Bạn đọc : Nói về bảy chữ cái Ă, Â, Đ, Ê, Ô, Ơ và Ư, trong bài “Những chữ cái bị kỳ thị” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 3-5-2012, TS Giáo dục Lê Vinh Quốc viết:
“Nếu chỉ sử dụng để đánh vần (hay ghép vần), đọc, viết hay biên soạn từ điển thì những chữ biến thể này dường như không có vấn đề gì phải bàn. Nhưng khi sử dụng chúng trong những trường hợp khác lại có vấn đề phát sinh.”
Xin hỏi ông An Chi có nhận xét gì về “những trường hợp có vấn đề phát sinh” mà TS Lê Vinh Quốc đã nêu.
(Nguyễn Hữu Huỳnh Đức – Thành phố Vũng Tàu).
An Chi : Về “những trường hợp có vấn đề phát sinh”, TS Lê Vinh Quốc đã viết như sau:
“Khi cần sắp xếp một hệ thống nào đó theo vần chữ cái, người ta chỉ dùng các chữ cái Latin gốc mà không dùng đến các chữ biến thể đó. Chẳng hạn, khi dùng bảng chữ cái để ghi ký hiệu các hàng ghế của hội trường, nhà hát, rạp chiếu bóng, sân vận động hay tàu xe, người ta đều ghi theo thứ tự như sau: A, B, C, D, E, G (...) O, P, Q (...), T, U, V, X, Y... Như vậy tức là các chữ biến thể (Ă, Â, Đ, Ê, Ô, Ơ, Ư) đã hoàn toàn bị loại bỏ.
“Khi cần trình bày các luận điểm theo thứ tự vần chữ cái, người ta cũng thản nhiên bỏ qua những chữ đó. Trong các môn học ở nhà trường, khi cần dùng bảng chữ cái để trình bày các ký hiệu hay công thức, những chữ này không bao giờ được áp dụng. Chẳng hạn ở môn hình học luôn có các tam giác A - B - C, nhưng chưa bao giờ có tam giác A - Ă - Â!”
Về ý kiến trên đây của TS Lê Vinh Quốc, nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã châm biếm nhẹ nhàng:
“Theo TS Quốc thì “tính khoa học” và “tính nhất quán” của một bảng chữ cái vốn được thể hiện rõ nhất và cơ bản nhất qua khả năng đánh số thứ tự các hàng ghế trong rạp hát hay rạp chiếu bóng, trong toa xe hay trên sân vận động, cũng như qua khả năng đánh số thứ tự các đề mục/tiểu mục trong những báo cáo khoa học hay công tác, hoặc qua khả năng gọi tên hình này hình nọ ở môn hình học.
“Trong khi đó giới ngữ học lại quen đánh giá tính khoa học và tính nhất quán của một bảng chữ cái qua khả năng ghi lại đủ chân thực, đủ chân xác bộ mặt ngữ âm của các từ ngữ trong một thứ tiếng, vì theo họ hình dung đây mới là công dụng chủ chốt nhất và hệ trọng nhất của các bảng chữ cái.” (Cấp “giấy chứng minh” cho bốn chữ cái, Tuổi Trẻ, ngày 7-5-2012).
Nhưng TS Quốc thì kết luận: “Nếu xét về tính khoa học của một ngôn ngữ thì việc 7/29, tức gần 1/4 số chữ cái không được sử dụng trong các trường hợp nêu trên lại cho thấy sự không bình thường của bảng chữ cái chính thức: những chữ cái biến thể không được coi là bình đẳng với những chữ khác.”
Nếu ta được phép diễn ra cho rõ cái ý châm biếm của nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương thì “các trường hợp nêu trên” lại thuộc những lĩnh vực phi ngôn ngữ nên ở đây chẳng làm gì có chuyện “những chữ cái biến thể không được coi là bình đẳng với những chữ khác”.
Đó là ta còn chưa nói đến sự nhầm lẫn nghiêm trọng của TS Lê Vinh Quốc khi ông viết:
“Đến nay, các nhà ngôn ngữ học vẫn không hiểu vì sao khi sáng tạo ra chữ quốc ngữ, linh mục Alexandre de Rhodes đã loại bỏ bốn chữ cái gốc Latin nêu trên (tức bốn chữ F, J, W, Z – AC) để rồi phải dùng PH thay cho F, dùng GI thay cho J và dùng D để ghi cái âm đáng lẽ thuộc về Z; rồi lại phải chế ra chữ Đ để ghi cái âm vốn thuộc về D?”
Thực ra thì chính TS Quốc không hiểu chứ đâu phải “các nhà ngôn ngữ học vẫn không hiểu”. Trước nhất, và sai từ gốc, là TS Quốc không biết rằng A. de Rhodes không phải là người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Vâng, không hề. Thứ đến, là về sự chế tác các chữ hoặc chữ kép PH, GI, D (thay cho Z) và Đ (để ghi cái âm vốn thuộc về D), ông cũng nói sai.
Về PH, chính A. de Rhodes đã viết như sau:
“F, hay đúng hơn là ph, bởi vì không đòi phải giề hai môi như f của chúng ta, nhưng đúng hơn là, trong khi đọc hay phát âm, thì nhếch môi cách nhẹ nhàng với một chút hơi thở ra, vì thế trong từ điển chúng tôi không dùng chữ f, mà dùng chữ ph, bởi vì các sách đã chép từ lâu đều sử dụng như vậy.” (Từ điểnAnnam-Lusitan-Latinh, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch (phần “Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh”, tr.6), Nxb Khoa học xã hội, 1991).
Khi mà “các sách đã chép từ lâu đều sử dụng như vậy”, như chính A. de Rhodes đã thừa nhận, thì hiển nhiên chữ kép PH cũng đâu phải do ông ta đặt ra. Và sự chế tác này có lý do ngữ học thực tế và xác đáng của nó, như chính A. de Rhodes đã giải thích và như sau đó 344 năm, Nguyễn Tài Cẩn đã chứng minh và khẳng định:
“ Lên đến thế kỉ 17 ta chỉ thấy cách phát âm tắc bật hơi Ph. K.J. Gregerson đã nghiên cứu kĩ cuốn từ điển 1651 (tức cuốn của A. de Rhodes – AC), đối chiếu cách miêu tả của A. de Rhodes với các văn bản Quốc ngữ cổ, với các cách nói địa phương, và đã đi đến kết luận như vậy.” (Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Sơ thảo), Nxb Giáo dục, 1995, tr.96).
Vậy cho đến thời của A. de Rhodes thì PH dùng dể ghi phụ âm tắc bật hơi chứ đâu có phải là một phụ âm xát vô thanh mà TS Quốc đòi những người đặt ra chữ kép đó phải thay nó bằng F.
Về GI thì A. de Rhodes cho biết như sau khi nói về chữ G :
“G được sử dụng giống như chúng ta, thí dụ gà, gallina (con gà mái); tuy nhiên cần ghi nhận điều này, khi viết ghe và ghi thì chúng tôi theo lối chính tả của Ý vì nó tiện lợi hơn cho ngôn ngữ này,cũng thế cả những tiếng gia, gio, giơ, giu và giư đều phải phát âm theo kiểu Ý, vì như vậy, xem ra tiện lợi hơn. Vả lại trong các sách đã biên soạn thì thói quen đó đã thịnh hành (…)”. (Chỗ đd, tr.6-7).
Rõ ràng, như chính A. de Rhodes đã thừa nhận, cách ghi GI cũng chỉ là do chính ông ta đã làm theo những người đi trước và trong trường hợp này thì họ đã mượn cách ghi âm của chữ Ý là GI. Bảng chữ cái chính thức của tiếng Ý không có J nên đòi phải dùng chữ này thay cho GI là một điều không thực tế.
Về chữ D, mà TS Quốc cho là dùng để ghi cái âm đáng lẽ thuộc về Z, thì ý kiến của ông cũng sai nốt. Vào cái thời tương ứng với lúc (hoặc trước lúc) chế tác chữ quốc ngữ thì Nguyễn Tài Cẩn cho ta biết D có hai nguồn gốc : một là từ *t của tiếng Hán và hai là từ thanh mẫu dương (hay di) với âm trị là *j. (Sđd, tr.63). Dĩ nhiên là *t không thể ghi bằng Z đã đành mà cả *j cũng không thể ghi bằng Z. Đáng chú ý là hiện nay, trong Nam vẫn phát âm D thành [j].
Còn về mối quan hệ “anh em” giữa D và Đ thì Nguyễn Tài Cẩn đã chứng minh để khẳng định rằng xưa kia chúng vốn có cùng một nguồn gốc (Sđd, tr.63). Vậy cũng không có gì lạ nếu mấy ông cố đạo đã ghi hai cái âm cùng gốc bằng hai chữ cái cùng một “khuôn hình”.
Tóm lại, bài của TS Lê Vinh Quốc là một bài không có chất lượng về phương diện ngữ học; đặc biệt việc ông đưa ra “những trường hợp có vấn đề phát sinh” thì lại là những trường hợp tuyệt đối chẳng liên quan gì đến việc sử dụng “bảy chữ cái bị kỳ thị” về mặt ngôn ngữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét