Hôm nay, Tuổi trẻ có đăng bài ""Gian nan là nợ" của Phạm Xuân Nguyên, nói về thắng lợi 1 - 0 của Tuyển VN trước Tuyển Singapore. Vì đồng cảm với PXN và cũng vì quá vui, AC đưa lên đây một câu liên quan đến mấy chữ GIAN NAN LÀ NỢ, trả lời cách nay 13 năm, Để các bạn FB đọc chơi cho vui.
ĐỘC GIẢ 1: Cụ Đào Tấn có viết: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng, Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.Nhưng sóng thì ở dưới nước còn tùng thì ở trên núi, vậy làm sao sóng vỗ được ngọn tùng? Chẳng có lẽ cụ sơ ý? Hay là cụ dùng ẩn dụ nào mà chúng tôi chưa biết được? Gần đây, theo thông tin trên một vài trang báo, người ta vừa tìm ra một loại cây quí hiếm có tên là thủy tùng. Phải chăng đây là một loài rong loài tảo nào mà cụ Đào Tấn muốn nhắc đến trong hai câu thơ của cụ? ĐỘC GIẢ 2: Trong một bài viết vào những năm 70 mà tôi đã quên tên tác giả và xuất xứ, người viết có tả cảnh mình được ngắm từ trên cao cánh rừng thông trong một ngày có gió. Nhìn ngọn cây rừng nhấp nhô lên xuống như những con sóng khi gió thổi qua, tác giả nhớ đến hai câu thơ của cụ Đào Tấn: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.Tác giả nói rằng nhờ được ngắm cảnh trên nên mới thấy được cái đẹp của câu thơ, cái độc đáo của cụ Đào khi cụ liên hệ nỗi gian nan của người anh hùng với cảnh cây tùng bị sóng gió vùi dập. Rồi năm 1990 tôi có mua một cuốn lịch bàn của Nxb Văn hóa, trong đó có một tờ cũng in hai câu thơ trên đây của cụ nhưng chữ “tùng” đã bị đổi thành “trùng”. Lao xao sóng vỗ ngọn trùng, Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.Xin gởi kèm theo đây tờ lịch đó để làm bằng (tờ ngày thứ sáu, 6 tây tháng Bảy nhằm ngày 14.5 âm lịch). Gần đây tôi lại được đọc bài “Ghi chép ở từ đường Đào Tấn” của tác giả Thúy Vi đăng trên báo Sài Gòn giải phóng ngày 28.5.1994, trong đó tác giả cũng có dẫn hai câu thơ trên như sau: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng, Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.Lại xin gởi kèm theo đây mẩu báo có in hai câu thơ trên đây để làm bằng, trong đó chữ thứ 6 của câu sau rõ ràng là chữ “tùng”. Vậy cụ Đào đã dùng “tùng” hay “trùng” trong hai câu tuyệt tác trên đây? ĐỘC GIẢ 3: Xin cho biết trong hai câu thơ lục bát của cụ Đào Tấn nói về cây tùng và người anh hùng, có phải cụ muốn nói đến cây tùng cụ thể nào mọc gần nước mà cành nhánh sà xuống thấp nên mới bị sóng vỗ hay không (nếu ở trên núi cao thì làm sao có sóng vỗ). Lại nói đến câu tám, cụ có dùng chữ “vay”: tại sao không là “nợ phải trả” mà lại là “nợ phải vay”? Có phải là vì âm điệu hay không?
AN CHI trả lời: Nguyên văn của cụ Đào Tấn là:“Lao xao sóng vỗ ngọn tùng,Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.Người làm lịch năm 1990 của Nxb Văn hóa, vì không biết được xuất xứ của chữ tùng trong hai câu thơ trên đây nên mới tự tiện thay nó bằng chữ “trùng”, ngỡ rằng phải sửa như thế thì câu thơ mới hợp lý mà không ngờ rằng chính mình đã làm cho nó trở thành vô vị và tầm thường. Đúng thế, nếu hiểu “trùng” ở đây là “trùng dương” và “ngọn trùng” là “ngọn sóng” thì ý của câu thơ chỉ là sóng vỗ ngọn sóng lao xao mà thôi. Nhưng "sóng vỗ sóng" thì có liên quan gì đến chuyện người anh hùng phải gánh nợ gian nan? Thực ra, ở đây cụ Đào đã dùng chữ tùng vì cây tùng, ngoài việc tượng trưng cho tuổi thọ, lại còn được dùng để tượng trưng cho sự chịu đựng nữa. Chẳng thế mà tiếng Hán lại có câu “tiết tháo phương tùng quân” nghĩa là tiết tháo (kiên cường) như cây tùng và (dẻo dai) như cật tre.Truyện Kiều, câu 901 cũng có hai chữ “tùng quân” (Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân). Vậy chữ tùng của câu sáu trong hai câu lục bát của Đào Tấn đã gây liên tưởng rất hợp lý đến người anh hùng trong câu tám và thể hứng kết hợp với thể tỉ (trong ca dao) đã được cụ thực hiện một cách rất đắc địa trong hai câu thơ tuyệt cú đã trở thành phương châm, thậm chí nguyên tắc sống cho nhiều đấng nam nhi.Nhưng trở lên, chúng tôi mới chỉ làm chuyện “cãi lý” mà thôi, còn sở dĩ cụ Đào Tấn lại dám để cho sóng vỗ lên cao tới tận ngọn tùng ở trên rừng trên núi là vì thực ra cụ đã nắm vững từ ngữ ở trong tay: tiếng Hán có từ tổ chính phụ cố định “tùng đào” 松濤, có nghĩa đen là “sóng trên ngọn cây tùng”, mà văn thơ Trung Hoa đã dùng để chỉ tiếng gió rì rào qua những cây tùng trong rừng trên núi. Hai tiếng đó đã được Từ hải giảng là “tùng lâm phong động chi thanh” (tiếng gió lay động rừng tùng) còn Mathews’ Chinese-English Dictionary, nơi chữ tùng, thì dịch là “the soughing of the wind in the pines compared with the roar of the surf” (tiếng rì rào của gió qua những cây tùng, so sánh với tiếng gào của sóng cồn) hoặc, nơi chữ đào, là “wind in the pines” (gió qua những cây tùng). Thơ Âu Dương Nguyên Công đời Nguyên có câu:“Hạ liêm nguy tọa thính tùng đào", nghĩa là:Buông rèm ngồi nghiêm lắng nghe tiếng sóng tùng.” Sóng tùng ở đây chính là tiếng gió thổi qua những ngọn tùng.Vậy “sóng” của cụ Đào Tấn chính là “gió”, nghĩa là danh từ sóng cũng được cụ dùng theo ẩn dụ như trong câu thơ trên đây của họ Âu Dương, chứ không phải là theo nghĩa đen. Do đó câu:“Lao xao sóng vỗ ngọn tùng”chẳng có gì là phản luận lý hay phi luận lý cả. Và ở đây cũng chẳng có cây tùng cụ thể nào mà cành nhánh sà xuống sát mặt nước cả vì hai tiếng “tùng đào” chỉ là một lối nói đã trở thành ước lệ. Đến như cây thủy tùng, mà tên khoa học là Codium macronatum – loại cây này thực ra cũng đã được biết đến từ lâu – vốn chỉ là một giống tảo, thì làm sao địch nổi với cây tùng, cây bách trên rừng trên núi, và làm sao xứng đáng để so sánh với người anh hùng trong cuộc đời! Bây giờ xin nói về chữ “vay”, chữ “trả”. Vâng, cũng có thể là do âm điệu vì nếu dùng “trả” thì câu:“Gian nan là nợ anh hùng phải trả”đâu còn là thơ nữa. Nhưng vấn đề là dùng “trả” thì lại không hay bằng dùng “vay”: trong những người không muốn mang công mắc nợ thì nhiều người đã chủ động không vay để khỏi trả. Còn cụ Đào Tấn thì khẳng định:“Gian nan là nợ anh hùng phải vay”cho nên dứt khoát phải trả, không trả không được vì đó là định mệnh. Đã sinh ra là anh hùng thì phải chấp nhận gian nan. Đó là cái hay của chữ “vay” vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét