Hoàng – Huỳnh, Phúc – Phước, Vũ – Võ… với vấn đề “kiêng húy”
Trước nay, không ít người vẫn coi hiện tượng các từ Việt Hán có hai âm đọc song vẫn không thay đổi ý nghĩa từ vựng và chức năng ngữ pháp như Hoàng – Huỳnh, Phúc – Phước, Vũ – Võ… là kết quả của việc kiêng húy các vua chúa phong kiến. Đáng tiếc là đến nay quan niệm sai lầm ấy vẫn được nhiều trí thức trong đó có cả một số nhà ngôn ngữ học chính thức thừa nhận và công khai phổ biến. Cho nên cần phải có một sự đính chính trước khi người ta kéo nhau đi tìm tên vợ con và bà con nội ngoại của các vua chúa để giải thích bằng được và bằng hết những Cương – Cang, Cảnh – Kiểng, Chính – Chánh hay Uy – Oai, Tiến – Tấn, Tùng – Tòng…
Nếu thống kê chi tiết toàn bộ những An – Yên, Bách – Bá, Càn – Kiền, Chân – Chơn, Dũng – Dõng, Đương – Đang, Giới – Giái, Hợp – Hiệp, Khỉ – Khởi, Lã – Lữ, Mệnh – Mạng, Nhật – Nhựt, Trường – Tràng, Thịnh – Thạnh, Súy – Soái, Vũ – Võ…, thì con số các từ Việt Hán bị đọc chệch âm nói trên sẽ vượt xa tất cả đồng thời chẳng có gì ăn khớp với những cái tên vua chúa Việt Nam (chẳng hạn gần đây có người cho rằng vì kiêng húy các chúa Trịnh Tùng, Trịnh Cương nên dân Việt ở miền Bắc đọc Tùng, Cương ra Tòng, Cang như tam tòng, tam cang (1), song người ta không hiểu vì sao hai ông chúa ấy lại cứ để yên cho thiên hạ lếu láo đọc tên Trịnh Kiểm là Kiểm không có chút gì là kiêng húy…). Thứ nữa, quan sát địa bàn phân bố của các cặp âm bị đọc chệch ấy qua chứng cứ lịch sử là các địa danh Việt Nam, có thể thấy rằng phần lớn những Phúc Yên, Vĩnh Phúc, Thái Lai, Nghĩa Xá là ở miền Bắc còn Phước An, Bình Phước, Tân Thới, Quảng Ngãi là ở miền Nam, điều này cho thấy đây là sản phẩm của một tiến trình lịch sử. Sau cùng, sự chệch âm ở nhiều cặp vần loại Chính – Chánh, Đỉnh – Đảnh, Lĩnh – Lãnh, Sinh – Sanh (Anh = Inh), Du – Do, Phù – Phò, Vũ – Võ (O = U) hay Uy – Oai, Súy – Soái, Thụy – Thoại (Oai = Uy)… lại mang tính hệ thống khác hẳn việc kiêng húy vài ba cái tên vua chúa lẻ tẻ, tình hình này chỉ có thể là kết quả của các quy luật ngữ âm. Tóm lại, hiện tượng đọc chệch hay nói chính xác là chuyển âm nói trên không thuộc về phạm trù sở thích tự trọng lố lăng của các vua chúa ngày trước và nhiệt tình tôn quân lạc lõng của các nhà Kiêng Húy học hiện đại, mà là một vấn đề ngôn ngữ học trên hai phương diện phương ngữ và ngữ âm.
Thời Bắc thuộc, dân Việt học chữ Hán như một sinh ngữ, nghĩa là phải đọc đúng theo cách phát âm (âm chuẩn) đương đại ở Trung Hoa. Nhưng từ khi nước ta giành được độc lập thế kỷ X trở đi, cách đọc ấy đã bị tách rời với những thay đổi ngữ âm ở Trung Quốc. Cái ranh giới Việt Hán – Hoa Hán trên lãnh vực này dần dần xuất hiện và định hình: về cơ bản người Việt vẫn bảo lưu cách đọc thời Đường (Đường âm) trong khi qua các thời Tống Nguyên Minh Thanh người Trung Quốc đã lần lượt trải qua nhiều cách đọc khác. Chẳng hạn vào khoảng cuối Minh đầu Thanh, ngôn ngữ Trung Quốc đã bắt đầu mất phụ âm đầu D khiến Dân (nhân dân), Diểu (xa) chuyển thành Mín, Miểu hay hiện nay thì nó đã hoàn toàn mất phụ âm đầu Đ để Đả (đánh), Đông (phía đông) trở thành Tả, Tung đẩy một bộ phận lớn những Tiểu (nhỏ), Tịch (chiều tối) qua dãy phụ âm đầu X như Xẻo, Xi song người Việt vẫn đọc là Dân, Diểu, Đả, Đông, Tiểu, Tịch… như thường. Cố nhiên sự thay đổi nói trên không diễn ra một cách đồng bộ và thống nhất ở Trung Quốc, chẳng hạn khi tiếng Bắc Kinh – Quan thoại hiện nay đã mất hẳn phụ âm cuối -m để Điểm tâm (Ăn sáng) chuyển thành Tẻn xin, thì người Quảng Đông vẫn nói là Tỉm xắm, hay họ nói Tài xỉu (Đại tiểu = lớn nhỏ) chứ không phải là Ta xẻo, tóm lại có thể tìm thấy vô số khác biệt tương tự giữa tiếng Bắc Kinh – Quan thoại với các phương ngữ ở Hải Nam, Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu mà ở đây tạm gọi là nhóm phương ngữ Hoa Nam. Và nếu nhớ lại tình hình chia cắt đất nước thế kỷ XVII-XVIII đã làm tiếng Việt ở Đàng Trong – Đàng Ngoài phát triển khác nhau một cách đáng kể, nếu nhớ lại thực tế đa dân tộc ở thương cảng Hội An đã làm hình thành ở đây một thứ ngôn ngữ lai pha trộn cả tiếng Việt lẫn các phương ngữ Hoa Nam (2), nếu nhớ lại sự kiện nhóm di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam do Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch cầm đầu tới tỵ nạn chính trị được cho vào khai phá Biên Hòa, Mỹ Tho cuối thế kỷ XVII, nếu nhớ lại việc Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên thu hút nhiều văn nhân Hoa Nam tới ngâm vịnh xướng họa đầu thế kỷ XVIII…, người ta sẽ thấy ở đây một đợt tiếp xúc ngôn ngữ Việt Hoa có quy mô và phạm vi rộng lớn, có thể nói là quan trọng bậc nhất sau khi người Việt giành được độc lập thế kỷ X. Đây mới thực sự là lý do làm phát sinh hệ thống những Huỳnh, Phước, Võ… trong cách đọc Việt Hán ở Đàng Trong mà đặc biệt là trên địa bàn từ Quảng Nam tới Nam Bộ, cách đọc chịu ảnh hưởng Minh âm, Thanh âm qua trung gian là nhóm phương ngữ Hoa Nam. Quá trình tiếp thu, cải biến, chấp nhận… những cách đọc mới này của người Việt nhìn chung rất phức tạp, vì từ thế kỷ XIX trở đi thì việc đất nước được thống nhất trở lại đã xóa bỏ đi phần nào những khác biệt ngôn ngữ trước đó, mặt khác ngay trong nhóm phương ngữ Hoa Nam cũng có những khác biệt dẫn tới sự đấu tranh với nhau để giành ảnh hưởng một cách tự phát trên địa bàn nói trên. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng trong đợt tiếp xúc ngôn ngữ này người Việt hoàn toàn bình đẳng về chính trị và văn hóa với Trung Hoa, nên ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt, toàn bộ sự chuyển âm nói trên chỉ diễn ra trong khuôn khổ ngữ âm vốn có của các từ Việt Hán. Chẳng hạn hệ thống phụ âm đầu Việt Hán vẫn được giữ vững, nó đẩy những Mín, Miểu, Tả, Tung, Xỉu, Xi trở lại mảng từ Hoa Hán du nhập theo con đường khẩu ngữ, và ngay mảng từ ấy cũng phải Vi�
��t hóa theo ngữ pháp Việt như nhỏ xíu (Xíu = Tiểu = nhỏ), đồ xịn (Xịn = Tân = mới) mới bước được vào ngôn ngữ Việt Nam ở địa phương.
��t hóa theo ngữ pháp Việt như nhỏ xíu (Xíu = Tiểu = nhỏ), đồ xịn (Xịn = Tân = mới) mới bước được vào ngôn ngữ Việt Nam ở địa phương.
Điều đáng phàn nàn là nhiều trong các trí thức coi Huỳnh, Phước, Võ… là “kiêng húy” hiện nay đã không biết chữ Hán mà lại không chịu tìm hiểu cả lịch sử việc kiêng húy nên cứ suy diễn rồi phát ngôn không cần địa chỉ nếu không nói là vô trách nhiệm! Thứ nhất, Hán tự có nhiều chữ hoàng, phúc, vũ… và không phải chữ nào cũng chuyển âm thành huỳnh, phước, võ…, chẳng hạn không ai nói kinh hoàng, thần Thành hoàng thành kinh huỳnh, thần Thành huỳnh cả, mà chữ bị đọc chệch âm ra huỳnh (họ Huỳnh) là chữ hoàng (vàng) lại không phải là tên Nguyễn Hoàng – tên ông Thái tổ của nhà Nguyễn này là hoàng (vàng) + chấm thủy. Thứ hai, đã gọi là húy vua chúa thì dân đen có thể vì muốn làm giặc nên không thèm kiêng, chứ quan lại hay đám kẻ sĩ toan làm quan lại thì nhất định phải kiêng cho sáng đạo cương thường, thế nhưng đầu thế kỷ XVIII Đô đốc Hà Tiên Mạc Thiên Tích vẫn hiên ngang đặt tên con trưởng của mình là Mạc Tử Hoàng với chữ hoàng (vàng) + chấm thủy hiện vẫn còn trên bia mộ Mạc Tử Hoàng ở núi Lăng, Hà Tiên: rõ ràng dân Việt Nam ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII chẳng phải kiêng húy tên vua chúa nào cả. Thứ ba, đã gọi là chữ húy thì hoặc là không được dùng, tức không được viết ra (đối với chữ trọng húy) hoặc là phải viết thêm nét bớt nét đổi nét, thế nhưng mấy trăm năm nay dân Việt ở miền Nam vẫn viết Hoàng, Phúc, Vũ… như người miền Bắc hay người Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và viết khắp nơi, vậy việc họ đọc chúng là Huỳnh, Phước, Võ… chỉ là vấn đề ngữ âm. Thứ tư, là triều nào húy nấy, chẳng hạn anh em Thái Đức – Quang Trung không hơi đâu kiêng húy các chúa Nguyễn còn cha con Gia Long – Minh Mạng chẳng ngu gì kiêng húy các vua Lê chúa Trịnh, nếu thần dân nào cứng cổ kiêng húy không hợp thời thì giữ cho còn nguyên được đầu cũng đã khó chứ đừng nói tới chuyện rủ rê quần chúng cùng kiêng. Thứ năm, đã gọi là “quốc húy” thì phải có thông báo bằng văn bản cụ thể theo đúng thủ tục hành chính và có hiệu lực pháp lý hẳn hoi cho dân biết dân làm, không phải chuyện bí mật quốc gia hay hoạt động bí mật để thông báo nội bộ hay rỉ tai nhau trong giới quan lại mà kiêng húy. Và riêng dân Nam Bộ thì đến 1861 có nhận được chỉ dụ cuối cùng của Tự Đức phổ biến về 47 chữ “quốc húy” (từ 1862 – 1867 Nam Kỳ đã bị Pháp chiếm làm thuộc địa rồi), trong đó có 20 chữ đã được Minh Mạng thông báo trong chỉ dụ kiêng húy vào loại đầu tiên của triều Nguyễn năm 1825. Ai muốn biết rõ về 47 chữ ấy xin cứ tìm bộ Đại Nam Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn mà đọc, xem có những Hoàng (vàng), Phúc, Vũ, Cảnh, Cương, Chính… và hàng trăm chữ khác mà các nhà Kiêng Húy học trước nay vẫn gán bừa cho tổ tiên ta không.
Đi tìm lai lịch cụ thể của từng âm Việt Hán đọc chệch so với Đường âm là một công việc phức tạp, nếu chưa định hướng được thì đừng nên thao tác. Chẳng hạn nhiều người Nam Bộ trước đây vẫn đọc Hớn Cao tổ, Hớn Sở tranh hùng chứ không đọc là Hán Cao tổ, Hán Sở tranh hùng, mà việc chuyển An – Ơn như San – Sơn, Đàn – Đờn thì lại chưa đủ để coi là có hệ thống. Nhưng vì ngữ âm Nam Bộ vẫn nhất hóa cặp phụ âm cuối -n, -t vào với cặp -ng, -c (như ran rát nói là rang rác) – với lối phát âm ấy mà đọc phò Hán, hảo hán thì nghe kỳ quá nên người ta phải chuyển âm để kiêng một sự húy trong đời thường đấy, các học giả thích kiêng húy vua chúa đừng đi tìm ở cái “quốc húy” nào đó trong cung đình cho mất công!
Tháng 11. 1993
(1) Xem Phan Trọng Hiền, Tên húy và việc phạm húy, báo Phụ nữ Thànn phố Hồ Chí Minh số ra ngày 20. 11. 1993. Tuy nhiên đây rõ ràng là một sự suy diễn khiên cưỡng, vô căn cứ và rất tùy tiện. Thứ nhất, hiện tượng đọc chệch Tùng, Cương ra Tòng, Cang kia chủ yếu xảy ra ở miền Nam chứ không phải ở miền Bắc. Thứ hai, chẳng có bằng chứng lịch sử dù là gián tiếp hay nhỏ mọn nào cho phép nghĩ rằng vào thế kỷ XVI – XVIII thần dân của triều Lê trung hưng bị bắt buộc phải kiêng húy các chúa Trịnh: ngay cả các bộ chính sử được biên soạn bởi các sử thần của Lê Trịnh cũng viết thẳng tên các chúa Trịnh từ Trịnh Kiểm trở đi, chứ chẳng hề tỏ ra tôn kính đặc biệt gì các chữ ấy trên văn bản cả. Thứ ba, tác giả của phát hiện độc đáo nói trên dường như không biết cả chữ Hán lẫn quy ước trong gia tộc họ Trịnh, nên đã đánh đồng tên Trịnh Tùng với Tòng trong tam tòng và tên Trịnh Cương vớiCang trong tam cang, chứ thật ra tên hai ông chúa này được viết với bộ mộc. Nếu đọc Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, người ta sẽ thấy ngay tất cả các chúa Trịnh đều có tên viết với bộ mộc và tất cả các chúa Nguyễn đều có tên viết với bộchấm thủy. (2) Xem thêm Hoàng Thị Châu, bài trong Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr. 161 – 166
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét