Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Sử dụng ngôn ngữ không chỉ cần đúng, hay mà còn phải có nghệ thuật (Nguyễn Đức Tồn)

Sử dụng ngôn ngữ không chỉ cần đúng, hay mà còn phải có nghệ thuật

Thời gian qua, trên lĩnh vực truyền thông đại chúng, nhất là trong thông tin quảng cáo các chương trình lễ hội lớn của đất nước, việc sử dụng ngôn ngữ đã để sót những hạt sạn không đáng có …


GS-TS Nguyễn Đức Tồn

Hoạt động ngôn ngữ trong đời sống xã hội có những hiện tượng khiến người ta cảm thấy xô bồ, thả nổi, đã làm dấy lên vấn đề cần phải có sự chuẩn mực hoá trong sử dụng ngôn ngữ nói và viết. Đối với nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu,  các nhà văn hoá, giáo dục luôn canh cánh một nỗi niềm làm thế nào có thể ban hành được Luật Ngôn ngữ để điều chỉnh các hoạt động ngôn ngữ nhằm hạn chế, loại bỏ những hạt sạn ấy! Nhân dịp đầu xuân Tân Mão, phóng viên Nhà báo và Công luận đã có dịp trò chuyện cùng GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.

PV:
 Thưa GS, những năm gần đây, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt dường như bị người ta lãng quên, bởi hiện nay trong "văn hóa nói và viết" có cảm giác là “mạnh ai nấy viết, mạnh ai nấy nói” bất kể đúng sai, GS nghĩ sao về điều này?

GS Nguyễn Đức Tồn: Năm 2010 cũng như các năm trước, nhiều vấn đề về ngôn ngữ nổi cộm  đã được đặt ra xoay quanh cuộc vận động do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khởi xướng - Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là cuộc vận động có nội dung tương đối rộng, bao hàm hầu hết các lĩnh vực của ngôn ngữ. Ví dụ như: vấn đề viết đúng chính tả. Nếu như viết sai thì không những năng lực của người viết bị phủ nhận, mà còn tai hại hơn nữa nếu như cái sai đó lại được đem trương lên các pa nô, áp phích trong một dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước thì chắc chắn nó sẽ gây ra sự phản cảm đối với người đọc, người xem, gây bất lợi cho mục đích tuyên truyền, vận động, đồng thời hạ thấp trình độ văn hoá, uy tín quản lí, lãnh đạo của một tổ chức,... và còn nhiều những nguy cơ khác nữa mà chúng ta không thể lường hết được! Chắc hẳn chúng ta còn nhớ những hạt sạn chính tả khó tẩy mờ kiểu như vậy trên băng rôn trong dịp lễ hội Đền Hùng vừa qua, dòng chữ “bánh chưng, bánh giầy” viết sai thành "bánh trưng, bánh dầy"; rồi trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, “vạch xuất phát” ở đường Thanh Niên ghi thành "vạch suất phát"(!). Đây là những lỗi sai đơn giản nhất, sâu hơn  chút nữa là vấn đề sử dụng từ ngữ.

Vấn đề sử dụng từ ngữ đúng về ý nghĩa, phong cách, hoàn cảnh nói năng… liên quan đến văn hóa trong ngôn ngữ mà ngôn ngữ học gọi là "sự trau dồi ngôn ngữ”. Chúng ta phải làm thế nào để sử dụng ngôn ngữ không chỉ đúng, hay mà cao hơn nữa còn phải sử dụng có nghệ thuật. Đó mới là cái đích cần hướng đến trong thuật ngữ “trau dồi tiếng Việt”. Vấn đề sử dụng câu chữ, hay là dùng từ đặt câu, cũng liên quan đến vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà sâu xa hơn nữa còn là vấn đề tự tôn dân tộc. Giữa từ nước ngoài và từ trong nước, từ thuần Việt và từ ngoại lai thì chúng ta nên chọn sử dụng từ nào? Hiện nay các bạn trẻ có xu hướng thích dùng các từ " tân kì", các từ nước ngoài, nhất là từ tiếng Anh. Hiện tượng này không còn chỉ bó hẹp trong giao tiếp cá nhân hằng ngày nữa, mà đã lan ra cả các phương tiện thông tin đại chúng. Tại sao không dùng các từ ngữ mà tiếng Việt đã có? Sao không dùng "buổi biểu diễn", " buổi công diễn" mà cứ phải là liveshow? Phải chăng tiếng ta không có từ để chỉ tiền thù lao buổi biểu diễn mà phải dùng từ cát-sê?

PV: Đúng vậy, sử dụng chêm từ tiếng nước ngoài hiện nay đang là một trào lưu "mốt" trong giới trẻ, đặc biệt trong ngôn ngữ “chat”, nhiều ngôn từ sử dụng đến kì lạ, rất khó hiểu và dư luận từng lên tiếng báo động về hiện trạng này đã làm vẩn đục tiếng Việt vốn rất phong phú và trong sáng, GS nghĩ sao về điều này? 

GS Nguyễn Đức Tồn: Có nhiều đồng bào Việt kiều về thăm quê hương đã tâm sự, ở nước ngoài, chúng tôi mong muốn cho con em mình thường xuyên sử dụng tiếng Việt, nên ngoài thời gian học trong trường, thì khi ở nhà, giao tiếp trong gia đình, thường chúng tôi quy định phải dùng tiếng mẹ đẻ để mọi người không quên cội nguồn.Thế nhưng trở về nước thì chúng tôi lại thấy một điều trái ngược là con em mình trong nước lại rất thích sử dụng chêm đệm các từ tiếng Anh, đặc biệt là những từ lóng. Những trường hợp này cần phải suy nghĩ, cân nhắc, nếu như sử dụng từ tiếng Anh để học tập và làm giàu vốn từ của mình thì đó là một việc rất đáng khuyến khích, nhưng sử dụng từ tiếng Anh tràn lan, tùy tiện, không đúng chỗ, không đúng mục đích thì sẽ phản tác dụng, làm hỏng cả tiếng mẹ đẻ, gây phản cảm cho những người giao tiếp xung quanh.

Đặc biệt hiện nay, nhiều người cảm thất rất bức xúc với ngôn ngữ “chát” của lớp trẻ. Ngôn ngữ “chát”, nếu đứng về mặt phong cách học, nó không có lỗi gì cả, trái lại còn đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng - đó là tầng lớp thanh thiếu niên. Cách sử dụng từ ngữ và viết các kí tự khi“chát” thoả mãn được 2 yêu cầu: nhanh và "biểu cảm" hơn.Thứ nhất, thường thì chúng ta nói nhanh hơn viết, nhiều khi viết chậm không theo kịp dòng tư tưởng cần trao đổi, nên ngôn từ “chát” được thu gọn, viết tắt tối đa; thứ hai, nhiều từ ngữ, cách nói được thể hiện qua cách viết trong ngôn ngữ "chát" có sắc thái biểu cảm rất cao, thể hiện được tình cảm âu yếm, trìu mến đối với nhau giữa các đối tượng cùng "chát". Cho nên trong các dòng tin nhắn khi "chát", người ngoài cuộc thấy có rất nhiều các hình thức diễn đạt cùng cách viết đến kỳ dị là vì vậy. Thực ra đây là một thứ biệt ngữ của giới trẻ giao tiếp trong thời đại "A còng". Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lên án hiện tượng này vì khi nhu cầu giao tiếp của đời sống đòi hỏi thì ngôn ngữ sẽ phải đáp ứng, do vậy , ngôn ngữ "chát"- tạm gọi như thế, ít nhiều có lí do riêng để ra đời và tồn tại. Trong hoàn cảnh giao tiếp có tính cá nhân khi giới thanh thiếu niên "chát" với nhau, thì việc họ sử dụng biệt ngữ của mình thiết nghĩ cũng  hoàn toàn bình thường.Ngôn ngữ "chát" thể hiện cá tính nhanh, nhạy, thích cái mới, lạ, tân kì của lớp trẻ, nhưng vì về mặt hình thức nó có nhiều điểm lệch với ngôn ngữ chuẩn mực, toàn dân nên không phải với ai, nhất là những người có tư tưởng "bài bản", truyền thống, cũng thấy thuận mắt xuôi tai và do đó không dễ gì một sớm một chiều nó được người ta chấp nhận. Đó là lí do vì sao có nhiều ý kiến hay dư luận xã hội phê phán hiện tượng này.Theo tôi nghĩ, chúng ta không nên quá khắt khe, cấm đoán, hay lên án cách sử dụng biệt ngữ của lớp trẻ khi “chát” với nhau trong phạm vi giao tiếp cá nhân, mà chỉ nên "có ý kiến" nếu họ mở rộng việc sử dụng ngôn ngữ “chát” sang các phạm vi giao tiếp chính thức, mang tính quy thức, ví dụ, khi làm bài, phát biểu trong lớp, nơi công cộng, hay khi giao tiếp với thầy cô giáo... Chân lý chỉ đúng trong một phạm vi, giới hạn nhất định của nó, nếu đẩy quá giới hạn thì nó sẽ trở thành phi lý. Vì thế, chúng ta cần  có sự thống nhất quan điểm trong xã hội, nhìn nhận vấn đề "ngôn ngữ chát" đúng đắn hơn khi nó được sử dụng đúng trong hoàn cảnh giao tiếp của nó - đó là khi lớp trẻ "chát" trong nội bộ với nhau.

PV: Thưa GS, hiện nay trong việc dạy và học của học sinh phổ thông đang có rất nhiều ý kiến bàn luận như: Có nên dạy chữ Nho cho học sinh hay không, … và cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ. Ý kiến của GS như thế nào, và với việc ra đời Luật Ngôn ngữ liệu có hạn chế được tình trạng nói và viết sai tràn lan?

GS Nguyễn Đức Tồn: Chữ Hán ngày xưa ông cha ta học và sử dụng trong thi cử... còn gọi là chữ Nho. Đây là thứ chữ Hán của văn bản cổ đại mà người Trung Quốc gọi là văn ngôn. Những người chủ trương dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông thực chất là chủ trương dạy văn ngôn chứ không phải là dạy tiếng Hán hiện đại như hiện nay trong trường phổ thông Việt Nam học sinh học môn tiếng Trung cùng các môn sinh ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, v.v... Học chữ Nho thì phát âm theo cách đọc Hán Việt, còn học chữ Hán của tiếng Hán hiện đại thì phát âm theo hệ thống ngữ âm Bắc Kinh hiện đại.

Theo tôi, không nên, không cần thiết phải dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông với tư cách là một môn học bắt buộc. Trước đây đã có một số người viết bài tỏ rõ ý kiến không đồng tình với chủ trương dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông, nhất là ý kiến trao đổi gần đây mang tính chuyên sâu hơn về ngôn ngữ học của PGS.TS Lê Xuân Thại về vấn đề này trên trang điện tử (Website) của Viện Ngôn ngữ học.

Một vấn đề nữa cũng đang được rất nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa lớn đề xuất là lập pháp trong ngôn ngữ. Hiện nay trước tình hình sử dụng ngôn ngữ có phần xô bồ, gần như thả nổi, thì rất cần phải có luật về ngôn ngữ. Hoạt động ngôn ngữ được sử dụng hầu hết trong tất cả các lĩnh vực của xã hội, từ quản lý  nhà nước đến các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục… Việc sử dụng ngôn ngữ nếu như không có tổ chức, không được chuẩn hoá, thì sẽ làm vẩn đục tiếng Việt, thậm chí có thể còn làm cho máy vi tính không thể hoạt động được để giúp cho con người trong lĩnh vực quản lí.... Ví dụ: các từ phiên âm tên riêng của cùng một người nước ngoài, được viết tách rời có gạch nối hay viết liền, tư duy con người dễ dàng nhận ra đó chỉ là cùng một tên gọi một người, nhưng máy coi đó là những tên gọi những người khác hẳn nhau. Cho nên việc xây dựng Luật Ngôn ngữ là hết sức cần thiết. Luật ngôn ngữ sẽ bao hàm nhiều nội dung như: việc chọn và tuyên bố ngôn ngữ chính thức của Nhà nước, ngôn ngữ quốc gia là ngôn ngữ nào;  vấn đề quy định, phân công chức năng, nhiệm vụ cho các ngôn ngữ cùng tồn tại trong một quốc gia; vấn đề dạy các ngôn ngữ trong nhà trường; vấn đề sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng ra sao… Ngoài ra còn vấn đề sử dụng, dạy ngoại ngữ như thế nào? Xin lưu ý là luật ngôn ngữ chỉ điều chỉnh các phạm vi giao tiếp chính thức, có tổ chức , chẳng hạn, trong giao tiếp hành chính, trong báo chí, đài phát thanh, các văn bản pháp quy... Nó không điều chỉnh hoạt động ngôn ngữ trong các phạm vi giao tiếp không chính thức của cá nhân, hay các tổ chức tôn giáo, xã hội, nghề nghiệp... Khi có luật ngôn ngữ thì tất nhiên việc sử dụng ngôn ngữ  trong các phạm vi giao tiếp có tổ chức sẽ tốt hơn, đồng thời nó cũng sẽ có tác dụng đưa ra những khuôn mẫu hướng dẫn việc sử dụng ngôn ngữ trong các phạm vi giao tiếp không chính thức như đã nêu.

PVThưa GS, Viện Ngôn ngữ học đã có truyền thống trên 40 năm, và mới đây (năm 2008) đã tách ra làm 2 viện, là Viện Ngôn ngữ học và Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam… Vậy việc này có ảnh hưởng gì đến hoạt động nghiên cứu khoa học và một số công việc khác của Viện ta hay  không?

GS Nguyễn Đức Tồn: Năm 2010 là năm ổn định và phát triển của Viện Ngôn ngữ học. Nhờ vậy, trong năm qua Viện Ngôn ngữ học đã có những bước tiến vững chắc về mọi mặt. Công tác khoa học đã được đặc biệt chú trọng. Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ (2009-2010) với 7 đề tài do Viện trưởng làm Chủ nhiệm đã được tổ chức chu đáo, mang tầm chiến lược phát triển của Viện: Các phòng chuyên môn đều chủ trì đề tài cấp Bộ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của từng phòng. Viện đã rất chú ý tạo điều kiện cho tất cả mọi cán bộ dù là nghiên cứu hay phục vụ nghiên cứu đều được tham gia vào các đề tài theo khả năng chuyên môn và năng lực của từng cá nhân để vừa có thể nâng cao về chuyên môn vừa có thu nhập cải thiện đời sống. Trong thời gian tới, Viện sẽ quyết tâm giữ vững khối đoàn kết nhất trí trong toàn cơ quan; xây dựng tốt kế hoạch 2011 và có lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch chuyên môn đã đề ra ngay từ những tháng đầu tiên của năm mới. Viện cũng sẽ chú trọng đặc biệt tới việc bồi dưỡng cán bộ khoa học trẻ mà hiện nay chiếm tới một nửa số cán bộ của Viện để có lực lượng kế tục trong những năm tiếp theo.

PVXin cảm ơn GS!
Lan Hương (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét