An Chi: Nếu “là ai” thì phải viết hoa thành “Lâm Bô”. Lâm Bô là người Tiền Đường, đời nhà Tống, vì không cầu danh lợi nên đã ẩn cư ở Tây Hồ, Cô Sơn. Ông không có vợ con, chỉ trồng mai nuôi hạc làm bạn, do đó người đời mới có câu “mai thê hạc tử (mai là vợ, hạc là con) để chỉ cảnh sống của ông. Ông cũng giỏi làm thơ và thơ vịnh mai của ông có hai câu đặc sắc vẫn được người đời ưa thích:
“Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển
Ám hương phù động nguyệt hoành hôn”,
nghĩa là bóng (mai) thưa nằm nghiêng trên mặt nước cạn trong và hương thầm của nó thì phảng phất trong ánh trăng buổi hoàng hôn.
Còn hai tiếng “lâm bô” kia, mà ông hỏi “là gì”, thì đã được giảng trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của là “Chỗ hồn ở gởi, mồ mả”. (X. chữ “bô”), và “Chỗ giam cầm hồn con nít, thường hiểu là cái hòm giả (X. chữ “lâm”). Dictionnaire annamite français của J.F.M. Génibrel thì dịch là “Les limbes. Catafalque”, tương tự với lời giảng của Huình-Tịnh Paulus Của. Điều cần nhấn mạnh là hai tiếng lâm bô ở đây không phải là những yếu tố Hán Việt và nó đã có mặt trong tiếng Việt muộn nhất cũng là vào năm 1772 vì nó đã được Pigneaux de Béhaine ghi nhận trong Dictionarium Anamitico Latinum (1772-1773).
Vậy đâu là xuất xứ của hai tiếng lâm bô? Dĩ nhiên đó không phải là danh từ limbes của tiếng Pháp vì ở thời điểm đó thì tiếng Việt chưa có quan hệ tiếp xúc với tiếng Pháp như trong thế kỷ XX. Nhưng từ cuối thế kỷ XVI thì tiếng Bồ Đào Nha đã là một ngôn ngữ “quốc tế” ở Đông Á vì đó là thứ tiếng mà các thương gia và các giáo sĩ phương Tây dùng để giao thiệp với dân các nước sở tại. Chúng tôi đã có dịp nêu tại CĐCT rằng tiếng Bồ cũng đã đem đến cho tiếng Việt một vài từ ít ỏi như:
- (cây) câu rút < cruz;
- (dây) cót < corda;
- (thêu) ren < renda;
- xà bông < sabão.
Còn bây giờ thì:
- lâm bô < limbo.
Xin chú rằng cả tiếng Bồ limbo và tiếng Pháp limbe(s) đều do tiếng La Tinh limbus mà ra. Cũng xin chú ý rằng mặc dù từ tương ứng của tiếng Anh cũng là limbo nhưng tiếng Việt tuyệt đối không có liên quan gì đến tiếng Anh trong trường hợp này cả. Tóm lại thì lâm bô (tương ứng với tiếng Pháp limbes và tiếng Anh limbo) là một từ Việt mà nguyên từ (etymon) là danh từ limbo của tiếng Bồ Đào Nha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét