by An Chi on Tuesday, July 3, 2012 at 5:10am ·
Huệ Thiên
Về hai từ Bụt và Phật, Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên đã viết như sau: «Hai tên gọi khác nhau là Bụt và Phật phản ánh hai con đường du nhập của đạo Phật, một đằng thì trực tiếp từ Ấn Độ sang (Bụt là phiên âm thẳng từ Ấn Độ Buddha); một đằng thì thông qua Trung Quốc (Phật, Phù đồ là âm Hán Việt của các từ ngữ Trung Quốc). Bụt lại là từ ngữ dân gian, còn Phật thì là từ ngữ bác học» (Văn học dân gian, t. I, Hà Nội, 1972, tr. 197). Thích Minh Châu và Minh Chi thì viết: «Bậc giác ngộ. Tiếng Việt gọi là Bụt hay Phật. Tiếng Bụt phổ thông hơn trong văn học dân gian, và là dấu hiệu chứng tỏ: đạo Phật truyền đến nước ta sớm lắm, sớm hơn đến Trung Quốc». (Từ điển Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 108). Vậy có thật Bụt và Phật phản ánh hai con đường du nhập khác nhau của đạo Phật vào Việt Nam hay không? Có thật Bụt là từ ngữ dân gian còn Phật là từ ngữ bác học hay không? Và có thật Bụt là dấu hiệu chứng tỏ đạo Phật truyền đến nước ta sớm hơn đến Trung Hoa hay không?
Trước nhất cần nói rằng cả Bụt lẫn Phật đều là những hình thức phiên âm của từ Sanskrit buddha. Từ này đã được người Trung Hoa phiên âm bằng nhiều cách, đọc theo âm Hán Việt hiện đại là Phật Đà, Phật Đồ, Phù Đồ. Phật là dạng tắt đã trở thành thông dụng của Phật đà và Phật Đồ. Đây là âm Hán Việt hiện đại của chữ 佛, xưa kia đọc là Bụt. Vậy Bụt là âm xưa mà Phật là âm nay của cùng một chữ Hán, chứ không phải một đằng là âm dân gian, một đằng là âm bác học, càng không phải Bụt là âm do người Việt Nam phiên thẳng từ tiếng Ấn Độ như Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên đã khẳng định.
Cứ tạm chấp nhận rằng Bụt là một từ do chính người Việt Nam tự mình phiên âm từ tiếng Sanskrit buddha thì cũng khó có thể quan niệm được rằng người bình dân lại có thể hiểu biết về thứ tiếng «hoàn tác» (từ của Hoành Sơn Hoàng Sĩ Quý) đó để làm công việc này. Đây phải là công việc của các nhà sư và những nhà sư này phải thông thạo hoặc phải có những kiến thức tối thiểu về thứ tiếng đó. Vì vậy, Bụt không thể là một từ ngữ dân gian được.
Còn nếu hiểu Bụt là từ ngữ dân gian vì nó có mặt trong văn học dân gian như tục ngữ, ca dao,... thì đây cũng lại là một điều ngộ nhận. Trong ca dao, tục ngữ, không thiếu gì từ ngữ bác học mà cái «từ ngữ bác học» Phật lại xuất hiện trong văn học dân gian với một tần số cao hơn cả cái «từ ngữ dân gian» Bụt nữa. Trong Tục ngữ Việt Nam của Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang và Phương Tri (Hà Nội, 1975), phần «Sưu tập» mục «Mê tín - dị đoan» (tr. 281-284), Phật xuất hiện 5 lần còn Bụt chỉ có 2 lần. Trong Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan (Hà Nội, 1971), phần sưu tập của mục «Về vũ trụ, con người và xã hội», ở những câu có liên quan đến vấn đề đang xét (tr. 109-113), Phật xuất hiện 7 lần còn Bụt cũng chỉ có 2. Chính hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi cũng đã phải thừa nhận rằng «trong văn học dân gian, từ «Phật» được dùng rất nhiều» (Sđd tr. 526). Vậy lẽ ra phải nóiPhật «dân gian» hơn Bụt.
Vả lại, nếu quả thật Bụt là từ ngữ dân gian còn Phật là từ ngữ bác học thì người ta phải thừa nhận sự thật sau đây: thời xưa dân gian còn am hiểu ngữ âm hơn cả các học sĩ nữa bởi cái tai thẩm âm của họ tinh tế hơn của nhà sư và nhà nho rất nhiều. Chả thế mà Bụt rất gần với bud(dha) của tiếng Sanskrit còn Phật thì chẳng có gì giống với nó cả: âm đầu, âm chính và âm cuối đều khác nhau (ph ≠ b, â ≠ u và t ≠ d).
Ý kiến cho rằng sự đối lập giữa Bụt với Phật là sự đối lập giữa «dân gian» với «bác học» chỉ là biểu hiện của một lối áp dụng không đúng chỗ sự phân biệt giữa hai khái niệm formation populaire (cấu thức dân gian) với formation savante (cấu thức bác học) trong tiếng Pháp mà thôi. Đây là những cái tên mà người ta dùng để chỉ hai phương thức tạo ra các cặp song lập thể (doublets) tiếng Pháp bắt nguồn từ một nguyên từ tiếng La Tinh (L.) duy nhất. Thí dụ: frêle (mảnh khảnh) và fragile (dễ gãy vỡ) < L. fragilis; entier (nguyên vẹn) và intègre (liêm khiết) < L. integer; hôtel (khách sạn) và hôpital (bệnh viện) < L. hospitale; écouter (nghe) và ausculter (nghe bệnh) < L. auscultare, v.v... Trong từng cặp, từ trước đã ra đời một cách tự nhiên theo đúng qui tắc biến hóa ngữ âm từ tiếng La Tinh thông tục, qua các giai đoạn, đến tiếng Pháp hiện đại. Đó là cấu thức dân gian. Còn từ sau trong mỗi cặp lại là kết quả của một sự tân tạo trái với qui tắc biến hóa ngữ âm tự nhiên nhưng lại có hình thái gần với nguyên từ hơn. Đó là cấu thức bác học.
Sự đối lập giữa Bụt và Phật không phải là sự đối lập đồng đại kiểu như hôtel với hôpital, hoặc giữa écouter với ausculter, v.v... chẳng hạn. Nó là sự đối lập lịch đại kiểu như sự đối lập giữa hôtel với các hình thái tiền thân là *osptel → ostel → hostel; hoặc như giữa écouter với *ascoltare → *escoltare →escolter → escouter, v.v... Để lấy một thí dụ gần hơn, xin nói rằng sự đối lập giữa Bụt với Phật cũng giống như sự đối lập giữa mô với vô (đều là âm của chữ 無) trong Nam mô Phật mà có sách và có người đọc là Nam vô Phật. Vì vậy mà hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi đã nhận xét rằng Nam mô Phật «cũng có khi viết Nam vô Phật, cho nên có người giải thích sai rằng nước Nam không có Phật» (Sđd, tr. 436). Mô là âm xưa còn vô là âm nay của cùng một chữ đó thôi.
Cũng vậy, Bụt là âm xưa còn Phật là âm nay của cùng một chữ. Sự tương ứng Bụt ~ Phật là sự tương ứng về phụ âm đầu b xưa ~ ph nay và về nguyên âm chính u xưa ~ â nay mà người ta hoàn toàn có thể chứng minh được bằng nhiều cứ liệu cụ thể và xác thực. Và phụ âm đầu, Bụt ~ Phật cũng giống như: (trói) buộc ~ (thúc) phọc (cũng đọc phược), bây (= liều, không đúng lý) ~ phi (= sai, quấy); (bóng) bảy ~ phỉ (= vẻ đẹp đẽ); buồm ~ phàm,buồng ~ phòng; bưng (bít) ~ phong (tỏa), v.v... Về nguyên âm chính, Bụt ~ Phật cũng giống như (sa) sút ~ thất (= mất, để thoát); bún (trong bún bò, bún ốc, bún riêu) ~ phấn (= bột - có chuyển nghĩa); lùm (cây) ~ lâm (rừng, bụi cây, khóm cây); sún (răng) ~ sẩn 齔 có nghĩa là «thay răng») v. v:
Mãi cho đến giai đoạn Hán ngữ trung đại, phụ âm đầu của 佛 vẫn còn là b và S. F. Kim đã tái lập âm trung đại của nó là biuet (Foneticheskij slova kitajskikh ieroglifov, Moskva, 1983, tr. 51, chữ 112). Âm Hán Việt cổ đại là âm rất gần với âm của Hán ngữ ở chính quốc cho nên ta cũng không nên lấy làm lạ khi thấy Bụt rất gần với bud(dha).
Rõ ràng là xưa kia người Trung hoa đã chọn từ có cách phát âm rất gần với từ Sanskrit đang xét để phiên âm nó. Ngày nay, Phật không còn gần âm với bud(dha) nữa là do nó đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi về ngữ âm. Tương ứng với âm Hán Việt hiện đại Phật là âm fó của tiếng Bắc Kinh hiện đại, một âm hoàn toàn chẳng có gì chung với bud- trong buddha. Nhưng sẽ thật là sai lầm nếu người ta lại dựa vào những thực tế trên mà nói rằng người Trung Hoa xưa đã phiên âm không sát.
Tóm lại Bụt và Phật là hai cách đọc khác nhau của cùng một chữ Hán mà người ta đã dùng để ghi tiếng phiên âm âm tiết thứ nhất của từ Sanskrit buddha. Nếu lấy tiêu chuẩn «bác học» mà xét thì cả hai đương nhiên đều là «bác học» chứ không phải Phật thì «bác học» mà Bụt lại «dân gian». Đồng thời Bụt cũng không phải là hình thức «phiên âm thẳng từ Ấn Độ», mà là âm xưa của Phật. Thiết âm của nó trong các vận thư như Đường vận, Tập vận, Vận hội, Chính vận mà Khang Hy tự điển thu thập đều là «phù vật thiết» 符勿切 nghĩa là ph(ù) + (v)ật = phật. Nhưng âm xưa của phù là bùa còn âm xưa của vật là mụt cho nên b(ùa) + (m)ụt = bụt.
Vậy ta không thể dựa vào hai từ Bụt và Phật để chứng minh rằng đạo Phật đã vào Việt Nam bằng hai con đường khác nhau (một thì vào thẳng còn một là thông qua Trung Hoa). Ta lại càng không thể dựa vào từ Bụt mà nói rằng đạo Phật đã đến Việt Nam sớm hơn là đến Trung Hoa được. ●
* Đăng lần đầu tiên trên Kiến thức ngày nay, số 84, ngày 15-5-1992.
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 195-200.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét