Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU NGHỀ GIẤY CỔ TRUYỀN - Hoàng Hồng Cẩm

TỪ MỘT VÀI TÍN HIỆU TRONG SÁCH CỔ…
Phải nói ngay rằng, hiện nay chúng ta chưa đủ tài liệu chắc chắn để khảo sát nghề làm giấy cổ truyền ở Việt Nam. Tình trạng những nghề thủ công xưa kia được trân trọng đúng mức đã không lưu lại cho chúng ta nhiều chứng cứ về mặt lịch sử - ngay cả các nghề mộc, đồng, gốm, v.v… thì riêng với nghề giấy tư liệu lại càng mỏng manh hơn. Ở khá nhiều trường hợp một vài tín hiệu hoặc bằng truyền văn, hoặc được ghi chính thức bằng văn bản - có thể cho ta một ý niệm tự hào nào đó. Nhưng để khẳng định nên kết luận khoa học thì lại là điều phải dè dặt rất nhiều.
Chẳng hạn, cứ theo như những ghi chép của các học giả nước ngoài thì giấy đã có ở Việt Nam từ thế kỷ III sau công nguyên. Sách Nam phương thảo mộc trạng (quyển Trung) tác giả Kế Hàm đã nói đến một thứ giấy thơm của người Giao Chỉ làm bằng gỗ cây trầm. Ông cho biết: “Đó là thứ giấy mầu trắng, có vân như vảy cá, mùi rất thơm mà bỏ xuống nước cũng không nát”.
Ý kiến này, gần đây đã được Trần Tu Hòa chấp nhận. Trong cuốn: Trung Việt lưỡng quốc nhân dân đích hữu hảo quan hệ hòa văn hóa giao lưu (Bắc Kinh, 1957) ông đã nói rằng: “Vào thế kỷ III sau Công nguyên, người Việt Nam đã dùng gỗ mật hương làm một thứ giấy bản rất tốt gọi là giấy “Mật hương”. Loại giấy này, vào năm 284 đã được các thương nhân La Mã mua đến hàng vạn tờ.
Ngoài giấy Mật hương, còn có loại giấy tên gọi là Trắc lý. Sách Thập di ký của Vương Gia (thế kỷ IV) cho biết: người Việt Nam biết dùng rong rêu lấy ở dưới đáy biển để làm một thứ giấy gọi là giấy Trắc lý.
Những điều trên đây được ghi chép rõ ràng trong sách vở của người nước ngoài, đều là những tín hiệu có thể tin cậy. Song cho đến nay, chúng ta vẫn không có khả năng để biết được các loại giấy Mật hương, Trắc lý nói trên thực tế là như thế nào? Hình dáng, chất liệu và cách sản xuất các loại giấy ấy ra sao? Thời gian nào và là người ở châu, quận hay miền đất nào làm được? Rồi họ đã truyền nghề trong nước, đã cho lưu thông ra nước ngoài theo những cách thức gì, v.v… Đó là những điều chúng ta chưa thể khảo sát được.
Trên đây là những ghi chép của người nước ngoài. Còn ở trong nước, chúng ta cũng lượm lặt được một vài tín hiệu. Phái nói rằng: có lẽ nhà bác học Lê Quý Đôn gần như là người duy nhất quan tâm đến vấn đề. Trong bộ sách Vân Đài loại ngữ, rồi Phủ biên tạp lục, ông nhiều lần nhắc đến giấy và nghề giấy cổ truyền Việt Nam. Mặc dù chỉ là những ghi chép ngắn gọn, song có lượng thông tin quý báu.
Sau khi nhắc lại một số tri thức trong các sách Thiên tự văn, Hán thư, Đường thư, Lục điển, v.v… nói về sự xuất hiện giấy Ma chỉ, Võng chỉ, Cốc chỉ, Hách đề, v.v… ở Trung Quốc cùng với người có công đầu như Thái Luân (đời Hán Hòa Đế 89 - 105) Lê Quý Đôn nói đến nghề giấy ở Việt Nam. Ông đã đặc biệt chú ý đến nguyên liệu làm giấy các địa phương có truyền thống về nghề giấy. Thí dụ: “Nay nhân dân ở các trấn Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lương Sơn trồng nhiều cây đó. Giống dó dễ trồng, dễ lớn, hai năm thành cây, lấy được vỏ khá nhiều. Người ở đất Thụy Nguyên lại lấy vỏ cây thượng lục làm giấy (tục gọ là cây Niết), giấy làm ra trắng bạch, bền dai, thực là hạng giấy tốt nhất. Cây ấy hiếm, cho nên giấy đắt, một tờ một đồng. Người làng Quảng Đức lấy vỏ cây dó làm giấy thì dễ kiếm mà rẻ (Vân đài loại ngữ, Âm tự loại - điều 222).
Còn ở Phủ biên tạp lục ông ghi “Xã Đốc Sơ, huyện Hương Trà làm giấy hạng trung và hạng tiểu. Xưa có lệ nộp thuế, nghề giấy truyền đến thôn Trung Chỉ phủ Phú Yên, cũng nộp thuế hàng năm: giấy lớn 2500 tờ, giấy vừa 3200 tờ. Giấy trung và tiểu ở Xã Đốc Sơ, giấy vuông xã Vĩnh Xương đều làm bằng cỏ cây dó. Giấy lớn ở hai xã: Lộc Tuy và Đại Phúc ở huyện Lệ Thủy thì làm bằng vỏ cây niết, cũng bền và dầy, cùng với giấy lệnh của Thanh Hóa không khác. (phần Vật phẩm phong tục).
Lê Quý Đôn đã tỏ ra tự hào về loại giấy quý này của Việt Nam: “Trung Quốc chỉ biết có giấy Bạch thùy của Cao Ly mà không biết thứ giấy Thượng lục của An Nam”.
Điều đáng chú ý là trước Lê Quý Đôn, chưa thấy có những thông tin gì khác nữa về nghề làm giấy cổ truyền xét từ góc độ nghiên cứ… Đến những tín hiệu trong dân gian.
Tuy vậy vẫn có thể xem nghề làm giấy của ta là truyền thống lâu đời. Bằng những điều được lưu truyền trong dân gian có thể có cảm tưởng nghề giấy vẫn chiếm một vị trí nhất định trong tình cảm quần chúng qua nhiều thế hệ.
Chúng ta còn ghi chép được nhiều câu ca dao liên quan đến nghề giấy, gây ấn tượng đậm đà bền vững trong lòng người khi nhớ đến phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống thơ mộng ở kinh thành Thăng Long:
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Nhịp chày ở đây chính là chầy giã dó. Nhịp chày ấy không chỉ đi vào ca dao mà còn được nhắc đến trong văn chương bác học. Bài phú Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng có nhắc đến:
Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng,
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.
Những câu ca dao làm bởi người trong nghề. Những chị thợ thủ công nghề giấy thủa xưa tuy vất vả nhưng vẫn yêu đời:
Người ta buôn vạn bán ngàn,
Em nay làm giấy cơ hàn vẫn vui.
Dám xin ai đó chớ cười,
Tay em làm giấy cho người viết thơ.
Cũng có khi là lời phàn nàn cho cuộc đời cơ cực:
Seo đêm rồi lại seo ngày
Đôi tay nhức buốt vì mày giấy ơi!
Hay:
Giã nay rồi lại giã mai
Đôi chân tê mỏi dó ơi vì mày!

Và có lúc là tiếng hát của tình yêu:
Nhịp chày giã dó nhặt thưa,
Đèn le lói sáng, lòng ngơ ngẩn buồn.
Nhớ ai mê mẩn tâm hồn,
Thương ai mong đợi mỏi mòn tháng năm.
v.v…
Tuy nhiên có cả câu chuyện về vị tổ sư nghề giấy. Sách Lược truyện thần tổ các ngành nghề của Vũ Ngọc Khánh, Nxb. KHXH, 1991, tr.77 chép: “Dân trong nghề, lấy ngày 16 tháng 3 Âm lịch để làm giỗ tổ, nhưng không có tài liệu nào cho biết tên họ vị tổ nghề là gì… Chỉ biết rằng, nơi ông đặt chân tới đầu tiên là làng Yên Hòa. Ông có ý định dạy nghề cho làng này, nhưng hình như đã xảy ra một điều gì không mãn ý, ông lẳng lặng bỏ đi. Người Yên Hòa mới chỉ nắm được cách làm loại giấy phất quạt thì không có điều kiện học thêm với ông nữa. Ông đã sang làng Hồ Khẩu rồi. Tại đây ông hướng dẫn cách làm giấy moi. Người dân biết tương đối thành thạo, ông lại chuyển sang làng Động Xã. Làng này được học cách làm giấy Quỳ, là thứ giấy để dát vàng quỳ… Tiếp đó ông tổ lại về ở làng Yên Thái. Ông ở đây khá lâu, truyền cho dân làng kỹ thuật làm giấy Lệnh, là loại giấy bản khổ tốt, triều đình phong kiến dùng để viết lệnh chỉ. Vì được ông ở lâu nên làng Yên Thái phát đạt về nghề này hơn cả… Cuối cùng ông sang làng Nghĩa Đô. Một người họ Lại đón ông rất trọng hậu, ông truyền cho nghề làm giấy sắc… Ngày 16 tháng 3 không phải là ngày Tổ mất mà là ngày Tổ từ biệt làng Nghĩa Đô ra đi”.
Cứ theo ký ức của nhiều địa phương thì những dạng truyền thuyết như trên đây có ở nhiều nơi. Cũng có nơi có cả nhà thờ Tổ v.v… Song tiếc rằng các chi tiết không dồi dào hơn, nếu như không muốn nói là nghèo nàn, lại khó có điều kiện thẩm tra. Hơn nữa qua những bằng sắc thần tích, thần phả ở các đền miếu thì đến nay chưa tìm ra được việc phong tặng công lao cho ông tổ nghề giấy.
NHÌN LẠI LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG NGHỀ GIẤY Ở VIỆT NAM
Dù sao, những tín hiệu trên đây, tuy có phần sơ sài và chưa có khả năng chứng minh một cách chặt chẽ, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng là: nghề giấy Việt Nam đã có truyền thống lâu đời. Nước ta là một nước văn hiến, có nhu cầu ghi chép từ lâu. Chúng ta lại cũng chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Từ những thế kỷ đầu công nguyên, việc truyền bá kinh Phật là điều không xa lạ gì với các vua chúa, thủ lĩnh và các môn đồ Phật tử. Nghề in cũng ra đời sớm. Sách Thiền uyển tập anh đã nhắc đến nhà sư Tín Học khắc ván in cho các nhà chùa (đời nhà Lý) và sau đó vài ba thế kỷ là những trung tâm nghề in mộc bản xuất hiện. Lược truyện thần tổ các nghề, sđd. tr.76 ghi: “Nghề khắc in ở nước ta có đã lâu, nhưng công lao cải tiến có chất lượng cao hơn là thuộc về Lương Như Hộc. Ông dạy nghề cho các thợ Hồng Lục, Liễu Chàng và sau nữa là Khuê Liễu. Từ đó vùng này trở thành trung tâm khắc ván của cả nước suốt mấy thế kỷ”. Như vậy ít ra cũng phải có giấy để phục vụ cho các trung tâm ấy.
Thật ra, nếu căn cứ vào một vài chi tiết khác được ghi chép trong sử sách và các bài viết của những nhà nghiên cứu sau này, chúng ta cũng có thể khẳng định về sự quyết đoán trên.
1. Sử có chép rằng: “Từ đời Lý Cao Tông (1176 - 1210) trong các cống vật Việt Nam gửi sang Trung Quốc, bên cạnh ngà voi, sừng tê, vàng, lụa còn có cả giấy tốt.
2. Cụ Hoa Bằng ở Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 133, năm 1970, có ghi: “Sau khi Lê Lợi đuổi giặc Minh, Nhà nước Lê sơ có phát triển nghề làm giấy bản, lập “Tạo chí cục” ở Quảng Đức phường để làm các loại giấy như giấy lệnh, giấy thị,…”.
3. Năm Giáp Dần (1734) đời Lê Thuận Tông, chúa Trịnh Giang đã sai in Tứ thư, Ngũ kinh kinh bằng các thứ giấy trong nước và ra lệnh cho sĩ tử và dân gian phải mua, dùng sách nội hóa.
4. Về những cơ sở làm giấy: điểm lại toàn bộ những chi tiết mà Lê Quý Đôn đã ghi chép cùng với tài liệu dân gian có thể ghi nhân về một số vùng làm giấy (ít nhất từ thế kỷ XII lại đây). Đó là vùng ngoại thành, phía tây thành Thăng Long, cụm Cầu Giấy - Bưởi:
Làng Yên Hòa: làm giấy Thô.
Làng Hồ Khẩu: làm giấy Moi.
Làng Động Xã: làm giấy Quỳ.
Làng Yên Thái: làm giấy Lệnh.
Thôn Trung Nhã, xã Nghĩa Đô làm giấy sắc (còn gọi là giấy nghè).
Vùng giấy gồm các làng ở Kinh Bắc tạm gọi là cụm Kinh Bắc:
Làng Xuân Ổ (làng Ó) huyện Tiên Sơn
Làng Ném Tiền
Làng Đào Thôn
Làng Dương Ổ huyện Yên Phong
Làng Châm Khê
Cụm làng giấy này ít nhiều có mối quan hệ mật thiết nhất định với cụm cầu Giấy - Bưởi. Nhưng theo sự điều tra gần đây của Ty Văn hóa Hà Bắc thì từ phương thức và khuôn khổ của tờ giấy đều khác với cụm Cầu Giấy - Bưởi. Ngoài các loại giấy cơ bản, ở vùng này đặc biệt còn làm được loại giấy bằng vỏ dâu để in tranh dân gian gọi là giấy Điệp.
Vùng Thanh Hóa có làng Mai Chử (gọi là làng Mơ) ở huyện Đông Sơn làm giấy bản.
Vùng Nghệ An Hà Tĩnh, tài liệu về vùng này không ghi rõ là địa điểm nào mà chỉ nói: “vùng Nghệ An - Hà Tĩnh xưa kia có một số phường thợ làm được giấy Nhũ tương, cầm tay thấy những hạt óng ánh màu bạc, màu vàng. Loại này thường dùng để ghi các câu đối quý và cũng có thời gian trở thành hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản” (Truyện các ngành nghề, Nxb. Lao động, 1977, tr.95).
Vùng Lệ Thủy, Quảng Bình có hai xã:
Lộc Tụy: 2 xã này đều sản xuất loại giấy
Đại Phú: lớn bằng vỏ cây Miết.
Vùng Thừa Thiên lại có 2 xã của huyện Hương Trà
Đốc Cơ Vĩnh Xương: Cơ sở này làm giấy bẳng vỏ cây dó.
* Ngoài ra, còn có một số cơ sở, như: Thôn Trung Chỉ, phủ Phú Yên và Thanh Hóa làm giấy lệnh (Phủ biên tập lục, tr.325).
VÀI GHI NHẬN ĐỂ TÌM HIỂU THÊM VỀ NGHỀ GIẤY CỔ TRUYỀN
1. Các loại giấy cổ truyền ở Việt Nam
Tạm dùng thuật ngữ giấy cổ truyền để chỉ vào các thứ giấy do người thợ thủ công Việt Nam sản xuất khi chưa tiếp xúc với kỹ thuật Phương tây. Chúng tôi sẽ không nói tới các loại giấy mới được sản xuất ở Đáp Cầu, Lam Sơn, Đức Thọ trước và sau Cách mạng tháng 8… và các loại giấy Tân Mai, Vĩnh Trụ, Bãi Bằng ngày nay. Chúng tôi chỉ nói đến những loại giấy được sử dụng khi việc học theo Nho học còn thịnh hành. Có thể kể:
+ Giấy Bản: dùng in sách và viết (loại giấy cơ bản, dùng phần vỏ trắng của vỏ cây).
+ Giấy Moi, giấy Phèn: loại này mặt thô ráp (do nguyên liệu xấu hơn, phần vỏ ngoài của vỏ cây, dùng để gói hàng).
+ Giấy Xuề: Loại dùng nguyên liệu bằng những “đầu mặt” (còn gọi là Xề, Xề là những mắt vỏ cây).
+ Giấy Thô: dùng phất quạt.
+ Giấy Quỳ: dùng để dát vàng quỳ (loại này chỉ sản xuất được ít vì nguyên liệu hiếm: đó là những cây niết mọc tự nhiên, còn gọi là cây dó chuột, loại cây mọc ở vùng đồi núi tốt hơn ở bờ biển”.
+ Giấy Lệnh: loại này khổ rộng, đẹp dùng để viết lệnh chỉ.
+ Giấy Nghè: loại giấy quý, trên nền có nổi lên lờ mờ hình rồng phun mây. Giấy này được giành riêng để viết sắc phong cho các quan lại và thần linh” (“Nghè” ở đây chỉ thao tác cuối cùng để hoàn thiện mặt hàng - khi giấy đã làm xong, lên màu còn phải dùng vồ đập vào giấy trải trên mặt đá. “Nghè” là một từ chuyên môn, vì vậy làng Nghĩa Đô có tên Nôm là làng Nghè).
+ Giấy Nhũ tương: loại này lại có thấy óng ánh những hạt màu vàng, màu bạc, thường dùng để ghi các câu đối hay có lúc giấy Nhũ tương là hàng xuất khẩu.
+ Giấy Mật hương: làm bằng gỗ trầm: mặt giấy màu trắng, có vân như vẩy cá, mùi rất thơm, bỏ xuống nước không nát.
+ Giấy Trắc lý: làm bằng rong rêu lấy ở dưới biển.
+ Giấy Điệp: làm bằng vỏ cây dâu để in tranh khắc gỗ dân gian.
Tất nhiên không phải cùng một lúc chúng ta có ngần ấy loại giấy, mà đây là cả một quá trình hình thành lâu dài.
Thí dụ: đầu tiên chỉ có thể là loại giấy thô sơ như giấy Moi, giấy Phèn dùng để gói, giấy Bản loại thường để viết.
Tiếp đến, do nhu cầu sử dụng ngày một cao, đòi hỏi ngày một khác (nhất là yêu cầu của Nhà nước phong kiến) nên nghề giấy phải vươn lên về mặt chất lượng với các loại giấy tốt, giấy quý như giấy Nghè, giấy Nhũ tương… để sử dụng làm các sắc phong, lệnh chỉ…
Đồng thời vẫn phải có những loại giấy để phục vụ các ngành nghề khác như nghề làm quạt, nghề dát vàng… Ở mỗi làng có nghề giấy, các nghệ nhân đã sản xuất ra một loại giấy đặc biệt, như giấy Điệp dùng cho các làng tranh: tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng…
Những loại giấy trên đến thời kỳ Nho học suy tàn thì sản xuất không còn thịnh vượng nữa, nhưng ở nông thôn loại giấy bản vẫn phổ biến. Các văn tự văn khế, hương ước, gia phả v.v… vẫn dùng đến giấy bản. Giấy dó lụa (loại mịn, mỏng, dai) vào những năm 40 của thế kỷ này đã trở thành thứ giấy quý, dùng in những loại sách đặc biệt quý.
2. Điểm qua những thao tác thủ công của một làng giấy chuyên nghiệp
Như trên đã nói, giấy cổ truyền Việt Nam đa dạng, phong phú. Hầu như mỗi làng nghề, mỗi phường nghề lại có thêm những nguyên liệu riêng để làm nên những sản phẩm riêng. Ở đây chúng tôi chỉ xin nói đến một phường cụ thể đã từng có những thời kỳ vàng son. Đó là làng nghề Yên Thái ở cụm Bưởi. Nhịp chày Yên Thái giã dó đã vào tình cảm dân gian và văn chương bác học. Nơi đây cũng đã có lúc làm ra giấy dó lụa tuyệt vời. Làng nghề này từ năm 1945 trờ về trước, chuyên sản xuất ra ba loại giấy:
+ Giấy Moi để gói hàng và làm vệ sinh nói chung.
+ Giấy Bản để viết và hút thuốc.
+ Giấy Quỳ để dát vàng.
Các nguyên liệu chính để làm giấy là các loại vỏ cây có sợi như: dó, bo, cảnh, dướng. Tuy nhiên mỗi thứ giấy có yêu cầu riêng như giấy Quỳ chỉ dùng bì cây dó chuột, còn gọi là cây Cảnh, một số địa phương gọi là niết (vì nó dai bền). Giấy sắc thì không được làm bằng loại cây khác với cây dó. Ngoài ra một số cây dang, nứa bông đều có thể làm được, nhưng cách chế biến khác, ở đây xin không nhắc đến.
Các công đoạn làm giấy được lần lượt thực hiện như sau đối với vỏ cây:
1. Ngâm nước trong (nước ao hồ) 1 ngày một đêm.
2. Rồi vớt lên ngâm sang nước vôi loãng trong hai ngày đêm.
3. Khi thử đủ nước vôi rồi, vớt lên để chảy bớt nước.
4. Hòa dung dịch vôi đặc, cho vỏ cây vào dầm đều cho vôi ngấm vào vỏ cây.
Thời gian 4 công đoạn này từ 3 đến 5 ngày tùy theo thời tiết nóng hay lạnh. Giai đoạn này rất quan trọng theo con mắt của người chuyên môn, nó sẽ quyết định cho lên lò nấu được kết quả tốt hay xấu.
5. Xếp lên lò nấu cách thủy đun trong một ngày rưỡi và ủ thêm hai ngày là chín (nếu người xếp lò kém thì hay bị sống lỏi, rất tác hại cho các công đoạn sau.
6. Dỡ nguyên liệu ở trong lò ra ngâm nước vôi loãng lần thứ hai.
7. Lột nguyên liệu làm hai phần, ruột để làm giấy tốt, vỏ để làm giấy xấu.
8. Vò vỏ cho hết đen, rồi dùng sàng rửa sạch vỏ.
9. Ngâm dầm riêng từng loại trong nước chua (nước bể thối) để cả hai loại đều ngâm nước và bột bổ để có thể nghiền được.
10. Dùng sàng rửa lại một lần nữa.
11. Đem giã thành bột. Đây là giai đoạn tinh chế quan trọng hơn. Chính ở đây mới nổi lên nhịp chày Yên Thái, cũng là khâu lao động nặng nhọc nhất: giã dó, làm cho vỏ cây phải nát nhuyễn ra như một thứ bùn loãng. Sau đó phối với các loại khác tùy theo yêu cầu chất lượng sản phẩm cần làm.
12. Dùng loại rá to, cho bột vào mang xuống nước đãi cho hết chất bẩn và nhất là chất nhựa của vỏ cây còn ở trong bột.
13. Cho bột vào “tàu seo”. (Bể nhỏ dài 1,2m, rộng 0,6m), dùng đòn tre đánh cho tơi bột rồi cho nhựa cây gỗ mò vào để hoàn thành dung dịch tráng giấy.
14. Dùng “liềm giấy” (gọi là liềm seo, là khuôn gỗ có căng thẳng một lớp lưới có mắt nhỏ hoặc mành nứa) tráng từng tờ giấy, xếp thành mới (gọi là uốn, đây là những tờ giấy ướt, xếp lên nhau, nên còn gọi là mớ uốn ướt. Seo là động tác dùng liềm seo nén dung dịch giấy để tạo thành giấy ướt.
15. Sáng hôm sau khi đã se bớt nước thì cho vào cần ép theo kiểu đòn bẩy để ép cho khô kiệt, rồi bóc từng tờ phết lên tường lò sấy để cho giấy khô và phẳng như đã dùng bàn là, ở đây gọi là can.
16. Công đoạn cuối cùng là lột các mè giấy đã khô ở trong lò, xếp từng tờ thành một tập, thành trăm. Nếu là giấy nghề thì còn phải giải từng xếp một (gồm vài chục tờ) lên tảng đá to phẳng rồi dùng chày nện cho kỹ thì giấy mới mịn mặt và bền. Giấy quỳ thì còn phải rang quỳ nhuộm là cả một nghệ thuật.
Tuy phải kết luận, nhưng chúng tôi thực sự chưa bằng lòng vì phần tư liệu còn quá sơ sài. Nghề giấy đã có truyền thống nhưng như vậy là không được phát đạt. Ngày nay, khi phát triển sang giai đoạn mới, nhiều nghệ nhân hâu như đã đi vào quên lãng, nhiều cơ sở sản xuất thất bại vì không theo kịp đà sản xuất. Để phù hợp với nhu cầu mới, phải chăng nghề giấy của ta cũng phải theo đà kỹ thuật của khoa học tiên tiến, và cải tiến, giảm bớt sự nặng nề vất vả cho người lao động. Nhưng điều quan trọng hơn có lẽ là không nên bỏ truyền thống của dân tộc. Lúc này cần nghiên cứu sâu hơn không những chỉ giữ gìn cho nghề giấy truyền thống khỏi bị mai một mà về một phương diện nào đấy còn có thể bổ sung kỹ thuật mới nữa, đưa lại năng suất cao, chất lượng tốt (giấy bền, đẹp), giảm sức lao động của người thợ mà giá thành của giấy không cao. Đây cũng là bài học quý cho các ngành nghề truyền thống, cần giữ được bản sắc dân tộc, như Nhật Bản (đã làm với nghề đan), Trung Quốc (đã làm với nghề dệt và gốm), v.v…(1)
CHÚ THÍCH
(1) Bài viết có tham khảo một số ý kiến của bác Đao Đinh Huy ? làng nghề Yên Thái. Nhân dây chúng tôi xin chân thành cảm ơn bác và gia dình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét