Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

VỀ BỘ SÁCH SÁCH DẠY TẬP ĐI ĐÀNG NHÂN ĐỨC LỌN LÀNH

15. Về bộ sách SÁCH DẠY TẬP ÐI ÐÀNG NHÂN ÐỨC LỌN LÀNH (TBHNH 2004)
Cập nhật lúc 15h36, ngày 27/06/2007
NGUYỄN HỒNG DƯƠNG
VÕ PHƯƠNG LAN
Viện Nghiên cứu Tôn giáo
Năm 2003, trong chuyến đi thực tế ở xứ đạo Hoàng Xá (thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) chúng tôi có thu thập được cuốn sách chữ Nôm về Công giáo: Sách dạy tập đi đàng nhân đức lọn lành.
Hoàng Xá là một xứ đạo ra đời vào thời Nguyễn. Bắt đầu bằng việc xuất hiện những người Công giáo làm nghề đánh cá ven sông Con (Gia Lô) thuộc phủ Vĩnh Tường lên trú ngụ ở các vùng ven sông như Đoan Hạ, Đoan Thượng khoảng thời gian từ năm 1841 - 1847. Khi nhà Nguyễn bãi bỏ lệnh cấm đạo qua hai điều ước 1862 và 1874, ở đây đã có một giáo đoàn, linh mục Lý bấy giờ đang coi sóc xứ đạo Nỗ Lực đã đến đây làm phúc cho giáo hữu. Linh mục khuyên giáo dân lên bờ, vỡ đất, định cư, làm nhà ở. Một họ đạo Công giáo dần dần được hình thành, trên cơ sở những người Công giáo tách ra, cư trú thành một khu vực riêng. Nhà thờ đầu tiên được xây dựng để giáo dân tụ họp, đọc kinh, cầu nguyện. Khi xây dựng nhà thờ, họ đạo có khoảng 100 giáo dân, họ nhận thánh quan thầy là Phêrô vì nguồn gốc cư dân - tín đồ Hoàng Xá làm nghề chài lưới. Dưới thời giám mục P. F. Puginier (Phước) (1868 - 1892) chia xứ Nỗ Lực và Hà Thạch thì Hoàng Xá thuộc về xứ Hà Thạch. Khi họ đạo Đức Phong được nâng lên chính xứ thì Hoàng Xá lại thuộc về Đức Phong. Trong thời gian từ 1890 - 1894 Hoàng Xá có khoảng 500 - 700 giáo dân, trở thành họ đạo toàn tòng.
Năm 1895, Tòa thánh Lamã phân chia giáo phận Tây thành hai giáo phận, một giữ tên cũ giáo phận Tây, giáo phận mới lấy tên gọi là giáo phận Đoài (Hưng Hóa). Năm này, Hoàng Xá được nâng lên thành chính xứ. Nhà thờ Hoàng Xá được xây dựng lại ở địa điểm ngày nay vừa là nhà thờ họ trị sở đồng thời cũng là nhà xứ. Khi đó xứ đạo Hoàng Xá gồm các họ đạo Hoàng Xá - Phù Lao - Đoan Hạ - Thượng Lộc - Thạch Khoán. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1895 đến 1903 thì hoàn thành. Đây là nhà thờ kiến trúc theo phong cách Á Đông, dân gian quen gọi là NHÀ THỜ NAM.
Trải thời gian số lượng tín đồ ngày càng đông đảo, các họ đạo lẻ xin gia nhập vào xứ cũng tăng. Năm 1991 xứ Hoàng Xá có 12.302 giáo dân, trong đó họ đạo Hoàng Xá, họ đạo trị sở là 5.307 giáo dân. Thời điểm 31-7-1993 cả xứ có 15.672 giáo dân thì họ đạo Hoàng Xá là 6.707. Cả xứ có 9 họ đạo: Hoàng Xá, Trại Sơn, Thủy Trạm, Sơn Vi, Lương Sơn. Đoan Hạ, Hòa Bình, Thắng Sơn và Văn Luông. Năm 2004, Hoàng Xá có khoảng 26.000 giáo dân, trong đó họ đạo Hoàng Xá có khoảng 9.000. Cả xứ có 11 họ đạo.
Sách dạy tập đi đàng nhân đức lọn lành là loại sách Tu đức - Đạo đức của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Bộ sách này gồm 24 quyển. Người soạn là Serard Trung Philippe, Hội Thừa sai Paris (Société des Étrangène de Paris - M.E.P).
Bộ sách in bằng mộc bản, in tại nhà in Kẻ Sở, năm1865 (Kẻ Sở thuộc xã Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Độ dày mỗi quyển có sự khác nhau, quyển dày nhất 357 trang (q.11), quyển mỏng nhất 37 trang (q.6)(1)
Sách dạy tập đi đàng nhân đức lọn lành là sách dạy cho giáo dân sống tu đức theo gương Thiên chúa, gương các thánh, sống đời sống đạo theo giáo lý, giáo luật Công giáo.
Quyển thứ 15 và 16 của bộ sách mà chúng tôi có trong tay in mộc bản trên giấy bản mỏng, mỗi tờ giấy đều được gấp hai và đóng bìa lại thành quyển có kích thước 16x27cm. Tổng số là 248 trang(do chúng tôi đánh số). Mỗi trang được kẻ chia thành 10 dòng thẳng đứng, mỗi dòng có 30 chữ. Chữ rõ ràng, có thể đọc được, trừ một số trang cuối giấy nhăn, chữ mờ. Quyển thứ 15 từ trang 1 đến trang 84 với tự đề Quyển thứ mười lăm giảng về những sự lành ta ăn mày bởi Đức Chúa Giê su mà ra, cùng về sự phải ngắm sự thương khó Đức Chúa Giê su là thể nào và về những ích do sự thương khó ấy mà ra. Như vậy quyển thứ 15 giảng về sự thương khó của Đức chúa Giê su và khi tín đồ “ngắm” sự thương khó sẽ được những ơn gì. Quyển thứ 16 từ trang 45 đến trang 248 với tự đề Quyển thứ mười sáu giảng về sự chịu lễ Cô mô thức cùng về thánh lễ Misa.
Ngắm sự thương khó Đức Chúa Giê su là một nghi lễ được tổ chức trong mùa chay - mùa mà chúa Giê su chịu nạn. Nghi thức lễ này được Alexandre de Rhodes quen gọi là Đắc Lộ sáng tạo ra. Giáo sĩ Đắc Lộ đến Thăng Long - Kẻ Chợ ngày 2-7-1627, là một trong những giáo sĩ có mặt sớm nhất ở Thăng Long - Kẻ Chợ. Sau một thời gian truyền bá, phát triển đạo Công giáo, một số giáo đoàn được hình thành ở Thăng Long - Kẻ Chợ và quanh vùng. Đến đây vấn đề sinh hoạt tôn giáo được đặt ra. Trong điều kiện hầu hết tín đồ không biết chữ, sách kinh bổn chưa có, nhận thức về đạo Công giáo còn hết sức mới mẻ, A. de Rhodes sáng tạo ra những nghi thức và nghi lễ cho hợp với điều kiện và hoàn cảnh lúc bấy giờ. A. de Rhodes phân chia việc chúa Giê su chịu khổ nạn thành 15 đoạn, gọi là 15 sự thương khó rồi lập ra phép ngắm 15 sự thương khó với 15 cây nến lớn đặt trên giá kèo. Mỗi lần tín đồ nhắm nguyện xong một sự thương khó mà chúa Giê su phải chịu thì tắt một ngọn nến. Bản “ngắm” do A. de Rhodes soạn là một bản ngắm hay. Bản ngắm này có sửa chữa về sau nhưng vẫn phản ảnh lối hành văn hay, các từ ngữ cổ thế kỉ XVII(2).
Dưới đây là phần phiên âm mục lục của hai quyển 15 và 16 của bộ sách.
MỤC LỤC
Sách dạy tập đi đàng nhân đức lọn lành
Quyển thứ mười lăm giảng về những sự lành ta ăn mày bởi Đức Chúa Giêsu mà ra, cùng về sự phải ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu là thể nào và về những ích do sự thương khó ấy mà ra.
Đoạn thứ nhất giảng về những ơn trọng ta ăn mày bởi Đức Chúa Giê su mà ra. (Lá thứ nhất)
Đoạn thứ hai giảng về ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu có ích trọng cho ta cùng đẹp lòng Đức Chúa Trời là dường nào. (Lá thứ mười hai)
Đoạn thứ ba giảng về sự phải ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu cũng phải động lòng thương mà đau đớn là thể nào. (Lá thứ mười bốn)
Đoạn thứ bốn giảng về sự phải động lòng đau đớn ăn năn tội khi ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu là thể nào. (Lá thứ mười tám)
Đoạn thứ năm giảng về sự động lòng kính mến Đức Chúa Trời khi ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu. (Lá thứ hai mươi ba)
Đoạn thứ sáu giảng về sự động lòng tạ ơn Đức Chúa Trời khi ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu. (Lá thứ hai mươi lăm)
Đoạn thứ bảy giảng về sự động lòng sợ sệt cùng lòng cậy trông khi ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu. (Lá thứ hai mươi chín)
Đoạn thứ tám giảng về sự động lòng muốn bắt chước khi ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu đã chịu. (Lá thứ ba mươi bốn)
Đoạn thứ chín giảng năm ba tích giám chứng cho biết sự ngắm về thương khó Đức Chúa Giêsu có ích cho ta và đẹp lòng Đức Chúa Trời là dường nào. (Lá thứ ba mươi bảy)
MỤC LỤC
Quyển thứ mười sáu dạy về sự chịu lễ Cô mô giới(3) cùng về thánh lễ Misa
Đoạn thứ nhất giảng về ơn trọng Đức Chúa Giêsu ban cho ta khi lập phép Santi sai mô sa ca la men tô(4) cùng tỏ ra lòng thương yêu ta là thế nào. (trang thứ 1)
Đoạn thứ hai giảng về những sự cực cao cực lạ ta phải tin về phép Santi sai mô sa ca la men tô này. (trang thứ 7)
Đoạn thứ ba giảng về sự phải tuân mệnh cho được chịu Santi sai mô sa ca la men tô cực trọng này là thể nào. (trang thứ 16)
Đoạn thứ bốn giảng về sự phải tuân mệnh cho sạch tội trọng tội mọn cùng sạch nết xấu trong mình cho được ăn mày chịu lễ là thế nào. (trang thứ 21)
Đoạn thứ năm giảng về sự tuân mệnh khác riêng hơn nữa cho được chịu Mình thánh Đức Chúa Giêsu. (trang thứ 22)
Đoạn thứ sáu giảng về một hai lý giúp ta cho được tuân mệnh chịu mệnh Đức Chúa Giêsu. (trang thứ 26)
Đoạn thứ bảy giảng về những sự phải làm khi đã chịu lễ đoạn phải tạ ơn Đức Chúa Giêsu là thể nào. (trang thứ 29)
Đoạn thứ tám giảng về sự cảm ơn cách khác khi đã chịu lễ đoạn. (trang thứ 31)
Đoạn thứ chín giảng về những ích trọng bởi chịu lễ mà ra. (trang thứ 33)
Đoạn thứ mười giảng về sự năng chịu lễ là thuốc mạnh giúp khỏi các chước kẻ thù cám dỗ và thêm sức cho được giữ mình sạch sẽ. (trang thứ 35)
Đoạn thứ mười một giảng về một ích rất trọng bởi chịu Cô mô giới mà ra và làm cho ra được hợp làm một cùng Đức Chúa Giêsu và làm cho ta trở nên giống Đức Chúa Giêsu. (trang thứ 37)
Đoạn thứ mười hai giảng về một ích trọng khác ta phải ra sức ăn mày bởi chịu rất thánh Cô mô giới mà ra là dâng mình cùng mỗi sự về mình trong tay Đức Chúa Trời mà khi tuân mệnh cùng khi cảm ơn thời cùng phải dâng mình như thế ấy nữa. (trang thứ 41)
Đoạn thứ mười ba giảng về sự Mình thánh Đức Chúa Giêsu vốn hay sinh ra những ích lạ lùng tốt lành dường ấy mà nhân sao có nhiều kẻ năng chịu Mình thánh Đức Chúa Giê su mà chẳng được những ích ấy. (trang thứ 46)
Đoạn thứ mười bốn giảng về lễ Misa gọi là Xa cơ di phi xuy âm(5) là việc tế lễ Đức Chúa Trời. (trang thứ 52)
Đoạn thứ mười lăm dạy về sự phải xem lễ là cách nào. (trang thứ 60)
Đoạn thứ mười sáu kể năm ba tích về lòng sốt mến mà làm lễ mỗi ngày và phải có lòng cung kính mà làm việc trọng ấy là thế nào. (trang thứ 71)
Sau đây là phiên âm đoạn thứ hai của quyển thứ 15 với tựa đề Giảng về ngắm sự thương khó Đức Chúa Giê su có ích trọng cho ta cùng đẹp lòng Đức Chúa Trời là dường nào.
Có lời ông thánh Âucutinh(6) nói rằng chẳng có sự chi làm ích trọng cho người ta bằng hằng tưởng nhớ những sự chúa Diêu làm người đã chịu vì ta. Ông thánh Pha na du cũng nói rằng chẳng có sự chi có sức giúp những dấu tích trong linh hồn ta cùng rửa lòng ta cho sạch cho bằng hằng suy ngắm những dấu tích ở mình chúa Giêsu. Mà các thánh cũng nói rằng thuốc tốt nhất cho được giúp ta khỏi các chước ma quỷ cám dỗ, nhất là khi nó xui giục về sự dơ dáy, là cầm trí lại mà suy ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu cùng ẩn mình vào trong dấu thánh. Ngày sau nữa trong các cơn gian nan ta mắc phải ở đời này thời ta được thoát nhiễm ở nơi sự thương khó Đức Chúa Giêsu sẽ cứu giúp ta. Như lời ông thánh Âucutinh nói rằng tôi chẳng tìm đâu được thuốc nào mạnh sức mà giúp tật linh hồn cho bằng những dấu tích nơi mình Chúa Giêsu. Ông thánh Bô na biên tu la(7) nói rằng: ai có ý có tứ và thật lòng đạo mà suy ngắm những việc Đức Chúa Giêsu làm khi còn sống cùng những sự thương khó Đức Chúa Giêsu đã chịu ở đời này thời sẽ được mọi sự cần phải dùng chẳng phải đi tìm nơi khác xa làm chi. Bởi đó cho nên các thánh cùng các kẻ có lòng đạo xưa năng suy ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu cho nên đã được đi đàng nhân đức cả thể cùng đã được nên thánh. Vì sự ấy ta phải suy những sự thương khó Đức Chúa Giêsu làm vậy, dầu mà ta chẳng được sự chi khác, một ngày sự năng nhắc lại những ơn trọng ta đã ăn mày bởi Đức Chúa Giêsu mà ra, thời ta cũng phải lấy sự ấy làm trọng lắm. Vì chưng vốn kẻ có lòng thương yêu ai thời muốn cho kẻ mình yêu năng nhớ đến mình, cùng năng tưởng và năng nói đến những ơn mình đã làm cho nó, mà mình lấy sự ấy làm vui lòng hơn là kẻ ấy gửi của quý trọng cho mình. Tỉ dụ như đàn bà giàu sang kia có con làm quan ở nơi xa mà nhớ yêu con lắm. Nhược bằng có ai đem tin cho mẹ rằng con năng nhớ đến mẹ, năng nói chuyện về sự mẹ thương yêu con, cùng kể lại những cách êm ái dịu dàng ở cùng con và nhắc lại các sự lành mẹ đã làm, cùng các sự khó mẹ đã chịu cho con, âu là mẹ nghe những sự ấy thời lấy làm trọng cùng vui mừng hơn là con gửi vàng bạc, đá ngọc, châu bảo cho mẹ vậy. Cũng một lý ấy Đức Chúa Giêsu là đấng hay thương yêu ta, thời Người cũng xử một thể một cách như kẻ hay thương yêu nhiều lắm. Bởi đó cho nên Đức Chúa Giêsu muốn cho ta năng nhớ năng tưởng đến người, cùng nhớ đến các ơn, các sự lành và các sự lạ Người đã làm cho ta. Người lấy sự ấy làm trọng, vì chưng ta có nhớ các ơn Đức Chúa Giêsu đã làm cho ta ắt là chẳng bao lâu ta sẽ chầu lòng muốn dâng mình làm tôi Đức Chúa Giêsu cho lọn. Ông Bô lô chi ô đã chép truyện bà thánh Chi di tu du dê rằng: Đức Chúa Giêsu dạy bà ấy cho biết hễ lần nào ta lấy lòng kính mến mà lồng hình tượng Đức Chúa Giê su chịu đóng đinh trên cây câu rút thời Đức Chúa Giêsu lại lấy lòng lành mà lồng lại ấy vậy. Nếu Đức Chúa Giêsu chẳng nề chịu khó vì lòng thương con sao con lấy làm khó năng nhớ sự thương khó người đã chịu cho vì con. Có kẻ đã chép truyện ông thánh Phan chi cô(8) Khó khăn rằng: có một lần người đi qua gần nhà thờ kia mà khóc cả tiếng lắm, phải khi gặp một người khôn ngoan nhân đức đã quen, mà thấy ông thánh ấy khóc làm vậy, nghĩ là đã phải sự chi khốn nạn liền chạy đến hỏi rằng: thầy phải làm sao mà lo buồn khóc lóc làm vậy. Ông thánh ấy thở dài mà thưa rằng: tôi đau đớn cay đắng vì những sự thương khó Đức Chúa Giêsu đã phải chịu. Đức Chúa Giêsu là đấng rất nhân lành chẳng có phạm tội chi, một thấy chúng tôi là kẻ có tội đã làm cho Đức Chúa Giêsu phải đau đớn cực nạn làm vậy, mà chúng tôi quên ơn rất trọng ấy. Chẳng kêu khóc thời làm sao.
Chú thích:
(1)Tổng hợp từ cuốn: Linh mục Nguyễn Hưng. Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam. Lưu hành nội bộ. 2000.
(2)Hồng Nhự Nguyễn Khắc Xuyên: Lược sử địa phận Hà Nội 1626 - 1954. Hà Nội 1994. Bản đánh máy vi tính, khai thác từ phía Giáo hội Công giáo, tr 29.
(3)Chịu lễ cô mô giới: Chịu phép Mình Thánh.
(4)San ti sai mô sa ca la men tô (Sacramentô): Bí tích Thánh thể.
(5)Sacrifice: Hiến tế.
(6)Âucutinh: Augustin (354-430).
(7)Bô na biên tu la: Bonavanture (1221-1274).
(8)Phan chi cô: Francois - Phanxicô./.
Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.130-137)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét