Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Trấn Vũ Quán [Đền "Quán" Thánh] (Năng Lượng Mới số 141 , 27-7-2012).

Bạn đọc : Trong cuốn sách “Thăng Long tụ khí ngàn năm” (Nxb Lao động, Hà Nội, 2006), tại mục giới thiệu đền Quán Thánh có nói về việc thờ Huyền Thiên Trấn Vũ (HTTV). Trong bài có nói đây là một vị thần ở phương Bắc và có công lao rất lớn đối với người Việt trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, cứu giúp nhân dân khi hoạn nạn. Và Huyền Thiên Trấn Vũ đã hóa thành Thánh Gióng, đánh đuổi giặc Ân … Chúng tôi đọc những thông tin này và thấy ngạc nhiên (cũng có thể từ xưa đến nay chúng tôi chưa được biết). Xin học giả An Chi cho biết quan điểm của ông về việc này.
                                                                           Lại Lâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
        An Chi : Từ điển di tích văn hoá Việt Nam (TĐDTVH) của Viện nghiên cứu Hán Nôm do Ngô Đức Thọ chủ biên (Nxb Khoa học xã hội – Nxb Mũi Cà Mau, 1993) đã viết về Đền Quán Thánh như sau :
        Trấn Vũ Quán ở phường Thuỵ Chương, huyện Vĩnh Thuận, phía Nam Hồ Tây, đầu đường Quan Thánh (hồi đó chưa đổi Quan thành Quán – AC) quận Ba Đình Hà Nội; thường quen gọi (không chính xác) là Đền Quan Thánh. Quán thờ Trấn Thiên Chân Vũ đại đế, cũng gọi là Huyền Thiên Chân Vũ đại đế. Tương truyền khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa có tinh gà trắng và quỷ ở vùng núi Thất Diệu hiện ra quấy nhiễu, theo lời cầu khấn của thần Kim Quy, đại đế hiển linh ở núi Xuân Lôi, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, giúp An Dương Vương trừ yêu tà, được An Dương Vương lập đền thờ ở phía Bắc thành Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội). Khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (1010) cho rước bài vị thần về thờ mé Tây bắc hoàng thành. Hiện chưa có tư liệu hoặc di vật nào cho biết về quán Trấn Vũ thời Lý Trần và Lê Sơ. Đến năm Đinh Tị niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 (1677) đời Lê Hy Tông, chúa Trịnh Tây vương Trịnh Tạc sai đình thần là Nguyễn Đình Luân trông coi việc trùng tu quán Trấn Vũ ở địa điểm hiện nay. Triều đình cho đúc tượng thánh Trấn Vũ cao 3m,96, nặng gần 4.000kg bằng đồng đen: mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã, không đội mũ, mặc áo đạo sĩ đứng trên lưng rùa, tay chống thanh gươm chung quanh có rắn quấn (…).
        Như vậy là ngoài chi tiết “Huyền Thiên Trấn Vũ hóa thành Thánh Gióng, đánh đuổi giặc Hán” mà bạn đã nêu, TĐDTVH đã cung cấp thêm chi tiết về việc HTTV trừ quỷ và tinh gà trắng để giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Rồi bài “Đền Quán Thánh - Một trong bốn của Thăng Long tứ trấn” của trang edu.go.vn ngày17-2-2011 còn cho biết thêm : HTTV trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông”.
        HTTV thực ra vốn là một nhân vật huyền thoại Trung Quốc với nhiều cái tên khác nhau, mà riêngĐạo giáo đại từ điển của Trung Quốc Đạo giáo hiệp hội &  Tô Châu Đạo giáo hiệp hội (Hoa Hạ xuất bản xã, in lần 2, 1995) thì ghi nhận dưới cái tên Chân Vũ Đại Đế 真武大帝. Quyển này cho biết HTTV cũng gọi là Huyền Vũ, Chân Vũ Đế Quân, Đãng Ma Thiên Tôn. Là vị thần trông coi cõi Bắc, có ảnh hưởng rất lớn trong dân gian (Trung Quốc). Tín ngưỡng về HTTV vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng về tinh tú và động vật thời cổ đại. Các chiêm tinh gia thời xưa chia các chòm sao thành Nhị thập bát tú. Sau thời Chiến Quốc thì dần dần chia thành bốn nhóm, gọi bằng tên của tứ linh là : Đông Phương Thanh Long, Nam Phương Chu Tước, Tây Phương Bạch Hổ, Bắc Phương Huyền Vũ. Sở từ, “Viễn du bổ chú” giải thích : Huyền Vũ chỉ rùa, rắn, ngự ở phương Bắc, cho nên gọi là Huyền; thân có vảy, mai, cho nên gọi là Vũ. Từ đời Hản trở đi, rùa, rắn trở thành biểu trưng cho thần Huyền Vũ của bảy chòm sao phương Bắc, được dân gian thờ phụng. Lúc đầu, sau khi Đạo giáo tiếp nhận tín ngưỡng về Huyền Vũ thì địa vị của thần này không có gì quan trọng. Sách Bảo Phác Tử viết về hình tượng của Lão Tử : “Đằng trước là hai mươi bốn chu tước; đằng sau là bảy mươi hai huyền vũ.” Huyền Vũ như vậy chỉ là thần hộ vệ. Chỉ sau khi tiếp thu thuyết “Bắc phương Hắc đế, thể vi Huyền Vũ” của vĩ thư đời Hán, lại thêm được nhân cách hoá nên Huyền Vũ mới trở thành một vị thần trọng yếu của Đạo giáo. Kinh của Đạo giáo miêu tả: “Huyền Vũ Chân Thần ở phương Bắc, xoã tóc, mặc áo đen, khoác giáp vàng, thắt đai ngọc, chống kiếm, trợn mắt, chân đạp rùa, rắn, đầu toả hào quang, hình tượng cực kỳ uy nghi.” Đến đời Tống Chân Tông, vì kỵ huý của ông tổ là Triệu Huyền Lãng 趙玄朗 nên mới đổi Huyền Vũ 玄武  thành Chân Vũ 真武. Sách Nguyên thuỷ Thiên Tôn thuyết Bắc phương Chân Vũ diệu kinh kể rằng Chân Vũ Thần Quân (tức Huyền Vũ) vốn là thái tử nước Tịnh Lạc, giỏi giang mà dũng mãnh, nguyện tận diệt yêu ma trong thiên hạ, không nắm ngôi vua. Sau được tiên truyền cho phép mầu vô cực, vào núi Thái Hoà để tu đến công thành đức mãn, được Ngọc Hoàng phong cho trấn giữ phương Bắc. Đời Tống Chân Tông, ông vua này xuống chiếu phong là Chân Vũ Linh Ứng Chân Quân. Năm Đại Đức thứ 7 (1303) nhà Nguyên, được gia phong là Nguyên Thánh Nhân Uy Huyền Thiên Thượng Đế, trở thành vị thần tối cao của phương Bắc. Đầu đời Minh, Kiến Văn Đế bị chú là Yên vương Chu Đệ cướp ngôi. Tương truyền Đệ nhiều lần được Chân Vũ hiện về giúp đỡ nên sau khi xưng đế, Đệ đã đặc cách gia phong Chân Vũ là Bắc Cực Trấn Thiên Chân Vũ Huyền Thiên Thượng Đế. Nhờ bậc đế vương khởi xướng nên việc tôn thờ Chân Vũ đạt đến mức cực thịnh vào đời Minh. Đền thờ Chân Vũ được xây dựng từ trong triều đình cho đến ngoài dân chúng.
        Cứ như trên thì tín ngưỡng về HTTV đã bị phong kiến hoá và Đền Quán Thánh của ta được xây dựng thì cũng  là theo cái quỹ đạo đó, sau khi nó đã  nổi đình nổi đám ở bên Tàu vào đời Minh. Chứ chuyện Lý Thái Tổ cho rước bài vị HTTV về thờ mé Tây bắc hoàng thành sau khi dời đô về Thăng Long chỉ là truyền thuyết. Ngay cả thời Lý Trần (dài ngót 400 năm) và Lê Sơ, ta cũng chưa có tư liệu hoặc di vật nào cho biết về sự hiện diện của quán Trấn Vũ. Chuyện tương truyền Chu Đệ nhiều lần được Chân Vũ hiện về giúp đỡ y cướp ngôi của cháu là do y và tay chân của y bịa ra để tăng uy tín cho mình trước bàn dân và bá quan rồi lưu truyền cho đến bây giờ. Đến như những chuyện HTTV hóa thành Thánh Gióng, trừ quỷ và tinh gà trắng để  giúp An Dương Vương xây thành, trừ rùa thành tinh vào đời Hùng Vương thứ 14, trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ, diệt hồ ly tinh trên sông Hồng, v. v., thì chúng tôi cho rằng đó chỉ là những sự bịa đặt, không thực sự liên quan gì đến tín ngưỡng dân gian chân chính của người Việt cổ.
        Cuối cùng, xin nói về cái tên “Đền Quán Thánh”. Đây là một kiểu gọi kỳ quái, bao gồm tên của hai loại hình kiến trúc khác hẳn nhau. “Đền” là một khái niệm rộng, chỉ nơi thờ thần thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh còn “quán” 觀  là một khái niêm hẹp hơn chỉ nơi thờ phụng riêng  bên Đạo giáo (ở đây là thờ HTTV) nên ta không thể “chơi” kiểu 2 trong 1 mà gộp thành “đền quán” được. Trong một thời gian dài trước đây, dân gian đã gọi nơi thờ phụng này là “Đền Quan Thánh”. Với cách gọi này, “đền” là từ duy nhất chỉ công trình kiến trúc còn “Quan Thánh” là hai chữ nói tắt từ “Quan Thánh Đế Quân”, tôn hiệu của Quan Vũ, tức Quan Công, cũng là một nhân vật được sùng bái và tôn thờ bên Đạo giáo. Dân gian chỉ nhầm về nhân vật được thờ (từ HTTV thành Quan Thánh [Đế Quân]) nhưng danh ngữ “Đền Quan Thánh” thì hoàn toàn không có vấn đề gì về mặt “đặt câu”. Chỉ mới gần đây, có lẽ nhờ sự can thiệp của nhà trí thức, nhà nghiên cứu nên nó mới biến thành một cách gọi trẹo trọ 2 trong 1 thành “Đền Quán Thánh”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét