Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Phe phẩy (An Chi/Huệ Thiên - Năng Lượng Mới số 240 ,19-7-2013).


Phe phẩy (Năng Lượng Mới số 240 ,19-7-2013).

July 19, 2013 at 3:10am
Bạn đọc : Xin ông An Chi cho biết trong hai tiếng “phe phẩy”,  chỉ những phi vụ mua đi bán lại để  kiếm chác, thì “phẩy” nghĩa là gì và “phe” có phải là tiếng Pháp? Xin cám ơn.
                                                                      Tư Chạy Hàng, Bình Thạnh, TPHCM.
An Chi : Thực ra thì, trong trường hợp mà bạn hỏi, “phe” là một từ tiếm vị (tạm gọi là “phe2”) và “phẩy” chỉ còn là một từ ký sinh mà thôi. Mọi sự bắt đầu ở từ tổ vị từ “phe phẩy” gốc, trong đó “phe” là một từ cổ (tạm gọi là “phe1”) còn “phẩy” vẫn là một “sinh từ”, có tần số không phải là quá thấp, bây giờ vẫn còn xuất hiện trong danh ngữ “dấu phẩy”.
Ở đây, “phe1” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [披], mà âm Hán Việt hiện đại là “phi”, có nghĩa là “mở ra”, ‘banh ra”, “chia ra”, ‘xé ra”, v.v.. Chữ “phi” [披] gốc này đã đưa đến cho tiếng Việt bốn điệp thức: phayphephơiphui.
        “Phơi” thì nghĩa đã rõ ràng, như trong “phơi khô”, “phơi nắng”,v.v.. (Muốn phơi thì phải banh ra, trải ra). “Phui” là một từ cổ, vẫn còn tồn tại trong ngữ vị từ đẳng lập  “phanh phui” (“Phanh” và “phui” là hai từ gần nghĩa). “Phay” là “xắt lát”, “xé thành từng miếng”, như trong “thịt phay”, “gà xé phay”, v. v.. “Phe1” hiện nay đã trở thành một từ cổ nhưng nó còn để lại lưu tích trong văn thơ xưa, như trong câu “Mình cài xiêm lục phe đuôi phượng” của bài 57, tả cây cau, trong Hồng Đức quốc âm thi tập, hoặc trong câu “Chào người quân tử chẳng phe đuôi” của bài 70, tả con chó đá. Tiếc rằng có quyển như Từ điển từ cổ của Vương Lộc ( Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2001) lại không ghi nhận nó. Còn Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San – Đinh Văn Thiện (Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2001) thì giảng là “khe khẽ lay đi lay lại”. Chúng tôi không phủ nhận nghĩa này nhưng, với chúng tôi thì nghĩa gốc của “phe1” là “mở ra”, xoè ra”. “Phe đuôi phượng” chẳng qua là “xoè đuôi phượng”. Theo chúng tôi thì “phe phẩy” vốn là một ngữ vị từ dùng để nói về cái động tác mà người ta thực hiện với chiếc quạt. “Phe” là  mở quạt, xoè quạt (loại quạt có nan) còn “phẩy” là phất qua phất lại. Chính là từ cái nghĩa gốc này mà về sau, từ “phe1” mới có nghĩa là “khe khẽ lay đi lay lại”.
Trở lại với trường hợp mà bạn hỏi, xin nói rằng “phe2” đã được Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng – Vietlex, 2007) giảng là thuộc về khẩu ngữ và có nghĩa là “làm việc mua đi bán lại bất cứ hàng hoá gì để kiếm lãi [hàm ý coi thường]”. Tiền thân của từ “phe2” đã có từ thời còn mồ ma thực dân Pháp: đó là hai tiếng “áp-phe” mà dân ta đã phiên âm từ tiếng Pháp “affaire” để chỉ những vụ làm ăn lớn. Sau giải phóng, cái đầu “áp” đã bị chặt bỏ nhưng cái đuôi “phe” thì vẫn được giữ lại để chỉ cái nghĩa mà từ điển Vietlex đã giảng. Vậy thì dù từ “áp-phe” đã mất đầu nhưng cái đuôi “phe” còn lại vẫn là một hình vị gốc Pháp, đúng như bạn đã nêu trong câu hỏi. Chúng tôi đã dùng danh ngữ “tiếng ngoại tịch” làm thuật ngữ để chỉ loại hình vị này, một thuật ngữ mà TS Lê Trung Hoa cho là ngữ học không có nói đến.
Bạn cũng đã đặt vấn đề: Trong trường hợp đang xét thì “phẩy” nghĩa là gì? Xin trả lời rằng từ này chỉ có nghĩa khi nó đi đôi với ‘phe1” để tạo thành từ tổ đẳng lập “phe1 phẩy”, mà Từ điển tiếng Việtcủa Trung tâm Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên giảng là “đưa qua đưa lại vật mỏng, nhẹ một cách nhẹ nhầng [nói khái quát]”. Nhưng khi đứng bên cạnh “phe 2” thì “phẩy” không có vai trò gì về tạo từ và ngữ nghĩa. Vì vậy nên chúng tôi mới gọi nó là một từ ký sinh ( còn “phe2” là một từ tiếm vị). Sự chiếm chỗ kiểu này – như của “phe2” đối với “phe1” – là một  điểm đặc biệt trong tiếng Việt để tạo ra tính xấu nghĩa mà thỉnh thoảng chúng tôi có nói đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét