Bạn đọc : Xin vui lòng cho biết cà riềng cà tỏi là gì và tại sao lại nói như thế.
An Chi : Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng cà riềng là “cằn-nhằn nhây, nhắc đi nhắc lại một việc để trách móc luôn”.Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí giảng là “nói dài dòng, lôi thôi” và cho thí dụ: “Thầy tu ăn nói cà riềng, Em thưa quan lớn đóng kiềng thầy tu”. Từ điển phương ngữ Nam Bộdo Nguyễn Văn Ái chủ biên giảng là “1. Cằn nhằn lải nhải, đay nghiến trách móc. 2. Lăng nhăng ấm ớ, lôi thôi.” Ba quyển từ điển này không ghi nhận riêng riềng như là âm tiết-hình vị thứ hai của cà riềng. Nhưng Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng phê chủ biên, cũng như Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia do Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thuỵ, Nguyễn Đức Dương biên soạnthì có. Cả hai quyển đều giảng riềng là “(khẩu ngữ) trách mắng gay gắt, nặng lời”.
Chúng tôi tin tưởng ở sự ghi nhận của hai quyển trên; do đó nên phải giải quyết vấn đề: riềng là hình thức nói tắt của cà riềng hay cà riềng là hình thức phát triển của riềng? Trong mấy khả năng có thể lựa chọn, chúng tôi tin vào khả năng sau đây: riềng là hình vị gốc từ đó mà phái sinh hình thức cà riềng, do loại suy từ một số trường hợp có hình vị cà làm thành tố thứ nhất, như: cà chọc, cà đạp, cà gật, cà giựt, cà khẹc, cà khom, cà lết, cà lơ, cà nhắc, cà rề, cà thọt, cà tưng, v.v.. Chẳng những ta có thể chứng minh một cách dễ dàng rằng hình vị-âm tiết thứ hai ( chọc, đạp, gật, giựt, khẹc, khom, v.v.) trong các cấu trúc trên đây là những từ có thể hành chức một cách hoàn toàn độc lập mà ta còn có thể chứng minh rằng một số trong số đó bắt nguồn từ những nguyên từ (etymon) đơn âm tiết nữa. Chẳng han: đạp trong cà đạp hẳn hoi là một từ Hán Việt mà Hán tự là 踏; khẹc là một song thức (doublet) tiền kỳ của khạc trong khạc nhổ mà nguyên từ là khách 咯, 喀; khom bắt nguồn ở nguyên từ ghi bằng chữ 顉, mà âm Hán Việt hiện đại là khâm, có nghĩa là cúi, khom; v.v.. Những cách nói có cà-trên đây thuộc tiếng Miền Nam, đặc biệt là phương ngữ Nam Bộ. Phương ngữ này đã trực tiếp hoặc gián tiếp giao lưu với tiếng Xiêm (Thái Lan) và tiếng Khmer hoặc thậm chí còn cộng tồn với tiếng Khmer nên ít nhiều cũng có chịu ảnh hưởng của hiện tượng vẫn được gọi là tiền âm tiết (hoặc âm tiết phụ) trong các tổ hợp âm tiết mà âm tiết đầu là kra-/ka-, thường thấy trong tiếng Xiêm hoặc tổ hợp phụ âm đầu mà phụ âm trước là [k] trong tiếng Khmer. Thí dụ trong tiếng Xiêm : kathó (bóc; tróc); kalỏn (dối trá); krachắt (rải, rắc); krachôn (nhảy): v.v.. Trong tiếng Khmer: kngo (cong queo); kngất (sứt); kđắp(nắm, cầm); kđếch (ngắt, cấu); v.v.. Đây là một ảnh hưởng mang tính khu vực nhưng sở dĩ nó hầu như chỉ ảnh hưởng đến tiếng Miền Nam là vì nó xảy ra trong thời kỳ Nam Bắc phân tranh. Vả lại, xét về địa lý thì Nam Bộ chính là phần đất của Việt Nam gần với Thái Lan và Campuchia nhất.
Thế là từ riềng, ta đã có thêm cà riềng. Nhưng sao lại còn có thêm cả cà riềng cà tỏi? Đây cũng là chuyện lý thú và điều đầu tiên ta cần chú ý ngay là trong bốn tiếng (âm tiết) này thì tỏi chẳng có dây mơ rễ má gì với riềng cả. Lý do rất dễ thấy: từ điển đã giảng rõ rằng riềng là “trách mắng gay gắt, nặng lời”; còn tỏi lại là một thứ củ nhỏ có mùi thơm gắt, nồng dùng làm gia vị. Về nội dung đã hẳn không thể dung hòa với nhau được vì không cùng một trường nghĩa; còn về ngữ pháp thì riềng là động từ mà tỏi thì lại là danh từ. Làm sao hợp duyên với nhau cho được? Thế nhưng trong tiếng Việt thì chuyện này lại vẫn xảy ra và biện pháp cấu tạo từ ngữ này lại đang có tính sinh sản … thường trực. Sau đây là mấy dẫn chứng: Áp-phe là một danh từ bắt nguồn từ danh từ affaire của tiếng Pháp, có nghĩa là thương vụ. Ở đây, phe chỉ là một âm tiết vô nghĩa dùng để phiên âm chứ tuyệt đối không liên quan gì đến động từ phe trong phe phẩy. Thế nhưng người ta lại nói áp phe áp phẩy. Nghệ trong văn nghệ có nghĩa là nghề chứ họ hàng gì với gừng mà người ta lại nói văn nghệ văn gừng? Trị trong chính trị (phát âm thành “chị”) liên quan gì đến gia đình, họ hàng mà người ta vẫn nói chính trị (chị) chính em? V.v. và v.v.. Thì ra đây là một lối nói nhằm mục đích phủ định, chê bai, thấp nhất cũng là không có thiện cảm với chính cái khái niệm người ta muốn diễn đạt. Từ một từ tổ A – B, người ta thêm vào nó từ tổ A – C để thành A – B // A – C theo nguyên tắc: C là một từ cùng trường nghĩa với một từ đồng âm của B, chứ không phải với chính B. Để chê một người giáo viên mà mình cho là kém đạo đức, một phụ huynh học sinh có thể mỉa: “Thầy giáo thầy mác!” Thậm chí còn có thể chê gọn: “Giáo với mác!” Mác là một danh từ cùng trường nghĩa với danh từ giáo (cũng là một thứ vũ khí) chứ không phải với chính động từ giáo có nghĩa là dạy. Từ một hiệu phở bước ra, một khách hàng chê: “Phở bò phở lết!” Lết là một động từ cùng trường nghĩa với động từ bò (trong lăn lê bò toài) chứ không phải với danh từ bò, là một giống động vật.
Cà riềng cà tỏi là một quán ngữ được tạo ra theo nguyên tắc cú pháp-ngữ nghĩa như trên cho nên tỏichỉ cùng trường nghĩa với danh từ riềng, là một thứ củ dùng làm gia vị, đồng âm với động từ riềng, có nghĩa là “trách mắng gay gắt, nặng lời”. Một số bạn đọc còn có thể thắc mắc tại sao lại là cà riềng cà tỏi mà không phải cà riềng cà gừng, cà riềng cà nghệ, cà riềng cà ớt, v.v.? Thưa rằng cùng trường nghĩa với riềng (đồng âm với động từ riềng), ta còn có nhiều thứ gia vị khác: gừng, nghệ, ớt, tiêu,hành, tỏi, v.v.. Nhưng ở đây, người ta chỉ có thể chọn một mà thôi và tỏi là cái từ “trúng số”: người hoặc những người đầu tiên trong những lần đầu tiên đã chọn nó chứ không phải từ nào khác. Nếu họ đã chọn tiêu thì bây giờ ta có cà riềng cà tiêu; nếu họ đã chọn nghệ thì bây giờ ta có cà riềng cà nghệ: v.v.. Ở chỗ này, ngẫu nhiên và tất yếu đã trộn lẫn với nhau chăng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét