Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

XE THỔ MỘ LÀ XE MỘT NGỰA (Cao Tự thanh)

XE THỔ MỘ LÀ XE MỘT NGỰA

Mình vốn hiếu kỳ (tò mò nói cho sang vậy mà), lang thang thấy thiên hạ bàn về chuyện nguồn gốc tên gọi “xe thổ mộ”, thấy nói chuyện văn chương mà chửi người khác phát … chướng, bèn nổi cơn … hiếu kỳ, hỏi bác Cao vốn từ lâu kính như huynh trưởng, đã được khai sáng thêm, nay góp thêm cho rộng đường dư luận về chuyện thổ mộ. Còn những chuyện bí mật về ông AC thì ông CTT không nói, nên không biết có gì bí mật trong cái tên An Chi không.
 May N mến,
Chuyện bạn hỏi thì buồn cười nhưng hơi zic zac, đại khái là thế này.
Cái entry ấy tôi viết hồi trước trên blog, lười tra từ điển nên viết qua loa không giải thích rõ ràng như viết báo viết sách. Đúng là độc mã Việt Hán phải thành Tục mã Hoa Hán giọng Quảng Đông chứ không phải T’ủ mỏ như tôi đã viết. AC nắm riết lấy chỗ hở ấy chê tôi không biết tiếng Quảng Đông thì kệ y, những kẻ nghiệp dư rất cần có những cái sai loại ấy để phô trương cái sai mà họ nghĩ là đúng. Bởi vì thổ mộ trong xe thổ mộ mà giải thích là là cái mộ đất như AC nếu không phải ngu dốt cũng là tào lao.
Thứ nhất, không phải bất cứ từ Hoa Hán nào được du nhập vào tiếng Việt cũng còn giống hệt như người Hoa đọc, ví dụ món giải khát mà người Triều Châu nói là xiên xáo (tiên thảo – cỏ tiên) qua tiếng Việt bị nói trại thành sương sáo, món thịt muối nhồi ruột heo mà người Quảng Đông nói là lạp xường qua tiếng Việt bị nói trại thành lạp xưởng vân vân. Thứ hai, không biết cái xe ngựa được gọi là xe thổ mộ ở Nam Kỳ đã xuất hiện từ bao giờ, nhưng chắc chắn là dưới thời Pháp thuộc từ 1862 đến 1945 và cả 1954 nó là một phương tiện kinh doanh vận chuyển phải đóng thuế, do đó phải được ghi nhận bởi người Pháp, tức bị đọc và viết trại qua tiếng Pháp và chữ latin. Bản thân chữ tục trong tục mã đọc theo giọng Quảng Đông cũng không hẳn như người Việt đọc, vì nó mang âm sắc kiểu giọng mũi. Tóm lại ở đây đã xuất hiện quá trình tôộc mã Quảng Đông chuyển thành T’ủ mỏ (hay một cái gì đó tương tự) trong tiếng Pháp rồi mới thành thổ mộ trong tiếng Việt, việc nó trùng âm với thổ mộ (mộ đất) trong từ Việt Hán hoàn toàn là ngẫu nhiên. Không phải bất cứ từ thổ nào trong tiếng Việt hiện nay cũng có ý nghĩa là thổ (đất) hay thổ (nôn mửa) trong từ Việt Hán, gái nhà thổ không thể hiểu là gái nhà đất hay gái nhà nôn mửa được, là ví dụ thế. Xã hội vốn phức tạp hơn ngôn ngữ, không thể truy nguyên từ ngữ đơn thuần theo con đường ngôn ngữ mà còn đầy sự suy diễn chủ quan như ông AC.
Tôi có vài tư liệu về việc thu thuế xe thổ mộ ở Sài Gòn – Chợ Lớn bằng tiếng Pháp trước 1945 trong đó xe thổ mộ được giải thích là xe một ngựa kéo nhưng nhất thời chưa thể tìm lại ngay được, khi nào có dịp viết sách viết báo sẽ đưa ra. Ở đây chỉ tạm đưa ra một chứng cứ mà bạn có thể kiểm tra.
Trong quyển Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais, Saigon, 1957 của Eugène Gouin (Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris) có vài từ liên quan tới vụ xe thổ mộ này được giải thích như sau:
Thổ mộ: Voiture trainée par un cheval (Saigon).
Xe độc mã: Voiture à cheval.
Xe ngựa: Voiture à cheval.
Xe song mã: Voiture à deux chevaux.
Xe thổ mộ: Coupé (voiture).
Tạm dịch:
Thổ mộ: Xe được kéo bằng một con ngựa (ở Sài Gòn).
Xe độc mã: Xe một ngựa.
Xe ngựa: Xe một ngựa.
Xe song mã: Xe hai ngựa,
Xe thổ mộ: Xe bốn bánh có mui kín (xe bốn bánh).
            Tóm lại đây là một trong những chứng cứ rõ ràng về việc xe thổ mộ là xe một ngựa, tức thổ mộ có liên quan với độc mã. Dĩ nhiên để cẩn thận thì còn phải tìm thêm trong ba phương ngữ Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam xem họ đọc từ độc mã này ra sao, nhưng tôi vẫn cho rằng nó là giọng Quảng Đông bị lệch đi qua tiếng Pháp và chữ viết latin.
Riêng chuyện ông AC ra sức chửi bới mỉa mai tôi không hề gì, tôi là dân chuyên nghiệp, không thèm hạ mình cãi cọ với đám người học hành không tới nơi tới chốn mà còn làm phách như y, với lại tôi không chơi blog lâu rồi. Hơn mười năm trước y đã hứng thú với chuyện mồ mả thì hiện nay nhiều tuổi hơn có hứng thú hơn cũng không phải lạ, chỉ là vụ xe thổ mộ = xe giống như cái mả đất của y quả là thuộc trường phái từ nguyên học dân gian bá láp, đúng là có tác dụng phi thường trong chuyện làm cho em cháu ngu đi.
CTT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét