Chiến tranh kết thúc, đa số những người vợ lính lê dương đều tìm cách xuất ngoại theo chồng, hoặc tìm đến vùng khác định cư. Tuy nhiên, ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Phú Thọ (Phú Thọ) vẫn còn vài người và mấy chục người con lai bám trụ sinh sống.
Bà Lê Thị Mùi và người con cả Mohamet Bennaly |
Chiến tranh kết thúc, đa số những người vợ lính lê dương đều tìm cách xuất ngoại theo chồng, hoặc tìm đến vùng khác định cư. Tuy nhiên, nơi rừng xanh núi đỏ này vẫn còn vài người và mấy chục người con lai bám trụ sinh sống.
Bà Lê Thị Mùi trông rất gầy gò, song trên khuôn mặt vẫn ẩn hiện những nét thanh tú. Bà sinh ra ở Quảng Ninh, nhưng cụ thể ở xã nào, huyện nào thì bà không nhớ.
Năm 1945, khi ấy Mùi mới khoảng 5-6 tuổi, quân Nhật đổ bộ bằng đường biển vào Hải Phòng, Quảng Ninh. Bố Mùi bị gục ngã trước làn đạn của phát xít Nhật khi đang cùng mẹ con Mùi chạy giặc, sau đó mẹ Mùi không biết lưu lạc nơi đâu. Một người thương bé bơ vơ đã dẫn ra Hải Phòng rồi xin cho đi ở.
Suốt 10 năm trời bé Mùi cứ lang thang hết gia đình này đến gia đình khác để ở đợ, làm mướn sống qua ngày. Có năm bé phải ở cho một kẻ giàu có, bị đánh đập suốt ngày.
Một lần bé bỏ trốn, nhưng bị hắn bắt lại. Hắn dùng dây thép gai buộc chân bé rồi treo lên xà nhà đánh đập. Một lần khác bỏ trốn không thành, Mùi bị hắn trừng phạt bằng cách dùng dao xẻo tai. (Sợ tôi không tin, bà Mùi vén mái tóc lên và tôi hãi hùng nhận ra tai trái của bà chỉ còn không quá một nửa).
Ngày quân ta tiếp quản Hải Phòng cũng là ngày Mùi đổi đời, từ một kẻ ở đợ trở thành thanh niên xung phong. Cùng với hàng ngàn thiếu nữ đất cảng, Mùi có mặt ở khắp các tỉnh như Lào Cai, Lạng Sơn, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... nơi có những tuyến đường sắt thường xuyên bị bom đạn quân thù bắn phá. Năm 1958, theo điều động, Mùi về Ba Vì và làm công nhân ở nông trường chè.
Năm ấy, ở cạnh nông trường chè, nơi Mùi làm công nhân có một nông trường mang tên Việt Phi 1, hay còn gọi là trại Việt Nam mới. Đây vốn là nơi quản lý, cải tạo hàng binh Pháp.
Tại đây, Mùi đã gặp một hàng binh người Marốc đẹp trai tên là Mohamet Mizit. Họ yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên nơi đồi chè ngàn ngạt gió. Đám cưới được chính quyền tổ chức, chỉ có bánh kẹo, nước chè, song cả hai đều cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện.
Sau 10 năm sống chung, vợ chồng Mùi sinh được 3 người con trai gồm Lê Tuấn Bình (Mohamet Bennaly), Lê Văn Chiến (Mohamet Bennaptala) và Lê Văn Đường (Mohamet Budama).
Năm 1968, giặc Mỹ liên tục bắn phá miền Bắc. Khu vực Ba Vì, Sơn Tây thường xuyên bị máy bay Mỹ oanh tạc. Nông trường Việt Phi 1 di chuyển lên vùng rừng núi rậm rạp Yên Bái và lấy tên là nông trường Việt Phi 2. Được sự rèn luyện, dạy dỗ của cha, mấy anh em đều nói thành thạo tiếng Marốc.
Ông Mohamet Mizit vẫn tự hào kể cho các con nghe về gia đình ở bên Marốc. Dòng họ quản lý một lúc nhiều Cty lớn, có máy bay riêng, sở hữu riêng một sân vận động? Lúc 20 tuổi, Mizit đã là trợ lý của cha và tương lai sẽ trở thành tổng giám đốc.
Tuy nhiên, một hôm, khi Mizit đang đi chơi cùng ba người bạn thì bị lính Pháp vây bắt. 4 thanh niên bị trói gô chân tay và bị bịt mắt suốt 8 ngày đêm. Khi nhìn thấy ánh sáng mới biết mình đang ở một đất nước nhiệt đới xa xôi mà chưa bao giờ nghe nhắc đến.
Mizit cùng hàng vạn thanh niên Marốc phải cầm súng bắn vào những người dân da vàng, trong khi họ đều ý thức rằng, kẻ thù thực sự của họ chính là thực dân Pháp.
Cuộc sống ở vùng rừng Yên Bái tuy vất vả, nhưng vợ chồng bà Mùi rất yêu thương nhau. Ông Mizit ngày ngày cùng mấy người con vào rừng hái măng, lấy củi. Tuy nhiên, một nỗi đau lớn bất chợt ập đến khi ông Mizit mắc bệnh xơ gan cổ trướng.
Giữa những ngày mưa bom bão đạn khắp miền Bắc thì ông Mizit tắt thở ở bệnh viện sơ tán trên Yên Bái. Mấy mẹ con ôm xác ông chôn trong rừng. Chiến tranh loạn lạc, mấy mẹ con bà Mùi cứ sơ tán hết vùng này đến vùng khác và điểm cuối cùng là làng Xã Hội, thuộc huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, thành thử, khi quay lại nông trường Việt Phi 2, bà Mùi không còn nhớ nơi chôn xác chồng.
Năm 1972, Nhà nước có chính sách đưa hàng binh và con cháu của họ về quê hương. 3 anh em Bình cũng nằm trong diện được đi. Trước khi nhắm mắt, ông Mizit đã kịp liên lạc về Marốc thông báo cho cha và hai người chị gái biết rằng, mình còn có người vợ và ba đứa con ở Việt Nam, do vậy, ông nội của anh em Bình đã liên lạc sang Đại sứ quán ở Việt Nam và nhờ họ đưa con dâu cùng mấy người cháu về nước.
Tuy nhiên, bà Mùi đã không đi, mà chỉ cho hai người con là Bình và Chiến sang đó. Bình và Chiến được đưa xuống Hà Nội cùng 800 đứa trẻ để làm thủ tục về Marốc.
Tuy nhiên, khi máy bay chuẩn bị cất cánh, người ta điểm danh thấy thiếu hai đứa trẻ. Rồi một buổi tối, bà Mùi thấy hai đứa con của mình ba lô túi xách, quần áo bẩn thỉu, mặt mũi nhem nhuốc tìm về nhà.
Bình bảo: “Chúng con thương mẹ và em không ai nuôi dưỡng nên không đi nữa”. Bà Mùi ôm hai đứa con vào lòng khóc nức nở...
Bà Nguyễn Thị Tuệ |
Vừa rồi, vợ chồng anh xin nghỉ mất sức và mua lại 1,5 ha chè của nông trường Sông Lô, ở xã Quế Lâm (Đoan Hùng) để cải tạo thành trang trại. Mỗi năm, vợ chồng anh cũng có thu nhập 30-40 triệu đồng. Mức thu nhập ấy ở miền núi là khá.
Người con út Lê Văn Đường là khá giả nhất. Anh Đường được Nhà nước ưu tiên cấp cho miếng đất ở ngay mặt đường. Vợ chồng anh chịu khó làm ăn, buôn bán nên cuộc sống khá no đủ.
Trong ba anh em, chỉ có anh Chiến còn khó khăn. Hiện tại, vợ chồng anh vẫn đang làm công nhân ở Cty chè Phú Bền. Lương công nhân chè ba cọc ba đồng, chỉ đủ cho cuộc sống tằn tiện.
Hơn ba mươi năm nay, mỗi lần nghĩ đến ông Mizit, lòng bà Mùi lại quặn đau. Năm nào bà cũng dò la tin tức để tìm mộ chồng, mong trước lúc chết được đoàn tụ, nhưng giữa rừng già thăm thẳm, bà biết tìm ở đâu. Mấy người con thương mẹ, thi thoảng cũng tìm lên Yên Bái rồi cố gắng lục lại trí nhớ, song chỉ là vô vọng.
Đi xuyên qua thung lũng lúa chín vàng óng, chúng tôi sang sườn núi bên kia để tìm bà Nguyễn Thị Tuệ. Quê bà Tuệ ở xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội. Hồi nhỏ, nhà rất nghèo nên phải đi ở cho một gia đình giàu có ở Hà Nội. 18 tuổi, Tuệ phổng phao, xinh đẹp.
Ông chủ nhà quen một người đàn ông Marốc cao to tên là Mohamet Balasa đã giới thiệu cho Tuệ. Khi đó, Balasa đang làm trong một công trường ở Cầu Diễn. Cưới xong, hai người đưa nhau về nông trường Việt Phi 1 làm công nhân để sinh sống.
Năm 1961, Tuệ sinh bé Xuân, còn có tên là Hailiba và năm 1962 tiếp tục sinh bé Mai, còn gọi là Tamo. Ngày đó, Balasa thường xuyên được các cán bộ ở Bộ Nội vụ mời xuống Hà Nội quay phim giúp hoặc tham gia trận bóng nào đó.
Một lần, khi đội bóng của Balasa thắng, được thưởng một món tiền kha khá, anh đã mời bạn bè đi nhậu một bữa túy lúy. Lúc về nhà đi qua cầu phao, do say rượu anh ngã xuống suối chết.
Giữa lúc tưởng như tuyệt vọng, chồng chết khi vừa sinh, một nách nuôi hai con nhỏ, thì người bạn thân nhất của Balasa là Mohamet Haimet nắm tay chị bảo: “Thôi, chị đừng buồn nữa, anh ấy chết thì tôi kế vào nuôi hai cháu cho chị đỡ khổ”. Trong hoàn cảnh ấy, chị Tuệ gật đầu đồng ý.
Chiến tranh ác liệt, nông trường chuyển đi đâu, Haimet cũng theo đó. Anh chăm sóc chị như vợ mình, chăm nuôi bé Xuân và Mai như con mình đẻ ra. Hồi còn ở nông trường Việt Phi 1 dưới Ba Vì thì còn kiếm được đôi chút do đi làm thuê ở dưới Hà Nội, từ khi chuyển lên nông trường Việt Phi 2 trên Yên Bái thì khốn khó mọi bề.
Thương vợ bạn, Haimet làm đủ mọi việc từ cuốc đất, trồng ngô, trồng sắn, vào rừng lấy măng, đào củ mài... Cũng chính từ tình thương yêu vô bờ bến ấy mà năm 1968 chị Tuệ đồng ý cưới Haimet. Cuộc sống hạnh phúc, anh chị liên tục sinh thêm bé Dung, bé Đào và bé Thắng.
Vợ chồng anh Thắng, con út của bà Tuệ |
Những năm chị Tuệ ở nông trường Việt Phi 2, Haimet liên tục thư từ và gửi tiền về cho mấy mẹ con sinh sống. Tuy nhiên, từ khi nông trường Việt Phi 2 giải thể, mẹ con chị chuyển về làng Xã Hội ở Đoan Hùng thì không thấy liên lạc gì nữa, có thể do thất lạc địa chỉ, cũng có thể ông Haimet không còn trên đời này.
Bà vẫn nhớ như in lời hứa của ông trước lúc lên máy bay và đêm đêm bà vẫn mơ thấy ông, chiều chiều lại ngóng đôi mắt đục mờ sang phía trời Tây mong ông về và mang theo cả Doda cho bà.
Bao nhiêu năm nay, một mình bà ở vậy nuôi 4 người con trưởng thành và ngập tràn hy vọng gặp lại ông. Mấy người con của bà đều đẹp trai, xinh gái. Chị Xuân lấy chồng ở mãi Hà Nội, chị Mai thì lấy chồng trên thị xã Hà Giang, làm ăn buôn bán cũng khấm khá. Chị Dung xây dựng gia đình trên Yên Bái, còn anh Thắng lái ô tô và lấy vợ ở mãi thành phố Hạ Long.
Theo ông Lương Quốc Vượng, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ, làng Xã Hội, nơi tập trung, nuôi dưỡng những người vợ, con của lính lê dương bị chồng bỏ rơi hoặc chồng chết trong chiến tranh của tỉnh được thành lập năm 1976.
Khi đó, nơi đây tập trung đến 300 người vợ lính lê dương cùng cả ngàn đứa con lai. Sau một thời gian được nuôi dưỡng, giáo dục và có khả năng tự lập, những người vợ lính lê dương tìm cách về quê, xuất ngoại hoặc đi tìm cuộc sống mới ở những vùng khác.
5 người vợ lính lê dương cùng với những người con lai không có chốn nương thân nào khác thì được làng Xã Hội tạo điều kiện bằng cách chia đất đai cho để sản xuất, sinh sống.
Năm 2004, làng Xã Hội được đổi tên thành Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ, là nơi nuôi dưỡng người già cô đơn, không nơi nương tựa. Những người như bà Mùi, bà Tuệ không thuộc diện được nuôi dưỡng, nhưng với chính sách nhân đạo của Nhà nước, bà Tuệ, bà Mùi, vẫn được cấp một gian nhà và 140 ngàn đồng/ tháng.
Con cái bà Mùi và bà Tuệ đều đã có cuộc sống riêng, ai cũng muốn đón bà về chăm cháu, nhưng với hai bà, Trung tâm Bảo trợ Xã hội này đã có quá nhiều kỉ niệm, không thể rời xa được.
Chiều xuống như nhanh hơn dưới thung lũng quanh ngọn núi Yên Kiện mù sương. Bà Mùi dắt bà Tuệ mù lòa lò dò từng bước đi ra phía bờ suối Sóc Đăng để thắp hương cho bà Lan và bà Quý. Bà Quý cũng lấy chồng người Marốc và sinh được một cô con gái đặt tên là Lepbia.
Hồi chồng về nước, ông ấy mang theo cô con gái duy nhất và hứa sẽ quay về Việt Nam đưa bà sang đoàn tụ. Nhưng hơn 30 năm nay, ông ấy và đứa con duy nhất bặt tin.
Bà Quý nhớ chồng, nhớ con đến u uất, rồi sinh bệnh tâm thần. Mỗi lúc lên cơn, bà đi lang thang dọc con suối Sóc Đăng, rồi bà lăn xuống suối chết. Hai ngày sau người ta mới tìm thấy xác đem chôn.
Thân phận bà Lan cũng buồn không kém. Bà lấy chồng người Italia tên là Canaleo và sinh được 5 người con. Tuy nhiên, nỗi đau liên tiếp giáng xuống đầu bà khi 2 người con chết vì bệnh.
Hồi nghe tin chồng sắp được về nước, bà cũng thấy vui vì được theo chồng. Tuy nhiên, hồi ấy Chính phủ Italia quy định, phải ly dị vợ thì mới được về nước. Ông ấy đã ly dị bà để về nước và rồi từ bấy đến nay không thấy liên lạc gì.
Bà phải sống mấy chục năm trời trong đau khổ, dằn vặt, và rồi năm 2004, bà đã ra đi trong mỏi mòn chờ chồng. Bà Quý, bà Lan chết thì đã xong một kiếp người, nhưng bà Nga còn sống mà khốn khổ quá thể.
Bà lấy chồng mấy năm trời mà không có được mụn con. Chồng bà đã về Marốc và từ bấy đến nay cũng không còn liên lạc gì. Bà buồn chán rồi sinh bệnh tâm thần, cứ lang thang đến các chợ để xin ăn...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét