Cùm lim, xích sắt
___________Nguyễn Dư
(...) Tiếc vì cơ mưu bị tiết lộ, tổ chức lại chưa hoàn bị nên chẳng bao lâu cơ quan tan rã. Cao bị bắt giam tại nhà ngục Sơn Tây, rồi bị đóng cũi đưa về Hà Nội, và giải vào Huế.
Tới kinh, Quát bị bỏ ngục, chờ ngày hành quyết.
Nằm trong ngục, Cao Bá Quát không hề sợ sệt, tự nhạo cái mộng đế vương của mình:
Ba vòng xích sắt bước thì vương
Một nhát gươm đưa đ. mẹ thời
Việc đến tai vua, (vua) sai đem thủ cấp Bá Quát truyền giao cho các tỉnh Bắc Kỳ bêu lên và khuyên bảo dân chúng rồi xé xác vứt xuống sông.
Xin nhờ cặp bài trùng cùm lim, xích sắt giúp tìm câu trả lời.
Ngày nay, nói đến ngục tù người ta thường liên tưởng đến Côn Đảo, Cayenne, Guantanamo với những "đồ nghề" tối tân rùng rợn... Ngày xưa thì:
Ba cây chập lại một cành mẫu đơn
Huỳnh Tịnh Của giảng nghĩa : Gông là đồ hình ngục đóng kẹp cổ người có tội, thường dùng hai khúc cây dài, tra then hai đầu, ở giữa lại tra hai cái then cho vừa cái cổ người có tội. Cùm là đồ hình ngục, dùng hai tấm ván khoét nửa lỗ tròn, có thể đóng mở, để mà cầm chân người có tội.
Mọi người còn nhớ mấy câu ca dao:
Gái không chồng như phản gỗ long đanh...- Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán hết cho chân vào cùm.
Gông đeo trên cổ. Cùm khoá dưới chân. Chỉ có Thiều Chửu mới dám nói rằng: Gia (hay già) là cái gông, cái cùm, dùng để cùm đầu. Giới là cái cùm chân tay.
Theo Thiều Chửu thì... gông cũng là cùm và cùm cũng là gông. Kẹp cổ hay kẹp tay chân đều là cùm. Rốt cuộc cùm và gông chỉ là một thôi à? Nói bậy, nói bạ! Nói mà không sợ Huỳnh Tịnh Của la cho bây giờ.
Thế nhưng... ai la, ai chửi, ai cho là bậy bạ, thì cứ mặc họ.
Chỉ biết rằng cái gông, cái cùm của Thiều Chửu giống cái cangue (căng-gơ) của Pháp! Cangue cũng có cangue khoá cổ (cangue pour le cou) và cangue khoá chân (cangue pour les pieds) (G. Dumoutier, Essais sur les Tonkinois, Imprimerie D'Extrême-Orient, 1908, tr. 16).
Huard và Durand cho biết thêm:
Les filles et les veuves ayant des symptômes apparents de maternité devaient, la nuque rasée et barbouillée de chaux, porter une cangue faite d'une corbeille plate à vanner le riz. (P. Huard, M. Durand, Connaissance du Viet-Nam , EFEO, 1954, tr. 114).
(Ngày xưa, con gái và đàn bà goá mà có chửa thì bị phạt gọt tóc, bôi vôi và phải mang một cái cangue làm bằng cái nia sảy gạo).
Cangue có liên hệ gì với cái gông, cái cùm?
Sưu tập Oger (1909) có tấm tranh Đốt quăng tra tiền vẽ cái cangue đeo cổ dành cho đàn bà.
Chữ Quăng của tên tranh nghĩa là gì ? Quăng (chữ Hán, bộ Nhục) nghĩa là cánh tay. Quăng, tiếng Việt, nghĩa là ném mạnh và xa.Quăng bị người đàn ông đốt không phải là cánh tay, cũng không phải là vật gì bị ném ra xa. Quăng bị đốt là cái nia quàng vào cổ người đàn bà. Quăng chính là cái cangue dành cho đàn bà được Huard và Durand nói đến trên kia.
Chữ Quăng của tên tranh không có nghĩa như chữ Hán, cũng không có nghĩa của tiếng Việt. Chữ Quăng được dùng để ghi âm từ cangue của tiếng Pháp. Tấm tranh Đốt quăng tra tiền cho phép suy ra rằng người Pháp đã đưa từ cangue (hoặc đưa cả cáicangue ?) vào Việt Nam.
Bộ sưu tập Oger còn có tấm Cùm ngạch (vẽ bàn chân bị trói vào khúc tre của cái ngạch nhà). Hai tấm tranh là bằng chứng cho thấy vào khoảng đầu thế kỉ 20, từ cangue có lúc vẫn còn được phát âm là quăng, có lúc được Việt hoá thành cùm.
Từ cangue (căng-gơ) có hai âm tiết, được Việt hoá theo hai ngả : căng trở thành cùm và gơ trở thành gông. Rốt cuộc, cùm và gông chỉ là một, như định nghĩa của Thiều Chửu (gia= cái gông, cái cùm). Thiều Chửu có lí. Huỳnh Tịnh Của phân biệt cùm (khóa chân) và gông (khoá cổ). Huỳnh Tịnh Của mượn cái cangue, chế biến thành cái cùm, cái gông, làm giàu cho tiếng Việt ! (Bản thân từcangue là do tiếng Bồ Đào Nha canga mà ra).
Từ cùm, từ gông, mới có từ thời Pháp thuộc. Cao Bá Quát chết năm 1855, lúc thực dân Pháp chưa đánh chiếm Việt Nam. Cùm, gông chắc chắn còn xa lạ với ngôn ngữ văn chương Việt Nam.
Một chiếc cùm lim chân có đế không phải là khẩu khí của Cao Bá Quát.
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về.
Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931) định nghĩa chữ xích của câu thơ là dây bằng sắt có từng vòng nối liền nhau. Đào Duy Anh cũng đồng ý rằng dây xích của Hoạn Thư là cái xích bằng sắt (Từ điển truyện Kiều, 1989).
Thời cô Kiều (thế kỉ 16), hay thời Nguyễn Du (1765-1820), dân ta đã biết cái dây xích bằng sắt chưa?
Ngày xưa, các bà các cô có chùm dây xà tích (hay dây Xuân Thu) để chưng diện. Dây xà tích làm bằng vàng hay bằng bạc, là một chuỗi vòng nhỏ (đường kính khoảng hai, ba mm) móc vào nhau. Xà tích không dùng để trói hay buộc bất cứ cái gì. Trói buộc thì đã có dây thừng hay dây lòi tói (chữ Hán là luy tiết).
Lòi tói là: Dây niệt lớn, thường dùng mà cột trói người có tội, xiềng toả (Huỳnh Tịnh Của). Liens (dây), chaînes (xích) (Génibrel). Dây bện to rất chắc (Khai Trí Tiến Đức). Dây sắt gồm nhiều vòng móc vào nhau (Văn Tân). Dây xích sắt hoặc dây chão lớn, thường dùng để buộc tàu, thuyền (Hoàng Phê).
Lòi tói có lúc là sợi dây to để trói người, có lúc ngập ngừng giữa sợi dây to và cái xích, có lúc dứt khoát là cái xích sắt. Định nghĩa của luy tiết cũng chao đảo như lòi tói.
- Luy, Tiết : cái dây để trói kẻ có tội.
- Luy tiết : cái dây xích trói buộc người tù ; xiềng xích (Đào Duy Anh, Thiều Chửu).
Rõ ràng lòi tói của ta và luy tiết của Tàu đã bị cái xích lấn át, thay thế. Tên xích (từ kép là xiềng xích) có từ bao giờ và từ đâu ra?
Trong tập Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng kể chuyện Tù trốn ngoài Côn Đảo :
- (...) Thứ tù trốn nói trên có cái phạt cạo nửa đầu tóc, còn hạng tù chung thân có tính chất nguy hiểm (dangereux) thì xiềng cả hai chân (chaîne double).
Đó là cái phạt đặc biệt trong tù mà ai trông thấy cũng biết. Tôi có câu thơ ghi chuyện thú đó :
Chung thân án tận túc song hoàn
Chung thân, chân thảy sắt hai vòng.
Cái vòng sắt khoá chân được Huỳnh Thúc Kháng gọi là cái xiềng. Nhờ vào ghi chú của chính tác giả, người đọc được biết thêm cáixiềng là cái chaîne của Pháp.
Huỳnh Tịnh Của định nghĩa dây xích là... dây xà tích cột chó. Không có chuyện dùng nữ trang để cột chó. Tuy nhiên, định nghĩa của Huỳnh Tịnh Của cũng cho thấy hình dạng của xích giống xà tích. Cả hai đều là dây làm bằng nhiều vòng móc vào nhau.
Khoảng đầu thế kỉ 20, người Pháp đưa cái xe đạp vào nước ta. Lập tức tiếng Việt có thêm mấy từ mới như xăm (chambre à air), lốp (enveloppe), xích (chaîne) v.v.. Ngoài cái xích xe đạp về sau tiếng Việt còn có thêm xích xe tăng (chenille), xúc xích (saucisse), xích lô (cyclo), xích đu, xích đông v.v.. Toàn là xích Made in France.
Ta cũng có vài cái xích. Cái thứ nhất dùng để... ràng buộc tinh thần, đánh dấu cội nguồn dân tộc. Đó là cái... Xích Quỷ. Cái xích vô hình, không trói buộc ai. Cái xích thứ nhì của ta rất dễ thương, được tất cả mọi người nâng niu, trìu mến :
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn,
Em xích gần thêm một chút; anh hờn
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa...
(Xuân Diệu, Xa cách)
Cái xích "ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ đã ai quên". Xích do chữ Dịch (bộ Nhật, nghĩa là thay đổi, xê dịch) mà ra. A ha! Thuyết âm dương của kinh Dịch thâm thuý, thú vị thật! Có thể minh hoạ bằng cái xích... đẩy em lại gần anh. Giá mà duyên phận lứa đôi nào cũng được xích mãi bên nhau thì sướng biết mấy!
Trái ngược với cái xích nhè nhẹ đầy hứa hẹn của thi sĩ là cái xích thứ ba rất nặng nề, khủng khiếp. Cái xích (mích) đáng ghét, chuyên gây đổ vỡ, giận hờn, xa cách. Đời vắng em rồi vui với ai? (Xích, chữ Hán (bộ Cân) nghĩa là đuổi đi).
Động từ Xích (enchaîner) thường được dùng theo nghĩa rộng là trói buộc bằng dây, không bắt buộc phải là dây xích. Tranh Xích con chó của bộ sưu tập Oger vẽ một con chó bị trói cổ bằng sợi dây thừng thắt nút thòng lọng. Xưa kia, chả ai có thừa tiền đi tậu xích sắt hay... xà tích cho chó.
Từ Xích xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ 19. Có lẽ vì tên còn mới nên cách viết cũng tuỳ tiện. ChữXích được Huỳnh Tịnh Của (1895) viết = bộ kim+ dịch (thay đổi). Génibrel (1898) viết = bộ kim+xích (cái thước đo). Tranh Oger (1909) viết bằng chữ xích (đuổi đi).
Cũng như cái cùm, cái xích là một bằng chứng để khẳng định rằng câu thơ Ba vòng xích sắt bước thì vương là của người đời sau làm rồi đem gán cho Cao Bá Quát.
Rốt cuộc, giai thoại văn học Cao Bá Quát bị giam trong ngục và trước khi bị chém tại Huế còn ngạo mạn chửi vua Tự Đức là... vớ vẩn, bịa đặt.
Cái xích cũng giúp chúng ta hiểu Nguyễn Du hơn. Dây xích của Hoạn Thư phải được hiểu là sợi dây màu đỏ (xích thằng), sợi tơ hồng, để buộc chân trai gái, kết duyên vợ chồng (tích Vi Cố, Nguyệt lão), chứ không phải cái dây xích bằng sắt của thời Pháp thuộc.
Nguyễn Khuyến (1835-1909) vịnh Hoạn Thư ghen, cũng hiểu sợi dây xích buộc chân của Nguyễn Du là sợi tơ hồng :
Tơ duyên lỏng lẻo buộc chân người
Thơ văn ngày xưa thường dùng điển tích xích thằng buộc chân để chỉ chuyện tình duyên.
Sợi xích thằng chi để vướng chân ?
Dưới chơn đã sẵn một dây tơ hồng
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du còn dùng điển tích xích thằng buộc chân ở hai tình huống khác :
- Lúc Mã Giám Sinh mua Kiều, tổ chức lễ rước dâu :
Buộc chân thôi cũng xích thằng nhiệm trao
- Lúc Thúc Sinh thề thốt lấy Kiều làm vợ :
Một dây một buộc, ai giằng cho ra ?
***
Nguyễn Dư
(Lyon, 5/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét