Báo Năng Lượng Mới: Có người nói chữ dầu trong dầu mỏ là một từ gốc Hán, do chữ du mà ra; xin cho biết có đúng không.
An Chi : Chẳng những dầu (trong dầu mỏ) mà cả dù (trong ô dù), phái sinh từ dầu, đều là những từ Việt gốc Hán, thưa bạn
Dầu là âm xưa của chữ 油, mà âm Hán Việt hiện đại là du, có nghĩa là dầu, mỡ. Đây là một chữ thuộc vận bộ vưu 尤, mà nhiều chữ cũng đã đọc theo vần -âu, như: ưu 憂 đọc thành âu trong lo âu,lưu 留 trong lưu cửu đọc thành lâu trong lâu năm, thu 秋 (= mùa thu) đọc thành thâu trong thiên thâu, ngưu 牛 trong Ngưu lang Chức nữ đọc thành ngâu trong vợ chồng Ngâu, v.v.. Đây là nói về vận; còn về thanh điệu (dấu giọng) thì đối với các âm tiết Hán Việt có phụ âm đầu d- [z], l-, m-, n-,nh- [ñ], ng(h)- [ŋ], và v- [v], thanh 2 (dấu huyền) luôn luôn xưa hơn thanh 1 (không dấu): – dì xưa hơn di 姨, – làn trong làn sóng xưa hơn lan 瀾, – màng trong mùa màng xưa hơn mang 忙 trong mang nguyệt, – ngần trong trắng ngần (= trắng như bạc) xưa hơn ngân 銀 trong kim ngân, v.v.. Vậy ta có:dầu ~ du.
Rõ ràng dầu là một từ Việt gốc Hán. Nhưng có thể nào nó lại là một từ cùng gốc với dù trong ô dù(dù phái sinh từ dầu, như đã nói ở trên) hay không? Có đấy. Chữ du 油 không chỉ dùng để ghi danh từ có nghĩa là dầu, mỡ trong tiếng Hán mà còn dùng để ghi động từ du, có nghĩa là bôi dầu, trét dầu, phết dầu, v.v.. Đây là một động từ phái sinh từ danh từ du theo quy tắc tạo từ sau đây: trong tiếng Hán, một số danh từ chỉ công cụ, phương tiện, chất liệu, v.v., có thể chuyển loại thành động từ để chỉ động tác, hành động thực hiện với công cụ, phương tiện, hoặc chất liệu do danh từ gốc biểu hiện. Thí dụ : chữ 漆 dùng để ghi danh từ tất, có nghĩa là sơn, cũng dùng để ghi động từ tất, có nghĩa là sơn, phết sơn, quét sơn; – chữ 蓋 dùng để ghi danh từ cái 蓋 là nắp, vung, cũng dùng để ghi động từ cái là che, đậy, phủ; chữ 粉 dùng để ghi danh từ phấn là bột, phấn, cũng dùng để ghi động từ phấn, là xoa phấn, trang sức, bôi, trát. V.v..
Vậy chữ du 油 còn là một động từ có nghĩa là sơn, dùng sơn mà phết lên một bề mặt nhất định. Với từ loại này và nghĩa này của chữ du, tiếng Hán có ngữ danh từ cố định du chỉ tản 油紙傘, có nghĩa là ô (làm bằng) giấy (có phết) dầu. Đây là một loại ô thông dụng (chứ không phải hiếm thấy) ở Trung Quốc. Từ chỗ là một sản phẩm của Trung Quốc, nó đã được truyền bá sang một số nước trong khu vực: Nhật Bản, Triều Tiên, Lào, Thái Lan, v.v.. Người Khách Gia di cư sang Đài Loan cũng đem theo loại hình ô giấy này. Ngoài việc dùng để che mưa che nắng, theo truyền thống xưa ở Trung Quốc, đây còn là một vật dụng không thể thiếu trong hôn lễ. Vì vậy nên tại quê hương của nó thì ô giấy dầu là một vật dụng quen thuộc, phổ biến. Sở dĩ phải nhấn mạnh như thế là để khẳng định rằng dù chỉ tản 油紙傘 (nhớ rằng dù là âm Hán Việt xưa của chữ du 油) cũng là một danh ngữ cố định quen thuộc, và phổ biến. Khi danh ngữ này đi vào Việt Nam thì nó dần dần được rút ngắn thành dù, để chỉ thứ ô làm bằng giấy dầu của Tàu, rồi dần dần mới mở rộng nghĩa mà chỉ các loại ô nói chung.
Trên đây là cứ liệu ngữ học duy nhất chắc chắn về từ nguyên của dù trong ô dù. Thế nhưng nếu đemTam thiên tự (kiểu Thiên : trời ; Địa : đất – Cử : cất ; Tồn : còn – v.v.) ra đọc thì ta sẽ thấy có một chỗ thực sự đặc biệt. Chữ Hán số 176 (Xin x. bản của Ninh Hà, Nhà in Ngô-Tử-Hạ, Hà Nội, 1935, tr.7) đã được phiên âm, giảng Nôm và chú thêm tiếng Pháp như sau:“ Du = Dù – Parasol” (Xin x. ảnh); cứ y như rằng chữ du với bộ cân 巾 bên trái và chữ do 由 bên phải là một chữ Hán chính tông. Bản Chú dịch Tam Thiên Tự quốc ngữ giải âm 註譯三千字國語解音 của Tụ Văn Đường (Hàng Gai, Hà Nội, Duy Tân nhị niên, 1908) chẳng những in chữ Hán du (bộ cân 巾 và chữ do 由) làm chữ được dịch, mà còn in cả chữ này làm Nôm để dịch chính cái chữ Hán đó nữa. Nhưng xin thưa rằng đây là một chữ hoàn toàn nguỵ tạo. Không một quyển từ điển nào hoặc một nguồn thư tịch nào của Trung Quốc có ghi nhận chữ này cả. Dĩ nhiên là ta không thể nói rằng hễ một chữ nào đó không được từ điển ghi nhận thì nó không tồn tại. Nhưng trường hợp đang bàn thì lại khác. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993), công trình cấp quốc gia của nước CHND Trung Hoa, tập đại thành toàn bộ các chữ Hán đã có từ cổ chí kim, không có ghi nhận chữ này sau khi đào vét mọi ngóc ngách của rừng văn biển chữ. Tam thiên tựcó ít nhất là 2 chữ nguỵ tạo mà chúng tôi sẽ nói đến chữ thứ hai trong một dịp khác.
Vậy, như đã chứng minh, dầu là một từ Việt gốc Hán và cùng gốc với dù trong ô dù.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét