Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Địa danh gốc Chăm ở Khánh Hoà (Nguyễn Man Nhiên)

Địa danh gốc Chăm ở Khánh Hoà

Vietsciences-Nguyễn Man Nhiên                23/03/2012
 Những bài cùng đề tài
1. VỀ ĐỊA DANH NHA TRANG
TÊN NHA TRANG XUẤT HIỆN TỪ KHI NÀO?
Từ năm 1653, với việc thành lập đơn vị hành chính dinh Thái Khang cai quản hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, vùng đất Nha Trang-Khánh Hòa ngày nay đã trở thành một phần lãnh thổ của quốc gia Đại Việt(1). Có thể tên Nha Trang đã xuất hiện ngay từ buổi đầu khi lưu dân người Việt theo lệnh chúa Nguyễn đến khai khẩn và định cư ở vùng đất ven biển này. Trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thưtập bản đồ đường xá Việt Nam do nho sinh trúng thức họ Đỗ Bá tự Công Đạo soạn vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, đã thấy có tên Nha Trang môn (cửa Nha Trang)(2). Trong một bản đồ khác cũng có niên đại cuối thế kỷ XVII mang tên Giáp Ngọ niên bình Nam đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy ghi rõ Nha Trang hải môn (cửa biển Nha Trang)(3). Đây có lẽ là những tài liệu sớm nhất đề cập đến địa danh này. Mặt khác, trong thư từ của các giáo sĩ châu Âu đến truyền đạo ở Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVIII, lần đầu tiên ta thấy tên Nha Trang được ghi lại bằng mẫu tự La-tinh. Chẳng hạn trong lá thư đề ngày 31-5-1715 của Giám mục người Pháp Marin gởi cho những giám đốc Chủng viện kể lại một vụ đắm tàu của người Hà Lan tại vùng đảo Hoàng Sa, tác giả có nhắc đến một địa danh nguyên văn như sau: “un port nommé Nhatlang” (một cảng biển có tên Nha Trang). Ở một lá thư khác đề ngày 16-10-1718 ông lại viết: “le canton de Nhatlang” (tổng Nha Trang)(4). Điều đáng chú ý ở đây là cách ghi âm địa danh Nha Trang = Nhatlang. Ngoài dạng này, ta còn thấy một số cách ghi tương tự như trong tập Mémoire sur la Cochinchine (Hồi ký về xứ Đàng Trong) viết năm 1744 của thương nhân người Pháp Pierre Poivre, trong đó Nha Trang đã được viết là Natlang (5), hoặc trong một lá thư xuất bản năm 1746 của M. Faure, một thầy lễ Thụy Sĩ, tả lại các tổ yến trên vách đá của những hòn đảo ngoài khơi thành phố Nathlang (6). Về mặt ngữ âm, tiếng Việt ở thế kỷ XVI, XVII có một số tổ hợp phụ âm đầu như bl, ml, tl... về sau này không còn nữa mà biến thành một số phụ âm khác, ví dụ tl sau này biến thành tr (Trong “Từ điển Annam - Lusitan - Latinh của Alexandre de Rhodes xuất bản lần đầu năm 1651 có các từ TLĂM = TRĂM, TLÂU = TRÂU, TLÊN = TRÊN...)(7). Một tài liệu khác có thể cho ta biết tường tận xã hội Đàng Trong vào đầu thế kỉ XVIII là sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết vào năm 1776 khi ông trấn nhậm hai đạo Thuận - Quảng. Trong tác phẩm này có ghi những địa danh như Nha Trang nguyên (nguồn Nha Trang), Nha Trang đàm (đầm Nha Trang), Nha Trang dinh (dinh Nha Trang), Nha Trang dinh thị (chợ dinh Nha Trang) (thuộc phủ Diên Khánh), Nha Trang lãnh(đèo Nha Trang) (thuộc phủ Bình Khang). Điều đáng chú ý là, qua sự ghi chép tỉ mỉ của Lê Quý Đôn, ta có thể thấy rằng vào thời bấy giờ tên Nha Trang là tục danh rất thông dụng trong dân gian để chỉ chung phủ Diên Khánh, nơi đặt lị sở của dinh Bình Khang, tức vùng đất bao gồm cả thành phố Nha Trang lẫn huyện Diên Khánh ngày nay, như trong đoạn văn sau đây: “Phàm hóa vật được sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang(8). Nhiều tài liệu về sau cũng cho thấy cách gọi này đã tồn tại một thời gian dài. Trong một bài hịch của vua Quang Trung viết năm 1792 có đoạn: “Các ngươi sẽ thấy rằng Trẫm chỉ đánh một trận là Bình Khang, Nha Trang ... tức khắc được thu phục(9). Sách Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu và Bùi Quỹ soạn dưới thời Tự Đức ghi lại sự kiện sau: “Năm Quý Sửu (1793) đại quân lấy lại Bình Khang, tiến đánh thành Quy Nhơn. Lúc ban sư, đắp thành đất ở thủ sở Nha Trang gọi là thành Diên Khánh, núi sông thật là thiên hiểm, tục gọi là thành Nha Trang(10). Đến đời Gia Long đổi tên dinh Bình Khang thành dinh Bình Hòa rồi sau đó làtrấn Bình Hòa thì trong An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd in năm 1838 cũng ghi: “Nha Trang seu Bình Hòa trấn” (Nha Trang tức trấn Bình Hòa)(11). Mãi đến 1924 khi thị trấn Nha Trang được hình thành từ  5 ngôi làng cổ ven biển của thuộc Hà Bạc huyện Vĩnh Xương là Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hải, địa danh Nha Trang mới thu hẹp lại để chỉ vùng đất là thành phố Nha Trang hiện nay.

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA ĐỊA DANH NHA TRANG

Không kể cách giải thích Nha Trang có nghĩa là Nhà Trắng (12) chỉ là câu chuyện vui trong dân gian, đến nay đã có nhiều giả thuyết về nguồn gốc địa danh Nha Trang:
a) Nha Trang là địa danh Hán-Việt do người Việt đặt khi đến vùng đất này. Từ  trang (nghĩa Hán-Việt là trại làm ruộng) trong Nha Trang thể hiện “dấu vết tổ chức nông nghiệp thời phong kiến” (Theo Trần Thanh Tâm, Thử bàn về địa danh Việt Nam, 1976).
b) Nha Trang là địa danh Hán-Việt do vua Trần Nhân Tông đặt khi vào thăm đất Chiêm Thành năm 1301 theo lời mời của vua Chiêm là Chế Mân. (Theo Mịch Quang & Nguyễn Hồng Sinh, Nha Trang là gì ?, 1992).
c) Nha Trang từ tiếng Chăm ýa krưm  nghĩa là sông tre (Theo A. Cabaton).
d) Nha Trang từ tiếng Chăm ýa trăh nghĩa là chỗ hai dòng nước gặp nhau (Theo Nguyễn Khắc Ngữ).
e) Nha Trang từ tiếng Chăm ýa trang nghĩa là sông lau (Theo Gerald Moussay, Thái Văn Kiểm, Quách Tấn, Nguyễn Đình Tư).
Giả thuyết (a) và (b) với cách giải thích Nha Trang dựa vào nghĩa Hán-Việt khá khiên cưỡng vì không có sử liệu minh chứng cụ thể.
Các giả thuyết còn lại (c, d và e), mặc dù có khác nhau trong việc lí giải các thành tố cấu tạo nên địa danh Nha Trang  nhưng chúng đều thống nhất ở điểm:
Nha Trang là địa danh phiên âm từ tiếng Chăm, tiếng nói của một dân tộc vốn cư trú lâu đời ở vùng đất này.
Nha Trang nguyên là tên sông (chỉ sông Cái, Nha Trang), sau được dùng để gọi rộng ra cả vùng đất.
Theo chúng tôi, tên Nha Trang có thể được hình thành do cách đọc Hán-Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ýa Trang. Trong sách Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais (Từ điển Chàm-Việt-Pháp) do linh mục Gerald Moussay và cộng sự biên soạn, có ghi như sau:
trang : cây lau
ýa : nước, bến nước, sông
-  paley ýa trang : xứ Nha Trang (13)
Thành tố /ýa/ trong tiếng Chàm (và các ngôn ngữ chi Chàm như Ê-đê, Raglai ...) có nghĩa là nướcnguồn nước, đôi khi cũng dùng với nghĩa chỉ sôngsuối. Cách đặt địa danh gồm những thành tố chỉ sông, suối, rừng, núi ... kết hợp với những thành tố khác chỉ đặc điểm, thuộc tính của chúng là những phương thức quen thuộc của các tộc người Nam Á, Nam Đảo mà Ýa Trang (sông lau) là một ví dụ. Mặt khác, cuộc sống của con người bao giờ cũng gắn với nguồn nước - một yếu tố quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Từ tên nguồn nước (sông, suối ...) sau được dùng để gọi rộng ra vùng đất cư trú là quy luật phổ biến trong việc cấu tạo địa danh.
Sự tồn tại của địa danh Chăm Ýa Trang còn được minh chứng qua các cứ liệu sau: 
- Khi kể lại sự tích vua Pô Klong Garai (tục gọi là vua Lác, nay còn đền thờ ở Tháp Chàm, Phan Rang), người Chăm có câu ca: “Ko ýa ru iku ýa trang” (nghĩa là “đầu ở xứ Ninh Hòa đuôi ở xứ Nha Trang”) để tả cảnh dân chúng đi đưa chàng Lác về Kinh làm vua, kéo thành một đoàn dài vô tận (14).
- Trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Chăm, hình tượng nữ thần Pô I-nư Na-ga (người Việt gọi là Bà Thiên Y A Na hay Bà Chúa Ngọc) chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Mỗi thôn xóm, mỗi vùng cư trú của người Chăm xưa đều thờBà mẹ xứ  của họ, ngày nay ta còn nghe truyền tụng những cái tên như Pô I-nư Na-ga ha-mu Ca-wet (Mẹ xứ chim) ở Lạc Trị, Phan Rí; Pô I-nư Na-ga ha-mu Tan-răn (Mẹ xứ đồng bằng) ở Hữu Đức, Phan Rang; Pô I-nư Na-ga ha-mu Ýa Trang (Mẹ xứ lau) ở Nha Trang (15).  
Tóm lại, tên Nha Tranggốc từ tiếng Chăm Ýa Trang (sông lau), là địa danh của người Việt gọi vùng đất đã thuộc chủ quyền của mình từ năm 1653. Hơn 3 thế kỉ rưỡi trải qua nhiều biến động lịch sử, ban đầu chỉ là tục danh, về sau trở thành địa danh hành chính chính thức, tên Nha Trang vẫn tồn tại như một địa danh truyền thống cho đến ngày nay.

CHÚ THÍCH:

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, bản dịch của NXB Sử Học, Hà Nội 1962, tập 1, tr. 83.
(2) & (3) Hồng Đức bản đồ, bản dịch của Bửu Cầm và cộng sự, Viện Khảo Cổ Sài Gòn, 1962.
(4) Nguyễn Nhã, Hoàng Sa qua vài tài liệu văn khố của Hội truyền giáo Paris, Sử Địa số 29, Sài Gòn 1-1975, tr. 268-272 .
(5) Pierre Poivre, Hồi ký về xứ Cochinchine năm 1744, bản dịch của GS Nguyễn Phan Quang, tạp chí Kiến Thức Ngày Nay.
(6) M.Fauvre, Lettres défiantes et curieuses sur la visite apostolique de M. de la Baume, évêque d’Halicarnasse, à la Cochinchine en l’année 1740, Venise 1746.
(7) Alexandre de Rhodes, Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt , Đỗ Quang Chính, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1991.
(8) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản dịch của NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1977, tr. 234.
(9) Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội 1977, tr. 423 - 424.
(10) Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình dư địa chí, bản dịch của Ngô Mạnh Nghinh, NXB Tự Do, Sài Gòn 1960, tr. 161.
(11) Nguyễn Q. Thắng, Hoàng Sa Trường Sa, NXB Trẻ, TP. HCM 1988, tr. 64.
(12) Quách Tấn, Xứ Trầm hương, NXB Lá Bối, Sài Gòn 1969, tr. 158.
(13) Gerald Moussay, Dictionnaire Căm – Vietnamien - Francaise, Trung tâm Văn hóa Chàm - Phan Rang, 1971, tr. 475.
(14) Bố Thuận, Sự tích vua Pô Klong Garai hay là sự tích Tháp Chàm, tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn).
(15) Văn Đình Hy, Quá trình chuyển hóa từ Pô Nưga (Chàm) đến Thiên Y A Na (Việt), tạp chí Văn Học số 6-1979.

2. TỪ ÝA RU ĐẾN NHA PHU - ĐI TÌM ĐỊA DANH CỔ CỦA NINH HÒA

Tháng 10 năm 1714, ba chiếc thuyền buồm chất đầy hàng hóa của thương nhân Hòa Lan từ Nhật Bản trở về Batavia (quần đảo Nam Dương) đã bị bão đánh đắm trên những bãi ngầm của quần đảo Hoàng Sa. Thư từ trao đổi của các giáo sĩ châu Âu thuộc Hội truyền giáo Pa-ri trong thời gian này cho biết đa số thủy thủ đoàn đã thoát nạn nhờ bám vào những mảnh ván của con thuyền vỡ và sóng xô dạt họ lên những cồn cát. Những người này đã sống trên đảo khoảng một tháng, sau đó họ gom góp những mảnh vỏ tàu kết lại thành một chiếc xuồng, theo sau bóng dáng những chiếc ghe bầu của ngư dân xứ Đàng Trong tiến về bờ biển Nam Hà, vào một cửa biển có tên là Nha Tlang. Thư của các giáo sĩ cũng đề cập tới một địa danh khác là Nha Ru và cho biết Nha Tlang cách Nha Ru độ một ngày đường bộ. Từ Nha Tlang, đoàn người sống sót sau vụ đắm tàu đã lên đường tới Nha Ru và từ đây họ tiếp tục cuộc hành trình khổ nhọc ra Huế bệ kiến chúa Nguyễn(1).
Trong một bài viết trước đây(2), chúng tôi đã chứng minh Nha Tlang chính là Nha Trang hiện nay. Cách ghi âm bằng mẫu tự La-tinh Nha Tlang như trong thư của các nhà truyền giáo nước ngoài hoạt động ở Đàng Trong vào thời điểm trên phản ánh sự  tồn tại một số phụ âm kép như bl, ml, tl ... trong ngữ âm tiếng Việt ở các thế kỷ XVI - XVII mà về sau này không còn nữa. Về nguồn gốc, Nha Trang là cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm làÝa TrangÝa Trang  - có nghĩa là sông lau - nguyên là tên sông Cái Nha Trang. Từ tên sông sau chỉ rộng ra cả vùng đất.
Còn Nha Ru ? Qua một số chi tiết trong thư của các giáo sĩ kể lại vụ đắm tàu năm 1714 đã nêu ở trên, có thể đoán định rằng Nha Ru là một cửa biển nào đó nằm gần Nha Trang và ở phía bắc tỉnh Khánh Hòa hiện nay. Lần theo dấu vết của địa danh này qua các tài liệu, thư tịch cổ, chúng tôi phát hiện rằng Nha Ru cũng là một địa danh gốc Chăm như Nha Trang và là tên cũ của vùng đất Ninh Hòa ngày nay. Ta cũng biết trước khi thuộc chủ quyền của người Việt, dải đồng bằng ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay vốn là địa bàn sinh tụ lâu đời của dân tộc Chăm. Trong hệ thống địa danh Việt ở vùng này có một số địa danh là phiên âm theo tiếng Chàm xưa. Tra cứuTừ điển Chàm - Việt - Pháp của Gerald Moussay, chúng tôi thấy có ghi các mục từ sau:
ýa ru : thác nước
paley Ýa Ru : xứ Ninh Hòa(3)
Người Chăm cũng có câu ca: “Ko Ýa Ru iku Ýa Trang” nghĩa là “đầu ở Ninh Hòa đuôi ở Nha Trang” khi kể về sự tích vua Pô Klong Garai (nay còn đền thờ ở Tháp Chàm, Phan Rang)(4).
Cùng bắt nguồn từ địa danh cổ Ýa Ru (có nghĩa là thác nước), để chỉ vùng đất Ninh Hòa xưa, bên cạnh tên Nha Ru, ta còn thấy tồn tại một số cách gọi khác có dạng phát âm tương tự như sau:
Nha Du: Trong bản đồ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII, phần vẽ vùng đất Khánh Hòa ngày nay thấy có ghi địa danh Nha Du hải môn (cửa biển Nha Du)(5). Cửa biển này được vẽ gần Nha Trang hải môn.
Nha Lỗ: Trong bài vè thủy trình Hải môn ca (bằng chữ Nôm) của dân ghe bầu kể về các cửa biển ở Đàng Trong có đoạn: Sông ngang thủy thế mênh mông/ Qua miền Nha Lỗ phỏng trong nửa ngày/ Đến Nha Trang một ngày chầy/ Lại thêm nửa ngày đến tiểu Nha Trang ... (6). Ở đây, Nha Lỗ  chính là Nha Ru vì trong mối tương quan giữa các địa danh thuần Việt và địa danh Hán-Việt, ta thường thấy có sự chuyển đổi giữa cặp phụ âm đầu >< l, chẳng hạn: Cam Ranh >< Cam Linh; Phan Rang >< Phan Lang.
Nha Tù: Trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 có chép tên đầm Nha Tù thuộc phủ Bình Khang(7), còn sách Thông quốc duyên cách hải chử  của Nguyễn Đức Huyên và Đoàn Viết Nguyên soạn năm Gia Long thứ 16 (1817) thấy có tên Nha Tù hải môn (cửa biển Nha Tù)(8) thuộc trấn Bình Hòa (chú ý: phủ Bình Khang, trấn Bình Hòa đều là tên cũ của tỉnh Khánh Hòa).
Nha Phu: Sách Đại Nam thực lục chính biên - bộ sử biên niên của nhà Nguyễn - cho biết: Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833) đổi tên tấn sở Nha Tù ở tỉnh Khánh Hòa là Nha Phu” (9). Về các cửa biển thuộc phía bắc tỉnh Khánh Hòa, sách Đại Việt địa dư toàn biên (còn gọi là Phương Đình dư địa chícủa Nguyễn Văn Siêu và Bùi Quỹ soạn dưới thời Tự Đức có ghi tên cửa Nha Phu ở phía đông huyện Quảng Phước(10). Sách Đại Nam nhất thống chí của Sử quán triều Nguyễn có chép các địa danh Nha Phu úc (Vịnh Nha Phu), Nha Phu tấn (tấn sở Nha Phu)(11). Hiện nay, cửa Nha Phu tức là cửa Hà Liên thuộc huyện Ninh Hòa, nơi sông Dinh chảy ra đầm/vịnh Nha Phu.
Căn cứ vào những ghi chép trên, có thể xác định rằng: tên Nha Ru (theo cách ghi âm của các giáo sĩ châu Âu đến truyền đạo ở Đàng Trong hồi đầu thế kỷ XVIII) hay Nha Tù, Nha Du, Nha Lỗ (trong các văn bản Hán Nôm trước năm 1833), rồi Nha Phu (từ 1833 đến nay) đều có gốc chung từ tiếng Chăm là Ýa Ru và là địa danh cổ của vùng đất Ninh Hòa hiện nay.

CHÚ THÍCH:

(1) Nguyễn Nhã, Hoàng Sa qua vài tài liệu văn khố của Hội Truyền giáo Ba Lê, tập san Sử Địa (Sài Gòn) số 29 (1 - 3/1975), trang 258 - 273.
(2) Nguyễn Viết Trung, Về địa danh Nha Trang, trong sách Khánh Hòa - Diện mạo văn hóa một vùng đất (tập 1), Sở VHTT Khánh Hòa xuất bản 1998.
(3) Gerald Moussay, Dictionnaire Căm – Viêtnamien - Francais, Trung tâm Văn hóa Chàm Phan Rang xuất bản 1971, trang 474.
(4) Bố Thuận, Sự tích vua Pô Klong Garai hay là sự tích Tháp Chàm, tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn (trước 1975).
(5) Hồng Đức bản đồ, Viện Khảo cổ Sài Gòn xuất bản 1962, trang 160 - 161.
(6) Bửu Cầm, Hải môn ca, Văn hóa nguyệt san (Sài Gòn), tập XIII quyển 9 (9-1964).
(7) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1: Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1977, trang 217.
(8) Bửu Cầm, sách đã dẫn ở mục (6)
(9) Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ VIII, tập 12(1833), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1965, trang 36.
(10) Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình dư địa chíCơ sở Tự Do (Sài Gòn) xuất bản 1960, trang 162.
(11) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (quyển 11: tỉnh Khánh Hòa), bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa (Sài Gòn) xuất bản 1964, trang 89.
© http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.org Nguyễn Man Nhiên  

Xướng ca vô loài (Nguyễn Dư)

 

Xướng ca vô loài
Nguyễn Dư
 
Sách vở thường nói rằng xã hội Việt Nam ngày xưa có "Sĩ, nông, công, thương". Như vậy là còn thiếu. Người ta đã cố ý không kể một hạng người là bọn xướng ca vô loài vì không biết sắp xếp bọn này vào đâu cho ổn. Xướng ca bị coi là vô loài, bị khinh rẻ không thua gì thằng mõ. 
Bị khinh từ năm xửa năm xưa, từ thời vua Lê Nhân Tôn (1447) xa tít.
"Dân Thanh Hóa thấy vua đến, trai gái đem nhau hát rí ren ở hành tại. Tục hát rí ren một bên con trai, một bên con gái, dắt tay nhau hát, hoặc tréo chân tréo cổ nhau, gọi là cắm hoa kết hoa, thói rất là xấu. Đài quan Đồng Hanh Phát bẩm với thái uý Khả rằng: "Lối hát ấy là thói dâm tục xấu, không nên cho người hát nhảm ở trước xa giá". Khả liền sai cấm hẳn." (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, tập 3, Khoa Học Xã Hội,1968, tr. 139).
Trai gái bá vai bá cổ nhau ca hát là thói dâm tục rất xấu, cấm không được nhảm nhí trước kiệu vua. Muốn tốt đẹp, trang nghiêm thì... vào cung vua mà múa với hát!
Năm 1462, vua Lê Thánh Tôn quy định rằng "Nhà phường chèo con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan, có tiếng xấu, bản thân và con cháu đều không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người làm hộ, thì trị tội theo luật." (Đại Việt sử kí toàn thư, sđd, tr.183).
Phường chèo, con hát được bỏ cùng một rọ với đám phản nghịch, ngụy quan, có tiếng xấu. Cứ đà này thì có ngày mất mạng như chơi chứ chẳng đùa. Luật lệ nghiêm khắc và vô lí của Lê Thánh Tôn đã đẩy một số người trở về làng cũ học cày cho xong, học chữ thánh hiền chỉ tổ toi cơm tốn gạo.
Phường chèo, con hát bị vùi dập có lẽ chỉ vì:
"Xã hội ta xưa quan niệm lũ xướng ca vô loài là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đọa, chính sự sống của họ cũng không phải là sa đọa, mà chỉ vì những vai trò của họ đóng khi xướng hát: họ bị coi là vô luân ở đây vì người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bày tôi quỳ lạy, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con... Tất cả cái vô luân là ở đây, ở đấy luân thường đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn." (Toan Ánh, Phong tục Việt Nam, Khai Trí, 1969, tr. 429).
Mặc dù bị vua quan và nhà nho khinh ghét, mặc dù không được đi thi để ra làm quan lớn, bọn phường chèo, con hát vẫn tiếp tục hành nghề và vẫn được nhiều người dân thường ưa thích.
"Khoảng năm Cảnh Hưng, phường hát chèo bội mới pha thêm lối tuồng, cũng đóng vai trò vẽ mặt ra múa hát đùa cợt, không khác gì ở hí trường. Các nhà tang gia hay đua nhau mượn phường chèo đóng tuồng để khoe khoang.Các quan chính phủ ghét hung lễ lại dùng lẫn lộn cả cát lễ, bèn nghiêm cấm, đã hơn mười năm. Đến năm Canh Tuất (1790) lại thấy dân gian bày trò hát bội ấy. Các con nhà lương gia tử đệ có người bỏ cả chức nghiệp đi theo học hát, khăn áo dáng bộ như đàn bà, thường khi ở nhà cũng nghêu ngao tập hát chèo, trước mặt khách cũng không thẹn thò gì cả. Lại còn trò đánh bạc chọi gà sinh ra nhan nhản. Tập tục đến thế thật đáng buồn!"(Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bút, Văn Học, 1972, tr. 57). 
May thay... cơ trời vần xoay, rồi cũng đến một ngày mai sáng sủa hơn. 
"Lệ cũ, cứ con nhà hát xướng không được vào nhà học hiệu, thi đỗ ra làm quan. Tiếc rằng không mở rộng đường cho kẻ tuấn dị tiến thân, để thu lấy nhân tài xuất chúng. Từ khi Lộc Khê Hầu (Đào Duy Từ) là con nhà hát xướng, vì không được ra thi, mới lẻn vào giúp nhà Nguyễn ở trong Nam, bấy giờ những kẻ đương sự mới hối rằng cái cách tìm kiếm nhân tài như thế là không rộng. Nhưng cũng chưa công nhiên bãi bỏ lệ cũ. Từ khi bà Trương quốc mẫu, người Như Kinh, là kẻ hát xướng được tuyển vào cung hầu Tần Quang Vương, sinh ra Trịnh Nhân Vương (Trịnh Cương), Biện trưởng cung, người Á Lữ, sau lại đắc sủng với Nhân Vương, nên các họ về giáo phường mới được kể bằng hàng với các họ nhà lương gia. Sau này các họ nhà đại khoa hiển hoạn cũng thường có người do giòng họ hát xướng mà phát đạt lên, nên những kẻ sĩ phu cũng cùng họ giao du tự nhiên, và rồi những nhà hát xướng cũng quên hẳn thế hệ nhà mình tự đâu mà ra. Xem đó thì biết thế vận phong tục mỗi ngày một khác." (Vũ trung tuỳ bút, sđd, tr. 79-80).
Phải công nhận là... mê gái cũng có cái hay! Bên trên mê gái thì bên dưới cũng được nhờ! Vua chúa một khi quen hơi đào hát thì bao nhiêu cái nhảm nhí ngày xưa bỗng chốc được dẹp qua một bên. Luật lệ được tẩy xóa. Xin cảm ơn và tuyên dương cô đào hát họ Trương! Giọng ca tiếng hát và có lẽ cả thân hình của cô đã cảm hóa được lòng người, phá bỏ được bất công. Nhờ cô mà con cháu mở mày mở mặt.
Nhưng thói đời, bia miệng thì cứ trơ trơ. Mặc dù vua chúa đã thôi lấy thịt đè người, đè con hát từ lâu rồi, nhưng thành kiến xướng ca vô loài vẫn cứ bám rễ trong đầu nhiều người đến tận đầu thế kỉ 20. Mẹ và em gái Tản Đà bất đắc dĩ phải "đắp đổi tháng ngày bằng điệu phách câu ca", bị "người ta hùa cả nhau vào bài xích việc xướng ca là việc giăng hoa đĩ bợm." (Nguyễn Mạnh Bổng, 1944).
Bỗng dưng xướng ca lại được tặng thêm hỗn danh đĩ bợm. Tại sao vậy? Xướng ca có liên hệ gì với đĩ à? 
Vậy đĩ là gì, là ai? Trong văn học, người Tàu gọi các cô làm nghề xướng ca là kĩ nữ. Kĩ nữ nguyên nghĩa chỉ là người con gái làm nghề ca xướng, múa hát. Chữ  (bộ nữ) của tiếng Hán được ta đọc Nôm thành đĩKĩ nữ của Tàu trở thành Con đĩ của ta. Kĩ nữ và con đĩ là hai chị em ruột. Con đĩ ngày xưa chỉ có nghĩa là người con gái làm nghề hát xướng chứ không phải là con đĩ làm nghề mại dâm như ngày nay!
Thật hay đùa vậy?
Xưa kia, trước khi làng mở hội cho mọi người vui chơi thì các vị chức sắc phải tổ chức tế lễ ngoài đình. Có rước phụng nghênh hồi đình (rước long kiệu từ miếu về đình) rất long trọng. Nghi trượng gồm nào cờ quạt, voi ngựa, nào bát bửu, cờ biển. Rồi đến phường đồng văn đánh trống, gõ thanh la, theo sau là mấy người con gái, đôi khi là con trai giả gái, vừa vỗ trống vừa múa hát gọi làcon đĩ đánh bồng. Theo sau con đĩ đánh bồng là cờ vía, lọng vàng, lệnh kiếm, phường bát âm, long đình, kiệu thánh... và sau cùng là bô lão, chức sắc của làng. (theo Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 96-100).
Xem vậy thì vai trò của con đĩ ngày xưa cũng không có gì là tệ lắm, được múa hát diễn hành trước cả long đình, kiệu thánh, các bô lão, chức sắc của làng.
Nếu chỉ múa hát thôi thì chẳng có gì là xấu. Có xấu chăng là kể từ ngày các con đĩ bị giới trưởng giả, mấy ông trí thức mời về nhà hát. Chính những vị tai mắt, khoa bảng, đã mở đường hoặc tiếp tay làm biến chất, làm hư các con đĩ. 
Buổi hát ban đầu rất lịch thiệp. Các quan ăn uống vui chơi, các cô hầu rượu, múa hát những bài do các quan yêu cầu.
Hồng Hồng Tuyết Tuyết
Mới ngày nào còn chửa biết chi chi
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì
Ngảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu (...)
                      (Dương Khuê, Hồng Tuyết)
Những chầu hát cô đầu dần dần bị những người thiếu tư cách biến thành nơi cợt nhả, bá vai gối đùi.
Nhân sinh quý thích chí
Còn gì hơn hú hí với cô đầu
(...)
Chơi cho thủng trống tầm bông.
                      (Trần Tế Xương, Chơi ả đào)
Rồi chẳng bao lâu, buổi hát chỉ còn là cái cớ cho những trận trác táng, tằng tịu, dâm loàn. 
Cũng ra đĩ rạc
Bấy lâu nay đã toác toạc toàng toang
Chán chê rồi về đến đầu làng
Toan tấp tểnh những đường tu lý (...)
                      (Trần Tế Xương, Đĩ rạc đi tu
Con đĩ vốn chuyên nghề hát xướng dần dần trở thành gái làng chơi.
Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ
Trời sinh ra cũng để mà chơi
Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời
Chơi thủng trống long dùi âu mới thích
(...)
Mai sau này giỗ có văn nôm
Cha đời con đĩ cầu Nôm.
                      (Nguyễn Khuyến, Đĩ cầu Nôm)
Các nhà hát tư mọc lên, lập thành xóm cô đầu. Vàng thau lẫn lộn, khó mà phân biệt được con hát thật với con gái làng chơi. Từ đây trở đi người ta đồng hóa đĩ với gái làng chơi, gọi gái làng chơi là đĩ.Sự biến chất này cũng tương tự như ý nghĩa của từ Thanh lâu (lầu xanh) và Hồng lâu (lầu hồng). Lầu xanh lúc đầu dùng để chỉ nhà sang trọng. Đến khoảng đời Đường thì được dùng để chỉ nơi ở của kĩ nữ. "Như vậy thì ngày nay Thanh Lâu không còn có nghĩa là nhà cao cửa đẹp mà chỉ có nghĩa là nhà kĩ nữ."(Diên Hương, Thành ngữ điển tích, Phương Lai, 1954), và cuối cùng trở thành:
Lầu xanh có mụ Tú bà,
Làng chơi đã trở về già hết duyên (Nguyễn Du, Kiều)
Lầu xanh rõ ràng đã trở thành nơi chứa gái làng chơi, gái giang hồ.
Ngảnh mặt lại lầu xanh thương những kẻ
Trầm luân chưa khỏi kiếp hồng nhan
                      (Tôn Thọ Tường, Đĩ già đi tu
Từ điển Génibrel (1898) và Gustave Hue (1937) cũng chép lầu xanh là maison de prostitution (nhà đĩ, nhà thổ). 
Lầu hồng xưa kia là chỗ ở của con gái nhà giàu: 
Đêm ngày lòng những giận lòng
Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên (Kiều
Sau này lầu hồng cũng bị trở thành maison des chanteuses (nhà chứa con hát), và sau cùng là nhà chứa đĩ. 
Giang hồ từ thủa mười lăm,
Đến năm mười chín còn nằm trông xuân,
Xuân kia còn độ mấy lần,
Tấm thân phơi chốn bụi trần mà thương (...)
                     (Hoàng Ngọc Phách, Giọt lệ hồng lâu)
Nhà chứa đĩ thời Tây được gọi là nhà đỏnhà thổ. Chữ thổ không phải là chữ Hán, cũng không phải là chữ Việt.Thổ là âm của tiếng Pháp tolérance (cũng như thổ mộ là âm của tombereau). Nhà thổ tức là maison de tolérance(nhà chứa đĩ) của Pháp. Xã hội ta thích ứng thật nhanh chóng với mọi hoàn cảnh! 
Vị Xuyên có Tú Xương
Dở dở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ lại chơi lường.
Tú Xương đã nắm bắt được chuyển biến của xã hội đương thời, đưa một dịch vụ ăn khách là thổ đĩ vào văn học. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) định nghĩa "nhà chứa" là nơi nuôi gái mãi dâm, tổ chức cho gái mãi dâm hành nghề, trong xã hội cũ. Đúng ra thì phải gọi là gái mại dâm (gái bán dâm), các ông đi chơi gái thì gọi là khách mãi dâm (khách mua dâm). Nhầm lẫn người mua với người bán âu cũng là thói quen đã có từ lâu. Nhưng nếu phân biệt được chủ với khách, người cho với kẻ nhận thì vẫn hơn. Nhất là trong thời buổi nhiễu nhương có cả các cậu, các ông bán dâm cho người cùng phái.
Người Hà Nội gọi các cô gái điếm thời Tây là đượi. Có người cho rằng đượi là nói trại của đười (con đười ươi, cùng họ với khỉ, tườu) vì các cô điếm đầu tóc bù xù, nửa người nửa ngợm, nửa đười ươi. Giải thích này nghe không xuôi tai vì phần đông các cô đượi đều ăn mặc hấp dẫn, son phấn, đầu tóc chải chuốt, phi dê (frisés). Có như vậy mới mong câu được khách chứ. Đầu bù tóc rối như đười ươi (mà đã có ai được thấy đầu tóc đười ươi chưa nhỉ?), thì đến tượng đồng đen, cột nhà cháy nó cũng chê, thì làm sao mà bán trôn nuôi miệng được? Có lẽđượi chỉ là biến âm của đĩ mà thôi. Đọc trại với ý khinh bỉ và phân biệt. Đượi là me tây, đĩ là me ta. Đượi và đĩ còn có tên là gái ăn sương. Tên nghe khá lãng mạn, nói lên được nỗi vất vả lúc đêm khuya thanh vắng.
Kiếm ăn chung với các cô đượi là bọn ma cô (maquereau), bọn bồi xăm (chambre). Thời Pháp còn có nhà Lục xì. Vũ Trọng Phụng viết tiểu thuyết Làm đĩ (1936) và phóng sự Lục xì (1937) nhưng tiếc rằng Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (Văn học, 1987) không đăng những truyện này nên rốt cuộc vẫn không biết Lục xì là gì. Cái phiền của tuyển tập là vậy! Người khác chọn giùm mình. Cho đọc cái gì thì đọc cái ấy! Tra tìm trong từ điển Hán, Nôm thì không thấy Lục xì. Từ điển Gustave Hue có từ Lục xì nhưng lại không giải thích, chỉ cho biết Lục xì là một từphon. (tôi đoán phon. là viết tắt chữ phonétique, nghĩa là đọc theo âm). Nếu vậy thì Lục xì có thể là âm cuối của chữ syphilis (bệnh hoa liễu, còn gọi là giang mai, nôm na là bệnh lậu hay tim la). Nhà Lục xì là nơi khám bệnh hoa liễu cho các cô điếm thời Tây.
Thực dân Pháp đem vào nước ta một loại kĩ nữ mới là vũ nữ, các cô gái nhảy, ca ve (cavalière). Gái nhảy phải biết... nhảy đầm, không cần biết hát. Các cô hành nghề tại các đăng xinh (dancing). Ông nào chồn chân muốn nhảy thì mua vé, chọn gái nhảy. Nhiều cô... làm thêm giờ phụ trội, nhảy cả tại phòng riêng.
Trở lại với các nàng kĩ nữ. 
Chữ kĩ ban đầu còn có nghĩa, còn được dịch là ả đào, đào hát, con nữ phường chèo. Sau này được dịch thẳng là đĩ, con gái mại dâm (Đào Duy Anh), con đĩ nhà thổ (Thiều Chửu).
Kĩ nữ và con đĩ, tuy là đồng hội đồng thuyền, cùng là xướng ca vô loài nhưng cũng được phân biệt đối xử. Những lúc hứng bốc lên dạt dào thì thi sĩ gọi bọn này là kĩ nữ nghe cho thanh tao, lãng mạn! Nói đến kĩ nữ là người ta liên tưởng đến những số phận long đong, lỡ làng. Một kĩ nữ gảy khúc tì bà đã làm xúc động ông tư mã Giang Châu. Một kĩ nữ lênh đênh trên sông Hương ngợp ánh trăng đã làm mềm lòng nhiều thế hệ: 
Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa;
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi!
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở, lòng em cô độc quá.
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu say,
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.
...
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt.
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi.
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi
Du khách đi.
                   -Du khách đã đi rồi!
                       (Xuân Diệu, Lời kỹ nữ)
Người ta dễ thông cảm, xót thương cho số phận các nàng kĩ nữ và dửng dưng thậm chí khinh bỉ các nàng kĩ nữ nhập tịch Việt Nam, trở thành con đĩ bình dân! Thành ngữ, ca dao của ta có rất nhiều câu ám chỉ bọn gái đĩ già mồm. Sau những trận chơi cho thủng trống tầm bông, cho toác toạc toàng toang, các ông không quên núp sau lưng vợ, lên mặt đạo đức khuyên các cô làm đĩ chín phương, để một phương lấy chồng. 
Kẻ ít học cũng a dua nói leo vài câu vô nghĩa:
Đĩ xơ đĩ xác, đĩ xạc đĩ xờ
Đĩ ở trên bờ, đĩ lặn xuống ao
Cũng có người thành thực hơn, ra mặt chê nhưng đúng hơn là ganh tị với đĩ :
Làm đĩ có tàn, có tán, có hương án thờ vua, có chuông chùa niệm Phật.
Toàn là chê, chửi, trách đĩ. Tha hồ cho sướng miệng! 
Ngày xưa người ta gọi trẻ con là thằng cu, cái đĩ. Cu là dương vật. Đĩ là gái làng chơi. Cu và đĩ mang nghĩa xấu, được mê tín ngày xưa dùng với mục đích để ma quỷ chê đứa bé, không ám hại nó. Ngôn ngữ hiện đại có từ kép đĩ điếm. Điếm nghĩa là cái kho, cái nhà chứa đồ. Đĩ điếm là từ kép nửa Việt nửa Hán, có nghĩa là nhà chứa đĩ hay là ổ mại dâm. Gái làng chơi có thêm tên gọi tắt là gái điếm.
Cuộc đời ba chìm bảy nổi đã hóa thân nàng kĩ nữ thành con đĩ, con điếm.
Người xưa đồng hóa con hát với đĩ điếm và gọi bọn này là xướng ca vô loài.
Năm 1945, bộ trưởng bộ Giáo Dục-Mĩ Thuật Hoàng Xuân Hãn đã làm một cuộc cách mạng văn hóa, đưa hát xướng vào chương trình bậc trung học. Hát xướng trở thành môn học bắt buộc. Xướng ca chính thức thoát khỏi cái nhục vô loài.
Ngày nay nước ta có trường dạy âm nhạc, kịch, tuồng, chèo, cải lương. Đủ các bộ môn xướng ca. Nghệ sĩ xuất sắc được tặng danh hiệu, gắn huân chương. Ai dại mồm dại miệng tuyên bố xướng ca vô loài chắc sẽ bị cả triệu người tát cho vỡ mặt.
Như vậy là nước ta hết đĩ rồi chăng? 
Hết làm sao được! Ngày nào còn các cậu, các ông lang bang, thèm của lạ thì ngày đó còn các cô, các bà làm cái nghề xưa nhất trên mặt trái đất này! Xướng ca vừa được phục hồi danh dự, được tôn vinh thì xã hội lại đẻ ra các nàng sờ nách ba (snack bar), bia ôm, mát xa (massage)... Có người mua thì có kẻ bán, còn người bán thì còn kẻ mua. Ngoạn mục thay cái đèn cù của kinh tế thị trường! 
Có điều lạ và bất công là phường chèo, gánh hát có cả kép hát nhưng ngôn ngữ bình dân gần như bỏ quên bọn này. Sách vở của ta chỉ đả động đến con đĩ chứ không nói đến thằng đĩ. Không biết xã hội phong kiến ngày xưa có kĩ nam không? Ngày nay thì nhiều nước có. Không những có kĩ nam mà còn có cả kĩ sư ! Ấy chết, xin đừng vội hiểu lầm là các ông các bà kĩ sư là... bậc thầy của đĩ ! Chữ kĩ (bộ thủ) của kĩ sư viết khác chữ kĩ (bộ nữ) của kĩ nữ. Kĩ sư là người có tài năng, chuyên về một kĩ thuật gì.
Các cô kĩ nữ, các ông kĩ nam tân thời có tên gọi đáng yêu là ca sĩ. Sĩ này được trọng vọng hơn cả sĩ của "Sĩ, nông, công, thương". Thần tượng của vô số người. Dưới ánh đèn mờ, khói thuốc âm u, nhạc dìu dặt, mơ màng nghe các cô hát, các cô ca, các cô la, thỉnh thoảng được ngắm một cái ngoáy, một cái ưỡn thì chao ôi...xướng ca quả là sướng quá!
Nguyễn Dư 
(Lyon, 3/2003)

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Đọc Chuyện Đông Chuyện Tây 2 (Vương Trung Hiếu)

Đọc Chuyện Đông – Chuyện Tây (P.2)
Vương Trung Hiếu
KTTN 110, ngày 01-6-1993

Tại sao tiếng Pháp đã có Japon để chỉ nước Nhật Bản mà còn lại có tên là Nippon? Hai tên này có gì khác nhau?

AC: Tiếng Pháp Japon cùng với tiếng Anh Japan, là phiên âm theo tiếng Hán giọng Bắc Kinh rì ben (âm Hán Việt là Nhật Bản) của hai chữ 日本. Còn Nippon là phiên âm thẳng từ tiếng Nhật; chữ Nhật, viết theo lối Romaji (La mã tự) cũng là Nippon. Đây là tên mà chính người Nhật dùng để gọi nước mình.

VTH: Có tài liệu cho rằng Japon trong tiếng Pháp là chữ phiên âm từ hai chữ 日本, đọc theo tiếng Quan Thoại ngày nay là rìběn (1). Nhưng trên thực tế, trong tiếng Quan Thoại, hai chữ 日本 được đọc là “rí bèn”, nghĩa là là phát âm từ  với phụ âm đầu là chứ không phải là j. Vì thế, chúng tôi không nghĩ rằng Japon là chữ phiên âm từ hai chữ 日本 đọc theo tiếng Quan Thoại hay giọng Bắc Kinh theo cách diễn đạt của ông An Chi. Theo chúng tôi, chữ Japon và Japan có khả năng bắt nguồn từ tiếng Malaysia hay tiếng Indonesia. Thời xưa, cái từ Japan đến phương Tây bằng con đường buôn bán gọi là Nanban bōeki (?), người Trung Quốc gọi là Nam man mậu dịch 南蛮貿易. Trong tiếng Malaysia và Indonesia, Japan được gọi là Jepang (người Nhật, nước Nhật). Đây là chữ vay mượn từ tiếng Trung Quốc gọi là Jih'pen'kuo (2), có nghĩa là “Vùng đất mặt trời mọc”(3). Cái từ Jepang được những nhà buôn Bồ Đào Nha ở Malacca sử dụng trong thế kỷ 16. Họ đã mang chữ này đến châu Âu (4). Từ Jepang được ghi chép lần đầu trong tiếng Anh vào năm 1565 và được đánh vần làGiapan (5).  Người Anh đã phiên âm từ này thành Japan, còn người Pháp phiên âm thành Japon.

Hai cái tên tiếng Nhật Nippon và Nihon đều được viết bằng bằng cách sử dụng chữ kanji (6). Cái tên Nippon được sử dụng phần lớn trong những mục đích có tính nghi thức, kể cả trong đồng yên Nhật, tem thư và những sự kiện thể thao quốc tế. Còn Nihon là thuật ngữ được dùng trong cách nói hàng ngày ở Nhật. Người Nhật tự cho rằng họ là Nihonjin (Nhật Bản nhân 日本人), còn ngôn ngữ của họ là Nihongo (Nhật Bản ngữ 日本語). Cả hai từ Nippon và Nihon đều có nghĩa là “gốc mặt trời” và thường được dịch là “Đất nước mặt trời mọc”. Cách gọi này có nguồn gốc từ những sứ thần Nhật Bản được phái sang làm việc tại Trung Hoa thời xưa, dùng để nhấn mạnh vị thế phương Đông của họ, đối trọng với triều đình Trung Hoa. Hiện nay, cách gọi chính thức nước Nhật là Nippon-koku hay Nihon-koku (Nhật Bản quốc 日本国).

*
(1): Dumaine, David.Petites histoires des noms de pays. Paris : Flammarion, 2006, p. 56-57.
(2) : C. R. Boxer, The Christian Century In Japan 1549–1650, University of California Press, 1951, pages 1 and 14.
(3): Donald Frederick Lach, Asia in the making of Europe: The century of discovery , University of Chicago Press, 1994, trang 652).
(4) C. R. Boxer, The Christian Century In Japan 1549–1650, University of California Press, 1951p. 11, 28—36, 49—51.
(5): Mancall, Peter C. (2006). "Of the Ilande of Giapan, 1565". Travel narratives from the age of discovery: an anthology. Oxford University Press. pp. 156–157.
(5): Kanji (Hán tự 漢字) là những chữ Trung Quốc được sử dụng trong trong hệ thống chữ viết của Nhật Bản cùng với bảng ký hiệu âm tiết hiragana (ひらがな平仮名), katakana (カタカナ片仮名), chữ số Indo Arabic và việc sử dụng thỉnh thoảng bản chữ cái Latin  (gọi là "rōmaji").

KTTN 110, ngày 01-6-1993

Xin cho biết xuất xứ của mấy tiếng mã tà (lính cảnh sát thời trước).

ACMã tà là do phiên âm từ tiếng Mã Lai manta-mata có nghĩa là cảnh sát. Hình thức gốc ban đầu là ma tà, theo ghi nhận của Huình-Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quốc âm tự vị. Về sau, ma đã được phát âm thành mã. Xin nhớ rằng tiếng Việt, nhất là địa phương Nam Bộ, có nhiều từ gốc Mã Lai. Thêm một ví dụ: xà ích, người đánh xe ngựa, là do tiếng Mã Laisaïs.

VTH: Manta-mata không có nghĩa là “cảnh sát” trong tiếng Mã Lai (Malaysia), “mata-mata” mới có nghĩa là “cảnh sát”. Tuy nhiên, đây là từ xưa, hiếm khi được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày ở Malaysia, giống như từ “mã tà” trong tiếng Việt vậy. Hiện nay, trong tiếng Malaysia, khi nói chung về cảnh sát, người ta sử dụng từ “polis” (còn viết là “polisi”) để thay thế cho từ mata-mata. Những từ có liên quan tới cảnh sát đều ghi là “polis” chứ không phải là “mata-mata”. Thí dụ: polis = cảnh sát, nam cảnh sát, nhân viên cảnh sát; anggota polis = nam cảnh sát; polis wanita = nữ cảnh sát; pegawai polis = nhân viên cảnh sát; mobil polisi = xe cảnh sát; balai polis = đồn cảnh sát…

Theo chúng tôi, người Malaysia đã vay mượn nguyên xi từ mata-mata trong tiếng Indonesia nhưng đã biến đổi nghĩa đôi chút, bởi vì trong tiếng Indonesia, mata-mata có nghĩa là “mật thám, thám tử”. Xét về hình thức và nghĩa của từ, chúng ta dễ có cảm tưởng rằng người Việt đã mượn chữ mata-mata để phiên âm thành “mã tà”. Tuy nhiên, chúng tôi thắc mắc là, tiếng Malaysia và Indonesia có vai trò gì trong lịch sử nước ta, tại sao để người Việt lại dựa vào chữ này để nói về cảnh sát thời Pháp thuộc? Nếu cho rằng người Malaysia và Indonesia gia nhập lực lượng lính Lê Dương Pháp (Légion étrangère) rồi đến nước ta nên người Việt đã mượn từ mata-mata cũng không phải, vì trong danh sách các quốc gia tham gia Lê Dương Pháp trong giai đoạn 1831-1961 (*) có tổng cộng khoảng 600.000 người, những người lính này gọi là légionnaire, nhưng không hề có người Malaysia và Indonesia. Mặt khác, mata-mata có 4 âm tiết, trong khi đó mã tà chỉ có 2 âm tiết, liệu mã tà có khả năng phiên âm từ chữ mata-mata hay không?. Có quan điểm cho rằng “mã tà” là tiếng phiên âm từ chữ “matraque” (dùi cui) trong tiếng Pháp. Do cảnh sát thường sử dụng dùi cui nên người ta mượn chữ matraque để phiên âm thành “ma tà” rồi thành “mã tà”. Cụm từ “bọn mã tà” có thể hiểu là “bọn sử dụng dùi cui”, tức cảnh sát. Xem ra giả  thuyết này khá hợp lý, vì “mã tà” có  hai âm tiết, phiên âm từ tiếng “matraque” cũng có hai âm tiết. Nhìn chung, hiện tượng tiếng nước ngoài được phiên âm thành tiếng Việt với số lượng âm tiết bằng nhau là khá phổ biến. Thí dụ: ô tô, cà phê, mít tinh hay cao su…

Ông An chi cho rằng người Việt đã mượn từ saïs trong tiếng Mã Lai, đọc thành “xà ích” để chỉ người đánh xe ngựa. Nhưng rất tiếc chúng tôi không tìm thấy từ saïs trong tiếng Mã Lai. Chỉ có một từ rất giống là sais, từ này có nghĩa là “người đánh xe ngựa” trong tiếng Malaysia và cả trong tiếng Indonesia. Vậy, chính xác thì “xà ích” có nguồn gốc từ tiếng nước nào? Theo chúng tôi, từ sais trong tiếng Malaysia cũng là từ vay mượn từ tiếng Indonesia. Bởi vì hiện nay người Malaysia thường sử dụng từ kusir để chỉ người đánh xe ngựa chứ hiếm khi sử dụng từ sais, ngược lại người Indonesia sử dụng từ sais thường xuyên hơn, cho dù họ vẫn có từ kusirvới nghĩa là “người đánh xe ngựa” như trong tiếng Malaysia.

*
(*): Danh sách Lê Dương Pháp giai đoạn 1831-1961: Đức (210.000 người), Ý (60.000), Bỉ (50.000), Pháp (50.000), Tây Ban Nha (40.000), Thụy S ĩ (30.000), Ba Lan (10.000), Nga (6.000), Áo (5.000), Hungary (4.000), Hy Lạp (4.000), Tiệp Khắc (4.000), Hà Lan (3.000), Nam Tư (3.000), Luxembourg (2.300), Đảo Anh (1.500), Romania (1.500), Bồ Đào Nha (1.300), Đan Mạch (1.000), Thổ Nhĩ Kỳ (1.000), Hoa Kỳ (700), Bulgaria (500), Phần Lan (500), Thụy Điển (500), Algérie (500), Việt Nam (200), Maroc (200), Tunisia (200), Argentina (100), Brasil (100), Nhật Bản (100), Canada (100), Litva (100), Latvia (100), Na Uy (100), Ai Cập (100). (theo Wikipedia).

KTTN 111, ngày 15-6-1993

Tại sao Phi-líp-pin (Philippines) là một nước Đông Nam Á mà lại có một tên rất Tây? Người Phi-líp-pin nói tiếng gì?

AC: Nguyên Phi-líp-pin là thuộc địa của Tây Ban Nha từ năm 1565, dưới triều vua Phi-líp đệ nhị. Để đánh dấu rằng đây là đất đai họ đã chiếm được dưới triều của Phi-líp (đệ nhị), tiếng Tây Ban Nha là Felipe, người Tây Ban Nha đã gọi đó là Islas Filipinas, nói tắt thành Filipinas. Đây là số nhiều củaFilipina, giống cái của Filipino, nghĩa là thuộc về Felipe. Islas Filipinas là các hòn đảo của Phi-líp, người Pháp dịch thành Îles philippines, rồi nói tắt thành Philippines.

Người Phi-líp-pin nói tiếng Tagal (cũng gọi là Tagalog) là thứ tiếng được chọn làm ngôn ngữ quốc gia. Đây là một ngôn ngữ thuộc họ Mã Lai – Đa đảo (malayo-polynésien). Giành được độc lập năm 1946 từ tay Mỹ (Tây Ban Nha đã nhượng đảo quốc này cho Mỹ từ năm 1898), người Phi-líp-pin vẫn dựa theo tiếng Tây Ban Nha là Filipinas mà gọi tên nước mình làPilipinas (tiếng Tagal không có âm f nên đã thay thế âm này bằng p).

VTH: Trong bài trên có hai chi tiết cần xem lại: thứ nhất, cái tên Philippines không phải do người Pháp dịch từ cụm từ “Islas Filipinas” trong tiếng Tây Ban Nha rồi nói tắt thành Philippines. Thứ hai, người Philippines không chỉ nói tiếng Tagalog mà còn sử dụng những ngôn ngữ khác.

Trong thế kỷ 16, khi đến quần đảo Philippines ngày nay, nhà thám hiểm Tây Ban Nha Ruy López de Villalobos  đã sử dụng tên Filipinas, ban đầu chỉ dùng để gọi tên hai đảo Leyte và Samar (nay là hai tỉnh của Philippines). Sau đó quần đảo này còn được gọi bằng nhiều cái tên khác, thí dụ như Islas del Poniente (Quần đảo phương Tây), Nueva Castilla và Quần đảo San Lázaro. Cuối cùng, cái tên Las Islas Filipinas được dùng để chỉ toàn bộ quần đảo này. Đến giai đoạn Cách mạng Philippine (1896–1898) (1), Hội nghị Malolos (2) công bố việc thành lập nước República Filipina (Cộng Hòa Philippine). Từ giai đoạn chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ (1898) và chiến tranh Philippine – Mỹ (1899–1902) cho tới giai đoạn Commonwealth (1935-1946) (3), chính quyền thực dân Mỹ gọi đất nước này là Quần đảo Philippine. Đây là cái tên do người Mỹ dịch từ tên Las Islas Filipinas (tiếng Tây Ban Nha). Trong giai đoạn Mỹ chiếm đóng, cái tên Philippines bắt đầu xuất hiện và kể từ đó nó trở thành tên phổ biến của đất nước này (4). Đến khi độc lập (4 tháng 7 năm 1946), đất nước này có tên chính thức là Cộng Hòa Philippines (tiếng Filipino: Republika ng Pilipinas).

Theo Wikipedia, ở Philippines người ta sử dụng trên 170 ngôn ngữ, hầu hết thuộc nhánh phía Tây của nhóm ngôn ngữ Malayo-Polynesian, thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo. Năm 1987 Hiến pháp Philippines qui định ngôn ngữ chính thức là tiếng Filipino (5) và tiếng Anh. Trên thực tế, có 12 ngôn ngữ khác cũng khá phổ biến, đó là  “Tagalog, Cebuano, Ilokano, Hiligaynon, Waray-Waray, Bikol, Kapampangan, Pangasinan, Kinaray-a, Maranao, Maguindanao và Tausug (phổ biến nhất là tiếng Tagalog). Từ năm 1973, tiếng Tây Ban Nha  không còn được coi là ngôn ngữ chính thức ở Philippines. Trong những thập niên gần đây, người dân Philippines không còn sử dụng tiếng này trong cuộc sống hàng ngày.

*
(1): Người Tây Ban Nha còn gọi cuộc cách mạng này là “Chiến tranh Tagalog”, tức cuộc chiến có vũ trang giữa nhân dân Philippines và thực dân Tây Ban Nha. Kết quả là quần đảo Philippine tách khỏi nhà cầm quyền thực dân Tây Ban Nha. Trong giai đoạn này chữ Philippine chưa có thêm chữ cái s.
(2): Hội nghị của nước Cộng Hòa Philippine đầu tiên do chính quyền cách mạng khởi nghĩa tổ chức, phác thảo Hiếp pháp Malolos. 
(3): Commonwealth of the Philippines là tiền thân của nước Cộng Hòa Philippines từ năm 1935 đến 1946, trong giai đoạn ấy Philippines đã là thuộc địa của Mỹ.
(4): Quezon, Manuel, III. (2005-03-28). "The Philippines are or is?". Manuel L. Quezon III: The Daily Dose.
(5): Filipino là một ngôn ngữ dựa theo tiếng Tagalog, một thứ tiếng được xem là  tiếng mẹ đẻ của một phần ba dân số Philippines. Nhất là xung quanh thủ đô Manila , nhưng hầu như toàn bộ dân Philippines cũng có thể sử dụng ngôn ngữ này (Wikipedia).

KTTN 113, 7-1993

Tại sao biểu tượng SEA Games XVII 1993 tổ chức tại Singapore lại là con sư tử?

AC: Vì SEA Games lần này được tổ chức tại Singapore mà Singapore có nghĩa là Thành phố Sư tử. Singapore (tiếng Anh) và Singapour (tiếng Pháp) là phiên âm từ tiếng Mã Lai Singapura, vẫn được xem là bắt nguồn từ tiếng Sanskrit Simhapura, trong đó Simha là sư tử, pura là thành phố (trong tiếng Mã Lai hiện nay singa là sư tử còn thành phố thì lại là puri).



VTH: Chúng tôi dẫn chứng một quan điểm khác. Theo Wikipedia, từSingapura trong tiếng Malaysia có nguồn gốc từ tiếng Tamil (தமிழ்) (1), trong đó singa xuất phát từ chữ singam (சிங்கம்), một từ có nghĩa là “sư tử”;  còn Oor (ஊர்) trong tiếng Tamil có nghĩa là “thành phố”. Oor là một tiếp vĩ ngữ phổ biến trong nhiều địa danh ở Ấn Độ. Sở dĩ người ta đặt tên này là vì trong bản đồ, nước Singapore có hình dạng giống đầu sư tử (2). Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy sư tử chưa bao giờ sinh sống ở Singapore, ngay cả sư tử châu Á cũng vậy, một loài còn được còn gọi là sư tử Ấn Độ hay sư tử Ba Tư, có tên khoa học là Panthera leo persica. Vào thế kỷ 13, tại Singapore, người ta đã từng thấy một thú lớn 4 chân trông rất giống con cọp, có khả năng đó là cọp Malayan (tên khoa học: Panthera tigris jacksoni) (3).

Theo lịch sử, Singapore còn có một số tên khác trong quá khứ. Vào thế kỷ thứ 2, nhà thiên văn học Hy Lạp Claudius Ptolemaeus đã từng sống ở một nơi gọi là Sabana, khu vực mà ngày nay gọi là Singgapore. Về sau người Phúc Kiến (Trung Quốc) đến Singapore sinh sống và gọi vùng đất này bằng một số tên khác, đó là Tân Gia Ba  新加坡, Tinh Gia Ba 星嘉坡 (hay星加坡) và hai cái tên rút gọn là Tinh Châu 星洲 (đảo Singapore) và Tinh Quốc 星國 (nước Singapore). Ngoài ra, còn có tên khác là  Thạch Lặc  石叻, có nguồn gốc từ chữ selat trong tiếng Malaysia, có nghĩa là “eo biển”…Trong Thế chiến thứ II, người Nhật đặt tên cho Singapore làShōnantō (Chiêu Nam đảo 昭南島?), xuất phát từ câu Shōwa no jidai ni eta minami no shima" (和の時代に得た), có nghĩa là “hòn đảo phương nam tiếp thu được trong thời kỳ Shōwa”, tức giai đoạn hoàng đế Shōwa trị vì (25/12/1926-7/1/1989). Từ này được sử dụng cho tới ngày người Anh chiếm đảo Singapore (12/9/1945), một tháng sau khi người Nhật đầu hàng.  Trong giai đoạn thế chiến, người Nhật đã Latin hóa từShōnantō thành Syonan-to (hay Syonan), có nghĩa là “Ánh sáng phương Nam”, dịch đúng nghĩa đen của từ Chiêu Nam 昭南.

*
(2): Sommerville, Maxwell (1894). The Encyclopaedia Britannica: a dictionary of arts, sciences, and general literature, 9:22. Adam and Charles Black, London, United Kingdom. p. 101.

KTTN 114, ngày 15-7-1993

ACPhù Đồ (cũng như Phật Đà, Phật Đồ) vốn là hình thức phiên âm bằng tiếng Hán (đọc theo âm Hán Việt) của tiếng Sanskrit buddha, có nghĩa là Phật. Dần dần nó bị dùng sai đi vì được xem là đồng nghĩa với từ tháp, dạng tắt của tháp bà, phiên âm từ tiếng Sanskrit stupa.

VTH: Phù Đồ 浮圖 là từ phiên âm từ chữ stupa स्तौपिक, chứ không phải từ chữ Buddha बुद्ध trong tiếng Sanskrit. Nói cách khác, Phù Đồ không có nghĩa là Phật 佛, nghĩa của nó là tháp thờ Phật hoặc tháp thờ xá lợi của Phật. Do đó, việc cho rằng từ phù đồ bị “dùng sai đi vì được xem là đồng nghĩa với từ tháp” là điều không chính xác. Dưới đây là dẫn chứng từ Truyện Kiều:

Dẫu xây chín đợt phù đồ,
Sao bằng làm phước cứu cho một người.

Có hai từ Phật đồ: Phật đồ 佛徒, một dạng viết gọn của Phật giáo đồ 佛教徒, có nghĩa là tín đồ Phật giáo và Phật đồ 佛圖 đồng nghĩa với từ tháp 塔, còn được gọi là Phù Đồ 浮圖 (浮屠). Cả hai từ này (佛徒 và 佛圖) đều không có nghĩa là Phật 佛, chỉ có từ Phật đà 佛佗 mới có nghĩa là Phật 佛 (tiếng Sanskrit: बुद्ध, Buddha).

Trong tiếng Sanskrit, từ stupa स्तुप không có nghĩa là tháp 塔 hay tháp bà塔婆, nghĩa chính xác của nó là búi tóc. Chỉ có từ stupa trong tiếng Anh mới có nghĩa là tháp chứa hài cốt nhà sư. Từ này tương đương với từ staupika स्तौपिक trong tiếng Sanskrit, có nghĩa là hài cốt đựng trong một tháp nhỏ hoặc trong điện thờ (nơi lưu giữ hài cốt của các bậc cao tăng của Phật giáo Tích Lan). 



KTTN 115, ngày 01-8-1993

Tại sao lại gọi là "đồng bóng"? Có phải “đồng” là do “tiên đồng ngọc nữ” hay không? Nhưng nếu thế thì “bóng” là do đâu?

AC: A. de Rhodes đã ghi như sau: “Đồng, cái đồng: Gương, kiếng.Gương. Cùng một nghĩa. Soi đồng: Nhìn vào gương để làm phù chú. Làm đồng làm cốt: Bà phù thủy nhìn vào gương để làm phù chú. Thầy đồng: Thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính” (Từ điển Việt-Bồ-La, Nxb Khoa học xã hội, 1991).
Cứ theo những điều trên đây, thì các ông đồng bà đồng đã được gọi bằng tên của chính cái đồ vật mà họ sử dụng để hành nghề. (…). Khi đồng đã là cái gương, cái kiếng thì bóng tất nhiên là hình ảnh của cảnh và vật phản chiếu ở trong kiếng, trong gương. (…) Vậy đồng bóng là gương và hình ảnh của cảnh vật phản chiếu trong gương. Đó là nghĩa gốc. Còn nghĩa trong ông đồng bà đồnglên đồngđồng cô bóng cậu, v.v… là nghĩa phái sinh.

VTH: Cách giải thích của A. de Rhodes là nói về “phù thủy” phương Tây chứ không phải “ông đồng, bà đồng” ở Việt Nam. Do đó, nhận định “đồng bóng là gương và hình ảnh của cảnh vật phản chiếu trong gương” là không chính xác. Đồng bóng có nghĩa là “bóng của các thần linh trong cõi vô hình, mượn hình đồng để tiếp xúc, phù hộ cho người trần gian”. Các ông đồng, bà đồng cho thần linh hay vong hồn nhập vào họ, lúc ấy  họ không còn là chính mình, nghĩa là đã biến thành thần hay vong hồn để ban phúc lộc, trừ tà diệt ma, chữa bệnh, phán truyền điều gì đấy; còn người nhận những điều ấy được gọi là “con nhang” hay “đệ tử” v.v. Ở Việt Nam, đồng bóng còn được gọi là lên đồng, hầu đồng, hầu bóng…, một hoạt động tín ngưỡng dân gian có tính chất của Saman giáo (*). Về cơ bản, đây là hình thức giao tiếp của ông đồng, bà đồng với thế giới siêu linh bằng nghi thức nào đó. Thí dụ như “trò chơi phụ đồng chổi, thả thơ, đoán mộng, giao tiếp với các siêu linh, vong hồn” hình thức cầu cơ của đạo Cao Đài; nghi thức Đạo Mẫu của Đạo giáo; nghi thức lên đồng trong các thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ; hay Thanh Đồng trong tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần…Nhiều dân tộc ít người ở Việt Nam cũng có hình thức lên đồng (Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Mông, Thái…). Tùy dân tộc, người lên đồng có thể là thầy Mo, Tào, Then, Pựt, Xídi hay Mỡi...

*
(*): Saman giáo (A: Shamanism, P: Chamanisme) là một thuật ngữ của ngành nhân loại học, nói về tín ngưỡng và hoạt động liên quan tới sự giao tiếp với thế giới linh hồn. Pháp sư là người có khả năng tiếp cận và tạo sự ảnh hưởng đến thế giới linh hồn thiện và ác, người có thể xuất thần bước vào tình trạng lên đồng khi làm lễ để thực hành việc đoán tương lai, chữa bệnh, trừ tà…(xem thêm từ http://en.wikipedia.org/wiki/Shamanism).


Vương Trung Hiếu

NGUỒN GỐC CỦA MỘT SỐ ĐỊA DANH THUỘC NINH THUẬN VÀ BÌNH THUẬN 1 (Chế Vỹ Tân)




Kì01.
CÀ NÁ
Trước đây cũng như hiện nay, Cà Ná là một địa điểm du lịch của cực nam Trung bộ, nổi tiếng về cảnh đẹp núi biển ôm sát nhau. Cà Ná còn là vùng có những cây mai vàng năm cánh rất đẹp. Mỗi độ xuân về, toàn đồi núi khu vực này rực lên một màu vàng nhạt tựa như một bức tranh huyền ảo…
Cách biển một cây số về hướng Tây, tọa lạc một làng Chăm – làng Rabha Ralauw – nay không còn nữa. Phía trên nữa có con suối nước rất trong, chảy róc rách quanh năm; trước kia người dân địa phương gọi là Suối Tiên, ngày nay chính là Suối Vĩnh Hảo…
Lúc bấy giờ, từ “Quốc lộ số 1″ (ngày nay), lại có một con đường tẻ lên làng Chăm và Suối Tiên. Ngã ba đó, người Chăm gọi là Canah kluw (đọc là Chanah klău); Canah có nghĩa là tẻ ra, kluw nghĩa là ba (ngã ba).
Người Việt đọc trại ra thành “Cà ná lâu”, về sau chữ “lâu” này rụng đi, chỉ còn lại “Cà na”.
THỊ NẠI hay NẠI
Dọc theo duyên hải miền Trung Việt Nam, chúng ta tìm thấy nhiều địa danh mang tên Thị Nại hoặc Nại.
Tại tỉnh Ninh Thuận, thôn Dư Khánh thuộc xã Khánh Hải, huyện Ninh Hải, cũng có tục danh là NẠI. Vậy thì “Nại” này có nguồn gốc từ đâu?
Xưa kia, người Chăm sinh sống dọc bờ biển thường làm nghề đánh cá. Mỗi buổi sáng hay buổi chiều đều có các thuyền đánh cá tấp vào một vài nơi nhất định (nơi có những cư dân đông đúc) để bán cá. Do đó, về lâu về dài, những nơi này hình thành những “chợ nhỏ”, chủ yếu là để bán cá tươi cho người địa phương và các dân buôn.
“Chợ nhỏ” đó tên Chăm là darak naih (darak là chợ, naih là nhỏ), đọc là “tàrạk neh”. Người Kinh dịch chữ darak là Thị, còn chữ naih lại ngỡ là danh từ riêng, nên cứ gọi là Né hay Thị Né. (Sự chuyển đổi từ phụ âm cuối Chăm h sang thanh hỏi hay nặng trong tiếng Việt là điều thường gặp).
Vì thế, chữ Né và Thị Né đọc trại ra thành NẠI hay THỊ NẠI, và các từ này tồn tại cho đến ngày hôm nay.
SÔNG DINH
Tại thị xã Phan Rang – Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận, có con sông Cái từ thượng nguồn chảy về biển, băng ngang qua phía Nam thị xã này. Người địa phương gọi con sông đó là Sông Dinh.
Từ Dinh này có phải có nguồn gốc từ tiếng Chăm không?
Theo chúng tôi, có lẽ từ Dinh xuất phát từ chữ DING (đọc là Tìng) của người Chăm. Ding có nghĩa là phố, nau ding có nghĩa là đi xuống phố.
Con sông chảy ngang phố (phía nam Phan Rang), người Chăm gọi là KRAUNG DING (có nghĩa là Sông Phố), và người Kinh phiên âm ra thành SÔNG DINH, theo âm tiếng Chăm đọc trại ra.
SÔNG MAO
Sông Mao là một địa danh thuộc tây bắc huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận, trước đây (sau giải phóng) là huyện lỵ của huyện Bắc Bình.
Theo hiểu biết của chúng tôi, từ Sông Mao có nguồn gốc khá lí thú! Qua sự giải thích của một thân hào Chăm, chúng ta có thể hiểu như sau:
Trong khu vực Sông Mao bây giờ có đồng ruộng của người Chăm tục gọi là Hamu Pa-auk (đọc là pa-ó, nghĩa là cây xoài). Cạnh ga Sông Mao có một con sông nhỏ người Chăm gọi là kraung pa-auk. Người Kinh dịch thành SÔNG PA-Ó. Chuyển đổi âm từ P của Chăm sang M của Việt: từ Sông Pa-ok được viết là Sông MA-Ó. Vả lại thời Pháp thuộc dấu sắc ở nguyên âm o không thể hiện được trên máy đánh chữ (ó thành o), vì vậy trong các văn bản hành chánh thời đó ta thường thấy viết Sông Ma-o. Sau này, dấu ngang rụng đi do cách đọc gộp thành một âm của những người Pháp (thời Pháp thuộc), cuối cùng ta có từ SÔNG MAO của ngày hôm nay.
*
Trong Tagalau4.
Kì02.
Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết mà các sách địa lý thường gọi là “Tam Phan”, được cả nước biết đến là do đặc điểm ít mưa nhiều nắng nhất nước. Đây là 3 địa danh thuộc cực nam Trung bộ, xưa kia thuộc đất Panduranga, tiểu bang cực nam của xứ Champa cũ.
Theo chúng tôi tìm hiểu thì cả 3 từ này đều có nguồn gốc từ tiếng Chăm.
PHAN RANG là biến dạng của từ Chăm: PA-NRANG, hay còn được gọi là PANDARANG. Đó là từ địa phương viết theo tiếng Chăm hiện đại (akhar thrah) để chỉ vùng tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Thông thường các nhà nghiên cứu Việt nam và nước ngoài hay nhầm lẫn giữa 2 danh từ Pandarang và Panduranga vì cho 2 từ này chỉ là một (đồng nghĩa với nhau). Sự thật không phải thế, vì Panduranga là tiếng Phạn (Sanscrit) dùng để chỉ vùng đất chung của cả 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay, đúng hơn là cả một phần của Đồng Nai nữa, vì các sách cổ Chăm luôn nhắc đến Đồng Nai thượng và Đồng Nai hạ, khi nói đến Panduranga (theo E.Durand. P.B.Lafont và L.Finot).
PHAN RÍ: Đây là phiên âm của danh từ Chăm PA-RIK, địa danh chỉ vùng nằm giữa KRONG (tức sông Lòng Sông hay huyện Tuy Phong hôm nay) và PAJAI (tức Phố Hài). Panrang – Kraung – Parik – Pajai là 4 vùng chính của Panduranga cũ đang có đông cư dân Chăm.
PHAN THIẾT: Đây là sự biến dạng của từ Chăm HAMU LITHIT (Ruộng Lithit). Người Chăm thường gọi tắt là Mu Thit, nên trước đây được phiên âm là Man Thiết (thời Pháp thuộc) trước khi trở thành Phan Thiết của ngày hôm nay.
LADI: tức là vùng huyện Hàm Tân bây giờ (thuộc tỉnh Bình Thuận), xưa kia là đất Nưgar LADIK của xứ Panduranga cũ (đọc là La-tik theo âm Chăm). Danh từ LADIK được phiên âm thành La Di ngày nay.
SÔNG LA NGÀ: Đây là con sông bắt nguồn từ bình nguyên Lâm Đồng, chảy qua các huyện phía nam tỉnh Bình Thuận để đổ xuống biển Đông. Vậy, từ La Ngà có nguồn gốc từ đâu? Đây không phải là một danh từ Chăm. La Ngà có nguồn gốc từ tiếng Kơho, vì sông này có dòng chảy băng qua các vùng cư trú của đồng bào Kơho. Vào mùa hạ, sông này khô nước, lòng sông nổi lên nhiều đá cuội đen trắng lấp lánh dưới ánh mặt trời giống như một bãi phơi hạt mè màu trắng đen vậy. Vì thế mà người Kơho đặt tên con sông này là sông LƠNGA – sông Hạt Mè (Lơnga là hạt mè (vừng – theo Từ điển Việt – Kơho, Sở VHTT Lâm Đồng, 1983, tr.164). Người Việt phiên âm là La Ngà.
Người Kơho còn gọi con trâu trắng có chấm đen li ti là “rơpu lơnga” (con trâu hạt mè).
CỔ HỦ: là tục danh của làng Mỹ Tường thuộc xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Làng này tọa lạc gần biển, và trước đây mang địa danh là BAL HUH của Champa cũ (Bal: thủ đô, đây là thủ đô tạm thời khi phải di chuyển về phía nam do chiến cuộc cũng như sau này chuyển về Bal Ywa, Bal Lai, Bal Caung (1)… trước khi đến Bal Canar ở Phan Rí là thủ đô cuối cùng). Sau này khi không còn Bal nữa, người Chăm chỉ gọi gọn địa danh này là HUH. Chính từ HUH này đã được phiên âm biến thành Cổ Hủ.
HÒA LAI: là một địa danh ở bắc Ninh Thuận thường được gọi là Ba Tháp, thuộc xã Tân Hải, huyện Ninh Hải. Trên quốc lộ số 1, du khách bắt gặp hai ngọn tháp Chăm cổ kính tọa lạc phía đông con đường, cách ranh giới Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 8 km (ngọn thứ ba đã bị đổ nát từ lâu). Nơi đây chính là HÒA LAI. Xưa kia địa danh này mang tên là BAL LAI (thủ đô đã điêu mất). Chính từ Bal Lai này đã được phiên âm thành Hòa Lai.
GÒ ĐỀN là tên gọi của một làng Công giáo tọa lạc giữa Hòa Lai và Hộ Diêm, thuộc xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh NinhThuận. Khu vực này là một gò lớn, và ở giữa gò ấy có một cái đền của người Chăm. Đền này đã đổ nát và ngay trên địa điểm đó bây giờ nhà thờ Công giáo được xây dựng lên. Vậy địa danh Gò Đền mang đặc điểm của khu đât này: đất GÒ có ĐỀN của người dân tộc Chăm.
GÒ SẠN là tên gọi một làng nằm sát phái bắc Gò Đền. Đây cũng là vạt đất gò cao tiếp nối với vạt đất Gò Đền. Vạt đất này là đất sạn (đá sỏi nhỏ). Chính vì đặc điểm này mà người dân địa phương mới đặt tên là Gò Sạn.
CÀ ĐÚ, CHÀ BANG
Đây là tên gọi 2 hòn núi ở phía bắc và phía nam tỉnh Ninh Thuận.
CÀ ĐÚ là hòn núi ở phía tây Đầm Nại, thuộc xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải. Nơi đây có làng mang tên là làng Cà Đú (nay đổi lại thành thôn Lương Cách). Cà Đú là một từ Chăm xuất phát từ tên gọi hòn núi KAĐUK nói trên. Từ Kađuk được phiên âm ra tiếng Việt là Cà Đú.
CHÀ BANG là tên gọi hòn núi ở phía bắc thôn Văn Lâm (cách chừng 7 km) thuộc xã Phước Nam, huyện Ninh Phước. Người Chăm thường gọi là Cơk Cabbang, có nghĩa là hòn núi có ngọn tẻ đôi như “cabbang” (chữ V).
Người Việt phiên âm thành Chà Bang.
PALEI RƠM (đọc là râm). Từ RƠM này rất gần gũi với người Chăm, nhưng rất ít người Chăm hiểu nghĩa chính xác của nó là gì. Xin nói rõ Palei Rơm là tục danh của thôn Văn Lâm (thuộc xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Từ trước đến nay đại đa số người Chăm chỉ hiểu từ “râm” là rừng rậm; từ đó suy diễn ra một cách lôgic là trước đây khu vực này toàn rừng rú rậm rạp, đầy thú dữ. Nhưng khi đọc lại các văn bản cổ Chăm, ta mới hiểu từ “râm” còn có nghĩa khác là: “đất gò” (đất cao), nhất là khi tra cứu từ điển Malaysia thì ta càng sáng tỏ hơn, chữ “râm” đúng có nghĩa là “đất gò”.
Vậy “Palei Rơm” có nghĩa là thôn Đất Gò, và nói theo tiếng Chăm thông thường là Palei Tabbok (đọc là tabôk). Rõ ràng chúng ta đang sử dụng từ ngữ đó mà không nhận ra Tabbok Gah: chỉ ấp Gò Dưới, Tabbok Krưh: chỉ ấp Gò Giữa, và Ram Ngauk để chỉ ” ấp Gò Trên” đó sao?
(1) Chú thích: thứ tự này là do tác giả suy luận theo lôgic từ biển lên giữa đất liền, và từ bắc xuôi về nam tại Pandarang, chứ không tìm ra trong tư liệu nào. Vậy tính chính xác không được đảm bảo.
*
Trong Tagalau5.
Kì03.
ĐÀ NẴNG. Là biến dạng của từ Chăm DAKNAN. Theo tài liệu của cụ Bố Thuận (nhà nghiên cứu Chăm, gốc Phan Rí, sống vào đầu thế kỷ XX) thì chữ dak có nghĩa là nước (Chăm cổ), nan hay nưn (tứclanưng) là rộng. Địa danh Daknan hàm ý chỉ vùng sông nước rộng mênh mông (cửa sông Hàn bây giờ). Người Việt phiên âm ra thành Đà Nẵng.
Tourane. Vào thời Pháp thuộc (và trước đó), địa danh Đà Nẵng thường được gọi là Tourane. Vậy từ Tourane này do đâu mà ra? Cũng theo tài liệu của cụ Bố Thuận thì chữ DAKNAN của Chăm người Trung Hoa gốc Hải Nam đọc là TOUNAN, do đó mà phiên âm thành Tourane.
CÙ LAO CHÀM. Đó là một hòn đảo ở ngoài khơi tỉnh Quảng Nam. Trước đây, cù lao này là nơi cư trú của các dân chài Chăm (tức Chàm) và dĩ nhiên mang tên Chăm. Rất tiếc hôm nay không ai còn nhớ. Về sau, qua biến đổi của lịch sử, người Chăm đã di tản đi nhiều nơi (có lẽ đông nhất là Hải Nam của Trung Quốc) và người Việt gọi địa danh này là Cù lao Chàm, nghĩa là cù lao của người Chăm cư trú trước đây.
SÔNG CAM LỘ. Sông Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị, có lẽ có nguồn gốc từ chữ Ca Lo, hay còn gọi là Khu Lu, và danh từ này đã được phiên âm ra thành Cam Lộ của ngày nay.
BỒNG MIÊU. Bồng Miêu là một vùng đồi núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Xưa kia những đồi này có nhiều vàng mà người Chăm đã từng khai thác. Chính vì vậy mà vùng này mang địa danh Chăm là Bbon Amưh (Đồi vàng), và được phiên âm thành Bồng Miêu.
TRÀ BỒNG, SƠN TRÀ, TRÀ KHÚC, TRÀ MI. Đó là những địa danh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Những từ ngữ này gợi lại những âm Chăm: Chữ Trà là phiên âm của chữ phạn Jaya (một trong 4 họ chính thống Ôn, Trà, Ma, Chế của người Chăm).
SÔNG ĐÀ RẰNG. Đó là con sông chảy qua phía nam Thành phố Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên. Từ Đà Rằng mang âm Chăm và có nguồn gốc từ chữ Dairios (tên của con sông này trước kia). Chính từ này lại được phiên âm từ chữ Dak Riong, có nghĩa là sông sâu hầm hố (từng chữ một: hầm hố liên tiếp). Từ chữ Dairios, người Việt phiên âm thành Đà Rằng.
ĐẬP ĐỒNG CAM. Đập Đồng Cam tọa lạc tại Phú Yên, nơi có đồng ruộng lúa nước lớn nhất miền Trung. Đập này xưa kia chắc chắn mang tên Chăm nhưng nay không ai còn nhớ nữa. Người Việt đặt tên đập này là Đập Đồng Chàm, nghĩa là đập của đồng lúa người Chàm trước đây. Nhưng vào thời Pháp thuộc, người Pháp viết là Cam (chữ Cam họ viết theo bộ chữ cái Chăm theo hệ thống latinh hóa của E.Aymonier trong đó chữ C mang âm Ch). Nhưng hôm nay chúng ta đọc theo chữ cái Việt thành “Cam” thay vì Cham.
VẠN GIÃ. Dãy núi trùng điệp tạo ra Đèo Cả ở bắc Khánh Hòa trước đây mang tên Kauthara (cũng là tên Tiểu vương quốc của Thánh địa Po Nagar). Nhiều học giả Chăm khẳng định từ Vạn Giã là biến dạng của chữ Kauthara vậy.
NHA TRANG. Thành phố thuộc xứ Kauthara cũ, người Chăm thường gọi là Ia Trang (Ia là nước, Trang là đan chéo) hàm ý chỉ nơi có hai luồn nước chảy đan chéo nhau. Danh từ Ia Trang được phiên âm ra thành Nha Trang ngày nay. Cũng có một nhận định khác là chữ Trang (trong Ia trang) có nghĩa là lau, sậy. Và từ Ia Trang dùng để chỉ vùng sông nước có nhiều lau sậy.