòn giải phóng, Thể thao", trang 7 số 181, 3/ 8/ 2005); "Những nghiên cứu làm người ta bật cười nhưng sau đó buộc phải suy nghĩ đã luôn là tiêu chí của các giải Ig Nobel" ("Cười và suy nghĩ" trang 15, "Tuổi trẻ" số 1233, 8/ 10/ 2005); "Bộ Giáo dục chủ trương triển khai hình thức GDTX theo hai tiêu chí: học lấy văn bằng và học để nâng cao dân trí" ("Học từ xa...", N.D.A, trang 3, "Tin tức" số 296, 3/ 1/ 2000). (Các vị lãnh đạo mà tôi đề cập đến ở trên cùng dùng tiêu chí với nghĩa này).
c. Với nghĩa yêu cầu, điều kiện (20%): "Ông Thắng... biến nó thành đội bóng sạch với tiêu chí không sạch thì thà dẹp đi còn hơn" ("Nếu bầu Đức dẹp bóng đá"- N.N, trang 5, "Lao động" số 13, 14/ 1 / 2006 - Nói thêm là tác giả N.N. này còn rất thường dùng tiêu chí với nghĩa là "tiêu chuẩn"); "ăn mặc gọn gàng, phù hợp với hoàn cảnh là tiêu chí cao nhất về thời trang" (bài "Quyến rũ tuổi 40" -T.M, trang 3, "Tin tức" số 1511, 17/ 3/ 2004); "Tiêu chí tổ chức chú trọng phần hội hơn là nghị" ("Hội nghị những người viết văn trẻ"- H.D, trang 15, "Thanh niên" số 126, 6/ 5/ 2006); "Gỗ vẫn chiếm tỷ lệ áp đo với tiêu chí không dùng đinh mà áp dụng kỹ thuật ghép mộng" ("Không lặng Pattaya" -N.T, trang 2, Hành tinh xanh, "Tin tức" số 1978, 22/ 9/ 2005).
d. Với nghĩa tiêu chuẩn (35%): "Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,4% theo tiêu chí cũ và theo tiêu chí mới là 4,48%" ("Đà Lạt với cơ hội mới"- V.P, trang 4, "Sài Gòn giải phóng", 21/ 9/ 2005); "Theo đó, thông điệp an toàn là tiêu chí số 1 được VNA gửi tới khách hàng" ("Sẽ đình bay những máy bay..." - T.H, trang 3, "Tin tức" số 2397, 6/ 2/2007); "Chúng tôi cho rằng nếu Hội đồng sợ nhiều NSND, NSUT quá thì nên siết chặt các tiêu chí lại" ("Ngạc nhiên và không ít thất vọng" -T.A, trang 5, "Lao động" số 193, 15/ 7/ 2006); "Nhìn chung cả ba tiêu chí về nước sạch của nhà máy chưa đạt yêu cầu" ("Thành phố Thái Bình báo động..."- P.H.Đ, trang 3, "Tin tức" số 2034, 26/ 11/ 2005); "Diễn đàn cũng thông qua điều chỉnh các tiêu chí đối với chủ tịch ARF để nâng cao tính hiệu quả của chức vụ này" (" Bế mạc diễn đàn.." - T.H, trang 4, "Hà Nội mới Tin chiều" số 265, 30/ 7/ 2005).
(Trên đây chúng tôi mới chỉ trích dẫn một phần nhỏ, và hầu như chưa dẫn ra sự chẳng hề kém cạnh ở khu vực "báo xem", "báo nghe" - ngay cả đối với các phóng viên khá quen biết trong chương trình Thời sự ).
Xin nói ngay, điều đáng tiếc là ở tất cả các trích dẫn trên, tác giả đều dùng không đúng nghĩa của từ tiêu chí. Tiêu chí luôn được định nghĩa là: "Tính chất, dấu hiệu đặc trưng để nhận biết, xem xét, hoặc phân loại một vật, sự vật". Đây là cách dùng đúng: "Chỉ số này được đánh giá qua năm tiêu chí: Thu nhập, chất lượng sống, tăng trưởng kinh tế đất nước, việc làm và thành quả của thị trường chứng khoán" ("1", trang1, "Tuổi trẻ" số 150, 8/ 5/2005). Rất tiếc cách dùng đúng này chỉ chiếm 5% trong các thống kê của chúng tôi. “Tiêu chí” chẳng có liên quan gì đến các từ "mục tiêu", "mục đích" cả nhưng có họ hàng gần với từ "tiêu chuẩn" nên nếu không chú ý dễ nhầm lẫn trong sử dụng. Chúng tôi xin nêu một thí dụ để thấy sự khác biệt: Một cơ quan tuyển nữ nhân viên dựa trên năm tiêu chí: hình thức bên ngoài, chiều cao, cân nặng, tuổi, trình độ học vấn. Từ năm tiêu chí ấy, tiêu chuẩn mà họ muốn đạt được là: xinh xắn nhẹ nhàng, cao từ 1m60 đến 1m65, nặng dưới 50 kg, tuổi từ 22 đến 25, đã tốt nghiệp đại học.
Có tình trạng thật đáng lo ngại hiện nay là việc dùng sai nghĩa từ Hán - Việt rất phổ biến. Ngoài hai từ kinh điểnvà tiêu chí đã nêu, còn một loạt các từ khác: nội hàm, hội chứng, cứu cánh, hành pháp, ma trận, bn thể, biện minh, động thái, phồn thực, phản biện v.v.. cũng chịu số phận tương tự. Chúng tôi hy vọng sẽ trở lại vấn đề này một cách khái quát hơn, trong một dịp gần./.
V.C.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét