Tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đương đầu với một đối thủ có tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội, trong lịch sử 200 năm lập nước chưa từng nếm mùi thất bại, để chiến thắng, Việt Nam rất cần sự ủng hộ của tất cả các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đặc biệt là của Liên Xô - đồng minh chiến lược, trụ cột của phe XHCN. Quan hệ với Liên Xô là một trong những trục chính, quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, trong đó, đồng thuận và không đồng thuậnlà hai mặt của mối quan hệ, thay đổi tùy thời điểm, thể hiện khá rõ nét trong giại đoạn 1954-1964.
1. Ngược dòng lịch sử
Việt Nam và Liên Xô tuy xa cách nhau hàng vạn dặm, nhưng giữa hai dân tộc đã có sự tiếp xúc với nhau từ rất sớm. Theo nguồn sử liệu Nga thì vào năm 1891, trong chuyến du khảo Viễn Đông, “một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Nga là Sa hoàng Nikolai Đệ nhị - khi còn là Thái tử - đã viếng thăm Sài Gòn trên chiến hạm Azov”[2]. Tuy nhiên, mối quan hệ gần gũi giữa hai dân tộc Việt- Nga chỉ thực sự bắt đầu từ sau Cách mạng tháng Mười (1917) thông qua vai trò của Nguyễn Ái Quốc - người cộng sản đầu tiên ở Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc đã lĩnh hội tư tưởng và tiếp xúc với ánh sáng của Cách mạng tháng Mười, lựa chọn con đường cách mạng vô sản, bởi Người “hoàn toàn tin theo Lê-nin”[3]. Tháng 6-1923, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã sang Moscow. Tại đây, Người đã thiết lập đường dây liên lạc Moscow - Paris - Việt Nam, phá vỡ sự đơn độc, thế cô lập của cách mạng Việt Nam, kết gắn cách mạng Việt Nam với Liên Xô - trung tâm cách mạng thế giới.
Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến và chỉ không đầy một tuần sau đó đã đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Nhà nước Việt Nam mới vừa ra đời đã phải đối mặt với những thách thức tồn vong, ở trong tình thế không đồng minh, không tiền và hầu như không có vũ khí. Nhằm phá thế bao vây, cô lập, trên cơ sở “thống nhất bên trong, tìm bạn bên ngoài”, đoàn kết với giai cấp vô sản và nhân dân các nước, Việt Nam tìm mọi cách liên lạc với Liên Xô. Ngày 22-9-1945- 20 ngày sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mật điện choI.V.Xtalin(qua Đại sứ Liên Xô A.E.Bogomolov tại Pháp), thông báo khẩn cấp về tình hình cách mạng Việt Nam: “Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được thành lập dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 25 – 8-1945, Hoàng đế Bảo Đại thoái vị và chuyển giao chính quyền cho Chính phủ mới được toàn dân ủng hộ”[4]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề nghị Liên Xô giúp đỡ ở mức độ có thể, vì “hệ thống đê điều bị hệ thống đê điều bị phá vỡ, một nửa Bắc Bộ bị ngập lụt, gây thiệt hại to lớn, dân bắt đầu chết đói”[5]. Tuy nhiên, bức công điện đã không nhận được sự trả lời. Dù vậy, ngày 21-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi tới Chính phủ Liên Xô bức công hàm chính thức, song bức công hàm này cũng cùng chung số phận với bức công điện trên[6]. Liên tiếp từ tháng 9 đến tháng 10-1945, từ Paris, những bức điện khẩn của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục được chuyển tới Moscow và theo I.V.Bukharkin, thì “Moscow tiếp nhận những bức điện khẩn của lãnh đạo Việt Nam với thái độ khá dè dặt”[7]. Cuối năm 1946, khi thực dân Pháp liên tục gây hấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẩn thiết đề nghị Liên hiệp quốc, đặc biệt là các Chính phủ Liên Xô, Mỹ, Anh, Trung Quốc nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn hành động thiếu đạo lý đó; yêu cầu Liên Xô và các nước “khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ”[8]. Tiếc rằng, các nước lớn(gồm cả Liên Xô) đã có lập trường tiêu cực trước nguyện vọng chính đáng và những đề nghị hợp tình, hợp lý của Việt Nam.
Năm 1950, cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có những thay đổi căn bản theo chiều hướng tích cực. Thế và lực của cách mạng Việt Nam dần vững mạnh hơn. Đến thời điểm này, đã hội tụ đầy đủ những điều kiện khách quan, chủ quan cần thiết cho việc đề nghị các nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày 14-1-1950, Chính phủ Việt Nam tuyên bố “sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”[9]. Trên tinh thần đó, ngày 23-1-1950, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi công hàm cho Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, đề nghị hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao chính thức và trao đổi đại sứ. Ngày 30-1-1950, Liên Xô đáp lại công hàm, đồng ý thiết lập quan hệ. Sau sự kiện trên, tháng 2-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật thăm không chính thức Liên Xô, nhằm thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai nước và yêu cầu viện trợ. Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Lý Kiện thì trước yêu cầu viện trợ của Hồ Chí Minh, I.V.Xtalin dùngdằng chưa quyết định ngay, song sau khi thương lượng với Mao Trạch Đông, “Chính phủ hai nước Trung Quốc, Liên Xô nhanh chóng đi tới thoả thuận”[10], theo đó, “trách nhiệm giúp Việt Nam chống Pháp chủ yếu vẫn do Trung Quốc đảm nhận, vì Trung Quốc và Việt Nam có nhiều mối liên hệ trong quá khứ cũng như hiện tại”[11]. I.V.Xtalin nói thêm:"Chúng tôi đã đánh xong đại chiến thế giới, còn rất nhiều vũ khí dùng chưa hết, chúng tôi có thể chở sang Trung Quốc, các đồng chí giữ lấy, trong đó có những thứ phù hợp với chiến tranh Việt Nam, các đồng chí cũng có thể chở một số sang Việt Nam”[12].
Tháng 5-1954, Hội nghị Geneve về Đông Dương nhóm họp. Triệu tập Hội nghị Giơnevơ, Liên Xô không chỉ quan tâm giải quyết vấn đề Đông Dương, mà qua đó hy vọng lôi kéo Pháp trong việc bác bỏ Khối phòng thủ Châu Âu, giữ nguyên hiện trạng Châu Âu. Giữ quan hệ Pháp - Tưởng làm đối trọng, chống âm mưu gây chiến mà Mỹ theo đuổi, vì thế, giải pháp do Liên Xô, Trung Quốc phối hợp với Anh, Pháp đề xuất thể hiện tư tưởng “chung sống hoà bình” giữa các nước lớn trong thương lượng. Với một nửa nước hoàn toàn giải phóng,Việt Nam giành được sự công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản.
Như vậy, cho đến năm 1954, thái độ của Liên Xô đối với Việt Nam khá thận trọng, “thân không gần, xa không lạnh”. Lý giải vấn đề này, nhà sử học I.A. Koroneva cho rằng, “Việt Nam và Đông Dương chưa phải là mối quan tâm thực sự của Liên Xô bởi vị trí địa lý xa xôi của nó”[13]; đồng thời, tin tức về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với Moscow chậm chạp, không được đầy đủ. Tuy nhiên, I.A. Koroneva cũng nhấn mạnh nguyên nhân chính là ở chỗ Liên Xô không muốn đụng chạm đến quyền lợi của Pháp ở Đông Dương và “chưa hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam”[14]. Nhà nghiên cứu M.M.Ilinski tiết lộ thêm một thông tin: Trong cuộc gặp gỡ với Mao Trạch Đông vào tháng 12-1949, nhân bàn đến vấn đề Việt Nam, I.V. Xtalin đã phát biểu: "Các đồng chí hãy tự quyết định lấy mọi việc! Về phía chúng tôi, nếu cần, chúng tôi sẽ ủng hộ và giúp đỡ. Có điều, hãy thông báo tình hình thường xuyên!"[15]. Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 17-3-1950 cho thấy Liên Xô đã đồng ý để "Trung Quốc đại diện cho quyền lợi của mình tại Việt Nam"[16]. Có thể thấy rằng, thời gian này,Liên Xô đang bận khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định an ninh vòng cung Đông Âu, nênthỏa thuận để Việt Nam thuộc vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Cũng cần nói thêm rằng, tuy quan hệ không thật gần gũi, song từ năm 1950 trở đi, Liên Xô bắt đầu viện trợ những khoản vật chất quan trọng cho Việt Nam. Số lượng hàng đầu tiên gồm “pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải môtôrôla và thuốc quân y”[17]. Nhìn chung, nếu từ tháng 5-1950 đến tháng 6-1954, Việt Nam nhận được 21.517 tấn hàng viện trợ quốc tế với tổng trị giá 54 triệu rúp từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác, thì trong đó “toàn bộ pháo cao xạ 37 ly- 76 khẩu, toàn bộ hỏa tiễn (cachiusa), toàn bộ số tiểu liên K50, phần lớn số ôtô vận tải 685 trên tổng số 745 chiếc và một số lượng lớn thuốc kháng sinh ký ninh là của Liên Xô”[18].
2. Êm ấm nhưng không mặn mà
Hiệp định Geneve ký chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến tranh,chia cắt lâu dài Việt Nam, ngăn chặn sự phát triển của CNXH ở Đông Nam Á. Về chính sách của Mỹ ở Việt Nam, G. Kennơdy tuyên bố: “Việt Nam là hòn đá tảng của thế giới tự do ở Đông Nam Á. Đó là con đẻ của chúng ta, chúng ta không thể từ bỏ nó”[19] và Mỹ đang cố hết sức biến miền Nam Việt Nam thành pháo đài chống cộng.
Đứng trước tình hình đó, tháng 7-1954, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6, đánh giá sự chuyển biến tình hình, đề ra nhiệm vụ mới, quyết định chủ trương, phương châm, sách lược đấu tranh của cách mạng Việt Nam, thực hiện mục tiêu bất di, bất dịch: “Củng cố hoà bình và thực hiện thống nhất, hoà bình độc lập và dân chủ trong toàn quốc"[20]. Hội nghị xác định chính sách ngoại giao là xây dựng và phát triển quan hệ với bất cứ nước nào “dựa theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên đều có lợi và tôn trọng lãnh thổ, chủ quyền của nhau”[21]và nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố tình đoàn kết hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, thực hiện việc phối hợp chặt chẽ với các nước anh em trong hoạt động quốc tế và đấu tranh ngoại giao. Vì thế, từ năm 1956- 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục dẫn đầu các đoàn đại biểu Việt Nam đi thăm Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Về phía Liên Xô, trong hai năm 1956-1957, những chuyến thăm con thoi của các đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô đầu tiên cũng đã tới thăm Việt Nam[22]. Trên trường quốc tế, Liên Xô thường xuyên lên án chính quyền Sài Gòn, nêu cao vai trò của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đấu tranh để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có đại diện ở các tổ chức quốc tế có miền Nam Cộng hòa tham gia. Tháng 1-1957 và tháng 10-1958, Liên Xô đã kịch liệt phản đối kiến nghị của Mỹ và 12 nước khác về việc kết nạp miền Nam và Nam Triều Tiên vào Liên hiệp quốc.
Cũng cần phải nhận thấy rằng, bên cạnh những yếu tố tích cực, quan hệ Việt Nam – Liên Xô cũng còn có những mặt không thuận: Một là, mặc dù vẫn ủng hộ Việt Nam thi hành các điều khoản của Hiệp định Geneve, nhưng Liên Xô phản ứng một cách dè dặt trước những hành động phá hoại Hiệp định của Mỹ – Diệm và để xoa dịu tình hình, thậm chí Liên Xô đã đưa ra đề nghị kết nạp cả miền Nam, Bắc Việt Nam vào Liên hiệp quốc như hai quốc gia riêng biệt vào năm 1957; hai là, trong so sánh với các nước châu Á khác, quan hệ Xô – Việt có một vị trí mờ nhạt, dù Việt Nam có một ưu thế hơn hẳn là cùng chung ý thức hệ (tháng 2 -1957, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô đã đi thăm Ấn Độ, Miến Điện, song lại không tới Việt Nam, mà lý ra, đây phải là điểm dừng chân thuận lý nhất và viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam so với viện trợ cho các nước không theo con đường XHCN ở châu Á còn tương đối khiêm tốn); ba là, các hoạt động viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam thường thiên về viện trợ kinh tế, giúp miền Bắc củng cố và xây dựng CNXH; tâm lý e sợ “một đốm lửa đốt cháy cả cánh rừng” khiến Liên Xô hạn chế viện trợ quân sự, cung cấp rất ít vũ khí cho cuộc đấu tranh tranh vũ trang ở miền Nam Việt Nam[23].
Trong những khúc mắc nêu trên, vấn đề được coi là nổi cộm nhất trong quan hệ Việt – Xô thời kỳ này là việc Liên Xô chủ trương giữ nguyên hiện trạng Việt Nam và thống nhất bằng thương lượng theo công thức “cùng tồn tại hòa bình". Quyết định của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (khoá II, 1 -1959) về phát động đấu tranh vũ trang, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công đã không được Liên Xô ủng hộ. Theo nhà sử học P.G.Tikhonov, "quyết định này của Đảng Lao động Việt Nam đã khiến Moscow không hài lòng. Các nhà lãnh đạo Liên Xô lo ngại đây sẽ là cái cớ để các nước SEATO tham dự vào chiến tranh, thổi bùng ngọn lửa xung đột trên phạm vi rộng”[24]. Trên thực tế, Liên Xô vẫn bảo vệ quan điểm này ngay cả khi thực tiễn cách mạng miền Nam vận động và cho thấy khả năng này là không hiện thực.
Cũng cần phải nói thêm rằng, tuy giữ thái độ thận trọng với vai trò “quan sát viên", song Liên Xô đã tích cực viện trợ không hoàn lại, cho Việt Nam vay các khoản ưu đãi, vay dài hạn; giúp chuyên gia, thiết bị và kỹ thuật trong các kế hoạch kinh tế 1954-1957, 1957-1960, 1961-1964... Với sự trợ giúp đó, Việt Nam đã chủ động sản xuất được một số máy móc, trang thiết bị đơn giản, phục vụ những nhu cầu cấp thiết về kinh tế và quốc phòng: Sản xuất được 46% năng lượng điện, 90% than đá, hơn 80% máy cắt kim loại, 100% apatit, thiết, supe phốt phát được khai thác và sản xuất ở Việt Nam[25]. Những năm 1955-1960, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam một khối lượng hàng quân sự là 29.996 tấn[26], gồm hàng hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Sự giúp đỡ đó đối với Việt Nam đang gồng mình chống Mỹ quả là quý báu.
3. Căng thẳng nhưng không rạn vỡ
Có một thực tế là từ năm 1963, quan hệ Việt – Xô không giữ được mãi ở thế thăng bằng và bước vào khúc ngoặt không mong muốn. Trong khi quan hệ Xô-Trung ngày càng trở nên căng thẳng, Trung Quốc tăng cường tập hợp lực lượng chống Liên Xô, để cân bằng tương quan lực lượng giữa Xô- Mỹ- Trung, hướng đối ngoại chiến lược lúc này của Liên Xô là tranh thủ những nước lớn ở châu Á không phải là nước XHCN như Indonexia, Ấn Độ, Miến Điện... - những nước có vai trò trực tiếp, tác động đến tam giác Xô- Mỹ- Trung. Sự thiếu quan tâm của Liên Xô đối với Việt Nam thể hiện qua việc vắng bóng những chuyến viếng thăm của các đoàn cán bộ cao cấp Liên Xô. Đoàn lớn nhất cũng chỉ do Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Mukhidinop dẫn đầu sang dự Đại hội lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam. Liên Xô cũng chỉ cử đoàn quan sự cấp thấp do Đại tướng Patov, Phó Tổng tham mưu trưởng dẫn đầu sang thăm Việt Nam; trong khi đó, vào tháng 3-1963, đến Inđônêxia là những khuôn mặt danh giá của nền quân sự Xô –viết, đồng thời cũng là bộ ba biểu thị sức mạnh quân sự - quốc phòng: Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Không quân và Tư lệnh Hải quân[27]. Bên cạnh đó, tháng 1-1963, Liên Xô còn làm trung gian chuyển cho ta gợi ý của Mỹ về việc trung lập hoá hai miền và muốn đưa vấn đề Đông Dương ra thảo luận tại Liên hiệp quốc.
Tháng 12-1963, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhóm họp, quyết định một số vấn đề quan trọng về đường lối cách mạng Việt Nam, về quan hệ quốc tế, trong đó có chủ trương phải thắng đế quốc Mỹ trong “Chiến tranh đặc biệt” và “chống chủ nghĩa xét lại hiện đại” dựa trên quan điểm: "Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc hiện nay không thể tách rời cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh là nguy cơ chủ yếu trong phong trào cộng sản quốc tế"[28]. Đặt cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo cách mạng thế giới, Hội nghị đồng thời nhấn mạnh hai nhiệm vụ: 1). Đấu tranh chống “chủ nghĩa xét lại hiện đại”, cơ hội và giáo điều; 2). Tăng cường đoàn kết quốc tế, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin. Hội nghị đánh giá có chiều hướng cực đoan và rơi vào tình trạng quá "tả“ khi nâng cao quan điểm về sự nguy hiểm của chủ nghĩa xét lại hiện đại: "Những người theo chủ nghĩa xét lại làm tổn thương nặng đến tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước anh em, nhất là giữa Liên Xô và Trung Quốc, đánh vào trụ cột đoàn kết của cả phe ta"[29]; "về lý luận và tư tưởng, chủ nghĩa xét lại bất cứ dưới màu sắc gì, cũng nguy hiểm"[30]. Hội nghị đã cường điệu, quá nhấn mạnh đến đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại, có chiều hướng ngả sang Trung Quốc, thân Trung Quốc, gây những trở ngại nhất định trong quan hệ với Liên Xô. Bình luận về những quan điểm của Hội nghị Trung ương 9, Mari Olsen cho rằng, "Hội nghị Trung ương lần thứ Chín năm 1963 là bước đệm cuối cùng, đánh dấu việc Hà Nội tách hẳn khỏi đường lối chính sách đối ngoại của Moscow"[31]. Giáo sư sử học V.V. Ivanov đánh giá sự kiện này như sau: "Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9-1963, những nhà lãnh đạo Việt Nam chính thức quy kết Liên Xô là xét lại hiện đại, là nhu nhược trong thái độ đối với chủ nghĩa đế quốc và lựa chọn lý luận chiến tranh cách mạng của Mao Trạch Đông"[32]. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 9, quan hệ Việt - Xô xấu đi trông thấy, Liên Xô tỏ thái độ ngày càng gay gắt đối với Việt Nam. Việt Nam rút lưu học sinh học tập các ngành khoa học xã hội ở Liên Xô về nước. Liên Xô "cắt giảm viện trợ kinh tế cho Việt Nam tới 30% và đòi Việt Nam gấp rút thanh toán những món nợ hiện có" [33]– điều Việt Nam khó lòng thực hiện được.
Chuyến thăm Liên Xô cuối tháng 1-1964 của đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu có mục tiêu củng cố, không làm sứt mẻ thêm nữa quan hệ hai nước, song như đánh giá của Mari Olsen thì "kết quả chuyến thăm không làm hài lòng người Việt Nam và có thể kết luận là chuyến đi thất bại"[34], bởi vì "nếu ý định ban đầu là giải thích các quyết định đưa ra ở Hội nghị 9 và nhờ người Nga giúp đỡ cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam, thì ông Lê Duẩn đã rời Moscow mà không đạt được điều gì"[35]. Nhà nghiên cứu người Nga I. Gaiduk thuật lại: "Báo Pravda đăng một bài ngắn gọn về chuyến thăm của những người Việt Nam này mà không có một lời tiết lộ nào về mục đích của chuyến đi. Độc giả đã có thể cho là những con người Việt Nam này đến chủ yếu là để thăm quan Moskva, Lăng Lê-nin, Cung điện Thanh niên, Nhà hát lớn"[36]. V.I. Gaiduk cho rằng, rõ ràng giữa hai nước có nhiều bất đồng hơn là nhất trí và các nhà lãnh đạo Xô viết đã không thoả mãn với lập trường của Hà Nội. Ngày 6-7-1964, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô gửi Trung ương Đảng CSVN một bức thư, bày tỏ: “Trong thời gian gần đây, một số hoạt động của các đồng chí trong Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã làm cho chúng tôi nghi ngại và phiền lòng, vì những hành động đó rõ ràng đi ngược lại những lời tuyên bố của các đại biểu Việt Nam về tình hữu nghị Xô – Việt"[37]. Bức thư cũng quả quyết: "Một chiến dịch không thân thiện chống Liên Xô gần đây được tiến hành ngày càng rộng rãi và tích cực tại nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa… Trong các Hội nghị bí mật của Đảng và trong nhân dân đã phổ biến rộng rãi đủ điều bịa đặt nhằm reo rắc sự hoài nghi đối với đất nước của Lênin”[38]. Ngày 27-7-1964, Liên Xô ra tuyên bố dọa từ nhiệm khỏi chức Đồng Chủ tịch Hội nghị Geneva. Mặc dù lời tuyên bố không thành hiện thực, nhưng một mặt nó thể hiện sự lo ngại và không bằng lòng của Liên Xô trước việc Việt Nam quyết tâm thực hiện chính sách dùng chiến tranh cách mạng thống nhất đất nước; mặt khác, nó cũng cho thấy sự không hài lòng của Liên Xô trước việc Việt Nam xích gần lại với Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước đầu năm 1964 khá căng thẳng, tuy nhiên, Liên Xô đã không cắt quan hệ với Việt Nam như đã làm với Albani và Trung Quốc.
* *
*
Diễn biến quan hệ Việt – Xô những năm 1954-1964 cho thấy: Trong cục diện chiến tranh Lạnh và đối đầu, hòa hoãn Đông – Tây, Liên Xô thực hiện một chính sách đối ngoại khôn ngoan, tránh dính líu trực tiếp vào các cuộc tranh chấp, xung đột quân sự. Đối với phong trào giải phóng dân tộc, Liên Xô cũng có sự điều chỉnh nhất định, không can thiệp sâu và trực tiếp. Chủ trương hoà hoãn Xô - Mỹ buộc Liên Xô thừa nhận khu vực ảnh hưởng của Mỹ ở Châu Á và lúc này Đông Nam Á nói chung, Đông Dương nói riêng không phải là mối quan tâm hàng đầu của Liên Xô. Cũng lưu ý thêm một điều: Tuy còn nhiều khoảng cách, song Liên Xô không buông hẳn quan hệ với Việt Nam. Bởi với chiến thắng Điện Biên Phủ, với việc ký kết Hiệp định Gieneve và vị thế trên tuyến đầu chống Mỹ, Việt Namhoàn toàn có thể đáp ứng được mục tiêu đối ngoại của Liên Xô là mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương, ngăn chặn chính sách dính lứu sâu vào Đông Dương của Mỹ.
Một cách tổng quát, quan hệ giữa hai nước bắt đầu phát triển tuy chậm, nhưng cho đến năm 1962 vẫn giữ thế ổn định theo hướng đi lên. Quan hệ chính trị - ngoại giao được củng cố, chuyển dần từ tính chất xã giao sang hữu nghị và tiến tới quan hệ đồng minh. Nhận định về quan hệ Việt – Xô thời kỳ này, I.V.Bukharkin cho rằng, quan hệ giữa hai nước “ngày càng có màu sắc tin cậy, quen thuộc, không có bất kỳ một nhân tố nào mang sắc thái bảo hộ từ phía Liên Xô”[39]. Tuy nhiên, đáng tiếc rằng, do những lý do khách quan, chủ quan, quan hệ hai nước đi xuống thấp nhất từ cuối năm 1963 đến giữa năm 1964. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô giai đoạn này minh chứng cho một nguyên tắc chung trong xử lý quan hệ giữa các quốc gia là “không có bạn vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có lợi ích vĩnh viễn" (Lord Parmerston). Điều đó có nghĩa rằng, sự thăng, trầm, mức độ thân, sơ, nóng, lạnh trong quan hệ giữa các quốc gia bị chi phối và được quyết định bởi chính lợi ích quốc gia, dân tộc. Hiện nay, trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, khuynh hướng này vừa là sự tiếp nối lịch sử, vừa là vấn đề hiện thực mà Việt Nam phải tỉnh táo nhận biết, tỉnh táo trong hành động và tỉnh táo trong xử lý các mối quan hệ gần, xa.
[2]Thúy Anh, “Việt Nam trong con mắt những người Nga 100 năm trước”, Nhịp cầu thế giới Online, ngày 11-01-2011.
[3]Hồ Chí Minh , Về Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 126.
[4]Бухаркин И.В, “Кремль и Хо Ши Мин 1945-1969”, Новая и новейшая история, № 3, 1998, стр. 28.
[5]Бухаркин И.В,“Кремль и Хо Ши Мин 1945-1969”, Tk, № 3, стр. 28.
[6]Бухаркин И.В,“Кремль и Хо Ши Мин 1945-1969”, Tk, № 3, стр. 28.
[7]Бухаркин И.В, “Кремль и Хо Ши Мин 1945-1969”, Tk, № 3, стр. 29.
[8]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 171.
[9]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sdđ, tr. 8.
[10]Lý Kiện (biên soạn), Trung – Xô – Mỹ cuộc đối đầu lịch sử, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2008, tr. 527.
[11]Lý Kiện (biên soạn,), Trung – Xô – Mỹ cuộc đối đầu lịch sử, Sdđ, tr. 527.
[12]Lý Kiện (biên soạn,), Trung – Xô – Mỹ cuộc đối đầu lịch sử, Sdđ, tr. 527
[13]Конорева И.А, Геополитические интересы СССР и США в Юго-Восточной Азии в контекстеПервой индокитайской войны (середина 40-х – начало 50-х годов ХХ в),Ученые записки Курского государственного университета. 2008. №1, ctp. 99.
[14]Конорева И.А, Геополитические интересы СССР и США в Юго-Восточной Азии в контексте Первой индокитайской войны (середина 40-х – начало 50-х годов ХХ в), Tk, №1, ctp.. 100.
[15]Илинский.М.М, Вьетнамский синдром, война разведок, М.ЗКСМО, 2005, стр. 16.
[16]РГАСРИ.Ф.17.он.3.Д.1080.Л.55.
[17]Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 412.
[18]Tập tài liệu về nhu cầu giao nhận và phân phối hàng viện trợ năm 1952, 1953, 1954,Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Phông PTT, ĐVBQ 2167..
[19]Mac.Namara, Nhìn lại quá khứ – Tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 43.
[20]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
[21]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 23, Sdđ, tr. 304.
[22]Tháng 5-1956 - Đoàn do Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Micaian dẫn đầu; tháng 5-1957- Đoàn do Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô Vôrôsilôp dẫn đầu.
[23]Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, Về quan hệ Việt-Xô trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Hà Nội, 1985, tr. 15.
[24]Г.Г.Тихонов, "Взаимоотношения СССР, КНР и ДРП в первой половине 60в-годов ХХ века", Вестник СамГУ, 2008, №4 (63), стр. 172.
[25]M.P.Ixaep-A.X Trécnưsep, Quan hệ Xô-Việt, Nxb. Tư tưởng, Matxcơva, 1975, Bản dịch lưu tại Viện Sử học, tr. 157.
[26]Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Hồ sơ 795, sô 15.
[27]Gareth Porter (ed.) Vietnam: The Definitive Documentation of Human Decision, Vol. II, New York, 1979.
[28]Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đảng toàn tập, tập 24, Sdđ, tr. 738..
[29]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 24, Sdđ, tr. 738..
[30]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 24, Sdđ, tr. 740..
[31]Mari Olsen, Soviet - Vietnam Relations and the Role of China, 1949-1964, Nxb. Routledge, 2006, tr.134.
[32]В.В.Иванов, "Советско-въетнамское сотрундничество и позиция КНР в 1965-1967 гг", Руссия и АРТ, 2010, №4, стр. 67.
[33]В.В.Иванов, "Советско-въетнамское сотрундничество и позиция КНР в 1965-1967 гг", Tk, №4, стр. 69.
[34]Mari Olsen (2006), Soviet - Vietnam Relations and the Role of China, 1949-1964, Sdđ,tr. 243.
[35]Mari Olsen (2006), Soviet - Vietnam Relations and the Role of China, 1949-1964, Sdđ,tr. 243.
[36]Gaiđuk. V.I, Liên bang Xô-viết và chiến tranh Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, tr. 28.
[37]Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, Về quan hệ Việt-Xô trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Sdd,. 12.
[38]Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, Về quan hệ Việt-Xô trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Hà Nội, 1985, tr. 12.
[39]Бухаркин И.В, “Кремль и Хо Ши Мин 1945-1969”, Tk, № 3, стр. 32.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét